Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Đánh máy: Mây4phương
Hồi 6
Trai tài gái sắc trò chuyện lân la

Thiết Kỳ Sĩ theo lời ngồi xuống rồi cười hỏi:
- Chuyện khác là chuyện gì?
Văn Đế Đế đáp:
- Tráng sĩ mới đến tiện thiếp muốn được nghe tin tức một người.
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
- Nếu tại hạ biết thì xin nói hết.
Văn Đế Đế ngắm chàng một lúc rồi nói:
- Có khi tráng sĩ chưa gặp qua, dù có gặp chưa chắc y đã ăn mặc như vậy.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Cô nương muốn tra xét người đó chăng?
Văn Đế Đế gật đầu đáp:
- Đúng rồi! Y là một người ăn mặc theo kiểu quê mùa, đầu đội nón rộng vành, lưng đeo bọc nhỏ. Khi đó họ chỉ là cố ý ăn mặc như vậy.
Thiết Kỳ Sĩ trong lòng đã hiểu rồi, ngoài mặt cười hỏi:
- Cô nương coi y vào cỡ bao nhiêu tuổi? Điều tra y để làm gì?
Văn Đế Đế hằn học đáp:
- Trong đời tiện thiếp chưa bị ai trêu tức, chỉ có thằng cha đó làm cho tiện thiếp không hạ đài được. Đáng tiếc là hắn đội nón rộng vành kéo sụp xuống nên không nhìn rõ diện mạo thì còn biết bao nhiêu tuổi nữa? Nhưng chắc chắn hắn còn trẻ tuổi, hắn nói năng lạnh như băng khiến tiện thiếp tức chết đi được!
Thiết Kỳ Sĩ "ủa" một tiếng hỏi:
- Hắn võ công cũng cao cường, và tính khí kiêu ngạo, động một tí là phô trương bản lãnh phải không?
Văn Đế Đế ngạc nhiên đáp:
- Hắn chính là con người như vậy!
Thiết Kỳ Sĩ cố ý thở phào một cái nói:
- Nếu vậy cô nương chạm trán đối thủ rồi. Nếu phải hắn thì đích thị là "Cổ kim đệ nhất kiếm thủ" mà giang hồ vừa đồn đại mới đây. Trong vòng hai tháng trước, tại hạ đã được coi hắn giao đấu với bảy người. Cả bảy lần hắn đều toàn thắng. Quả là một cao thủ đặc biệt mới ra đời.
Văn Đế Đế hắng đặng đáp:
- Thế thì từ nay tiện thiếp không cho hắn được ngày giờ nào ngủ yên. Cảm ơn tráng sĩ đã đem lại một chút manh mối.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
- Văn Đế Đế! Cô nương định làm gì?
Văn Đế Đế hỏi lại:
- Tráng sĩ có biết rõ tình hình nhà tiện thiếp không?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
- Bửa nay tại hạ được nghe Vương huynh cùng Lý huynh bàn tới một chút.
Văn Đế Đế nói:
- Công tử rất thành thật...
Thị dừng lại một chút rồi tiếp:
- Từ nay hễ ai đến cầu thân thì điều kiện trước nhất là phải đả bại "Cổ kim đệ nhất kiếm thủ".
Thiết Kỳ Sĩ cười hỏi:
- Nếu có người đả thắng hắn cô nương quyết bằng lòng ư?
Văn Đế Đế ngập ngừng:
- Cái đó... cái đó...
Thiết Kỳ Sĩ lại hỏi:
- Cô nương cũng chưa quyết định hay sao?
Văn Đế Đế đột nhiên nhảy lên nói:
- Không có người giết nổi y đâu!
Thị nói câu này ra ngoài sự tiên liệu của Thiết Kỳ Sĩ. Chàng thấy tình thế có điều khác lạ nhưng không hỏi.
Chàng đứng dậy nói:
- Trời không còn sớm nữa, tại hạ xin đưa cô nương về trước.
Văn Đế Đế đột nhiên khẽ nói:
- Thính lực của tráng sĩ rất cao thâm.
Đột nhiên thị nhìn vào trong rừng quát hỏi:
- Ai đó?
Trong rừng có tiếng đáp vọng ra:
- Thưa tiểu thư! Viên ngoại đang chờ cô!
Văn đế đế hắng đặng nói:
- Kim Ngưu! Từ nay ngươi đừng lấp ló trước mặt ta nữa.
Thiết Kỳ Sĩ cười thầm nghĩ bụng:
- Thằng cha này lại nghe lén câu chuyện của chúng ta.
Kim Ngưu là một thanh niên lối hai mươi tám hai mươi chín tuổi. Tướng mạo tuy không xấu xa, nhưng tâm địa rất nhiều quỷ kế lại rất kiêu ngạo tự phụ. Hắn nghe Văn Đế Đế nói vậy rất lấy làm khó chịu, nhưng không dám mạo phạm chỉ ngấm ngầm oán hận, len lén rút lui.
Văn Đế Đế và Thiết Kỳ Sĩ về trướng rồi, đêm đã sang canh ba, trang chúa nhổ trại về trang từ canh hai.
Chiều hôm sau Vương Minh vào phòng gọi Thiết Kỳ Sĩ:
- Lão Dịch! Kim Ngưu đi rồi!
Bọn Thiết Kỳ Sĩ đều ở cả hai bên nhà khách trong trang viện. Văn gia trang đặc biệt xây những nhà này để thực khách ở. Hai bên có đến dư trăm người, cách tòa nhà chừng mười tám mười chín trượng và là những phòng ở ngoài cùng, nên những thực khách ở lại hay ra đi rất thuận tiện.
Thiết Kỳ Sĩ vừa rửa mặt vừa hỏi:
- Hắn không cáo biệt trang chúa đã ra đi ư?
Vương Minh lắc đầu đáp:
- Không ai nhìn thấy hắn, hiện phòng của hắn bỏ trống.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
- Thế là hắn không muốn ăn thịt ngỗng trời nữa ư?
Vương Minh cười nói:
- Trang chúa có chuyện thỉnh lão đệ vào thư phòng đó.
Thiết Kỳ Sĩ kinh hãi hỏi:
- Việc gì?
Vương Minh đáp:
- Ta cũng không rõ, lão đệ tới nơi sẽ biết.
Thiết Kỳ Sĩ lẩm bẩm:
- Không hiểu chuyện gì đây?
Chàng vội ăn mặc chỉnh tề chạy đến thư phòng.
Trang viện rất rộng rãi, Thiết Kỳ Sĩ không hiểu đường lối lại không biết thư phòng ở nơi đâu? May chàng gặp một tên gia nhân liền nhờ gã đưa đi.
Trang chúa ngồi một mình trong thư phòng. Thiết Kỳ Sĩ đứng một lúc thì gia nhân ở trong cửa hô:
- Dịch tráng sĩ, trang chúa mời tráng sĩ vào.
Thiết Kỳ Sĩ bước qua cửa đã thấy trang chúa vẫy tay nói:
- Mời tráng sĩ an tọa!
Thiết Kỳ Sĩ chấp tay ngồi xuống hỏi:
- Trang chủ có điều chi dạy bảo?
Trang chúa cười đáp:
- Phía sau bản trang có một hoa viên rộng lớn có tới mười mấy mẫu mà tịch mịch quạnh quẻ, không người canh giữ. Ban đêm nếu có kẻ lòng dạ đen tối lẻn vào thì thật là bất tiện. Lão phu mời tráng sĩ vào ở đó. Như vậy bản trang sẽ được an toàn hơn nhiều. Không hiểu ý tráng sĩ có ưng thuận chăng?
Thiết Kỳ Sĩ không ngẫm nghĩ gì đáp ngay:
- Trang chủ dã có lệnh, vãn sinh tất phải tuân theo.
Trang chúa cười khanh khách nói:
- Tráng sĩ thật là người mau mắn, đã vậy mời tráng sĩ đi coi.
Trong vườn có mười mấy tòa đinh các. Tráng sĩ thích tòa nào thì vào đó mà ở...
Lão nhìn ra cửa hô:
- Văn An!
Gia nhân vừa dẫn Thiết Kỳ Sĩ ra ngoài nghe gọi liền đáp:
- Có tiểu nhân đây!
Trang chúa nói:
- Văn An! Ngươi dẫn tráng sĩ vào vườn hoa để tráng sĩ lựa phòng cư trú! Từ nay ngươi chuyên việc phục thị tráng sĩ.
Tên gia nhân đứng ngoài cửa vâng dạ luôn miệng.
Thiết Kỳ Sĩ đứng dậy cáo thoái. Chàng theo gia nhân đi quanh co một lúc tiến vào hoa viên. Thoạt trông nơi đây như một khu rừng rất rậm. Chẳng những hoa lá đầy giàn mà còn xen kẽ những cây cổ thụ cao lớn. Văn An quay lại nhìn chàng cười nói:
- Tráng sĩ! Nếu muốn coi kỹ vườn hoa này thì bữa nay không đi hết được...
Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Bất tất phải coi cho mất công, ông bạn cứ dẫn ta đến một tòa lầu các ở chỗ tối hậu là được.
Văn An đáp:
- Cả thảy có chín tòa đinh các, ngày thường quét tước rất sạnh sẽ và đều ở khu giữa vườn hoa. Tòa nọ cách tòa kia chừng bốn năm trượng. Từ cẩm thất đến thư phòng đều sẵn sàng cả.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Vậy lựa cho tại hạ tòa nhà tối hậu là được rồi.
Văn An gật đầu đáp:
- Mười mấy năm nay, trang chúa chưa từng để cho thực khách vào đây chứ đừng nói đến trú ngụ nữa, vì chính diện hoa viên là A linh khuê các của tiểu thư.
Thiết Kỳ Sĩ "ủa" một tiếng hỏi:
- Thế ra trang chúa coi tại hạ bằng con mắt đặt biệt ư?
Văn An khẽ đáp:
- Cái đó khó biết lắm.
Thiết Kỳ Sĩ kinh dị hỏi:
- Bạn nói câu này là nghĩa làm sao?
Văn An đáp:
- Việc đưa tráng sĩ vào ở hoa viên hoàn toàn là do ý kiến của tiểu thư.
Thiết Kỳ Sĩ nghe nói chấn động tâm thần bụng bảo dạ:
- Phải rồi! Thanh Tiêu Ngọc Nữ muốn thân hành giám thị ta! Được lắm! Hai người ngấm ngầm tỉ đấu một phen coi tâm kế ai hơn?
Văn An thấy chàng không lên tiếng liền cười hỏi:
- Tráng sĩ không tin chăng?
Thiết Kỳ Sĩ cố ý đáp:
- Tại sao bằng hữu biết thế?
Văn An cười ruồi đáp:
- Tiểu nhân có một biểu muội làm tỳ nữ cho tiểu thư.
Thiết Kỳ Sĩ "ủa" một tiếng nói:
- Thảo nào tin tức của ông bạn rất mau lẹ.
Văn An đáp:
- Dịch tráng sĩ! Tráng sĩ đừng cao hứng vội. Ở trong hậu hoa viên này không hay đâu! Mười mấy năm trước bản trang đã mời mười tám vị đại võ sư. Võ công bọn họ đều khá lắm. Thế mà bọn họ bị giết hết ở trong hậu hoa viên.
Thiết Kỳ Sĩ kinh ngạc hỏi:
- Tại sao vậy?
Văn An đáp:
- Bản trang thường có thù nhân đến làm cho phải điên đầu, nhưng gần đây ít nhiều rồi.
Thiết Kỳ Sĩ thở dài nói:
- Sao trang chúa không phái thêm mấy người vào ở đây? Trong bọn thực khách thiếu gì cao thủ.
Văn An đáp:
- Cái đó tiểu nhân không rõ.
Hai người đã tới trước mặt tòa đinh các tối hậu. Thiết Kỳ Sĩ phát hiện bốn mặt tòa đình các này đều có ao sen. Chỉ có một cây cầu gỗ màu đỏ thông ra đình các.
Văn An đứng lại hỏi:
- Tráng sĩ! Tòa cao các này thế nào?
Thiết Kỳ Sĩ gật đầu đáp:
- Được lắm!
Văn An nói:
- Vậy tráng sĩ tiến lên coi, tiểu nhân đã đưa đủ chăn nệm, màn đũng tới.
Thiết Kỳ Sĩ xua tay đáp:
- Ông bạn cứ tùy tiện.
Văn An đi rồi, chàng tiến lên đỉnh các. Qua chỗ nào chàng cũng nhìn ngó đều thấy sạch như chùi không một vết bụi. Chàng cảm thấy tinh thần thoải mái, liền đứng tựa lang can cúi xuống ao nhìn thấy hoa sen đang đua nở. Ngọn gió chiều rào rạt đưa lại mùi thơm man mác, bất giác buột miệng ngâm:
Trong đầm gì đẹp hơn sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Bỗng nghe tiếng cười khanh khách nói:
- Dịch huynh! Dịch huynh đem bài thơ vịnh hoa Tây hồ biến đổi thành khác hẳn.
Thiết Kỳ Sĩ ngửng đầu lên nhìn thấy Văn Đế Đế mình mặc y phục buổi tối coi nhẹ nhàng như tiên nữ. Thị đang xuyên những luống hoa đi tới. Chàng không nhịn được cười đáp:
- Thấy cảnh hoa sen đua nở, chợt nhớ bài thơ cũ đọc lên, ngờ đâu làm kinh động tiên tử.
Văn Đế Đế nổi lên tràng cười không ngớt tỏ ra cao hứng phi thường. Người nàng đã đẹp, lúc này lại càng đẹp hơn. Thị đi tới mặt Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Nơi đây có được không?
Thiết Kỳ Sĩ chấp tay đáp:
- Chỗ này hay quá! Tại hạ e rằng vào đây rồi không còn nhớ chuyện trở về đất thực nữa.
Văn Đế Đế cười nói:
- Ở đây không được an toàn đâu?
Thiết Kỳ Sĩ nghe nói sửng sốt nghĩ thầm:
- Sao thị lại bảo ta câu này?
Chàng liền hỏi:
- Có ma quỷ hay sao?
Văn Đế Đế cười khanh khách hỏi lại:
- Người võ lâm cũng sợ ma ư?
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
- Sợ giặc chăng?
Văn Đế Đế cười đáp:
- Bọn giặc cỏ thì không dám tới.
Thiết Kỳ Sĩ "ủa" một tiếng hỏi:
- Chẳng lẽ trên chốn giang hồ lại có bọn ma đầu nào đến quấy rối quý phủ?
Văn Đế Đế đáp:
- Tiện thiếp cũng không rõ, từ khi học xong trở về nhà, tiện thiếp vẫn chưa hiểu vụ bí mật này.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Tại hạ cũng có việc riêng mà chưa dám hỏi tới vì mới đến ở quí phủ chưa được bao lâu...
Văn Đế Đế không chờ chàng nói hết đã ngắt lời:
- Phải chăng công tử e dè nhà tiện thiếp hoài nghi công tử có lai lịch bất chính?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
- Đó là tự cô nương nói ra. Thật tình đây là lẽ tự nhiên.
Văn Đế Đế nói:
- Tiện thiếp không hoài nghi công tử. Nói một cách khác là tiện thiếp không sợ công tử, công tử cứ hỏi đi!
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp:
- Khẩu khí cô lớn quá! Văn Đế Đế! Chắc cô nương đã biết lai lịch, đồng thời đã biết rõ võ công của tại hạ.
Văn Đế Đế lắc đầu đáp:
- Chưa hiểu chi hết, nhưng tiện thiếp đối với công tử cảm thấy không có điều gì không yên dạ.
Thiết Kỳ Sĩ lại chấn động tâm thần, bụng bảo dạ:
- Coi bề ngoài thì dường như lời nói của thị không phải giả dối, chẳng lẽ ta đã đoán lầm...
Chàng bật tiếng cười âm trầm nói:
- Đế Đế! Người giang hồ xảo trá khôn lường. Coi người không thể coi ở bề ngoài, lúc nào cũng nên để dạ hoài nghi, nhưng đừng đem tâm hại người. Dĩ nhiên cô nương coi tại hạ bằng khía cạnh tốt. nhưng cũng không nên tin tưởng một cách khinh xuất. Đó là điều tại hạ xin đề nghị với cô nương.
Văn Đế Đế nghe nói, mắt thị nhìn Thiết Kỳ Sĩ bằng tia nhãn quang khác lạ. Lại thấy thị nở nụ cười thần bí nói:
- Coi lầm là việc của tiện thiếp.
Thiết Kỳ Sĩ cười hỏi:
- Vậy bây giờ tại hạ hỏi cô nương được chưa?
Văn Đế Đế hỏi lại:
- Điều thứ nhất công tử muốn biết tiện thiếp học võ công nơi ai chứ gì?
Thiết Kỳ Sĩ lắc đầu đáp:
- Trên đời rất nhiều kỳ nhân dị sĩ, những dị nhân võ công càng cao thâm, giang hồ càng ít người biết tới, cái đó cần chi mà phải hỏi!
Văn Đế Đế cất cao giọng hỏi:
- Thế thì ngoài sự tiên liệu của tiên thiếp, thì công tử muốn hỏi gì?
Thiết Kỳ Sĩ thở dài đáp:
- Nhưng thôi không hỏi nữa hay hơn. Câu này tại hạ hỏi ra khiến cô thêm phần hiềm nghi. Có điều tại hạ được lệnh tôn và cô nương trọng đài thì chẳng thể không quan tâm đến việc trong quí phủ.
Văn Đế Đế gật đầu đáp:
- Cái đó là thường tình của con người.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
- Nói một cách vắn tắt thì người ta quan tâm điều gì tất phải tìm cách cởi mở mối quan tâm đó.
Văn Đế Đế hỏi:
- Công tử muốn hiểu tình hình nhà tiện thiếp phải không?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
- Tại hạ là người mới đến khi nào dám hỏi bừa bãi!
Văn Đế Đế nói:
- Tiện thiếp cho công tử hay. Gia phụ là người thông minh phi thường. Những việc của lão nhân gia tiện thiếp cũng không hiểu rõ lắm. Tiện thiếp không biết đến mẫu thân từ nhỏ, đồng thời lại chẳng có anh chị em nào hết. Từ khi năm tuổi, tiện thiếp hơi hiểu biết một chút còn nhớ phụ thân trong lúc nhất thời bất cẩn để tiện thiếp thất lạc trong một cái giếng, may được sư phụ lão nhân gia cứu tiện thiếp đem đi...
Thiết Kỳ Sĩ ngắt lời:
- Lúc lệnh sư cứu cô nương, lênh tôn không biết ư?
Văn Đế Đế đáp:
- Cái đó về sau tiện thiếp mới hỏi sư phụ.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
- Cô nương chỉ biết việc xảy ra trong nháy mắt thôi ư?
Văn Đế Đế đáp:
- Đúng thế!
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
- Lệnh sư có phải là lão bằng hữu của lệnh tôn không?
Văn Đế Đế đáp:
- Không phải! Có thể là...
Thiết Kỳ Sĩ thấy thị ngập ngừng cũng không hỏi vụ đó nữa. Chàng dừng một chút rồi cười hỏi:
- Cô nương học thành tài rồi về nhà phải không?