Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Hồi 79
NHỮNG CUỘC TIẾP RƯỚC LINH ĐÌNH

Cặp mắt của Càn Long hoàng đế đang chăm chú nhìn vào trái đào lớn trên cây, bỗng thấy trái đào tự nó chuyển động, rời khỏi cành, rớt xuống, rồi lại từ từ di chuyển trên mặt đất tới bờ sông, sát ngay cạnh thuyền rồng. Đợi đến lúc trái đào nọ tới gần, ngài mới nhìn thấy bên trong nó là cả một công trình, còn bên ngoài được sơn phết một màu hồng tươi, lại có cả hai cái cánh lá xanh rờn. Khiến bọn quan viên hiếu kỳ đều đổ xô lại xem xét, ngắm nghía.
Nhưng giữa lúc họ đang ngắm nghía say mê bỗng một tiếng thanh la vang dậy, tức thì trái đào bị tách đôi ra, ở giữa để lộ một cái sân khấu nhỏ, phía trên là các tài tử đang diễn tấn tuồng cổ "Quần viên chúc thọ", trăm cái miệng xếp thành một hàng dài đồng ca khúc "Vạn thọ vô cương".
Càn Long hoàng đế nhìn xem mới biết là người đóng vai hoàng mẫu chính là Tuyết Như. Nàng Tuyết Như hôm nay xinh đẹp còn hơn thuở nào. Đã vài năm nay hoàng đế không được gặp Tuyết Như rồi, tình xưa nghĩa cũ trở lại khiến ngài không khỏi động tâm. Ngài lại nhìn một lượt toán tiên tử chúc thọ, cô nào cô nấy dầu còn nhỏ tuổi nhưng đều xinh tươi lộng lẫy…
Giữa lúc đang trong phút xuất thần, Càn Long hoàng đế bỗng thấy một cô gái buông xoã mái tóc mây, trẻ đẹp tuyệt trần, múa đôi bàn tay ăn nhịp với giọng ca réo rắt. Cô gái ca múa một lát rồi thoăn thoắt bước xuống đài, tay nâng một bình ngọc tiến gần lại cửa sổ bên khoang thuyền dâng lên hoàng đế.
Càn Long thấy nàng có cặp chân mày đen như tranh vẽ, miệng cười xinh như đoá hoa hàm tiếu, đôi mắt liếc như biển tình gợi sóng, bất giác cảm thấy như ngây như dại. Ngài còn thấy những ngón tay nõn nà như ngọc của nàng với những móng tay rất dài được gọt dũa cẩn thận, bèn cười hỏi nàng:
- Khanh đúng là tiên nga giáng thế. Trẫm không biết tiểu danh của khanh.
Cô gái nọ thấy hỏi, bèn nhỏ nhẹ tâu lên:
- Tiểu tử tiện danh là Chiêu Dung!
Nói đoạn, nàng lấy ống tay áo che nửa miệng cười, liếc ngang một cái quay đi. Càn Long hoàng đế vội hối thái giám nắm lấy chéo quần của người đẹp: Nhưng nàng đã lách mình chạy vội lên đài, ca bản "Nghê thường vũ y khúc" thế là cả đoàn ca vũ cùng nàng đồng ca tiếng ca nhịp nhàng, êm ái, khi khoan lúc nhặt, lan toả trên dòng sông.
Càn Long hoàng đế truyền chỉ: Thưởng Tuyết Như một viên ngọc như ý, một chiếc hộp đựng phấn, một cái thau rửa ngón tay đều bằng ngọc bích hà, một đôi bình vàng, một đôi trâm bằng ngọc màu xanh lục, một cái chén bằng ngọc bích xanh, một chuỗi hạt châu. Ngài cũng truyền chỉ thưởng cho Chiêu Dung một viên ngọc như ý, một đôi bình vàng, một đôi trâm bằng ngọc màu xanh lục, một chuỗi hạt châu. Ngoài ra các cô đào khác cũng đều được hoàng đế ban cho một cành trâm bằng ngọc màu xanh lục, một chuỗi hạt châu.
Nàng Tuyết Như đem cả toán tới bái lạy, tạ ơn hoàng đế bạn thưởng.
Tối đến, Càn Long hoàng đế truyền lệnh cho hai nàng Tuyết Như và Chiêu Dung lên ngự thuyền để hầu hạ ngài nghỉ ngơi.
Nàng Chiêu Dung vốn là em của Tuyết Như, tuổi vừa đôi tám, xinh đẹp tuyệt trần. Hoàng đế thấy nàng tuổi còn non, tính tình ngây thơ dễ thương nên lại càng sủng ái.
Ngày hôm sau Càn Long hoàng đế tuyên triệu Uông Như Long lên thuyền ngự, thưởng cho Long chiếc mũ đệ nhị phẩm, năm chục vạn lạng bạc và bảo về Dương Châu sớm để chuẩn bị đón giá. Uông Như Long lãnh chỉ, tạ ơn, vội vã quay về Dương Châu diễu võ dương oai. Chuyến này thực chẳng còn coi Giang Hạc Đình ra cái gì nữa.
Giang Hạc Đình thấy Uông Như Long đắc thế vênh váo, lấy làm cay cú lắm. Đình bèn bàn với nàng Huệ Phong âm thầm sửa soạn một trò vui tân kỳ bằng vạn họ Uông và quyết sẽ cho họ Uông biết tay một phen. Giang không hiểu đối phương đang mưu tính việc gì nhưng kỳ thực Uông đang ráo riết chuẩn bị một trò mới lạ khác, hấp dẫn hơn bao giờ hết, để cho thiên hạ bở vía một phen, trong dịp thuyền rồng của Hoàng đế cập bến Dương Châu sắp tới.
Hôm đó, Càn Long hoàng đế ngồi trên lầu cao, hai bên có văn võ bá quan đứng hầu. Thoạt đầu, người ta chỉ thấy trước mặt tối om như mực. Rồi dần dần một đốm lửa xuất hiện. Đốm lửa này phun tia sáng ra bốn phía. Càng phun, đốm lửa càng lớn. Bỗng một tiếng nổ lớn như xé không gian, đỏ rực khắp bầu trời, rọi sáng cả một khu đất làm trước mặt toà lầu cao. Giữa vùng ánh sáng đó hiện rõ một cây đại thụ, khắp mọi cành đều nở rộ những đoá hoa đào. Những đoá hoa này bỗng nở xòe trong ánh sáng hồng, mỗi lúc một lớn. Nhưng chốc lát, hoa tàn cánh rụng, từ đó nảy ra một chùm trái. Những chùm trái đào này lớn phồng dần lên rồi một trái lớn nhất bỗng lìa cành rụng xuống, cũng vừa lúc cây, cành lá, tất cả đều biến mất, chẳng còn thấy bóng dáng đâu nữa. Trái đào vừa rụng xuống lại nứt toác ra làm đôi, biến thành hai cái sân khấu ở hai bên, bên này diễn tuồng Tây Du Ký có yêu ma quỷ quái biến ảo khôn lường, còn bên kia bày cảnh bửu tướng trang nghiêm, có toà sen vòi vọi tượng phật Quan Âm và bầy tiên nữ đang quỳ lạy dưới chân. Một lát sau, về phía sân khấu đóng tuồng Tây Du Ký, người ta thấy Tôn Hành Giả diễn một màn ăn trộm đào tiên, tay đang bưng mâm đào ra. Cùng lúc đó, ở phía sân khấu bày bửu tướng, người ta thấy một nàng tiên nữ giơ đôi bàn tay ngọc ra đỡ lấy chiếc mâm đào rồi dâng thẳng lên cho Hoàng đế ngồi trên lầu cao.
Càn Long hoàng đế nhìn kỹ vị nữ lang cũng lại là một trang tuyệt thế giai nhân, tóc mây buông xoã, tay áo vén cao, duyên dáng muôn phần. Người cười nói:
- Miền Giang Nam quả có nhiều người đẹp!
Câu nói đó vừa thốt ra thì một tên thái giám bước lên nắm giữ nàng lại. Thế là từ hôm đó, Hoàng đế đã có ba vị mỹ nhân, luân phiên hầu hạ đêm ngày.
Đoàn thuyền ngự thong thả chèo đi giữa dòng sông. Hai bên bờ nào quan lại, nào thân sĩ hối hả đón rước. Nhưng hoàng đế còn có thì giờ nào nữa để truyền lệnh cho bọn họ vào bệ kiến.
Đoàn thuyền ngự ra khỏi địa phận bến Dương Châu, bỗng từ hai bên bờ nổi lên giọng ca êm ái như đàn chim oanh vui đón tình xuân. Càn Long hoàng đế đẩy bức rèm cửa sổ nhìn ra. Ngài thấy hai bên bờ sông có hai đoàn phụ nữ, một đoàn mặc quần áo xanh, một đoàn mặc quần áo đỏ. Cả hai đoàn có độ trăm người, người nào cũng đều da trắng mặt hoa, yểu điêu thướt tha. Trên vai mỗi người có đeo một sợi dây thừng ngũ sắc. Một trăm dây nhỏ đó hợp lại thành hai sợi dây chão lớn được cột chặt vào cái trụ ở trước thuyền rồng của hoàng đế. Từ đỉnh trụ của mũi thuyền này tới mãi đuôi thuyền lại treo không biết bao nhiêu những lá Tiểu long kỳ bằng gấm hoa, tung bay theo gió như trăm ngàn con rồng uốn lượn trên không trung. Hai bên mạn có hai đội phụ nữ chèo thuyền - một đội là nữ ni ăn vận toàn y phục màu da cam, một đội là đạo cô, ăn mặc toàn quần áo vàng. Tất cả hai đội này, người nào cũng trau son dồi phấn, lộng lẫy muôn phần. Dưới thuyền thì chèo, trên bờ thì kéo, tiếng chèo, tiếng ca phối hợp với nhau tạo thành một khúc hát nhộn nhịp tưng bừng, vô cùng hào hứng.
Càn Long hoàng đế nhìn khắp một lượt, bất giác thở dài, cảm khoái, quay đầu hỏi bọn thái giám:
- Trò lạ này của ai vậy?
Viên tổng quản thái giám liền tâu:
- Đó là trò "Kéo râu rồng" (Long tu khiên) của nhân sĩ Giang Hạc Đình đất Dương Châu hiếu kính hoàng thượng đấy ạ!
Càn Long hoàng đế quan sát thêm một lượt nữa, thấy trên bờ có trồng khắp nơi, nào đào nào liễu. Hoa đào nở tươi một màu hồng rực rỡ, lá liễu rủ xuống mát tươi cả một vùng. Một hồng một xanh chen kẽ phô bày muôn ngàn thi vị của thiên nhiên. Chưa hết, giữa khoảng cách dưới bóng cây đào, liễu, lại còn chăng những bức tường gấm. Cứ cách một dậm đường, lại xây cất một toà cẩm đình, trong đình có đủ mùng màn chăn đệm tiện nghi không thiếu một thứ gì, Càn Long hoàng đế hỏi:
- Các toà đình ấy để làm gì vậy?
Viên tổng quản thái giám lại tâu:
- Đây là nơi sẵn sàng dành cho bọn phụ nữ nghỉ ngơi!
Càn Long hoàng đế nói:
- Phong cảnh hai bên bờ đẹp quá. Trẫm cũng muốn lên bờ thưởng thức một phen.
Viên thái giám nghe nói vội bảo ngừng thuyền. Hoàng đế bước ra phía mũi. Bá quan vội tiến lên đón giá rồi theo sau hoàng đế về ngả cẩm đình trang hoàng lộng lẫy; nào trang đài nào kính bình mới đẹp, tinh vi. Hoàng đế truyền lệnh cho bốn đoàn phụ nữ đến gần. Đoàn thứ nhất ăn mặc quần áo hồng, đó là những nàng xử nữ mày liễu mặt hoa, son trẻ ngây thơ thật dễ thương. Đoàn thứ hai ăn vận y phục màu xanh, đó là đoàn quả phụ, trang điểm nhã đạm, phong lưu đặc biệt.
Đoàn thứ ba là đoàn nữ ni và đoàn thứ tư là đoàn đạo cô, cũng phong lưu yểu điệu, làm rơi hồn lạc phách mọi người.
Càn Long hoàng đế nhìn bốn đoàn phụ nữ, lòng thấy sướng vô hạn miệng cười nói như nắc nẻ. Ngài giơ bàn tay ra vỗ nhẹ vào những chiếc cổ thoa phấn, mân mê những bàn tay búp măng màu ngà. Bọn này được vậy thì cảm thấy muôn phần vinh dự…
Càn Long hoàng đế truyền chỉ thưởng cho mỗi người một chiếc kim bình (lọ bằng vàng), năm trăm lạng bạc. Ngài còn bảo giữ lại bốn người: Trần Tứ Di, Vương Thị, Uông Nhị Cô, và Ngọc Ni.
Nàng Trần Tứ Di chỉ huy đoàn áo xanh. Tuy là một sương phụ nhưng tuổi còn trẻ, xinh đẹp phải liệt vào hạng thượng thừa. Vương Thị cầm đầu đoàn đạo cô, có một nhan sắc nghiêng thành, phong nhã thanh cao như thần tiên nơi thượng giới.
Hai nàng này được Càn Long triệu hạnh, bèn đem hết bán lĩnh ra để thửa tiếp khiến hoàng đế mê ly đến điên đảo đảo điên, không bút nào tả xiết được cái khoái lạc nữa.
Uống Nhị Cô là đoàn trưởng đoàn áo hồng. Ngọc Ni là người cầm đầu đoàn Nữ ni. Nói đến nhan sắc của hai nàng này thì đến như Trần Tứ Di, Vương Thị vừa nói trên cũng còn thua xa. Đây là cái sắc một cười đổ thành, hai cười nghiêng nước. Tất cả chị em bạn gái trong bốn đoàn thực chẳng có ai có thể sánh kịp hai nàng. Tiếc thay, đẹp đến thế mà hai nàng không được lòng hoàng thượng khiến đến nỗi một người bị chết tươi dưới hàng trăm chiếc côn lớn vụt xuống tới tấp, còn một người lại phải chết chìm dòng nước bạc vô tình.
Uông Nhị Cô vốn con gái một nhà nghèo nơi thôn quê, cha nàng làm nghề bán dưa độ nhật, mẹ nàng mất sớm. Khi còn thơ ấu, vì mồ côi mẹ, nàng phải đầu tắt mặt tối làm lụng giúp cha. Tuy đầu bù tóc rối, vất vả vì công việc nhưng cái sắc tuyệt trần của nàng cũng chẳng vì thế mà lu mờ được.
Bọn thanh niên trong xóm thấy nàng đẹp như tiên nga giáng thế, đều cảm thấy lòng mình như vương víu không thể nào bỏ qua được. Bởi thế ngày nào cũng thường có đôi ba tên, nhất là những tên vô loại hiếu sắc, cứ tới lui nhà nàng để giờ trò chọc ghẹo bướm ong. Về sau, cha nàng bực mình quá không chịu nổi, bèn tới cửa quan tố cáo. Vị quan địa phương phái sai nha tới bắt hết bọn vô lại, từ đó nàng mới được yên thân làm ăn. Nhưng cũng từ đó đến cả viên tri phủ cũng biết cái sắc đẹp của nàng là tuyệt trần hiếm có. Thế rồi nhân Càn Long hoàng đế Nam tuần, Giang Hạc Đình nhận lo chuyện tiếp giá, muốn lấy lòng ngài bèn nghĩ ra trò lạ "kéo râu rồng", và cho tay chân đi khắp nơi tìm kiếm người đẹp. Nghe tiếng Nhị Cô là một trang tuyệt sắc nên nhờ quan tri phủ địa phương đem nhiều vàng bạc đến mời nàng. Lúc đầu nàng không chịu, nhưng do người cha tham tiền, khuyên nhủ:
- Con chỉ phải đóng vai người kéo dây chứ có phải tới gặp hoàng đế đâu mà e ngại!
Uông Nhị Cô chẳng biết nói sao, đành từ giã cha già ra đi. Khi tới nhà họ Giang, nàng được mụ quản sự cho đi tắm nước bông, cho mặc đồ gấm vóc, cho tô son điểm phấn, bỗng nhiên trở thành xinh đẹp lạ lùng, có sức quyến rũ không ngờ. Do đó, mụ quản gia cho nàng làm trưởng đoàn áo hồng.
Hôm đó Càn Long hoàng đế triệu Trần Tứ Di và Vương Thị vào hầu trước. Hai cô này được ngài lâm hạnh và được thưởng đến trên vạn lạng bạc. Đám phụ nữ nghe tin, ai cũng ngưỡng mộ.
Một lúc lâu sau, thánh chỉ lại hạ xuống, truyền cho Uông Nhị Cô vào bệ kiến. Đi phen này dữ nhiều lành ít, nên nàng dù chết cũng không chịu vào. Thấy không còn cách gì khác, hai tên thái giám lực lưỡng liền nắm hai cánh tay nàng kéo đại vào Vài phút sau, người ta bỗng nghe bên trong đình vọng ra tiếng khóc của Nhị Cô hết sức thê thảm. Hai tên thái giám khi nãy lại hớt hải chạy ra và kéo luôn cô gái họ Chu vào. Cô gái họ Chu nhan sắc cũng chẳng thua ai hiện làm phó đoàn áo hồng. Sở dĩ có chuyện gọi gấp cô gái họ Chu này là vì Nhị Cô tuy được gặp hoàng đế nhưng nhất định không chịu chiều ý ngài cho nên nàng phải vào thế ngay cho ngài dùng gấp…

Truyện Thanh Cung Mười Ba Triều Tập 1 - Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 & 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Tập II - Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172