Nói về Nguyễn Văn Trương đem lệnh của vua Gia Long ra Bắc Hà trao cho Lê Văn Duyệt. Duyệt liền bảo Đặng Trần Thường: - Ngày mai ông theo lệnh vua bắt bọn tôi thần nhà Lê theo Nhạc, Huệ đánh mỗi người hai mươi hèo rồi đuổi về dân dã. Hôm sau Đặng Trần Thường sai quân giải các cựu thần nhà Lê ra nằm trước công đường chịu phạt trượng. Đặng Trần Thường hỏi Ngô Thì Nhậm: - Ngô huynh có thấy trời cao có mắt chăng? Nhậm hỏi lại Thường: - Thế nào là trời cao có mắt? Thường đáp: - Năm xưa cũng tại nơi này Nguyễn Huệ đánh tôi hai mươi hèo rồi đuổi về dân dã. Ngày nay vua tôi lại đánh Ngô huynh hai mươi hèo rồi đuổi về dân dã. Thế chẳng phải trời cao có mắt hay sao? Nhậm đang nằm, ngẩng mặt lên bảo Thường: - Năm xưa Chúa tôi đòi chém Đặng huynh. Nếu tôi không xin cho Đặng huynh thì đã mất đầu chứ đâu phải bị hai mươi roi mà thôi. Ơn không nhớ thời thôi, sao lại đem lòng kết oán? Thường cười đáp: - Nào tôi có đem lòng kết oán ông đâu. Nhưng người tài thường hay gặp nạn. Nay ông gặp nạn giống tôi ngày xưa, vậy tài tôi và ông ngang nhau vậy. Nhậm nghe thế dằn lòng không được buột miệng nói: - Tôi và Đặng huynh ngang tài nhau, nhưng chỉ có một mình tôi là biết được kế “Phạt thảo kinh xà" của Chúa tôi mà thôi. Thường cười to hỏi: - Vậy là ông vẫn tự cho rằng ông tài hơn tôi ư? Nhậm giật mình đáp: - Tôi không dám! Thường nói tiếp: - Tôi xin ra một vế đối, nếu ông đối được tôi mới phục rằng ông tài hơn tôi. Nhậm mừng thầm nghĩ: "Nó ra vế đối, ta làm bộ không đối được ắt nó sẽ không cố tình làm tội ta". Nghĩ xong Nhậm nói: - Xin Đặng huynh ra vế đối. Thường ung dung đọc: - Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai! Nhậm nóng mắt đáp ngay: - Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu, bởi thời thế, thế thì phải thế! Nghe xong Thường lẳng lặng đến gần tên võ sĩ bảo: - Lát nữa ta hạ lệnh đánh bọn này mỗi đứa hai mươi roi. Ngươi lãnh phần đánh Ngô Thì Nhậm, hãy đánh mạnh tay vào, nếu Ngô Thì Nhậm chết thì ngươi có thưởng. Đến lúc thọ hình tên võ sĩ dùng hết sức mà đánh. Ngô Thì Nhậm đau đớn hét lên rằng: - Đặng Trần Thường, hãy nhớ lấy lời ta. Ngươi hại ta chết, tất ngươi phải bị chết theo! Nhậm hét xong thổ huyết mà chết. Bá tánh thành Thăng Long biết tin ấy bàn với nhau rằng: - Đã ra lệnh tha thời thôi lại còn bảo ngầm tay chân đánh chết danh sĩ Ngô Thì Nhậm. Vua Gia Long thật là người cố chấp. Tin ấy bay về đến tai vua Gia Long ở Phú Xuân. Vua gọi Đặng Đức Siêu đến hỏi: - Đặng Trần Thường vì thù riêng phạm vào thượng lệnh làm mang tiếng đến ta, phải xử thế nào? Đặng Đức Siêu hỏi lại vua rằng: - Dân Thăng Long ngỡ đấy là lệnh của Bệ hạ nên mới đem lòng oán Bệ hạ. Vậy muốn an lòng dân xứ Bắc phải làm như thế nào? Vua Gia Long đáp: - Phải xử tội Đặng Trần Thường ở Bắc Hà. Đặng Đức Siêu lại bàn: - Nhưng Tổng trấn Bắc thành là Lê Văn Duyệt cũng phải có phần trách nhiệm. Bệ hạ nên bố cáo trong dân triệu Lê Văn Duyệt về kinh trị tội và chém đầu Đặng Trần Thường thì mới an được lòng dân xứ Bắc. Vua Gia Long bảo: - Lê Văn Duyệt vô tội, lại là bậc khai quốc công thần sao lại vô cớ mà trị tội? Siêu đáp: - Ta bố cáo với dân chúng Bắc Hà như thế để an lòng bá tánh chứ nào trị tội Lê Văn Duyệt đâu mà Bệ hạ phải ngại? Vua Gia Long lại nói: - Vậy phải làm sao để khỏi gây bất bình cho Lê Văn Duyệt và các công thần? Siêu đáp: - Bệ hạ phong Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc thành, phong Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định thành là định yên xã tắc. Vua Gia Long khen: - Ấy thật là kế sách vẹn toàn. Nói xong liền theo kế ấy thi hành. Nguyễn Văn Thành lãnh lệnh bài ra làm tổng trấn Bắc thành, đem Đặng Trần Thường ra trước dân hành quyết. Lúc đao phủ khai đao, Thường ngửa mặt than rằng: - Ngô Thì Nhậm thật đáng là bậc thầy của ta vậy! Than dứt lời đầu lìa khỏi cổ. Đặng Trần Thường bị chém và Lê Văn Duyệt bị đổi đi, dân Bắc Hà lại bàn với nhau rằng: - Việc giết Ngô Thì Nhậm là do Đặng Trần Thường trả tư thù, đến nỗi Lê Văn Duyệt phải bị vạ lây. Vua Gia Long thật là công minh chính trực. Vua Gia Long lại phong Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định thành. Các tướng khác đều được phong chức đi trẫm nhậm các phủ. Từ ấy bốn phương thiên hạ thái bình. °°° Hai năm sau, tả hữu tâu với Vua Gia Long rằng: - Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc thành được hai năm mà bốn cõi yên vui, vạn nhà no ấm. Ông ấy đi đến đâu nhân dân Bắc Hà đều ra khỏi nhà nghênh đón. Công đức của ông ấy thật là to lớn vậy. Vua Gia Long liền viết chiếu chỉ sai sứ giả ra Bắc triệu Nguyễn Văn Thành hồi kinh. Về Phú Xuân gặp vua Gia Long, Thành quỳ tâu: - Thần là Nguyễn Văn Thành, xin về phục mệnh. Vua Gia Long bảo Nguyễn Văn Thành ngồi rồi bảo: - Nay đất Bắc đã yên nên trẫm triệu khanh về giữ chức Trung quân tham mưu kề cận bên ta lo việc quốc gia. Khanh có vui lòng chăng? Thành lạy đáp: - Thần xin muôn đội hoàng ân! Nguyễn Văn Thành về đến tư dinh gặp con mình là Nguyễn Văn Thuyên đang sửa soạn bút nghiên, Thành hỏi: - Con đang làm gì đó? Thuyên đáp: - Con có hai người bạn là Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Văn Khuê ở Thanh Hoá, nổi tiếng văn hay. Con định viết một bài thơ đợi khi cha con ta về Bắc Hà đi ngang Thanh Hoá sẽ gửi thơ mời hai người ấy đến chơi. Nghe Thuyên nói xong, Thành hỏi: - Gia đình ta không phải về Thăng Long nữa. Thuyên ngạc nhiên hỏi: - Vì sao thế thưa cha? Thành kể lại sự việc vừa gặp vua xong, Thuyên nói: - Vua là người đa nghi. Con e vua thấy cha lớn quyền xứ Bắc đâm nghi sợ, nên mới triệu cha về kinh, cha phải cẩn thận mới được. Thành nạt liền: - Vua biết ta một dạ trung quân, sao ngươi dám buông lời gièm xiểm? Về sau còn tái phạm ta quyết trị không tha. Nói xong trong lòng bực bội, Thành bỏ vào phòng riêng. Còn lại một mình, Thuyên liền viết ngay một phong thư và gọi người hầu là Trương Hiệu đến dặn rằng: - Ngươi hãy mang bức thư này đến Thanh Hoá trao cho hai bạn ta. Đây là bạc lộ phí, hãy kíp đi ngay. Chẳng dè Hiệu là đứa ham rượu, sẵn bạc của Thuyên đưa làm lộ phí, Hiệu uống rượu say rồi vừa đi vừa lải nhải rằng: - Ta đi mời nhân tài đến giúp nhau xoay đổi hội cơ này! Ngờ đâu quân tín cẩn của vua nghe được lời ấy bắt lấy Hiệu, hỏi: - Ngươi vừa nói lời phản nghịch là ý thế nào? Hiệu hoảng sợ liền đưa lá thư của Thuyên và thưa: - Lời tôi nói là ở trong thư này, nào phải tôi tự đặt ra. Quan quân hỏi: - Thư này của ai. Nói mau, phải chém. Hiệu liền đáp: - Của Nguyễn Văn Thuyên con quan Trung quân tham mưu Nguyễn Văn Thành. Quân tín cẩn của vua không dám quyết bèn giải cả Hiệu lẫn thư đến gặp vua Gia Long. Vua đọc thư rằng: Ái Châu nghe nói lắm người hay. Ao ước cầu hiền đã bấy nay. Ngọc phát Kinh sơn tài sẵn có. Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay. Mùi hương hang tối xa ngàn dặm. Tiếng phượng gò cao suốt chín mây. Sơn tể phen này dù gặp gỡ. Giúp nhau xoay đổi hội cơ này. Xem xong, vua Gia Long vỗ án quát: - Quả nhiên lời nói của loạn thần. Quân bay mau bắt hết cả nhà Nguyễn Văn Thành cho ta. Quân đưa Thành đến quỳ dưới thềm. Thành lo sợ và ngạc nhiên hỏi: - Tâu Bệ hạ thần có tội gì? Vua cười gằn bảo: - Ngươi toan mưu làm phản, lại còn vờ không biết tội ư? Thành thất kinh kêu: - Oan cho thần lắm. Xin Bệ hạ chớ nghe lời sàm tấu mà bắt tội oan cho thần. Vua Gia Long liền quăng thư của Nguyễn Văn Thuyên ra cho Thành. Đọc xong Thành than: - Thuyên ơi, con đã hại cha rồi! Đoạn Thành khóc lạy thưa: - Thư này là bút tích của con hạ thần tên Nguyễn Văn Thuyên. Nhưng nó chẳng qua là trẻ con nói ngông mà thôi, xin Bệ hạ xét lại mà tha tội cho thần một phen. Vua Gia Long bảo: - Tội hay không phải giao cho viện pháp ty xét xử. Nói xong vua truyền bãi triều. Nguyễn Văn Thành chạy theo níu áo vua khóc lớn rằng: - Thần theo Bệ hạ từ thuở nhỏ, lúc còn đang long đong dựng nghiệp. Nay thần vô tội Bệ hạ không xét giùm mà giao cho pháp ty xử thì thần tránh sao khỏi tội. Bệ hạ nỡ lòng nào thấy thần chết mà không cứu! Vua Gia Long mặc Thành kêu khóc, cương quyết dứt áo mà đi. Các quan trong pháp ty thấy vậy bàn với nhau rằng: - Ta nên xét tội Nguyễn Văn Thành thế nào? - Vua giao cho bọn ta xét, tất muốn Thành phải chết. Vậy ta còn dám không tuân sao? Luận tội xong, quan pháp ty dâng bản án lên vua. Vua Gia Long bảo: - Pháp ty luận tội cha con Nguyễn Văn Thành phải chém. Nhưng ta nghĩ Thành là khai quốc công thần, vậy cho được tự xử. Nói xong vua sai người vào ngục dâng cho Thành một giải lụa, một thanh gươm và một chén thuốc độc. Thành trông thấy ngửa mặt than: - Thỏ non đã hết, chó săn phải chết. Thương thay Lê Văn Quân. Thương thay Lê Văn Quân! Dứt lời, Thành bưng chén thuốc độc uống vào thổ huyết chết ngay. Hay tin ấy Lê Chất than rằng: - Đến Nguyễn Văn Thành mà còn như thế. Một tướng cũ Tây Sơn như ta nào có đáng gì, phải liệu mà giữ mình. Đối đãi với công thần thật không ai bằng vua Quang Trung vậy. Từ ấy về sau đất nước thống nhất, bốn phương thiên hạ thái bình, không còn cảnh binh đao khói lửa. Việc thành bại là ở lòng trời. Kẻ có công, người có tội, ai anh hùng, ai tiểu nhân xin để người đời sau bình luận vậy! Đời sau có người tên Nguyễn Trọng Trì quê ở Vân Sơn, An Nhơn, Bình Định hoài cảm giai đoạn lịch sử này có viết bài thơ rằng: Loạn thế anh hùng sản xuất đa. Bắc Nam dược mã dự huy qua. Thập niên huyết chiến thành hà sự. Không thính ngư tiều tuý tửu ca!. Tạm dịch: Loạn đời sinh lắm anh hùng. Thanh gươm yên ngựa vẫy vùng Bắc Nam.Mười năm(?) máu đổ (như) mây tuôn. Người câu, hái củi ca buồn giọng say!. Quy Nhơn, ngày 1-1-2003