Xoan đặt tay ông lên ngực mình, từ từ kéo ông ngả xuống lùm cây. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm thấy mình không phải là mình nữa. Ông bất lực hoàn toàn. Ông run rẩy, vô cảm cho đến khi cái tát của Xoan làm ông choàng tỉnh:
- Thật hèn kém!
Câu nói cộc cằn rin rít ấy giúp ông nhìn mọi vật thực hơn. Ông thấy đôi vú trắng nõn thở dồn dập. Ông thấy mảng tối mờ mờ dưới bụng Xoan cuồn cuộn chuyển động. Ông bật khóc. Và Xoan, thật kinh ngạc, cũng bật khóc.
- Em đành phải cho thiên hạ cái quý nhất của làng.
Cô nói và mặc quần áo. Cho đến giờ phút này ông không ân hận chút nào về sự bất lực ấy. Vì ông nghĩ mình không xứng đáng, đúng hơn là không đủ can đảm, lương tâm để nắm giữ cái bí mật quý giá của người con gái đẹp nhất làng mình. Chẳng biết kẻ nào đã được diễm phúc chiếm đoạt điều ấy? Đấy là hạnh phúc hay bất hạnh? Ông không lý giải nổi. Ông chỉ lưu giữ cho mình cảm giác mềm mềm, âm ấm mà ở Xoan cũng như chị Cải đều có. Thế là quá đủ. Tất nhiên đôi lúc ông cũng thoáng tiếc rẻ, ấy là khi ông nghĩ lại giấc mơ và liên hệ với buổi tối đó. Ông trải qua hai đời vợ nhưng chưa người nào đủ khả năng để xóa đi hình ảnh của Xoan khỏi tâm trí ông. Thực tình khi ôm họ, ông chỉ nghĩ đến Xoan, nghĩ đến cái khoảnh khắc kỳ diệu bên hồ, cũng chính khoảnh khắc đó đã đẩy ông vào tình trạng bất lực thực sự trước bất cứ người đàn bà nào. Mỗi khi tiếp xúc da thịt với vợ, ông cố gắng loại trừ khoảnh khắc đó nhưng không được. Ông luôn thất bại. Có thể đấy là lý do khiến ông không được làm bố…
Hu hu tu tu…
Con tàu kêu lên mơ hồ. Gã đánh xe vẫn ngồi im lìm với sự bí ẩn sẵn có. Hai thanh niên thi nhau nhả khói. Hình như họ chỉ biết có thuốc lá và mùi hôi. Ông thấy ngứa cổ họng, theo quán tính, tay lại mân mê chiếc thìa nhôm trong túi.
-… Anh ngủ với em là người đàn bà đầu tiên phải không?
Cái đêm ở ghềnh đá, cạnh thằng Tĩnh, người vợ ấy đã hỏi ông, hỏi rất nhẹ, vẻ thương cảm. Ông không trả lời, lê đến mép vực ngồi nhìn xuống dòng nước lừ lừ, loáng rợn. Thời gian chồng chất lên cơ thể ông những thất bại cay đắng về chuyện đó. Ông lại nghĩ đến Xoan. Ngay cả khi lão Hạng chỉ cho ông cái cô gái điếm gầy ngẳng, ông cũng nghĩ đến cô. Đêm nghe thằng Tĩnh thở khò khè, ông vùng dậy lang thang dọc sông Cầu, nhìn lơ vơ các lùm cây như hy vọng tìm thấy điều gì quen thuộc. Mọi cái đều trốn chạy ông, chính xác hơn là chúng chơi trò ú tim. Chúng trôi lênh đênh giữa chặng đường ông đi và bất lực tựa hồ một sinh vật nhỏ nhoi, tuyệt vọng giữa dòng nước, đang cố gắng níu với những mảnh ván để rồi lại lùi xa, lại đến gần. “Cuộc đời là cái chập chờn!”. Câu nói bâng quơ của người vợ thứ hai trong đêm ngủ với nhau lần cuối còn in đậm trong trí óc ông. Ông biết mình chẳng có một uy lực nào đối với những sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra quanh mình. Cuộc đời kiếm tìm lại dòng dõi, rốt cuộc trở nên nỗi cay đắng không chối bỏ được đối với ông. Bác Lung chết, chị Cải chết, Xoan lang thang phiêu dạt không biết đâu mà lần, rồi lão Biền, lão Hạng. Tất cả đều đã bỏ ra đi mà biết đâu giờ này họ đang tụ tập nhau ở chỗ nào đó để nhắc nhớ về thời đã qua của mình, không loại trừ khả năng họ lại nhắc đến ông cũng nên. Cái chết của mẹ ông là điều hiển nhiên, ông quan niệm như thế, bởi vì người mẹ nào rồi cũng chết đi, và người mẹ nào cũng sinh ra. Trên thế gian này chỉ có một bà mẹ, bà sinh ra ngàn lần, chết đi ngàn lần và chỉ có một đám tang duy nhất mà thôi. Còn những kẻ khác? Những kẻ mà cái chết của họ là sự vô tăm tích vĩnh viễn. Bởi vì họ chưa từng sinh ra, nếu có, họ cũng mang đi những di sản cuối cùng đó. Phải chăng họ là kẻ ích kỷ? Cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt đến. Bao nhiêu ngàn năm nay con người cứ khao khát thanh thản, khao khao khát tự do, bình đẳng, khao khát cả nỗi cô đơn tịnh mịch nữa. Những điều đó đều nằm trong cơ thể của cái chết. Cũng phải đến lúc cả ông, cả hai thanh niên này, chưa biết chừng, cả kẻ ngồi trên con tàu kia nữa, cũng phải chết. Biết đâu, lại may mắn chết cùng một lúc cũng nên. Ông luôn tin vào giới hạn, tin chắc chắn như mặt trời sẽ phải tắt, mặt trăng phải lên. Tất cả đều có hạn định, trừ gã đánh xe này. Thật kinh khủng khi nghĩ rằng gã không bao giờ chết. Gã không già đi, cũng chẳng trẻ ra. Vậy thì sự tồn tại của gã còn gây ra nỗi nhức nhối cho những kẻ sống. Cũng như trường hợp anh chàng Quang ở làng ông trước kia. Cái chết của anh ta không phải là chết. Anh ta biến mất nhưng vẫn hiện diện thường xuyên. Sự hiện diện ấy được lưu giữa bằng cảm giác sợ hãi của những người đang sống. Cái anh chàng Quang kỳ lạ ấy không biết bây giờ còn gọi tên mình giữa đồng cỏ dưới chân núi nữa không? Lâu quá rồi…
*
… Mùa xuân của một năm cách đây khá lâu, có hai thanh niên vào làng. Họ là thợ mộc rong. Hai thanh niên đi theo mép sông, vai khoác đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh. Người thứ nhất cao to, lưỡng quyền dô ra, đôi lông mày đen thẫm như hai chiếc lá tre cháy. Anh ta hiền lành, ít nói, dang đi vụng về, thô kệch. Đấy là Quang. Người thứ hai hơi thấp, không có gì đặc biệt ngoài cái tật đi cà nhắc. Không ai biết quê quán của họ ở đâu. Vào làng, Quang và Kiền được gia đình ông Mộc đón ngay về đóng chiếc sập gỗ. Nhà ông Mộc vào loại khá giả trong làng, ở ngay cạnh miếu của dì Lãm. Ông ta mắc bệnh tê thấp, suốt ngày ở lì trong nhà với bộ mặt cau có. Vợ ông vốn là gái làng Phan, nổi tiếng về chăm chỉ, khỏe mạnh. Bà ta sinh cho ông một cô con gái duy nhất rồi tịt hẳn, chẳng đẻ đái gì được nữa. Cô gái đó là Xoan.
Quang và Kiền làm hùng hục suốt buổi, chẳng để ý gì đến xung quanh. Họ làm khỏe, ăn cũng khỏe. Riêng Quang, đặc biệt có những nét trổ thần diệu, tinh tế. Quang chạm lên mép sập nhà ông Mộc một đôi hạc, ai vào xem cũng trầm trồ thán phục. Đôi hạc chụm mỏ vào nhau, đuổi vểnh lên, những chiếc lông dài mượt xếp gọn ghẽ tạo lên đường nét thanh tú của thân hình. Ở cổ mỗi con hạc có đeo một chiếc đầu lâu. Ông Mộc không đồng ý, bắt Quang phải sửa lại thành hai quả chuông nhưng Quang không nghe.
- Nó phải thế, nếu hai bác không đồng ý thì cháu sẽ xóa hết…
Ông Mộc tiếc đôi hạc, không nỡ phá nên đành chịu. Vả lại ông biết tính Quang gàn dở, đồng bóng, khó có thể thuyết phục ngay được. Mỗi lần ngắm đôi hạc, ông Mộc lại nhói lòng vì hai chiếc đầu lâu. Chúng đối diện nhau như đang rì rầm trò chuyện. Xong chiếc sập, hai người thợ mộc được bà Hoán đón sang đóng cánh cửa. Con gái trong làng rất thích Quang, nhiều cô rủ rê, đánh tiếng ra mặt, nhưng anh ta cứ tảng lờ. Quang ít làm quen với xung quanh như Kiền. Anh ta mải mê làm từ sáng đến tối, mặt lúc nào cũng bóng rợn như bôi mỡ. Kiền bảo với mọi người rằng đấy là Quang xuất thần về nghệ thuật. Đến đầu mùa hạ, hễ ăn cơm chiều xong Quang lại tắm táp sạch sẽ, vận độc chiếc quần đùi lững thững ra bãi cỏ chơi. Bãi cỏ ấy rộng thoáng, mượt như nhung. Vào lúc trăng lên sương tạo cho cỏ hàng ngàn hạt ngọc sáng lóng lánh. Được mấy hôm, mọi người thấy Quang gầy rộc đi, mặt sáng như người bị sốt. Kiền tò mò lén đi theo Quang, anh ta thấy Quang ngồi trên cỏ cho đến lúc nửa đêm thì có một người con gái đi đến. Cô gái này trắng mở như khói, chẳng nhìn rõ mặt mũi gì cả. Gió mùa hè từ núi ùa xuống mát rượi, mùi hoa phong lan phẳng phất thơm xen với mùi cỏ ngào ngạt.
Quang ôm ghì lấy bóng người con gái kia, miệng rên rỉ như sắp chết. Kiền thấy những vì sao đột nhiên rùng mình theo từng cơn co giật của Quang và cô gái. Một vì sao mé tây chao đảo, phình to ra rồi lao vút xuống. Kiền nghe thấy tiếng Quang reo rất to:
- Lại một nhóc ra đời!
Sau đó anh ta nghe thấy có tiếng trẻ con khóc u ơ ở đâu đó dưới lòng bãi cỏ. Cô gái từ từ gỡ Quang ra và bỏ đi vào đám sương đang bốc lên mù mịt cuối đồng cỏ. Kiền lỉnh về một lúc thì thấy Quang về, mặt bơ phờ nhẹ nhõm. Đêm nào Kiền cũng bám theo Quang và chứng kiến những cảnh kỳ lạ như thế. Những vì sao cứ to dần rồi bục ra. Bầu trời trên làng vợi hẳn sao. Kiền tìm cách lừa cho Quang ở nhà, vội vã mò ra đồng cỏ. Anh ta ngồi đấy một lúc thì cô gái kia đến. Kiền thấy cô không mặc quần áo, liền sấn lại ôm. Cô gái chẳng chống cự, cũng chẳng đồng ý. Cô cứ hờ hững để Kiền muốn làm gì thì làm. Khi Kiền vật cô gái xuống bãi cỏ, anh ta chợt hét lên một tiếng, vùng dậy bỏ chạy bạt mạng về làng. Cô gái biến mất, thay vào đó là một con rắn vừa lột da mềm nhũn. Kiền ốm liệt giường, miệng ú ớ gọi tên con vật kỳ quái nào đó. Ba hôm sau dân làng không thấy Quang đâu nữa. Họ đổ xô đi tìm nhưng chẳng phát hiện ra dấu vết gì. Ngày thứ tư, bà Mịch ra bãi tha ma dãy cỏ cho mộ bố chồng thì nghe tiếng người yếu ớt vọng lên từ một đám cỏ bên cạnh. Đám cỏ ấy úa vàng, cứ run run giãy giụa:
- Tôi là Quang. Tôi là Quang đây. Lại một nhóc nữa ra đời…
Bà Mịch hoảng hồn chạy bổ về, mặt cắt không ra máu. Đám cỏ ấy không ai dám đến gần, những đêm vắng từ đấy vọng lên tiếng gọi yếu ớt và có bóng một người con gái trắng mờ mờ quanh quẩn bên cạnh. Còn ông Mộc, một đêm đang nằm trên sập bỗng nghe tiếng trẻ con trò chuyện. Vốn người bạo gan, ông nằm im lắng nghe. Đấy là hai chiếc đầu lâu ở cổ hai con hạc rì rầm trao đổi với nhau. Chúng nói bằng âm thanh lành lạnh:
- Mưa đen đi!
- Vàng được không?
- Hì, cũng có thể!
Hai bố con lão Liêm thất thểu bước lên thềm, cụ Trường khom người, vươn ra đằng trước, trông như ngọn tre bị vít cong. Gió chiu chiu thổi qua nóc nhà. Bên bờ sông Linh Nham bầy đom đóm bay xanh lét một vùng.
- Mày làm gì nhà con Lanh phỏng?
Thấy Hải, lão Liêm hỏi đốp luôn, tai vẫn dỏng lên nghe tiếng ồn ào vọng đến. Hải từ tốn lắc đầu, hắn cẩn thận buông màn sẵn, sau đó trèo lên đỉnh đồi. Lão Liêm lọ mọ chạy theo sau, giọng hào hển:
- Bố sẽ kể cho mày nghe, bây giờ chẳng cần giấu giếm nữa!
Tới đỉnh đồi, hai bố con dựa lưng vào ngôi mộ. Gió rít càng ngày càng nhiều, rồi tự dưng trời lắc rắc mưa phùn. Hải nhìn xuống dòng Linh Nham, đầu rỗng tuếch.
- Bố kể cái gì thì kể đi.
Hải giục. Lão Liêm è è trong cổ, đột nhiên lão trở tính nổi xung lên vô cớ:
- Kể cái thằng cha mày. Hừm… chưa đến lúc, mà cái mã mày, chẳng bao giờ tao tin được.
Hải nhếch mép cười gằn. Thoắt thế này, thoắt thế nọ, nghe tức anh ách.
- Đây là đầu con Nghê. Tự dưng lão Liêm lên tiếng cắt đứt luồng suy nghĩ của Hải: - Mày hình dung ra chưa? Chưa à, cố gắng lần nữa nhé. Đấy, bắt đầu từ ngọn đồi to nhất, bên Vũ Nhai ấy, thế, nối vào ngọn kia, ngọn kia nữa, vòng ra đằng này. Thế là thành cái thân rồi đấy nhá. Hải gật đầu xác nhận, bản thân hắn cũng hơi ngạc nhiên, thú vị. Còn ngọn cao nhất ở Đồng Bẩm kia là cái đít con Nghê. Mày cứ chiếu nốt mấy ngọn cao ở chỗ Cổ Rùa sang tận Linh Sơn, thế là được bốn chân. Hừm… rõ chửa. Chỗ mình đang đứng đây là cái đầu. Phần quan trọng nhất.
- Được rồi. Hải hơi sốt ruột, hắn cắt lời bố: - Vậy nó có nghĩa lý gì?
- Ngu như bò thiến. Đéo mẹ sư mày, bằng này tuổi rồi mà còn hỏi một câu ngu hết sức. Cái gì cũng có ý nghĩa của nó cả. Hiểu chưa… Thôi, cút, tao thấy hôm nay chỉ cho mày thế là đủ. Phải dần dần, con ạ. Lạnh quá đi mất.
Hai bố con Lão Liêm mỗi người đánh bốn bát cháo tú hụ rồi đi ngủ. Đang nằm, cụ Trường mò dậy hỏi con dâu:
- Còn cháo không, hử?
Bà liêm lắc đầu, tay vẫn khuắng mấy cái bát trong chậu. Cụ Trường uất nghẹn cổ:
- Một lũ phàm ăn!
Mắt cụ rơm rớm.
Tờ mờ sáng. Lão Liêm dậy. Lão nhìn quanh quất rồi lủi vào chỗ cột nhà to nhất, thận trọng lấy tay gạt lớp tro bụi bám quanh chân cột. Sau đó lão dùng con dao nhỏ vạch bốn đường vữa của viên gạch, nậy nó ra. Lão hồi hộp thò tay, lần ngược lên chiếc cột rỗng, khua khoắng, lôi ra một ống nhỏ sơn son thếp vàng. Lão xoáy nắp dốc ngược ống, một cuộn giấy tuột ra. Trong cuộn giấy đó có vẽ hình con Nghê ba mắt, xung quanh được chú giải bằng những ký hiệu khó hiểu vô cùng.
- Còn một lần này nữa.
Lão thầm thì, cất chiếc ống trở lại chỗ cũ. Xóa sạch dấu vết xong, lão yên tâm khoác thêm chiếc áo bông, lách cửa ra ngoài. Trước lúc sang nhà Bào mù, lão tò mò đảo qua chiếc ao. Mắt lão hoa lên. Giữa ao, con cá trê nằm ngửa bụng, lập lờ lập lờ. Nó đã chết. Trông nó như cục máu đọng.
*
Bào mù khua gậy khẳng định:
- Em chưa nghe thấy, bác ạ. À, suýt nữa quên mất, cái người lạ ấy ngày càng lảng vảng đến gần làng đấy nhá.
Lão Liêm giật mình, mồ hôi túa ra như tắm:
- Ai?
- Cái người lạ mà em đã nói với bác đấy thôi. Bao giờ đón cô Loan về nhỉ?
Lão Liêm túm ngực Bào mù, lắc mạnh:
- Người nào? Cậu nói với tôi bao giờ?
Bào mù đớ người, líu cả lưỡi:
- Chết chửa, thế bác chưa biết gì à? Em cứ tưởng mình đã nói rồi.
- Nhanh gọn lên, con khỉ!
- Chả là thế này, từ lâu rồi, em nghe tiếng chân lạ cứ lảng vảng ở thung lũng Cắc gần làng ta. Rồi hôm con thú ấy ra sông, tiếng chân ấy cũng xuất hiện. Nghe tiếng, em biết người này chắc bốn mươi, bốn nhăm gì đó. Ông ta chờ sao chổi… Mà bao giờ cô Loan mới về làng nhỉ?
Lão Liêm trợn tròn mắt, cổ nghẹn lại:
- Con khỉ, việc gì đến cậu. Nói tiếp đi, thằng cha ấy định tìm gì?
- Cũng như bác thôi. Bào mù lấp lửng: - Nhưng em biết, gan bàn chân của người đó hăm lắm. Bác cứ yên tâm… Này, kể ra cô Loan nhà ta là rất khó lấy chồng đấy nhá. Bác tính cho kỹ càng…
Lão Liêm không còn tâm trí nào để nghe Bào mù lải nhải nữa. Thế là điều ấy đã đến. Hóa ra lâu nay lão đã sơ hở mất cảnh giác quá mức. “Ở thung lũng Cắc. Ở thung lũng Cắc”. Lão nhẩm đi nhẩm lại, mắt vụt tối sầm. Lão lao vụt về nhà, xốc con trai dậy:
- Hải, ai dạy võ chúng mày hả?
Lão rít lên hung dữ. Hải ú ớ, hắn chẳng biết trả lời ra sao cả. Ông Trình dặn là không cho ai biết.
- Ai dạy, hử?
- Bọn con tự học!
Hải nói bừa. Lão Liêm điên cuồng lắc đầu:
- Đừng giấu tao, có một thằng cha trạc bốn mươi bốn nhăm dạy chúng mày, có đúng không?
- Sao bố biết?
Hải sửng sốt hỏi lại.
- Không lôi thôi nữa. Lão ta có hỏi gì mày không? Có hỏi gì không?
Lão gầm váng nhà. Hải lắc đầu, hắn cảm thấy có cái gì đó không bình thường trong chuyện này. Gặng mãi con không trả lời, lão Liêm bất lực lê ra ghế, ôm đầu rên rỉ:
- Mày giết cả nhà rồi! Chốc nữa bình tĩnh, tao sẽ nói chuyện với mày sau. Thằng ăn hại!
Cái tin Quý cụt đâm thủng ruột vợ vì đánh ghen với Hải càng làm lão Liêm điên đầu. Nghe mấy người nói lại rằng Lanh được cấp cứu ở trạm xá thị trấn, và Quý cụt nhắn sẽ quyết sống chết với bố con lão một phen.
Bà Liêm mếu máo ôm ghì lấy Hải, hắn ghếch mặt lên trời, nói rõ to:
- Cứ để nó về đây!
Cụ Trường quanh quẩn bên giường, chốc chốc lại nhìn nồi cháo rỗng không từ đêm qua rồi nhìn hai bố con lão Liêm căm ra mặt.
Giữa khoảng cách xảy ra chuyện của dòng họ, ông mắc phải một chuyện rắc rối. Dạo ông sắp hết cấp và chuẩn bị nhập ngũ. Ông yêu. Cô học cùng lớp và cùng làng với ông. Đấy là Xoan. Cái tên ấy lạc lõng giữa một lô xích xông những cái tên quê mùa kệch cỡm ở làng và thị trấn. Xoan có đôi lông mày chạy dài đến thái dương, hai cánh mũi mỏng. Lúc nào Xoan cũng như cười, gò má trong suốt, cặp môi đỏ phớt, hơi trễ xuống. Chẳng biết từ bao giờ ông đã thấy quý cô. Rồi ông cảm giác mình không thể sống thiếu Loan được. Xoan là cô gái duy nhất trong làng không bị đám con trai thị trấn coi khinh, trái lại cô còn coi đám con trai thị trấn như một lũ rách rưới, bẩn thỉu. Xoan khinh cả ông nữa. Mặc dù vậy ông vẫn yêu Xoan, ông không rời mắt khỏi cô. Tất nhiên chưa bao giờ ông dám nhìn Xoan trực diện. Khi yêu, người ta trở nên lưu manh và gian giảo. Đấy là kết luận duy nhất trong cuộc đời ông về tình yêu. Ông trở thành kẻ mò mẫm, chui lủi, luôn luôn ở trạng thái sợ bị bắt quả tang. Bao lần ông nằm mơ thấy Xoan. Ông thấy mình cầm tay Xoan đi lên núi và hai đứa nhìn nhau mỉm cười. Lần khác ông lại mơ mình lạc vào một thung lũng ngùn ngụt sương còn Xoan đang buồn bã đọc sách trên một tảng đá xám lạnh. Lần khác nữa, mà giấc mơ này khiến ông xấu hổ mỗi khi nhớ lại, mặc dù nó gợi lên một khoái cảm kỳ lạ lần đầu trong cơ thể trưởng thành của người con trai. Ông mơ thấy mình và Xoan trần truồng ôm nhau lăn lộn giữa bãi cỏ dưới chân núi. Lúc đó hoàng hôn rừng rực cháy và tất cả đều đỏ rực. Ông vuốt ve bắp đùi Xoan, vuốt ve cặp môi, bầu vú. Tất cả người ông và Xoan đều nhuộm đỏ, đều quằn quại. Xoan ngửa mặt, mắt lờ đờ nửa dại nửa điên và cô rùng mình tru lên, chân tay quấn chặt ông như những con trăn lửa. Giấc mơ bị phá vỡ nửa chừng khi ông giật mạnh khỏi Xoan và ngã từ giường xuống. Ông bàng hoàng mấy hôm liền, sức học sút xuống nhanh chóng. Ngày ngày, ông vẫn chứng kiến cảnh Xoan mím môi ngồi góc trong cùng. Tóc Xoan đen óng, thấp thoáng ánh xanh của cây xấu hổ hắt từ cửa sổ vào. Lũ con trai thị trấn bâu quanh Xoan, chúng thi nhau nịnh nọt cô nhưng hầu như Xoan không để ý. Xoan như người luôn luôn phải bận tâm về điều gì đó xa xăm. Bọn con trai thị trấn nhờ ông giới thiệu, chúng ăn nói sỗ sàng, tục tĩu. Ông đỏ mặt cố nén cơn ghen cứ chực trào lên.
- Ngủ được với nó một đêm, chết cũng sướng!
- Tao chưa thấy con nào đẹp như con này!
- Tại sao ở cái làng quái đản như bọn mày lại sinh ra một con bé kháu đến thế nhỉ?
- Hay nó là ma?
Câu hỏi đó dội vào ông, và như một sức bật dồn nén từ ngàn đời, ông vùng dậy đấm vào giữa mặt thằng vừa đưa ra câu nói gở mồm đó. Chúng nói gì cũng được nhưng không có quyền nói đến ma quỷ khi nhắc đến Xoan. Bởi vì trong tâm hồn ông, ông vẫn mang máng điều gì tương tự như vậy, nhưng bao giờ ông cũng tìm cách gạt bỏ nó càng nhanh càng tốt. Kẻ nào khơi lửa kẻ đó sẽ chết vì lửa. Cả bọn xúm vào nện ông một trận nhừ tử rồi bỏ đi. Chúng coi ông như thằng tâm thần. Mặc xác, ông vẫn âm thầm bảo vệ Xoan trong bất cứ trường hợp nào. Thi thoảng Xoan có rủ ông cùng về làng. Những lần ấy ông thực sự cảm thấy hạnh phúc và cuộc đời ông cảm thấy sáng sủa hơn. Hết cấp ba, Xoan không thi đại học, cô bỏ đi theo cánh lái xe của xí nghiệp đá. Chẳng ai biết Xoan quen bọn họ khi nào. Ông còn nhớ lần ấy Xoan rủ ông đi dạo quanh thị trấn. Hai đứa thơ thẩn, im lìm đi tới khuya. Chốc chốc Xoan lại ngửa mặt nhìn trăng rồi thở dài. Ông lén nhìn khuôn mặt hình trứng được viền ánh trăng sáng trắng của Xoan, lòng run lên. Tới cái hồ cạnh trường, Xoan ngồi xuống lặng lẽ cầm tay ông:
- Mình sẽ cho bạn một bí mật duy nhất!
Những câu đối thoại vô nghĩa. Suốt đêm ấy cho đến các đêm hôm sau, ông Mộc không ngủ được. Rồi ông hóa điên cởi quần áo vắt lên vai đi khắp làng. Có điều lạ là hễ đêm trăng, ông Mộc lại mò ra bãi cỏ, dương vật cương lên sáng mờ mờ như có ánh lân tinh.
Trong khi đó, Xoan con gái ông lại càng ngày càng đẹp ra, đẹp nhất làng và ít nói nhất làng…
Tất nhiên mọi sự đều có nguyên nhân của nó. Có thể rồi sau này ông Mộc cũng sẽ biến mất như Quang, mặc dù cho đến giờ phút này chẳng ai biết ông ta đi đâu. Phải chăng nguyên nhân đó thúc đẩy Xoan bỏ đi với tâm trạng chán nản, hiu hắt? Người đàn ông duy nhất chết đi không về dưới gốc cây si của làng là ông Mộc. Và Xoan nữa, chẳng biết Xoan có còn tồn tại trên mặt đất này không. Câu hỏi nghi ngờ ấy sẽ được giải đáp nếu như số phận của Xoan, của cái người con gái tinh khiết nhất trong đời ông, không trùng lặp với số phận bố mình.
*
Bỏ Tiến quắt, theo Bằng đen được một dạo, Loan lại quan hệ với Trung vẩu và sống biệt ở chỗ hắn. Trung vẩu làm nghề kẻ biển thuê, có cửa hàng ngay đầu cầu Gia Bẩy. Gọi là cửa hàng, nhưng cũng là nhà ở luôn. Căn nhà nằm ngay mặt đường, dựa lưng vào bờ rào của viện bảo tàng thành phố. Tính Trung vẩu chậm chạp nhưng rất cẩn thận. Trung vốn là bộ đội giải ngũ, ngày trước hắn ở tận Phú Bình, ra quân liền thuê cửa hàng để làm nghề. Giờ thì hắn đủ tiền mua đứt của hàng đó, nghiễm nhiên biến nó thành căn hộ xinh xắn, gọn gàng. Trung mê Loan từ dạo ở trường sư phạm, nhưng cô chê hắn nhếch nhác, xấu trai. Mà hắn xấu thật. Mặt như quả đu đủ ngược, chân tay lòng khà lòng khòng, đã thế răng lại vổ cả hàm trông rất hãm tài. Đấy là cái mã ngoài, thực ra bên trong, khi ở với hắn, Loan mới biết đây là thằng cha nhiều tài vặt. Có thể nói cái gì hắn cũng bắt chước được, không những thế, còn bắt chước nhanh và chính xác vô cùng. Cửa hàng của Trung vẩu khá đông khách, người đến đặt kẻ biển suốt ngày, làm tối mắt tối mũi không hết. Chả bù cho mấy tay họa sĩ qua trường lớp hẳn hoi mà cứ ế xưng ế xỉa ra, tay nọ nhìn tay kia ngáp vặt cả ngày. Tiền Trung vẩu cũng rủng rẻng, hắn sắm cho Loan đủ loại quần áo, còn bản thân mình thì quanh năm chỉ đánh bộ quần áo lính cũ rích, lem nhem màu. Trung vẩu khá nhiều bạn bè đến chơi, đủ các loại, sang trọng cũng có, trình độ bằng cấp cũng có, có cả loại du côn thất học nữa. Khách đến chơi, Trung giấu biệt Loan sau riđô cấm cho ra. Nhiều lúc bức bối, cô cự lại, hắn chỉ trả lời một câu gọn lỏn:
- Chả tin được thằng nào cả!
Loan ức nhưng đành chịu. Vả lại cô đang ở thời kỳ mệt mỏi, cũng chẳng muốn đi chơi hoặc giao tiếp với ai. Ăn xong, cô nằm đọc sách, Loan chỉ đọc chuyện tình báo và chuyện vui, cấm bao giờ mó đến loại văn học. Đêm đến, hai người rủ nhau đi xem hoặc la cà ở các quán cà phê cho đến khuya. Loan không đi cũng bị Trung vẩu lôi dậy đẩy đi bằng được. Người Loan ập ạch, cô thấy nhạt miệng và thèm của chua. Có những lúc cổ họng ngứa, muốn nôn. Loan hoảng lên, cô biết mình có chửa. Ngày trước, cô viết thư, đùa Tiến quắt mà giờ thì hóa thật. Chính Loan cũng chẳng biết đấy là kết quả của ai. Bằng đen hay Trung vẩu? Mặc kệ! Loan tặc lưỡi, cô nhất quyết phá nó đi. Khi biết Loan có chửa. Trung vẩu hồ hởi ra mặt, sau ngồi ngẫm nghĩ một lúc hắn bỗng sinh nghi:
- Được bao lâu rồi em?
Hắn đặt tay lên chiếc bụng hơi cưng cứng của Loan hỏi.
- Ai mà biết được!
- Mẹ khỉ!
Trung lăn khỏi giường, bật điện, kẻ nốt tấm biển quảng cáo cửa hàng bán thịt chó. Hai hôm sau Trung mệt mỏi bảo Loan:
- Em nói thật cho anh biết.
Loan cáu, gắt um lên vậy mà hắn cứ gặng đi gặng lại. Hai người cãi nhau kịch liệt. Trung vẩu hồng hộc, cởi phắt chiếc áo ném đánh bộp một cái lên thành giường:
- Con đĩ, bố mày sẽ đem mày trả cho thằng đen kia.
Nhắc đến Bằng đen Loan rúm người lại. Trung là người cứu vớt cô ra khỏi tên đàn ông gàn dở, điên loạn đó. Bằng đen giầu có, nhà lão buôn vàng và xe máy. Khi đưa Loan về ở, lão giấu vợ giấu con để cô ở căn nhà trọ lão vừa mua định cải tạo thành nhà nghỉ cho thuê. Bằng đen nham hiểm, lạnh lùng, hơn năm mươi mà hừng hực như trai mười tám mười chín. Xểnh vợ ra là lão lại chuồn đến chỗ Loan. Lão kiệt sỉ chẳng mua sắm cho cô thứ gì ngoài chiếc ô đi mưa, chiếc ô đó lại do một người đem đến tặng. Ngẫm lại, Loan vẫn thấy rùng mình. Ở với Bằng đen có hơn một tuần người cô rộc đi, mắt thâm quầng vì mất ngủ. Vợ Bằng đen đã già lại gầy đét như con mắm cho nên bao nhiêu sức lực lão đều tìm đến Loan mà trút. Mấy lần Loan định trốn đi nhưng không được, bởi vì chẳng có chỗ nào để cô trú cả. May sao cô gặp được Trung vẩu.
- Tao sẽ đem trả cho thằng già ấy!
Trung gào lên, vứt hết đồ đạc quần áo của Loan ra ngoài đường. Loan không xin xỏ, cô cắn răng xếp lại các thứ rồi thất thểu rời khi Gia Bẩy. Loan vào khu Đồng Quang, thuê nhà trọ ở. Nửa đêm cô định quay trở lại với Tiến thì có ba thanh niên đến gõ cửa.
- Ai đấy?
Loan thảng thốt hỏi vọng ra.
- Bảo vệ phố đây!
Khi Loan mở cửa, một tên chồm đến bịt mồm cô lại. Thỏa thê xong, ba tên thanh niên bảo Loan:
- Đi với bọn anh chứ cô em! Làm ăn lẻ là không xong đâu đấy nhá.
Loan dửng dưng nhìn bọn chúng rồi gật đầu.
Thế là có thêm một cô gái ngồi chờ khách ở công viên.
Loan được ra ở quán cà phê của bà Cẩm. Quán này nằm trong cái ngõ con của Đầm đục, sát chân đồi Côi Kê. Ban ngày Loan bưng cà phê, nếu khách có nhu cầu thì vào buồng trong. Ban đêm cô ra công viên đi lại quanh quẩn các ghế đá với bộ quần áo diêm dúa. Mùa đông, công viên lạnh hơn các chỗ khác vì nằm cạnh sông Cầu.
Nhiều lúc ngồi chờ khách, nhìn ra mặt sông mờ sương, lòng Loan chạnh buồn, cô thấy nhớ dòng Linh Nham ở làng mình. Cô run rẩy thu hai tay vào ngực cho đỡ rét, đôi mắt ươn ướt khẽ chớp nhẹ. Loan biết mình không bao giờ giầu có và được làm theo ý muốn cả. Bao lần cô định về nhà nhưng cái bụng mỗi ngày một lớn của cô lại không cho phép. Loan cố gắng hình dung khuôn mặt những người thân trong gia đình, rồi khi họ hiện lên cô lại cáu bẳn xua đuổi những khuôn mặt đó bằng cách châm thuốc hút. Thuốc lá làm cô tỉnh táo lạ thường.
Bà Cẩm ục ịch như con lợn sề. Lưng bà ta chẳng khác gì tấm phản, tính đồng bóng. Ở nhà bà chỗ nào cũng thấy ban thờ, hương khói chẳng bao giờ ngớt. Có lần Loan đánh bạo hỏi, bà lừ mắt trả lời:
- Cầu gì à? Cầu cho mày chứ cho ai.
- Cháu cần gì!
Loan cãi lại. Bà Cẩm vả nhẹ vào má cô, giọng ẽo ợt, tương phản hẳn với thân hình:
- Con này, chẳng biết đếch gì. Mày tưởng chỉ đem cái thân mày ra là người ta đến đấy? Gớm chửa, không có bà mày đây cầu các Ngài đưa khách đến thì đừng có mà hòng, con nhá!
Bà nói xong, ụt ịt cười, đôi má chảy sệ xuống run rẩy như bánh đúc lỏng.
*
Cụ Chẩn biết mình sắp đi, chân tay đang lạnh dần. Cụ nằm liệt hàng tháng trời, con cháu phải phục vụ suốt ngày, hết đem cháo lại đổ bô, rồi sắc thuốc. Ấy vậy mà lòng cụ chẳng mấy thanh thản. Cụ luôn cáu gắt, hạch sách đủ điều. Nhiều lúc vô cớ cụ hất cả bát cháo vào bà con dâu đang bón từng thìa cho mình. Con người ta là thế, hồi trẻ vạm vỡ, sức vóc bao nhiêu thì về già, khi lâm bệnh lại càng yếu ớt, quắt queo bấy nhiêu. Ngày trước cụ Chẩn khỏe như vâm cho nên nhà ai cũng muốn thuê cụ làm. Cả đời cụ đi đào ao thuê, sống vất vưởng nay đây mai đó, cơm gà cá gỡ thả cửa. Khi lấy vợ cụ cũng chẳng thay đổi mấy, bỏ vợ bỏ con đấy mà đi hàng tháng mang tiền về cho vợ. Nhà cụ đông con, có bẩy đứa tất cả, lại toàn đực rựa. Cưới vợ cho đứa thứ tư xong thì vợ cụ chết. Cụ phải cắn răng làm nuôi con, rồi chúng cũng lần lượt lấy vợ, ra ở riêng hết. Giờ cụ Chẩn sống với vợ chồng con út. Nếu không vướng chuyện đứa con dâu hay chì chiết mình, có lẽ cuộc sống tuổi già của cụ cũng chẳng đến nỗi nào. Khốn cái cụ suốt ngày bị con dâu nhiếc móc là đồ ăn tàn phá hại. Bà con dâu này thoạt nhìn đã thấy khó chịu. Mắt thì lác xệch lác xoạc, chân tay lại như cái vồ đập đất, đi cứ huỳnh huỵch, rung cả xóm. Cụ Chẩn chỉ có thể nói chuyện được với đứa cháu của mình là thằng Phán. Phán ăn nói nhẹ nhàng, lại có học thức, anh ta vừa tốt nghiệp đại học y, đang chờ xin việc.
- Ông thấy mày là người có đức, cháu ạ! Cố mà giữ lấy điều đó. Con mẹ mày thì chẳng nói làm gì, nó hệt như con hổ cái thọt. Loại ấy chết cũng không nhắm mắt được!