- 6 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Bài thơ của con bé Âu Cơ, đề “tặng Mẹ”.
 
° con chim đậu trên cây xương rồng
mặt trời đậu trên lưng con chim
mặt trời làm con chim nóng quá
con chim bực mình bay mất tiêu luôn
°° con ma không biết mang giày
đôi giày tự nó biết đi
con ma không biết mang găng tay
đôi găng tay tự nó biết bay
 
Mỗi lần nghe mẹ tôi bảo: "Nên tránh đừng cho Âu Cơ đi vào con đường nghệ thuật, đời không khổ như con đã trải!" là tôi đều phản đối: "Có nghệ thuật, con tin rằng đời nó đỡ khổ hơn!"
Đây cũng là ý nghĩ làm dày vò tôi nhiều nhất theo tình cảm dành cho đứa con trai lớn. Khác hẳn Âu Cơ, cho tới bây giờ, Vân San không thích đọc sách, không thích hội họa và chưa từng mơ mình là nghệ sĩ. Trước những vấn đề thuộc các lãnh vực trên, nó tỏ ra rất xa lạ, mù mờ.
Dẫu rằng mỗi người cưu mang một định mệnh, nhưng trên tình mẹ cho cả hai đứa con, tôi luôn luôn cảm nghe đau khổ vì những thiếu sót nghệ thuật trong tâm hồn đứa con trai lớn. Điều đó, phải nhận, chính là một phần lỗi của tôi. Cái gia tài tinh thần, ngày xưa tôi đã không dành nhiều thì giờ mà un đúc cho Vân San, như bây giờ Âu Cơ đang được. Vả, nếu nói như Goethe: "Không có lối nào dẫn vào đời sống một cách chắc chắn cho bằng đi qua nghệ thuật và cũng không có lối nào thoát khỏi đời sống một cách chắc chắn hơn bằng đi qua nghệ thuật", thì rõ ràng cả "lối dẫn vào" lẫn "lối thoát ra" này, Vân San ít may mắn hơn dưới cái nhìn của một người mẹ như tôi.
Tháng 11/1992. Một đêm khuya...
 
Tôi đứng trước bức tranh của Đăng Lạt. Cảm giác sững sờ từ chiều hôm trước vẫn còn bám đeo tâm khảm, để bây giờ, bốn giờ sáng, một mình giữa những ly chén ngổn ngang, lọ chai lăn lóc, sự sững sờ biến thành nỗi xúc động mang mang, thấm tràn trên từng làn da, sớ thịt. Cả căn nhà lớn vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Buổi rượu bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày thứ bảy, giữa lúc gió mưa tầm tã, kết thúc lúc 2 giờ rưỡi khuya chủ nhật kế tiếp. Nhiều khuôn mặt quen trong giới nghệ sĩ San Jose đã có mặt. Tất cả đều tỏ bày sự ngưỡng mộ cho tác phẩm của người nghệ sĩ có vóc dáng bé nhỏ nhưng đặc biệt tài hoa.
Tôi cũng đã nhìn bức tranh với cái tâm trạng ngẩn ngơ thán phục. Nhưng chính ngay lúc này đây, một mình giữa khuya, trong làn ánh sáng mờ đục hắt vào từ những cột đèn đường hiu quạnh, tác phẩm –một bức chân dung của tôi- mới hiện lên với riêng tôi trọn vẹn cả một “linh hồn”. Nó quá thật, quá sống. Màu xanh lá cây chạy thẳng một đường từ cổ xuống, nổi bật dịu dàng trên nền đen của tấm áo choàng dài rộng. Mái tóc hoang vu rủ xòa trong thế ngồi gục đầu trên phím nhạc. Khuôn mặt đầy nét cô đơn khuất lấp một phần dưới mái tóc bồng bềnh ấy. Bàn tay phải nổi hẳn những mu xương, năm ngón cong lại, nắm chặt cây archet, như cả cuộc đời dài đã nắm tròn những đau thương khốc liệt. Lớp gỗ màu gụ thẫm của chiếc vĩ cầm hiện lên đầy nét phong trần dầu dãi. Dấu ấn thời gian cơ hồ hằn rõ trên món cổ vật đã kinh qua biết bao dâu bể thăng trầm dễ có đến hàng nhiều trăm năm.
Đã từ lâu, tôi ngưỡng mộ màu sắc và những đường nét trong tác phẩm Đăng Lạt. Từ lâu, vẫn nghe Trần Nghi Hoàng nói: "Tài năng Đăng Lạt, gọi là tuyệt diệu thì phải đặt trên phương diện vẽ chân dung!" Hơn một lần tôi chứng nghiệm được lời ngợi ca của Trần Nghi Hoàng qua bức Cây Vĩ Cầm Của Thu Vân, Đăng Lạt vẽ riêng cho tôi, dùng làm bìa tác phẩm Nước Chảy Qua Cầu tái bản. Nhưng cho tới bức Trầm Lắng hôm nay mới thấy rằng mọi tác phẩm Đăng Lạt được nhìn từ trước, so với nó, đều hãy còn thua!
Nửa khuya, trong căn phòng rộng, đứng trước bức tranh vẫn còn thơm mùi sơn dầu ướt, tôi nghe lòng lắng lại biết bao phiền não đối diện hằng ngày trong cuộc sống. Cảm giác bơ vơ tràn lấn nhanh toàn cõi tâm hồn. Trước thiên nhiên và trước một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, tôi vẫn thường như vậy. Nghĩa là tự dưng thấy mình bé nhỏ và rất ư là phàm phu tục tử. Trên nền canvas được pha thoang thóang màu tím nhạt, người trong tranh không còn là vật chết; mà chính đó, một kẻ rất tôi với trọn vẹn một định mệnh bão bùng của từ hơn 20 năm tuổi trẻ, của lần đầu gặp Đăng Lạt, như hiện rõ hình trên tác phẩm anh.
°

*

Trong quán Văn, một buổi chiều của tuần lễ đầu tiên tôi đến San Jose, trước vài người bạn, trong số có Nguyễn Văn Y được Trần Quảng Nam giới thiệu là "một điêu khắc gia tài hoa có đôi bàn tay rất mạnh, không đeo găng mà bắt con ba ba dưới biển dễ dàng như mình chụp một con chó nhỏ", và Trần Lãng Minh "ngâm thơ hay nhất nước Mỹ”, Trần Quảng Nam đệm dương cầm cho tôi kéo violon, y hệt thời gian chúng tôi còn ở Việt Nam, dạo 70-72.
Qua ngày kế tiếp, mới sáng ra tôi đã được Nguyễn Văn Y, Trần Lãng Minh cùng Đăng Lạt tìm đến rủ đi uống café. Lần thứ nhất gặp Đăng Lạt, tôi có hơi ngỡ ngàng vì hình dung cổ quái của anh, con người bé nhỏ, gầy đét, mặc bộ áo quần toàn trắng may bằng vải nhẹ, mái tóc dài thướt tha như con gái. Tuy nhiên cũng từ câu nói và cử chỉ đầu tiên, anh đã phá tan liền cho tôi cảm nghĩ xa cách. Đưa cả hai tay ra nắm chặt tay tôi, Đăng Lạt thản nhiên kể lể:
"Đêm qua, đã 3 giờ sáng mà thằng Y còn gọi đến anh nói rằng: Ngày mai bằng mọi giá, mày phải theo tao đi gặp một con nhỏ! Nếu một thằng thích ở lì một chỗ như mày vẫn thường tỏ ra ngưỡng mộ cái giang hồ tính của tao, thì tao phải nói rằng trên mặt ấy, con nhỏ này còn cao hơn tao một bậc!"
Và anh tiếp bằng giọng hồn nhiên chất phác:
"Nó còn nói thêm, nếu mà mày nghe tiếng đàn cũng như nhìn thấy cái dáng kéo violon của nó, mày sẽ nhận rằng cái tháp ngà mày đang trú ẩn yên ổn chỉ là đồ bỏ, đáng phải quăng hết để cất bước giang hồ như nó, như tao!"
Rồi cười vô tư, Đăng Lạt kết luận:
"Nhưng không phải chỉ bây giờ thôi, mà ngay từ đêm qua anh đã ‘cảm’ đúng chính xác được những gì thằng Y nó nói."
Vậy là cả một ngày dài, bốn người, tôi, Đăng Lạt, Nguyễn Văn Y và Trần Lãng Minh cùng lê la từ quán café này qua quán café khác. Những câu chuyện trên trời dưới đất, tràng giang đại hải được đưa ra nói hết với nhau. Trong nhận định riêng, tôi thấy nơi Đăng Lạt có điều bất thường, không ổn. Anh lớn hơn tôi hai tuổi. Đôi mắt sáng, thông minh, nhưng cũng trong ấy, tôi nhìn ra được một nỗi "điên điên" nào đó. Cử chỉ dáng điệu anh giống y như con nít. Trần Lãng Minh giới thiệu với tôi:
"Đăng Lạt là thằng sống trên mây, qua Mỹ bảy năm rồi mà chỉ biết mỗi hai chữ No và Yes!"
Nghe điều này, Đăng Lạt gật đầu công nhận, vẻ hiền lành khờ khệch. Một lúc nào, Nguyễn Văn Y đã ghé tai tôi, nói nhỏ:
"Đăng Lạt là một thằng rất ‘quái chiêu’, nó khinh thường tất cả mọi thằng nghệ sĩ, kể cả anh, nhưng với Thu Vân, nó thật ưu ái, chứng tỏ Thu Vân đặc biệt lắm đó!"
Nguyễn Văn Y tiếp:
"Tác phẩm nó cũng ‘quái chiêu’ như con người của nó!"
Cũng trong cái ngày thứ nhất giao thiệp ấy, cả bọn kéo về nhà Đăng Lạt. Căn phòng anh, giấy má rác rưởi bừa bãi. Tôi ra tay thu dọn giùm anh. Khi thấy tôi loay hoay tìm cái xuổng hốt rác, Đăng Lạt đưa cho tôi một cái bao đĩa hát. Tôi không cầm, lại cầm lên quyển Thơ Trần Nghi Hoàng đang nằm gần đó. Đăng Lạt nhìn tôi, cười hỏi:
"Tại sao Thu Vân từ chối cái bao dĩa hát, trong khi lấy tác phẩm của một thằng thi sĩ đang nổi tiếng mà hốt rác?"
Tôi trả lời cách dửng dưng:
"Âm nhạc là máu huyết của em. Thi ca cũng là điều em rất say mê yêu thích. Nhưng với anh chàng Trần Nghi Hoàng này thì quyển thơ của anh ta dẫu có bị dùng để em hốt rác, cũng đáng!"
Đăng Lạt ngạc nhiên:
"Trần Nghi Hoàng là bạn thân của anh. Nó làm thơ hay lắm. Em có quen nó không?"
Tôi lắc đầu:
"Em chỉ biết anh ta hai lần, chưa thể gọi là quen. Một, ngay ngày đầu đến Mỹ, tại quán Văn, đang ngồi với Trần Quảng Nam thì anh ta đến, cùng ngồi trò chuyện. Hai, vào ngày kế tiếp, Trần Quảng Nam mời cả em lẫn anh ta đi ăn tại quán phở Hòa. Hai lần gặp, em chỉ ngồi nghe mà không nói, nhưng cả hai lần, Trần Nghi Hoàng tỏ ra một tay cực kỳ kiêu ngạo làm cho em ghét."
Tôi tiếp:
"Một người kiêu ngạo như thế, hẳn tập thơ cũng chẳng có gì giá trị, đem dùng làm vật hốt rác cũng phải!"
Cả ba, Đăng Lạt, Nguyễn Văn Y và Trần Lãng Minh đều trố mắt nhìn tôi, rồi cùng bật cười to, điệu thích thú.
Nguyễn Văn Y nói:
"Thằng Trần Nghi Hoàng mà biết chuyện này, nó tức hộc máu!"
Trần Lãng Minh nhận xét:
"Trần Nghi Hoàng làm thơ hay thật, nhưng đúng như Thu Vân nói, nó kiêu ngạo quá!"
Chỉ riêng Đăng Lạt lặng im thật lâu, vẻ trang nghiêm, sau cùng bày tỏ:
"Em là người đàn bà đầu tiên và duy nhất mà anh thấy thành thật đến độ khủng khiếp! Đàn bà thường ưa dùng xảo thuật tình cảm cũng như bề ngoài, ngôn ngữ. Con người em khác lạ hẳn trong cái nhìn đầu tiên của anh là do từ điểm thành thật nơi em."
Một lần khác, đi uống café cùng Đăng Lạt và Trần Lãng Minh. Khi người hầu bàn đến, tôi gọi cho mình một ly nước sôi. Rồi lôi ra từ trong túi xách một cái ly đem từ nhà đi, trong có chứa sẵn chất café vẫn thường uống, tôi đổ nước sôi vào. Nhìn vẻ ngạc nhiên của Đăng Lạt, tôi cười, giải thích:
"Em sẽ trả tiền ly nước sôi y hệt ly café. Em không quen uống café lạ. Đi uống café, với em chính là đi uống cái không gian trong quán café đó!"
Vậy là Đăng Lạt bật lên tràng cười thích thú, quay sang nói với Trần Lãng Minh:
"Con nhỏ này đúng là một type dám sống cho những điều mình nghĩ. Một người rất có bản lãnh nội tâm."
°

*

Một tháng du lịch chấm dứt, tới hạn kỳ tôi phải rời khỏi nước Mỹ. Trước sự khó khăn mà tôi đang gặp, một đêm rất khuya, Đăng Lạt đã điện thoại đến bảo tôi:
"Nếu em tin tưởng anh, anh sẽ nói thằng em ruột làm hôn thú giả với em để em được lưu lại hợp lệ trên xứ Mỹ."
Tôi bằng lòng nhận sự giúp đỡ của Đăng Lạt.
Ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, mọi sự được dàn xếp ổn thỏa qua điện thoại giữa Đăng Lạt, tôi và Đặng Văn Phước, cậu em út của Đăng Lạt, nhỏ hơn tôi đến 10 tuổi. Đặng Văn Phước gọi tôi bằng chị, xưng em. Một lần tôi hỏi Đặng Văn Phước:
"Em giúp chị như vậy, hẳn là vì nghe lời anh Lạt, nhưng riêng em có thấy điều gì bất ổn?"
Đặng Văn Phước đáp:
"Cái gì anh Lạt bảo đúng thì em làm. Hiện tại, câu chuyện giấy tờ cư trú rắc rối của chị là điều đầu tiên làm anh ấy bận trí, nên biểu em làm hôn thú với chị, em thấy cũng là điều phải thôi!"
Một buổi sáng, Đăng Lạt cùng em trai qua thăm tôi để bàn rõ chi tiết hơn về cái hẹn đi Reno, tiểu bang Nevada, làm hôn thú. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Đặng Văn Phước. Khuôn mặt cậu rất lành, y như con nít, cái cười hồn nhiên hiền hậu. Suốt buổi sáng trò chuyện với nhau, cậu tỏ ra rất vui và cả tôi cũng yên lòng nữa khi biết mình đang "trao gởi cuộc đời" (dù giả hiệu, giai đoạn) nơi một con người có tâm tánh lành như thế. Tuy nhiên, trước khi chia tay, Đăng Lạt đã nói riêng với tôi:
"Một điều anh cần em hứa với anh là dù có làm hôn thú chăng nữa, em cũng sẽ không để ‘dính’ thật sự với thằng Phước."
Tôi nhìn Đăng Lạt, nhận ra nét gì đó kỳ lạ trong ánh mắt anh, nên nghiêm trang bày tỏ:
"Khi anh nói với em điều ấy có nghĩa là anh đã xúc phạm đến cá chất thẳng thắn của em rồi! Tuy nhiên, bây giờ cũng còn chưa muộn để anh bãi bỏ cái ý muốn giúp đỡ!"
Đăng Lạt vội vã xin lỗi và nói:
"Không! Anh đã hứa giúp em ở lại hợp lệ trên đất Mỹ thì anh giữ lời."
Dẫu vậy, một ngày, hai ngày, rồi một tuần lễ trôi qua mà chẳng thấy Đăng Lạt và Đặng Văn Phước điện thoại đến. Phần riêng, sự tự trọng đã không cho phép tôi tự ý liên lạc để nhắc nhở đến việc đi làm hôn thú nói trên. Tôi linh cảm có điều không suông sẻ. Nhưng trong định mệnh, đã quá quen với những gãy đổ bất ngờ vào phút cuối, tôi không nghĩ đến điều ấy nữa.
Cho đến một hôm, Viễn Phương và Sơn Dalat mời cả tôi cùng Đăng Lạt đi uống café. Ngồi cạnh nhau nơi băng ghế sau, tôi nghe Đăng Lạt nói:
"Chuyện làm hôn thú với thằng Phước, anh nghĩ là em nên quên đi. Có nhiều điều không tiện cho nó."
Tôi im lặng. Đăng Lạt áy náy:
"Rồi em tính cách nào để ở lại Mỹ?"
Tôi cười:
"Còn biết tính sao? Em đâu có quyền quyết định? Đành phải trở về Âu Châu vậy!"
Đăng Lạt vẫn không ngừng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến câu chuyện:
"Em phải làm sao đi chứ? Anh không tin em là người chịu thua hoàn cảnh."
Sau một lúc im lặng, tôi gật đầu nói:
"Em nghe anh kể là anh vượt biên từ Việt Nam qua Mỹ bằng đường bộ xuyên Kampuchia tới biên giới Thái Lan. Còn em từ Việt Nam sang Âu Châu bằng máy bay theo diện gia đình đoàn tụ. Vậy, cả anh lẫn em đều không ai có kinh nghiệm về đường biển hết. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng mình không thể hình dung ra được hình ảnh một người nổi trôi đơn độc giữa đại dương lớn rộng. Sức đã mòn, hơi đã yếu, nhưng bản năng sinh tồn vẫn không ngừng xúi giục người ấy chống chỏi cùng những cơn sóng bạc đầu liên tục đổ lên như muốn nhận chìm anh ta xuống đáy biển sâu. Khi ánh mặt trời chiếu rọi, người kia tưởng nhìn thấy một cái phao, cố gắng bơi nhanh tới, nào dè chỉ là ảo ảnh. Nếu anh là người ấy, anh hình dung mức độ tuyệt vọng của anh sẽ cao đến cỡ nào?"
Vẻ xúc động hiện lên nơi Đăng Lạt. Tôi tiếp:
"Anh dẫu là bạn mới, nhưng em phải nhận rằng anh đã nhìn rõ được phần nào bản chất em. Ví dụ như cái điều anh vừa nói ban nãy rằng em không bao giờ chịu thua hoàn cảnh. Thêm một điều, anh cũng đã nhìn được. Đó là cái hấp lực mạnh mẽ của em dễ làm cho kẻ khác –nhất là những chàng trai chưa có kinh nghiệm sống- bị lôi cuốn, quí phục. Anh lo sợ cho em trai anh sẽ rơi vào cái vòng hấp lực tự nhiên và vô tội của em nên tự bôi xóa đi lời hứa chắc chắn của mình. Ở điểm này, em phải nói rằng anh còn tầm thường lắm nên chưa nhìn ra được, cạnh bên cái hấp lực ấy, em còn ẩn giấu một cá chất ngay thẳng và tự trọng."
Đăng Lạt ngồi im mỉm cười, nét mặt trông hân hoan đến gần như quái lạ. Nơi băng ghế trước, hai người bạn kia cũng lặng im lắng nghe câu chuyện. Tôi kết luận:
"Tương đối anh nhìn được em nhiều hơn kẻ khác, nhưng cái điều sâu thẳm nhất của nội tâm em, đến hết đời, anh vẫn chẳng thể nào ‘nhìn ra’ đâu!"
Buổi ấy, khi chia tay tôi, Đăng Lạt nói:
"Khi em nói với anh những lời xỉ vả tức là anh biết anh vẫn còn có được sự tha thứ của em, vẫn còn được là bạn em và anh rất vui mừng vì điều đó."
 
Thật vậy, sau lần ấy, và nhất là từ khi làm vợ Trần Nghi Hoàng, tình cảm và sự quý trọng Đăng Lạt dành cho tôi ngày càng đậm đà thân ái. Ba chúng tôi thường đi uống café với nhau, thường nhiều đêm đàm luận về văn chương nghệ thuật. Anh không phải là người có kiến thức sâu rộng về cuộc đời và nghệ thuật, nhưng riêng mặt hội họa, cả tôi và Trần Nghi Hoàng đều ngưỡng mộ tài năng anh. Trong nhà tôi, phòng nào cũng có treo tranh anh. Tôi thường nghe Trần Nghi Hoàng nói:
"Đăng Lạt tánh tình quái dị, nhưng bố phải nhận, so về tài vẽ chân dung thì chưa ai trong giới họa sĩ Việt Nam ở Mỹ có thể sánh kịp nó. Nó vẽ đến luôn cả những đường gân máu trên da mặt con người, y như ảnh chụp."
Và nhiều lần chàng tỏ ra tiếc nuối:
"Nếu nó chịu khó làm việc và bớt đi phần hưởng thụ, bố tin rằng nó sẽ thực sự thành công về mặt mưu sinh trên chuyện vẽ tranh".
°

*

Thực tình, cái số anh rất nhàn nhã. Anh đã có vợ con, nhưng từ lâu rồi không liên lạc gì với họ nữa. Mười mấy năm qua Mỹ mà anh vẫn không hội nhập được vào "giờ khắc chạy đua" ở Mỹ và rất ít khi kiếm ra tiền dù bằng nghệ thuật hội họa hay bất cứ công việc nào khác. Anh sống dưới sự cưu mang của cậu em trai út và sự giúp đỡ của nhiều bạn hữu. Đặc biệt tôi, Trần Nghi Hoàng, Phạm Hiếu và Trịnh Duy Phương (hình như có "nợ" với anh từ kiếp trước!?) vẫn thường "cố ý tạo nhiều điều kiện vật chất" cho anh làm nghệ thuật. Chúng tôi sẵn sàng mua những bức tranh nào anh muốn bán, sẵn sàng nhận để anh thực hiện những bức chân dung chỉ với mục đích giúp anh có tiền tiếp tục con đường vẽ tranh.
Tuy nhiên, anh có hai cố tật nổi bật, rất nhiều phen khiến Trần Nghi Hoàng bực bội, thảng hoặc không tiếc lời xỉ vả. Đó là sự "tự yêu mình quá đáng" và "ít khi xem trọng lời hứa". Anh thích se sua ăn diện, thích tạo điều kiện thoải mái cho nơi ăn chốn ở riêng, thích ngồi quán café giờ này qua giờ khác trong thế trầm tư suy tưởng. Cũng vì sự tự yêu mình này mà cái điều "chà đạp lời hứa" với bạn hữu cố nhiên phải có. Nhiều phen, nhận vẽ một bức tranh cho người bạn nào đó, lấy đủ tiền xong, anh bỏ luôn, không cầm đến cọ. Lắm khi cũng vì "lời hứa bị chà đạp" mà tình bạn giữa Trần Nghi Hoàng và anh đi đến chỗ đổ vỡ. Dẫu vậy, vì lý do này nọ, năm lần bảy lượt, sự giao thiệp giữa hai người vẫn được hàn gắn. Những khi ấy, Trần Nghi Hoàng thường nói với tôi:
"Bọn mình và Đăng Lạt đúng là có ‘nợ’ với nhau. Bản chất nó đối nghịch hẳn với cả bố lẫn em, nhưng một điều bố nhận thấy là nó thật tình quí trọng em, em lại không có bạn, nên dẫu nhiều phen bực mình, bố vẫn vì em mà không ‘bỏ’ nó được."
Sự quý trọng của Đăng Lạt dành cho tôi có phần đặc biệt. Anh đối với tôi không như với một phụ nữ, mà là với "một người bạn trai thật sự", không chút gì sỗ sàng, khiếm nhã. Anh ưa thích làm theo những yêu cầu của tôi, như việc vẽ một cái bìa sách trong hạn kỳ rất ngắn, hoặc tháo từ trên tường xuống mà đưa cho tôi những bức tranh nào tôi tỏ ra chiêm ngưỡng đặc biệt. Mỗi mùa sinh nhật của tôi đều được Đăng Lạt nhớ bằng cách đem đến nhà tôi một tác phẩm mới hoàn tất với lời đề tặng ngay trên nền canvas. Thỉnh thoảng anh tự tay mang cho tôi một bức sơn dầu rất độc đáo chỉ để "cho anh xin 10 đồng đi uống café!"
Dẫu vậy, một cách nào đó tôi nghĩ, sở dĩ Đăng Lạt "có phần ưu ái" tôi là bởi vì tôi luôn luôn tin và nói lên với anh hoặc bất cứ ai điều rằng "trong con người anh, còn có một bản chất thật thứ hai đang chìm lắng". Dưới mắt mọi người, anh được nhìn như một anh chàng biếng nhác, kiêu ngạo, ngã mạn. Nhưng trong ý nghĩ riêng, tôi hiểu anh, nếu đặt đúng môi trường, khả năng làm việc của anh sẽ phát lộ dữ dội ra.
Mỗi nghệ sĩ đến trong cuộc đời bằng một vận số riêng, một cá chất khác biệt. Đăng Lạt không phải là mẫu nghệ sĩ thích ứng dễ dàng với những va chạm thực tế. Anh có tài năng, nhưng anh thiếu hẳn nghị lực làm việc. Vả chăng, với cái quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật", tài năng anh cũng chỉ linh động nếu nó bắt đúng được tần số giao cảm giữa anh với điều gì đó bên ngoài cái tháp ngà của riêng anh để có thể làm nẩy sinh những tác phẩm nghệ thuật. Mà điều giao cảm này đâu phải dễ dàng tìm thấy trên một nơi chốn quay cuồng vật chất như nước Mỹ? Vì vậy mà vô hình chung, nghệ thuật của anh ngày càng mai một, bế tắc đi vì sự thiếu hoạt động của anh.
Thêm một điều, có một dạo rất lâu, anh chẳng cầm đến cọ, chỉ dành tất cả thì giờ để đọc kinh Phật, tìm hiểu về Phật pháp. Theo Trần Nghi Hoàng phân tích thì chính vì anh không đạt tới điểm nghệ thuật mà anh hoài tưởng nên trốn mình trong đạo giáo. Nhưng còn tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng trong con người anh có hai khuynh hướng rõ rệt: tôn giáo và nghệ thuật. Hai khuynh hướng này luôn luôn dằn xéo anh, làm cho anh trở thành như một kẻ mộng du, không biết mình phải chọn con đường nào để đi.
°

*

Bản chất anh cao ngạo và hay bày tỏ sự cao ngạo đối với mọi người trên nhiều hình thức. Nhưng với riêng tôi, luôn luôn anh cho thấy có sự "vị nể" thật tình. Anh thường nói với Trần Nghi Hoàng và các người bạn khác:
"Đàn ông tao đã coi thường, đàn bà tao lại càng coi thường hơn nữa. Nhưng riêng Thu Vân, ý nghĩ coi thường này chưa hề có. Đó là người đàn bà thông minh, tài hoa, có đạo đức và đầy ý chí, tao gặp trong đời lần thứ nhất!"
Trước lời khen ấy, tôi luôn luôn tỏ ra xấu hổ mà từ chối; thì anh nói, vẻ thành thật:
"Anh nể trọng em hơn tất cả mọi người khác bởi vì ở em bao gồm những điều ‘anh có’ luôn cả những điều ‘anh thiếu’."
Rồi giải thích thêm:
"Điều anh thiếu chính là một nghị lực mạnh mẽ và sự làm việc liên tục, kiếp này qua kiếp khác, chắc anh chẳng thể nào bằng được em đâu!"
Có những buổi café, Đăng Lạt ngồi im, trân trọng lắng nghe những xáo trộn trong cuộc sống hôn nhân của Trần Nghi Hoàng và tôi, để rồi sau đó quay sang nói với Trần Nghi Hoàng, vẻ rất thành thật:
"Cả mày lẫn Thu Vân đều là những con người đặc biệt, vì vậy sự kết hợp giữa cả hai phải kể là một cơ may rất lớn. Mỗi người phải tự hiểu điều đó để đừng làm phí đi những cái gì đã được. Đời sống cùng sự nghiệp văn chương của tụi mày có lên hay xuống cũng là đều từ cái hiểu ấy mà nên."
°

*

Khi biết tôi sắp tái bản cuốn bút ký Nước Chảy Qua Cầu, Đăng Lạt nhận trình bày cái bìa bằng một bức tranh dự định vẽ cho tôi. Một buổi, ngồi ở quán café Denny's, tôi nghe anh nói:
"Thuở mới gặp em, em có kể với anh câu chuyện, khi em còn bé, mỗi buổi học violon, nhìn thấy bức tranh cây đàn violon treo trên tường nhà ông thày dạy, em đều đứng ngắm thật lâu bằng đôi mắt ước mơ chiêm ngưỡng... Anh nghe và trân trọng ghi nhận. Nhiều năm rồi, điều này vẫn nằm im trong ký ức. Cho đến hôm nay, anh quyết định vẽ cho em cây đàn violon mà từ thuở nhỏ em từng đã ước mơ."
Tôi kinh ngạc đến không nói gì được. Lại nghe anh tiếp:
"Lần đầu gặp, biết em vừa mới một mình ở Âu Châu sang, bề ngoài mỏng manh nhỏ bé, nơi xứ lạ chẳng ai thân thích, anh thấy nể phục ngay sự cô đơn của em. Cho đến khi nghe em kéo violon, nhìn cái dáng của em phiêu bồng quá, trong tiếng đàn lại ẩn chứa cả một nỗi buồn mạnh mẽ, anh vô cùng xúc động. Ngay tức thì, anh nhận ra được sự quan trọng dường nào của cây violon đối với con người và nỗi cô đơn của em. Em và nó gắn chặt nhau như hình với bóng. Nó là linh hồn, là niềm vui, hạnh phúc của em. Anh nhận điều ấy rất rõ khi lần đầu nhìn thấy em ôm cây đàn trong tay theo cái cách vô cùng trìu mến. Anh tưởng tượng, dẫu cho có ôm một người tình bằng xương bằng thịt, em cũng không đạt được đúng cái độ dịu dàng như vậy... Cho đến khi em làm vợ Trần Nghi Hoàng, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, em không kéo violon nữa. Cuộc đời em đã đứng lại, không còn lang thang phiêu bạt. Anh mừng với sự an ổn trong hôn nhân của em... Nhưng rồi có lúc nào, qua văn chương em, anh nhận ra được nỗi buồn –mà có thể chính em đã không nghĩ đến. Anh cảm được sự đau khổ của em theo nỗi mất mát ngón đàn tài hoa thân thiết, mất mát những tháng ngày giạt trôi chân trời góc bể, trong đó chứa đựng biết bao đau khổ ngút ngàn mà chỉ cây violon mới là vật xẻ chia duy nhất. Anh cảm và trân trọng những điều ấy. Cây violon thật sự của em đã bị chôn vùi vào xó góc, năm tháng phủ lên trên cái hộp những lớp bụi lẻ loi quên lãng. Nhưng anh quyết biến nó trở nên một vật được mọi người biết đến, bởi vì định mệnh nó đã như thế. Chỗ đứng của nó phải là trước công chúng như trong mấy chục năm quá khứ nó đã được em vinh danh, chứ không chỉ nằm lặng câm trong chiếc hộp gỗ đơn sơ."
Quả thật lần ấy, Đăng Lạt khiến cho tôi xúc động vô cùng không chỉ vì bức tranh Cây Vĩ Cầm Của Thu Vân quá thật, quá sống, vẽ từ ngay chính cây violon thân thiết trong quãng đời nổi trôi giang hồ cũ; mà còn vì sự thấu hiểu của anh về con người, tâm hồn và đam mê của tôi.
Trên nền canvas của bức tranh Cây Vĩ Cầm Của Thu Vân, bên dưới chữ ký, Đăng Lạt đã viết 1986-1991, rồi giải thích với tôi, cái ý niệm về bức tranh này đã ẩn núp trong trí từ 1986, lần đầu nghe tôi nói lên ước muốn; đến bây giờ, 1991, mới thật sự được vẽ ra.
Bây giờ với bức Trầm Lắng, cái duyên nghệ thuật giữa tôi và Đăng Lạt cũng chỉ là tình cờ không hẹn. Một buổi chiều ngồi trong quán café Denny's cùng Trần Nghi Hoàng, tôi nghe Đăng Lạt hỏi:
"Cuốn Tài Hoa Mệnh Bạc của em xong chưa?"
Tôi đáp:
"Lẽ ra xong từ hai tuần trước, Trần Nghi Hoàng sắp trang, trình bày đâu vào đó, chờ ngày mai đưa đi in; thì ngay chiều hôm trước, vào tiệm sách cũ, em tìm thấy một số tài liệu rất đặc biệt về Van Gogh. Vì vậy em xin Trần Nghi Hoàng bỏ hết những cái gì đã làm để chờ cho em bổ sung phần tài liệu mới."
Đăng Lạt kêu lên:
"Em cầu toàn đến như vậy sao?"
Tôi cười:
"Một nghệ sĩ như anh mà cũng đặt câu hỏi ấy với em à?"
Đăng Lạt hỏi:
"Tài liệu hay cỡ nào để có thể khiến em hủy bỏ nguyên cuốn sách đã làm xong như vậy?"
Tôi đáp:
"Nhiều lắm, nhưng có chi tiết về việc ‘Van Gogh yêu cầu ông bác sĩ Gachet thay vì đãi họa sĩ ăn những bữa cơm sang trọng thì hãy nên dùng số tiền ấy, mua những cái khung mà lộng tranh Pissarro hay tranh Cézanne vào, đừng để lăn lóc nơi các góc nhà nữa’, đã khiến em thích thú đặc biệt. Khi viết về đoạn ấy, em nghĩ nhiều đến anh. Trước những tác phẩm nghệ thuật, kẻ thưởng ngoạn cần phải có sự trân trọng, biểu lộ bằng hành động cụ thể. Bằng không thì thôi! André Maurois đã nói một câu chí lý: ‘Không điều gì tầm thường hơn sự thưởng thức một cách tầm thường!’ Trên đời đâu thiếu gì những người như bác sĩ Gachet, bề ngoài ‘tỏ ra’ hâm mộ nghệ thuật, nhưng sâu thẳm bên trong không có được sự trân trọng đối với sáng tác của nghệ sĩ.”
Đăng Lạt nhìn tôi:
"Trước khi gặp em, có lần anh nổi cơn điên, rạch nát rất nhiều tác phẩm mà chính anh về sau cũng không bao giờ sáng tạo lại được một cách đầy hứng thú như vậy."
Trần Nghi Hoàng xác nhận:
"Đúng, bố biết điều ấy."
Đăng Lạt tiếp:
"Nếu lúc đó có em, đưa tặng em, có lẽ bây giờ anh còn nhìn thấy được những đứa con mình đã cấu tạo ra."
Tôi cảm động hỏi:
"Sao lại em mà không là người khác được nhận số tặng vật đáng giá ấy?"
Đăng Lạt gật đầu, vẻ nghiêm trang:
"Người trân trọng thật sự những cái gì anh đã sáng tạo, anh nhìn thấy chỉ có em là cao nhất. Trần Nghi Hoàng cũng không có điều ấy bằng em đâu."
Trước khi rời quán café, Đăng Lạt chợt nói với Trần Nghi Hoàng:
"Thằng em tao sắp sửa thất nghiệp, vợ nó lại sắp sanh. Bấy lâu, như mày biết, tao vẫn sống nhờ vào sự cấp dưỡng của nó. Bây giờ tao phải giúp đỡ lại nó bằng cách nhận vẽ chân dung. Nhưng đầu tiên, tao cần phải vẽ cho Thu Vân và mày để gợi hứng, trước khi vẽ cho người lạ. Vậy mày và Thu Vân về lựa bức hình nào ưng ý nhất, tao vẽ."
Cả tôi lẫn Trần Nghi Hoàng đều kinh ngạc. Đăng Lạt bày tỏ tiếp:
"Mấy lúc gần đây, tao có ý muốn vẽ lại. Hai bàn tay tao đột nhiên ngứa ngáy muốn cầm lên cây cọ. Bây giờ thêm với việc thằng em tao sắp thất nghiệp, ý muốn này càng mạnh mẽ hơn."
Tôi gật đầu:
"Em rất mừng khi nghe anh nói lên điều ấy. Cũng cùng một con người mà khi anh hiện thân là một nghệ sĩ, em thấy gần và hiểu anh hơn là với con người tu hành, đạo giáo. Điều này em chỉ cảm nhận và nói ra, không muốn phân tích."
Trên đường về, Trần Nghi Hoàng nói với tôi:
"Bố biết mình không dư dả, nhưng mặt khác bố cũng biết Đăng Lạt rất ít khi có hứng làm việc. Bây giờ nó đang có, mình phải nên chụp ngay lấy!"
Tôi ngạc nhiên vì những điều đang được nhận trong khắc giây lúc ấy. "Những cái gì" đó không chỉ là một bức chân dung của tôi sẽ được phô bày trên khung vải từ tài năng của một người bạn, mà còn chính vì tình cảm cùng sự hiểu biết rất cao Trần Nghi Hoàng đã đối với tôi.
Ngay sáng hôm sau, chúng tôi đưa Đăng Lạt đến tiệm bán các thứ dụng cụ nghệ thuật hội họa. Nhìn anh lạc vào thế giới màu sắc, nét mặt rạng rỡ, tôi chợt nghe lòng rung động. Anh cầm lên từng tấm canvas, đưa bàn tay có những ngón gầy bé nhỏ, trân trọng vuốt nhẹ trên làn vải phẳng. Trông anh lúc ấy giống y hệt chàng tình nhân gặp lại nàng con gái suốt nhiều năm dài chàng đã yêu và cũng đã cách xa.
Bức Trầm Lắng thành hình sau hơn một tháng miệt mài trau chuốt. Bữa cuối cùng trước khi trao nó cho tôi, ngồi trong quán café ba người với nhau, tôi đã nói cùng Đăng Lạt:
"Anh biết, em vui mừng chừng nào nếu tác phẩm này sẽ là của em, nhưng đồng thời cũng rất ngậm ngùi cho anh. Đứa con anh cấu tạo ra với tất cả tâm hồn, bây giờ bỗng dưng thuộc về kẻ khác, làm sao không buồn cho được?"
Đăng Lạt cười, nụ cười ngây dại:
"Anh cảm ơn em đã nghĩ giùm anh điều ấy. Nhưng, giao nó cho em, anh không buồn chút nào, bởi vì anh biết nó sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong cuộc đời em từ đây."
Trần Nghi Hoàng bày tỏ:
"Ngày mai ra mắt cuốn Tài Hoa Mệnh Bạc I của Thu Vân tại nhà tao, cũng là dịp tụi tao dành giới thiệu tác phẩm mới của mày, nếu mày muốn, tao tin là có nhiều người sẽ đặt cho mày vẽ."
Đăng Lạt lắc đầu:
"Tao cảm ơn ý tốt của tụi mày. Nhưng bây giờ tao không thích điều ấy nữa. Lỡ nhận mà không làm tròn thì kỳ lắm. Còn nhận mà không vẽ bằng sự cảm xúc người kia có thể tạo cho tao, tao biết chẳng bao giờ xong. Thôi, quên chuyện ấy đi!"
Tôi kinh ngạc nhìn Đăng Lạt. Nhưng đồng thời rất hiểu anh. Hóa ra những cái gì tôi nghĩ về anh chẳng sai là mấy!
°

*

Giữa khuya, một mình đứng trước tác phẩm của người bạn tài hoa tánh tình kỳ quái, tôi thấm nghe lòng rung cảm lâng lâng. Bức tranh bây giờ trở nên một phần gắn bó vào cuộc đời tôi. Hơn cả văn chương, thi ca hay âm nhạc, hội họa chính là môi trường thích ứng nhất cho kẻ thưởng ngoạn thấm cảm được phần nội tâm sâu sắc mà người nghệ sĩ thật sự có tài muốn phô diễn. Đăng Lạt là người họa sĩ như thế. Tất cả sự thấu hiểu của anh về định mệnh tôi đã được anh thể hiện rõ ràng qua tác phẩm. Cái định mệnh không ngừng lao đao và luôn luôn phải đối đầu với những nỗi bất an!
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
VÌ NHỮNG ĐIỀU RIÊNG
tôi thức giấc khi chiều tắt thở
đêm mở ra những chuyện hoang đường
trái tim nhỏ trong lồng ngực khổ
mùi máu thơm. Vết cháy trầm hương
 
em có biết buổi chiều đã chết
đời ủ ê. Chăn gối phôi phai
trong hôn lễ của loài thú lạ
có tiếng gào từ khước tương lai
 
những nốt nhạc lướt trên quá khứ
phủ dụ trần gian. Ve vuốt em
tôi làm con suối trong sa mạc
em uống từ tâm bao nỗi niềm
 
giọt chuông gọi mãi hồn ân xá
em nhớ gì trong ký ức câm
ở cơn mê thiếp tôi còn thấy
tôi phục sinh bởi nụ cười em
 
ba mốt mười hai. Trời đất có
tôi và em chung một tương lai
loài thú lạ nhìn nhau khuất phục
vì những điều riêng. Rất sớm mai
San Jose. Chủ Nhật 20/9/1992. Một đêm...
 
Như đã hẹn nhau từ trước, buổi giỗ cúng 49 ngày chết của Nguyễn Tất Nhiên sẽ được tổ chức tại nhà tôi.
Đúng 7 giờ tối, Trần Quảng Nam, Đằng Sơn, Từ Hiếu Côn, mỗi người xách trên tay một chai rượu ngon, cùng xuất hiện. Nguyễn Hữu Liêm cũng hẹn đến, nhưng giờ cuối bận, gọi điện thoại hủy bỏ. Một mâm thức ăn tôi lo từ ban chiều được dọn lên. Ngay "chỗ ngồi" của Nguyễn Tất Nhiên –được xếp giữa Trần Nghi Hoàng và Trần Quảng Nam- có để một cốc gạo cắm ba cây nhang, cái ly, cái chén và đôi đũa.
Tôi vốn rất sợ các không khí ma chay cúng kiến, nên bỗng dưng thấy rờn rợn gây gây mà hình dung rất nhanh đến khuôn mặt và con người Nguyễn Tất Nhiên.
[Một buổi tối tháng 4/1991, tôi nhận một cú điện thoại gọi từ Santa Ana. Đầu dây kia là giọng đàn ông nói tiếng Nam, tự xưng Nguyễn Tất Nhiên. Do bởi Trần Nghi Hoàng vắng nhà nên tôi phải tiếp cú điện thoại ấy. Tôi nghe Nhiên nói:
"Tui sắp sửa khởi hành đi San Jose chút nữa đây. Nghe Trần Ngọc nói là lên San Jose, cứ tìm đến nhà vợ chồng Trần Nghi Hoàng, sẽ được tiếp đón. Vậy xin hỏi chị, sáng sớm mai tui đến, có gì bất tiện?"
Tôi hơi khựng vì câu hỏi đột ngột này. Tôi chưa hề quen Nguyễn Tất Nhiên, ngoại trừ một lần duy nhất gặp anh tại hội chợ Tết San Jose năm 1988, được Trần Nghi Hoàng giới thiệu nhưng chẳng nói gì ngoài một cái chào ngắn ngủi. Tuy nhiên, nghĩ rằng anh là bạn Trần Nghi Hoàng, lại do Trần Ngọc -một người tôi rất quí mến- giới thiệu; vả nữa, trên khía cạnh giao thiệp bạn bè, giữa Trần Nghi Hoàng và tôi có một sự kết hợp rõ ràng chính xác; nên tôi thấy không có gì trở ngại nếu chấp thuận Nguyễn Tất Nhiên đến nhà mà chưa có sự hội ý với chàng. Vì thế, tôi đáp lời qua điện thoại khi ấy:
"Anh cứ đến. Nhưng sáng mai tới San Jose, nhớ điện thoại cho Trần Nghi Hoàng ra đón."
Vậy là 8 giờ sáng hôm sau, chị Nguyễn Bá Sanh chở Nhiên tới nhà tôi.
Thoạt đầu tôi ngỡ Nguyễn Tất Nhiên chỉ lưu lại dăm ngày. Nào ngờ, buổi sáng thứ nhất, sau khi đưa anh đi uống café và mua ít vật dụng cá nhân, trở về, Trần Nghi Hoàng nói với tôi:
"Thằng Nhiên tội lắm em à! Nó kể là suốt hai năm qua, từ lúc vợ chồng nó thôi hẳn nhau, nó buồn, sống bụi đời không cửa nhà gì cả, chỉ ngủ chùa hay ngủ ngoài xe."
Rồi chàng hỏi:
"Em nghĩ sao nếu mình cho nó ở lại nhà mình để nó kiếm việc làm và tự ổn định một đời sống mới? Bố bảo nó là khả năng vợ chồng mình chỉ cưu mang nó nổi trong vòng hai tháng."
Tôi đồng ý ngay tức khắc, giao cái phòng của thằng con trai lớn cho Nguyễn Tất Nhiên toàn quyền sử dụng, còn chính thằng bé thì ngủ salon!]
Trần Quảng Nam giơ cao chai rượu có cái vỏ rất đẹp phân trần:
"Chai này tôi mua tới 65 đô la, trong khi tiền phúng điếu của Trần Chí Phúc đưa qua tay tôi chỉ có 50 đồng. Lỗ mất 15 đồng bạc!"
Đằng Sơn hỏi:
"Ủa! Tại sao mình không mời Trần Chí Phúc?"
Trần Nghi Hoàng gật:
"Ừ! Phải mời nó chứ! Bữa giỗ này, nguyên nhân phần lớn được tổ chức là nhờ 50 đồng phúng điếu của nó mà nên!"
Nói là làm, chàng đứng lên điện thoại cho Phúc, nhưng chẳng ai bắt máy. Chàng bèn nhắn vào máy, bảo đến ngay!
Trần Quảng Nam rót rượu vào ly Nguyễn Tất Nhiên,  giọng diễu cợt:
"Hôm nay ông ăn uống cho đã lần cuối rồi siêu thoát đi nhé!"
Sau đó, mọi người chuyền tay nhau chai rượu. Trước khi uống, ai nấy đều cùng "cụng ly" với Nguyễn Tất Nhiên.
Trần Nghi Hoàng vừa gắp một miếng thịt quay bỏ vào chén Nhiên, vừa khấn:
"Ông sống cũng chẳng ít lợi gì cho ông hay các người thân, còn làm phiền bạn bè nữa. Bây giờ ông đi là sướng rồi. Tụi tôi ở lại mới cực!"
Tôi nhìn vào ly rượu và chỗ ngồi Nguyễn Tất Nhiên, tưởng tượng cái cười nửa miệng của anh khi nghe các câu chuyện đối đáp của bạn bè trên dương thế.
[Trong các cuộc rượu tại nhà tôi thời gian hai tháng anh lưu trú, Nguyễn Tất Nhiên vẫn thường ngồi cười dại ngây như vậy. Dáng anh cao ráo, tóc tai bờm xờm không chải, áo quần luôn luôn xốc xếch. Anh ít nói, chỉ cười, nhưng mỗi khi nói thì rất hăng, cơ hồ không dứt, nước miếng nước bọt văng ra tứ phía. Trong câu chuyện, luôn luôn anh đề cập đến một ông bác sĩ nào đó tên Tôn Thất Niệm dưới Santa Ana và cứ khăng khăng cho rằng ông này đã tìm cách hãm hại cuộc đời anh. Câu chuyện thật hay giả, không ai kiểm chứng; nhưng nó nhàm chán đến nỗi chẳng ai buồn phê phán; trừ ra một lần trong cuộc rượu nhà tôi, Huệ Thu –gặp anh lần đầu- đã mắng thẳng vào mặt anh rằng: "Nếu anh sợ Tôn Thất Niệm thì chứng tỏ anh là một thằng hèn!"]
Từ Hiếu Côn ngồi cạnh Trần Nghi Hoàng, nói nhẹ:
"Sao? Đọc văn tế Nguyễn Tất Nhiên đi chứ!"
Vậy là Trần Nghi Hoàng lôi từ tủ sách bài thơ vừa mới làm xong trưa nay, dành riêng cho dịp này, trao qua tay Đằng Sơn. Mọi người lại "cụng ly" với Nguyễn Tất Nhiên, sửa soạn cho mình cái vẻ trang trọng và chờ nghe bài thơ tế.
Tế Nguyễn Tất Nhiên
‘this is a book,
a book on the shelf'.’
đây là Nguyễn Tất Nhiên
Nguyễn Tất Nhiên đã chết
ô hô! ai tai!
[Ngày đầu đến nhà tôi, ngồi trò chuyện một lúc với nhau, tôi nghe Nhiên nói:
"Bấy lâu hư quá! Bây giờ tui phải làm lại cuộc đời!”
Tôi ngạc nhiên:
"Ủa, sao phải ‘làm lại’? Vậy chứ xưa nay anh làm gì?"
Nhiên đáp trong cái cười hề hề:
"Tui làm thinh! Bây giờ tui phải bỏ công ra học Anh Văn cho nhuyễn, nói tiếng Mỹ như gió thì tụi nó mới sợ!"
Thấy lối nói chuyện kỳ kỳ của anh, tôi chỉ ngồi im mỉm cười mà chẳng muốn hỏi xem ‘tụi nó’ là ai. Nguyễn Tất Nhiên lại tiếp:
"Thuở đời mình không biết nói tiếng Mỹ, tụi nó coi thường nên cứ bày đặt chuyện mà hại mình, ý cho rằng nếu có đi cớ bót thì mình cũng chẳng biết đường nào mà nói. À mà chị dạy tui đánh piano nghe?"
Tôi chưa kịp trả lời thì anh đã cười:
"Chị đừng lo! Tui trả tiền đàng hoàng mà! Nhưng tui chỉ muốn chị dạy tui một bản nào thật tình để tui đi cua đào. Hồi xưa tui đã có học qua, nhưng ông thầy ổng bắt tui tập ngón tay dữ quá mà không dạy cho bài ruột, nên tui bỏ, không học nữa!"
Vậy là từ đó, bất cứ đi đâu, xuống tiệm sách, ra quán Dakao ngồi với Trần Nghi Hoàng hay Nguyễn Ý Thuần, Nhiên cũng đều kẹp bên nách một cuốn vỡ lòng Anh Văn do Trần Nghi Hoàng tặng và lầm rầm đọc: "This is a book, A book on the shelf!"]
Nguyễn Tất Nhiên đã chết như một viên đạn kẹt
gần 40 năm không ra được khỏi nòng
cây súng thần công
là cuộc sống!
Nguyễn Tất Nhiên!
mày sống ngơ ngơ và chết ngu ngu
nhưng đích thực mày là thi sĩ
Maiakovski chết không một lời rên rỉ
ô hô! ai tai!
đạn bắn vào đầu là vô chung hữu thủy
[Sống trong nhà, vài ngày đầu chưa quen, thấy rất khó chịu vì thái độ và cử chỉ của Nguyễn Tất Nhiên. Cởi đôi giày ra là anh quăng bừa vào một góc phòng khách. Ăn tô mì gói là vung vãi bẩn thỉu khắp cả bàn. Mỗi khi anh vào buồng tắm là sau đó, cái toilette biến thành như chỗ đã lâu không ai chùi rửa. Học trò tôi đa số con gái lứa 18- 20 tuổi, anh từ buồng tắm đi ra, thường dừng lại ngay cửa lớp mà nhìn vào, có khi còn ở trần, có khi quần quên cả gài dây kéo! Thoạt đầu khó chịu, nhưng sau quen dần, chẳng ai buồn để ý, chỉ riêng Trần Nghi Hoàng cứ phải khổ công chầm chập nhắc chừng anh.]
mày, Nguyễn Tất Nhiên
thống thiết không thống thiết
bi ai chẳng bi ai
mày, Nguyễn Tất Nhiên
chơi trò thuốc ngủ – ngủ giấc dài
chết tình cờ như một trận chiêm bao...
[Một lần đi ăn với cả gia đình tôi, tôi nghe Nhiên hỏi:
"Chị là dân âm nhạc, vậy chị nghĩ là nhạc Phạm Duy với nhạc Trần Quảng Nam, ai hay hơn?"
Tôi đáp:
"Tôi là dân âm nhạc thiệt, nhưng loại nhạc tôi ưa thích và thường xuyên nghe là cổ điển Tây Phương, thành ra rất dốt về nhạc Việt Nam. Biết thì biết vậy nhưng không dám phê bình ai hay ai dở. Còn anh, anh nghĩ ai hay hơn?"
Nguyễn Tất Nhiên trả lời:
"Trần Quảng Nam trẻ, ít kỹ thuật nhưng nhiều cảm xúc. Vì vậy tui cho là nhạc Trần Quảng Nam hay hơn nhạc Phạm Duy!"
Rồi Nhiên kể:
"Hồi trước tui cũng có bày đặt làm nhạc, lái xe từ Santa Ana đem lên cho Trần Quảng Nam xem, nhờ nó sửa lại giùm chút đỉnh. Nó cầm cây viết quẹt qua quẹt lại có vài nốt mà tui lại thấy hay hơn bản nhạc chính của mình rất nhiều!"
Trần Nghi Hoàng xen vào:
"Trần Quảng Nam ‘nể’ Phạm Duy lắm, ông biết không?"
Nguyễn Tất Nhiên thản nhiên bày tỏ:
"Thằng cha dâm tặc đó thì có gì đáng nể? Chả chuyên môn ăn cắp thơ người khác làm lời nhạc của mình. Tui may, nên tên tui mới được chả đề trên các bản mà chả đã lấy thơ tui phổ nhạc. Nhờ thơ tui mà nhạc thằng chả mới lên đó chứ!"
Nói xong câu ấy, Nguyễn Tất Nhiên ra chiều đắc ý lắm, cười to hô hố giữa quán. Trần Nghi Hoàng và tôi cùng nhìn nhau, vẻ ngạc nhiên, sau chính chàng cũng cười góp theo Nhiên, điệu thích thú.]
Nguyễn Tất Nhiên!
sống chưa khôn thì chết phải làm sao?
cớ gì mày lại hỏi tao?
mày sống chưa khôn vì mày chọn làm thi sĩ.
 
[Hai lần, Trần Nghi Hoàng nhờ bạn bè kiếm được giùm cho Nguyễn Tất Nhiên hai việc làm, nhưng anh nại cớ này cớ nọ để không đi nhận việc. Nguyễn Hữu Lộc tặng anh một chiếc xe hơi cũ làm phương tiện di chuyển ngay ngày thứ nhì anh đến San Jose. Nguyễn Ý Thuần, Tưởng Năng Tiến, Trần Nghi Hoàng thường xuyên thay nhau đưa anh ra Dakao uống café ăn sáng. Cái số anh cũng sướng! Mẹ tôi rảnh rang, thường ngồi ăn cơm chung với anh, hỏi về gia cảnh, anh kể rằng có người vợ rất tốt và hai đứa con trai rất đẹp. Mẹ tôi hỏi:
"Rồi vợ anh đâu?"
Anh đáp:
"Cô ấy bỏ con đi lấy chồng khác, hai đứa nhỏ đi theo cổ."
"Tội chưa!", mẹ tôi nói.
Anh bật cười ha hả:
"Tội gì con hở bác? Tại con bê bối quá nên cổ mới bỏ! Con đành phải lên chùa mà ở."
Mẹ tôi đùa:
"Có phải tại anh mê làm thơ quên cả vợ con?"
Nguyễn Tất Nhiên lắc đầu quầy quậy:
"Không đâu! Cổ chán con vì con đào địch tùm lum chứ không phải chán vì con làm thơ đâu bác!"
Thế rồi, chừng như để chứng minh cho rõ hơn về sự "mê gái" của mình, khi nghe mẹ tôi hỏi:
"Lên chùa, anh ăn chay trường được sao?"
thì anh cười hề hề đáp:
"Ở chùa, cho ăn chay ăn mặn gì đối với con cũng xà-va hết. Nhưng con có cái tật là hễ cứ thấy gái đẹp đi cúng chùa thì thế nào cũng phải ngừng ăn mà dòm chăm chăm vào mặt cô ta!"]
nhớ linh xưa Nguyễn Tất Nhiên!
tướng dạng khoòng khoèo cao gầy liếng khỉ
mười mấy tuổi đời đã dựng trước Thiên Tai
(dấu huyền mày bỏ cho ai
mấy khi có một Thiên Tài cụt chân!)
[Một lần ngồi trong quán Danh với tôi và Trần Nghi Hoàng, tôi nói với Nhiên:
"Khi tôi vừa lớn, ngồi quán café nào cũng nghe các bài thơ của anh, Phạm Duy phổ nhạc. Nghe nhiều đến nỗi chúng trở thành một dấu ấn thời gian trong ký ức. Bây giờ gặp anh, điều đầu tiên tôi nghĩ là nhớ lại cái thời mới lớn ấy của tôi!"
Bỗng dưng Nguyễn Tất Nhiên quay sang Trần Nghi Hoàng, chửi đồng:
"Đ.M. mấy cái thằng già thiếu máu như Phạm Duy, Du Tử Lê, Mai Thảo chúng nó làm hư tui quá ông ơi!"
Trần Nghi Hoàng cười cười, vẻ diễu cợt hiện trên khuôn mặt:
"Nếu tôi có chửi Du Tử Lê, Mai Thảo hay Phạm Duy thì còn có lý, bởi vì tôi chẳng ‘nợ nần’ gì họ; chứ còn ông, ông không nên chửi."
Nhiên có nét ngạc nhiên:
"Tại sao?"
Trần Nghi Hoàng đáp:
"Tại vì Du Tử Lê là người đã đặt cho ông cái tên Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy phổ nhạc thơ ông, còn Mai Thảo gặp ông đâu cũng đều tỏ vẻ ưu ái ông lắm, mấy người đó, dù sao ông cũng mang ơn họ, ông nên loại ra mà không được quyền chửi!"
Và Trần Nghi Hoàng tiếp:
"Tôi thì tôi sướng hơn ông ở chỗ tôi không chui từ ‘lò’ nào ra cả!"
Nguyễn Tất Nhiên mặt bắt đầu đổ quạu:
"Đúng rồi! Ông là người trên trời rớt xuống mà!"]
Nguyễn Tất Nhiên ô lý! ô là!
vì chữ Danh mày gắng mày gò
mày so đo giận hờn vui sướng
(mày lập danh mà chẳng biết lập thân
thân danh trong cõi phù trần
là hai cái phải xà quần với nhau!)
mày thua người một cái đầu
mày hơn người ở cái màu của trái tim
[Sống hai tháng trong nhà tôi, anh không làm phiền ai mà kỳ thực là phiền cũng không ít. Ý hướng tương lai mà tôi nghe anh bày vẽ lúc đầu thấy chẳng tiến lùi gì cả. Mỗi ngày, cả buổi sáng anh nằm lì trong phòng hút thuốc lá -căn phòng anh mở cửa ra là hôi nồng mùi khói thuốc, xế trưa có khi đi ăn quán với bạn bè, có khi lục cơm nguội trong bếp nhà tôi, xong, xuống tiệm sách, ngồi vào cái bàn café trong góc, lầm rầm học tiếng Anh. Nếu có được chục bạc nào Nguyễn Ý Thuần, Nguyễn Hữu Lộc hay Tưởng Năng Tiến dúi vào tay là anh đi mua ngay một xâu bia đem về tiệm sách, rủ Trần Nghi Hoàng cùng uống. Trần Nghi Hoàng từ chối, lấy cớ chỗ làm ăn, nhậu nhẹt không tiện. Vậy là anh xách xâu bia ra cầu thang phía sau nhà tôi, đối diện tòa soạn Người Việt Tự Do của Nguyễn Ý Thuần, uống một mình.]
trái tim màu đỏ chói
thằng thi sĩ lớn phổi
ít ra mày đã hơn 20.000 thằng làm thơ múa rối
mày làm thơ tình và sống để mà yêu
có những thằng cầm bút viết rất nhiều
viết những điều ở ngoài cái đầu của nó!
viết liều!
những điều trong trái tim nó chẳng bao giờ dòm dỏ.
ít ra mày đã hơn 40.000 thằng làm thương-gia-chính-trị
cách-mạng-anh-hùng-khỉ-gió
mày sống làm thơ mày chết như mơ
[Nguyễn Tất Nhiên và tôi ít trò chuyện, trừ ra những lần cùng ngồi chung trong tiệc rượu tại nhà hay tại quán với Trần Nghi Hoàng và bạn hữu. Dưới mắt tôi, anh là một người hơi bất thường, nhưng cũng vẫn lịch sự. Những khi Như Hà, cô bé học trò 14 tuổi xuất sắc nhất của tôi đến học, Nhiên thường đứng sau lưng nghe đàn, rồi cất lời khen thành thật:
"Cháu đàn hay quá! Nếu chú có học thì kiếp này qua đến kiếp sau chú cũng không đàn hay như cháu đâu!"
Một lần, sau khi đi uống café cùng Nhiên về, Trần Nghi Hoàng kể cho tôi nghe mẩu đối thoại nhỏ giữa chàng, Nguyễn Tất Nhiên và Hoàng Anh Tuấn: "Nguyễn Tất Nhiên hỏi Trần Nghi Hoàng: Tui thấy bà xã ông cũng hiền, bằng chứng là bả vui vẻ cho tui ăn ở trong nhà, vậy mà tại sao bên ngoài lại đồn là bả dữ? Trần Nghi Hoàng gật đầu: Bả hiền chứ, có bao giờ tôi thấy bả dữ đâu! Hoàng Anh Tuấn cười: Trần Thị Bông Giấy hiền hay dữ, cứ giở trò cà chớn ăn nói bậy bạ thì sẽ biết!"]
giờ đây đã khuất bến bờ
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
bạn bè dăm ba đứa
cognac một hai chai
hương lòng không cần lửa
mày về đây lai rai
nhớ mày chết bốn chín ngày.
 
[Nguyễn Tất Nhiên không làm phiền ai hết mà kỳ thực thì cũng rất phiền. Đời sống ở Mỹ, căng thẳng thần kinh là điều mỗi ngày con người phải đối diện. Nguyễn Tất Nhiên không hiểu những điều ấy. Anh sống trong cái tháp ngà suy tưởng riêng mà không cần biết đến ai khác. Lúc nào anh cũng chỉ đem câu chuyện có ông bác sĩ muốn hại anh ra mà kể. Lối nói của anh rối mù không lối thoát. Lúc nào anh cũng chỉ muốn người khác phải chia xẻ những khó khăn của anh, mà chẳng bao giờ anh chịu nhìn đến nỗi khó của những kẻ chung quanh.
Lại thêm những điều phiền phức thuộc về vật chất. Đứa con trai lớn không có phòng riêng, sự học hành ngủ nghê của nó đâm bất thường không ít. Đời sống tôi, sự làm việc gần như chiếm hàng đầu thì giờ, ăn và ngủ phải đếm trên từng giây từng phút; bây giờ phải gánh thêm chuyện dọn dẹp những giăng xả bừa bãi bẩn thỉu của một người bạn là thì cũng là điều vô cùng xáo trộn...]
nhớ linh xưa! nhớ linh xưa!
mày cà lăm nói một thành hai
mày uống rượu hai ly thành một
mồm văng nước bọt
toét cười ha ha!!!
mày sinh lầm trên trái đất
lại lưu ly chi đến xứ Cờ Hoa?
mày chết một mình
vợ con mày ở xa!!!
mày ‘đi’ tao không ‘đưa’
tao mừng mày ‘TAI QUA’
[Bữa nghe Nguyễn Bá Sanh điện thoại báo tin Nguyễn Tất Nhiên tự tử chết bằng thuốc ngủ, tôi nghe lòng rất dửng dưng. Điều dửng dưng này làm cho tôi ngạc nhiên một cách buồn bã. Khi ấy, tôi đang viết bài về tiểu sử Pushkin cho Văn Uyển Số Mùa Thu 1992. Tôi tự hỏi, có thể nào tâm hồn mình chai đá đến độ trước tin chết của  một người từng quen biết, lại không nghe chút nào xúc cảm?
Hỏi, suy nghĩ, tìm tòi rồi đi đến kết luận rằng tâm hồn tôi chưa chai đá, bởi vì cái chết của Pushkin gần 200 năm trước, tôi vẫn nghe xúc động khi viết đến. Vậy, có phải sự dửng dưng trước cái chết của Nguyễn Tất Nhiên mang ý nghĩa "mừng" mà không phải là "buồn" cho anh? Cuộc đời nay, nhất là xứ Mỹ với trăm ngàn chông gai bày ra từng giờ từng phút, không phải ‘đất’ của anh; một con người thiếu hẳn nghị lực và tâm trí bất thường như anh, làm sao kham nổi?]
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
khi mày sống tao đuổi mày ra khỏi nhà
[Thời gian cuối cùng lưu lại nhà tôi, tâm trí Nhiên càng tỏ ra bất thường hơn nữa. Anh thường mua bia về ngồi dưới chân cầu thang uống, có khi một mình, có khi với Lê Hữu Quệ. Chất bia mà Trần Nghi Hoàng hay bảo rằng "dễ làm cho nó nổi cơn khùng!" quả thật tác hại lên tâm não Nhiên không ít. Trông anh dường tăng thêm ngây dại. Câu chuyện về gã bác sĩ Tôn Thất Niệm nào đó hại anh cứ được lập đi lập lại mãi với mẹ tôi một cách rối mù.
Cho đến một buổi chiều, mẹ tôi đi chợ về, Trần Nghi Hoàng phụ khiêng mấy giỏ thức ăn vào nhà sau. Nguyễn Tất Nhiên đang ngồi nơi cầu thang uống bia, gặp, nói với mẹ tôi:
"Chắc phải đánh nó quá bác à! Nó nuôi mình trong nhà, đánh nó mới sướng!"
Trần Nghi Hoàng quay sang Nhiên:
"Ông đừng nên nói đùa với mẹ tôi như thế!"
Nguyễn Tất Nhiên bỏ cầu thang, theo Trần Nghi Hoàng và mẹ tôi lên nhà bếp, lập lại câu nói ban nãy. Mẹ tôi hỏi:
Nhiên chỉ vào Trần Nghi Hoàng lúc ấy đang đứng rửa tay nơi bồn chén bát:
"Đánh thằng này! Thằng Trần Nghi Hoàng đó bác!"
Anh vừa nói vừa cười, nhưng cái cười rõ ràng bất thường, kỳ lạ. Trần Nghi Hoàng quay hẳn người đối diện Nhiên, giọng lạnh lẽo:
"Nếu ông muốn đánh nhau với tôi thì tụi mình xuống sân đi! Ông điên, tôi sẽ đánh cho ông tỉnh! Đánh xong, mời ông xách valise ra khỏi nhà tôi ngay!"
"Ông nói giỡn sao?", Nhiên hỏi.
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Tôi nói thiệt! Bây giờ dù muốn đánh hay không đánh, ông cũng phải đi ra khỏi nhà tôi ngay!"
Nhiên xin được gọi một cú điện thoại về cho vợ cũ ở Stockton. Qua cuộc điện đàm hơn nửa tiếng đồng hồ, trước mặt các đứa học trò của tôi lúc ấy đang ngồi đợi giờ học, anh chửi thề lung tung, lại dùng toàn những danh từ rất thô tục để chuyện trò với vợ cũ. Sau đó, anh bỏ đi uống rượu với Trần Quảng Nam. Độ 9 giờ tối, anh trở về, dáng say say.
Lúc này thì Trần Nghi Hoàng đã quyết định phải mời anh ra khỏi cửa. Chàng nói với tôi rằng không thể chứa một gã điên trong nhà có đàn bà con nít. Không ai biết việc gì sẽ xảy ra trong trường hợp như vậy. Tôi hỏi, làm thế có bất nhẫn không? Trần Nghi Hoàng dứt khoát:
"Nó điên thì có nhà nước lo. Lòng mình như vậy đã đủ. Bố hứa cưu mang nó hai tháng để xây dựng một cái gì mới cho nó, nhưng bây giờ thấy thì chẳng bao giờ nó chịu tự xây dựng chính nó cả. Hai tháng lời hứa của mình đã hết."
Mẹ tôi cũng nói:
"Để sáng mai hãy hay!"
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Mẹ đừng lo! Trời tháng Sáu ấm áp, nó ngủ ngoài xe cũng không sao. Để nó trong nhà, lỡ đêm hôm nổi điên đốt nhà, làm sao biết được? Với thằng Nhiên, phải cứng. Mình không thể mất thì giờ và tâm trí thêm nữa vì nó. Con còn bao nhiêu việc phải làm!"
Vậy là đêm đó anh đi khỏi nhà tôi. Mẹ tôi đưa cho anh tấm chăn. Anh cầm lấy, nói cảm ơn, rồi chui vào xe mà ngủ.
Ngày hôm sau chúng tôi được biết anh theo Nguyễn Hữu Lộc về nhà, nhưng chỉ độ một hay hai ngày gì đó, vợ Nguyễn Hữu Lộc đuổi thẳng anh ra khỏi cửa. Anh đến tá túc nhà Trần Quảng Nam.
Thời gian ở với Trần Quảng Nam, tôi được được nghe kể là Nguyễn Tất Nhiên chẳng có gì tiến triển khá về tâm lý bệnh hoạn, mà dường như bất thường hơn nữa. Về sau, trong một buổi họp mặt tại nhà tôi, Đằng Sơn thuật lại câu chuyện về Nhiên dạo ở với Trần Quảng Nam như sau:
"Hôm đó, Trần Quảng Nam có mời ông Trịnh Duy Phương, tục danh Sân Lộ Thiền Sư, đến chữa bệnh cho Nguyễn Tất Nhiên. Sân Lộ Thiền Sư bèn kéo Nhiên vào võ đường của Trần Khang rồi cả hai quì gối trò chuyện với nhau. Lúc ấy tôi đang tập võ giữa sân. Trong khi Sân Lộ Thiền Sư bảo Nhiên ‘nhà người phải thế này, thế kia’ các thứ thì Nhiên nói: ‘Lòng tui bây giờ từ bi lắm, bằng chứng là ngày hôm qua tui biết ông Đằng Sơn ổng muốn tui ăn khúc bánh mì mốc trong thùng rác, vì vậy tui đã moi khúc bánh mì mốc ấy ra mà ăn.’ Nghe vậy, tôi hoảng hồn dừng tập, bảo Nhiên: ‘Mẹ! Ông vô lý! Ngày hôm qua tôi không hề có mặt ở đây.'’ Nguyễn Tất Nhiên mặt tỉnh bơ: ‘Đúng, ông không có mặt, nhưng cái luồng tư tưởng của ông từ phương xa bay đến, chui vào đầu tui, bảo cho tui biết là ông muốn tui ăn khúc bánh mì mốc, và tui đã làm vừa lòng ông mà ăn hết cả.’
“Sau đó, Sân Lộ Thiền Sư kéo riêng tôi ra ngoài, nói: ‘Thằng này đã hết thuốc chữa. Nó bị Thần Đạo Nhật Bản nhập vô rồi. Ông phải hiểu, Thần Đạo kinh khủng lắm, giống y như một thứ quỷ. Khi ai ước điều gì với Thần Đạo thì phải trả giá cho cái điều đã ước. Thằng này nó có một ý muốn nào đó, ví dụ như muốn cua đào hay muốn được nổi tiếng, nó bèn cầu nguyện, nhằm ngay cái lúc Thần Đạo đang bay lượn trên không, nhập mẹ vô nó.’ Sau đó Sân Lộ Thiền Sư nói tiếp với tôi: ‘Thằng Nhiên nó chỉ còn một hay hai năm để mà thoát, không thì tiêu luôn!’"
Dứt câu chuyện kể của Đằng Sơn, Trần Nghi Hoàng bật tiếng "xì" thật lớn:
"Sân Lộ Thiền Sư Trịnh Duy Phương! Cũng lại một thằng cha khùng không thua gì thằng Nhiên!"
°
Nguyễn Tất Nhiên lưu lại khoảng bốn tháng trong nhà Trần Quảng Nam. Sau, vì lẽ gì không rõ, Trần Quảng Nam đi quyên góp trong số bạn bè được 300 đô la cho Nhiên, rồi tự chính tay Trần Quảng Nam "áp tải" Nhiên (chữ dùng của Trần Quảng Nam) về lại Santa Ana. Sau đó, tôi không được biết thêm gì về anh nữa.
Lần cuối cùng tôi gặp Nhiên là tại quán Dakao, lúc ấy anh đang lưu trú nhà Trần Quảng Nam. Con bé Âu Cơ níu áo tôi, kêu nhỏ:
"Chú Tám kìa mẹ!" (Từ lúc nào không biết, hai đứa con tôi tự đặt cho anh cái tên "chú Tám").
Tôi quay lại, thấy anh giơ tay vẫy chào, miệng cười nửa nụ.
Vài bạn bè quen gặp Trần Nghi Hoàng, có kể rằng Nguyễn Tất Nhiên đi đâu cũng nói "cám ơn vợ chồng Trần Nghi Hoàng đã cưu mang tui hai tháng" và "nhờ Trần Nghi Hoàng đuổi ra khỏi nhà mà tui mới tỉnh táo lại!" Anh không chút gì buồn phiền việc Trần Nghi Hoàng đuổi anh, lại còn tỏ nét "mang ơn""không ai chứa tui lâu được như vợ chồng nó."]
khi mày sống nhiều người quen gặp mày là phải làm mặt lạ
ô hô! ai tai! mày chết rồi, nhiều đứa lạ thành quen!
[Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, gặp tôi tại tiệm sách Văn Uyển, Nguyễn Ý Thuần nói, vẻ cay đắng:
"Thằng Nhiên nó đi yên thân nó, chỉ tởm là tởm cho những cái thằng mà lúc thằng Nhiên còn sống, chúng nó làm lơ chẳng dám tỏ ra quen biết, sợ dây phiền phức. Nay thằng Nhiên chết rồi, bày đặt viết bài tâng bốc kể lể!"
Thuần tiếp:
"Ở xa không biết, chứ anh em ở đây, chỉ có Trần Nghi Hoàng, chị, tôi, Trần Quảng Nam, Đằng Sơn, Nguyễn Hữu Lộc mới có thẩm quyền nói về nó, bởi vì tụi mình đã từng giúp đỡ, chia xẻ khó khăn với nó dù nhiều dù ít. Chứ còn bọn kia... Toàn một lũ ruồi bu!"
Tôi không hiểu và cũng không hỏi xem chữ "bọn kia" Nguyễn Ý Thuần dùng để ám chỉ ai? Nhưng thấy lạ vì thái độ nổi giận của anh. Xưa nay, dù rằng trong lối nói có nhiều câng cáo hợm hĩnh nhưng trên bề ngoài, Nguyễn ý Thuần vẫn tỏ ra rụt rè như con gái!]
có thằng gặp mày chỉ một lần
"this is a book
a book is not a monk!"
đã làm thơ viết bài khóc mày lả lướt
có những nàng con gái lúc sống mày từng muốn lần khân
không được
bây giờ mấy em đang đứt ruột khóc thương mày!
sướng nhé con trai!
"this is a book
a book of a °°°°ing life!"
câu Anh văn mày học một đời hoài
[Sau khi Nguyễn Tất Nhiên chết được ba ngày, trên tờ Thời Báo ở San Jose thấy có xuất hiện bài viết về con người và cái chết Nguyễn Tất Nhiên, ký tên Trần Củng Sơn. Thoạt tiên, tôi không biết Trần Củng Sơn là ai. Sau, trong một buổi họp mặt tại nhà tôi, Trần Quảng Nam cho biết Trần Củng Sơn -mà Nam gọi đùa là Trần Lủng Củng- chính là Trần Chí Phúc, tác giả tập băng nhạc Sàigòn Em Ở Đó.
Xưa nay, tôi với Trần Nghi Hoàng đều đồng ý với nhau rằng Trần Chí Phúc là con người rất háo danh nhưng lại dốt. Trong buổi ra mắt tập thơ Thơ Ngọc Vũ tại quán café Anh Vũ dạo tháng 12/1988, trước khá đông khán giả, Trần Chí Phúc đã lên máy vi âm tuyên bố một cách rất thản nhiên rằng: "Trong toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi thấy chỉ có chừng 20 câu hay, còn tất cả đều xoàng, không đáng nói!" Ngay lúc ấy, tôi không biết có vị khán giả nào bàng hoàng không, chứ còn tôi -và cả Trần Nghi Hoàng- đều kinh ngạc sửng sốt. Chưa hết, trong buổi ra mắt tập thơ Lưu Vong Hành của Trần Nghi Hoàng, tháng 5/1988, tổ chức tại quán café Gitane, trươc một cử tọa gần 200 người, Trần Chí Phúc đọc lên sáng tác Bài Thơ Ngày Cưới của Trần Nghi Hoàng in trong tập Lưu Vong Hành, nhấn mạnh đoạn thơ:
"... giọt em là quán diệt
nên hình hoa long đong
đầu em nghiêng giữa chiều không sắc chiều
dài tiếng thở cô liêu
thơ ta là tịch mịch..."
rồi khen hay, nhưng lại bảo "chẳng hiểu gì cả" câu thơ "đầu em nghiêng giữa chiều không sắc chiều".
Bây giờ, trong bài viết về Nguyễn Tất Nhiên, Trần Chí Phúc đã đưa ra rất nhiều điều sai lạc có tính cách hàm hồ, không căn cứ. Đặc biệt câu viết: "Thơ Nguyễn Tất Nhiên hay là nhờ nhạc Phạm Duy..." đã làm cho cả ba Trần Quảng Nam, Đằng Sơn (°) và Trần Nghi Hoàng cùng nổi giận.
Theo Trần Nghi Hoàng kể thì vào một buổi xế trưa, Nguyễn Tất Nhiên đang ngồi lầm rầm đọc: "This is a book. A book on the shelf..." nơi tiệm sách Văn Uyển, Trần Chí Phúc từ ngoài cửa bước vào. Trần Nghi Hoàng giới thiệu cả hai với nhau. Phúc vồn vã nói cùng Nhiên: "Tôi nghe tiếng anh đã lâu. Dạo này anh còn sáng tác gì không?" Nguyễn Tất Nhiên, vẻ ngơ ngơ, nhìn chăm chăm vào mặt Phúc mà không đáp. Phúc cũng không nói gì nữa, quay qua chuyện trò cùng Trần Nghi Hoàng. Khi Trần Chí Phúc vừa ra khỏi cửa, Nhiên hỏi ngay Trần Nghi Hoàng: "Thằng đó là ai vậy? Ông có quen với nó không? Có phải nó là điệp viên do thằng Tôn Thất Niệm phái lại dò chừng tôi?" Từ sự việc này mà Đằng Sơn (°°) đưa ra giả thuyết rằng bài viết của Trần Chí Phúc khởi nguồn từ cảm nghĩ đã bị Nguyễn Tất Nhiên xem rẻ.
Cũng theo một luồng dư luận khác trong vòng bè bạn thì nguyên nhân sâu thẳm trong lòng Trần Chí Phúc về việc "hạ giá" thơ Nguyễn Tất Nhiên xuất phát từ việc Phúc sắp cho ra một cuốn băng nhạc mới, nên muốn "nâng bi" Phạm Duy, mong mỏi biết đâu Phạm Duy nhờ đọc bài này mà "xoa đầu" trở lại Trần Chí Phúc!
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
bạn bè dăm ba đứa
cognac một hai chai
hương lòng không đợi lửa
mày về đây lai rai!!!
nhớ mày chết bốn chín ngày
thuận hưởng!
 
°
° °
 
Đọc xong bài thơ, Đằng Sơn kêu lên:
"Hay! Hay!"
Tất cả mọi người cùng "cụng ly" lần cuối với Nguyễn Tất Nhiên.
Tôi ngậm ngùi nhớ lại anh: dáng cao ráo, khòng khoèo, nước da tai tái, đôi mắt ngơ ngơ, cái cười dại dại. Anh tuổi Thìn, bằng tuổi cậu em tôi. Anh thích đùa với Âu Cơ, nhưng cứ mỗi lần anh xáp lại là nó đẩy anh ra mà kêu lớn: "Chú Tám hôi quá! Con không thích chú Tám!" Khi anh sống, tôi tiếp đãi anh bình thường, không thân và cũng không lạ; tiếp anh trên cương vị một người vợ bạn. Khi anh đi khỏi nhà tôi, tôi có nghe lòng dấy lên chút xúc động rồi tình cảm đâu cũng lui nhanh vào chỗ đó. Khi nhận tin anh chết, tôi thấy mừng cho anh được giải thoát, nên dửng dưng không rung cảm. Nhưng rồi ngày một ngày hai, những hình ảnh cũ trong hai tháng anh lưu trú nhà tôi, có lúc hiện rõ trong óc. Kỷ niệm đối với tôi vô cùng quý báu. Kỷ niệm về anh, dù ngắn ngủi, thú vị hay phiền phức, cũng là những gì được tôi tôn trọng và cất sâu vào ký ức tâm tư. 
Bây giờ, đêm nay, trong bữa giỗ 49 ngày của anh (dẫu chỉ là một tỗ chức tình cờ mang tính cách nghịch ngợm của những người bạn cũ), giữa mùi khói nhang trầm mặc, giữa âm vang đều đều của Đằng Sơn đọc lên bài thơ tế, giữa cái nét nghiêm trang một cách tự nhiên không cố ý trên khuôn mặt các người hiện diện, tôi bỗng dưng thấy lòng bồi hồi kỳ lạ. Và tôi tưởng tượng nơi chỗ ngồi của anh có thấp thoáng khuôn mặt ngây ngây với cái cười hiền nửa miệng; cái cười mà con bé Âu Cơ rất sợ sau một lần anh dọa nó: "Con mà không ăn cơm, chú Tám sẽ cắn! Chú Tám cười như vậy là sắp sửa muốn cắn con nít đó!" Thế rồi, nhìn cái vẻ sợ hãi của con bé, anh bỗng dưng bật lên tràng cười ha ha!!!
Chú thích:
(°,°°,°°°) Đằng Sơn từ đầu câu chuyện đã hăng hái tham dự cuộc "trừng trị" Trần Chí Phúc trong kế hoạch "đánh lừa" Phúc bỏ tiền ra mua rượu cúng 49 ngày cho Nguyễn Tất Nhiên. Sau, không hiểu vì lý do gì, lại chối đi điều ấy và yêu cầu tôi sửa bài viết, không được đề tên anh trong việc ấy. Tiền hậu bất nhất vốn là cái bệnh của nhiều ông nhà văn, nhà thơ, nhà báo, và... nhà Tiến sĩ!