Hoài An đã được đưa về nhà với sự mừng vui của mọi người. Một chân được băng bột trắng toát, một chân vẫn còn sưng to khiến Hoài An như mất hẳn nụ cười. Nhưng vì thấy mọi người mừng vui cho mình nên chàng vẫn cố nở nụ cười gượng gạo. Bà Mai Phương vuốt má Hoài An:
- Bác lo quá chừng. Xem như tai nạn qua khỏi rồi đó tụi bây. Bác đã nói mà có đứa nào nghe đâu. Cứ chạy xe với tốc độ máy bay là phải chịu thế thôi. Con à! Bác sĩ bảo khi nào mới đi đứng trở lại bình thường vậy?
- Dạ, chắc khoảng hai hoặc ba tháng.
- Em lại thích anh bị lâu thật lâu, để ở nhà chơi với em.
Đan Trọng cốc vào đầu em:
- Chỉ tài nói bậy không hà.
- Hứ! Làm gì lựa em ăn hiếp hoài vậy? Nghĩ chơi với mấy anh luôn.
Mai Thi ngúng nguẩy bỏ đi. Bà Mai Phương nhìn theo lắc đầu:
- Đừng ghẹo em tội nghiệp nha mấy con. Nó ở nhà có một mình, thấy buồn nên nó mới mong ước bậy bạ vậy đó. Trúc Đào à! Con bảo chị Ba dọn phòng dưới này cho Hoài An để nó dễ dàng đi lại.
Đan Trường quay qua nháy mắt với Trúc Đào.
- Mẹ bảo kìa, đi mau lên.
- Vâng.
- À quên! Con phụ chị Ba dọn cơm lên ăn, lên phòng mời ba con luôn. Giờ này chắc ông ấy đang say sưa đọc báo.
Miệng thì nói thật ngọt ngào, nhưng đôi mắt bà nhìn Trúc Đào, chỉ hai người mới hiểu đôi mắt đó chứa đựng những gì.
Trúc Đào cúi mặt bước đi. Đan Trường vô tình nhìn sang, chàng cau mày khi thấy cử chỉ không bình thường của Trúc Đào. Lòng Trường thầm nghĩ:
- Tại sao mẹ sai mà nàng làm với thái độ không vui? Nhất định tối nay phải hỏi rõ ràng mới được.
- Hoài An à! Con ở nhà thấ này, ở công ty chỉ có một mình Đan Trường, mẹ thấy không an tâm chút nào.
- Đã còn có con đây chi Mẹ.
Đan Trọng vênh mặt, tay cầm trái táo ăn ngon lành. Bà Mai Phương gõ vào đầu cậu con trai:
- Con chỉ giỏi làm hộ tống cho ba thôi. Mẹ sợ làm kinh tế con không bằng ai.
- Mẹ kìa! Mẹ khinh con đó hả? Chưa chắc có ai qua được Đan Trọng này đâu nha mẹ.
Đan Trường xen vào.
- Mẹ à! Hãy để cho Hoài An yên ổn dưỡng bệnh. Còn An, cậu đừng lo, có Đan Trọng nó cũng giúp mình chút ít mà.
Hoài An thở dài:
- Nói như vậy nhưng lo thì vẫn cứ lo. Hay là mỗi sáng cậu chịu khó cõng mình vào công ty làm việc.
Đan Trường bật cười:
- Có phải cậu chê Đan Trường này bất tài phải không?
- Ai bảo Đan Trường bất tài, người ấy thật thiếu sáng suốt.
Mọi người cùng quay lại.
- Ờ. Anh Hải Đăng! Anh đã đến rồi sao? Cứ ngỡ anh đã quên tất cả rồi chứ.
Hải Đăng bước vào quần áo tươm tất, miệng cười nói huyên thuyên:
- Anh vào bệnh viện, cô y tá cho biết Hoài An vừa về, anh vội vã đến ngay đó. Hoài An! Em đã khỏe nhiều chưa?
Hải Đăng bước đến xoa xoa vào chân đau của Hoài An tỏ vẻ thương yêu.
- Chắc là đau lắm hả? Tội nghiệp em quá, ráng mau lành bệnh, anh sẽ dẫn đi nhiều nơi rất lý tưởng.
Hoài An cười giả lả:
- Nam nhi chi chí, một chút xíu có thấm thía vào đâu.
- Các con lại nói bậy bạ nữa rồi. Nam nhi, nữ nhi gì cũng vậy? Cẳng chân dập hết còn bảo không thấm thía gì.
- Chào bác, con mới đến.
- Ờ. Các con à! Chúng ta vào phòng ăn đi. Trúc Đào và chị Ba đã dọn xong rồi.
Hải Đăng nghiêng đầu kiểu cách:
- Con đúng là có lộc ăn thật mà.
Hải Đăng bước đến đẩy xe lăn cho Hoài An. Mọi người lục đục đi vào để ăn mừng ngày Hoài An xuất viện. Không khí ấm cúng vô cùng, sự vui vẻ làm Hoài An xúc động vô bờ. Ông Trình nâng ly rượu lên cao chúc mừng ngày bình phục của Hoài An. Mọi người chạm cốc và cùng nhau uống cạn.
- Trúc Đào! Sao con không ăn mà lại ngồi thừ ra vậy.
Bà Mai Phương lấy chén múc cho Đào chén xúp thật đầy.
- Mẹ thấy con dạo này biếng ăn lắm đó nghe. Ngày mai mẹ sẽ hốt thuốc bắc cho con uống, loại thuốc đó uống vào ăn và ngủ nhiều lắm.
- Mẹ lại cưng Trúc Đào hơn con rồi đó. - Đan Trường chen vào nhìn Trúc Đào với ánh mắt trìu mến.
- Xấu lắm nha con. Ai lại đi ganh tị với vợ.
Mai Thi nhăn mũi:
- Quê thật đó. Ganh ai hỏng ganh, đi so bì với vợ mình, thật là quê!
Mọi người nâng ly, lại uống cạn trong tiếng cười đùa vui vẻ. Chỉ riêng Trúc Đào, nàng thấy nỗi đau như tăng lên gấp bội. Đan Trường ơi! Làm sao anh hiểu được sự thật tàn nhẫn đến phũ phàng.
oOo
Trúc Đào bước đến mở tung cửa sổ, ánh nắng tràn vào phòng rọi thẳng vào mặt Đan Trường khiến chàng choàng tỉnh.
- Đào à! Em không nhớ hôm nay là chủ nhật sao mà thức sớm thế?
Trúc Đào quay lại mỉm cười, nàng vẫy Đan Trường:
- Anh lại đây, em chỉ cái này đẹp lắm.
- Thôi đi. Anh chỉ muốn em đến đây nằm cạnh bên anh.
- Đừng có ham. Em không bị anh dụ đâu. Mau lại đây xem nè.
Đan Trường vươn vai, càu nhàu:
- Em thật là phá đám quá đi, đang ngủ ngon thấy mồ! Đâu cái gì làm em thích thú đến như vậy.
Theo tay Trúc Đào chỉ, Đan Trường nhún vai:
- Lại những đóa hồng nhung nữa phải không? Em ơi là em! Sao em lãng mạn như thế chứ?
Trúc Đào làm mặt giận:
- Nói người ta lãng mạn, vậy chớ ngày xưa ai mỗi ngày đem vào phòng làm việc ba đóa hồng để thầm tỏ tình kia chứ.
Đan Trường cười vang:
- Đủ rồi, đủ rồi. Anh đồng ý thua em một không. Nè! Nhìn hoa hồng hôm nay em thấy có gì lạ không?
Trúc Đào tròn mắt:
- Lạ gì đâu hở anh?
- Đó, cạnh khóm hoa hồng còn có anh chàng thương binh đang thả hồn theo mây gió.
Trúc Đào nhìn xuống và bật cười:
- Lại là Hoài An. Không biết anh ấy ra vườn hoa lúc nào? Em mãi ngắm hoa nên đâu có thấy.
- Hình như sáng nào, anh cũng thấy chàng ta cố lăn xe đi vòng vòng, đôi chân phiêu bạt mà giờ này bó gối như vậy làm sao mà chịu nổi. Kìa kìa, anh ta linh tính có người đang nói xấu nên nhìn lên kìa.
Đan Trường đưa tay vẫy vẫy Hoài An, cùng lúc bà Mai Phương bước ra. Không biết Hoài An nói gì mà đôi mắt bà rọi thẳng vào phòng Trúc Đào. Rút vào thật nhanh, Trúc Đào khều Đan Trường:
- Anh vào sửa soạn đi. Chúng mình đi cho sớm anh à. Chúng mình xuống xin phép mẹ trước đi anh.
Trúc Đào chợt buồn:
- Sao em sợ mẹ không đồng ý quá.
- Mẹ dễ thấy mồ, em không biết hay sao mà lại vu vơ như vậy? Vợ anh, anh có quyền chứ bộ. Hôm nay, cả hai chúng mình sẽ cùng đi khám bệnh.
Trúc Đào chỉ cười thay cho câu trả lời.
- Để vừa lòng em, anh xuống xin phép trước nha.
- Vâng, anh xuống trước đi để em ủi quần áo.
Đan Trường hôn vào má Trúc Đào trước khi bước đi. Còn lại một mình Trúc Đào nằm thừ ra nghĩ ngợi. Nếu không thoát được ra ngoài. Ôi! Nghĩ đến đôi mắt lạnh lùng của bà Mai Phương, nàng cảm thấy sợ hãi. Đôi mắt ấy cứ ám ảnh nàng hằng đêm. Nước mắt chợt ứa ra, những lời nặng nhẹ của mẹ chồng chợt vang lên rõ ràng. Trúc Đào bịt tai lại chua xót cho thân phận mình. Tình trạng này kéo dài, không biết nàng sẽ xử sự ra sao, làm sao sống mãi trong cảnh thế này. Nhưng nàng phải làm gì khi tình yêu nàng đối với Đan Trường quá sâu đậm, nàng không thể sống thiếu chàng dù trong phút giây. Trúc Đào cố nén dòng nước mắt vào lòng, không thể nào để cho Đan Trường nghi ngờ. Nàng uể oải bước đến chiếc tủ, soạn quần áo chuẩn bị cho cuộc đi chơi làm nàng thấy lo âu.
Trong khoảng sân đầy nắng, bà Mai Phương đang cùng Hoài An trò chuyện vui vẻ. Hai người xem ra có vẻ tâm đầu ý hợp, mỗi người một câu hết chuyện này sang chuyện khác.
- Chào mẹ, đêm hôm qua mẹ ngủ có ngon không? Hoài An vết thương còn nhức nhối nửa không?
Bà Mai Phương nhích người sang, bà kéo Đan Trường ngồi xuống cạnh bà:
- Hôm nay chủ nhật, sao con thức dậy sớm thế? Lại ra tận ngoài này tìm mẹ, có chuyện gì phải không?
- Đâu có gì, con thấy mẹ và Hoài An ngồi đây nên con ra chơi. Hoài An! Cậu có cần đến bệnh viện nữa không?
Hoài An mỉm cười:
- Mình hiện giờ xem như trở lại bình thường rồi, không còn đau nhức nữa, chỉ chờ ngày tháo cái chân bột nặng nề này ra thôi.
- Ngỡ cậu đến bệnh viện để tái khám, sẵn chút mình đi sẽ đưa cậu đi luôn. Mẹ à! Con nói mẹ nghe điều này.
- Gì vậy con? Mẹ biết ngay mà, nếu không sức mấy mà con đi tìm mẹ.
Đan Trường đưa tay gãi đầu:
- Mẹ kỳ quá! Cứ nghi ngờ lòng tốt của con.
- Thôi, có chuyện gì thì nói mau đi, ông con.
- Dạ, số là như vầy. Hoài An cậu nghe xem mình tính toán như vầy có được không?
- Nếu đây là chuyện riêng của gai đình, mình xin phép đi vào.
Đan Trường nhăn mặt:
- Cậu nói như vậy là mình giận đó. Cậu không phải là người trong gia đình hay sao?
Bà Mai Phương gật đầu ra vẻ đồng tình với lời nói của Đan Trường.
- Từ nay, con không được khách sáo như vậy nữa nghe Hoài An. Hai bác từ lâu đã xem con như là con ruột. Con không nhận biết điều đó sao. Nè, Đan Trường! Con hãy nói mau đi.
- Dạ, con định cho Trúc Đào đi học may, để cô ấy ở nhà hoài cũng tội nghiệp, mẹ có đồng ý không mẹ?
Một thoáng do dự, nhưng bà Mai Phương tươi cười thật tươi:
- Có như vậy mà mẹ nghĩ không ra. Đúng là lớn tuổi, chỉ thích yên ổn ở nhà nên mẹ quên nghĩ đến Trúc Đào. Đan Trường! Con cứ đưa vợ con đi học may, nếu như vợ con thích nhé.
- Dạ, con xin cám ơn mẹ. Còn thêm một chuyện nữa, hôm nay con và Trúc Đào sẽ đến bác sĩ để hỏi thăm tại sao đến giờ này mà chúng con vẫn chưa có bé bi đó mẹ.
Bà Mai Phương tròn mắt:
- Vậy chứ không phải... hai đứa chủ động trong chuyện này sao?
Đan Trường nhìn Hoài An rồi bật cười:
- Sao mà lại như vậy được hả mẹ? Con biết ý thích của mẹ. Vả lại, con và Trúc Đào cũng thích trẻ con lắm, chẳng biết trong hai đứa phần trục trặc thuộc về ai. Thôi, chào mẹ con đi. Mình đi nhé Hoài An.
Bà Mai Phương lặng người suy nghĩ. Cái con bé này thật là quỷ quái! Không biết nó định dùng đến chiêu bài gì nữa đây. Hừ! Cho dù mi có bốn tay, bốn chân, bốn mắt, mi cũng không thể nào qua mắt được ta. Mi đừng hòng! Hoài An ngạc nhiên trước thái độ của bà Mai Phương, nhưng thấy không tiện hỏi nên chàng đành làm ngơ.
*
Ông Nhân nhìn chằm chằm con gái làm lòng Trúc Đào rối như tơ vò, nàng giả lả cười tươi:
- Ba à! Dạo này con hơi bận nên ít về. Nay mai con lại đi học may. Nếu ba cần đến con, ba gọi Tuyết đến gọi con nha ba.
- Sao Đan Trường không vào nhà, nó đi đâu nữa vậy con?
- Ảnh bảo sẽ đi mua cho ba ít đồ để bồi dưỡng.
- Cái thằng bày biện quá. Tuần rồi thằng Bảo về, nó trông con quá chừng. Tội nghiệp nó nhớ con nên rủ con Tuyết đến thăm con nhưng ba không cho.
- Sao vậy ba? Ba kỳ quá! Lâu lâu nó mới về mà ba lại cản ngăn như vậy, thế nào nó cũng buồn cho ba xem.
- Cứ mặc nó. Quan niệm của ba, ba phải giữ. Ba nói con đừng giận. Phải chi gia đình Đan Trường ngang hàng như gia đình ta, chuyện gì cũng dễ. Đằng này như con đã thấy....
- Nói như ba, phải chi lúc trước con lấy chồng nghèo thì bây giờ, con sung sướng hơn.
Chợt thấy mình lỡ lời nên Trúc Đào im bặt, nàng lái câu chuyện theo hướng khác:
- Tuyết có thường sang bên đây chơi không ba?
Không trả lời câu hỏi của Trúc Đào, ông Nhân nhìn nàng với đôi mắt buồn buồn:
- Đào! Con hãy nói thật với ba. Lý do gì con ít về thăm ba? Dạo này nhìn con nhu người mất hồn, đôi mắt trũng sâu, gương mặt gầy ốm xanh xao. Đã có chuyện gì, hãy nói cho ba nghe đi con.
Trúc Đào vuốt lưng ông Nhân, nhoẻn miệng cười:
- Tự nhiên ba lại ghép cho con nhiều bệnh tật kinh khủng. Chẳng có gì đâu ba, sở dĩ con ít về vì mẹ chồng con đang bị bệnh, ba thông cảm cho con. Chẳng lẽ... con đúng là khó phân xử vì cứ hay thức đêm canh chừng nên con ốm đó mà.
Nhìn vẻ hồn nhiên của Trúc Đào, ông Nhân tin lời ngay:
- Vậy mà không chịu nói làm ba lo quá trời. Đan Trường đã về rồi kìa con.
Sợ Đan Trường vào nhà, ông Nhân hỏi chuyện sẽ biết mình nói dối nên Trúc Đào chạy ào ra:
- Anh à! Anh để xe ngoài này đi. Chúng mình đi ngay kẻo trễ.
Đan Trường dựng xe, chàng xách chiếc túi lỉnh khỉnh các hộp trà, sữaa cùng Trúc Đào bước vào.
- Chào ba.
- Ờ. Con. Mai mốt đến là vào nhà, không được đi như vậy nữa nghe.
- Ba ơi! Hôm nay tụi con có việc nên phải đi ngay. Hôm nào rảnh, chúng con sẽ về chơi với ba cả ngày.
- Nếu bận, các con cứ đi đi.
Đan Trường chào ông Nhân cùng Trúc Đào bước đi. Nhìn hai người tay trong tay, nói cười trong niềm hạnh phúc, ông Nhân cảm thấy sung sướng cõi lòng.
oOo
Gương mặt Đan Trường hằn lên sự đau khổ, thất vọng, chàng nói như mếu.
- Mẹ... con không ngờ... không bao giờ ngờ... con đã kiên nhẫn chở vợ con đi cùng khắp thành phố này, các bác sĩ nổi tiếng đều lắc đầu chia buồn cùng con.
Bà Mai Phương thảng thốt:
- Sao thế con? Trường! Hãy nói mau cho mẹ nghe, mẹ thấy lo lắng lắm.
Đan Trường đau buồn:
- Vợ con... mắc chứng bệnh vô sinh.
Trong lòng bà Mai Phương cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra lo lắng:
- Đan Trường! Con nói thật sao? Vậy là hy vọng của mẹ xem như tan tác rồi, phải không con? Tội nghiệp cho hai đứa con, trời cao sao nỡ đành.
- Mẹ ơi! Con xin mẹ đừng xúc động quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đan Trường lắc đầu chán nản:
- Không đâu mẹ. Một hai người nói ta còn hy vọng, đằng này đã đến tất cả bệnh viện phụ sản, các bác sĩ chuyên khoa. Xem như không còn hy vọng nữa đâu mẹ ạ.
- Trúc Đào sao rồi hả con?
- Con không thể nào chịu nổi cái cảnh nhìn cô ấy khóc nên mới đi tìm mẹ. Mẹ à! Bây giờ con phải đến công ty. Mẹ giúp con đến an ủi Trúc Đào giùm con. Mẹ cứ bảo bệnh này rồi sẽ được chữa trị cho cô ấy đừng tuyệt vọng.
- Con cứ đi. Mẹ sẽ sang thăm Trúc Đào.
Tiễn Đan Trường ra cửa, bà quay vào với nét mặt hầm hầm. Đi ngang Hoài An, bà cũng không nhìn thấy. Những bước chân bà nặng nề như trút tất cả sự nóng giận xuống nền gạch bông bóng loáng làm Hoài An ngỡ ngàng.
Trúc Đào cứ vùi mặt vào gối, mặc cho dòng nước mắt cứ tuôn trào. Nàng đoán biết rồi đây bão táp sẽ ập đến với nàng. Tại sao chỉ ước mơ của người phụ nữ tầm thường, nàng cũng không thực hiện được.
- Cộc... cộc.. cộc...
Trúc Đào chưa kịp ngồi dậy, cánh cửa đã mở toang. Bà Mai Phương bước vào với nụ cười nửa miệng:
- Sao? Thật là khéo. Màn kịch cô đóng chỉ qua mắt được thằng Đan Trường thôi, chứ làm sao qua mắt được bà già này. Nè! Nó đi đến công ty rồi, hãy ngồi dậy và la hét thật to vì cô đã hoàn toàn thành công trong vai diễn của mình. Hãy cười đi. Đóng vai trò ủ dột trông cô thật tuyệt, thảo nào Đan Trường không mảy may nghi ngờ.
- Dạ, thưa mẹ...
- Không gọi mẹ. - Bà Mai Phương vỗ mạnh tay xuống bàn làm ly tách ngã ngổn ngang - Đã nói bao nhiêu lần rồi, tại sao cô không có lòng tự trọng? Cô không xứng đáng, ngàn lần không xứng đáng gọi tôi bằng mẹ. Có nghe chưa?
- Dạ, thưa... - Trúc Đào cắn môi để khỏi bật ra tiếng khóc. - Những lời vừa qua, con thật không hiểu.
- Nói chuyện với ta mà xưng hô như thế đó à? Đừng làm tôi nổi nóng nghe. Không hiểu thật sao? Ngây thơ quá nhỉ! Để ta vạch ra cho mà xem. Trước đây vì quan hệ với quá nhiều đàn ông, có thể cô đã mắc bệnh xã hội, uống thuốc nhiều quá nên dẫn đến bệnh trạng thế này, phải không?
- Dạ không. Không phải như vậy đâu.
Trúc Đào quỳ xuống trước mặt bà Mai Phương mặt cúi gầm xuống:
- Con xin mẹ. Đừng nghĩ về con như vậy. Chỉ một lần, duy nhất một lần vì đã ở bước đường cùng, con không hề...
- Câm ngay! Nghe chữ mẹ là ta đã tức tối lên rồi. Thứ đồ hư đốn, lăng loàn mà ta lại đui mù đi rước về, lại còn làm cho nhà cô nở mày, nở mặt với mọi người. Hạng người như cô làm người ở, tôi cũng không thèm. Tôi nói cho cô biết, vì thương con trai nên tôi cố nhịn. Gia đình này nói chung và Đan Trường nói riêng, hẳn đã bị những thằng đàn ông đi qua đời cô cười vào mũi. Ôi, nhục nhã! Nỗi nhục này biết bao nhiêu nước biển mới gội rửa cho hết.
Trúc Đào cắn môi đến rướm máu mà nàng cũng chẳng hề hay. Những lời nói của mẹ chồng nàng như là nhát búa bổ vào đầu nàng. Tự ái trỗi dậy, nhưng nghĩ đến Đan Trường, nàng cũng đành lặng im chấp nhận. Cứ mặc cho số phận đi, Đào ơi.
- Đào!
- Dạ.
- Trước mặt ta, đừng bao giờ đem nước mắt ra làm vũ khí nhé. Người đang khóc chính là ta đây nè, có biết chưa?
- Dạ, biết.
- Tôi đã bảo cô rồi. Tôi không muốn cô ra ngoài xã hội để tiếp tục dấn thân vào con đường xấu xa. Tại sao cô không nghe lời tôi, lại bày ra chuyện đi học may nữa chứ, nghe êm tai quá nhỉ? Liệu mà dẹp đi nghe, Bắt đầu từ hôm nay, tất cả những vật dụng gì trong nhà này, cô đừng sờ đến. Ghê quá. Biết đâu chừng trong mình cô vẫn còn mầm bệnh.
Bà Mai Phương lách mình đi ra. Trúc Đào gào lên tức tưởi, nhục nhã. Một ngày ở lại căn nhà này, nỗi nhục sẽ tăng lên gấp vạn lần. Tại sao đời nàng phải chịu nỗi đau khổ này. Đan Trường ơi! Em không thể xa anh.
oOo
Đan Trường đang ngồi lặng im trước một xấp hồ sơ dày cộm, tinh thần uể oải, buồn bã, chàng như muốn bệnh. Nhớ đến những dòng nước mắt của Trúc Đào, chàng cảm thấy đau xé lòng. Quả thật al` nan giải, vợ chồng mà lại không có con. Ôi! Buồn biết dường nào, còn mẹ nữa, lúc nào mẹ cũng mong có được một đứa cháu nội thật bụ bẫm.
"Kẹt!". Có tiếng cửa phòng mở.
Đan Trường quay lại nhìn, mặt cau có khi nghĩ rằng sắp sửa tiếp một người khách mất lịch sự vào phòng mà không hề gõ cửa.
Thằng bé ló đầu vào mỉm cười:
- Chào chú.
- Gì đó cháu? Vào đây.
Thằng bé bước vào trên tay cầm một xấp vé số.
- Định mời chú mua hả? Thôi ngoan nhé, hôm nay chú đang buồn nên không mua đâu. Giờ này có trúng độc đắc hai ba chục tờ cũng chẳng ăn thua gì.
Thằng bé tròn mắt:
- Sao lạ vậy. Trúng số mà không ham. À, mà con quên! Con vào đây không phải để mời chú mua vé số.
Đến lượt Đan Trường ngạc nhiên:
- Vậy chứ để làm gì?
- Có một ông khách, giống Việt kiều lắm, ổng cho con tiền và bảo đưa cho cô Trúc Đào cái này. Có cô ấy ở đây không hả chú?
Đan Trường nghe lùng bùng lỗ tai. Ai lại tìm Trúc Đào? Chẳng lẽ tên khốn nạn ấy.
- Chú! Chú sao vậy? Có cô Đào ở đây hôn.
Thằng bé làm Đan Trường giật mình, chàng vuốt đầu nó.
- Cô Đào vừa đi công chuyện, cháu cứ để trên bàn đó đi. Khi nào cô ấy về, chú sẽ đưa giùm cho. À! Ông khách đó đâu rồi?
- Lúc cháu vào đây, ông ấy còn đứng bên kia đường, không biết bây giờ còn không. Thôi cháu đi nha.
Thằng bé đi khuất, Đan Trường nhào đến xé phong thư ra đọc ngấu nghiến. Gương mặt chàng biến từ hồng hào sang tái xanh.
"Đêm thật buồn.
Trúc Đào yêu dấu.
Hôm nay không còn chờ đợi được nữa nên anh mới viết thư này gởi tới em. Anh nhớ em, nhớ điên cuồng... nhớ những nụ hôn nồng cháy.... nhớ những lúc ta nằm bên nhau... hạnh phúc sung sướng ngất trời. Mười ngày trôi qua, anh đợi em ở căn phòng kỷ niệm. Em có giận anh không?
Tại sao em không đến. Hơi ấm của em vẫn còn quyện bên anh. Anh lo quá, không biết em gặp phải điều xui xẻo gì? Không dám vào nhà em, sợ ba biết sẽ la em tội nghiệp, đến công ty hoài cũng không gặp em. Năm ngày nữa anh sẽ về Đài Loan. Hãy đến với anh mỗi ngày nha Trúc Đào. Kỳ này về Đài Loan, tranh thủ để khi xa nhau chúng ta bớt nhớ nhau.
TB. Hôm cuối cùng gặp nhau em hứa với anh điều gì em còn nhớ không?
Anh, người yêu của em."
Đan Trường buông rơi lá thư, toàn thân chàng đổ sụm xuống chiếc ghế. Tại sao lại có chuyện động trời thế này? Chẳng lẽ Trúc Đào lại lừa dối ta? Mười ngày qua... Đúng là mười ngày nàng không về bên nhà, vậy là... Mỗi khi hắn từ Đài Loan sang Trúc Đào lại kiếm cớ để đến với hắn? Trời ơi! Con người hiền hậu, dễ thương như vậy, không lẽ có những hành động xấu xa, tồi bại như vậy sao? Nhưng bằng chứng rõ ràng thế này... Đan Trường vò đầu bức tai. Những lời lẽ Trúc Đào vang lên mồn một. Không ta không tin, có lẽ vì lỡ thất thân với tên khốn nạn đó nên nàng đã đem ta ra để làm bức bình phong. Nếu thật sự yêu ta, tại sao nàng lại quan hệ lén lút như vậy. Trời ơi! Nhất định ta sẽ tìm ra sự thật. Ta không chấp nhận hạng người giả dối. Đan Trường như người hóa điên, chàng la hét một mình đến khàn cả cổ.
oOo
Trúc Đào tỉnh giấc khi đồng hồ thong thả gõ ba tiếng. Trưa hôm qua Đan Trường không về nhà. Đây là lần đầu tiên khi hai người bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Chẳng lẽ chàng buồn đến độ không muốn về nhà nữa sao? Không. Không bao giờ có chuyện ấy. Chính Đan Trường đã an ủi khuyên ta đừng buồn kia mà. À! Mình sẽ gọi điện thoại đến công ty xem sao? Trúc Đào ngồi dậy, nàng nhăn mặt vì cơn chóng mặt ập đến.
Cả buổi sáng lẫn buổi trưa, nàng chưa có gì vào bụng. Nếu không có Đan Trường, chắc hẳn nàng sẽ bị chết đói trong căn phòng này. Trúc Đào gượng ngồi dậy, rót một ly nước thật đầy và uống cạn. Một chút tỉnh táo, nàng bước thật nhẹ nhàng xuống phòng khách. Nhìn xung quanh không thấy ai, nàng quay số thật nhanh.
- Alô. Văn phòng anh Trường đó phải không?
-...
- À! Thu Hương đó hả? Cho mình gặp Đan Trường một chút nhé.
-...
- Thu Hương nói sao? Anh Trường... anh ấy đi uống rượu rồi à?
-....
- Được rồi. Cám ơn Thu Hương nha.
Đặt máy điện thoại xuống, Trúc Đào muốn khóc. Lòng nàng đã hiểu lý do gì khiến Đan Trường uống rượu.
- Này! Giữa trưa im vắng lợi dụng thời cơ để hò hẹn phải không?
Trúc Đào giật nảy mình, nàng quay sang chạm phải ánh mắt sắc lạnh của bà Mai Phương. Nàng bỗng lập cà lập cập.
- Dạ thưa, con gọi điện thoại cho anh Trường xem hôm nay, sao anh ấy không về dùng cơm trưa.
Bà Mai Phương quát:
- Cô không có quyền kiểm soát giờ giấc của con tôi. Nó đi đâu là quyền của nó, cô có phải là người vợ đàng hoàng đâu mà bày đặt? Nói thì nói vậy thôi chứ làm sao tin được, gọi điện cho thằng Trường mà cô lại lấm la lấm lét như kẻ ăn trộm, bao nhiêu đó cũng đủ cho người ta nghi ngờ.
- Dạ thưa không. Con nói sự thật. Nếu không tin con, xin hãy điện đến hỏi Thu Hương.
Bà Mai Phương bĩu môi:
- Thứ tinh ranh như cô, ai mà nói lại. Có thể gọi đến khách sạn trước, sau đó mới gọi cho Đan Trường. Cô thì lúc nào chẳng có trăm mưu ngàn kế. Nghe nè. Điện thoại nhà này, không dùng cho những cuộc hẹn hò tồi bại, bỉ ổi, mai mốt ra điện thoại công cộng mà gọi, nghe chưa. Riêng Đan Trường khỏi cần cô tìm, nó biết đường về nhà mà. Lúc nào cũng muốn tạo hoàn cảnh để nó đau lòng. Hứ! Đồ yêu tinh.
Bà Mai Phương quay gót, không quên nhổ toẹt nước miếng trước mặt nàng.
Trúc Đào lảo đảo, nỗi đau như có ai cào cấu. Cả ngày giam mình trong phòng cũng không yên, vừa đặt chân ra ngoài lại gặp chuyện chẳng lành. Biết làm sao đây hở trời? Những bước chân vô tình dẫn nàng ra vườn hoa và đến trước mặt Hoài An lúc nào không biết.
Hoài An ngỡ ngàng khi nhìn thấy những giọt lệ đang lấp lánh trên má Trúc Đào. Lòng chàng chợt băn khoăn vì biết chắc chắn đã có điều bất ổn xảy ra cho người con gái mà có thời gian chàng thầm thương trộm nhớ.
- Kìa! Trúc Đào! Chuyện gì vậy?
Trúc Đào đưa tay quẹt dòng nước mắt tảng lờ:
- Tôi thật là vô ý. Anh ra đây khi nào vậy?
- Khoảng hơn mười lăm phút. Ở trong phòng hoài, bực quá không chịu được. À, Đào! Sao hôm nay Đan Trường không về dùng cơm trưa và cả Đào nữa? Bộ định tuyệt thực chờ chàng hả?
- Đâu có. Lúc trưa chóng mặt quá, nên ngủ quên luôn.
- Chị Ba không gọi sao?
- Tôi cũng không biết nữa. Nếu có gọi, tôi cũng chẳng nghe vì tôi ngủ say lắm. Nè, anh An! Để tôi đưa anh đến hồ cá chơi nghe. Chúng mình sẽ cho cá tai tượng ăn, chúng nó dễ thương lắm.
- Vâng. Nhờ Đào đẩy xe giùm.
Ngồi xuống bờ hồ, Trúc Đào thả những mẩu bánh nhỏ, mấy chú cá thi nhau nổi lên đớp lấy.
- Anh An à! Có bao giờ anh ước mơ trở thành mấy chú cá, hoặc một loài chim nào đó để mặc sức vùng vẫy trong bể nước hoặc tung cánh giữa bầu trời rộng lớn không?
Hoài An nhún vai:
- Ai lại ước mơ kỳ cục vậy? Làm người ta sướng nhất, dại gì mà thành những động vật đó để bị người ta ăn thịt.
Tuy ngoài mặt giả vờ pha trò, trong lòng Hoài An cảm thấy buồn cho Đào vì biết rằng những gì mình nghi ngờ là đúng sự thật. Chỉ nghi có điều bất ổn, chứ thật ra chàng không hề đoán biết sự thật như thế nào.
- Sao? Tôi nói vậy, Đào thấy có lý hôn? Đừng ước mơ bậy bạ, lỡ trúng vào giờ thiêng là chết đó nghe.
Trúc Đào chớp mắt, đôi mắt đỏ hoe như muốn khóc:
- Tôi cầu cho ước mơ kia sẽ biến thành sự thật. Lúc ấy tôi sẽ hóa thành chú chim bay tít tận trời cao, bỏ lại sau lưng tất cả những chán ngán buồn phiền.
(Moon xài hết một hộp tissue rùi, chịu hết nổi)
Hoài An cắn môi. Chàng nhìn Trúc Đào sau một phút do dự, chàng nói thật chậm rãi:
- Trúc Đào! Xin cô đừng cho tôi là kẻ tò mò. Theo tôi nhận thấy hình như cô đang gặp chuyện gì đau khổ lắm phải không? Tôi chẳng thể nào hiểu nổi một người sung sướng, hạnh phúc như cô mà lại mở miệng nói những câu như những người bất hạnh. Trúc Đào! Hãy can đảm trút bớt nỗi niềm với tôi, nếu cô tin tưởng. Biết đâu khi nói ra, cô sẽ thấy vơi đi nỗi đau. Hãy xem tôi như người bạn chân tình, nói đi Trúc Đào. Tôi biết chuyện này chẳng hề liên quan đến Đan Trường. Anh ấy yêu cô rất nhiều, anh chàng sẽ không bao giờ làm cho cô buồn, vậy nỗi buồn này từ đâu đến?
Trúc Đào ngồi lặng im, hai tay đan vào nhau, lòng khen Hoài An đúng là người tinh tế. Nhưng chuyện của nàng có hay ho gì đâu mà lại phơi bày ra chứ.
- Trúc Đào! Vậy là tôi không xứng đáng để làm bạn tâm sự của cô phải không?
Trúc Đào cuống quýt, sợ phật ý Hoài An nên cười giả lả:
- Anh An à! Có gì đâu, anh đừng giận tôi. Thật ra anh không hiểu nỗi buồn của tôi thật à?
Hoài An trố mắt:
- Nỗi lòng người khác, chỉ có trời mới biết được. Còn tôi chỉ là người trần tục.
Trúc Đào chợt rưng rưng nước mắt:
- Cũng chẳng có chuyện gì quan trọng lắm đâu. Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ là mình lại bị mắc chứng bệnh quái ác này. Vậy mà... nó lại nhào ngay vào tôi. Tôi khổ lắm, anh An ơi. Tôi sợ hạnh phúc sẽ vuột mất khỏi tầm tay.
Hoài An ngạc nhiên:
- Cô bị bệnh gì mà sợ hạnh phúc tan rã?
- Nhìn anh kìa. Tôi không mắc bệnh xã hội đâu mà anh sợ. Nhưng có bệnh ấy tôi lại thích hơn, đằng này tôi bị bệnh vô sinh.
Hai tiếng vô sinh vừa thốt ra Trúc Đào dã òa khóc nức nở. Hoài An luống cuống đẩy xe đến gần, chàng vỗ vai Trúc Đào nhè nhẹ:
- Đừng có khóc nữa. Vậy là tôi đã hiểu ra rồi. Cũng chẳng ăn thua gì, cô và Đan Trường có thể đến viện mồ côi xin một đứa bé về làm con nuôi mà.
- Nghĩ như anh, tôi đâu phải buồn khổ như vậy. Một chuyện buồn đã làm tôi chới với lại thêm... Ôi! Nói ra để làm gì, có lẽ đời tôi đã gắn liền với hai chữ bất hạnh rồi.
Hoài An gãi đầu, đúng là tai hại cho cái tính tò mò của mình. Bây giờ biết phải làm sao, an ủi một chút, cô nàng sẽ cho mình là kẻ vô duyên thì kỳ lắm.
- Anh An! Nếu anh có vợ, vợ anh mắc phải chứng bệnh như tôi, anh sẽ giải quyết bằng cách nào?
Hoài An gục gặc ra vẻ suy nghĩ:
- Mỗi người mỗi tư tưởng, mỗi suy nghĩ khác nhau nên cô hỏi tôi cũng khó trả lời. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ an ủi và chiều chuộng hết sức để cô ấy không buồn phiền.
Trúc Đào có vẻ ưu tư:
- Tôi mong rằng Đan Trường cũng có tư tưởng như anh.
- Đó là lẽ tất nhiên. Vì không ai hiểu tánh cậu ấy bằng tôi.
Tất cả những diễn biến xảy ra đều lọt vào mắt của bà Mai Phương, bà buồn rầu nhìn Đan Trường:
- Trường à! Mẹ đã nói hết rồi đó, tin hay không là tuỳ ở con. Mẹ buồn lắm, nhưng không muốn nhìn thấy con đau khổ, nên âm thầm chịu đựng. Nếu không khám phá ra cơn bệnh quái ác này, mẹ sẽ im lặng suốt đời. Đối với Hoài An, mẹ thương nó không thua gì con. Giờ lại xảy ra cớ sự này, me, không biết phải giải quyết làm sao. Mẹ chỉ nhìn thoáng qua, mẹ đã biết tình yêu của chúng nó thế nào rồi. Bây giờ thì mọi chuyện, con tự quyết định, nhưng phải suy nghĩ thật kỹ, để khỏi hối hận về sau.
Vốn tính hiền lành và có hiếu nên Đan Trường nắm lấy tay mẹ, nghẹn ngào:
- Mẹ! Con không ngờ mình đã đem nỗi nhục nhã này về cho gia đình, còn làm khổ mẹ, xin mẹ tha lỗi cho con. Chỉ vì tình yêu mù quáng mà sanh ra nông nỗi. Con luôn suy nghĩ tốt về mọi người, con nghĩ vợ con sẽ là một người dâu thảo, đâu ngờ...
Đan Trường lắc đầu đau khổ, những lời lẽ trong thư lại vang lên từng hồi, chàng lảo đảo bước đi.
- Con đi nghỉ nhé mẹ! Đầu óc con căng thẳng quá.
- Con không được thế này, đàn ông cần phải can đảm. Con phải nhìn thẳng vào sự thật. Nếu Trúc Đào thật sự là đứa con gái như vậy thì vứt đi cũng chẳng có gì.
- Con cũng có suy nghĩ như mẹ, nhưng đây là một cú sốc quá kinh hoàng. Con đặt hết niềm tin, mà bây giờ...
- Đan Trường! Nghe lời mẹ nhé, đừng để lộ ra dù là một chuyện nhỏ.
- Dạ, chào mẹ.
Đan Trường bước đi như người mất hồn, về phòng riêng chàng ngã ra giường, đôi mắt chàng chạm phải tấm hình đám cưới được họa lớn treo ở trên tường. Nhìn Trúc Đào với nụ cười tươi tắn, chàng chợt nổi quạu nên đá tấm hình rơi xuống nền nhà, miểng kiếng văng tung tóe. Chàng chán nản lắc đầu:
- Cuộc hôn nhân của ta chẳng lẽ lại thất bại thế này. Trúc Đào ơi! Em yêu ai? Anh, Hoài An hay gã đàn ông Đài Loan chết tiệt kia? Tại sao em lại lừa dối anh?
Gió thổi mạnh làm cánh cửa đóng lại, có lẽ ít phút nữa đây, cơn mưa sẽ làm cho những người có tâm sự buồn ray rứt, sẽ không bao giờ được yên giấc.
oOo
Minh Bảo và Tuyết ngập ngừng mãi mà chẳng dám nhấn chuông. Nhìn vẻ sang trọng, uy nghi của ngôi biệt thự hai người cứ muốn thối lui. Tuyết đẩy vai Bảo:
- Anh nhấn chuông đi, có gì mà sợ? Sao anh nhút nhát vậy?
Bảo càu nhàu:
- Nhát cái khỉ gì? Nhưng anh thấy kỳ kỳ sao ấy. Thôi, mình về đi Tuyết.
- Hổng được đâu. Em cũng nghĩ như anh, nhưng bác ở nhà nhớ chị Đào lắm. Mình đến đây mà không đem tin tức về, bác ấy thất vọng sẽ buồn nhiều cho mà xem.
Minh Bảo gật đầu:
- Anh quả là thiếu suy nghĩ. Thôi, anh nhất định rồi đây, em bằng lòng chưa?
Minh Bảo bước đến nhấn chuông và nháy mắt với Tuyết. Tuyết nhoẻn miệng cười:
- Mạnh dạnh như vậy mới được chứ.
Cánh cửa mở, chị Ba ló đầu ra dò hỏi:
- Cô cậu cần tìm ai vậy?
- Dạ, chúng em đến thăm chị Đào. Chị ấy có nhà không ạ?
Chị Ba mỉm cười gật đầu:
- Mợ Hai đang ở trên lầu. Vào đi.
Chị mở rộng cửa ra và nói:
- Vào nhà ngồi chơi, tôi gọi mợ Hai xuống liền.
Bảo và Minh Tuyết nối gót theo chị Ba, lòng mừng khấp khởi. Vừa đặt chân vào phòng khách, hai người sựng lại khi nghe một giọng nói nghiêm nghị vang lên.
- Ai gọi cổng thế chị Ba?
- Dạ, có hai cô cậu đến thăm mợ Hai.
Bà Mai Phương quay lại nở nụ cười thân thiện:
- Hai cháu mới đến đó à? Dạo này sức khỏe anh sui thế nào?
Minh Bảo lễ phép trả lời:
- Dạ, ba con khỏe nhiềi rồi. Con đi học về mấy lần mà không gặp được chị Đào nên hôm nay đến thăm. Ba con gởi lời thăm bác.
- Ờ. Con về nói lại, bác rất cám ơn. Trúc Đào xuống kìa, mấy đứa ở lại ăn cơm trưa rồi về. Trúc Đào! Dẫn em đi chơi, mẹ bận công chuyện chút xíu.
- Dạ, mẹ đi.
- Dạ thưa bác, chúng cháu sang chơi, sẵn dịp xin bác cho chị ấy về bên nhà chơi. Chiều nay con trở lại trường, lâu lắm mới về vì con phải chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp.
Bà Mai Phương nở nụ cười dễ dãi:
- Trúc Đào cứ sắp xếp đi với các em. Nếu chiều Đan Trường rảnh, mẹ sẽ bảo nó sang rước con.
Trong lòng Trúc Đào cảm thấy khó xử, nửa muốn đi nửa lại muốn không. Nếu đi, e rằng khi về bà ấy sẽ có cớ để nói, còn không thì tội cho Minh Bảo. Nàng lắc đầu. Cứ hãy hy sinh cho gia đình mình vui vẻ và ba không nghi ngờ.
- Chị Đào! Bác cho phép rồi, chị đi với tụi em nghe. - Nhỏ Tuyết hớn hở.
Trúc Đào thoăn thoắt bước đi. Và mươi phút sau ba chị em đã vui cười hớn hở ngoài đường phố.
- Nè! Bây giờ hai đứa thích ăn món gì, chị sẽ chiêu đãi.
- Em thích ăn bò viên. - Tuyết nhanh miệng.
Minh Bảo lắc đầu:
- Em không ăn.
Trúc Đào và Tuyết đều ngạc nhiên:
- Tại sao?
Minh Bảo cười khì:
- Không ăn, nhưng lấy tiền được hôn chị?
Tuyết nguýt Minh Bảo:
- Ghê quá! Đòi hỏi gì kỳ.
Trúc Đào vỗ vào đầu em:
- Được rồi. Ăn thì cứ ăn, mà tiền cũng có.
- Hoan hô chị Hai. Chị Hai thiệt là hết ý.
Tuyết dẩu môi:
- Coi cái mặt có in chữ "nịnh" rõ ràng kìa.
- Kệ tôi. Nịnh chị mình có gì là xấu.
Trúc Đào bật cười, nỗi buồn của nàng cũng được vơi đi.
- Nào! Chúng ta vào quán ăn bò vò viên theo ý thích của Tuyết đi.
Trúc Đào gọi ba tô và ba chai nước ngọt. Hai đứa ăn rất ngon miệng. Trúc Đào chống đũa nhìn với một tình thương vô bờ bến.
- Sao chị không ăn mà nhìn tụi em? Mới đi có một chút mà đã nhớ chồng rồi à? Chị Hai mẹ chồng chị hiền hậu và dễ tính quá.
Trúc Đào gật đầu, nhưng trong lòng lại thấy đau xót. Càng ngày mẹ chồng càng đối xử tệ với nàng. Dù nhủ lòng phải nhẫn nhịn vì thật ra mình cũng là người có lỗi, nhưng đôi khi Trúc Đào cũng muốn nói ra cho Đan Trường biết để sau đó ra sao thì ra. Suy đi nghĩ lại, nàng không đủ can đảm nên đành im lặng. Vết thương nhức nhối lại hành hạ, khiến Trúc Đào bỏ đũa trong sự ngạc nhiên của Minh Bảo và Tuyết.
oOo
Bà Mai Phương thì thầm với Đan Trường:
- Mẹ thấy vợ con nó vô cùng hớn hở khi có hai đứa em đến thăm. Mẹ hỏi con nhé. Lẽ ra thấy không khí gia đình buồn phiền như vầy, nó không đi mới đúng, đằng này nó mừng như hội, đi thay đồ đẹp ngay. Còn chuyện này nữa, mỗi ngày mẹ đều thấy nó và Hoài An hẹn hò nhau trò chuyện ngoài hồ cá. Chúng nó tỏ ra thân mật lắm, thiệt là hết biết.
Đan Trường bóp mạnh vào thái dương để tìm một chút cảm giác dễ chịu. Kể từ khi nhận lá thư ấy, niềm tin đặt vào Trúc Đào không còn, chàng hay nghĩ ngợi lung tung và nghi ngờ từng cử chỉ thái độ.
- Mẹ à! Bây giờ con cũng chẳng biết làm sao, sao chỉ cảm thấy hối hận vì đã làm mẹ phiền lòng.
- Đan Trường! Con đừng nên buồn, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Từ xưa đến nay chẳng ai mà chấp nhận con dâu và người vợ lăng loàn lại vừa không sinh con để nối dõi tông đường cả. Mẹ con mình phải giấu, chớ nếu ba con biết chuyện, ông ấy sẽ buồn nhiều. Thôi, con hãy đi rước vợ con đi, đừng để nó về một mình đường nguy hiểm.
- Dạ, thưa mẹ con đi.
Đan Trường điều khiển chiếc xe Dream như người mộng du. Chán ngán, buồn phiền đã làm chàng kiệt sức, tiều tụy. Những lời nói của mẹ chàng là hoàn toàn hợp lý. Nếu Trúc Đào là người con gái đoan trang, đàng hoàng, nàng không về với chàng bằng một thân xác nhuốc nhơ như vậy. Người con gái trinh tiết đáng ngàn vàng như vậy mà nàng còn không giữ được. Nếu đó là quá khứ, chàng sẵn sàng tha thứ tất cả. Giờ đây quá khứ được tái diễn. Ôi, Trúc Đào! Em thật là khốn nạn! Trong khi ta yêu em, yêu đến chết cũng vẫn còn yêu, nếu không yêu ta đâu phải nghi ngờ, khổ sở như vầy. Đan Trường chợt nhớ lời lẽ trong thư. Nàng đã hứa gì với tên Đài Loan đó chứ?
- Đan Trường! Em đi đâu như người mất hồn thế? Anh gọi mấy lần mà cũng chẳng nghe. Có chuyện gì xảy ra vậy em?
Đan Trường cười giả lả, chàng cảm thấy thẹn thùng vì sợ người khác hiểu được những suy nghĩ của mình.
- Em hơi nhức đầu nên không chú ý đến mọi chuyện xung quanh. Còn anh, giờ này đi đâu lang thang ở đây?
Hải Đăng cười vang:
- Không vợ con nên thường đi bậy bạ, thông cảm đi mà! Đan Trường! Hai anh em mình vào quán kia uống nước nhé.
Đan Trường nhìn đồng hồ thấy hãy còn sớm nên chàng tán thành. Cho xe chạy song song, hai anh em chàng cứ nói đủ thứ chuyện trên đời.
- Anh Đằng! Em thấy anh nên cưới vợ gấp đi. Càng trễ, anh càng hư người thêm mà thôi.
- Ối chà! Bây giờ tìm vợ khó như mò kim đáy biển.
- Sao lạ vậy? Thành phố mình nữ vẫn còn nhiều lắm mà.
- Đúng vậy. Nhưng đa số thích có chồng Việt kiều, còn mình made in Việt Nam chính gốc, các cô nàng sẽ gài số de. Giờ đây lại thèm model Đài Loan mới là ác liệt. Chắc là anh phải ở giá thôi.
- Đâu phải người nào cũng vậy, anh đừng bi quan. Để em làm mai Thu Hương cho anh.
Hải Đăng trợn mắt:
- Ai lại không biết trước kia cô nàng yêu em. Nghĩ lại, em cũng tàn nhẫn, không đoái hoài dù chỉ một chút thôi. Đúng là Trúc Đào có phước mấy đời nên mới gặp em.
Tim Đan Trường nhói đau. Nếu Trúc Đào nghĩ được như vậy, hai người sẽ hạnh phúc biết bao. Chuyện vô sinh đối với chàng cũng không quan trọng. Chàng tin rằng thời đại hiện nay, y học chưa hẳn bó tay. Nhưng đằng này Trúc Đào lại vướng vào cái lỗi tày trời. Ôi! Ta làm điều gì ác đức đâu mà phải gặp điều quả báo này?
- Đan Trường! Anh thấy thái độ em kỳ lắm đó. Làm gì lúc nắng lúc mưa, chạy xe như người say rượu.
Đan Trường giật mình nhìn lại, đã thấy mình muốn lấn sang lề bên kia.
- Ủa! Quá n cà phê nào mà lâu quá vậy?
- Đến ngay đdây mà. Nơi có ánh đèn xanh đỏ đó thấy chưa? Tuy mờ ảo nhưng chẳng có gì đâu, đừng hiểu lầm mà.
Đan Trường mỉm cười:
- Hiểu như anh thì em rất mừng.
- Ngày xưa chưa có vợ, em sợ mang tai tiếng. Bây giờ thì sợ gì nữa?
- Anh không biết thật sao? Giờ đây thì sợ bị ngắt nhéo.
- Nói như em, cưới vợ thì càng khổ hơn mà thôi.
- Đúng vậy. Vui cũng nhiều mà buồn cũng sâu. Đôi khi chuyện vợ chồng mình lại ảnh hưởng đến người thân.
Ngỡ rằng lời nói của mình quá bâng quơ có thể Hải Đăng không hiểu, nhưng Đan Trường đã lầm. Khi nghe những lời nói đó, Hải Đăng cảm thấy mãn nguyện. Cuối cùng, giây phút quan trọng đã đến, mày và gia đình mày sẽ không được yên vui và hạnh phúc nữa đâu.
Quẹo xe vào quán, bỗng Hải Đăng thắng gấp. Đan Trường ngạc nhiên và cũng dừng lại:
- Anh sao vậy, Hải Đăng?
- Đan Trường! Em hãy nép sát vào đây, hình như...
- Hình như gì vậy?
- Hình như Trúc Đào đang đi ra với một người nào kìa?
Như có tiếng sét bên tai, Đan Trường không nép vào mà đi thẳng. Chàng hy vọng Hải Đăng nhìn lầm. Nhưng không sự thật vẫn là sự thật, Trúc Đào đang bước song song với một người đàn ông mà Đan Trường đã đôi lần biết mặt, người khách Đài Loan có cái tên Jim. Đan Trường mơ hồ đứng không vững, nỗi ghen hờn làm chàng muốn nhào đến, bóp chết cả hai người. Nhưng phải vì thể diện và danh dự.
Trúc Đào đã nhìn thấy Đan Trường, nàng quýnh quáng gọi to, nhưng Đan Trường đã phóng xe như điên. Đằng kia Hải Đăng mỉm cười thích thú. Màn kịch do ta đạo diễn đã sắp đến hồi kết thúc, thế mới biết được tài ba của Hải Đăng này.
Cơn mưa đột ngột ập đến, Hải Đăng chạy xe trong màn mưa với một cõi lòng thật nhẹ nhàng. Ai khổ mặc ai anh chàng chả cần màng đến.