---~~~mucluc~~~---


Chương 6

    
obin lái xe ra khỏi High. Đây không phải là lần đầu tiên trong đời anh được tự do đỗ xe vì có cái nhãn “ Bác sĩ cấp cứu”. Anh chạy xe thẳng hướng về phía ngôi nhà ở Berkshire. Không còn nghi ngờ gì nữa Stephen Bradley là một siêu nhân và Robin này quyết cũng phải làm một cái gì đó để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Robin mơ màng tới viễn cảnh tươi đẹp khi anh giành lại được món tiền đã mất vì đã dại dột tin tưởng vào Prospecta Oil và Harvey Metcalfe. Dầu sao thì anh cũng phải thật cố gắng nếu không rất có thể sẽ bị xoá tên trong Hội đồng Y học vì phá sản. Anh hạ cửa sổ xe xuống thấp một chút nhằm xua đi cái cảm giác dễ chịu của rượu boócđo để suy nghĩ một cách cẩn thận hơn về nhiệm vụ khó khăn mà Stephen giao cho.
Con đường từ Oxford về ngôi nhà ngoại ô của anh dường như ngắn lại. Mải bận rộn với suy nghĩ về Harvey Metcalfe, anh dường như không còn nhớ được là mình đã đi trên những đoạn đường như thế nào để về với vợ. Bên cạnh dáng vẻ duyên dáng bẩm sinh, Robin chỉ có duy nhất một khả năng đặc biệt và anh hy vọng nó sẽ là điểm mạnh trong tính cách của anh và là điểm yếu của Harvey Metcalfe. Anh bắt đầu nói to lên để lặp lại một câu ở trang 16 trong tập hồ sơ của Stephen: “Một trong những nỗi lo âu thường xuyên của Harvey Metcalfe là …”
-Có vấn đề gì thế, anh yêu?
Giọng nói của vợ đã ngay lập tức làm cho Robin tỉnh lại, anh vội khoá chiếc ca – táp có chứa tập hồ sơ màu xanh về Harvey Metcalfe lại rồi cất đi.
-Em vẫn thức sao, Mary?
-Ôi, em đâu có nói trong giấc ngủ, anh yêu.
Robin suy nghĩ và quyết định chớp nhoáng. Anh không thể khai với Mary vụ đầu tư ngu ngốc kia, nhưng anh phải kể cho cô về bữa ăn tối ở Oxford. Lúc đó anh chưa kịp nhận ra rằng dầu sao thì bữa ăn đó cũng có liên quan tới Prospecta Oil.
-Chỉ là một cuộc nhậu nhẹt thôi mà, em yêu. Một bạn học ở Cambridge mới được bổ nhiệm làm giảng viên ở Oxford, anh ta bèn rủ một số bạn bè cùng thời tới ăn tối. Bon anh đã có một buổi tối thật tuyệt vời. Jim và Fred cũng có mặt, nhưng anh không là em còn nhớ họ.
Thật là tồi – Robin nghĩ, nhưng đó là cách tốt nhất mà anh có thể nghĩ ra vào lúc 1 giờ 15 phút sáng.
-Anh tin chắc đó không phải là một cô nàng xinh đẹp chứ? – Mary hỏi.
-Anh e rằng khó ai, kể cả những bà vợ thân yêu của họ có thể cho rằng Jim và Fred là đẹp.
-Nói nhỏ một chút, Robin, anh sẽ làm cho bọn trẻ dậy mất thôi.
-Hai tuần nữa anh sẽ lại tới đó để …
-Ôi, ngủ đi và hãy nói với em những điều đó trong bữa điểm tâm sáng mai.
Robin thở phào vì tránh khỏi rắc rối cho đến tận sáng. Anh leo lên giường nằm cạnh cô vợ thơm tho trong chiếc áo ngủ bằng lụa. Đôi tay anh lướt nhẹ theo sống lưng cô xuống đến xương cụt.
-Vào giờ này thì anh cũng may mắn đấy. – Cô làm bầm.
Cả hai cùng chìm vào giấc ngủ.
Jean – Pierre đăng ký ở lại khách sạn Eastgate trên phố High. Ngày mai sẽ có một cuộc triển lãm của các sinh viên tại phòng tranh của trường Christ Church. Jean – Pierre luôn để mắt dò tìm những người trẻ tuổi tài năng để ký hợp đồng làm ăn với phòng tranh cảu mình. Chính phòng tranh Marlborough, cách phòng tranh của anh một vài nhà trên phố Bond, đã dạy cho giới nghệ thuật London mánh khoé mua đứt các nghệ sĩ trẻ tuổi rồi nâng đỡ họ trong sự nghiệp. Nhưng vào thời điểm này, tương lại nghệ thuật của phòng tranh không còn là quan trọng hàng đầu đối với Jean – Pierre nữa. Sự sống còn của nó đang bị đe doạ và một quý ngài người Mỹ của trường Magdalen đang tạo cho anh cơ hội sửa sai. Anh ngả người thoải mái trong phòng ngủ của khách sạn. Không để tâm đến thời gian, anh chăm chú đọc tập hồ sơ về Harvey Metcalfe để dò tìm một khe hở trong chuỗi xích. Anh sẽ không cho phép hai gã người Anh và tên người Mỹ kia chiến thắng anh. Cha của anh được người Anh giải vây ở Rochfort năm 1918, được người Mỹ giải phóng ra khỏi nhà tù chiến tranh gần Frankfurt năm 1945. Chắc chắn sẽ không một ai, không một cái gì có thể ngăn cản anh hoàn thành nhiệm vụ. Anh nghiên cứu tập hồ sơ màu vàng cho tới tận khuya. Trong anh, một ý tưởng đang được nhem nhóm.
Rời Oxford, James lên chuyến tàu cuối cùng. Anh tìm một toa trống để có thể tự do nghiên cứu tập hồ sơ màu xanh. Anh rất lo ngại về khả năng của bản thân mình. Không hiểu sao anh cứ tin rằng ba người kia sẽ thảo ra được những kế hoạch độc đáo, như họ đã từng làm, còn anh thì không. Thực ra, từ trước tới nay anh chưa phải chịu một áp lực nào - mọi thứ đều đến với anh một cách dễ dàng như người ta thường nói “của phù vân không chân mà chạy”. Đối với anh việc lập một kế hoạch đáng tin cậy nhằm cướp lại từ tay Harvey Metcalfe số lợi nhuận kếch xù của gã không phải là một ý tưởng thú vị.
Thế nhưng, khi nghĩ tới cảnh cha anh, ngài Bá tước đời thứ năm phát hiện sự cầm cố trang trại Hampshire của anh, là anh lại thấy khiếp sợ và, buộc lòng phải suy nghĩ tìm mưu kế. Nhưng mười bốn ngày thì quá ngắn. Anh phải bắt đầu từ chỗ quỷ quái nào đây? Anh không phải là chuyên gia như ba người kia, và anh cũng chẳng có năng khiếu đặc biệt nào. Anh chỉ còn biết hy vọng là tới một lúc nào đó, các kinh nghiệm trên sân khấu của anh sẽ hữu ích.
Mải suy nghĩ, anh đâm sầm vào người soát vé. Ông này cũng chẳng hề tỏ ý ngạc nhiên khi biết anh đi toa hạng nhất. Cuộc tìm kiếm một toa tàu trống đã hoàn toàn thất bại. James rút ra kết luận rằng Richard Marsh hẳn phải đang cố hết sức để ngành đường sắt đạt lợi nhuận tối ưu. Sắp tới sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa đây? Anh cảm thấy bực mình. Có lẽ họ sẽ chế nhạo anh bằng cái danh hiệu “nhà quý tộc”.
Nếu không có được một cái toa trống, James vẫn cố đi tìm, thì phải có một toa với một cô gái đẹp – và lần này thì anh đã gặp may. Toa này chỉ có hai người: Người thứ nhất là một cô nàng xinh đẹp, lơ đãng như thể thế giới này chỉ có một mình co ta tồn tại. Người thứ hai là một phụ nữ trung niên đang đọc tạp chí Vogue. Bà này cũng không hề tỏ vẻ quan tâm tới sự có mặt của những người đồng hành. James thả mình vào một góc, lưng quay về phía đầu máy, và nhận ra rằng anh không thể đọc hồ sơ ở trên tàu. Tất cả mọi trường trong Đội đều đã thề giữ bí mật, và Stephen cũng đã nhắc là họ không được đọc hồ sơ khi có mặt người lạ. James lo ngại rằng trong số bốn người thì anh là người duy nhất không biết giữ im lặng. Với cá tính hướng ngoại, quảng giao, anh thấy giữ bí mật luôn là một việc quá sức. Đút tay vào túi áo khoác, bên có đựng hồ sơ, James nghĩ Stephen Bradley quả là một con người tài năng và thông minh quá sức anh tưởng tượng. Có lẽ trong buổi gặp mặt tới anh ta sẽ đưa ra một tá các kế hoạch sáng suốt để mọi người cùng xem xét. James cau mày và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, hy vọng một ý tưởng bất ngờ nào đó sẽ đến với anh. Nhưng thay vào cái ý tưởng bất ngờ nào đó, anh lại thấy mình đang ngắm nghía khuôn mặt nhìn nghiêng của cô gái ngồi đối diện.
Cô ta có mái tóc màu vàng thẫm bóng mượt, chiếc mũi thẳng thanh tú và đôi mắt to màu vàng nhạt dường như đang dính chặt vào cuốn sách trên tay. James không hiểu cô ta thực sự không hề biết gì về sự có mặt của anh hay chỉ tỏ vẻ như vậy. Đôi mắt anh trượt xuống khuôn ngực mềm mại được bó lại bằng áo lông thỏ của cô gái, rồi thận trọng rướn mắt nhìn tới cặp chân. Quỷ tha ma bắt, cô ta đi bốt. Anh lại ngắm nhìn lên gương mặt. Lần này thì gương mặt đó đáp lại cái nhìn của anh, khá hài hước. Bị lúng túng, anh chuyển sự chú ý sang nhân vật thứ hai: Bà bảo mẫu không chính thức, người đã khiến anh không dám bắt chuyện với cô gái xinh đẹp.
Trong cơn tuyệt vọng, anh nhìn chăm chăm vào tấm bìa tờ tạp chí Vogue của người phụ nữ. Lại một cô nàng xinh đẹp. Anh nhìn kỹ hơn. Không phải cô nàng thứ hai. Họ là một. Lúc đầu, anh không tin ở mắt mình, nhưng cái liếc mắt rất nhanh về phía bức tranh sống trước mắt đã giúp anh xoá tan nghi ngờ. James ngả người về phía trước để hỏi mượn người phụ nữ tờ tạp chí.
-Cái hiêu sách trên ga này ngày càng đóng cửa sớm hơn, - anh nói như một gã khờ, - tôi không thể kiếm được cái gì để đọc.
“Bà bảo mẫu” miễn cưỡng đưa nó cho anh.
Anh lật sang trang hai. “Bìa: Hãy hình dung bạn như thế này … váy nhiễu đen, khăn mùi xoa vải the. Khăn quàng lông đà điểu. Mũ không vành có hoa phù hợp với váy. Hàng may đo của Zandia Rodes. Anna đã làm tóc ở Vidal Sasson với đôi tay khéo léo của Jason. Ảnh chụp: Lichfield. Quay camera: Hasselblad.”
James không bao giờ có thể hình dung minh như vậy, nhưng ít nhất thì anh cũng đã biết được tên cô gái, Anne. Một lần nữa, bức tranh sống lại ngước nhìn lên, anh ra dấu cho cô là anh đã nhận ra người trong ảnh. Cô mỉm cười xã giao với anh rồi trở lại với cuốn sách.
Đến ga Reading, người phụ nữ xuống tàu, mang theo cả cuốn tạp chí Vogue. Tuyệt, James thẩm nhủ. Anne ngước lên, hơi lúng túng, và mỉm cười niềm nở với một vài hành khách khác đang lên xuống hành lang tàu để tìm chỗ ngồi. Nhưng mỗi khi có người ngó vào, James lại lừ mắt nhìn và kết quả là không ai vào toa của anh cả. James đã thắng hiệp đầu. Sau đó, khi tàu bắt đầu chuyển bánh thì anh đi nước cờ đầu tiên:
-Bức ảnh trên trang nhất tờ tạp chí Vogue do anh bạn cũ Patrick Lichfield của tôi chụp thật là tuyệt.
Anne Summerton ngước lên. Nàng còn đẹp hơn cả tấm ảnh mà James vừa đề cập. Mái tóc sẫm cắt nhẹ nhàng theo kiểu mới nhất của Vidal Sasson, đôi mắt to màu vàng nhạt và nước da không một vết tàn nhang tạo cho nàng một vẻ dịu dàng hấp dẫn mà James không thể cưỡng lại. Anne giống như bất cứ một cô người mẫu nào khác, có dáng người mảnh mai duyên dáng. Hơn thế nữa, Anne lại có một phong thái đặc biệt mà hầu hết các cô người mẫu không có. James rất ngạc nhiên về điều này và thầm mong nàng lên tiếng.
Anne đã quá quen với cảnh đản ông bị nàng thôi miên nhưng lần này thì cô hơi giật mình vì lời nhận xét về Lord Lichfield. Chẳng may họ là bạn thật thì sẽ quá là khiếm nhã nếu nàng không tỏ ra lịch sự với người này. Liếc nhìn anh ta lần thứ hai, Ann nhận thấy vẻ nhút nhát của James có một cái gì đó khá hấp dẫn. Đã nhiều lần anh sử dụng thành công chiến thuật tỏ ra bẽn lẽn nay nhưng có lẽ chưa bao giờ anh thành công như bây giờ. Để kiểm tra kết quả, anh tiếp tục bắt chuyện với nàng:
-Công việc của một người mẫu hẳn phải vất vả lắm.
Thật là một câu thoại ngu ngốc nhất trần đời, anh nghĩ. Tại sao anh không nói với nàng một câu đơn giản: “Anh thấy em thật tuyệt vời. Chúng ta có thể nói chuyện một chút không?” Và biết đâu, mọi sự sẽ bắt đầu tư đây. Nhưng như vậy thì anh sẽ không đi tới đâu hết. Anh biết anh chỉ nên dùng cách thông thường thôi.
-Nếu hợp đồng có giá thì cũng tạm ổn, - Anne đáp, - nhưng yêu cầu của công chúng đặt ra cho người mẫu ngày một cao. - Giọng nói của nàng thật dịu dàng, và chất giọng Mỹ đã thực sự quyến dũ anh. - Mới đây, tôi phải mỉm cười liên tục, vậy mà những tay thợ ảnh vẫn không hài lòng. Điều may mắn duy nhất là công việc đã kết thúc sớm hơn một ngày so với dự định. À, anh là thế nào với Patrick?
-Chúng tôi đều là những thằng đầu sai khi còn là sinh viên năm thứ nhất tại Harrow. Anh ta biết trốn tránh công việc hơn tôi.
Ann cười - nụ cười duyên dáng, hồn hậu. Rõ ràng là anh chàng này biết Lord Lichfield.
-Bây giờ anh có hay gặp anh ấy không?
-Đôi khi, tại các bữa tiệc, nhưng không thường xuyên. Anh ta có chụp nhiều ảnh của cô không?
-Không, tấm ảnh trên bìa tạp chí Vogue là duy nhất.
Họ tiếp tục trò chuyện. Đoạn đường dài ba mươi phút từ Reading tới London trôi qua nhanh chóng. Lúc đi bộ trên sân ga Paddington với Anne, James đã liều lĩnh thăm dò:
-Tôi có thể đưa cô về nhà không? Xe tôi đỗ trên góc phố Craven.
Anne nhận lời, và cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải đi tìm taxi vào lúc muộn mằn này.
James chở nàng trên chiếc Alfa Romeo. Đã có lúc anh quyết định không thể giữ lại chiếc xe sang trọng này vì giá xăng cứ tăng vọt, còn tiền mặt của anh lại giảm xuống đáng kể. Suốt đường, họ đã nói chuyện rất vui vẻ. Hoá ra, nàng sống ở khu cư xá Cheyne Row mặt quay về sông Thames. Lúc chia tay, Anne hơi ngạc nhiên khi thấy anh chỉ thả nàng xuống cửa trước rồi chào tạm biệt. Thậm chí anh cũng không thèm hỏi xin số điện thoại. Anh chỉ mới biết tên thánh của nàng. Thực ra, nàng cũng chẳng hề muốn biết tên anh. Nhưng dầu sao thì cũng rất đáng tiếc, nàng nghĩ khi đóng cửa. Anh thật khác lạ so với những người thợ quay phim, chụp ảnh quảng cáo, những kẻ luôn tự cho mình quyền tất yếu bắt các cô gái phải phục tùng chỉ vì họ mặc độc có áo lót để chụp ảnh.
James biết chắc việc anh đang làm. Anh cảm thấy các cô gái sẽ đáng yêu hơn nếu anh gọi điện vào những lúc họ ít hy vọng nhất. Chiến thuật của anh là hãy tạo cho họ có một ấn tượng đây là lần cuối cùng họ được gặp anh, nhất là khi cuộc gặp gỡ đầu tiên suôn sẻ. Anh trở về nhà trên đường King và tiếp tục suy nghĩ về tình huống vừa xảy ra. Khác với Stephen, Robin và Jean – Pierre, trong suốt mười ba ngày còn lại, anh không hề nghĩ cách đánh bại Harvey Metcalfe, nhưng anh đã ngấm ngầm đặt kế hoạch chinh phục Anne.
Ngay khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Stephen đã tiếp tục cuộc tìm kiếm. Anh bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng đường đi nước bước của trường đại học mà anh được bổ nhiệm. Anh tới thăm phòng của phó hiệu trưởng danh dựở toà Clarendon. Ở đây, anh đã đặt khá nhiều câu hỏi lạ lùng cho cô thư ký riêng, cô Smallwood, và cô ta đã tỏ ra rất tận tâm. Sau đó, anh lại tới thăm văn phòng hành chính của trường. Ở đây, anh cũng lại đặt những câu hỏi rất tò mò. Cuối ngày, anh đến thăm thư viện Bodleian, và ghi chép một số quy chế của trường. Trong mười bốn ngày tiếp theo, anh liên tiếp thực hiện nhiều chuyến du ngoạn ngắn, trong đó có chuyến thăm hiệu may Shepherd và Woolward ở Oxford. Anh dành riêng một ngày để đi thăm nhà hát Sheldonian và dự lễ nhận bằng Cử nhân văn chương của một nhóm sinh viên. Ngoài ra, Stephen còn nghiên cứu sơ đồ khách sạn Randolph, khách sạn lớn nhất Oxford. Công việc này tốn nhiều thời gian tới mức viên quản lý khách sạn đã tò mò nhìn anh và Stephen phải bỏ đi trước khi ông ta tỏ thái độ nghi ngờ. Sau cùng, anh trở về Clarendon, gặp gỡ thư ký trường University Chest và nhờ một người phục vụ dẫn đi thăm trường.
Khoảng thời gian giữa các chuyến tham quan thành phố, những trường đại học, Stephen đều ngồi lỳ trên chiếc ghế da rộng lớn, anh suy nghĩ nhiều hơn và cũng ghi chép nhiều hơn. Sau mười bốn ngày, anh đã cho ra đời một kế hoạch hoàn hảo, sẵn sàng chờ đợi một cuộc gặp mặt với toàn Đội. “Ngựa đã đóng yên”, như Harvey Metcalfe vẫn nói, và nó sẽ phải phi nước kiệu trong một cuộc đua dài.
Sau hôm dự tiệc ở Oxford, Robin dậy rất sớm. Trong bữa điểm tâm anh tìm mọi cách tránh né các câu hỏi của vợ về những việc xảy ra trong đêm trước. Ngay khi thoát được ra khỏi nhà, anh lái xe lên thẳng London. Ở đây, anh lại được Meikle, cô thư ký kiêm tiếp tân chào đón niềm nở.
Elspeth Meikle, người gốc Scotland, rất tận tuỵ và nghiêm túc. Cô tôn trọng công việc của mình và coi đó là “nghiệp”. Lòng tận tuỵ của cô đối với Robin - bảo thân cô không bao giờ, kể cả trong suy nghĩ, dám gọi anh như vậy - hiển nhiên tới mức ai cũng nhận thấy.
-Cô Meikle, trong mười bốn ngày tới, tôi muốn có càng ít cuộc hẹn càng tốt.
-Vâng, tôi hiểu, thưa bác sỹ Oakley.
-Tôi có một số công việc nghiên cứu cần phải tiến hành ngay, và tôi không muốn bị làm phiền trong thời gian đó.
Meikle hơi ngạc nhiên. Cô vẫn luôn nghĩ Oakley là một bác sỹ thực hành giỏi, nhưng chưa bao giờ biết anh còn có khả năng vùi đầu vào các công việc nghiên cứu. Cô bước ra khỏi phòng, nhẹ nhàng không gây một tiếng động trên đôi giầy trắng để đón tiếp đám các quý bà khoẻ mạnh đáng kính của phòng khám Oakley.
Robin tống khứ các bệnh nhân đi rồi vùi đầu vào công việc với một tốc độ đáng khâm phục. Anh không ăn trưa và bắt đầu giờ làm việc buổi chiều bằng cách điện thoại tới Sở Y tế Boston cho một bác sỹ đầu ngành về bệnh đau bao tử, người đã hướng dẫn anh trong thời gian học nội trú ở Cambridge. Sau đó, anh bấm nút gọi Meikle.
-Meikle, cô làm ơn ghé và H.K Lewis và mua cho tôi hai cuốn. Tôi cần một ấn phẩm mới nhất: “Ngành học về chất độc” của Polson và Tettersall, và một cuốn khác của Harding Rain về đường ruột.
-Vâng, thưa ngài. – Cô nói với một vẻ tự nguyện rằng cô sẽ giành thời gian ăn trưa cho việc này.
Khi anh còn chưa gọi xong các cú điện thoại thì hai quyển sách đó đã có trên bàn. Ngay lập tức, anh bắt đầu đọc chúng một cách cẩn thận. Hôm sau, anh huỷ các cuộc hẹn buổi sáng để đến bệnh viện St. Thomas quan sát công việc của hai đồng nghiệp. Niềm tin vào kế hoạch mà anh xây dựng ngày một lớn. Anh trở về phòng khám trên phố Harley, và cũng như những ngày còn là sinh viên, anh ghi chép cẩn thận các thủ thuật vừa quan sát được. Đôi lúc, anh dừng bút để nhớ lại những lời của Stephen:
-Hãy nghĩ như Harvey Metcalfe. Lần đầu tiên trong cuộc đời, các ngài hãy đừng suy nghĩ như những chuyên gia thận trọng, mà hãy suy nghĩ như những người dám mạo hiểm, những nhà doanh nghiệp.
Robin đã bắt vào tần sóng của Harvey Metcalfe, anh sẵn sàng đón gặp tay người Mỹ, người Pháp và nhà quý tộc đồng hương. Nhưng liệu họ có sẵn lòng cùng tham gia vào kế hoạch của anh không? Anh rất mong chờ cuộc hẹn thứ hai.
Hôm sau, Jean – Pierre rời khỏi Oxford. Không một hoạ sỹ trẻ nào gây được ấn tượng lớn đối với anh. Tuy vậy, anh có cảm giá rằng Brian David có vẻ có nhiều triển vọng, và anh tự hứa sẽ theo dõi các tác phẩm tương lai của cậu ta. Khi về tới Lon don, cũng giống như Robin và Stephen, anh bắt đầu vào cuộc tìm kiếm. Cái ý tưởng đã tới với anh khi còn ở khách sạn Eastgate đang bắt đầu phôi thai. Dựa vào nhiều mối quan hệ trong giới nghệ thuật tranh ấn tượng trong hai mươi năm qua, anh lập một danh sách các bức tranh hiện còn rao bán trên thị trường. Sau đó, anh liên lạc với một người có khả năng đưa kế hoạch của anh vào hoạt động. Thật may mắn, người mà anh cần nhất, David Stein, lại đang có mặt ở nước Anh và có thể tới thăm anh. Nhưng liệu anh ta có chịu tham gia vào kế hoạch này không.
Buổi chiều hôm sau, khi trời đã khá muộn, David mới tới, và họ ngồi với nhau hai tiếng đồng hồ trong căn phòng nhỏ của Jean – Pierre tại tầng hầm của phòng tranh Lamanns. Khi David ra về, Jean – Pierre mỉm cười một mình.
Một buổi chiều, tại sứ quán Đức trên quảng trường Belgrave, một cú điện thoại gọi tới cho tiến sỹ Wormit của Trường Preussischer Kulturbesitz ở Berlin, và một cú gọi xa hơn cho Mne Tellegen ở Rigksbureau đã cho anh tất cả những thông tin cần thiết. Harvey Metcalfe nếu biết anh làm được những việc này hẳn rất nể phục. Tay người Mỹ và người Anh nên biết điều mà tự rút lui một khi anh trình bày kế hoạch của mình.
Ngủ dậy sáng hôm sau, James chỉ suy nghĩ đôi chút về ý tưởng chống lại Harvey Metcalfe, sau đó anh dành hoàn toàn tâm trí cho những việc quan trọng hơn. Đầu tiên anh phôn tới nhà của Patrick Lichfield.
-Patrick đó à?
-Vâng, - một giọng lầm bầm.
-James Brigsley đây.
-Ô, chào James. Lâu lắm rồi không gặp cậu. Tại sao cậu lại đánh thức tôi vào giờ này?
-Mười giờ sáng rồi, Patrick.
-Vậy sao? Đêm qua tôi dự một buổi dạ hội ở quảng trường Berkeley, và mãi bốn giờ sáng mới đi ngủ. Tôi có thể làm gì cho cậu đây?
-Cậu đã chụp ảnh một cô gái tên là Anne cho tạp chí Vogue phải không?
-Summerton, - Patrick do dự, - Tôi tìm được cô ta ở Stacpoole Agency.
-Cô ta thế nào?
-Không biết. Nhưng cô ta rất đẹp, và cô ta nghĩ rằng tôi và cô ta không hợp gu.
-Ôi, vậy sao, Patrick. Giờ thì ngủ tiếp đi.
James đặt máy điện thoại xuống.
Tên của Anne Summerton không có trên danh bạ điện thoại - vậy là không gọi trực tiếp được. Vẫn nằm trên giường, tay xoa cằm và chợt nảy ra một sáng kiến, anh vội tìm cuốn danh bạ S-Z, dò số máy cần thiết rồi quay điện thoại.
-Đại lý Stacpoole đây.
-Xin lỗi, tôi muốn nói chuyện với người quản lý.
-Xin cho biết ông là ai?
-Lord Brigsley.
-Tôi sẽ nối máy.
James nghe thấy tiếng lách cách, sau đó là giọng người quản lý.
-Xin chào. Michael Stacpoole đây. Tôi có thể giúp gì cho ông.?
-Ông Stacpoole, hy vọng ông sẽ giúp đỡ tôi. Tôi đang rất thất vọng. Tôi cần tìm một cô người mẫu cho buổi khai trương cửa hàng đồ cổ. Một cô thật tao nhã, ông hiểu chứ.
Rồi James miêu tả Anne như thể anh chưa bao giờ gặp cô.
-Chúng tôi có hai người mẫu, theo tôi nghĩ là phù hợp với yêu cầu của anh, - Stacpoole mời chào, - Pauline Stone và Anne Summerton. Nhưng đáng tiếc, hôm nay Pauline vẫn đang ở Bermingham dự buổi chạy thử xe mới của hãng Allegro, còn Anne thì đang phải quảng cáo cho một hãng thuốc đánh răng ở Oxford.
-Tôi cần một cô gái ngay hôm nay, - James nói.
Anh còn muốn thông báo cho Stacpoole biết rằng Anne đã có mặt ở thành phố, nhưng anh chỉ có thể nói:
-Nếu ngài gặp một ai trong số họ, phiền ngài gọi cho tôi theo số 735-7227.
James đặt máy xuống với chút thất vọng. Ít nhất, anh nghĩ, nếu không thể gặp Anne hôm nay thì anh sẽ bắt đầu lập chương trình cho bản thân trong “Đội chống Harvey Metcalfe”. Và chính khi anh bắt đầu công việc thì điện thoại reo. Một giọng cao vút trong trẻo cất lên.
-Đây là đại lý Stacpoole. Ngài Stacpoole xin được nói chuyện với Lord Brigsley.
-Tôi đây.- James nói.
-Tôi sẽ nối máy, thưa ông.
-Ông Lord Brigsley đó à?
-Vâng.
-Tôi là Stacpoole. Có lẽ hôm nay Anne Summerton không bận. Lúc nào ông muốn cô ấy có mặt.
-Ồ, James lưỡng lự, - Phố Berkeley, cạnh nhà hàng Empress. Đó là cửa hàng đồ cổ Albemarle. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp nhau bên ngoài cửa hàng, lúc 12 giờ 45 phút.
-Vâng, được, ông cứ yên tâm. Nếu trong mười phút nữa tôi không gọi điện lại tức là cuộc hẹn đã được ấn định. Rồi sau đó ông sẽ cho chúng tôi biết cô ấy có phù hợp không. Thường thì khách hàng phải đến tận văn phòng, nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ.
-Cám ơn! – James đáp và đặt máy xuống thấy hài lòng về bản thân.
James đứng trên phố Berkeley, ngay tại bậc thềm khách sạn Mayfair, vì vậy anh có thể quan sát từ xa nếu Anne xuất hiện. Với công việc, Anne luôn đúng giờ. 12 giờ 40 phút nàng đã có mặt ở góc Piccadilly. Chiếc váy nàng mặc rất thanh nhã và hơi dài, nhưng dù vậy, James vẫn có thể nhìn thấy đôi chân thon dài của nàng. Anne dừng lại bên ngoài nhà hàng Empress, lúng túng quan sát phòng trưng bày xe Rolls Royce của H.R. Owen bên tay trái và Trung tâm thương mại Brazil bên phải.
James sang đường. Miệng cười rộng.
-Xin chào, - anh nói bình thản.
-Chào! Thật là một sự trùng hợp.
-Cô đang làm gì ở đây một mình, mà như bị lạc vậy?
-Tôi đang tìm hiệu đồ cổ Albemarble. Chẳng hay anh có biết nó ở đâu không. Có lẽ tôi bị lạc phố rồi. Cùng trong giới quý tộc, có lẽ anh biết người chủ hiệu, Lord Brigsley.
-Tôi là Lord Brigsley.
Anne ngạc nhiên, sau đó nàng phá ra cười. Nàng đã nhận ra trò chơi của James và cũng cảm thấy được mơn trớn.
Họ cùng ăn trưa tại Empress, nhà hàng mà James vẫn thường đến. Anh còn giảng giải cho nàng tại sao nơi đây từng là nhà hàng ưa thích của nhà quý tộc Clarendon. Đã có lần ông ta tuyên bố: “Khác với các nhà hàng trong thành phố, ở đây, những nhà triệu phú mập hơn còn các cô tình nhân lại mảnh mai hơn”.
Bữa ăn thật thú vị, và James phải thừa nhận rằng gặp Anne là một sự kiện tốt đẹp nhất mà lâu rồi anh mới có. Sau bữa trưa, Anne hỏi liệu đại lý Stacpoole có thể gửi biên lai thanh toán tới đâu.
-Với tất cả những gì tôi đang dự tính cho tương lai, - James trả lời, - họ nên chuẩn bị đón nhận một món nợ kếch sù.