7. Tựa (in lần thứ nhì) cuốn ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

Các ông bạn tôi đi xa về đều nói: có ra nước ngoài mới thấy dân tộc mình về sự thông minh, nhanh nhẹn, kiên nhẫn, không kém một dân tộc nào khác. Đừng nói Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân, đến ngay như Trung Hoa, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Huê Kỳ... cũng không hơn mình được”. Những nhận xét đó thường có tính cách chủ quan và hấp tấp, chỉ đáng tự một phần nào thôi. Nhưng ôn lại lịch sử của tổ tiên thì nhiều khi chúng ta cũng đáng tự hào về nòi giống của mình lắm. Những vũ công oanh liệt phá Nguyên, diệt Thanh thì ai cũng biết cả rồi, chúng tôi không muốn nhắc lại, hôm nay chỉ xin so sánh công cuộc duy tân của ta với công cuộc của Trung Quốc.  
 
Nước ta chỉ nhỏ bằng một tỉnh của Trung Hoa, dân số của ta chỉ bằng một phần hai mươi hay một phần ba mươi của họ, ta lại ở trong một hoàn cảnh khó khăn hơn họ nhiều - ta hoàn toàn mất chủ quyền, chỉ là một bán thuộc địa - vậy mà cuộc vận động duy tân của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục oanh liệt và có ảnh hưởng không kém gì cuộc duy tân của nhóm Khang, Lương thời cuối triều Mãn Thanh.
Phong trào của ta phát động sau họ khoảng mươi năm - họ năm 1898, ta năm 1907 - nhưng như vậy không nhất định có nghĩa rằng ta giác ngộ sau họ; có thể là vì cho tới cuối thế kỷ trước, các nhà ái quốc của ta vẫn chưa chịu bỏ khí giới, và nhất quyết sống mái với quân xâm lăng; tới đầu thế kỷ này thấy con đuờng xả thân đó khó thành công được, mới chuyển hướng qua một đường lối khác, mở mang dân trí, bồi dưỡng dân khí, tức con đường duy tân.
Vì phát động sau Trung Hoa tất nhiên chúng ta rút được kinh nghiệm của họ, chịu ảnh hưởng ít nhiều của họ - những sách báo của Khang, Lương, các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục đều có đọc cả - nhưng chúng ta vẫn có những hoàn cảnh riêng, một chủ trương riêng.
 
Khang, Lương còn cầu hợp tác với triều đình Mãn Thanh - vua Quang Tự; các cụ trong Nghĩa Thục không chịu hợp tác với nhà Nguyễn, cơ hồ như không biết đến triều đình Huế nữa - các cụ Sào Nam, Tây Hồ, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... đều chửi thẳng vào mặt bọn vua quan “phường chèo” ở Huế - và tuy phải sống dưới chế độ dã man của thực dân, các cụ cũng không khi nào hợp tác với thực dân, giữ một thái độ bất khuất, làm cho chính thực dân cũng phải kính nể.
Khang, Lương hô hào bãi bỏ khoa cử, bỏ lối văn tám vế trong các kỳ thi thôi, nhưng vẫn giữ cổ văn, và mãi đến năm 1917, bọn Hồ Thích, Trần Độc Tú mới đề nghị dùng bạch thoại; các cụ trong Nghĩa Thục ngay từ 1907 đã đề cao “quốc ngữ”, dùng nó làm phuơng tiện khai hóa quốc dân, dịch sách ra quốc ngữ, làm thơ cảnh tỉnh đồng bào bằng quốc ngữ. Ta cứ nghĩ hiện nay sống sau các cụ sáu chục năm[1] mà một bọn giáo sư Đại học của ta còn nghi ngờ khả năng của Việt ngữ, ngăn cản bằng mọi sự phát triển của nó thì ta sẽ phải khâm phục các cụ sáng suốt, nhiệt tâm yêu nước ra sao. Người ta thường nhắc những câu bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh: “Tiếng nước ta còn thì nước ta còn”, hoặc của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì nước ta còn”, nhưng ít ai nhớ rằng hai ông đó chỉ lập lại chủ trương từ mươi lăm hai mươi năm trước của các cụ trong Nghĩa Thục.
Khang, Lương đề cao khoa học, cái học thực dụng của phương Tây, nhưng cả nhóm Khang, Luơng không có một người nào đứng ra lo việc kinh doanh, như mở xưởng dệt, mở tiệm buôn, khẩn ruộng, khai mỏ, hô hào dùng đồ nội hóa... như các cụ trong Nghĩa Thục. Khang, Lương chỉ lý thuyết, các cụ mới thực hành.
Nhóm Khang, Lương có khi đi quá xa, chẳng hạn Khang Hữu Vi đề nghị sự phân biệt quốc gia, phân biệt trai gái, phân biệt sản nghiệp..., còn Đàm Tự Đồng có hồi muốn phá tung cái lưới luân thường, các cụ trong Nghĩa Thục không cuồng nhiệt như vậy, chủ trương hấp thụ tân học, nhưng vẫn phát huy cổ học.
 

Từ đây phải nhận cho tinh,

Học Tây học Hán có rành mới hay.
Học đủ cả, nhưng phải cho rành, để phục vụ quốc gia cho đắc lực, vẫn trọng luân thường, vẫn phân biệt trai gái, nhưng nhận rằng gái bình đẳng với trai và cũng có nhiệm vụ với xã hội, nhân quần như trai.
Xét về đức hy sinh thì nhóm Khang, Lương có lục quân tử[2], còn chúng ta có hàng chục cụ bị đày ra Côn Đảo, và hằng chục cụ khác bôn ba hải ngoại để rồi lén chở khí giới về nước mà chiến đấu với quân xâm lăng cho tới chết.
Về ảnh hưởng của phong trào thì chúng ta có thể tin rằng khắp thế giới, không có cuộc vận động nào trong những hoàn cảnh khó khăn mà chỉ có mấy tháng lan tràn khắp trong nước, thành đề tài cho biết bao bài ca ái quốc được dân thuộc lòng như công cuộc duy tân của Nghĩa Thục.
Như vậy các cụ trong Nghĩa Thục có kém gì bọn Khang, Lương đâu, dân tộc chúng ta có kém gì dân tộc Trung Hoa đâu. Tôi thấy rằng các cụ còn có phần sáng suốt, có nhiều lương tri hơn các nhà cách mạng của họ nữa, mà dân tộc ta có tinh thần đoàn kết, tiến bộ hơn họ nữa: các cụ khuyên dân cắt búi tóc, dân thấy phải nghe liền, còn dân tộc Trung Hoa cả chục năm sau Cách mạng Tân Hợi vẫn còn giữ cái đuôi sam. Điều đó làm cho tôi phấn khởi vô cùng. Mỗi lần ôn lại lịch sử là mỗi lần vững thêm được niềm tin. Chiến tranh bi thảm hiện nay mà kết thúc, chủ quyền mà đòi lại được hết, mọi người mà có tinh thần tự lập, hạng trí thức mà biết noi gương các cụ trong Nghĩa Thục, hết lòng dắt díu khai hóa đồng bào, thì không có lý gì tương lai của chúng ta không rực rỡ vào bậc nhất nhì ở Đông Á.
Nhân đến kỳ đệ lục thập chu niên của Đông Kinh Nghĩa Thục chúng tôi sửa chữa kỹ lưỡng cuốn này, thêm khá nhiều tài liệu để gây lại niềm tự trong lòng độc giả, nhất là thanh niên, diệt cái tâm trạng hoang mang nó làm suy nhụt chí khí của dân tộc. Hoàn cảnh, phương tiện của ta lúc này đều hơn các cụ hồi xưa. Chúng ta chỉ thiếu sự đồng tâm và lòng hy sinh thôi. Mà những đức này chỉ có thể tìm lại được bằng sự tự giác, bằng cách ôn lại hành động của cổ nhân.
Chúng tôi tự biết tài liệu còn thiếu nhiều lắm, cho nên dám mong độc giả mọi nơi hễ biết thêm được tài liệu nào, nghe thêm được một chuyện nào liên quan tới Đông Kinh Nghĩa Thục, thì xin vui lòng chỉ bảo cho, để chúng tôi bổ túc túc thêm vì công việc phát huy văn hóa dân tộc phải tiếp tục hoài không lúc nào ngừng được.

Sài gòn ngày 23- 2-1967
(Thượng nguyên năm Đinh Mùi)
(Nguồn: Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hoá Thông tin – Bản ebook do Quantam thực hiện, Thư viện-Ebook)

[1] Tác giả viết bài Tựa này năm 1967
[2] Sáu nhà cách mạng, sau khi vụ biến pháp thất bại, bị Từ Hi Thái hậu lùng bắt, không chịu trốn, nguyện đem máu ra tưới mầm cách mạng, trong sáu nhà đó có Đàm Tự Đồng, Dương Thâm Tú, Khang Quảng Nhân (em Khang Hữu Vi)...

Xem Tiếp: ----