Hôm sau, lúc tỉnh dậy tôi ngớ người ra. Quả nhiên vui quá hoá buồn, hai cái bánh đã bị chuột ăn sạch. Đúng là chuột ăn chứ không phải mất cắp, vì chiếc khăn mặt cũng bị cắn thủng. Tôi khẽ vo tròn chiếc khăn rồi nhét vào túi quần. Tôi không dám hé răng, vì sợ tay "Chủ nhiệm kinh doanh" chế giễu. Chín giờ mới ăn cơm. Tôi ngồi dựa vào tấm mền đã gấp lại, gần như xỉu đi. Giả dụ hai cái bánh không bị mất thì dù không ăn tôi cũng không thấy đói. Nhưng khi sự thiệt hại to lớn ấy xảy ra đã khoét sâu sự sợ hãi, khiến tôi cảm thấy đói ghê gớm. Cái đói đã trở thành một thực thể có sức nặng, có thể tích. Nó lao ngang lao dọc trong dạ dày, réo ùng ục, gào lên với mỗi sợi thần kinh, ăn, ăn, ăn…Tôi kiệt sức, không còn bụng dạ nào để suy tư, chỉ một ý nghĩ: nhất định phải bù lại hơn thế. Lúc này, những mảnh tinh thần tụ tập lai trong đêm đã tan biến, tôi lại trở thành con sói: Tất cả để sống! Mọi người lấy cơm ở nhà ăn về, lặng lẽ ngồi ăn tại chỗ của mình. Chiếc ống bơ đã mất ưu thế. Nhà bếp ở đây hình như không bị lầm lẫn, họ tin tưởng tuyệt đối vào cái muỗng của họ, không thêm cho tôi muỗng nào. nhưng không sao, tôi đã có cách. Cơm xong, theo sự phân công của đội trưởng Tạ, một công nhân nông nghiệp có bộ mặt u ám dẫn mọi người theo đại đội ra đồng. Bác thọt lại đến, kẹp nách một cuộn giấy cũ. Bác quẳng cuộn giấy xuống, cho tôi biết hố đất ở đâu, gạch lấy ở đâu, xe cút kít ở đâu, rồi dẫn tôi đến nhà kho lĩnh một chiếc xẻng, một thùng đựng nước nhỏ, một con dao xây, và mấy thanh sắt làm ghi lò. Khi sắp đi, bác còn bảo tôi đến nhà ăn mà lấy hồ dán, bác đã nói với nhà bếp rồi. ngoài ra, nếu cần gì, có thể đến văn phòng tìm bác. Đắp bếp lò cần hai người, một chính một phụ. Nhưng tôi tự nguyện không cần thợ phụ. Đất sét và gạch rất gần, ngay chỗ đầu hồi nhà tôi ở. Còn đất để xây thì đào ngay tại sân. Ở đây là đất chua mặn, không bị cứng lại. Còn nước thì cần ít thôi, nếu không thì việc sấy khô lò cũng mất khá nhiều thì giờ. Bác thọt vừa đi khỏi, tôi vớ lấy tờ báo chạy thẳng đến nhà ăn. Sư phụ, tôi đến lấy hồ dán – Tôi vui vẻ chào bác bếp, làm như hàng ngày tôi vẫn ăn uống no đủ. Chú vào mà lấy – Bác ta ngồi sưởi nắng bên cửa ra vào, đúng là đang no nê – Đừng lấy nhiều quá! Tôi vung tờ báo nói với bác: Gói nhỏ là đủ ạ. Trên bàn cán mì, có nửa chậu bột quả có trắng đen lẫn lộn, chuẩn bị sẵn cho tôi. Tôi trải tờ báo ra, trút hết chỗ bột, lèn chặt rồi gói lại đem về. "Hồ dán!" Những người no đủ có bao giờ để ý là bột quả cỏ không có chất dính. Nếu trộn muối đem làm hồ dán thì lúc khô, giấy dán sẽ bong ra. Tôi chưa dán cửa sổ vội, cái mà tôi cần nhất bây giờ là lửa. Khi còn ở nông trường lao cải, tôi đã từng phụ việc đắp lò cho một công trình sư cấp một về năng lượng của Trung Quốc, bác ấy cũng là "phái hữu". Bác dạy tôi đắp lò bếp sao cho đơn giản nhất. Bác còn bảo rằng, chỉ cần một cái xẻng, ngoài ra không cần thứ gì khác, là bác có thể làm ở chỗ dốc một cái bếp lửa rất đượm và ít tốn củi. Cửa thông gió,chiều sâu và đường dẫn khói, là ba điểm cần đến học vấn. Tôi chạy vào chạy ra, đào đất…mồ hôi nhễ nhại. Chưa đầy hai tiếng, chiếc lò rất nguyên thuỷ nhưng cũng rất khoa học đã được đắp xong. Tôi không nghỉ một phút, đẩy xe cút kít đến cửa nhà ăn, lấy nửa xe than. Cả xe thì tôi không đẩy nổi. Trên đường về, thuận tay tôi rút mấy que củi khô ở một đống củi. Tôi run rẩy quẹt diêm, nhóm lửa. Khói và lửa lùa theo cửa thông gió. Lát sau, khói không còn nữa. ngọn lửa màu hồng nhạt réo theo đường thoát khói. Một lúc sau xoè ra như chiếc quạt trong lò, rừng rực như phun từ miệng núi lửa, đuổi nhau trong đường khói. Tôi xúc thêm một xẻng than hắt vào lò. Chiếc lò như có ma thuật bung ra làn khói đen kịt, nhưng lập tức chui tọt vào đường dẫn khói. Những lưỡi lửa vẫn ngoan cường liếm các kẽ than, vươn ra ngoài. Chưa đầy mười lăm phút sau, lửa chuyển dần sang màu đỏ sẫm, rồi đỏ tía. Đó chính là lửa của than bùn. Bước thứ hai là không để ai trông thấy tôi làm gì ở trong nhà. Tôi đến văn phòng. Bác thọt đang ngồi im như bụt mọc. Tôi không thấy tức cười về nỗi người thì làm đến vã mồ hôi, kẻ thì chẳng làm gì cả. Tôi xin bác ta một nắm đinh nhỏ, mấy mảnh các tông, một cái kéo. Chỉ cần không phải là cái ăn, bác ta cho ngay. Tôi vội vã ra về, cắt các tông thành những cái nẹp, rồi căng báo cũ lên mặt cửa sổ, tôi nẹp lại bằng những chiếc đinh. Ra vẻ chỗ trú chân rồi đấy. Nói theo cách nói của đội trưởng Tạ, đây là "nhà". Tôi làm việc theo các bước của vận trù học. Lúc này, lò đã rực lửa, khói không còn nữa. Tôi rửa sạch lưỡi xẻng rồi gác lên miệng lò, để ít bột quả cỏ vào ống bơ, cho nước vào khuấy đều rồi đổ lên lưỡi xẻng. Xẻng của vùng cao nguyên hoàng thổ là loại lưỡi phẳng, bột quả cỏ chảy lan ra bốn phía, các cạnh đều sủi bọt. Chưa đầy một phút, đã có một cái bánh nướng. Tôi vất vả cả buổi để có giây phút đẹp đẽ này đây! Tôi rán cái nào, ăn luôn cái ấy. mấy cái đầu, tôi chưa kịp thưởng thức mùi vị, nhưng càng về sau càng ngon. Nhân lúc đợi bánh chín, tôi tranh thủ lấp mấy cái hang chuột. không ngờ ở đây lại có chuột! Nông trường lao cải thì không có. Ở đó không có gì để chuột ăn được, ngược lại, chuột còn có nguy cơ bị ăn thịt. Gian nhà ấm lên. Bụng tôi ấm lên, cơ thể tôi cũng ấm lên. Tôi ngồi mơ màng bên lò. Nhưng bây giờ chưa phải là lúc ngủ gật. Tôi lôi bao Song Ngư trong túi lưới ra, rút một điếu, nắn quanh một lượt. Hay quá, không có cọng lá ở trong. Nhặt hòn than dính dưới lưỡi xẻng, tôi châm thuốc. Tôi nuốt hết,không để một sợi khói thoát ra miệng hoặc lỗ mũi. Chỉ trong nháy mắt, một cảm giác đê mê, sảng khoái lan khắp cơ thể. Nhưng không hiểu vì sao, nỗi đắng cay lại tràn ngập tim tôi. Không nên nghĩ ngợi nhiều. Tôi biết, khi bụng no thì nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cái đói. Đói cũng khổ, mà no cũng khổ, nhưng cái đau về thể xác còn dễ chịu hơn nhiều nỗi đau về tinh thần. Tôi cẩn thận dụi tắt điếu thuốc, bỏ vào bao. Tôi phải tìm việc mà làm. Thu dọn đồ nghề xong, tôi lấy giấy báo gói chỗ bột quả cỏ còn lại, treo lên tường, thêm than vào lò, cầm lấy đôi bao tay đã vá víu chằng chịt, phủi đất bụi trên người rồi bước ra khỏi "nhà".