Ông Hương về nhà khoa tay nói với vợ: - Việc gì tôi đã tính làm là phải thành. Cũng như những lần khác, hễ thấy ông về nhà là chiếc ghè tương bà nổi cặn nổi cáu lên. - Bộ đò bà Mầm chìm rồi sao ông về đó? - Bà sao cứ hoài vậy. Tôi đi lo việc làng việc xóm chớ phải đi chơi đâu. Ông hương biết bà Hương cũng như Giảo Kim ra trận. Hễ ông đỡ nổi ba búa đầu, tới búa thứ ba thì nhẹ re cho nên ông cứ cười trừ mặc cho bà đay nghiến. Ăn cơm xong, ông lên nhà cầu ngồi rồi lấy giọng nghiêm chỉnh để phản công: - Bà lại đây tôi nói chuyện cho bà nghe. Bà Hương còn hậm hực nhưng thấy đức lang quân đấu dịu thì cũng hơi nguôi. Bà nói: - Nếu không nhờ thầy Tư thì tôi đã bỏ cái nhà này mà đi lâu rồi! - Thầy Tư ếm mấy con yêu đó là một chuyện nhưng nếu không có thầy nầy (ông hương vỗ ngực) thì không xong... vụ con Tám đâu. Ông Hương ngưng ngang để ngầm hỏi bà xem sắp nhỏ có đứa nào ở nhà không? Bà Hương bảo: - Tụi nó đi xóm, đi giã gạo vần công hết rồi. - Còn thằng Sáu? - Nó ở luôn dưới chòi Năm Mẹo, coi ấp trứng vịt chớ đâu có về nhà. - Thằng đó làm lộ cơ mưu, hỏng hết! - Mưu gì mà dữ vậy? - Việc nhỏ mưu nhỏ, việc lớn mưu lớn, không có việc gì vô mưu mà thành được nghe bà! Ông Hương chậm rãi kể lại chuyện xử vụ thằng Đặng hồi sáng và kết luận: - Mấy ông bàn hội tề phục tôi sát đất! Không ai dè tôi phán xét như Khổng Minh vậy. –Rồi tiếp – Qua việc thằng Đặng đánh tụi con nít chợ, tôi rất mừng. - Đánh lộn, đánh lạo, du côn du kề như vậy mà mừng. Ông Hương cười hề hề: - Đàn bà tóc dài mà trí đoản. Bà biết một mà không biết hai. Một thằng con trai có tính khí kiên cường như vậy thì lớn lên mới có gan giữ gìn tài sản cho mình chớ. Nếu nó hèn nhát thì bị người ta lấn lướt giật hết của, chỉ đứng khoóc thì còn nhờ cậy gì. Bà Hương thấm ý nhưng làm bộ gạt phắc: - Nó đã là rể chưa mà chắc ba bó một giạ? - Việc gì cũng phải từ từ chớ. Giục tất bất đạt mà bà. Để tôi nói bà nghe. Tôi sẽ cho má nó lãnh bấn công- tin cho trường. Bây giờ có 50 học trò ở xa nhà. Chúng không có chỗ ăn cơm trưa. Tôi sẽ thay mặt bàn hội tề đến xin ông Hội Đồng một số tiền phúc thiện mỗi tháng. - Biết ổng có cho không mà xin? - Ổng là người có học, có nhơn có đức. Đặc biệt ổng rất thương học trò. Bà không nghe chuyện của ổng vứa rồi sao? - Chuyện ổng cưới vợ bé thứ mười trẻ măng đó bà? - Chuyện đó là chuyện tất nhiên rồi. Vua có cả ngàn cung nữ, ba bốn chục thứ phi, thì hội Đồng có bằng ấy vợ, lạ gì. Nếu không vậy ai ham làm vua, làm Hội Đồng, Cai Tổng mần chi? Nhưng không phải ổng thì ngày ngày tối tối lo cho mấy bà vợ bé mà thôi, Ổng còn làm việc xã hội nữa chớ. Nhìn người không nên chỉ nhìn một phía của họ mà phải nhìn khắp mặt mới đúng. Vừa rồi ổng chở một ghe chài lúa lên Saigòn bán. Bận về ổng đi xe hơi. Đi ngang Mỹ Tho ổng thấy một trường cũ ọp ẹp, ổng bèn cho cả số bạc bán lúa để cất trường mới. Chuyện đó ổng có nói với ai đâu. Cho tiền cất một ngồi trường ổng còn dám cho huống chi tiền ăn trưa cho mấy chục học trò. Bà Hương sốt ruột: - Rồi sao nữa, nói mau đi, cứ vòng vo Tam Quốc. - Thì sẽ cho má thằng Đặng nấu cơm trưa cho học trò. Cả hai việc đều tiện lợi và như vậy thằng Đặng sẽ không phải gánh cháo lúc khuya để bị tụi con nít chợ chận đường chọc phá. - Rồi ăn thua gì đến việc gả con Tám cho nó? - Ông hương chẫm rãi tiếp: - Cất nhà trước nhất phải lo cái nền. Nền vững nhà không đổ. Mình không thể gả con cho thằng ở đợ của mình. Do đó tôi cho cậu Năm nó đem về gầy dựng cho nó có chút ít của cải và mất cái tiếng ở đợ đó. Bà thấy chưa? À, bây giờ nói tới việc suôi gia. Tôi không thể ngồi ngang với con mẹ bán cháo chợ. Do đó tôi sẽ đưa bà ta lên. - Bà Hương háy một cái trời sập: - Đưa lên đâu? - Nữa! Bà cứ giữ cái tật ghen bóng ghen gió đó hoài. Tôi cũng biết ăn coi nồi ngồi coi hướng chớ đâu phải đụng gì cũng ăn, đụng đâu ngồi đó. Tôi chơi bời nhưng không mang tiếng xấu cho bà. Tôi cho má thằng Đặng nấu cơm rồi tìm cho bả một căn phố, dần dà bả sẽ bán cháo ngay trước cửa nhà. Bà Hương đứng dậy ngoe ngoải bỏ đi. Ông hương kéo lại: - Lại đổ cái ghè ra nữa rồi. Bà Hương trợn mắt: - Bán cháo để ông mua hả? Ông Hương cười: - Thằng cha Chánh Lục Bộ mới chết vợ. Tôi sẽ cắp đôi cho nó. Coi bộ xứng lắm. Thằng chả chỉ sồn sồn, con mẻ thì cứng cạy, bên đường bên đậu hùn nhau nấu chè, bà hiểu không? - Coi chừng ông mai tốt số đó chớ. - Không phải đâu bà. Chừng vài năm, con mẹ bán cháo lòng sẽ trở thành bà Chánh Lục Bộ. Chừng đó mình làm suôi. Hai nhà đâu có chênh lệch bao nhiêu. Mình khỏi mang tiếng gả con cho thằng con trai của con mẹ bán cháo lòng, bà hiều chưa? Bà Hương không ngờ chồng cao kiến như vậy nên ngồi làm thinh. Ông hường được trớn tiếp: - Con gái mình có chỗ kém khuyết, mình không thể bắt chước cái cặp “kém môi mép và thiếu chân đứng” được nên mình phải đi lối khác. Nếu không tính sớm để con gái mình vừa quá lứa vừa mặt rổ sẽ ở vá suốt đời. Việc thứ nhất là cho thằng Đặng nghỉ việc để nó về nhà tránh tiếng ở đợ cho mình, mình đã làm xong rồi. Việc thứ hai là thay lớp bán cháo cho má nó. Việc này hơi khó. - Tại sao vậy? - Thì thằng Cha Chánh Lục Bộ nhát đàn bà, cho nên trong bàn hội tề chỉ có mình chả là một ông một bà thôi, còn ngoài ra đều một ông hai ba bà hết. - Như vậy ông tốt chớ sao! - Tôi nói thiệt bà cỡ như má thằng Đặng tôi búng tay cái “chóc” là được liền, nhưng tôi thấy không có tiện. Chơi bời ở đâu cũng được, nhưng trong xóm mình phải đàng hoàng vì ngày nào cũng thấy mặt nhau. Ông Hương tiếp: - Cái khó thứ hai là con mẹ thằng Đặng hiện đang có nhân ngãi, không biết nó có chịu rứt ra để làm bà Bộ hay không. Trước nhất tôi phải bảo nó nhận nấu cơm công- tin cho học trò cái đã. Miễn giữ con mẻ ở chợ thường xuyên thì tôi sẽ tạo cơ hội cho thằng chả tới tò vè.. Đàn bà thì ham chồng quyền thế. Vừa có việc làm ăn tiện lợi lại có chồng hương chức, không tốt hơn buôn bán vất vã và cặp với thằng dân quèn hay sao? Cho nên tôi chắc sớm muộn gì hai bên cũng xáp nhau. Bà Hương suy nghĩ một hồi rồi nói: - Nhưng việc khó nhất là gả con Tám cho thằng Đặng. - Khó làm sao? - Nó tuy nghèo nhưng không tật nguyền. Chỉ cần bộ quần áo mới tròng vô là nó trở thành một đứa phải thế rồi. Còn con mình mặt rổ chằn như vậy không che dấu được. Con trai có đứa nào lại chịu cưới vợ xấu xí? Ông Hương gạt phắt: - Nói như bà thì mấy người mặt rổ ế chồng hết sao? - Không phải ế, nhưng khó lấy chồng hơn người khác. - Bà đề tôi lo. Cứ tiến hành như nó đã chịu cưới con Tám. Nếu có trở ngại thì tôi sẽ tìm kế. Bà Hương lại hỏi tiếp: - Còn vụ thằng Sáu, ông tính sao? Phải cưới vợ cho nó trước rồi gả con Tám chớ. Em mà có gia đình trước anh coi sao được? Hay là điềm đã ứng ở buồng cau trổ ngược? - Được chớ sao không được...ta? Bỗng đâu có tiếng dội từ trong buồng. Cậu Sáu sùng sững đi ra, múa tay: - Ba cứ gả con Tám con Chín con Mười cho thằng Đặng đi. Xong rồi ba hãy cưới vợ cho con. Ông hương quát: - Mày điên hả Sáu? - Con không điên đâu ba. Cái buồng cau trổ ngược đó là điềm báo trước thằng Đặng chăn trâu trở thành bá hộ. Ba không gả em con cho nó thì nó cưới người khác. Các em con sẽ lỡ thời ở vá hết cho coi. Nói xong cậu Sáu hươi tay múa chân: Bậu lỡ thời như cá cắn câu Cá cắn câu người ta còn bắt Bậu lỡ thời như hạt mưa sa Hạt nưa sa người ta còn hứng Bậu lỡ thời như trứng gà che Trứng gà che người ta còn bán Bậu lỡ thời như ván đóng đinh... Ông hương quát, cắt ngang bài vè ứng khẩu của cậu Sáu. Cậu Sáu bỏ đi thẳng. Bà Hương lắc đầu: - Nó càng ngày càng khùng tới. - Tại bà không chịu cưới con Láng cho nó chớ sao! - Tôi nghe vụ con ông Cả cũng không đi tới đâu mà. Ông Hương nói luôn: - Tôi có hỏi ổng ở trong nhà làng thì ổng nói đã tìm xong nơi chốn cho nó, nhưng nó lại không chịu. Nó khăng khăng đòi cưới con Láng. Cho nên sắp đám cưới lại vác của đi trả cho người ta. - Vậy tôi tưởng đã xong rồi chớ! - Xong gì mà xong. Con Láng còn trơ trơ đó. Bà Hương nói: - Lúc này thằng Sáu mình ăn dầm nằm dề dưới chòi vịt của Năm Mẹo. Một bữa tôi dỗ ngọt nó, nó khai cho tôi nghe hết. - Nó khai làm sao? - Nó nói nếu nó đồng ý gả em gái cho thằng Đặng thì Năm Mẹo sẽ nói gia đình con Láng giùm cho. - Bà liệu Năm Mẹo nói được không? - Ai đoán nổi! Biết con Láng có chịu con mình không? - Tại bà, nên có cái “ngấn” cũ đó rồi bây giờ muốn xóa đi cũng khó. Bà Hương thở dài: - Cái thằng in là quỷ nhập. Nó ăn nói có khi như thánh, có khi như ma quỷ. Đó ông thấy hồi nãy không? Có lần tôi hỏi nó ở đâu mà nó những câu vè đó? Nó bảo... đêm nào nó ngủ cũng thấy một ông già râu bạc tới dạy nó. - Tầm bậy! Ông già nào mà dạy! - Hôm tôi mời ông thầy Tư tới ếm, nó lẻn ra sau vườn đốn quách cây cau có buồng trổ ngược. - Tôi biết mà. - Nó bắt con gà mái gáy ăn thịt luôn. - Con gà thầy Tư bảo là “gà bà” đó hả? Hì hì...tôi bảo là không có ma quỷ gì hết. Cau trổ buồng ngược, gà mái gáy như vậy cũng là chuyện thường thôi. Bà cứ giãy đông đổng lên cho là điều gỡ rồi đi mời thầy tới làm om sòm rạ.. Bây giờ trong xóm ai ai cũng đồn rằng nhà mình có quỷ hiện hình. –Ông Hương vụt đứng dậy bảo –Đâu để tôi xem mấy gốc cau! Rồi ông đi ra sau vườn. Cây cau có buồng trổ ngược bị đốn ngã vắt ngang ao cá nuôi vẫn còn nắm đó, đầu gục xuống nước. Tàu lá phập phều đã thối ra. - Kêu tụi nó lôi cây cau lên. - Thầy Tư bảo không được động tới. Đó là xác con yêu chớ không phải cây cau đâu! –Bà trỏ gốc cau –Ông thấy máu quanh gốc cau không? Ông hương nhìn bùa chú cắm dọc mé mương, cái rách nát cái gãy cụp, chữ đỏ trên giấy vàng nhòe nhoẹt. Ông không tin có ma quỉ nhưng ông cũng không dám phá bỏ bùa phép của thầy Tư. Ông nhìn suốt hàng cau dọc mé mương. Mỗi gốc như một con người mang trên ngực một lá bùa vàng chữ đỏ. Bà Hương giải thích: - Thầy Tư bảo nếu không trấn ếm, hàng cau này đều trổ buồng ngược và đại họa sẽ đến nhà mình. Ông Hương không nén giận được nữa. Ông bước tới đưa tay giật lia lịa vò nát ném xuống mương: - Đại họa gì, đồ thằng thầy điên. Từ rày bà không được rước thằng chả tới nữa. Bà Hương không ngăn kịp hành động chớp nhoáng của chồng, đành đứng ngó.