ường ra Cửa Nam về Giám trước kia cứ chạng vạng tối, chỉ nghe chẫu chàng uôm oạp khắp các đồng hoang, bây giờ đèn đuốc rải rác, chỗ là nhà, chỗ người đi, chẳng khác chợ cá nửa đêm ven sông. Mà chợ đêm thật. Các phường trên Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Điếu, cả đến trong ngõ Hà Trung, các nhà, các cửa hàng thì tối tối, chẳng khác cái hũ nút, tuần tráng đóng cổng phường đốc canh, nhà nhà lên cửa kín bưng rải ra bó chông chà từng chiếc như cái đinh đặt ngược lại còn lẫn lộn mảnh Chĩnh, mảnh chai sắc như lưởi dao, bỏ khắp từ đỉnh mái xuống chân tường. Ngoài đường thi thoảng mới có bóng người lui hui. Tuần tráng nhìn vào tận mặt hay chỉ nghe đối đáp thoáng qua, đã biết ai, đêm hôm đi đâu.- Người nhà cụ Ất, cụ Ất đình Ngang ấy mà.- Đi mua thuốc đau bụng bà lang Bính chứ gì!- Vâng ạ, đau bụng máu lên cơn lại hết thuốc.- Không nhớ đi đêm phải mang đuốc à?- Vội quá. Bác cầm mấy đồng uống nước cho tôi đi.- Đứa nào kia? Đứng lại.- Tôi đi gọi bà mụ, nàng dâu nhà ông hương Đinh vỡ ối, đẻ đến nơi rồi.- Được.- Thằng này sao đi lỉnh kỉnh thế. Tên gì?- Mỗ Ất, mỗ Giáp, mỗ con chó. Hỏi lắm thế.- Tiên sư mày, đi đâu?- Ông đi tìm rượu.- Đi đêm phải có đèn đóm!- Đéo có.- Nhớ kiếm vài xó đem về điếm.- Đéo đem!- Ông gông cổ mày!- Hà... hà...!Chẳng ra phép tắc, chẳng ra ỡm ờ. Lơ mơ thế mà vẫn có người yếu bóng vía bị đóng gông ngồi điếm đến sáng vì tội đi đêm không có đuốc. Người nhà phải đem mấy tiền ra chuộc không thì cứ ngồi đấy. Thế mà lúc nào cũng có người vào ra. Ấy là chẳng kể những kẻ không ai biết tông tích, chui chỗ nào cũng lọt, như con chuột rũi. Nhưng không phải ai cũng mưu mẹo được thế. Phố xá đêm ngày cứ nghìn nghịt, trong làng kéo đến Kẻ Chợ mỗi vụ càng nhiều hơn chỉ vì đói, vì rỗi việc, vì có nghề thì đổ ra nơi đô hội kiếm miếng. Lâu nay, Cõi đã thế, đi bán dầu, đi thợ ngõa, thợ mộc, Cõi biết! Cái ngày còn chưa thạo, đêm hôm bị tuần trong phường bắt nạt, phải dạt ra đầu ô, như Cõi vừa thấy lắm đóm đuốc trước mặt. Ở những nơi nửa phường xóm, nửa đồng không mông quạnh này, đến cả trăm kẻ cướp tụ tập cũng chẳng ai biết đâu, huống chi những cái đuốc lập lòe ma trơi hay người đi lủi thủi. Bởi thế, ở các cổng tỉnh còn bộn bề hơn trong phường. Bất giác, Cõi thở dài. Những năm gần đây càng lắm người ra tỉnh. Mất mùa, vỡ đê liên miên, người ta đi tha phương.Cõi về đến chùa Xiển thì đã tối mịt. Vừa thấp thoáng lũy tre, ao bèo, con trâu nghênh sừng lẳng lặng qua, rồi đuốc đóm chấp chới, bây giờ thanh vắng, cứ ang áng nhớ đường mà đi. Tiếng mõ thỉnh kinh, niệm Phật đều đều như nước giọt gianh. Mùa hoa mộc rưng rưng ngan ngát, thơm thanh khiết. Hai cái cột xoan cổng tán đã xiêu, chỉ một trận mưa rào mùa hạ tới thì đổ cả. Cái liếp cành rong đã hạ xuống, nhưng cũng tuông một mảnh, cả người lọt vào được. Nhưng mà chặp tối không ngửi mùi khói bếp, không tiếng gọi lợn, không tiếng cãi nhau chửi rủa léo xéo. Con người đã vào cõi khác, u tịch trầm ngâm không như cái nhộn nhạo thường ngày ngoài trần gian.Gian giữa chùa, trong ánh đèn dầu trám lung lay đỏ bẻm, chú tiểu đương tụng kinh. Mỗi lần thỉnh cái chuông nhỏ trước mặt bằng bàn tay úp, cái đầu trọc tròn xoe cúi rạp, đến khi ngửng lên, tay mõ lại đều đều, tiếng niệm Phật rì rầm thăm thẳm. Cõi đã nhận ra chú tiểu là thằng bé trong Sủi chạy ra năm ấy. Bây giờ nó đã lớn. Có còn nhớ làng bị đốt, cha mẹ chết cháy hay chết chém, mày còn nhớ không? Cõi cứ đứng yên ngó khe cửa, không bước vào, không muốn động đến giờ giấc của nhà chùa. Và Cõi cũng đương chìm đắm trong cái thư thái này. Nhưng lòng Cõi thì không yên. Cõi cứ nhớ hôm nao thằng bé trần trụi như cục bùn lăn trong đống lửa ra.Một lúc, một hồi chuông lanh lảnh ngân nga rồi vắng lặng, chú tiểu đứng dậy. Trong tĩnh mịch như thế, hồ như cảm có hơi hướng gì lạ. Chú tiểu quay ra, mở then cửa, giơ bát nến khói đen cuộn lên. Chú tiểu đã nhìn thấy người ngồi ghé bậu cửa đứng dậy.Cõi nói khẽ:- Nhà chùa có còn nhớ tôi không?- A bác, lạy bác, con... Con quên làm sao...Hai người vào nhà hậu. Sư tổ chùa Xiển đã về nước Phật lâu rồi. Mấy năm nay, sư ông Thiện Tâm lại hay ốm đau, mọi việc chùa, cơm nước, kinh kệ, khách thập phương lễ bái rồi vào hạ đi khuyên giáo, cả việc đồng bãi lấy ngọc thực nuôi thân nhất nhất đều một tay tiểu Từ Tâm gánh vác lần hồi.Nhà chùa chỉ có sào ruộng hậu vừa cày cấy vừa vườn tược, thầy trò quanh năm quần nâu áo vá. Ấy vậy nhưng sư ông Thiện Tâm vẫn thường nói: thầy ngẫm ra phúc đức cửa từ bi không bao giờ thiếu, thầy đã theo hầu sư tổ được hơn sáu mươi năm đến khi sư tổ khuất núi, bây giờ Phật phù hộ độ trì, có con về...Bên giường sư Thiện Tâm, chú tiểu Từ Tâm quỳ xuống trước mặt Cõi:- Lạy bác, bác cho con gọi bác là bố, là mẹ, bác là bố mẹ con, bác nhận cho con.Cõi mủi lòng, nâng tiểu Từ Tâm đứng dậy. Lại nghĩ đến cái làng Sủi đương cháy.Tối hôm ấy, sư ông Thiện Tâm hỏi Cõi:- Những lo toan của bác được đến thế nào rồi?Cõi chắp hai tay vái sư ông.- Sư ông có lòng thương hỏi đến. Gian truân lắm, nhà chùa ạ.Sư ông Thiện Tâm không hỏi thêm, mà nói sang chuyện lúc nãy:- Bấy lâu nhờ cơ duyên mà bác cho tiểu Từ Tâm về chùa tôi, cái may thật không kể xiết. Thế mới biết đất Phật ở đâu thì có hương khói đấy, không bao giờ suy vi được.- Công đức thầy dựng nên, đời này mới có đời kia, đời đời thế vậy.Đêm ấy, ở gian nhà hậu trông ra vườn sau, Cõi kể cho tiểu Từ Tâm nghe lúc ban ngày vừa về qua làng, thắp nén hương cúng thầy với oan hồn cả làng. Tiểu Từ Tâm nói:- Ở chùa năm nào vào hè ra hè, sư ông cũng dạy con cúng cháo giải oan cho chúng sinh, con lại khấn về làng, con vảy cháo về phía bờ sông.Trận mưa đầu mùa rào rào trong đêm, như cả nghìn vạn người ai oán khóc. Nhưng Cõi không nói một lời về cái đau đớn khủng khiếp những ngày qua. Cõi nghĩ dầu sao nó cũng còn là đứa trẻ, lại đã lênh đênh mồ côi thế này, chẳng nên cho nó khổ ải thêm nữa.Tiểu Từ Tâm hỏi bác Cõi:- Bao giờ bố lại đi?- Mai.- Hay là bố ở đây. Thầy con dạo này yếu lắm không biết thế nào. Mai bố lại đi đâu?Cõi ngồi lên, như lắng tai đợi dứt mưa. Rồi nói:- Đi việc ấy. Bao giờ xong thì mới yên được.Từ Tâm lặng im. Đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, nhưng những khốn đốn đã trải thì óc đã cả nghĩ chẳng khác người có tuổi. Dẫu chẳng rõ việc gì nhưng Từ Tâm hiểu câu nói ngắn ngủi mà buồn, mà quả quyết ấy có ý nghĩa đến như thế nào.Hôm sau, Cõi đi sớm. Sư ông Thiện Tâm chống gậy ra tận cổng ngoài.- Biết khi trở lại có còn gặp nhau không?Cõi chắp tay vái nhà sư.- Nhà chùa cho lộc cứu vớt tiểu Từ Tâm, không bao giờ con quên được, thì dẫu rồi đây thế nào cũng là như ta còn gặp nhau, sư ông ạ.Sư ông Thiện Tâm không nén được nước mắt lã chã trên khuôn mặt úa võ vàng.Chỉ mới mấy ngày ở Kẻ Chợ mà dường như đằng đẵng. Căn do chỉ vì thằng lãnh Quang đã chạy chết về Sơn Tây rồi. Mọi việc phải tính lại cả. Chi bằng hãy lên Bỏi cái đã.Buổi trưa, Cõi sang đến bến. Cõi đã thuộc nơi vạn trú những giờ giấc các nan thuyền qua lại. Bến Bỏi đã là làng nhà, khác nào nơi chôn rau cắt rốn. Mà Cõi còn trông vào đây, trong khi phương nào cũng bơ vơ rồi.Bác cả Bỏi với một lũ tay lưới cởi trần phơi cá trong những cái nia đại đặt trên mái khoang. Nghề này học được dưới đường bể, tháng sau đã sẵn cá ướp bán cho phường buôn các chợ ven sông để các nhà khó mua về trữ, phải khi mưa dầm gió bấc, ăn cá sông muối khô còn nạc hơn cá mắm bể, mà khéo tay còn làm nước mắm ăn Tết, chẳng kém mắm cáy. Bác Cả rõ ra một nhà chài lão luyện nghề, cả đời đứng chèo chống, hai vai nở lực lưỡng hơn vế chân. Chẳng một vẻ nào là tướng cướp. Cũng hay ở đời, biết bao kẻ như hầm hố cắm chông, nhưng lại có người như bác Cả mà lắm người sợ, người phục. Bọn quan nha các huyện và ở Kẻ Chợ tảng lờ làm như không biết kẻ cướp bến Bỏi, tướng cướp bến Bỏi, nhưng trong dân gian thì lũ lượt tìm đến vái lạy, kêu cầu như trước bàn thờ Đức Ông và những ông hộ pháp thiện ác giữ cửa chùa.Bác Cả trông lên bờ, thấy Cõi:- Đã về đấy a? Công cốc chứ gì!- Chẳng được một hạt việc. Chán quá.- Việc gì mà chán! Phải nghĩ nó lại cút ngay về Sơn Tây, thế là nó khiếp chúng mày, khiếp cái gan chúng mày. Về đây nghỉ đã, rồi lại tính, ngày rộng tháng dài mà.Cái bến đò ngang sang Bỏi những buổi chợ vẫn tấp nập.Vào mùa cạn, các bè luồng, bè gỗ, bè vỏ dó, bè củ nâu, gỗ, bè sơn thùng gỗ mò trên ngược về đậu dài dằng dặc đến tận bến Bà Móc, chợ ống Nước dưới Kẻ Chợ trên bến dưới thuyền vui như hội.Đến bữa chặp tối, Cõi mới biết chuyện vừa rối Cõi đi, ai nấy đều sốt ruột. Bác Cả đã nhắn xuống dưới Kẻ Chợ. Trong đám nhốn nháo đêm hôm ở đình Hàng Hòm vẫn có người bến Bỏi, cả lão quán nước cứ giả bộ ngơ ngơ ăn nói lửng lơ thế, đã đủ biết, mà không ai thấy Cõi đâu.Cõi vái bác Cả:- Bác cũng là người đẻ ra con, bác thương con.Bác Cả quát:- Ô hay, làm thằng đàn ông không được lúc nào cũng vái lạy, lúc nào cũng vãi nước mắt ra. Bây giờ mày muốn sao?- Con phải lên Sơn.- Được rồi. Hôm nào ngược, tao sắm cho cái nan tre đực. Nhưng mấy bữa rày được nắng, hãy ở nhà phơi cho xong vụ cá này.- Dạ.Việc nhà chài, có vụ có mùa vất vả chẳng khác những nặng nhọc cổ cày vai bừa đồng ruộng.Suốt ngày dãi nắng, đến tối sáng trăng, thuyền dỡ mái khoang, mâm cơm dọn ra như ở giữa sân gạch thoáng mát hây hẩy gió. Đương vui chuyện, bác Cả hỏi Cõi:- Mày tằng tịu với con vợ thải của thằng lãnh Quang?- Không, oan cho con.Bác Cả cười:- Tao hỏi cợt thế thôi. Chứ thằng người đã có phen những con nặc nô ấn vào cửa Âm Phủ rồi thì phải biết kệch quân chó má chứ.Cõi chỉ biết cúi mặt, ực một ngụm vào họng như tiếng trả lời câu nói điếng người. Cái gì bác cũng biết, như từ trong bụng người ta đi ra, bác thánh quá.Hôm sau, Cõi lại ra anh thuyền chài. Lúc thì ve vé chiếc nan đi dăng lưới, trưa nắng, cởi trần, truyền mái khoang bưng nong nia phơi cá. Chẳng khác mọi người xung quanh, mọi công việc ngày ngày. Không gì sốt ruột hơn chờ đợi, vừa nấn ná lại vừa nhấp nhỏm. Mà không dám hỏi. Tính bác Cả thế, chỉ nói như ra lệnh. Chuyện rắc rối, khó khăn đến thế nào cũng hỏi một câu, nói một câu. Rồi lại như dạo nào, Cõi dông ầy. Từ ấy tới giờ, người trưởng tràng đi đâu. Những trưởng tràng của thầy ở các nơi đâu rồi. Vì thầy, ai còn ai đã chết, ai đã bỏ mình thảm thương như Trắt, ai giữ được tấm lòng như xưa, ai đã muối mặt đành tâm quên cả, ai phải chịu đau đớn như Cõi. Bao giờ đồng môn lại tụ hội ngày giỗ thầy, bác trưởng tràng khấn thầy được an giấc dưới suối vàng hay chúng con phải tạ tội với thầy. Nào những ai còn, ai mất? Đêm ấy, bác Cõi kể đầu cuối ngọn ngành với cậu bé làng sủi sống sót. Vừa sáng, sư Từ Tâm cầm cái cuốc bước ra vun gốc luống cà, nhưng vẫn hôi hổi trong đầu những câu chuyện của bố Cõi. Có lúc nhà sư buông cuốc, cúi mặt, nghĩ đến bàn tay chai khẳng khiu như cái que khô của bố Cõi, mà thấy thật bồi hồi. Cả ngày, sư Từ Tâm mải miết ngoài ruộng cà. Trời đã có khi mưa cơn mưa trận, phải vun vội cho đất kịp mát. Nụ cà đã chúm chím tím mờ từng dải. Đôi chốc, chống cái cuốc bướm thẫn thờ nhìn vào gian bên chùa chỗ cánh liếp thủng lỗ, mở hé. Bố Cõi ngồi trong ấy, cắm cúi đan lát, chốc chốc cái đuôi lạt thoăn thoắt vút lên. Người già chẳng ngơi tay lúc nào. Sư Từ Tâm vẫn đăm chiêu tư lự. Chưa bao giờ người trẻ tuổi ấy được nghe biết như vậy. Bấy lâu một lòng kính yêu, ơn nghĩa người đã cứu mình. Bây giờ,... hai bàn chân mất gân chúc thõng xuống, như người tù ngồi xó trong ngục, cái gông kéo trĩu cổ nhưng câu chuyện bố kể xót như xát muối mà nghe tiếng nói lại như một người vẫn đương ngùn ngụt chí rửa thù. Đến lúc với cầm cái nạng mới lê bàn chân đứng dậy, ông lão rầu rĩ thở dài: “Biết đâu đến phải nước này. Bố chết không nhắm được mắt con ạ”. Một hôm, sư Từ Tâm nói với bố: - Con xin thưa... - Bố ơi! Bố để con đi, con xin đi báo thù cho cụ huấn. Bao giờ bố yếu, con mà báo được thù thì bố yếu đến đâu bố cũng được nhắm mắt như ngủ. Bố cho con đi... - Được! Được! - Bố chỉ đường cho con lên Sơn Tây. - Con hãy về bến Bỏi đã. Hỏi thăm, bây giờ là cụ Cả Bỏi. Con lạy cụ, con nói con là con bố Cõi. Sư Từ Tâm đi khuất đã lâu, bác Cõi đứng bên cái cổng rong ngoài chùa trông ra. Đã sang đầu hè, cây gạo ngã ba đường đương cữ nở hoa đỏ ối. Dưới ruộng, những luống cà bát hôm nào sư Từ Tâm mới xới, bây giờ quả cà trắng toát, to bằng cái bát chậu, đã hái muối xổi được. Những cây gạo xa xa ven đường thấp thoáng rực rỡ. Như một niềm mong mỏi. Từ đấy, ông lão ở lại trông nom chùa Xiển. Ngư làng gọi là ông sãi, ông sãi chùa Xiển. Ông sãi có tật chân, nhưng khéo tay như thợ mộc, cột kèo được bào đẽo nhẵn nhụi, cảnh chùa có phong quang hơn. hỏi thăm thầy Từ Tâm, ông sãi nói xưa rày nhà chùa vẫn phải đi khuyên giáo, ăn mày thập phương. Lâu lâu không thấy về, khách đến lễ cũng không tò mò nữa. Đương thời buổi tao loạn, kẻ gian người ngay lẫn lộn, thầy đi việc nhà chùa hay việc quốc sự, biết nào mà tọc mạch. HẾT