Tháng 8-1954 cuốn Tự học của tôi in xong thì hiệp định Genève đã ký kết từ ngày 20-7. Việt Nam bị cắt hai: Từ Bến Hải (vĩ tuyến 17) trở ra, thuộc chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam; từ đó trở vào thuộc chí phủ Cộng hoà Việt Nam. Sau hai năm phải có cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để thống nhất quốc gia. Ở Nam hiệp định Genève không gây xúc động gì lớn, nhưng ở các thánh phố ngoài Bắc thì đôi người tỏ ra e ngại. Hư Chu và tôi đem Tự học đi “chào” các nhà phát hành ở Sài Gòn. Theo thường lệ, loại Học làm người như cuốn đó, mỗi nhà mua tiền mặt ngay cho được 100 cuốn, hoa hồng là 40% giá đề trên bìa sách. Giá in mỗi cuốn khoảng 20%. Nếu in bao nhiêu bán hết bấy nhiêu thì chúng tôi lời tới 40%, bằng 4 lần tác quyền (10%). Khéo tính thì không khi nào lỗ tiền in, và trung bình mỗi cuốn lời 30% giá để ngoài bìa. Tôi lấy thí dụ cuốn Tự học, in 3.000 bản, đề giá 46đ. Bán hết trong một năm hay năm rưỡi, lời được: ---------------(46đ x 3.000 x 30) / 100 = 41.400đ, tính chẵn là 40.000đ, bằng 8 tháng lương giáo sư của tôi ở Thoại Ngọc Hầu, mà soạn cuốn đó tôi mất 3-4 tháng, vậy số lợi của tôi gấp hai lương giáo sư. Nếu cuốn đó tái bản một lần thôi – sự thực nó tái bản 2 lần – thì chẳng tốn công gì thêm mà số lợi gấp 4 lương giáo sư. Người nào chuyên nghề viết văn ở nước mình thời đó mà có một số vốn, tự xuất bản lấy thì sẽ sống ung dung, miễn là mỗi năm phải viết đều đều hai tác phẩm bán được. Tự xuất bản lấy có lợi như vậy. Về sau có nhiều nhà văn làm như tôi nhưng hầu hết không chuyên nghiệp mà chỉ viết tài tử được một hai cuốn nên không thành công. Năm 1953 sách của tôi bán chạy ở Bắc, một người có một sạp nhỏ ở bờ hồ Hoàn Kiếm cho tôi hay nhờ chuyên bán đủ mặt sách của tôi mà dần dần khá lên. Vì vậy sau khi đi chào các nhà phát hành ở Sài Gòn, tôi viết thư và gởi một cuốn cho một nhà phát hành ở Hà Nội. Ông ta trả lời rằng ngoài đó ai cũng lo bán đổ bán tháo hàng hoá, sản nghiệp để vào Nam, không còn làm ăn gì cả, nhưng ông ta cũng mua giùm cho tôi 100 cuốn và bảo gửi ra ngay. Vậy nhà xuất bản của tôi ra đời không gặp thời: thị trường đã thu hẹp ít nhất là một phần ba. Ít tháng sau tôi phát hành luôn cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Tôi biết cuốn này bán không chạy bằng cuốn trên, cho nên chỉ in 2.500 bản, giá 29đ. Mới phát hành độ 1 tuần thì nhà Nam Cường đã bán hết 100 cuốn, bảo tôi giao thêm vì “sách bán chạy như tôm tươi”. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao độc giả hoan nghênh như vậy. Sau hỏi ra mới biết chỉ nhờ nhan đề. Lúc đó các anh em kháng chiến ở Nam đương tập kết tại hai điểm: Cà Mau và Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp để chờ tàu Ba Lan và Pháp chở ra Bắc. Đọc nhan đề sách, nhiều độc giả tưởng lầm rằng tôi vào Đồng Tháp làm một cuộc phỏng vấn về cuộc tập kết đó; về nhà họ đọc họ mới thất vọng. Thành thử chỉ trong tháng đầu bán được ngàn cuốn, đủ vốn in; còn 1.500 cuốn bán lai rai hai năm sau mới hết. Ai cũng biết nhan đề sách ảnh hưởng tới sự bán sách. Có người bảo tôi cuốn How to win friends của D. Carnegie mà tôi không khéo dịch ra là Đắc nhân tâm, cứ dịch sát là “Làm sao kiếm được nhiều bạn” thì không chắc bản dịch của tôi bán chạy đâu. Tôi cũng nhận như vậy: nhan đề cần gọn và đập mạnh vào tâm lý độc giả, nhưng nó phải hợp với nội dung nếu không thì là gạt độc giả và độc giả chỉ bị gạt một lần thôi; quan trọng nhất vẫn là nội dung. “Chiếc áo không làm nổi thấy tu” thì bìa sách cũng không làm nổi một cuốn có giá trị. Nửa năm hay một năm sau, khi 140.000 Việt Minh (theo W. G. Burchett) đã tập kết ra Bắc rồi và 860.000 đồng bào Bắc di cư vào Nam đã được định cư rồi thì đời sống ở Nam trở lại bình thường, có phần đắt đỏ hơn, nhưng ổn định: giao thông đã dễ dàng mà buôn bán đã bắt đầu thịnh. (ch. XX). Sách của tôi bán được đều đều, cả những thời khó khăn cũng không khi nào phải bán xon. Cuốn nào mới ra cũng chỉ trong một tháng là thu lại được nửa vốn in, còn lại thì bán 2-3 năm, có cuốn 5-6 năm cũng hết. Nhà tôi dạy học, được phụ huynh tín nhiệm, nên lớp dạy kèm (đã bỏ lớp mẫu giáo rồi) mỗi ngày mỗi đông. Nhờ vậy năm 1957 chúng tôi có tiền cho cháu Nguyễn Nhật Đức qua Pháp học để dự bị vào trường Hautes Études commerciales de Paris, rồi năm 1960, mua được ngôi nhà đường Kỳ Đồng số 12/3C, sửa sang lại thành một lớp học và một kho nhỏ chứa được độ 10-12 ngàn cuốn sách, tôi tính hạn chế ở số đó thôi (nhiều nhà xuất bản có 3-4 kho lớn chứa cả triệu cuốn), không phát triển thêm, để thì giờ viết sách. Tôi theo đạo tri túc của cổ nhân. Năm 1956, bà cụ thân sinh cô Nguyễn Thị Liệp quy tiên được 9 năm, tôi lập lại lời cầu thân từ hai chục năm trước, cô vì cảm lòng tôi mà miễn cưỡng nhận lời. Tôi hỏi ý nhà tôi, nhà tôi không do dự, chấp nhận. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của gia đình tôi từ 1975 đến nay. Sau khi làm lễ cưới ở Long Xuyên, tôi vẫn ở Sài Gòn viết sách và xuất bản, cứ hai tháng lại về Long Xuyên nửa tháng có khi để nghỉ ngơi hoàn toàn, có khi mang theo tài liệu để viết.