Chương 7

Phi Phố đem một người bạn lại thăm Tùng Liên, và nói người đó là ông thày dạy thổi sáo mà chàng đã mời cho nàng. Tuy nhiên Tùng Liên không biết phải làm gì, bởi vì nàng chưa hề thực tâm nói chuyện học thổi sáo. Nàng nhìn kỹ ông thày dạy. Người ấy là một thanh niên, nước da sáng sủa và tóc cắt ngắn như sinh viên, nhưng lại không giống một sinh viên, có vẻ hơi bẽn lẽn và dè dặt trong hành động và cử chỉ. Anh ta cho biết tên là Cố Tam, một công tử con nhà họ Cố, chủ nhân của một cơ sở dệt lụa địa phương nổi tiếng. Tùng Liên trông thấy hai người từ đằng xa đi lại, vừa đi vừa nắm tay nhau. Cái hình ảnh hai thanh niên đi sóng đôi nắm tay nhau, tạo cho nàng một cảm giác kỳ lạ của một cái gì mới mẻ và kích thích.
Tùng Liên mỉm cười chào, "Hai người thực là bạn tốt. Tôi chưa bao giờ trông thấy hai người đàn ông vừa đi vừa nắm tay nhau."
Phi Phố có vẻ hơi bối rối. Chàng nói, "Chúng tôi là bạn với nhau từ ngày còn nhỏ; chúng tôi học cùng một trường ở đây."
Nhìn chàng thanh niên họ Cố, nàng nhận thấy mặt chàng ta còn đỏ hơn mặt Phi Phố. Tùng Liên nghĩ ông thày này quả thực là thú vị; không biết một người đỏ mặt dễ dàng như vậy sẽ như thế nào. Nàng nói:
- Ðến già tôi cũng không có được bạn tốt.
Phi Phố trả lời, "Ðiều đó cũng chẳng có gì lạ; chắc dì kiêu hãnh và không thèm để ý đến ai và người ta cũng khó lại gần dì."
- Ðiều đó không đúng; quả thực tôi cô đơn, nhưng không kiêu hãnh; muốn kiêu hãnh thì phải có gì để mà kiêu hãnh chứ. Tôi thì có gì để mà kiêu hãnh?
Phi Phố lấy ra một cây sáo từ một chiếc bao bằng lụa đen, và nói:
- Tôi muốn biếu dì chiếc sáo này; Cố Thiếu gia tặng nó cho tôi, như vậy bây giờ tôi "mượn hoa cúng Phật."
Tùng Liên nhận cây sáo và nhìn chàng thanh niên họ Cố; Cố Tam gật đầu và mỉm cười. Tùng Liên đưa cây sáo lên môi, thổi đại vài âm thanh và nói, "Tôi sợ rằng tôi quá kém cỏi và không thể học được."
Cố Tam nói, "Thổi sáo thì dễ thôi; chừng nào bà để tâm hồn vào nó thì không có lý do gì bà không học được."
- Tôi e rằng tôi không thể để hết tâm hồn vào việc thổi sáo; trái tim tôi giống như một cái đĩa đầy cát; rất khó tập trung vào một chỗ.
Cố Tam lại mỉm cười. "Nếu vậy thì khó khăn đấy. Tôi chỉ có thể chỉ dạy bà thổi sáo thôi; tôi không thể lo cho trái tim bà được."
Phi Phố ngồi xuống, nhìn Tùng Liên, rồi nhìn Cố Tam; mắt chàng tràn đầy một sự thân ái đặc biệt.
Cố Tam giải thích, "Cây sáo có bảy lỗ; mỗi lỗ là một trong bảy xúc cảm của con người. Khi bà hòa lẫn tất cả lại với nhau, thì sẽ tạo được một âm thanh uyển chuyển và buồn bã đặc biệt. Một người thổi sáo cần có hai cảm giác này: uyển chuyển và sầu buồn."
Nói tới đây chàng nhạc sư trẻ e lệ nhìn Tùng Liên và hỏi, "Bà có hai cảm giác ấy không?"
Tùng Liên suy nghĩ một lúc rồi trả lời, "Tôi sợ rằng tôi chỉ có cảm giác thứ hai thôi."
- Nếu bà có cảm giác ấy thì thực là tốt. Sầu buồn cũng là một trong bảy xúc cảm. Cái đáng sợ duy nhất là sự trống rỗng, không có gì trong tâm hồn cả; và như thế thì bà không thể chơi sáo hay được."
- Sao Thiếu gia không thổi thử một khúc trước để tôi nghe tiếng sáo ra sao.
Cố Tam không từ chối; chàng cầm sáo lên và bắt đầu thổi. Tùng Liên nghe thấy một âm thanh đẹp đẽ, mềm mại, và nhẹ nhàng, có lúc như than như khóc, tuôn ra từ cây sáo.
Phi Phố ngồi xuống ghế trường kỷ, nhắm mắt lại và nói, "Ðây là khúc Thu Sầu."
Ngay lúc đó Tiểu Phúc, con hầu gái của Dục Như tới gõ cửa sổ, và lanh lảnh gọi Phi Phố:
- Ðại Thiếu gia ơi, Ðại Nương muốn Ðại Thiếu gia về phòng khách để tiếp khách ngay.
Phi Phố hỏi, "Ai thế?"
- Con không biết; Ðại Nương muốn Ðại Thiếu gia về ngay.
Phi Phố cau mày và nói, "Bảo khách tới đây gặp ta."
Con Tiểu Phúc cứ gõ vào cửa sổ và la lớn tiếng, "Ðại Nương bảo Ðại Thiếu gia phải tới ngay; nếu Ðại Thiếu gia không tới, Ðại Nương sẽ đánh con."
Phi Phố khẽ càu nhàu, "Thực là bực mình quá." Chàng đành đứng dậy và than. "Không biết khách nào thế? Thực là xui xẻo!"
Cố Tam đứng đó tay cầm cây sáo và nhìn Phi Phố, rồi lo lắng hỏi, "Thế còn bài học thổi sáo thì sao; tôi có nên tiếp tục không?"
Phi Phố xua tay và nói, "Anh ở lại đây và tiếp tục dạy. Tôi đi xem khách là ai."
Khi Tùng Liên và Cố Tam là hai người còn lại, không ai biết phải nói gì trước. Bất thình lình Tùng Liên mỉm cười và nói, "Quân nói dối."
Cố Tam giật mình. "Ai là quân nói dối?"
Tùng Liên lấy lại bình tĩnh. "Tôi không ám chỉ Thiếu gia đâu. Tôi ám chỉ bà ta đó."
Cố Tam cảm thấy lúng túng. Tùng Liên nhận thấy chàng lại bắt đầu đỏ mặt. Nàng nghĩ thực là buồn cười khi một quý tử của một đại gia như thế mà lại dễ mắc cở; nhưng dẫu sao thói quen đỏ mặt dễ dàng có thể là một đức tính tốt. Tùng Liên nhìn Cố Tam một cách đầy cảm tình và nói:
- Xin thổi tiếp đi; Thiếu gia chưa thổi hết khúc nhạc mà.
Cố Tam nhìn xuống cây sáo, bỏ vào cái túi lụa đen, và nhẹ nhàng nói, "Hết rồi; chúng ta mất cảm hứng, và khúc nhạc cũng chấm dứt. Một khúc nhạc hay rất dễ bị lạc điệu khi mất hứng; bà hiểu không? Ngay khi Phi Phố bỏ ra đi rồi, cây sáo không còn hay nữa."
Cố Tam liền đứng dậy và từ biệt. Tùng Liên tiễn chàng tới tận hoa viên và bỗng nhiên cảm thấy vô cùng biết ơn và quý trọng chàng. Nhưng nàng nghĩ rằng không nên bộc lộ tình cảm của mình, nên nàng dừng lại, khoanh tay trước ngực, và cúi chào thật thấp.
Cố Tam hỏi, "Chừng nào bà muốn học sáo lần tới?"
Tùng Liên lắc đầu. "Tôi không biết."
Cố Tam suy nghĩ một lát rồi nói, "Chúng ta hãy để Phi Phố sắp xếp. Phi Phố quý mến bà lắm; anh ta thường ca ngợi bà với bạn bè."
Tùng Liên thở dài và nghĩ, "Hắn thích ta thì có lợi gì đâu? Không có người nào trên đời này ta có thể gửi tấm thân được."
Ngay khi Tùng Liên trở lại phòng nàng, Cát Vân đẩy cửa bước vào, vô cùng hứng khởi kể cho Tùng Liên biết mẹ con Dục Như và Phi Phố bắt đầu cãi lộn nhau. Thoạt đầu Tùng Liên ngạc nhiên, rồi nàng cười lạnh lùng và nói, "Tôi biết họ sẽ cãi nhau."
- Muội muội đi khuyên can họ đi.
- Tôi là gì mà khuyên can họ được. Họ là mẹ con với nhau; dù họ cãi nhau nhiều thế nào thì tôi cũng là cái gì mà bảo họ ngừng lại được?
- Muội muội làm như không biết họ cãi nhau là vì muội muội hả?
- Hừ, điều đó lại còn kỳ quái hơn nữa. Tôi chẳng làm gì đụng chạm đến họ; họ lôi cuốn tôi vào làm gì?
Cát Vân nhìn Tùng Liên như thể buộc tội. "Ðừng làm bộ ngây thơ. Muội muội biết tại sao họ cãi nhau mà."
Giọng Tùng Liên rít lên the thé. "Tôi biết gì? Tôi chỉ biết bà ta không thể chịu đựng được nếu có ai tử tế với tôi. Bà ta nghĩ tôi là hạng người gì? Bộ bà ta tưởng tôi sẽ làm gì với con trai bà ta hay sao?" Trong khi nói, mắt nàng tràn đầy lệ, rồi nàng nói tiếp, "Thực là quá ngu xuẩn, quá đáng ghét. Sao bà ta có thể ngu xuẩn như thế?"
Lúc đó Cát Vân đang dùng răng cửa cắn hạt dưa. Nàng bỏ vỏ hạt dưa vào bàn tay Tiểu Nhạn, khẽ đẩy vai Tùng Liên, rồi mỉm cười nói, "Ðừng tức giận. Nếu muội muội đứng thẳng thì chẳng cần phải sợ cái bóng cong queo; nếu muội muội không làm điều gì quấy thì không cần phải sợ ma quỷ gõ cửa; muội muội sợ gì?"
- Nếu tỷ tỷ nói như thế thì dường như em có điều phải lo sợ. Nếu tỷ tỷ thích làm người trung gian thì hãy đi khuyên mẹ con họ đừng cãi nhau nữa. Em không hơi đâu quan tâm đến.
- Tùng Liên, muội muội quả thực có một trái tim tàn ác; bây giờ tôi mới nhận ra thế.
- Tỷ tỷ quá tán thưởng em. Không một trái tim nào có thể lấy ra và xem xét được; nhưng bất cứ ai có trái tim tàn ác thì tự mình biết rõ hơn hết.
Ngày hôm sau Tùng Liên gặp Phi Phố ngoài hoa viên. Phi Phố đang đi lang thang, lơ đãng chơi cái bật lửa. Chàng làm như không trông thấy Tùng Liên, nhưng Tùng Liên cố tình lớn tiếng gọi chàng. Nàng đứng đó nói chuyện với chàng, như mọi khi. Nàng hỏi, "Người khách hôm qua của Ðại Thiếu gia là ai? Người đó làm tôi lỡ một buổi học sáo."
Phi Phố mỉm cười chua chát, "Ðừng giả bộ không biết. Tất cả nhà đang xôn xao bàn tán về việc tôi cãi nhau với mẹ tôi."
Tùng Liên hỏi thêm, "Cãi nhau về cái gì vậy?"
Phi Phố lắc đầu, cứ liên tục mở bật lửa rồi lại tắt đi, hấp tấp nhìn quanh và nói, "Ở nhà lâu quá làm người khác khó chịu. Tôi muốn đi xa nhà. Tốt hơn là đi ra ngoài xã hội, cái nơi tôi tự do và sung sướng."
- Tôi hiểu; sau những rắc rối ấy, Ðại Thiếu gia vẫn sợ bà ta.
- Tôi không sợ mẹ tôi; tôi sợ những sự rắc rối, sợ đàn bà; đàn bà thực đáng sợ.
- Ðại Thiếu gia sợ đàn bà ư? Vậy thì tại sao Ðại Thiếu gia không sợ tôi?
- Tôi cũng hơi sợ dì đấy chứ, nhưng không sợ lắm. Dì không giống bọn họ, vì thế tôi thích lại thăm dì.
Sau đó Tùng Liên nhớ lại cái điều Phi Phố nói một cách hờ hững: "Dì không giống bọn họ." Nàng cảm thấy Phi Phố dem lại cho nàng một thứ an ủi mãnh liệt, nhưng cảm thấy rất mơ hồ, giống như ánh nắng mùa đông, mang theo một sự ấm áp mong manh.

*

Sau đó Phi Phố rất ít lại phòng Tùng Liên, và dường như chàng đang gặp thất bại trong công việc làm ăn; chàng luôn luôn có vẻ u buồn và bực bội. Tùng Liên chỉ trông thấy chàng tại bàn ăn tối. Ðôi khi cái hình ảnh chân của Mai San và ông bác sĩ quấn lấy nhau dưới gầm bàn mà chược chợt thoáng qua tâm trí nàng; nàng không thể không bí mật nhìn xuống chân nàng dưới bàn ăn. Nàng có nên đưa chân sang tìm chân Phi Phố không? Khi nàng nghĩ tới điều này, nàng cảm thấy vừa hoảng sợ vừa khích động.
Một hôm Phi Phố tới thăm bất thình lình, đứng đó, xoa tay vào nhau và nhìn xuống chân. Nhìn chàng đứng đó thật lâu mà chẳng nói gì, Tùng Liên bật cười.
- Ðại Thiếu gia có cái gì trong lòng? Tại sao không nói ra?
- Tôi sẽ đi xa.
- Thì Ðại Thiếu gia vẫn thường đi xa mà.
- Lần này tôi đi Nam Kinh để thương lượng về thuốc lá.
- Thì có gì bất thường đâu? Miễn là không phải thuốc phiện.
- Ngày hôm qua một nhà sư già coi số cho tôi và nói tôi sẽ gặp nhiều sự dữ hơn sự lành trong chuyến đi này. Trước kia tôi chưa bao giờ tin cái chuyện tầm phào ấy, nhưng lần này tôi tin tưởng đôi chút.
- Nếu Ðại Thiếu gia tin thì đừng đi nữa. Tôi nghe nói ở đó có nhiều quân cướp lắm; chúng xẻo thịt người để ăn.
- Tôi không thể không đi. Trước hết tôi muốn đi ra khỏi nhà. Thứ hai, tôi phải kiếm tiền đem về nhà. Nếu nhà họ Trần cứ tiếp tục sống như thế này thì chẳng mấy chốc sẽ khánh tận. Lão gia lúc này hơi lú lẫn rồi; nếu tôi không cáng đáng mọi việc thì ai lo bây giờ?
- Ðại Thiếu gia nói đúng lắm. Ðại Thiếu gia cứ an tâm mà đi. Hơn nữa một người đã trưởng thành mà cứ nằm nhà mãi thì cũng không phải.
Phi Phố lặng lẽ gãi trán một lát rồi bất thần buột miệng, "Nếu tôi ra đi và không trở về, dì có khóc không?"
Tùng Liên lập tức lấy tay bịt miệng Phi Phố. "Ðừng nói gở."
Phi Phố nắm lấy bàn tay Tùng Liên, lật ngửa ra, quan sát cả hai mặt và nói, "Tại sao tôi không đọc được chỉ tay của người khác? Tôi không nhìn thấy gì cả. Có lẽ số phận của dì khó đoán và tất cả đều giấu kín."
Tùng Liên rút bàn tay lại và nói, "Nếu Tiểu Nhạn trông thấy chúng ta, nó sẽ đem kể khắp nhà."
- Nếu nó dám như thế, tôi sẽ cắt lưỡi nó và đem nấu cháo.
Khi Tùng Liên đang chào từ biệt Phi Phố ở lối đi, nàng trông thấy Cố Tam đang đi đi lại lại quanh hoa viên. Nàng hỏi Phi Phố, "Anh ta làm gì ngoài kia thế?"
Phi Phố cười to và nói, "Anh ta cũng sợ đàn bà, giống như tôi. Anh ta cũng đi Vân Nam với tôi."
Tùng Liên nhăn mặt. "Hai người không thể xa nhau được, y như vợ chồng."
- Dường như dì có vẻ hơi ghen. Nếu dì muốn đi Vân Nam, tôi sẽ đem dì theo. Dì có muốn đi không?
- Thực tình tôi muốn đi lắm chứ, nhưng không thể thực hiện được đâu.
- Tại sao không thể được?
Tùng Liên khẽ dí tay vào Phi Phố và nói, "Ðừng làm bộ ngu dốt; Ðại Thiếu gia biết tại sao không thể được rồi mà. Thôi đi đi, lên đường ngay đi."
Nàng nhìn theo Phi Phố và Cố Tam bước ra và biến mất sau chiếc cổng hình nguyệt. Nàng không hiểu nàng cảm thấy thế nào về lần chia tay này, thất vọng hay thờ ơ. Nhưng có một điều rất rõ ràng: Khi Phi Phố ra đi rồi, nàng sẽ cô đơn hơn và bị cô lập trong nhà họ Trần.

*

Tùng Liên đang hút thuốc lá thì Trần Tả Thiên bước vào. Phản ứng đầu tiên của nàng khi trông thấy lão là dụi tắt điếu thuốc; nàng nhớ lại có lần lão nói lão không chịu đựng được cảnh đàn bà hút thuốc lá. Trần Tả Thiên cởi áo choàng và nón, và chờ Tùng Liên treo lên cho lão. Tùng Liên ngập ngừng bước lại và nói, "Ðã lâu lắm Lão gia không đến đây."
- Tại sao nàng hút thuốc? Ngay khi người đàn bà bắt đầu hút thuốc là mất đi tính chất nữ nhi của mình.
Tùng Liên treo áo choàng xong, nàng cầm cái nón của lão đội lên đầu, và nói đùa, "Như thế này em còn ít là đàn bà hơn nữa, phải không?"
Trần Tả Thiên giật lấy cái nón trên đầu nàng, mắc lên giá treo áo và nói, "Tùng Liên, nàng thực là quá trơ trẽn; một khi nàng trơ tráo, nàng sẽ đi quá xa; thảo nào mọi người đều nói về nàng."
Tùng Liên trả lời ngay lập tức, "Họ nói gì? Ai nói về em? Có phải người khác không hay chính là Lão gia? Em không thèm bận tâm nếu người ta ngồi lê đôi mách về em, nhưng nếu Lão gia cũng không khoan dung thì em sẵn sàng chết đi cho yên chuyện."
Trần Tả Thiên cau mày, "Ðược rồi, được rồi, tại sao nàng không chịu thay đổi gì cả? Nàng chỉ biết nói đến cái chết thôi, như thể nàng phải sống một cuộc đời khốn khổ lắm. Ta ghét cái chuyện tầm phào đó lắm rồi."
Tùng Liên bước lại, đặt hai tay lên vai lão. "Nếu Lão gia không thích thì em sẽ không nhắc đến nữa, thế thôi. Ai mà muốn nói đến những chuyện bất hạnh khi mà tất cả đều tốt đẹp?"
Trần Tả Thiên ôm lấy nàng và kéo nàng ngồi vào lòng lão. "Hôm đó nàng có đau lòng lắm không? Bữa đó ta đang bực mình; ta cũng không biết tại sao, nhưng ta cảm thấy bực bội cả ngày. Ta đoán một người không thể nào vui thích khi nghĩ mình đã tới tuổi năm mươi."
- Chuyện gì xảy ra ngày hôm ấy? Em đã quên tất cả rồi.
Trần Tả Thiên bắt đầu cười; lão ôm lấy eo nàng và nói, "Chuyện gì xảy ra ngày hôm ấy? Ta cũng không nhớ nữa."
Sau nhiều ngày không gặp, thân thể Trần Tả Thiên có vẻ lạ lùng đối với Tùng Liên, và người lão có mùi dầu bạc hà. Nàng đoán có lẽ lão sống mấy ngày gần đấy với Dục Như; Dục Như là người duy nhất thường dùng dầu bạc hà. Tùng Liên lấy một chai nước hoa trên bàn trang điểm, và cẩn thận sức lên người Trần Tả Thiên; rồi nàng cũng bôi một ít lên người nàng. Trần Tả Thiên hỏi:
- Nàng học cách này ở đâu vậy?
- Em không muốn Lão gia cũng có mùi như họ
Trần Tả Thiên đá vào chiếc mền và nói, "Nàng quá ích kỷ."
- Em không thể khư khư giữ Lão gia được, dù em muốn thế.
Rồi Tùng Liên hỏi, "Tại sao Phi Phố đi Vân Nam?"
- Nó nói nó phải đi lo về vụ buôn thuốc lá; ta để mặc nó làm theo ý thích.
Tùng Liên hỏi thêm, "Sao Phi Phố quá thân mật với Cố Thiếu gia?"
Trần Tả Thiên cười ha hả và nói, "Việc đó có gì lạ đâu; giữa đàn ông với nhau có nhiều chuyện nàng không thể hiểu được."
Tùng Liên lặng lẽ thở dài. Trong lúc nàng vuốt ve cái thân thể gầy trơ xương của Trần Tả Thiên, một ý tưởng bí mật hiện ra trong tâm trí nàng: Nàng tự hỏi không biết nàng sẽ cảm thấy thế nào nếu Phi Phố nằm đây, trên giường của nàng.
Là người có kinh nghiệm tình dục, Tùng Liên không bao giờ có thể quên được cái điều xảy ra ngay sau đó. Lưng của Trần Tả Thiên đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng cố gắng của lão hầu như vô ích. Nàng thấy rõ trong mắt lão có một vẻ rất sợ hãi và hoang mang. "Sao thế này?" Nàng nghe tiếng của lão trở nên rụt rè và yếu đuối. Những ngón tay của Tùng Liên vuốt ve khắp thân thể lão, từ trên xuống dưới như một dòng nước chảy mơn man, nhưng cái thân thể dưới bàn tay nàng dường như đã rã rời từng mảnh và hoàn toàn mềm nhũn; cái thân thể ấy mỗi lúc một xa cách nàng hơn. Nàng hiểu thân thể Trần Tả Thiên vừa trải qua một sự thay đổi thê thảm và nàng cảm thấy rất ngỡ ngàng. Nàng không biết nàng vui sướng hay buồn rầu; nàng không còn biết làm gì nữa. Nàng vuốt má Trần Tả Thiên và nói:
- Lão gia mệt quá rồi; thôi ngủ đi một lúc đã.
Trần Tả Thiên lắc đầu và nói, "Không, không, ta không tin thế."
- Vậy thì... mình phải làm gì?
Trần Tả Thiên ngập ngừng một lát rồi nói, "Có một cách thực hành được, nhưng ta không biết nàng có chịu làm không."
- Chừng nào giúp cho Lão gia được sung sướng thì không có lý do gì mà em không làm.
Trần Tả Thiên nằm rúc vào Tùng Liên, miệng kề sát tai nàng và nói thì thầm. Thoạt đầu Tùng Liên không hiểu, nên lão phải nhắc lại một lần nữa. Lần này thì nàng hiểu; mặt nàng bừng đỏ vì xấu hổ, và nàng trả lời bằng một sự im lặng. Nàng nằm nghiêng một bên, nhìn vào góc phòng tối, rồi bỗng bật nói, "Như vậy em sẽ giống một con chó rồi!"
- Ta không ép nàng. Nếu nàng không muốn thì hãy quên đi.
Tùng Liên vẫn không nói gì; nàng chỉ nằm cuộn tròn như một con mèo. Một lát sau Trần Tả Thiên nghe thấy nàng khóc nức nở. Lão nói, "Nếu nàng không muốn thì nàng không phải làm thế, chỉ có thế thôi, nàng không phải khóc nữa." Lão không ngờ tiếng nức nở của Tùng Liên mỗi lúc một to hơn; nàng ôm mặt và mặc sức khóc.
Trần Tả Thiên nằm nghe một lúc rồi nói, "Nếu nàng còn khóc nữa thì ta đi đây."
Tùng Liên vẫn tiếp tục khóc.
Trần Tả Thiên hất mền ra, nhảy xuống giường, vừa mặc quần áo vừa nói, "Ta chưa hề thấy một người đàn bà nào như nàng. Ðã là một con điếm mà nàng vẫn còn muốn dựng một tấm bia trinh tiết để ca ngợi nàng."
Trần Tả Thiên giận dữ bỏ đi. Tùng Liên ngồi trên giường nhìn vào đêm tối, và khóc một lúc thật lâu. Nàng trông thấy ánh trăng chiếu trên sàn nhà qua khe màn cửa, một vệt ánh trăng lạnh lẽo, rất trắng và rất buồn tẻ. Nàng nghe thấy tiếng khóc không ngừng của nàng vọng lại trong tai; nhưng bên ngoài, khu hoa viên im lặng như cõi chết. Ðến đó nàng nhớ lại lời nói của Trần Tả Thiên trước khi lão bỏ đi; nàng run rẩy khắp người, giận dữ đấm nắm tay xuống giường và hét lên, "Ai là con điếm? Tụi bay mới là những con điếm!"