Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 6 -
SỰ GIA TĂNG BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ MÂU THUẪN XÃ HỘI



Cùng Khổ, Xa Hoa, Đầu Cơ

  Năm 1921, sau khi bắt đầu bằng “sự phân phối xã hội chủ nghĩa”, chính quyền xô viết buộc phải cần đến thị trường. Sự thiếu thốn cùng cực tài nguyên thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, một lần nữa, lại dẫn đến sự phân phối do Nhà Nước hoặc sự trở lại kinh nghiệm “chủ nghĩa cộng sản thời chiến” trên một qui mô lớn hơn. Chính sách ấy xét ra cũng không đủ. Năm 1935, hệ thống phân phối theo kế hoạch lại nhường chỗ lần nữa cho thị trường. Như thế hai lần đều chứng tỏ những phương pháp cốt tử về phân phối sản phẩm tùy thuộc trình độ kỹ thuật và các tài nguyên vật chất hơn là tùy thuộc các hình thức sở hữu.
Sự tăng năng suất lao động, đặc biệt nhờ vào cách làm khoán sản phẩm, hứa hẹn gia tăng số lượng hàng hóa và giảm giá hàng, từ đó nhân dân có thể sống khá hơn. Như mọi người đều biết, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề người ta nhận thấy dưới chế độ cũ, trong thời kỳ kinh tế phồn vinh. Các hiện tượng và quá trình xã hội phải được xem xét trong mối tương quan và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Sự tăng năng suất lao động trên cơ sở lưu thông hàng hóa cũng có nghĩa là một sự gia tăng bất bình đẳng. Sự tăng mức sống của các tầng lớp lãnh đạo bắt đầu vượt hơn mức sống của quần chúng. Trong khi Nhà Nước giàu lên, người ta thấy trong xã hội có sự phân hóa.
Nhìn vào đời sống hàng ngày, ngay từ bây giờ, xã hội xô viết chia thành một thiểu số có đặc lợi đặc quyền, được bảo đảm ngày mai và một đa số sống vật vờ trong đói khổ. Sự bất bình đẳng đó gây ra hai cực tương phản rõ ràng. Thông thường những sản phẩm dành cho quần chúng tiêu dùng giá đã cao mà chất lượng lại quá tồi, và càng xa trung tâm thì càng khan hiếm. Trong điều kiện như thế, sự đầu cơ và ăn cắp trở thành tai họa thực tế, và nếu ngày hôm qua chúng bổ sung cho sự phân phối theo kế hoạch thì hôm nay chúng có tác dụng mang lại một hiệu chỉnh cho thương nghiệp xô viết.
Những “người bạn của Liên Xô” có thói quen ghi các cảm tưởng bằng cách nhắm mắt, bịt tai. Ta không thể tin họ. Kẻ thù thì đôi khi loan truyền những điều vu khống. Ta thử hỏi ngay chính bộ máy quan liêu xem. Họ không thể là kẻ thù của chính họ, những lời họ tự buộc tội, do nhu cầu cấp bách và thực tiễn bắt buộc, đáng tin muôn vàn lần hơn là những lời họ khoe khoang ầm ĩ.
Mọi người đều biết kế hoạch công nghiệp năm 1935 đã được thực hiện vượt mức. Nhưng về xây dựng nhà ở, nó chỉ mới thực hiện được trong chừng mực 55,7%; và xây dựng nhà ở cho công nhân lại chậm nhất, tồi tệ nhất, trễ nải nhất. Nông dân các nông trường vẫn sống như ngày xưa trong những căn nhà gỗ với những con bê và con gián. Mặt khác, các quan chức xô viết lại phàn nàn trong nhà họ còn thiếu “buồng ngủ cho chị giúp việc”.
Mỗi chế độ tự biểu hiện trong các công trình kiến trúc và lâu đài của nó. Thời đại xô viết hiện nay được đặc trưng bằng những lâu đài và các dinh thự xô viết, xây dựng rất nhiều, những miếu đền thực sự của chế độ quan liêu (đôi khi tổn phí đến hàng chục triệu), những nhà hát đồ sộ, những nhà của hồng quân, câu lạc bộ quân đội chủ yếu dành cho các sĩ quan, tàu điện ngầm sang trọng cho những ai có tiền sử dụng, trong khi việc xây dựng nhà ở cho công nhân, dù chỉ là dạng trại lính, vẫn thường xuyên chậm trễ khủng khiếp.
Việc xây dựng đường sắt có tiến bộ. Nhưng người công dân xô viết chưa thấy có lợi ích cho họ. Vô số những chỉ lệnh cấp trên phê phán bất cứ lúc nào “sự bẩn thỉu của các toa xe và các nhà công cộng”, “sự chểnh mảng đáng phẫn nộ trong việc phục vụ hành khách”, “con số rất lớn những sự hà lạm, trộm cắp, lừa bịp trong lúc bán vé... sự giấu giếm những chỗ còn trống với mục đích đầu cơ, những đút lót... ăn cắp hành lý dọc đường”. Những việc đó “bôi nhọ sự vận chuyển xã hội chủ nghĩa”! Thực ra tư bản cũng coi đó là tội ác hay tội thường phạm. Những lời than vãn nhắc đi nhắc lại của những nhà cai trị hùng biện ấy chứng tỏ, không còn ngờ gì nữa, sự thiếu thốn phương tiện vận chuyển đối với nhân dân, sự khan hiếm cực kỳ những món hàng giao cho ngành vận chuyển và sự vô lương tâm của những người lãnh đạo đường sắt cũng như những người lãnh đạo khác đối với thường dân. Còn đối với bản thân họ, phái quan liêu lại lo liệu rất giỏi việc phục vụ cho họ về đường bộ, đường thuỷ, đường không, bằng chứng là con số rất lớn các toa xe có phòng khách, các chuyến tàu đặc biệt, tàu thủy riêng và những phương tiện đó dần dần được thay bằng ô tô và máy bay, đầy đủ tiện nghi hơn.
Nêu lên đặc điểm những thành công của công nghiệp xô viết, Zđanôp (Jdanov), đại diện Ban chấp hành trung ương Lêningơrát, được cử tọa tham quyền hám lợi trực tiếp vỗ tay hoan nghênh vì ông ta hứa với họ rằng: “Năm tới các cốt cán của ta sẽ đến hội nghị không phải trong những chiếc xe xuềnh xoàng như hôm nay mà trong những limudin hòm kính”. Trong chừng mực phục vụ con người, kỹ nghệ xô viết cố gắng trước hết thỏa mãn các nhu cầu ngày càng gia tăng của thiểu số có đặc quyền. Các tàu điện - ở nơi nào có - đều chật ních hành khách như trước.
Khi Micôian (Micoyan), ủy viên dân ủy Bộ thực phẩm khoe rằng những thứ kẹo phẩm chất kém đã dần dần bị loại thay bằng những kẹo phẩm chất cao và các “phu nhân của chúng ta” đòi hỏi những nước hoa tốt, điều đó có nghĩa sau khi quay trở lại với thị trường, công nghiệp sản xuất thích ứng với đòi hỏi của những người tiêu dùng có tiền của hơn. Đó là qui luật của thị trường, trong đó ảnh hưởng của các bà vợ các nhân vật cao cấp không phải là nhỏ. Đồng thời người ta còn biết 68 trong số 95 hợp tác xã được kiểm kê ở Ucơrai (1935) chẳng có tí kẹo nào và nói chung, yêu cầu về bánh kẹo chỉ thỏa mãn được có 15% và với những loại kém phẩm chất nhất. Báo Tin Tức phàn nàn rằng “các xưởng không chú ý đến những yêu cầu của người tiêu dùng” cố nhiên là nói người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ lợi ích cúa mình.
Viện sĩ Bach nhận xét vấn đề theo quan điểm hóa học hữu cơ, thấy rằng “bánh mì của chúng ta đôi khi có chất lượng tồi tệ”. Các công nhân nam nữ tuy không hiểu biết về những bí mật của sự lên men, hết thảy đều đồng ý với ý kiến trên; nhưng, khác với vị viện sĩ có danh tiếng kia, họ không có khả năng nêu những lời bình phẩm của họ lên báo chí.
Xí nghiệp Liên hiệp may mặc ở Matxcơva quảng cáo cho những mẫu áo lụa vẽ ở nhà hàng vẽ mẫu; nhưng ở các tỉnh và cả trong những trung tâm công nghiệp lớn, công nhân không thể kiếm được một cái sơ mi vải in hoa mà không phải xếp hàng. Người ta vẫn phải chịu thiếu như trước đây! Bảo đảm được cái cần thiết cho số đông khó hơn rất nhiều là lo cái thừa thãi cho vài người. Tất cả lịch sử chứng minh điều đó.
Nêu lên các thành tựu, Micôian cho chúng ta biết “công nghiệp mácgarin là công nghiệp mới”. Đúng là chế độ cũ không có công nghiệp này. Đừng kết luận từ đó rằng tình hình đã xấu đi: bơ thì ngày đó hay bây giờ quần chúng cũng không được thấy. Nhưng sự xuất hiện một thế phẩm dù sao có nghĩa là ở Liên Xô có hai hạng người tiêu dùng: loại thích bơ và loại phải làm quen với mácgarin. Micôian tuyên bố “chúng tôi cung cấp tha hồ thuốc lá thô thành hạt, thuốc makhoscka”, y quên nói thêm rằng cả châu Âu lẫn châu Mỹ không nơi đâu dùng thứ thuốc lá tồi tệ như vậy.
Một trong những biểu hiện đáng chú ý nhất, nếu không nói là chối tai gai mắt nhất, của sự bất bình đẳng là sự mở ra ở Matxcơva và các thành phố quan trọng khác những cửa hàng bán những hàng cao cấp mang cái nhãn hiệu rất ý nghĩa, mặc dù là tiếng nước ngoài, nhãn hiệu “luých” (xa xỉ phẩm). Những lời than phiền không ngớt về ăn cắp trong các gian hàng thực phẩm khô ở Matxcơva và các tỉnh chứng tỏ mới chỉ có hàng tiêu dùng cho thiểu số trong khi tất cả mọi người cần phải sống...
Người nữ công nhân có một đứa con là gắn liền ngay với chế độ xã hội và tiêu chuẩn “tiêu dùng”, như lời nói khinh thị của mấy ông tai to mặt lớn (chính họ lại rất quan tâm đến sự tiêu dùng của họ), “tiêu chuẩn” tiêu dùng của chị cuối cùng lại là cái quyết định. Trong cuộc đối nghịch giữa anh quan liêu và chị công nhân, chúng tôi cùng với Mác và Lênin, đứng về phía chị công nhân và chống lại anh quan liêu, hắn thổi phồng các kết quả đạt được, che giấu các mâu thuẫn và khóa miệng chị công nhân.
Cứ thử coi mácgarin và thuốc lá hạt, thật đáng buồn khi thấy nó vẫn cần thiết trong lúc này. Như thế thì cần gì phải tự phỉnh phờ và tô son vẽ phấn cho thực tế. Xe hòm limudin cho các “cốt cán”, nước hoa tốt cho “các phu nhân chúng ta”, mácgarin cho thợ, hàng xa xỉ phẩm cho bọn đặc quyền, quần chúng chỉ được thấy những món ăn ngon qua tủ kính, cái chủ nghĩa xã hội ấy trước mắt quần chúng chỉ là chủ nghĩa tư bản lộn ngược. Lời đánh giá không sai lắm đâu. Trên mảnh đất của “sự bần cùng bị xã hội hóa”, cuộc đấu tranh cho cái cần thiết đe dọa làm sống lại “tất cả cái mớ hỗn độn xưa kia”, và thực tế nó đang sống lại từng phần ở mỗi bước đi.
Thị trường ngày nay khác với thời kỳ Tân kinh tế (1921-1928) ở chỗ nó phải phát triển không có các phần tử trung gian và tư thương, đặt mối quan hệ, diện đối diện, giữa các tổ chức Nhà nước, hợp tác xã, nông trường, và các công dân với nhau. Nhưng chỉ là trên lý thuyết. Sự tăng trưởng của thương nghiệp bán lẻ (Nhà nước và hợp tác xã) phải đưa nó lên 100 tỉ rúp năm 1936. Buôn bán của các nông trường, 16 tỉ năm 1935, phải tăng lên rõ rệt trong năm nay. Khó mà nói được trong lòng và bên cạnh con số doanh nghiệp ấy vị trí dành cho những phần tử trung gian bất hợp pháp và bán buôn bất hợp pháp. Dù sao, đó là một vị trí không phải không đáng kể! Cũng như những nông dân, các nông trường và một số thành viên của nông trường nghiêng về phía cần những phần tử trung gian. Thợ thủ công, hợp tác xã viên, công nghiệp địa phương làm ăn với nông dân theo cùng một hướng đó. Thành thử đôi khi và bất ngờ, việc mua bán thịt, bơ, trứng trong một địa hạt lớn rơi vào tay bọn “con buôn”. Những mặt hàng cần thiết nhất như muối diêm, bột, dầu hỏa, có dồi dào trong kho Nhà nước lại thiếu hàng tuần và hàng tháng trong các hợp tác xã nông thôn đã quan liêu hóa; người ta thấy rõ là nông dân đi tìm những thứ đó ở những nơi khác. Báo chí xô viết luôn luôn nêu tên những bọn buôn đi bán lại, coi như là cần phải có họ.
Nhưng mặt khác về sáng kiến và tích lũy, tư nhân rõ ràng là đóng một vai trò nhỏ bé. Những người đánh xe, có xe và ngựa, và những người thợ thủ công riêng lẻ cũng như người nông dân riêng lẻ được dung nạp một cách khó khăn. Rất nhiều cửa hàng sửa chữa của tư nhân xuất hiện ở Matxcơva và người ta nhắm mắt làm ngơ vì chúng bổ sung cho nhiều chỗ hổng quan trọng. Một con số vô vàn lần lớn hơn là những cá nhân làm việc dưới những tấm bảng giả hiệu đề tên hiệp hội hay những hợp tác xã hoặc núp bóng trong các nông trường. Còn các cơ quan đi lùng tội phạm ở Matxcơva, hình như muốn thích thú làm nổi bật những chỗ nứt nẻ của nền kinh tế, bằng cách thỉnh thoảng lại bắt về tội đầu cơ những người phụ nữ đói khổ đi bán những mũ nồi (bêrê) do họ đan lấy hoặc những sơ mi vải in hoa do họ làm ra.
Stalin tuyên bố (mùa thu 1935): “cơ sở của nạn đầu cơ ở nước ta đã bị phá hủy và nếu chúng ta còn có bọn con buôn, điều đó chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu cảnh giác giai cấp của công nhân và tư tưởng tự do chủ nghĩa của một vài cấp xô viết đối với bọn đầu cơ”. Đúng là lối lý luận quan liêu lý tưởng! Cơ sở kinh tế của việc đầu cơ đã bị xóa bỏ ư? Như thế cần chi phải cảnh giác nữa? Thí dụ, nếu Nhà nước cung cấp đủ số mũ cho nhân dân thì bắt giam những bà đói khổ đi bán hàng ngoài phố làm gì? Vả lại, ngay cả trong tình trạng hiện nay, bắt họ là một điều vô lý.
Các loại sáng kiến làm ăn riêng lẻ mà chúng tôi đã kể trên, bản thân chúng không nguy hiểm kể về số lượng và cả sự bành trướng của nó. Lẽ nào lại phải lo sợ sự tấn công vào dinh lũy sở hữu của Nhà nước vì những người đánh xe, những bà bán mũ nồi, những thợ đồng hồ và những người buôn trứng! Nhưng vấn đề không giải quyết bằng những tỷ lệ số học. Một khi hành chính lỏng lẻo, sự tăng tiến và đa dạng của đủ loại đầu cơ xuất hiện ở bất cứ chỗ nào, như những vết đốm trên một thân hình đau ốm, chứng tỏ áp lực thường kỳ của các ảnh hưởng tiểu tư sản. Mức độ độc hại của các vi trùng đầu cơ ấy cho tương lai xã hội chủ nghĩa được quyết định do khả năng đề kháng của cơ thể kinh tế và chính trị của đất nước.
Tinh thần và thái độ của công nhân và lao động của nông trường, tức là khoảng 90% dân số, được quyết định trước tiên do những thay đổi của đồng lương thực tế. Nhưng mối quan hệ giữa thu nhập của họ và của các tầng lớp xã hội được ưu đãi hơn có tầm quan trọng không kém. Chính trong lĩnh vực tiêu dùng mà định luật tương đối được thể hiện một cách trực tiếp nhất! Sự biểu hiện các mối tương quan xã hội bằng từ ngữ của kế toán-tiền bạc vạch ra cái phần thật sự của các tầng lớp xã hội khác nhau trong thu nhập quốc dân. Dù có phải chấp nhận tính cần thiết lịch sử của sự bất bình đẳng trong một thời gian còn khá dài, vấn đề những giới hạn chịu đựng được của sự bất bình đẳng đó vẫn phải đặt ra, cũng như vấn đề tính lợi ích xã hội của nó trong từng trường hợp cụ thể. Cuộc đấu tranh không tránh khỏi về sự phân chia trong thu nhập quốc dân tất yếu sẽ trở thành một cuộc đấu tranh chính trị. Chế độ hiện này là xã hội chủ nghĩa hay không phải xã hội chủ nghĩa? Vấn đề này sẽ dược giải quyết dứt khoát không phải bằng những lời ngụy biện của quan liêu mà bằng thái độ của quần chúng, tức là những công nhân và nông dân các nông trường tập thể.
Sự phân hóa của giai cấp vô sản
Các dữ kiện về đồng lương thực tế đáng lẽ phải là đối tượng của một nghiên cứu đặc biệt trong một Nhà nước lao động; sự thống kê về thu nhập, theo từng tầng lớp nhân dân, đáng lẽ phải trong sáng và công khai. Thực tế, lĩnh vực này, đụng chạm trực tiếp nhất đến những quyền lợi sống còn của những người lao động, lại bị phủ một màn sương mờ đục. Đối với người quan sát, dù là khó tin được, ngân sách của một gia đình công nhân ở Liên Xô còn bí mật hơn nhiều so với bất cứ nước tư bản nào khác. Chúng tôi cố vạch ra đường cong biểu diễn các mức lương thực tế của nhiều loại công nhân trong nửa cuối kế hoạch năm năm, nhưng không được. Sự cố tình im lặng của các nhà cầm quyền và những nhà hữu trách về vấn đề này cũng hùng hồn như sự trưng bày những con số sơ lược và vô nghĩa của họ.
Theo một báo cáo của Oocgiônikitzê (Ordjonikidzé), ủy viên dân ủy bộ công nghiệp nặng, năng suất lao động trung bình hàng tháng của một công nhân đã được nhân lên với 3,2 trong mười năm, từ 1925 đến 1935, còn lương thì được nhân lên tới 4,5. Cái hệ số bề ngoài rất tốt đẹp ấy đã bị các chuyên gia và công nhân lương cao nuốt mất bao nhiêu? Giá trị thực tế của đồng lương ấy là bao nhiêu, điều này không kém phần quan trọng. Chúng ta không biết gì hết về chỗ đó trong bản báo cáo nói trên cũng như qua các lời bình luận của báo chí. Tại đại hội thanh niên xô viết tháng tư 1936, Kôtxarep (Kossarev), bí thư thanh niên cộng sản, nói: “Từ tháng giêng 1931 đến tháng mười hai 1935, lương thanh niên đã tăng 340%”. Ngay cả đám thanh niên có huân chương, đã chọn lọc kỹ và sẵn sàng hoan hô, lời nói khoác lác ấy cũng không gây được một tiếng vỗ tay nào: cử tọa cũng như nhà hùng biện thừa biết chuyển hướng đột ngột sang giá thị trường đã gây thêm tình trạng nghiêm trọng cho đời sống đại đa số công nhân.
Tiền lương trung bình mỗi năm, tính bằng phép cộng lương của giám đốc các xí nghiệp lớn và chị quét xưởng, là 2300 rúp năm 1935 và tới năm 1936 nó phải đạt được khoảng 2500 rúp, tức 7500 phờrăng theo hối đoái và khoảng 3500 đến 4000 phờrăng Pháp tính theo sức mua. Con số rất khiêm tốn ấy lại còn hao mòn thêm, nếu người ta tính thấy số tiền tăng trong lương năm 1936 mới chỉ đền bù một phần việc xóa bỏ những giá ưu tiên và một số việc không phải trả tiền. Điều chủ yếu ở đây còn là vấn đề trả lương 2500 rúp một năm, tức 208 rúp một tháng, tính trung bình, chỉ là một con số ma để che dấu thực tiễn của sự bất bình đẳng tàn bạo trong việc trả công lao động.
Điều hoàn toàn không thể chối cãi là đời sống tầng lớp trên của giai cấp công nhân, nhất là những người được gọi là stakhanốp, đã được cải thiện rõ rệt trong năm qua; báo chí kể chi tiết bao nhiêu bộ compơlê (complets), đôi giày, máy hát, xe đạp, và cả số đồ hộp mà những người thợ có huân chương có thể mua được. Nhân đó người ta cũng được biết những vật ấy rất khó đến tay người thợ bình thường. Stalin nói về những nguyên nhân đã làm nảy sinh phong trào stakhanốp: “Người ta sống khá hơn, vui vẻ hơn. Và khi người ta sống vui vẻ hơn, công việc sẽ khá hơn”. Có một phần sự thật trong lời nói lạc quan ấy, vốn là đặc tính của những người lãnh đạo, về kết quả chính sách làm khoán theo sản phẩm: sự hình thành một tầng lớp thượng lưu trong giai cấp lao động chỉ có thể có được nhờ những thành tựu kinh tế trước đây. Nhưng nguyên nhân kích thích những người stakhanốp không phải là “sự vui vẻ” mà là tham vọng muốn kiếm nhiều tiền hơn. Môlôtốp đã sửa đổi lời khẳng định đó của Stalin: “Động cơ thúc đẩy năng suất lao động cao hơn ở những người stakhanôp hiểu đơn giản là sự mong muốn được tăng lương”. Quả vậy, có một loạt công nhân được hình thành chỉ trong vài tháng, người ta gọi là những người “một nghìn” vì lương họ vượt 1000 rúp một tháng. Có cả những người lĩnh trên 2000 rúp trong khi người lao động các loại dưới thường kiếm được không đầy 100 rúp.
Hình như chỉ cần nhìn cái biên độ giữa các loại lương cũng đủ phân biệt người thợ “chức sắc” với người thợ “thường dân”, nhưng bọn quan liêu coi là chưa đủ. Những người stakhanôp sống ngập đầu trong những ân sủng. Họ được cho nhà mới, được sửa nhà; được những ngày nghỉ phụ trong các nhà nghỉ và điều dưỡng; người ta đưa đến tận nhà, không phải trả tiền, những thầy giáo và thầy thuốc; được vào rạp chiếu bóng không phải trả tiền; có khi được cắt tóc cạo mặt không mất tiền hoặc ưu tiên trước những người khác. Nhiều loại đặc ân như thế hình như cố ý đặt ra để làm mất thể diện và làm xúc phạm người công nhân thường. Sự săn sóc xum xoe của chính quyền cùng bộ óc muốn lên cấp là nguyên nhân của sự áy náy lương tâm: các cấp lãnh đạo địa phương muốn nhân cơ hội thoát khỏi cảnh cô lập bằng cách ban đầy ân sủng cho một lớp công nhân quí tộc. Kết quả là đồng lương thực tế những người stakhanôp thường hơn từ hai đến ba mươi lần lương các loại dưới. Lương các chuyên gia hậu nhất, trong nhiều trường hợp, đủ để trả cho tám mươi đến một trăm công nhân không chuyên nghề. Về mức độ bất bình đẳng trong việc trả lương, Liên xô đã đuổi kịp và vượt xa các nước tư bản!
Những người tốt trong đám stakhanốp có động cơ thật sự xã hội chủ nghĩa không những không vui vì có những đặc quyền mà còn không hài lòng. Chúng ta cần hiểu cho họ: sự hưởng thụ cá nhân về một vài thứ trong cảnh khốn cùng chung của toàn thể làm cho họ bị bao vây bởi sự hiềm khích và ghen tỵ và sự đầu độc cuộc sống của họ. Những quan hệ như thế giữa công nhân còn xa đạo lý xã hội chủ nghĩa hơn là những quan hệ giữa những công nhân cùng một xưởng trong chế độ tư bản đoàn kết với nhau đấu tranh chung chống bóc lột.
Đời sống hàng ngày không dễ dàng đối với người thợ lành nghề, nhất là ở tỉnh lẻ. Ngoài việc ngày làm bảy tiếng càng ngày càng bị hy sinh cho sự tăng năng suất lao động, nhiều giờ khác cũng bị choán đoạt trong cuộc đấu tranh bổ sung để tồn tại. Người ta nêu ra, như là một dấu hiệu đặc biệt của sự no đủ, những công nhân giỏi của các nông trường quốc doanh - các cơ sở nông nghiệp của Nhà nước - những người lái máy kéo và máy liên hợp, làm thành một đẳng cấp quí tộc rõ ràng, có bò cái và có lợn. Lý thuyết cho rằng có chủ nghĩa xã hội không sữa hơn là có sữa không chủ nghĩa xã hội như vậy đã bị từ bỏ. Người ta thừa nhận hiện nay các công nhân các cơ sở nông nghiệp của Nhà nước, ở đó hình như không thiếu bò cái và lợn, vẫn phải có chăn nuôi nhỏ riêng để bảo đảm đời sống của họ. Thông báo thắng lợi cho biết: 96.000 công nhân tỉnh Khaccôp có vườn rau riêng làm ta ngạc nhiên không kém. Các thành phố khác được tuyên truyền theo gương Khaccôp. Còn lãng phí sức lực con người nào hơn với “con bò cái cá nhân”, “vườn rau cá nhân” và còn gánh nặng nào hơn cho người công nhân, cho vợ con họ với cách làm việc thời trung cổ, xẻng cuốc, phân và đất!
Cố nhiên, đa số công nhân không có bò cái, vườn rau và nhiều khi thiếu cả nơi trú ngụ. Lương một người công nhân không chuyên là từ 1200 đến 1500 rúp một năm, đôi khi ít hơn, với giá cả xô viết như thế là sự khốn cùng. Các điều kiện ở, một trong những chỉ tiêu đặc trưng nhất cho tình hình vật chất và văn hóa, thì tồi tệ và đôi khi không chịu đựng nổi. Tuyệt đại đa số công nhân chen chúc nhau trong những nhà công cộng thiếu trang bị, khổ sở hơn trại lính. Cần phải biện hộ cho những thất bại trong sản xuất: thiếu sót trong công việc, làm hư hỏng chăng? Ban quản trị, qua các nhà báo của họ làm trung gian, mô tả như sau các điều kiện ở của công nhân: “công nhân ngủ trên sàn, giường thì đầy rệp, ghế gãy, không có đến cái cốc để uống nước”, v.v... “hai gia đình sống trong một phòng. Mái thủng. Khi trời mưa, người ta hứng nước đầy xô”, “các nhà xí thì không tả được...”. Những chi tiết như thế tìm thấy khắp cả nước, có thể nêu không bao giờ hết. Do các điều kiện sống không chịu đựng nổi, người lãnh đạo công nghiệp dầu lửa viết: “Tình trạng thiếu nhân công đạt những tỉ lệ quá lớn... Nhiều giếng không khai thác được vì thiếu thợ...”. Trong một số vùng không thuận lợi, chỉ có những người thợ bị nơi khác đuổi vì vô kỷ luật mới chịu đến làm việc. Như thế hình thành dưới đáy giai cấp vô sản một loại người nghèo đói không có quyền lợi gì cả, những người paria (người cùng khổ) xô viết mà một ngành công nghiệp quan trọng như ngành dầu lửa đã buộc phải thâu nạp đông đảo.
Do những bất bình đẳng quá đáng trong chế độ tiền lương, lại trầm trọng thêm do những đặc quyền được tạo ra một cách độc đoán, lớp quan liêu đã làm nảy sinh ra những mâu thuẫn rất gay gắt trong lòng giai cấp vô sản. Những bài báo tổng kết gần đây vẽ ra bức tranh một cuộc nội chiến thu nhỏ. Thí dụ như cơ quan các công đoàn viết: “Phá hoại máy là phương pháp chọn lựa (!) để chống phá phong trào stakhanôp”. Đấu tranh giai cấp được nêu lên ở mọi chỗ. Trong cuộc đấu tranh “giai cấp” ấy, công nhân đứng về một phía, các công đoàn về một phía. Stalin căn dặn công khai là “đập vào mặt” những kẻ kháng cự. Một số ủy viên trung ương khác nhiều lần đe dọa “những kẻ thù xấc xược” sự hủy diệt hoàn toàn. Kinh nghiệm của phong trào stakhanôp làm nổi bật vực sâu ngăn cách chính quyền và giai cấp vô sản và tính ngoan cố không có gì kềm hãm được của tầng lớp quan liêu trong việc áp dụng đường lối “chia để trị”. Ngược lại, việc làm khoán sản phẩm bị áp đặt như thế trở thành “việc thi đua xã hội chủ nghĩa” để an ủi người công nhân. Những chữ ấy chỉ đáng phì cười.
Không nghi ngờ chút nào, thi đua mà gốc rễ phát nguồn từ sinh học, trong chế độ cộng sản - được tẩy sạch tinh thần lợi lộc, ganh ghét và đặc quyền - là động cơ quan trọng nhất của văn minh. Nhưng trong một giai đoạn gần hơn, giai đoạn chuẩn bị, sự củng cố thật sự của xã hội xã hội chủ nghĩa có thể và phải làm không phải bằng những phương pháp hổ nhục của chủ nghĩa tư bản lạc hậu như chính phủ xô viết đang thi hành mà bằng những phương tiện xứng đáng hơn với con người được giải phóng và trước hết là không có cái dùi cui của bọn quan liêu. Bởi vì bản thân cái dùi cui ấy là di sản xấu xa của quá khứ. Sẽ phải đập tan nó ra, và đốt nó trước công chúng, lúc đó mới có thể nói tới chủ nghĩa xã hội mà không đỏ mặt vì xấu hổ!
Mâu Thuẫn Xã Hội Trong Làng Đã Được Tập Thể Hóa
Nếu các tờrớt công nghiệp (liên hiệp công nghiệp) “về nguyên lý” là những cơ sở của xã hội chủ nghĩa thì chưa có thể nói được như thế về các nông trường tập thể. Những nông trường này không dựa trên sở hữu của Nhà nước mà của các nhóm. Chúng là một bước tiến lớn so với nông nghiệp chia vụn. Chúng có dẫn đến xã hội chủ nghĩa được không? Cái đó còn tùy một loạt tình huống bên trong và bên ngoài liên quan đến hệ thống xô-viết nhìn trong toàn bộ; và còn một điều nữa không kém phần quan trọng là những tình huống liên quan đến tình hình thế giới.
Cuộc đấu tranh giữa nông dân và Nhà nước còn lâu mới kết thúc. Tổ chức hiện tại của nông nghiệp, vẫn còn nhiều bất ổn, không phải cái gì khác hơn là một sự thỏa thuận tạm thời giũa hai địch thủ sau một cuộc nội chiến gay go. Đúng, 90% các hộ đã tập thể hóa: và các đồng ruộng nông trường tập thể đã chiếm 94% sản suất nông nghiệp. Ngay như không tính một số nông trường giả hiệu nào đó che dấu những quyền lợi riêng tư, ta phải thừa nhận các mảnh canh tác nhỏ đã bị đánh bại trong tỷ lệ chín phần mười. Nhưng cuộc đấu tranh thật sự giữa các lực lượng và khuynh hướng trong các làng xã dù sao cũng vượt quá mức sự đối lập đơn giản giữa các nông dân cá thể và các nông trường.
Để làm yên nông thôn, Nhà nước đã phải công nhận nhiều nhượng bộ lớn cho các khuynh hướng cá thể và đầu óc sở hữu của nông dân, bắt đầu bằng việc long trọng trao trả đất đai cho nông trường tập thể được hưởng thụ đời đời, có nghĩa là xóa bỏ việc quốc hữu hóa ruộng đất. Ảo tưởng pháp lý chăng? Tùy theo tương quan lực lượng, nó có thể trở thành thực tế và nay mai sẽ là trở ngại lớn cho nền kinh tế kế hoạch hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là Nhà nước bắt buộc phải cho phép sống lại những cơ sở nông nghiệp cá nhân trên những mảnh nhỏ với bò cái, lợn, cừu, gà, vịt, v.v…Bù cho việc xâm phạm đến công cuộc xã hội hóa và sự giới hạn việc tập thể hóa ấy, người nông dân có đôi chút của cải chịu làm ăn yên ổn trong các nông trường tập thể, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước mặc dù chưa hăng hái lắm lúc này. Những quan hệ mới ấy còn nằm trong những dạng mơ hồ đến nỗi khó nói lên được bằng con số, cho dù các thống kê xô-viết trình bày thật thà hơn. Nhưng có nhiều lý do để nghĩ rằng, đối với người nông dân, mảnh tài sản con con, cá nhân ấy, lúc này quan trọng hơn là nông trường. Tức là cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng cá nhân và tập thể còn chứa đựng trong toàn bộ cuộc sống ở nông thôn và sự kết thúc vẫn chưa dứt khoát. Nông dân nghiêng về hướng nào? Chính họ cũng không biết.
Vào cuối năm 1935, ủy viên bộ dân ủy nông nghiệp nói: “Cho đến gần đây chúng ta đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của bọn kulak trong việc thực hiện kế hoạch dự trữ ngũ cốc”. Có nghĩa “cho đến gần đây” đa số các nông trường viên đã coi việc nộp lúa cho Nhà nước không lợi và nghiêng về tư thương. Các pháp luật hà khắc bảo vệ tài sản các nông trường tập thể, chống lại ngay cả các nông trường viên, cũng chỉ ra cùng sự việc ấy, trên một bình diện khác. Một điều kỳ lạ, Nhà nước bảo đảm tài sản các nông trường tập thể bằng 20 tỉ rúp, và tài sản riêng của các nông trường viên bằng 21 tỉ. Nếu hiệu số đó không nhất thiết có nghĩa các nông dân, xét về mặt cá nhân, giàu hơn các nông trường tập thể, dù sao nó cũng cho ta thấy các nông dân đóng bảo hiểm cho tài sản riêng của họ cẩn thận hơn là cho tài sản tập thể.
Một vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm là sự phát triển về chăn nuôi. Trong khi số ngựa cho đến năm 1935 không ngừng sút giảm và mới chỉ bắt đầu lên chút ít năm nay nhờ một số biện pháp của chính phủ, sự gia tăng của đàn gia súc có sừng năm qua đã lên tới 4 triệu con. Trong năm 1935, kế họạch về ngựa chỉ đạt 94%, trong khi gia súc có sừng thì vượt nhiều. Nếu những dữ kiện ấy có ý nghĩa thì vì ngựa là tài sản của nông trường tập thể, còn bò cái là tài sản riêng của đa số nông dân. Còn phải nói thêm rằng trong các vùng thảo nguyên, ở đấy nông dân các nông trường tập thể đặc biệt mới được phát một con ngựa tư, số ngựa của các nông trường tập thể (kolkhozes) gia tăng nhanh hơn nhiều so với các nông trường quốc doanh (sovkhozes). Sẽ sai lầm nếu từ những điều trình bày ở trên mà kết luận nền tiểu sản xuất cá nhân ưu việt hơn đại sản xuất tập thể. Nhưng chuyển từ bước thứ nhất sang bước thứ hai, từ dã man sang văn minh, có nhiều khó khăn không thể gạt bỏ chỉ bằng biện pháp hành chính.
“Không bao giờ luật pháp lại có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa, của cải xã hội bị hạn chế vì chế độ đó...”. Việc cho thuê đất bị pháp luật cấm, thực tế lại thi hành trên qui mô rộng lớn và như thế, dưới những dạng còn tệ hại hơn của việc cho thuê trả bằng nhân công lao động. Những nông trường tập thể cho nông trường tập thể khác thuê đất, đôi khi cho những tư nhân, và cả những nông trường viên của mình. Cho dù vô lý, những nông trường quốc doanh, là những cơ sở “xã hội chủ nghĩa”, cũng cho thuê đất, và rất có ý nghĩa là trường hợp đặc biệt các nông trường tập thể của Guyêpêu (cơ quan mật vụ)… Núp bóng cơ quan cao nhất có thẩm quyền nắm giữ pháp luật, người ta thấy những giám đốc nông trường quốc doanh buộc nông dân thuê đất những điều kiện hình như mượn trong các khế ước nô lệ ngày xưa do bọn chủ đất đặt ra. Chúng ta đang đứng trước trường hợp bọn quan liêu bóc lột nông dân, hành động không phải với tư cách là nhân viên Nhà nước, mà là những lãnh chúa (land lordơ - chủ đất) bán hợp pháp.
Không muốn nói quá lên tầm quan trọng của những việc quái gở loại đó, những việc ấy cố nhiên không được ghi trong các bản thống kê, chúng tôi không thể xem nhẹ ý nghĩa triệu chứng to lớn của chúng. Chúng chứng tỏ rõ rệt sức mạnh của những khuynh hướng tư sản trong cái ngành lạc hậu này của nền kinh tế, bao gồm đại đa số nhân dân. Và tác dụng của thị trường không tránh khỏi củng cố các khuynh hướng cá thể và làm nghiêm trọng thêm sự phân hóa xã hội nông thôn mặc dầu đã có cấu trúc mới của chế độ sở hữu.
Năm 1935, thu nhập trung bình của một hộ trong các nông trường lên đến 4000 rúp. Nhưng những con số trung bình về nông dân đánh lừa người ta nhiều hơn là những con số trung bình về công nhân. Thí dụ người ta báo cáo ở Kơremlanh rằng năm 1935 ngư dân tập thể hóa kiếm được hai lần hơn năm 1934, vị chi 1919 rúp mỗi người lao động. Những tiếng vỗ tay chào mừng con số đó chứng tỏ nó vượt biết bao sự thu nhập trung bình của đa số thành viên các nông trường. Mặt khác, lại có những nông trường tập thể ở đó thu nhập lên đến 30.000 rúp mỗi hộ, chưa tính thu hoạch bằng hiện vật và bằng tiền của các sản xuất cá nhân và cả thu nhập bằng hiện vật của toàn bộ sản xuất tập thể: thu nhập của một chủ trại lớn trong nông trường tập thể loại đó nói chung vượt từ mười đến mười lăm lần lương một người lao động “trung bình” hoặc cấp dưới ở các nông trường.
Mức độ các thu nhập chỉ được quyết định một phần do sự lao động chuyên cần và có năng lực. Các điều kiện sản xuất của các nông trường tập thể cũng như của các mảng riêng lẻ tất nhiên rất không đồng đều tùy theo khí hậu, đất đai, loại cây trồng, vị trí đối với thành phố và các trung tâm công nghiệp. Sự đối lập giữa thành phố và nông thôn, đã không giảm trong các giai đoạn năm năm, lại còn tăng thêm cực kỳ do cơn sốt phát triển các đô thị và các vùng công nghiệp mới. Sự tương phản cơ bản ấy của xã hội xô-viết làm nảy sinh không cưỡng lại được những mâu thuẫn giữa các nông trường tập thể và những mâu thuẫn trong lòng chúng, nhất là do tô tức sai biệt.
Quyền lực vô giới hạn của quan liêu cũng là một nguyên nhân phân hóa không kém mạnh mẽ. Quan liêu nắm những đòn bẩy như tiền lương, ngân sách, tín dụng, giá hàng, thuế khóa. Những lợi nhuận hoàn toàn quá đáng của một số đồn điền trồng bông tập thể hóa ở Trung Á tùy thuộc vào các tỷ giá do Nhà nước định hơn là sức lao động của nông dân. Sự bóc lột của tầng lớp nhân dân này bởi những tầng lớp nhân dân khác không biến mất nhưng được che dấu. Những nông trường tập thể đầu tiên “khá giả” – chừng vài vạn – no đủ trên lưng toàn bộ các nông trường tập thể khác và trên lưng công nhân. Bảo đảm sự khá giả cho tất cả các nông trường tập thể thì khó hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn là ban những đặc quyền cho thiểu số chống lại quyền lợi đa số. Năm 1927, phái đối lập cánh tả nhận thấy “thu nhập của kulak tăng lên rõ rệt so với công nhân” và tình hình đó còn duy trì tới nay, dưới một dạng mới: thu nhập của một thiểu số có đặc quyền trong các nông trường tập thể tăng lên rất nhiều so với thu nhập của quần chúng trong các nông trường tập thể và các trung tâm lao động. Có thể nói còn bất bình đẳng hơn giữa các tầng lớp so với thời kỳ trước khi xóa bỏ kulak.
Các phương tiện sản xuất đã được xã hội hóa. Sự phân hóa đang tiếp diễn trong lòng các nông trường tập thể biểu thị một phần trong lãnh vực tiêu dùng cá nhân và một phần trong lãnh vực kinh tế riêng của mỗi hộ. Ngay từ bây giờ, sự phân hóa giữa các nông trường tập thể đã có những hậu quả sâu sắc hơn, nông trường tập thể giàu có thể dùng nhiều phân hơn, nhiều máy hơn và do đó làm giàu nhanh hơn. Nhiều khi các nông trường tập thể phồn vinh thuê công nhân của các nông trường tập thể nghèo, các nhà cầm quyền nhắm mắt làm ngơ. Sự giao vĩnh viễn cho các nông trường tập thể những loại đất có giá trị không đồng đều gây ra hết sức dễ dàng sự phân hóa sau này và hậu quả là sự hình thành những loại “nông trường tập thể tư sản” hoặc “nông trường tập thể triệu phú” như đã có tên gọi. Dĩ nhiên, Nhà nước có khả năng can thiệp với tư cách là người điều chỉnh trong sự phân hóa xã hội. Nhưng theo hướng nào và trong chừng mực nào? Đánh vào các nông trường tập thể giàu, các nông trường tập thể kulak thì lại sẽ là mở một cuộc xung đột mới với những phần tử “tiên tiến” hơn cả ở nông thôn, số người này, nhất là bây giờ, sau một thời gian đau khổ, mong muốn một đời sống “tốt lành”. Ngoài ra, và đó là lý do chính, Nhà nước ngày càng mất khả năng thực hiện việc kiểm tra xã hội chủ nghĩa. Trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp, nó tìm chỗ dựa và tình bạn ở kẻ mạnh, kẻ làm ăn may mắn, kẻ thắng lợi, những “stakhanôp đồng ruộng”, những “nông trường tập thể triệu phú”. Bắt đầu bằng việc chăm lo các lực lượng sản xuất, cuối cùng nó nghĩ đến bản thân nó.
Chính trong nông nghiệp, nơi mà sự tiêu dùng nối liền mật thiết với sản xuất, sự tập thể hóa đã mở ra những khả năng vô biên cho chủ nghĩa ăn bám quan liêu, bắt đầu nhiễm vào những người lãnh đạo các nông trường tập thể. Những “quà tặng” mà công nhân các nông trường tập thể mang đến cho các lãnh tụ trong các phiên họp long trọng ở Kơremlanh tiêu biểu dưới dạng tượng trưng một cống phẩm không tượng trưng chút nào mà họ đã dâng lên cho các chính quyền địa phương.
Vì thế cho nên, trong nông nghiệp còn hơn cả trong công nghiệp, trình độ sản xuất thấp luôn luôn xung đột với các hình thức xã hội chủ nghĩa về sở hữu và xung đột cả với các hình thức hợp tác xã, nông trường tập thể. Suy đến cùng, xuất phát từ mâu thuẫn đó, chế độ quan liêu đến lượt nó, lại làm cho mâu thuẫn ấy trầm trọng thêm.
Bộ Mặt Xã Hội Các Giới Lãnh Đạo
Trong các tác phẩm xô-viết, người ta thường lên án “chủ nghĩa quan liêu” như là một thói xấu, tư duy xấu, làm việc xấu (Những lời lên án thường là của cấp trên nói với cấp dưới và đối với cấp trên là một phương pháp để tự vệ). Nhưng không ai thấy ở đâu một công trình nghiên cứu nói về chế độ quan liêu, giới lãnh đạo, nhân số to lớn của nó, cấu trúc của nó, máu thịt của nó, đặc quyền đặc lợi của nó, sự tham lam của nó, phần của thu nhập quốc dân mà nó giành được. Tuy nhiên, những mặt đó của chế độ quan liêu là một thực tế. Và việc nó giấu kỹ bộ mặt xã hội của nó chứng tỏ ở nó có một ý thức đặc biệt về “giai cấp” lãnh đạo, tuy còn thiếu lòng tin vững vàng vào sự nắm giữ được chính quyền trong tay.
Hoàn toàn không thể đưa ra được những con số chính xác về nhân số quan liêu xô-viết vì hai lý do. Trước hết, trong một nước mà Nhà nước hầu như là ông chủ duy nhất, khó mà nói đến đâu là hết bộ máy hành chính; hai là, các nhà thống kê, kinh tế và nhà báo xô-viết, như chúng tôi đã nói, vẫn giữ một sự im lặng đặc biệt về vấn đề này lại thêm các người “bạn của Liên-xô” bắt chước làm theo. Nhân đây cũng xin ghi rằng các tác giả Oep, trong 1200 trang công trình góp nhặt không có một giây phút nào coi chế độ quan liêu xô-viết như một phạm trù xã hội. Có gì lạ ở chỗ đó? Chẳng phải là trong thực tế, họ đã viết theo lời nói của phái quan liêu hay sao?
Theo những con số chính thức, các cơ quan trung ương của Nhà nước tính đến ngày mùng 1 tháng mười một 1933, có khoảng 55.000 người thuộc bộ phận lãnh đạo. Nhưng con số đó, được tăng lên rất nhanh trong những năm cuối, không bao gồm các cơ quan lục quân, hải quân và Guêpêu (mật vụ), lãnh đạo các hợp tác xã, và những cái gọi là các hội Hàng không, Hóa học (Otxôaviakhim) và các hội khác. Mỗi nước cộng hòa lại còn thêm bộ máy chính phủ của mình. Song song với các bộ tham mưu của Nhà nước, các công đoàn, các hợp tác xã, v.v…, và một phần hòa nhập với chúng, cuối cùng có bộ tham mưu rất mạnh của đảng. Chắc chắn chúng tôi không nói quá khi ước tính có 400.000 người trong các giới lãnh đạo của Liên-xô và các nước cộng hòa thuộc Liên bang. Có thể ngày nay nó đã tới nửa triệu. Không phải là những viên chức bình thường mà là những viên chức cao cấp, những “thủ trưởng” hợp thành một đẳng cấp lãnh đạo theo nghĩa đen của từ, chắc chắn là chia theo tôn ti trật tự bằng những tầng ngang ngăn cách rất quan trọng.
Lớp thượng tầng của xã hội ấy được đỡ bởi một cái kim tự tháp hành chính có đáy rộng và có nhiều mặt. Các ban chấp hành các xô-viết các miền, các thành và khu vực song đôi với những cơ quan của đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản, giao thông vận tải, quân đội, hải quân và công an, tất cả phải cho một số vào dạng hai triệu người. Chúng ta cũng không nên quên chủ tịch các xô-viết của 600.000 thị trấn và làng xã.
Năm 1933, lãnh đạo các cơ sở công nghiệp nằm trong tay 17.000 giám đốc và phó giám đốc. Số nhân viên hành chính và kỹ thuật các nhà máy, xí nghiệp và mỏ, gồm cả các cán bộ cấp dưới cho đến các tổ trưởng có tới 250.000 người (trong đó 54.000 chuyên môn không làm các nhiệm vụ hành chính theo nghĩa đen của từ). Phải thêm vào đó số nhân viên của đảng, các công đoàn và các cơ sở quản lý dưới quyền của “bộ ba” giám đốc–đảng–công đoàn, như mọi người đều biết. Không nói quá nếu ước tính là nửa triệu số nhân viên hành chính các cơ sở có tầm quan trọng bậc nhất. Còn phải thêm vào đó số nhân viên các cơ sở thuộc các nước cộng hòa dân tộc và xô-viết địa phương.
Dưới một góc độ khác, thống kê Nhà nước năm 1933 tính có hơn 860.000 cán bộ quản lý và chuyên môn trong toàn bộ nền kinh tế xô-viết. Trong con số đó hơn 480.000 trong công nghiệp, hơn 100.000 trong giao thông vận tải, 93.000 trong nông nghiệp, 25.000 trong thương nghiệp. Những con số ấy bao gồm các cán bộ chuyên môn không làm nhiệm vụ hành chính, không tính nhân viên các hợp tác xã và nông trường. Hai năm vừa rồi, những con số này đã tăng lên nhiều.
Chỉ tính chủ tịch và cán bộ các tổ chức cộng sản của 250.000 nông trường tập thể đã có một triệu cán bộ quản lý. Thực tế, còn hơn rất nhiều. Với những người lãnh đạo các nông trường quốc doanh và các trạm máy và máy kéo, bộ phận điều khiển nền nông nghiệp xã hội hóa vượt quá một triệu người.
Năm 1935, Nhà nước có 113.000 cơ sở thương nghiệp; hợp tác xã có 200.000. Ban quản trị của hai loại này thực tế không phải là những người được ủy thác mà là những viên chức, và những viên chức của một độc quyền Nhà nước. Chính báo chí xô-viết cũng thỉnh thoảng phàn nàn “những nhân viên hợp tác xã đã thôi không nhìn thấy ở các nông trường những người đã ủy thác trách nhiệm cho họ”. Làm như cơ chế của hợp tác xã có thể phân biệt được về chất với cơ chế của các công đoàn, xô viết và đảng!
Cái phạm trù xã hội đó không sản xuất trực tiếp nhưng ra lệnh, quản lý, chỉ huy, phân phát, phạt và thưởng (chúng tôi không tính các giáo viên) phải ước chừng năm hay sáu triệu người. Con số toàn thể ấy cũng như các con số thành phần của nó, không thể nào biết chính xác được, nó chỉ là một lượng ước bước đầu và chứng tỏ “đường lối chung” không phải là một tinh thần không thể xác.
Ở các thứ bậc tôn ti trật tự, xét từ dưới lên trên, những người cộng sản nằm trong tỷ lệ từ 20 đến 90%. Trong khối quan liêu, những người cộng sản và thanh niên cộng sản gồm thành một khối từ một triệu rưỡi đến hai triệu người; có lẽ ít hơn chứ không phải nhiều hơn con số đó vào lúc này, sau những vụ thanh lọc không ngừng. Đó là nồng cốt của chính quyền. Cũng những người ấy là nồng cốt của đảng và đoàn thanh niên cộng sản. Đảng Bônsêvích cựu không còn là bộ phận tiền phong của giai cấp vô sản mà là tổ chức chính trị của chế độ quan liêu. Toàn bộ đảng viên và đoàn viên thanh niên có nhiệm vụ cung cấp các cốt cán; nói cách khác, đó là kho dự trữ của chế độ quan liêu. Các cốt cán ngoài đảng cũng có vai trò như thế.
Có thể chấp nhận một giả thuyết tầng lớp quí tộc công nhân và nông trường tập thể về con số cũng gần bằng bộ máy quan liêu; cứ cho đi là từ năm đến sáu triệu người (stakhanôp, cốt cán ngoài đảng, người tin cẩn, bà con và bọn thông đồng). Với cả gia đình nữa, hai tầng lớp xã hội ấy đan vào nhau có thể bao gồm hai mươi đến hai mươi lăm triệu người. Chúng tôi ước tính ít thôi về gia đình, căn cứ vào việc vợ và chồng, đôi khi cả con trai hoặc con gái thường cũng nằm trong bộ máy quan liêu. Vả lại, các bà trong giới lãnh đạo hạn chế sinh đẻ dễ hơn rất nhiều so với nữ công nhân và nhất là nữ nông dân. Chiến dịch chống sẩy thai hiện nay do quan liêu chủ trương không bao hàm có họ. Ít nhất 12%, có thể là 15% dân số, đó là cơ sở xã hội đích thực của các giới lãnh đạo chuyên chế.
Trong khi một căn phòng riêng, một sự ăn uống tạm đủ, một bộ quần áo tử tế chỉ mới có một số nhỏ bé có được, hàng triệu tay quan liêu lớn nhỏ trước hết dựa vào chính quyền để bảo đảm cuộc sống sung sướng cho họ. Từ đó nảy sinh tính ích kỷ vô hạn của tầng lớp xã hội đó. Sự cấu kết mạnh mẽ của họ, sự sợ hãi quần chúng bất mãn, tính ngoan cố không bờ bến đàn áp mọi sự phê bình và cuối cùng sự tôn thờ giả dối “lãnh tụ”, ông này là người hiện thân và bảo vệ các đặc lợi, ưu đãi và quyền lực của tất cả mọi tầng lớp quan liêu.
Bàn thân tầng lớp quan liêu không thuần nhất như giai cấp vô sản hay giai cấp công nhân. Có một vực sâu phân biệt giữa một ông chủ tịch xô-viết làng và một nhân vật lớn ở Kơremlanh. Thực tế, các viên chức nhiều loại cấp dưới có một mức sống rất sơ đẳng, thấp hơn mức thợ lành nghề ở phương Tây. Nhưng mọi cái đều tương đối: mức sống của nhân dân xung quanh lại còn thấp hơn nhiều. Số phận ông chủ tịch nông trường tập thể, cán bộ tổ chức cộng sản, các xã viên của hợp tác xã cơ sở cũng như các viên chức, có vị trí cao hơn một chút, không tùy thuộc tí gì ở các “cử tri”. Viên chức nào cũng có thể bị cấp trên loại bỏ bất cứ lúc nào để xoa dịu một sự bất bình nào đó. Ngược lại, bất cứ một viên chức nào gặp dịp cũng có thể được nâng lên một bậc. Tất cả - cho đến lúc có sự rung chuyển đầu tiên đáng kể - đều chịu trách nhiệm tập thể trước Kơremlanh.
Do các điều kiện sinh sống của họ, các giới lãnh đạo bao gồm đủ các thứ bậc, từ tiểu tư sản tỉnh lẻ đến đại tư sản các thành phố. Tương ứng với các điều kiện vật chất là những tập quán, quyền lợi và cách suy nghĩ. Những người lãnh đạo các công đoàn xô-viết ngày nay không khác lắm, về điển hình tâm lý, với những Xitơrin (Citrine), Giuhô (Jouhaux), Gơrin (Green). Họ có những truyền thống khác, những câu nói khéo khác, nhưng cùng một thái độ ban ơn và khinh thị quần chúng, cùng một thứ khôn khéo không dè dặt, đắn đo trong những mưu mô lớn nhỏ, cùng một bộ óc bảo thủ, cùng cái nhìn thiển cận, cùng cái lo ích kỷ chỉ muốn được yên thân và cuối cùng, cùng một sự tôn sùng các hình thức tầm thường nhất của văn hóa tư sản. Các tướng tá xô-viết không khác mấy các tướng tá của năm phần sáu địa cầu và họ lại càng cố gắng để giống những người này càng nhiều càng tốt. Các chính khách ngoại giao xô-viết đã bắt chước, nếu không phải là bộ cánh thì ít ra cũng là cách suy nghĩ của đồng nghiệp của họ ở phương Tây. Các nhà báo xô-viết mặc dầu bằng những phương pháp bản địa, lừa dối các độc giả của họ chẳng khác gì các nhà báo của các nước khác.
Nếu khó mà ước tính được nhân số lớp quan liêu thì ước tính thu nhập của họ càng khó hơn. Ngay từ 1927, phái đối lập phản đối việc “bộ máy hành chính phềnh ra và đặc quyền nuốt mất một phần rất quan trọng của thặng dư giá trị”. Cương lĩnh của phái đối lập vạch ra rằng chỉ riêng chỉ riêng bộ máy thương nghiệp “nuốt mất một phần lớn thu nhập quốc dân, hơn một phần mười của toàn bộ sản xuất”. Chính quyền liền đưa ra những biện pháp phòng ngừa để cho những tính toán như vậy không thể làm được. Kết quả là làm tăng chứ không phải giảm các chi phí chung.
Tình hình trong các lĩnh vực khác cũng không tốt hơn trong lĩnh vực thương nghiệp. Năm 1930 Racôpski viết rằng: Phải có một cuộc cãi lộn giữa các ông quan liêu của đảng và các ông quan liêu của các công đoàn thì nhân dân mới được biết trong số 80 triệu rúp tổng ngân sách công đoàn, 400 (40?) đã bị các bàn giấy nuốt trôi. Chú ý, đây mới chỉ là ngân sách hợp pháp. Bộ máy quan liêu công đoàn còn nhận thêm của bộ máy quan liêu công nghiệp, trên tình nghĩa, những tặng phẩm bằng tiền, nhà ở, phương tiện vận chuyển v.v… “Việc nuôi các cơ quan bàn giấy của đảng, các hợp tác xã, nông trường tập thể, nông trường quốc doanh, công nghiệp, hành chính với tất cả chi nhánh của chúng tốn hết bao nhiêu?” Racôpski hỏi và trả lời: “Chúng ta thiếu cả đến những con số giả thiết của vấn đề đó”.
Sự thiếu mọi thứ kiểm tra có hệ quả không tránh khỏi là sự lạm dụng và trước hết là những khoản chi quá đáng. Ngày 30 tháng chín 1935, Chính phủ, dưới chữ ký của Stalin và Môlôtôp, một lần nữa buộc phải nêu ra vấn đề công tác tồi tệ trong các hợp tác xã, nhận thấy “những vụ ăn cắp và phân tán lớn tài sản, công việc làm ăn thua lỗ của nhiều hợp tác xã nông thôn”. Tháng giêng năm 1936, ở phiên họp của ban chấp hành Liên-xô, ủy viên dân ủy bộ tài chính phàn nàn rằng các ban thường vụ địa phương sử dụng tài sản của Nhà nước một cách hoàn toàn độc đoán. Ông dân ủy giữ im lặng đối với các cơ quan trung ương bởi vì ông có chỗ đứng ở đó.
Chúng tôi không có cách nào tính được phần thu nhập quốc dân mà bộ máy quan liêu đã giành được. Và không phải chỉ vì họ che dấu những thu nhập hợp pháp của họ, không phải chỉ vì họ luôn luôn đi bên bờ và rơi vào hố lạm dụng, họ vơ lấy những thu nhập bất chính to lớn mà chủ yếu nhờ có sự tiến bộ toàn bộ xã hội, lối sống thành thị, tiện nghi, văn hóa, nghệ thuật; sự tiến bộ này đã thực hiện với mục đích chủ yếu, nếu không nói là tuyệt đối, phụng sự cho lợi ích của quan liêu.
Đối với tầng lớp quan liêu, xét về mặt tiêu dùng, người ta có thể nói, gần giống như nói về giai cấp thời xưa: chúng ta không có lý do để nói quá đi về sự tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu bậc nhất của họ. Vấn đề thay đổi hoàn toàn khi chúng ta xem xét thấy họ nắm độc quyền tất cả những thành quả cũ và mới của nền văn minh. Xét về mặt hình thức, những thành quả ấy nhân dân có thể với tới, ít nhất là nhân dân thành thị. Thực tế, đặc biệt lắm nhân dân mới được hưởng. Ngược lại, quan liêu muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, lúc nào cũng được và coi như là của riêng của họ. Nếu tính vào lương tất cả lợi lộc vật chất, tất cả những khoản lợi nhuận bổ sung bán hợp pháp và cuối cùng, phần của họ đi xem các cuộc biểu diễn, nghỉ mát, nằm viện điều dưỡng, nhà nghỉ, bảo tàng, câu lạc bộ, cơ sở thể thao, người ta buộc phải kết luận 15 hay 20% dân số ấy hưởng thụ những của cải xã hội ngang với sự hưởng thụ của 80 đến 85% nhân dân còn lại.
Các ông “bạn của Liên-xô” có nghi ngờ gì những con số ấy không? Yêu cầu họ đưa ra những con số khác chính xác hơn. Mong họ đòi ở bọn quan liêu sự công bố các khoản thu và chi của xã hội xô-viết. Trong khi chờ đợi chúng tôi kiên trì giữ ý kiến đó. Sự phân phối phúc lợi ở Liên-xô có phần dân chủ hơn so với chế độ nước Nga cũ và cả với nhiều nước dân chủ nhất ở phương Tây; nhưng nó chưa có gì đúng với chủ nghĩa xã hội.