Nhìn cảnh trời mây yên ả mà chứa đầy giông bão, núi sông hùng vĩ mà đang chứa hận thù, Nguyễn Công Trứ thầm than: Đáng nhẽ bút nghiên mà kiếm mã, Thương ôi kim chỉ cũng phong trần. Rồi đây ai còn ai mất, bao nhiêu góa phụ, trẻ thơ trên đầu chít trắng khăn tang? Tại sao cảnh này cứ phải diễn ra? Đói khổ đổ xuống đầu ai trước? Vua quan hay những vị chủ tướng, hay những người lính, những dân lành vô tội chịu đói khổ trước? Túi giang san bốn bể cũng là nhà, Nền vương thổ cả trong trời đất Việt. Nghĩ vậy có phiến diện chăng? Nghĩa của đời người là gì? Hết câu hỏi này tới câu hỏi khác cứ hiện ra trong trí ông. Nhưng khi nhận chỉ dụ lên đây, Nguyễn Công Trứ biết tên đã lên cung, kiếm được rút khỏi vỏ và không còn con đường nào khác là phải tiến lên, phải thể hiện được mình. Nguyễn Công Trứ tự động viên:
Ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoắt,
Từ mọc răng cho đến bạc đầu.
Cõi nhục vinh góp lại có bao lâu,
Ngồi thử gẫm thợ trời thêu khéo quá.
Núi tự tại, cớ sao sông bất xả,
Chim thì lông, hoa thì cánh, công đâu tạo hóa khéo thừa trừ.
Từ nghìn trước để nghìn sau,
Kết cục lại một người riêng một kiếp.
Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp,
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân, thân.
Mà chữ "danh" liền với chữ "thân",
Thân đã có, ắt danh âu phải có.
Này phút chốc kim rồi lại cổ,
Có hẹn gì sau chẳng bằng nay.
Râu mày kia hỡi râu mày.
Nguyễn Công Trứ vẫn băn khoăn về cảnh binh đao không tránh khỏi ở vùng núi non trùng điệp này. Thấy con gà, con vịt bị cắt tiết còn thương thay huống chi thấy con người bị đầu rơi máu đổ.
Nhìn địa thế và nghiền ngẫm sự việc, Nguyễn Công Trứ biết đây là việc khó, khó hơn lúc dẹp loạn Phan Bá Vành gấp nhiều lần. Nông Văn Vân nổi loạn chẳng qua vì bất mãn với triều đình. Ở điểm này, Nguyễn Công Trứ thấy triều đình xử có phần nặng tay. Nhưng nghĩ cho cùng, Nguyễn Công Trứ không biết trách ai, bởi ai cũng giữ phận mình, lo đến sự an nguy của mình. Nông Văn Vân là em rể Lê Văn Khôi – con nuôi Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành. Nông Văn Vân là con trai của tri châu huyện Bảo Lạc – huyện lớn nhất của tỉnh Cao Bằng. Nông Văn Vân thay cha làm tri châu Bảo Lạc cũng chưa có gì sai sót. Vả lại, dân miền cao là như thế. Triều đình cũng đã từng phong sắc thần nhiều nơi để quy tập dân chúng kia mà. Lê Văn Khôi nổi loạn ở Phiên An (Gia Định) là của Lê Văn Khôi, chớ tại sao triều đình cách chức tri châu của Nông Văn Vân và lại còn bắt anh ta cùng thuộc hạ sung quân? Tức nước vỡ bờ cũng phải thôi. Hơn 450 năm trước, Chiêu Văn Trần Nhật Duật tuổi còn trẻ mà đã biết chiêu dụ những thổ hào trên này để chống giặc Nguyên – Mông và đã giành chiến thắng, giữ yên bờ cõi. Bài học đơn giản, rõ ràng thế mà người có vị trí như Nông Văn Vân, triều đình lại xử lý không mấy hợp tình, hợp lẽ.
Khi nhận được lệnh phối hợp với cánh quân Lê Văn Đức, cánh quân thứ ba từ Tuyên Quang kéo xuống, Nguyễn Công Trứ biết vụ này không đơn giản chút nào. Triều đình không chỉ lấy quân ở các tỉnh phía Bắc mà còn điều quân từ miền Trung ra, đủ thấy thế và lực của Nông Văn Vân mạnh gấp nhiều lần Phan Bá Vành thuở trước. Nếu tính hết cánh quân của Tạ Quang Cự, Tổng đốc An Tịnh kéo ra phối hợp với đạo quân của Vũ Văn Từ ở Cao Bằng và đạo quân của Nguyễn Đình Phổ, Phạm Văn Điển từ Thái Nguyên kéo lên và cánh quân của ông thì đã hơn bốn nghìn quân, chưa kể dân phu và voi trận. Nhưng nhiều quân chưa phải là yếu tố quyết định để làm nên chiến thắng. Chỉ một thời gian ngắn mà Nông Văn Vân đã làm mưa làm gió các miền núi phía Bắc, nhất là khiến cho các quan đầu tỉnh Cao Bằng phải mặc triều phục, đặt hương án lễ vọng về nhà vua rồi thắt cổ chết, như Bố chánh Bùi Tăng Huy, Lãnh binh Phạm Văn Lưu. Án sát Phạm Đình Trực thì đào hố tự chôn mình cùng những bằng sắc để tạ ơn vua. Tuần phủ Hoàng Văn Quyền đi cứu viện Cao Bằng đã bị quân của Nông Văn Vân bắt sống, v.v...
Tình thế quả là bi đát! Nhưng chuyện đã vậy thì phải biết vậy và tìm cách xoay xở chớ biết làm sao. Cơm vua lộc nước không cho phép ông tính thiệt hơn. Không có Nguyễn Công Trứ thì triều đình cũng có những Nguyễn Công Trừ, Nguyễn Công Trữ gì gì đó để thực hiện nghĩa quân thần. Không có mợ chợ cũng đông, mợ đi biệt tích không mong mợ về. Do đó, ông không thể ngồi tụng kinh gõ mõ cầu quốc thái dân an giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này. Và đã nói tới chiến trận thì phải nói tới sự chết chóc. Đồng ý, nhất tướng công thành vạn cốt khô, nhưng cái giỏi của người làm tướng là làm sao tránh được sự thiệt hại nhân mạng của đôi bên càng nhiều càng tốt.
Khẩu hiệu phù Lê của Nông Văn Vân quá lỗi thời và không mấy ai tin lời nói ấy từ miệng một anh thổ hào. Thời của thân phụ ông phù Lê đã không được, huống gì đã trải qua triều Tây Sơn, bây giờ là triều Nguyễn thống nhất sơn hà. Trước mắt, khí thế của Nông Văn Vân có mạnh thật, nhưng xét về lý thì cái thua cũng đã rõ. Những trận thắng ban đầu của y, chẳng qua quan quân triều đình ở đây không chịu nghĩ tới “địa lợi” của y mà thôi, chớ dễ dầu gì.
Xuất chính hơn mười năm, ông đã nếm đủ mùi vị của chốn quan trường. Trên đường danh lợi vinh liền nhục, Giữa cuộc trần ai khóc lộn cười. Nhưng Nguyễn Công Trứ không hề trách chi ai. Việc ông làm, đứng về mặt nhiệt tâm nhiệt huyết mà xét thì không sai, song ông tin sẽ sai nếu cứ để ông làm vậy mà không chấn chỉnh kịp thời. Trách bỉ trách kỷ. Gia có gia pháp, trường có trường qui, huống gì đất nước. Nếu cứ nể vì những kẻ có công, thì còn gì phép nước. Do đó, ông không buồn chút nào.
Rời Tiền Hải về kinh làm Hữu Tham tri bộ Hình rồi nhận lệnh vua vào Quảng Nam tra xét một vụ kiện cáo. Điều ấy cho thấy triều đình đã coi trọng ông, nâng phẩm giá của ông lên. Nhưng công việc chưa đâu vào đâu, thì ông bị triệu gấp về kinh rồi bị giáng bổ Tri huyện ở kinh. Mới đầu, ông còn giận lắm, buồn lắm. Trâu cột ghét trâu ăn. Thói đời đáng trách! Cả tháng liền, Nguyễn Công Trứ tìm vui trong câu thơ chén rượu, trong tiếng hát của ca nương.
Thế thái nhân tình gớm chết thay,
Lạt nồng trong chiếc túi vơi đầy.
Hễ không điều lợi khôn thành dại,
Đã có đồng tiền dở hóa hay.
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,
Hẳn hoi không hết một bàn tay.
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
Đâm thọc làm gì. Khổng tử đã dạy: "Cái nhanh thành hiệu của đạo làm người là việc chính trị, cái nhanh thành hiệu của đạo đất là sự mọc cây cối. Ấy việc chính trị cũng như cây lau cây sậy vậy. Cho nên làm việc chính trị cốt ở dùng người hiền, sửa mình mà dùng người hiền, lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo”. Do đó, bổ nhiệm anh học trò nghèo rành việc nông tang, biết thương người, coi sóc vùng đất mới mở có gì quá đáng đâu, có lợi gì về đường vật chất cho ông đâu. Vả lại, trước khi rời Tiền Hải, ông cũng đã bàn bạc và tiến cử Phí Qúi Trại với quan Hiệp trấn Nam Định Nguyễn Nhược Sơn. Cả hai cùng nhất trí chớ phải mình ông tự tung tự tác đâu. Nhưng nói ra điều này để gỡ tội thị phi là hèn. Kéo những người có lòng với mình vào chỗ thị phi là không nên làm. Thính tụng ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ (xử kiện thì ta cũng như người, sao khỏi xử kiện mới hay). Càng nghĩ, Nguyễn Công Trứ thấy cần phải can đảm hơn, hiên ngang hơn, đừng vì một chút công danh mà tự đánh mất mình.
Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái,
Cái công danh là cái nợ nần.
Nặng nề thay đôi chữ “quân thân”,
Đạo vi tử vi thần đâu có nhẹ.
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt,
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung,
Hết hai chữ "trung, trinh" báo quốc.
Một mình để vì dân vì nước,
Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau.
Hơn nhau một tiếng công hầu.
Và Nguyễn Công Trứ nhìn ra cái sai của mình. Triều đình giáng cấp ông cũng là cái may cho ông chớ chưa hẳn là rủi. Sau năm năm thống nhất sơn hà, triều đình đã tổ chức khoa thi hương đầu tiên để kén chọn nhân tài, chớ đâu còn tiến cử nữa mà ông lặp lại thứ trật tự của thời loạn lạc. Chính bản thân ông cũng phải ói mật với sách đèn mới được như ngày nay, chớ nào phải gặp lụt chó nhảy bàn độc đâu. Lẽ ra những người như ông phải hiểu trước chứ. Dĩ nhiên trong việc này cũng có chút gì đó ghen ăn ghét ở và nó sẽ là bài học khôn cho ông. Đi lại chẳng qua thời vận mệnh, Cũng đừng thắc mắc với lo lường. Cây ngay không sợ chết đứng!
Và Nguyễn Công Trứ đã nghĩ đúng, làm đúng, mặc cho tiếng đời, mặc cho những nụ cười mỉa của ai đó thường ngày. Năm sau (Minh Mệnh thứ 12), Nguyễn Công Trứ được thăng làm Lang trung nội vụ, rồi chẳng mấy tháng được bổ Bố chánh Hải Dương. Minh Mệnh thứ 13 – 1832, Nguyễn Công Trứ được thăng hàm Binh bộ Tham tri, thụ Tổng đốc Hải An (Hải Dương, Quảng Yên).
Đã vượt qua cái tuổi "tri thiên mệnh", Nguyễn Công Trứ không còn háo hức mấy về đường công danh. Chữ hiếu đối với quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ coi như ông đã tròn. Về mặt trung quân, ái quốc, ông cũng đã làm được một số việc nghĩ cũng không thẹn với lòng. Nhưng, sống thì phải học tập, phải làm việc, đó là cái đạo. Và Nguyễn Công Trứ lần nữa "hăm hở ra tài kinh tế".
Là bậc dân chi phụ mẫu, Nguyễn Công Trứ không thể khoanh tay ngồi nhìn dân nghèo thiếu đấy cấy cày mà đất hoang thì lềnh ra đó. Bài học từ Phan Bá Vành vẫn còn rực sáng trong trí não ông. Những cuộc nổi loạn xảy ra trong thời gian qua, cái chính là do nghèo đói. No thành tiên thành phật, đói ra ma ra qủi. Một khi người ta không có cơm ăn no, không đủ áo mặc ấm thì họ rất dễ nghe những lời phỉnh dụ. Bởi họ có còn gì để mà sợ mất. Và nếu có mất chăng, thì họ chỉ mất cái đói cái nghèo. Do vậy, muốn an dân, trước tiên phải tỏ rõ cái quyền uy, rồi sau đó mới dùng nhân nghĩa. Trị quốc cũng như tề gia, nhưng phải tùy vào hoàn cảnh, tùy vào từng con người, thậm chí phải tùy vào đặc tính văn hóa của từng địa phương, chớ không thể chung chung được. Nghĩ ra vấn đề, Nguyễn Công Trứ đến gặp Tuần phủ Lê Đạo Quảng cùng bàn bạc kế sách an dân.
Tuần phủ Lê Đạo Quảng không ngờ Nguyễn Công Trứ lại đích thân đến thăm mình. Lê Đạo Quảng lấy làm vui vẻ lắm. Sau vài lời khách sáo cho phải phép, Lê Đạo Quảng chẳng cần giấu giếm gì tình hình dân chúng trong địa phương, rồi cả hai cùng bàn biện pháp tháo gỡ.
Nhờ vào tiếng tăm ngày dẹp loạn Phan Bá Vành và khai khẩn đất hoang cùng với sự ưu ái của vua Minh Mệnh trước đây cũng như hiện tại, nên Tuần phủ Lê Đạo Quảng không muốn làm phật lòng vị nho tướng nhiều tài lắm tật này. Lê Đạo Quảng một điều cũng “quan anh”, hai điều cũng “quan anh” và mọi việc chỉ có quan anh nhúng tay vào thì em mới nở mày nở mặt.
Nguyễn Công Trứ mỉm cười, cáo từ ra về. Nhớ lại những lời lẽ, cử chỉ của Tuần phủ Lê Đạo Quảng, Nguyễn Công Trứ mới thấy rằng việc thuyết phục một con người thôi cũng đã khó, nếu ta thiếu tài, thiếu đức, thiếu cả chút... thế lực. Tình hình dân chúng ở đây không thể áp dụng như ở Nam Định được. Suy đi nghĩ lại, Nguyễn Công Trứ bèn làm bản tấu về kinh: "Tại hạt Quảng Yên đất hoang còn nhiều kể hàng ngàn mẫu, nhưng dân ở đây chỉ quen nghề chài lưới, buôn bán, ít thích làm ruộng, nay xin cấp tiền công cho bọn thú binh cày khẩn và xây đê điều ở các nơi, hễ lúa thu được bao nhiêu thì chia ra làm ba phần, lấy hai phần bỏ kho, còn một phần thì quân cấp cho lính, lúc nào thành điền sẽ mộ dân cai quản theo lệ ruộng công mà trưng thu"(1)
Đối với đất hoang ở Hải Dương, Nguyễn Công Trứ lại đề đạt một chính sách khác: “Tại tỉnh Hải Dương, ruộng hoang kể được hàng nghìn mẫu, xem địa thế thì khai khẩn cũng dễ, xin sai bọn mộ lính ở các vệ chia ban mà khẩn thị, khi thành điền thì cấp cho làm ruộng thế nghiệp, theo lệ ruộng tư trưng thuế, còn ngưu canh điền khí thì theo lệ dinh điền năm trước, lấy của công mà cấp phát"(2).
_____
(1)+(2) Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, sđd, trang 176.
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường. Nghe tin quan Tổng đốc Hải An là quan Dinh điền sứ trước đây đang mộ dân khai khẩn đất hoang, nhiều người ở Tiền Hải, Kim Sơn tìm đến xin tình nguyện giúp ông hướng dẫn quân lính triều đình và nhân dân trong vùng khai phá.
Nguyễn Công Trứ vui lắm. Cái nhân ông gieo ngày nào, bây giờ đã gặt được quả. Cái tình cái nghĩa là vậy. Ở Tiền Hải, Kim Sơn, ông không chỉ khơi được nguồn sống cho lương dân mà còn khơi được tình người trong mỗi con người của họ. Nguyễn Công Trứ tiếp đón họ như tiếp đón những người thân đi xa mới về, và cùng họ bàn bạc công việc một cách chi tiết như ngày nào còn ở Tiền Hải.
Đông tay vỗ nên kêu, chẳng bao lâu hạt Quảng Yên có thêm ba xã mới: Lưu Khê, Vĩ Dương và Yên Phong với số đất khai phá: 3.500 mẫu. Hải Dương có thêm làng Minh Liễn...
Nhìn những gương mặt rạng ngời của nhân dân có ruộng cày và cánh đồng thẳng tắp đang sục bùn, Nguyễn Công Trứ lấy làm vui lắm. Ơn vua nợ nước, ông đã trả được phần nào. Vui lắm! Vui lắm!
Niềm vui ấy chưa dứt, thì niềm vui khác lại đến với Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ được chính thức nhậm chức Tổng đốc, hàm chánh nhị phẩm triều đình. Đúng là, gái có công chồng không phụ. Nhưng cái vui lớn nhất của ông là dân nghèo ở những nơi ông trấn nhậm đã có cái ăn cái mặc. Thời trai trẻ, tuy chưa đến nỗi nào so với những cái nghèo ông đã gặp, nhưng ông đã hiểu thế nào là đói nghèo. Ông hy vọng và tin rằng, cái chức, cái tước của triều đình ban thưởng cho ông cũng chính là ban thưởng cho những người dân dưới quyền cai quản của ông. Ông nghĩ, nếu càng có uy tín với triều đình, thì ông càng có điều kiện cứu dân giúp nước hơn. Bởi người có lòng vị tha lớn bao nhiêu mà trong tay không có quyền hành, trong nhà không có hạt gạo, ngọn rau thì chẳng làm gì được ngoài việc lo cho sự sống của bản thân. Và ông tự dặn lòng:
... Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương.
Sĩ làm cho bách tuế lưu phương,
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ tri gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch...
*
Nghĩ việc thì dễ, nhưng thực hành việc nghĩ ra không dễ chút nào. Nhìn địa thế chung quanh cùng đỉnh Pù Chè Mang, Pù Ngàm Lệnh sương mù bao phủ cùng sông Gâm nước sâu nhìn không thấy đáy, những eo dốc quanh co như Ngàm Pác Thốc, những vực sâu như Thòm Cò Nghè, những hồ rộng như Thộm Lốm, v.v... Nguyễn Công Trứ biết đó là những trở ngại lón cho quân triều đình và khó lòng lấy số đông mà áp đảo, làm nên chiến thắng. Đây còn là chốn rừng thiêng nước độc, càng kéo dài ngày nào thì quân triều đình càng khốn khó ngày đó. Bệnh rụng tóc vàng da cho quân triều đình ắt không tránh khỏi. Suy đi tính lại, Nguyễn Công Trứ cho án binh bất động, dưỡng quân và dâng biểu về triều: “Hạ thần lần đầu tiên mới đến vùng đất này, chưa am tường chỗ bằng chỗ hiểm, không dám vội hành động"(1).
_____
(1) Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, sđd, trang 182.
Nguyễn Công Trứ biết, khi nhận được những lời lẽ ấy, triều đình sẽ quở trách, thậm chí có thể cách chức ông, nhưng vì tính mạng của hàng trăm người, ông không thể không cẩn trọng. Ngựa trạm đi rồi, Nguyễn Công Trứ tiếp tục lo nghĩ song không có phương án nào hoàn hảo. Ai cũng cho Nguyễn Công Trứ bạo gan, còn ông thì cho đó là trách nhiệm của người làm tướng. Nếu vì chuyện ấy, triều đình lột áo mũ, đuổi ông về quê chăn trâu, giữ vịt, ông cũng an lòng. Mà có thật vậy, thì triều đình chỉ biết mình chứ chẳng cần biết chi ai và khó thể ngồi lâu để trị vì thiên hạ. Ngày xưa, "... Khi Kiến Thúc vào, Tần Mục Công xuống thềm nghênh tiếp, mời ngồi và hỏi rằng:
- Bách Lý Hề thường nói tiên sinh là người hiền, xin tiên sinh chỉ bảo cho.
Kiến Thúc nói:
- Nước Tần ta ở cõi tây này tiếp giáp với các nước Nhung, Địch, đất hiếm quân mạnh, mà không được bằng các nước Trung Quốc là chỉ vì không có đức đó thôi. Không có uy thì sao cho người ta sợ; không có đức thì sao cho người ta mến; người ta không sợ, không mến thì bá chủ thế nào được.
Tần Mục Công nói:
- Uy và đức, hai điều ấy điều nào nên làm trước?
Kiến Thúc nói:
- Nên lấy đức làm gốc, lại có uy để giúp vào. Nếu có đức mà không có uy thì sao giữ được nước, có uy mà không có đức thì sao yên được dân.
Tần Mục Công nói:
- Ta muốn sửa đức mà lập uy thì nên làm thế nào?
Kiến Thúc nói:
- Dân nước Tần ta tập nhiễm phong tục mọi rợ, không biết lễ nghĩa, nay muốn cho dân biết tôn kính người trên thì tất phải dùng giáo hóa và hình phạt. Có giáo hóa thì dân biết ơn, có hình phạt thì dân biết sợ, bấy giờ kẻ trên người dưới, khác nào như thể trong một người. Quản Di Ngô giúp nước Tề mà sai khiến được thiên hạ cũng vì lẽ ấy".
Chuyện người xưa ghi thế vàø Nguyễn Công Trứ không chỉ nghĩ thế mà còn tin rằng, Minh Mệnh không phải là vị hôn quân. Những việc đã xảy ra với bản thân ông trong thời gian vừa qua đã khẳng định điều ấy.
Nhờ bản tấu "bạo gan" của Nguyễn Công Trứ mà cánh quân của đạo Tuyên Quang được nghỉ ngơi, trong lúc những cánh quân khác không có một ngày yên.
Và thánh chỉ cũng đã tới.
Nguyễn Công Trứ cúi đầu tiếp nhận thánh chỉ. Mọi người đều hồi hộp lắng tai nghe, rồi thở ra nhẹ nhõm.
- Chúc mừng tướng quân được thánh thượng gia ân. – Lê Văn Đức mừng rỡ ra mặt, nói tiếp: - Tôi tin và qúi trọng tướng quân đã lâu, nên mới để mặc tướng quân lập tờ biểu ấy... Nói tướng quân đừng cười, mấy ngày qua, tôi ăn không ngon ngủ không yên. Nhiều đêm, giật mình thức giấc, tôi vội sờ thử cái đầu của mình có còn trên cổ hay không.
Nguyễn Công Trứ cười vui đáp lễ:
- Tôi phải cám ơn quan huynh mới đúng. Chúng ta giúp đỡ nhau cũng chỉ vì mong được tích phước cho triều đình. Nếu không có quan huynh ngầm động viên thì dù có mưới sáu cái đầu, Trứ này cũng không dám.
Lê Văn Đức cười vang, nói đỡ lời:
- Không dám, không dám. Nghe những lời trách yêu của thánh thượng, tôi vừa sợ nhưng cũng vừa thấy được thơm lây khi được cùng tướng quân chịu trách nhiệm đạo quân này.
Sau những lời nói vui, cả hai người trở lại công việc mà họ đang lấy đầu thử đoán số mệnh. Họ biết, án binh bất động hoài thì không được, bởi làm vậy cũng đồng nghĩa với việc nằm chờ chết; còn tiến đánh thì tiến đánh làm sao? Quân triều đình đang ở ngoài sáng, còn địch ở trong bóng tối. Thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, quân triều đình không nắm được phần nào vững chắc. Cứ tiến ào ào ạt ạt như đạo Thái Nguyên của Nguyễn Đình Phổ thì cầm chắc cái thua, vừa tổn quân, không khéo lại mất tướng... Càng nghĩ, cả Nguyễn Công Trứ lẫn Lê Văn Đức càng thấy như đi vào ngã cụt. Cả hai nhìn nhau thở dài và đồng ý trở về động viên quân sĩ chờ ngày hành động, khi tình thế buộc phải hành động.
Suy nghĩ của Nguyễn Công Trứ không mấy sai. Thắng thua ở chiến trận là chuyện thường, nhưng tin Án sát Nguyễn Mưu bị bắt sống không chỉ chấn động quân tình đạo Thái Nguyên mà còn gây sự dao động ở Cao - Lạng và đạo Tuyên Quang do ông và Lê Văn Đức đảm trách.
Còn đang tập trung quân lương để chuẩn bị phối hợp với Tổng thống đại thần Tạ Quang Cự ở đạo Cao – Lạng để cứu nguy đạo Thái Nguyên, thì Nguyễn Công Trứ nhận lệnh từ kinh bổ sung sang đạo Thái Nguyên với Nguyễn Đình Phổ.
Đúng là đội quân thất trận!
Nguyễn Công Trứ nhìn quân tình đạo Thái Nguyên mà thở dài.
Nhìn cảnh này, Nguyễn Công Trứ hiểu thêm thế nào là nhứt tướng công thành vạn cốt khô. Tiến lên, tiến lên giành thắng lợi mà không hề nghĩ tới vấn đề gì khác, để bây giờ mới ra nông nỗi thế này. Lương thực dự trữ không dự trù dài ngày, không nghĩ tới bệnh tật do rừng thiêng nước độc chực chờ xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng của quan quân từ dưới đồng bằng lên. Vả lại, địa thế và dân tình ở đây như thế thì làm sao có thể tốc chiến tốc thắng? Ảo tưởng! Và cái giá phải trả cho sự ảo tưởng ấy không rẻ.
Mọi suy nghĩ, Nguyễn Công Trứ đều báo thật về triều đình. Ông biết vua Minh Mệnh đọc xong phải giận lắm, nhưng ông không phải hạng người dối vua lừa chúa. Phải biết chấp nhận sự thật thì mới hi vọng tìm ra con đường sáng, còn ngược lại chỉ dẫn đến cửa tử. Và lần nữa. Minh Mệnh đã tỏ rõ mình là một đấng minh quân: "Lẽ nào để cho quân đói mà giết được giặc à? Xem tờ tâu thực là bực tức! Lũ chúng mày thực không đáng coi là loài người". Mắng là phải mắng, nhưng mắng vì không lo cho ba quân là phải lắm. Nguyễn Công Trứ lo cũng có lo mà mừng cũng có mừng. Lo vì chưa bao giờ ông phải đối đầu với việc nan giải như thế này, còn mừng là mừng vì thánh thượng có nghĩ tới ba quân..
Trở lực lớn với quân triều đình không phải vì thiếu binh hùng tướng mạnh, mà vì không hợp phong thổ, không rành địa thế, bất đồng ngôn ngữ, v.v... Từ lâu, Nguyễn Công Trứ muốn cài người vào làm công tác địch vận, song mọi việc không đơn giản. Quân thám thính đi lần này về nói thế này, lần khác về nói thế khác, không biết đâu mà hoạch định kế hoạch.
Sau nhiều ngày đêm vắt óc suy nghĩ, hình ảnh của Khổng Minh từ khi xuống núi đến lúc qua đời hiện ra trong ông. Nguyễn Công Trứ quyết định tiếp tục cho dưỡng quân, tránh giao chiến, bí mật cho đội tải lương vận chuyển lương thực dự trữ. Với ông, có ăn mới có sức và có sức mới nói chuyện xông pha trận mạc. Ngày ngày, Nguyễn Công Trứ cưỡi ngựa đi đây đó như kẻ nhàn du. Nhưng không ai biết đêm về, ông theo dõi sít sao đội quân đặc biệt do ông tuyển chọn và tham gia huấn luyện. Theo ông, đây là đội quân quyết định sự thành bại của ông trong cuộc cờ này. Và ông tin phần thắng thuộc về mình.
Trong lúc án binh bất động, thì đây đó quân triều đình vẫn đụng độ với quân của Nông Văn Vân. Ông cứ thầm mỉm cười, mặc cho ai đó dèm pha ông là thứ trói gà không chặt và gặp may trên đường làm quan. Trong thâm tâm, Nguyễn Công Trứ còn mong quân triều đình thua thêm mấy trận để tư tưởng chủ quan tràn ngập trong lòng anh thổ hào Nông Văn Vân cũng như trong đội quân của anh ta.
Trời cũng chiều lòng người khi chỉ dụ của vua Minh Mệnh cho rút quân về Tuyên Quang chờ lệnh. Ai nấy thở phào, hối hả chuyển quân, riêng Nguyễn Công Trứ thì cứ trùng trình và lệnh cho quan quân dưới quyền ai ở đâu cứ tiếp tục ở yên đó.
Chống lại chỉ dụ của vua ư? Tướng ngoài trận tiền có quyền quyết định tất tật và bảo đảm bằng thủ cấp của mình. Và ông tin vua Minh Mệnh là người hiểu ông, và là người thưởng phạt phân minh.
- Quân ở đâu cũng là quân triều đình sao tướng công cứ mặc họ, và tướng công cũng chần chờ thi hành chỉ dụ của thánh thượng, thiếp e...
Nghe Hiệu Thư, người hầu thiếp thỏ thẻ điều hơn lẽ thiệt bên tai, Nguyễn Công Trứ khẽ vuốt râu tủm tỉm cười, nói:
- Phu nhân có ý lo cho ta như thế là tốt, nhưng đây là chuyện của đàn ông.
Hiệu Thư châm thêm trà vào chén cho ông, rồi nói lên nỗi lo của mình. Nguyễn Công Trứ trấn an:
- Phu nhân đừng bận tâm lắm. Ta biết ta đang làm những gì. Ta suy nghĩ đã lâu, nhờ phu nhân ngày mai về xuôi một chuyến.
Hiệu Thư giãy nảy:
- Tướng công sợ thiếp ở đây làm bận lòng tướng công ư? Thiếp nguyện sống chết cùng tướng công mà. Tuy là hạng ca nương, nhưng thiếp không phải là kẻ tham sống sợ chết, bỏ mặc tình tướng công ở đây không ai chăm sóc miếng ăn giấc ngủ...
Nguyễn Công Trứ cười, kéo Hiệu Thư vào lòng.
- Ta hiểu. Ta nhờ nàng về xuôi và mong nàng lên đây sớm nhất.
Hiệu Thư quàng tay lên cổ Nguyễn Công Trứ, nhõng nhẽo:
- Rước cô đầu phải không? – Thấy chồng cười, Hiệu Thư lấy ngón tay đẩy nhẹ vào trán Nguyễn Công Trứ. – Thiếp biết mà. Gì thì gì, tướng công cũng không bỏ được tính phong lưu.
Nguyễn Công Trứ nghiêm mặt, rồi cười dã lã, nói:
- “Tính tốt” khó chừa được nàng ạ. Nhưng nhiệm vụ của nàng không nhẹ đâu. Ta nhờ nàng về xuôi lần này, rước được nhiều đào kép càng tốt, nhưng ít ra cũng rước được một đoàn tuồng, một đoàn chèo.
Hiệu Thư đẩy ông ra, tròn mắt hỏi:
- Tướng công không nói chơi chứ?
- Vâng! Ta muốn ba quân và nhân dân quanh vùng vui chơi ít hôm cho bõ những ngày cơ cực. Ý ta là vậy. Nàng lo thu xếp và đi về xuôi càng sớm càng tốt. Nàng phải nhớ một điều, ta và mọi người nóng lòng trông ngày trở về của nàng với tất cả những gì ta đã mong đợi.
Tiễn Hiệu Thư đi rồi, Nguyễn Công Trứ mới thở dài, chép miệng: - Âu cũng là duyên số!
Ngày chính thức nhậm chức Tổng đốc Hải An, Nguyễn Công Trứ tổ chức buổi hát vừa mừng ông thăng chức, vừa liên hoan mừng công khai khẩn đất hoang lập thêm cho hạt Quảng Yên những ba xã, rồi ở Hải Dương, ở Chàng Sơn... Nói chung, nơi nào ông đến, nơi ấy dân nghèo có thêm ruộng cày. Do đó, buổi hát thật nhiều ý nghĩa và ai cũng vui thật tình, chớ không phải vui vì cần phải vui để được quan Tổng đốc chú ý.
Một cô đào không còn trẻ, nhưng giọng còn hay, sắc còn đượm được các quan dưới quyền rước đến hát mừng, bởi họ biết quan Tổng đốc rất rành nghề hát xướng.
Sau mấy tuần rượu xã giao, Nguyễn Công Trứ bước ra xin được cầm chầu. Ai nấy đồng thanh ủng hộ và vỗ tay vang trời. Đã là dân phong lưu tài tử thường ra vào xóm cô đầu, mấy ai không biết vị quan Tổng đốc này không chỉ đặt bài hát hay mà còn có ngón chầu cũng thuộc hàng tuyệt kỹ.
Thi tửu cầm kỳ khách,
Phong vân tuyết nguyệt thiên.
Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên,
Cực hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí.
Phong lưu từ thuở ấy rồi, chớ nào phải đợi tới hàng Tổng đốc mới học đòi phong lưu đâu.
Tiệc vui đúng là vui không chê vào đâu được. Ai nấy đều hể hả với bữa hát tuyệt vời không phân biệt nổi đâu là kẻ sang người hèn, nhất là nghe được tiếng trống chầu có thần của quan Tổng đốc.
Nguyễn Công Trứ định bỏ dùi trống đứng dậy nói mấy lời cám ơn đào kép, thì giọng hát ngọt ngào ấy lại tiếp tục vang lên:
Giang san một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?
Những người có mặt vỗ tay cười rân. Nguyễn Công Trứ giật mình, tròn mắt nhìn cô đào và bước lại hỏi:
- Hiệu Thư đó chăng?
Cô đào mỉm cười, cúi đầu thưa:
- Tiện thiếp cám ơn quan lớn còn nhớ tới người ca kỹ năm xưa.
Đêm đó, cả hai người cùng thức trắng ôn lại chuyện ngày xưa và quãng đời đã qua.
Khi biết Hiệu Thư chưa chồng, Nguyễn Công Trứ không ngần ngại đặt vấn đề xin nàng làm hầu thiếp. Và trong lúc "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", Nguyễn Công Trứ mỉm cười, vuốt râu, khẽ ngâm:
Liếc trông già đáng mấy mười mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết,
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi.
Chia đôi duyên nợ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình duyên nên đặm thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.
Đời là thế!
Nhớ lại thời hàn vi, Nguyễn Công Trứ muốn gần nàng mà nào có được. Ngày ấy, trong giới đàn ca hát xướng, Nguyễn Công Trứ cũng biết cái giá trị của mình. Khắp vùng Hoan Châu, thậm chí kể rộng ra nữa được mấy người như ông: đàn hay, đánh trống chầu chưa ai trách, nhất là ứng tác những bài hát mà đã là giới ca nhi không ai không phục. Thế mà Hiệu Thư vẫn làm cao để ông phải hạ mình xin được làm anh kép khi biết cô nhận đến hát mừng cho nhà hào phú ở một làng cách nhà ông một quãng đường xa.
Lòng trai phơi phới lại đi gần người đẹp với chú tiểu đồng, Nguyễn Công Trứ không biết làm cách nào trêu ghẹo. Suy nghĩ mãi cho đến quãng đồng vắng, Nguyễn Công Trứ lớn tiếng với vẻ mặt bần thần:
- Chết rồi! Tôi... Tôi vội quá nên bỏ quên dây đàn ở nhà.
Hiệu Thư nhíu mày cùng vẻ mặt không mấy bằng lòng. Nguyễn Công Trứ ấp úng ra chiều biết lỗi:
- Cô... Cô với chú nhỏ đi trước. Tôi quay về nhà rồi chạy tới ngay.
Hiệu Thư dấm dẳng:
- Nói nghe dễ hay! Cứ để chú nhỏ chạy về nhà lấy mang tới, còn bác phải đi cùng tôi. Nếu chú nhỏ tới không kịp, ta mượn đỡ dây đàn của ai đó còn được, chớ bác về rồi biết có đến hay không. Đây là chỗ làm ăn chớ phải trà dư tửu hậu đâu. Đây là lần đầu cũng là lần cuối, tôi không nhờ bác nữa.
Hiệu Thư nói một hơi không nghỉ. Nguyễn Công Trứ cười thầm trong bụng, nhìn chú nhỏ chạy ngược lại đường cũ.
- Đi chứ còn đứng làm thơ à?
Nguyễn Công Trứ làm thinh, sánh bước. Kế hoạch đẩy chú nhỏ đi đã thành, mọi việc nên hư còn lại do ông.
Chờ Hiệu Thư nguôi giận, Nguyễn Công Trứ gợi chuyện xa xa gần gần, rồi ngỏ lời trêu chọc. Nhưng suốt quãng đường vắng chỉ có hai người, mà Nguyễn Công Trứ không "nói năng” được gì, ngoài những tiếng "ứ hự" tỏ ý không thuận của Hiệu Thư.
Và Hiệu Thư không ngờ bác kép trêu ghẹo mình năm xưa nay lại là quan Tổng đốc. "Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?".
Giỏi thật!
Bên ngoài nắng đã dịu.
Nguyễn Công Trứ lệnh cho quân lấy ngựa, lên đường nhàn du, quên hết chuyện binh đao.
Nhà Nguyễn đã hết thời, nên chọn tướng văn chẳng ra văn, võ chẳng ra võ. Đặc biệt, vị tướng ở đạo Thái Nguyên thì suốt ngày ra vào uống rượu ngâm thơ. Lời xầm xì ấy đã lọt vào tai Nguyễn Công Trứ vài ba ngày nay. Ai hỏi thì ông chỉ cười, vuốt râu ngâm ngợi: Nhân sinh bất hành lạc, Thiên tuế diệc vi thương.
Sống ở đời mà không biết hưởng thú vui, thì dẫu có sống nghìn năm cũng như chết non. Hết ý! Tướng tại trận tiền như vậy mà vẫn tin dùng, thì đúng là nhà Nguyễn đã tới hồi mạt vận.
*
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất,
Thương cái cò lặn lội bờ sông.
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng,
Ngoài nghìn dặm một trời một nước.
Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước,
Nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh.
Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình,
Ơn thủy tổ phải đền cho vẹn sóng.
Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống thập thình... đúng là ngày hội. Dân quanh vùng, kể cả dân chúng ở các bản làng xa cũng lần lượt kéo về coi hát như chẳng hề biết tới loạn lạc, binh đao.
Điều khiển cuộc vui, Nguyễn Công Trứ giao toàn quyền cho Hiệu Thư. Và dân chúng trong vùng cũng không còn thấy ông cưỡi ngựa nhàn du như trước. Họ nghĩ, ông cũng đang lăn vào với tiếng đàn tiếng phách, lăn vào những cuộc mây mưa.
Thấy mọi người ùn ùn kéo về xem hát, Nguyễn Công Trứ vừa vui vừa lo. Ông luôn đôn đốc quân sĩ canh phòng nghiêm ngặt đề phòng Nông Văn Vân đem quân đánh úp. Và cứ mỗi đêm sau cuộc hát, từng đội quân nhỏ của ông trà trộn vào dân bản dò la đại bản doanh của Nông Văn Vân, rồi ém quân chờ lệnh.
Trong lúc đó, Tuần phủ Lạng Sơn Trần Văn Tuân bị quân Nông Văn Vân khiêu khích thường xuyên và đã nhiều lần cấp báo xin Nguyễn Công Trứ chi viện. Nhưng lần nào cũng như lần nào, Nguyễn Công Trứ hết viện cớ này tới viện cớ khác không chịu xuất quân và đề nghị đạo quân Lạng Sơn cứ đánh cầm chừng chờ thêm quân từ kinh ra.
Ngày ngày, Nguyễn Công Trứ đều nhận được mật báo do những cánh quân nhỏ của ông tung vào những dãy rừng phủ đầy sương khói kia đưa về. Nguyễn Công Trứ vui lắm.
Trường tên đạn xin chàng bảo trọng,
Thiếp lui về nuôi cái cùng con.
Cao Bằng cách trở nước non,
Mình trong trắng có qủy thần a hộ.
Sức bay nhảy một phen năng nổ,
Đá Yên Nhiên còn đó chẳng mòn.
Đồng hưu rạng chép thẻ son,
Chàng nên danh giá, thiếp còn trẻ trung.
Yêu nhau khắng khít giải đồng.
Nguyễn Công Trứ đích thân đánh chầu trong tiếng hát của Hiệu Thư. Tuy Hiệu Thư đã về sống đời vợ chồng với ông, nhưng vẫn không thể không liếc mắt đưa tình qua những tiếng "tom", tiếng "chát" của ông.
Nghề xướng hát roi chầu làm chuẩn đích,
Trống làm sao mà khúc khích chị em cười.
Và tiếng trống "lạc nhạn" của Nguyễn Công Trứ xưa nay không chê vào đâu được, nhất là giữa lúc ông đang vui mà chẳng mấy ai hay.
Tiếng hát của Hiệu Thư vừa dứt, thì quân hầu chạy vào dâng lên ông lá thư.
Nguyễn Công Trứ bỏ roi chầu, nhanh chân vào thư phòng.
À, thì ra thói đời!
Thư của bạn ông ở kinh gửi đến cho ông biết, Tuần phủ Trần Văn Tuân thảo sớ về kinh, hạch tội Nguyễn Công Trứ lo ăn chơi, say sưa đàn hát, không chịu giao chiến, thậm chí không chịu giúp đỡ cho các đạo quân bạn diệt giặc. Nhưng may cho ông là vua Minh Mệnh hoàn toàn tin tưởng vị nho tướng ngoài trận tiền. Theo người bạn ông, thì hoàng thượng đã châu phê vào sớ của Tuần phủ Trần Văn Tuân: "Nguyễn Công Trứ tự thử sở hành, tất hữu biệt toán. Quân lữ chi gian, bất khả dĩ phù ngôn giao động tướng tâm, thích y xử trí" (Nguyễn Công Trứ làm như vậy chắc là có tính toán riêng. Trong quân không được bàn phiếm làm cho lòng tướng băn khoăn. Cứ để yên như vậy xem – Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, sđd, trang 187).
Nguyễn Công Trứ xem thư bạn mà lòng ngập niềm vui. Đúng không ai hiểu ông bằng thánh thượng. Thế mới xứng đáng là người thay trời hành đạo. Không phải vì vua không nghe lời Tuần phủ Lạng Sơn quở trách ông mà ông nghĩ vậy. Mọi việc ông đã và đang làm cũng chỉ vì triều đình, chỉ vì muốn dân chúng yên vui làm ăn, chớ không có ý gì khác. Nếu vua Minh Mệnh nghe lời dèm pha mà cách chức, hoặc triệu hồi ông về kinh, giao binh quyền lại cho người khác thì ông phải chấp hành, nhưng trong thâm tâm ông không phục.
Khi biết chắc Nông Văn Vân đang đóng đại bản doanh ở khu rừng Thẩm Bát, Nguyễn Công Trứ bí mật mời Tổng thống đại thần Tạ Quang Cự và Phạm Văn Điển đến bàn cách diệt giặc.
Nhìn tấm bản đồ với đầy đủ những chi tiết lối đi ngang về tắt và cách bố phòng của các toán quân của Nông Văn Vân cùng với những ý kiến của Nguyễn Công Trứ, về cơ bản ai cũng đồng ý và thầm phục vị tướng nổi tiếng... phong lưu.
Họ cứ châu đầu vào tấm bản đồ và bàn bạc hướng đi của từng cánh quân một cách say sưa, bỏ mặc lời ca tiếng nhạc bên ngoài đang làm nức lòng người sau một thời gian cứ phập phồng với chuyện binh đao.
Núi Pu Đôn lúc này dưới mắt của những vị tướng của triều đình không còn là bí hiểm nữa. Nguyễn Công Trứ nói:
- Quân cơ hữu do tôi đảm trách. Hai quan bác cứ cờ giong trống giục và vây chặt rừng Thẩm Bát, Lũng Bàn. Hễ quân của Vân chạy ra, các quan bác lệnh cho quân triều đình bắt sống. Cực chẳng đã mới giết, bởi dù sao họ cũng là dân của ta và là những người vô tội.
Tạ Quang Cự lên tiếng:
- Việc quan bác giao cho chúng tôi nhẹ quá. Chúng tôi thật tình... áy náy.
Phạm Văn Điển cũng đồng ý với Tạ Quang Cự.
Nguyễn Công Trứ cười tươi, nói:
- Các quan bác đừng lo chuyện ấy. Công là công chung, chớ chẳng của riêng ai. Mục đích của chúng ta tới đây, trước là trả ơn vua, sau giúp dân tình yên ổn làm ăn. Quân của chúng ta không quen địa hình ở đây, nên kéo vào càng đông càng gây thiệt hại. Công việc của cánh quân các quan bác không phải nhẹ đâu. Các quan bác làm sao cho quân của Vân khiếp sợ, tưởng chừng như đã lọt vào thiên la địa võng của quân triều đình, thế là các quan bác đã lập được công to.
Chia tay xong với Tạ Quang Cự và Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ lại bí mật tung hết số quân trong đội cảm tử còn lại xâm nhập đại bản doanh của Nông Văn Vân.
Khi mọi việc đâu đã vào đó, Nguyễn Công Trứ ăn mặc chỉnh tề, rà soát lại kế hoạch lần nữa để phòng bất trắc. Đây là mẻ lưới lớn, Nguyễn Công Trứ hy vọng không phải mất cả chì lẫn chài, dù cho con cá lớn lọt lưới. Phen này mà thất bại thì Nông Văn Vân đúng là người đại trí đại dũng và triều đình phải tiếp tục khốn đốn bởi anh thổ hào này. Để giành lấy ngôi báu, thì anh ta chưa hội đủ điều kiện, nhưng để hùng cứ một phương thì lại dễ dàng. Và triều đình muốn ổn định không thể một sớm một chiều mà được. Cái đức cái tài ngó thế mà khó.
- Bẩm chủ tướng, mọi thứ đã sẵn sàng.
Nguyễn Công Trứ lướt nhìn người hầu, rồi âm thầm bước ra ngoài. Con ngựa đánh hơi được mùi chủ, dậm vó thình thịch. Nguyễn Công Trứ vuốt nhẹ lên bờm như ngầm bảo nó hãy bình tĩnh chờ đợi như ông đang chờ đợi.
Tiếng đàn, tiếng hát vẫn còn văng vẳng. Nguyễn Công Trứ thấy thời gian trôi chậm quá. Và... mọi người hớt ha hớt hãi bỏ chạy thục mạng về nhà, bởi quân triều đình đã cờ giong trống giục với ánh đuốc sáng lòa trong đêm tối.
Nguyễn Công Trứ vuốt râu, mỉm cười, rồi lên ngựa.
Khí thế của quân triều đình khá dũng mãnh. Và chẳng bao lâu, khắp các ngả rừng, quân của Nông Văn Vân tháo chạy tán loạn. Gương mặt của Nguyễn Công Trứ rạng rỡ hẳn. Thế là các toán quân của ông bước đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quân của Nông Văn Vân rối loạn hàng ngũ như thế là đã nhìn ra thế trận của mình đã bị ngoại công nội kích.
Được toán quân đặc nhiệm hướng dẫn, con ngựa chiến đưa Nguyễn Công Trứ lên quả đồi cao quan sát trận địa.
Gà rừng đã cất tiếng gáy, nhưng chẳng thấm vào đâu so với tiếng reo hò của quân sĩ. Đây đó, những căn lều bị đốt cháy làm rực sáng cả vùng trời. Nguyễn Công Trứ rùng mình – cái rùng mình rất con người chớ không phải vì sương gió.
Ngày xưa, Khổng Minh đã lập kế dụ cha con Tư Mã Ý vào tử địa như thế này. Nếu đức của nhà Nguyễn mỏng, thì ông cũng sẽ giống như Khổng Minh ngày xưa thôi. Nguyễn Công Trứ kìm chặt cương ngựa, lớn tiếng ra lệnh:
- Phóng hỏa!
Sau lệnh của ông, hàng loạt tiếng hô phụ họa theo và chẳng bao lâu khu rừng Thẩm Bát ngập trong biển lửa sáng rực cả một vùng. Tiếng thú, tiếng người, tiếng chim muông mất tổ... hòa vào nhau thành tiếng kêu uất hận.
Nguyễn Công Trứ rươm rướm nước mắt, ngước nhìn trời thở dài rồi lẩm bẩm: Ta khắc ghi ngày này: 11 tháng 3 âm lịch (1835).