Từ rằng:
Thiên tử là bậc chí tôn Lẽ nào phi hậu khinh nhờn lăng nhăng Bởi vua mù điếc bất nhân Lại thêm nhu nhược, nể nang, đốn lười Chiếu văn sắc chỉ Mặc kẻ lộng hành Biến loạn cung đình Tài tình xuống dốc Giang sơn gấm vóc Thế giới hương hoa Ngoảnh đầu liếc qua Đau thương thắt ruột Thế mà cứ: Gương Võ Hậu lại toan bắt chước Thưởng cùng phạt Một mình muốn nắm trong tay Hòng dựng xây Ngàn đời công nghiệp Muôn thuở căn cơ Nhưng hoang dâm làm trò quay quắt Tội giết chồng, tột giết cả vua Muôn đội hùng binh Lâm Truy Nổi dậy phát cờ Tội thì đền tội Tiếng nhuốc nhơ, rửa bằng gì?
Theo điệu "Nội gia kiêu”
Nay lại nói chuyện Thượng Quan Uyển Nhi, từ ngày kết lầu bình thơ, danh tài nổi như sóng cồn. Trung Tôn càng thêm sủng ái, thăng lên làm tiệp dư, phục sức, ăn ở chẳng khác gì phi tử, lại thêm Vi Hoàng hậu cùng các công chúa rất vừa ý Uyển Nhi. Uyển Nhi ngày càng kiêu ngạo, ngang ngược, chẳng còn sợ ai. Trung Tôn lại đặt thêm Tụ văn quán, tuyển các công khanh giỏi văn thơ như Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Lý Kiều... khoảng hơn hai mươi người, phong cho làm Tụ văn quán học sĩ, thường xuyên ban yến ở trong nội cung để ngâm thơ vịnh phú, đua tài thi đẹp, đều sai Thượng Quan Uyển Nhi đứng ra định giá hơn kém, ghi chép thành sách, truyền vào Nhạc phủ. Vì vậy sĩ tử trong thiên hạ, tranh nhau sao chép truyền tụng, làm cho những nhà nho học chính trực, lẫn những lời công luận xác đáng đều không sao theo nổi.
Chính là:
Chẳng thân kẻ hiền lương phương chính Chỉ học câu tuyết nguyệt phong vân. Uyển Nhi lại bàn riêng với Vi Hoàng hậu cùng các công chúa, tâu với Trung Tôn, xin cho Uyển Nhi được lập phủ đệ ở ngoài cung, để tiện cho các học sĩ lui tới bàn luận thơ văn, nhân đó mà những kẻ quan viên không chút phẩm hạnh, ra vào phủ đệ lén lút rất nhiều, những mong được tiến dẫn, được trọng dụng. Uyển Nhi nhân đó mà giao thiệp với bọn thiếu niên lanh lợi, đêm hôm dẫn vào nội cung, đi lại với Vi Hoàng hậu cùng các công chúa, rất suồng sã. Lại thêm bọn triều thần như Thôi Thực, Tôn Sở Khách, trước thì đến với Uyển Nhi, sau trở thành tâm phúc của Vi Hoàng hậu cùng các công chúa.
Trung Tôn từ ngày xem đèn, lại quen thói thay đổi trang phục ra khỏi cung chơi, hoặc là đến phủ đệ của Uyển Nhi một mình, hoặc cũng đi chơi ngoài phố với Hoàng hậu, công chúa. Uyển Nhi từ ngày có phủ đệ ở bên ngoài, bọn cung nga sớm tối đi vào cửa cung coi sóc tha hồ phóng túng, mặc lời dị nghị, lại cũng chẳng ai dám thẳng thắn can gián. Chỉ riêng Hoàng môn thị lang Tống Cảnh dâng lên một mật sớ, đại lược như sau:
Hạ thần vừa nghe tiếng đồn ngoài phố rằng Thiên tử cùng Hoàng hậu, Phi tần, Công chúa cải trang trà trộn ra phường chợ để xem đèn, dân chúng trố mắt lấy làm lạ lắm! Lúc đầu hạ thần nghĩ rằng không thể có việc ấy được. Sau đó mới rõ là lời đồn không sai, thần rất lấy làm kinh sợ. Sách "Chu lễ” dạy rằng: Phu nhân mà vào chợ thì bị phạt một bức trướng, quan khanh, đại phu, sỹ nhân mà vào chợ thì phạt một tấm màn. Vua một nước mà vào chợ thì kẻ tù nhân được đại xá. Chợ búa là chốn bụi bặm huyên náo, chỉ bọn trục lợi mới lui tới, không phải là nơi đặt chân của các bậc quân tử. Xét thấy vua, thế tử, mệnh phụ, vào chợ thì đều chịu phạt, huống chi nay Hoàng đế, Hoàng hậu, Phi tần, Công chúa là bậc tôn kính, sao dám thay đổi trang phục, đoàn đoàn lũ lũ đang đêm xông vào chốn nhơ bẩn. Xưa, ba nghìn cung nữ được ra khỏi cung cấm để về nhà là do chính lệnh tốt đẹp của Thái Tông Hoàng đế, nay bệ hạ đã không theo được vết xe tốt đẹp dường ấy mà còn buông thả hàng nghìn cung nữ tha hồ ra vào đi lại, để đến nỗi nhiều kẻ bỏ trốn không thể tra hỏi gì được. Vậy thì còn thể thống gì nữa? Vả lại cung phi không thể cho ra ở nhà riêng ngoài cấm thành được, mà bề tôi bên ngoài cũng không được phép ra vào nơi ở của cung phi. Những việc đó làm nhơ bẩn quốc thể, cúi xin bệ hạ thay đổi những lỗi lầm đó, ra ngay lệnh cấm nghiêm ngặt, kiểm soát người ra vào trong cung cấm, càng không nên làm chuyện rồng vàng đổi lốt cá trắng để tùy tiện dạo chơi, cũng không nên vô cớ tụ tập yến tiệc, để bọn a dua, xiểm nịnh ngâm bậy hát càn, nhất là lũ thù nhu, con hát trà trộn vào đám triều thần, trước mắt Hoàng đế, Hoàng hậu, Cung phi, Công chúa đùa giỡn thô tục không kiêng nể gì cả, khinh nhờn cả đấng chí tôn vạn thống, làm nhục cả đến trăm quan, gây nên sự bàn tán xôn xao ngoài dân chúng vậy.
Trung Tôn xem hết không nói, không ngự phê, không gọi vào hỏi han, cũng chẳng gì thay đổi cả. Tống Cảnh không biết làm thế nào. Vi Hoàng hậu thì ngày càng ngang ngược, chẳng sợ gì nữa. Thái Bình công chúa, An Lạc công chúa từ lâu đã được phép Trung Tôn cũng xây các phủ đệ riêng bên ngoài, sắp đặt các viện riêng, đều là phường vô sỉ, hãnh tiến tìm đến để mong còn leo cao hơn nữa.
Trong phủ của An Lạc công chúa, có hai gã thiếu niên được chọn vào hàng tâm phúc, một gã họ Mã, tên Tần Khách, một gã họ Dương, tên Quân. Mã Tần Khách thì thông thạo một vài môn thuốc, còn Dương Quân lại thạo việc chế biến các món ăn. Cả hai lại đều có diện mạo rất đẹp, nên được An Lạc công chúa sủng ái, đem tiến cho Vi Hoàng hậu, lại được hoàng hậu rất thương yêu, vì vậy Tần Khách chẳng mấy chốc đã leo lên đến chức Tán kỵ thường thị. Dương Quân cũng được nhắc tới Quang lộc thiếu khanh.
Lúc này Thôi Thục cùng Tôn Sở Khách tư thông với Thượng Quan Uyển Nhi, rồi qua Vi Hoàng hậu cùng các công chúa, trước mặt Trung Tôn, lấy lời ngon ngọt khen ngợi, rằng cả hai đáng giữ chức tể tướng. Trung Tôn liền thăng Sở Khách làm Trung thư lệnh. Thôi Thực làm Đông bình chương sự. Từ đó bọn tiểu nhân dắt đàn kéo lũ tham dự việc triều đình. Trong các chức quan lúc này, vẫn còn ba chỗ trống, lắm người dòm ngó, đứng ngồi không yên, chính là chức tể tướng, ngự sử và viên ngoại lang. Lại bộ thị lang Trịnh Am nắm quyền tuyển bổ, nổi tiếng tham lam bẩn thỉu. Có người tới xin bổ dụng, đeo một trăm đồng tiền vào giày, Am hỏi tại sao, người này thưa:
- Ngày nay việc lựa chọn quan chức, không có tiền không xong!
Am nghe xong, không nói gì. Trung Tôn cũng biết chuyện, nhưng lại nghe theo lời lẽ của bọn tiểu nhân, giao mặc mọi sự cho Lại Bộ. Lại thêm những sắc phong bằng chữ đen của Thái Bình công chúa, An Lạc công chúa cùng Trường Minh công chúa, cả Thượng Quan Uyển Nhi cũng mặc sức cất nhắc quan chức.
Vua Đột Quyết là Mặc Xuyết, quấy nhiễu biên giới nhiều lần đánh bại tổng quản Sóc phương Trương Nhân Nguyên. Mặc Quyết lại ngầm liên kết với Sở Khách trong triều, hối lộ rất nhiều để Sở Khách cản trở việc bình định vùng biên cương. Giám sát ngự sử Thôi Uyển dâng sớ hạch tội ngay trước triều đình. Nguyên là phép nhà Đường, quan đại thần mà bị các quan đàn hặc, thì cứ đối mặt mà bàn cãi ngày trước mặt hoàng dế. Lần này Khách không ra đối chất, cố giấu mặt giận dữ, tâu rằng những chuyện này đều do Thôi Uyển vu cáo, Tống Cảnh mới lớn tiếng căn dặn:
- Sở Khách sao còn lớn tiếng cãi liều, rõ ràng đã phạm luật pháp triều đình.
Trung Tôn cũng phất tay áo, chẳng hỏi đến, chỉ lệnh cho Thôi Uyển cùng với Sở Khách kết là anh em để hòa giải mọi chuyện kiện cáo. Người đời kể lại, lấy đó làm chuyện cười cho vui, và gọi Trung Tôn là "Chủ hòa thiên tử”.
Lúc này xử sĩ (1) Vi Nguyệt Tương dâng sớ, nói thẳng chuyện Vũ Tam Tư vào nội cung tư thông, dễ sinh chuyện nghịch loạn. Vi Hoàng hậu nghe thế, nổi giận, khuyên Trung Tôn giết đi. Tống Cảnh thưa:
- Việc Vũ Tam Tư tư thông với nội cung, bệ hạ chưa tra xét chu đáo mà đã giết người dâng sớ, thì làm sao thiên hạ phục cho được. Nếu bệ hạ giết Nguyệt Tương, thì trước hết hãy giết thần đã? Nếu không, thần không thể nào vâng mệnh được!
1 Xử sĩ: kẻ có tiếng học hành chữ nghĩa nhưng không ra làm quan. Trung Tôn truyền lệnh tha tội chết, nhưng bắt đi đày lâu dài mãi tận Lĩnh Nam.
Từ đó Trung Tôn trong lòng phiền não, hoài nghi, lệnh tra xét nghiêm ngặt việc ra vào cung cấm, bọn tiểu nhân do vậy không yên. Thái tử Trọng Tuấn thì sáng suốt đoán rằng, Trung Tôn do dự không quyết nên mọi việc sẽ chẳng ra sao. Ngay sau đó Ngụy Nguyên Trung vào nội điện trình diện. Trung Tôn liền đem dự định lập Thái nữ, phế Thái tử hỏi riêng. Nguyên Trung tâu:
- Thái tử hiện không làm điều gì thất đức. Sao bệ hạ coi nhẹ việc lớn của nước nhà. Xưa nay chưa từng có chuyện xưng Hoàng thái nữ cả. Vả lại nếu công chúa xưng là Hoàng thái nữ, thì phò mã xưng là gì bây giờ. Việc này theo hạ thần không nên vậy.
Trung Tôn nghe ra, mới bỏ không làm. Vi Hoàng hậu lẫn công chúa đều tức tối. An Lạc công chúa liền giục Vi Hoàng hậu mau giành lấy quyền chính, để mình được phong Hoàng thái nữ, nhưng nhất
thời chưa lo liệu kịp.
Một hôm Dương Quân lo việc nấu nướng xong đem vào nội cung dâng. Vi Hoàng hậu nhân đó mới gọi vào mật thất, đuổi tất cả tả hữu, ngầm bàn mưu tính kế. Vi Hoàng hậu nói:
- Lão già này gần đây hay nghe lời bọn quan lại bên ngoài, nên có ý nghi ngờ mọi việc trong nội cung, điều này không thể không lo trước đi được.
Dương Quân thưa:
- Thần trông dáng mặt nương nương rực sáng như mặt ngọc vậy. Mai kia tất sẽ vinh hạnh phú quý không lường hết, nếu mà hoàng thượng trăm tuổi, thì tất là hoàng hậu ngự triều đường mà xưng "chế” vậy, có điều gì mà phải lo lắng nhiều?
Vi Hoàng hậu ngạc nhiên hỏi:
- Nếu như lão già đã nghi hoặc, ta làm sao để chờ được đến ngày lão ta trăm tuổi cho được?
Dương Quân trầm ngâm một lúc rồi cất lời:
- Nếu đúng như lời hoàng hậu, thì việc này phải dùng mưu mẹo mới xong được.
Vi Hoàng hậu ghé tai Dương Quân:
- Có loại thuốc nào thật tốt, có thể xong được việc này không?
Dương Quân thưa:
- Thuốc thì chỉ hỏi Tần Khách là có ngay. Nhưng việc này không phải là việc nhỏ, phải chọn đúng lúc mà làm. Không có dịp làm lại một lần nữa đâu.
*
Khoan nói hai đứa ngầm bàn mưu tính kế, hãy nói chuyện Thái tử Trọng Tuấn, nghe được chuyện Vi Hoàng hậu định mưu phế nghịch, trong lòng sợ hãi, lại thêm ngờ cả Tam Tư, Uyển Nhi mưu hại, nên định làm trước để trừ nguy, liền cùng bọn liêu độc trong Đông cung là Lý Đa Tộ, kéo ngự quân đến phủ đệ của Vũ Tam Tư, gặp ngay lúc Vũ Sùng Huấn đang tiệc rượu ở đây, đều bị bắt gọn.
Thái tử rút kiếm mà chém, rồi lệnh quân sĩ băm nát thây. Tất cả già trẻ nam nữ trong phủ đều bị giết hết. Lại kéo binh lính tới phủ Uyển Nhi. Trung Tôn nghe tin hoảng sợ vô cùng, vội ra cửa Huyền Vũ, trèo lên lều cao, hiểu dụ quân sĩ, một mặt sai vi lệnh Dương Tư Trợ ra đánh Lý Đa Tộ. Đa Tộ thua, tự đâm cổ mà chết. Thái tử cũng bị giết trong đám loạn quân.
Chính là:
Thái tử trừ gian, thân bị hại Anh hùng chớ kể việc thành bại Cung cấm lúc đó mà quét xong. Làm sao Lâm Truy sau thành công? Vũ Sùng Huấn chết rồi, Trung Tôn liền lệnh cho Vũ Đình Tú nối làm phò mã, lấy An Lạc công chúa. Đình Tú chính là em ruột của Sùng Huấn, thế là em trai lấy chị dâu, luân thường bị quét sạch khỏi mặt đất. Từ đó Vi Hoàng hậu quyền hành càng lớn.
Lúc này Tham quân Hứa Chân Yên Khâm Dung dâng sớ, nói rõ việc Vi Hoàng hậu lộng quyền dâm loạn, bọn Tôn Sở Khách lắm mưu nghịch, nguy hại cho xã tắc. Trung Tôn xem xong, chưa kịp ngự phê, thì Vi Hoàng hậu dã ra lệnh giết ngay Yên Khâm Dung. Trung Tôn trong lòng bực tức, nhưng vẫn không hiện ra mặt. Vi Hoàng hậu càng nghi ngờ không yên, liền ngầm bàn với Dương Quân:
- Lão già càng ngày càng trở chứng. Hôm trước đã bàn tới việc dùng thuốc, nay nếu không làm gấp, tai họa không biết sẽ đến lúc nào mà lường.
Dương Quân thưa:
- Mã Tần Khách có một loại thuốc, uống vào thì bụng đau, nhưng miệng không nói được, nếu uống thêm nhân sâm vào, lập tức chết ngay, không để lại dấu vết gì cả.
Vi Hoàng hậu bèn nói:
- Nếu thế, hãy đem ngay thuốc vào đây!
Dương Quân cười nói:
- Sau khi công việc mà thành, phải phong cho thần làm Vũ An Quân!
Vi Hoàng hậu đáp:
- Không phải nhiều lời. Phú quý cùng hưởng?
Dương Quân liền cùng Mã Tần Khách lẻn đem thuốc độc vào cung. Vi Hoàng hậu biết rõ Trung Tôn thích ăn bánh bao nhân sữa, liền đem thuốc trộn vào làm nhân, thừa lúc Trung Tôn đang ngồi nhàn trên Thần Long điện, chưa dâng ngự thiện vội, tự thân mang bánh dâng lên, Trung Tôn ăn ngay mấy cái, ban đầu thấy bụng hơi đau, sau đó thì đau dữ dội, đứng ngồi không yên, lăn lộn trên giường.
Vi Hoàng hậu giả vờ kinh ngạc hỏi han, Trung Tôn không tài nào nói được đưa tay chỉ vào miệng. Vi Hoàng hậu vội sai ngay nội thị:
- Chúa thượng muốn uống nước, mau đem nước nhân sâm tới đây!
Thực ra nước nhân sâm cũng đã được sắp sẵn rồi. Vi Hoàng hậu cầm ngay lấy, đổ vào miệng Trung Tôn. Trung Tôn uống xong, liền không động đậy gì nữa, cứ thế đến chiều thì, Ô hô! Qua đời!
Chính là:
Thánh đế xưa đà đếm lịch quen Ơn vua, nay bánh vội dâng lên Thương thay chả chết vì tay bố Lại chết vì tay bà vợ hiền. Vi Hoàng hậu làm xong chuyện thí nghịch rồi, giữ kín không chịu phát tang. Thái Bình công chúa hay tin Trung Tôn chết đột ngột, biết ngay là có sự mờ ám, nhưng không biết làm thế nào để cho rõ ràng, nên đành phải yên lặng chờ xem, rồi cùng bàn với Uyển Nhi, thảo sẵn một di chiếu, ý muốn đưa Trương Vương lên ngôi. Nhưng Vi Hoàng hậu cùng An Lạc công chúa không chịu, đòi lập Ôn Vương Trọng Mậu. Di chiếu thảo xong liền gọi đại thần vào cung. Vi Hoàng hậu nói thác Trung Tôn mất đột ngột, có di chiếu lập Ôn Vương.
Lúc này Trọng Mậu mới mười lăm tuổi. Vi Hoàng hậu lâm triều nắm mọi việc. Tần Khách khuyên Vi Hoàng hậu bắt chước Vũ Tắc Thiên, lấy con cháu họ Vi nắm quyền binh mã trong ngoài. Sợ bọn Tương Vương cùng Thái Bình công chúa không chịu, nên muốn tìm cách trừ đi, để vọng tưởng tiếm ngôi cao. Việc này đã được bàn định, ước hẹn thời gian hẳn hoi, giữa Vi Hoàng hậu, An Lạc công chúa cùng bọn Đô tri binh mã sứ Vi ôn.
Nhưng rồi con thứ ba của Trương vương là Lâm Truy Vương Long Cơ, đã từng làm biệt giá ở Lộ Châu, bị bãi chức trở về kinh, nhân thấy bọn tiểu nhân ngang dọc, mới ngầm tụ tập bọn dũng sĩ, mưu đồ sự yên ổn cho xã tắc. Binh bộ thị lang là Thôi Nhật Dung vốn theo bọn họ Vi, nay cũng sợ tài thao lược của Long Cơ, lại thấy Sở Khách một mình nắm giữ mọi việc, biết bọn này có mưu thoán nghịch, sợ mai sau liên lụy đến thân mình; liền mật sai một nhà sư ở chùa Báo Lâm là Phổ Nhuận, tới chỗ Lâm Truy vương tố giác mọi chuyện. Lâm Truy vương cả sợ, lập tức báo cho Thái Bình công chúa biết. Mặt khác mật bàn với Nội Uyển tổng giám Chung Thiêu Kinh, Quả nghị hiệu úy Cát Phúc Thuận, Ngự sử Lưu U Cầu, Lý Tiên Phù, đều thấy phải khởi sự trước, diệt ngay lũ thoán nghịch, ai nấy đều sẵn sàng liều chết lập công. Thái Bình công chúa cũng sai ba con là Tiết Sùng Hạnh, Sùng Mẫn, Sùng Giản tới giúp. Cát Phúc Thuận còn khuyên:
- Hiền vương khởi sự, lẽ nên tấu rõ cho Tương Vương Điện hạ rõ!
Lâm Truy Vương đáp:
- Ta làm việc lớn này là vì xã tắc. Công việc thành thì thuộc về phụ vương, nếu như không, một thân ta chịu chết, không lụy đến người thân. Nay mà thưa trình, nếu được nghe thì đưa người thân vào nơi nguy hiểm, nếu phụ vương không nghe, thì hỏng cả kế lớn, chi bằng không tâu trình gì cả là hơn.
Rồi thay đổi trang phục, dẫn mọi người lẻn vào nội uyển gần nửa đêm, bỗng thấy sao sa như mưa. Lưu U Cầu thưa:
- Ý trời đã vậy, đừng để lỡ dịp!
Cát Phúc Thuận rút kiếm tranh đi trước, vào thẳng trại của Vũ lâm điển quân. Bọn Vi Ôn, Vi Tuyền, Vi Phán, Cao Tung... xuất kỳ bất ý, trở tay không kịp, đều bị Phúc Thuận giết chết. Lưu U Cầu hô lớn:
- Vi Hoàng hậu đánh thuốc độc giết chết tiên đế, mưu lật xã tắc. Đêm nay chúng ta hưng binh trừ diệt lũ thoán nghịch, lập Tương Vương để yên thiên hạ, kẻ nào ở hai lòng, mưu giúp bọn phản loạn, sẽ bị tội cả ba họ!
Bọn Vũ Lâm quân cúi đầu nghe theo, Lâm truy vương dẫn mọi người ra khỏi cửa Nam Uyển, Chung Thiệu Kinh dẫn hơn hai trăm người làm trong Nam Uyển, cầm búa xách dao đi theo, lại có thêm cả lũ vệ binh cũng tiếp ứng.
Lúc này linh cữu Trung Tôn vẫn quàn ở Thái Cực điện, nhưng không thấy Vi Hoàng hậu ở đó, Lâm Truy Vương lại kéo binh lính tới Huyền Vũ môn, phá cửa mà vào. Bọn quân sĩ túc trực bên linh cữu, hò hét ầm ĩ đi theo. Vi Hoàng hậu hoảng sợ, nhất thời chẳng biết cậy vào ai, chỉ kịp mặc một áo trong mỏng, chạy ra khỏi cửa điện, gặp ngay bọn Dương Quân, Mã Tần Khách. Vi Hoàng hậu vội kêu cứu, hai gã dìu hai bên, chạy đến Phi kỵ doanh, những hòng tạm lánh cho qua, nhưng bị ngay tướng sĩ trong doanh, chém ngay đầu Dương Quân lẫn Mã Tần Khách, rồi băm thịt nát nhừ như bùn. Vi Hoàng hậu vội van xin tha thiết, tất cả tướng sĩ đều lớn tiếng quát:
- Giết vua dâm dục, người người đều thù oán!
Nhất tề cầm dao xông lên chém loạn, Vi Hoàng hậu chết ngay dưới làn đao.
Lâm Truy vương thấy Vi Hoàng hậu đã bị giết, truyền lệnh quét sạch lũ trốn trong cung. Vũ Đình Tú cùng Vân Tòng ngủ trộm trong Ngọc thụ hiên, cũng bị Lý Tiên Phú bắt được, cho hai đứa mỗi đứa một búa. Lưu U Cầu kéo Thượng Quan Uyển Nhi đến trước mặt Lâm Truy vương. Có người tâu, kẻ đã từng cùng Thái Bình Công chúa thảo di chiếu, định lập Tương Vương, lẽ nên tha tội chết. Lâm Truy Vương đáp:
- Con tiện tỳ này vốn một phường yêu dâm, làm loạn nghịch trong nội cung, tội không thể tha vậy!
Lập tức đem chém, rồi sai Lưu U Cầu đi bắt An Lạc công chúa. Trời đã sáng rõ, An Lạc công chúa ở dinh thự riêng cách biệt hẳn, chẳng biết gì đến chuyện biến động này cả, mới trở dậy rửa mặt, tô mày trước gương, Lưu U Cầu dẫn mọi người kéo lên chém bừa, vỡ nát sọ mà chết. Tất cả già trẻ trong dinh cũng đều bị giết sạch. Tôn Sở Khách chạy trốn, ra đến cửa Thông Hóa, cũng bị tướng sĩ coi cửa bắt lại giải ngay ra chợ, chém ngang lưng. Trong ngoài thế là đều yên.
Lâm Truy vương liền đến lạy Tương Vương, tạ lỗi không tâu trình trước. Tương Vương nói:
- Xã tắc tôn miếu không đến nỗi nghiêng đổ đều là do công của con cả
. Bọn Lưu U Cầu mời Tương Vương lên ngôi. Ngay sáng hôm ấy lâm triều, Thiếu Đế Trọng Mậu lên trên điện, Thái Bình công chúa dắt tay khỏi ngai vàng mà rằng:
- Chỗ này không phải là chỗ của lũ trẻ con ngồi. Phải nhường ngay cho Tương Vương.
Thế rồi quần thần cùng tôn Tương Vương lên ngôi hoàng đế, là Duệ Tôn, đổi niên hiệu làm Cảnh Vân nguyên niên. Trọng Mậu lại quay về làm Ôn Vương. Phong Lâm Truy Vương làm Bình Vương, làm lễ tế cố Thái tử Trọng Tuấn, tặng hậu tuất cho Lý Đa Tộ, Yên Khâm Dung... Truy phục quan chức cho bọn năm người Trương Giản Thi, truy phế Vi Hoàng hậu, An Lạc công chúa làm thứ dân, lùng kỳ hết bè đảng họ Vi. Duy có Thôi Nhật Dung đã sớm ra đầu thú có công, vẫn cho giữ chức cũ, còn lại đều trị tội. Em gái Vi Hoàng hậu là Sùng Quốc phu nhân, vốn là vợ của Bí thư giám Vương Hỗ, Vương Hỗ sợ vì vợ mà mang họa, mới đánh thuốc độc giết chết vợ, rồi ra tự thú. Ngự sử đại phu Đậu Tông Nhất, vợ vốn là nhũ mẫu của Vi Hoàng hậu, tục vẫn gọi chồng nhũ mẫu là a xa. Đậu Tông Nhất ngày thường lưỡi uốn dẻo kẹo không hề biết xấu hổ, đến giờ cũng tự giết vợ mình rồi đem nạp quan.
Chính là:
Xưa nhờ thế vợ nổi uy danh Giết vợ nay mang tiếng bạc tình Học được chính tông Ngô Khởi dạy (1)
Bố nuôi, chú dượng trọng hay khinh? 1 Ngô Khởi: Người nước Vệ thời Đông Chu, một có tướng có tài, không đức. Hay tin mẹ chết không hề thương xót, Tăng Sâm đuổi không cho học nữa. Lỗ kéo quân đánh Tề, vua Lỗ sợ Ngô có vợ người Tề, sẽ không hết lòng. Ngô bèn giết vợ để được vua Lỗ dùng làm tướng. (Tầm nguyên tử điển). Cảnh Vân nguyên niên, bàn việc lập Đông cung Thái tử, Duệ tôn thấy Tống Vương Thành Khí vẫn là trưởng đích đáng ở ngôi, nhưng Bình Vương Long Cơ lại có công lớn, nên do dự không quyết.
Tống Vương liền dập đầu, khóc mà thưa rằng:
- Từ xưa đến nay chọn ngôi Thái tử, lúc quốc gia yên thì lấy con đích trưởng, khi quốc gia nguy thì lấy công làm đầu. Nay Long Cơ có công với xã tắc, thần dẫu có chết cũng không dám ngồi trên.
Lưu U Cầu cũng thưa:
- Bình Vương có công lớn. Tống Vương đã có đức nhường nhịn, xin bệ hạ hãy đền đáp công lao của Bình Vương, cũng là để tác thành cho cái đức khiêm nhượng của Tống Vương vậy.
Duệ Tôn liền ban chỉ, lập Bình Vương Long Cơ làm Thái tử. Về sau có người làm thơ, ngợi ca sự hiền đức của Tống Vương như sau:
Con trưởng là để nối ngôi Đáng khen lại biết nhường người có công Kiến Thành xưa nếu rộng lòng Thì anh em sống vuông tròn cùng nhau. Không hiểu sự thể sẽ ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.