Hồi thứ sáu
Trên tiên lại có thần

Qua Hương Liên thất bại trong cuộc thi chân, như lộn đầu rơi xuống tận đáy vực. Bất kể việc gì cũng vậy, thường khi nào rơi xuống tận đáy bấy giờ mới hiểu rõ ra. Ở tít bên trên thường mù mờ, mụ mẫm, ở quãng giữa cũng dế hồ đồ, ở nhà họ Đồng này chân không đẹp là đi tong. Gia đình ấy như một bàn cờ, chân nhỏ là quân cờ, sai một nước là thế cờ của cả bàn lập tức biến đổi.
Bạch Kim Bảo dữ dằn hẳn lên. Cái vẻ khách sáo đối xử với Hương Liên hồi cô mới về làm dâu, bây giờ không còn một chút gì nữa, dường như cô ta phải nén giận đến tám chục năm, lúc này mới trút hết cả ra. Thỉnh thoảng cô ta lại chửi mèo mắng chó, cả những câu xóc xỉa cũng tung ra, Hương Liên đâu dám bắt lời! Lúc đầu cô không hiểu vì sao Bạch Kim Bảo khách khí với mình, bây giờ cô cũng chẳng rõ vì sao cô ta nổi giận với mình đến thế. Bạch Kim Bảo thấy cô không bắt lời lại càng tức điên lên. Chẳng biết cô ta kiếm ở đâu một đôi giày to dài tám tấc, tục gọi là "giầy thuyền" đem bày trước cửa buồng Hương Liên để bêu xấu cô. Hương Liên tức đến ứa nước mắt nhưng không dám động đến cô ta. Người khác cũng chẳng ai dám động đến.
Nàng dâu thứ tư ở góa là Đổng Thu Dung cũng có chút biến đổi về địa vị trong gia đình cô. Trước đây Bạch Kim Bảo luôn ghen tức với cô, mặt hằm hằm với cô nhưng sau buổi thi chân lại tươi cười với cô; hễ có bà con bè bạn đến chơi là kéo Thu Dung sang chuyện trò tiếp khách, chẳng thèm đếm xỉa gì tới Hương Liên nũa. Thu Dung được chiều mà hóa sợ, trước vốn đã sợ Bạch Kim Bảo, bây giờ có muốn thân mật cũng chưa kịp chuyển đổi thái độ nên càng ngại gặp mặt Bạch Kim Bảo hơn.
Đồng Thiệu Hoa rạng rỡ mặt mày. Khi nào ở mãi ngoài cửa hiệu phát ngán muốn về nhà, hắn lại chưng lá cờ "mợ Hai", nói mợ Hai tìm hắn, thế là phưỡn bụng ra về. Đống Nhẫn An cũng không hay biết. Nhưng sau chính mợ Hai lại xua hắn, hễ hắn mò về là mợ lại đuổi đi. Xưa nay Đồng Thiệu Hoa quen cưỡi cổ Bạch Kim Bảo, mặc sức giở trò, đận này Bạch Kim Bảo chỉ coi hắn như chó con. Chẳng ai rõ vì sao mợ Hai đột nhiên lại dữ dằn với cậu Hai như thế. Riêng Qua Hương Liên biết. Sớm tối cô thấy năm lần bảy lượt Đồng Nhẫn An lẻn vào phòng Bạch Kim Bảo, nhưng bây giờ cô tránh vạ còn khó, hơi đâu đi gây vạ làm gì? Vả lại người trong nhà cứ vây lấy Bạch Kim Bảo, có biết cũng giữ kín trong bụng, ai chịu nói ra? Trong số a hoàn, chỉ Đào Nhi đối xử tốt với Hương Liên vì cô vốn được chỉ định hầu hạ mợ Cả; nhưng bây giờ hễ cô bước chân vào buồng Hương Liên là Bạch Kim Bảo lại gọi Đào Nhi đi làm việc cho cô ta, khó có dịp hai chân kịp bước cả vào buồng Hương Liên. Một hôm giữa trưa, thừa dịp Bạch Kim Bảo ngủ trưa, Đào Nhi lẻn vào buồng Hương Liên mách khẽ với cô, từ ngày mợ Hai không cho cậu Hai làm chủ, cậu Hai bỏ ra ngoài làm bậy; trước đây cậu vào một cái ổ ở phố bán quần áo cũ chơi, về nhà im thin thít sợ lộ chuyện; bây giờ cậu Hai chẳng sợ gì nữa, suốt ngày chơi bời ở làng hoa xóm liễu; lúc nào nhịn không nổi, cậu đến cả hồ Lạc Mã nếm thử của tanh tao, bọn chị em ở đấy đều là gái quê to khỏe như vâm, tính tiền theo giờ. Cái đồng hồ nước ngoài quay nửa vòng là bốn chục tiền đồng; đến giờ mụ tú bà lắc chuông, chưa xong cũng phải móc tiền ném ra ngoài trả cái đã. Đào Nhi kể, như vậy là tiền trong két mặc tình cho cậu Hai tiêu xài. Đám Kiều Lục Kiều bám lấy cậu ta, đeo dính cậu ta mời ăn, mời uống, mời xem, mời chơi rồi lại mời ăn, mời uống, mời xem, mời chơi lượt nữa.
Cụ ông hẳn biết rồi!
- Xưa nay cụ chủ có để hết tâm trí vào cửa hiệu đâu, mợ chẳng biết gì cả!
Hương Liên biết, có điều không rõ mình biết được nửa non hay nửa già.
Ở cái nhà này, nhìn tới nhìn lui chỉ có u Phan là không có gì thay đổi. Mụ ta ở trong gian phòng xép góc phía Đông Bắc sát cạnh buồng ngủ của Đồng Nhẫn An. Thường ngày mụ ở lì trong phòng, thỉnh thoảng mới thấy đem phơi những mẫu giầy, những kẹp vải ra nắng hay mở cửa gọi mèo. Con mèo mụ nuôi cũng giống chủ, lông ngắn, bóng lộn, đen quyền, cực hung, y như hổ đói. Ban ngày nằm ngủ trong buồng, suốt đêm nó lên nhà trên đánh nhau với lũ mèo hoang từ đâu lọt vào, kêu như quỷ khóc sói gào, có lúc làm rơi loảng xoảng cả gạch ngói trên mái xuống. Đào Nhi kể, cả nhà này không ai rời được mụ, tất cả các kiểu giầy đều do mụ nghĩ ra. Hôm thi chân, đôi chân của Bạch Kim Bảo phải nhờ mụ trang điểm giùm. Có thể nói, trong thiên hạ không ai có được những kiểu giầy như mụ.
- Mợ Cả ạ, mươi hôm nửa tháng, bà ấy cũng vào các buồng nhìn ngó, đôi giầy nào không đẹp, bà ấy mang đi sửa lại. Nhưng bà không vào buồng mợ. Mợ không thấy trước hôm thi chân, bà ấy ngày nào cũng đến buồng mợ Hai à? Chính bà ấy làm mợ thất bại hôm thi chân đấy! Không biết vì sao bà ta cứ theo mợ Hai mà ghét bỏ mợ.
Hương Liên không đáp mặc dù trong lòng cô có điều muốn nói. Cô là người tinh tế nên đã nhận thấy từ sau buổi thi chân, u Phan không đến phòng Bạch Kim Bảo nữa.
Biến đổi dữ dội nhất phải kể anh chồng dở hơi của Hương Liên. Cô không hể ngờ anh chàng dở hơi cũng coi trọng chân bó đến thế. Trước chỉ dở hơi, đến lúc này hóa điên thật. Người điên càng không có chuẩn mực, khi lên cơn hắn gây sự với Hương Liên, có lúc lấy giây buộc màn trói hai chân cô lại đe sẽ đem bán đi để mua chim chơi. Đó là lúc vui vẻ, còn khi nổi xung lên, hắn cầm dùi đâm vào chân cô, máu thấm ướt cả vải bó chân. Hương Liên đã có mang, Đào Nhi và mấy a hoàn dỗ ngọt cậu Cả rằng trong bụng mợ có em bé của cậu, em bé có đôi chân nhỏ ăn đứt thiên hạ, cậu phải đối xử với mợ thật tử tế để mợ sinh cho cậu đôi chân nhỏ. Nói thế mà được việc, cậu Cả nghe xong lập tức thay đổi hẳn, ngày nào cũng nâng chân Hương Liên đưa lên hôn, hôn mãi. Một hôm đi đâu về còn mua cho Hương Liên cả một gói mứt táo khiến cô tủi thân khóc hoài. Nhưng mấy hôm sau, hai thằng ranh mất dạy chặn cậu Cả giữa phố trêu chọc:
- Nghe nói cụ nhà cưới cho cậu cô vợ chân to, lại sắp đẻ cho cậu đứa con gái chân to nữa đấy nhỉ!
Cậu Cả trợn mắt lên, vớ con dao làm bếp đẩy cửa vào phòng, đòi mổ bụng Hương Liên xem đôi chân nhỏ. Hắn gân cổ gào lên:
- Ông già nói dối tao, tao không tin đứa nào, mổ ra coi!
Vài ngày nay, Hương Liên lòng như tro lạnh. Chẳng biết ai đem câu chuyện thi chân ra kể lại cho bà cô nghe. Bà nghe xong uất lên ngất đi. Được tin, Hương Liên bổ về nhà, bà lấy hết hơi tàn bảo cô.
- Bà chẳng hiểu làm sao lại hủy hoại chân cháu được, cháu ơi!
Thế là bà cụ chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, mang theo nỗi hối hận làm người thiên cổ. Hương Liên không còn đường lui, lại thấy gã dở người cũng không để cho cô sống, liền chẳng sợ gì nửa, xé toạc áo phanh ra hai bên để lộ cái bụng trắng tròn như trống, trợn mắt bảo cậu Cả:
- Mổ đi! Tôi ngán sống lắm rồi, muốn sao cũng chiều!
Ngờ đâu con dao vất đánh "xoẻng" trên đất, cậu Cả dở dại lại rập đầu trước Hương Liên. Đầu cậu đập xuống gạch xanh cứ chan chát, hơn chục cái liền ngất đi, trán và mũi đều tóe máu. Khi tỉnh lại, cậu không làm ồn, cũng chẳng nới, cứ khóc ngớ ngẩn, bỏ cả cơm, rồi nước cũng chẳng uống một giọt. Không cách nào đổ thuốc được cho cậu, thế là cậu đi tong. Con người to lớn đang sống là vậy mà chết đi thật dễ như bỡn.
Câu "Bạch mã phạm vào thanh ngưu, Gà Khỉ chẳng được bạch đầu" đã ứng nghiệm. Hương Liên lấy chồng chưa đầy năm đã ở góa. Nhờ có chí nên lòng cô chưa chết, cô chỉ mong đẻ được đứa con trai. Bên nhà Bạch Kim Bảo và Đổng Thu Dung toàn con gái, Đổng Thu Dung một đứa, Bạch Kim Bảo hai đứa. Nghe nói mợ Ba ở miền Nam là Nhĩ Nhã Quyên cũng sinh con gái nốt. Hương Liên phải đẻ con trai để nối giõi cho nhà họ Đồng, để cuộc đời cô dễ thở hơn lên. Nào ngờ ý muốn thì mạnh nhưng số không mạnh, con cô cũng là con gái. Bây giờ muốn sửa, sửa không xong; muốn thêm, thêm không nổi! Đẻ được ít lâu đứa bé lên sởi khắp người. Lòng cô lạnh giá như băng, đầu chẳng chải, chân chẳng bó, con chết thì chết, con chết xong đến cô chết. Nhưng đứa bé máu thịt của cô khắp người mẩn đỏ, ngứa khóc cả ngày cả đêm. Tiếng khóc làm cô không ngơ được, mỗi ngày một bận cô bế con lên đền thờ đức bà, thắp hương cầu khấn đức bà sởi đậu. Trước tượng đức bà còn có tượng ba ông râu dài bằng đất, gọi là "đức ông xoa gãi", chuyên gãi cho trẻ con lên sởi khỏi ngứa; lại có một con chó đen bằng đất, chuyên liếm nốt sởi, nốt đậu cho trẻ. Hương Liên thắp hương liền bảy ngày, bệnh sởi của con bé đỡ hẳn. Ai dám bảo đức bà không thiêng?
Một hôm u Phan bỗng vào phòng cô, nắm lấy chân con bé xem một hồi rồi ngạc nhiên kêu lên:
- Lại một đôi chân trời sinh hiếm hoi nữa đây?
Sau đó bà ta giương đôi mắt lồi phát khiếp nhìn dán vào Hương Liên bảo:
- Cụ ông bảo tôi đặt tên cho cháu. Thôi cứ gọi là Liên Tâm nhé!
Hương Liên nghe xong hai mắt ngây dại, lúc u Phan bước ra cũng chẳng nhìn. Đào Nhi bưng cơm vào cho cô. Từ ngày cậu Cả chết đi, Hương Liên gần như rơi xuống địa vị a hoàn, đến bữa cũng không dám ngồi chung bàn với bố chồng và các cậu các mợ. Đào Nhi hỏi cô:
- Có phải mợ Hai lại chửi đổng phải không? Mợ đừng để ý làm gì, mợ ấy có chửi, mợ bịt tai cho em, cũng chẳng mất gì.
Hương Liên cứ ngồi ngây bất động. Đào Nhi lại nói:
- Em thấy mợ Tư lòng dạ cũng tốt. Thịt xé trong bát mì nước này là mợ ấy gắp vào cho mợ đấy. Trước kia đôi chân mợ ấy đâu có kém chân mợ Hai! Không may một lần khêu chai chân bị mưng mủ, thịt thối ra, sau khỏi nhưng chân gầy tọp đi. Cái hôm thi chân, em khuyên mợ ấy đệm thêm ít bông nhưng mợ ấy không chịu. Mợ ấy sợ mợ Hai biết sẽ chửi mợ ấy. Nhưng em thấy..., mà mợ đừng nói với ai đấy, ngón chân mợ Hai hôm ấy cũng đệm bông vì ngày thường ngón chân mợ ấy quặp xuống kia! Chẳng phải một mình em nhận ra đâu mà Châu Nhi, Hoa Nhi cũng nhận thấy hết, chỉ không dám nói ra mà thôi!
Đào Nhi muốn gợi cho Hương Liên nói chuyện, vả chuyện ấy cũng dễ khiến người ta thích nói, nhưng Hương Liên vẫn nín thinh, chẳng thèm để ý, thần sắc khác thường như người mất hồn vậy. Đào Nhi tưởng lúc này cô chưa gỡ được mối phiền nên bỏ đi, không quấy rối cô nửa. Hương Liên cứ ngồi ở mép giường cho đến tận nửa đêm, tay cầm bàn chân trắng bóc, thơm tho của con gái, miệng lẩm bẩm mãi câu nói của u Phan:
- Lại một đôi chân trời sinh hiếm hoi..., đôi chân trời sinh hiếm hoi..., đôi chân trời sinh hiếm hoi...!
Khoảng canh ba, Hương Liên đứng lên khóa cửa lại, mở gói thạch tín nhỏ bỏ vào bát, đổ nước cho tan rồi đặt ở đầu giường. Cô lên giường cởi chân ra lấy vải quấn chân mình với chân con lại với nhau, vừa khóc vừa nói:
- Con ơi! Mẹ có muốn giết con đâu! Vì đôi chân này mà đời mẹ tan nát, mẹ không muốn con cũng tan nát như mẹ. Cũng không phải mẹ ra đi nên bắt con cùng đi mà là mẹ đưa chân con, đi cùng với con. Nhớ nhé, con gái của mẹ! Con có xuống đến điện Diêm Vương cũng đừng oán trách mẹ nghe con!
Đứa bé đang ngủ. Nước mắt người mẹ rơi xuống má con như chính đứa bé khóc. Rồi Hương Liên quay phắt người lại, bưng lấy bát thuốc độc toan đổ cho con uống trước.
Bỗng cạch một cái, cửa sổ mở toang ra, trước khung cửa tối mò có một người đang đứng. Ánh đèn trong phòng soi tỏ một khuôn mặt đàn bà già, mặt nhăn nheo ngang dọc, đôi mắt thô lố nhìn xoáy vào cô trông đến sợ.
- Ma! - Hương Liên buột miệng kêu, bát thuốc độc rơi xuống đất.
Trong lúc hoảng hốt, cô tưởng hồn bà cô hiện về, rồi lại tưởng đó là hồn mẹ chồng cô chết từ lâu mà cô chưa hề biết mặt. Nhưng bên tai cô đã vang lên tiếng nói của mụ già, giọng khàn khàn, nghiêm nghị:
- Muốn chết mà còn sợ ma à? Nhìn lại xem là ai?
Hương Liên định thần nhìn lại, thì ra là u Phan. Mụ bảo:
- Mở cửa ra cho tôi vào nào!
Hương Liên thấy là mụ ta thì vững lòng, không cởi vải buộc chân ra, lại ngoảnh đi chỗ khác. U Phan trèo cửa sổ vào nhà đứng ở đầu giường, cười nhạt:
- Sống không biết sống, nhưng chết thì biết chết đấy!
Hương Liên vẫn còn quyết chết nên chẳng thèm để ý tới mụ. U Phan bước tới, cầm chân Hương Liên lên, lật qua lật lại, rồi nắn, rồi ấn, rồi xem xét, ngắm nghía mãi từ trái qua phải, từ trước ra sau, chẳng khác nào ngắm nghía một đồ vật tinh xảo. Hương Liên cứ để mặc, dường như bàn chân ấy không liền với người có. Lòng cô đã chết, chân còn sống được sao? U Phan tay cầm chân cô, mắt nhìn chỗ khác, thở phào một cái, nói:
- Con mắt ông ta tinh thật! Nếu ta có đôi chân này thì nhà họ Đồng lại chẳng phải nhà của ta sao?
Im lặng một lát, mụ quay lại bảo Hương Liên:
- Nếu mợ bằng lòng, mợ giao đôi chân này cho tôi, đảm bảo mợ sẽ đi đứng ngang nhiên trong nhà họ Đồng này!
Mấy câu này nói rất chắc chắn, từng chữ một như đinh đóng cột. Mụ chờ Hương Liên đáp lời. Lát sau không thấy cô lên tiếng, mụ lạnh lùng bảo:
- Đeo vòng vàng mà chịu nghèo túng, thôi làm hồn ma khiếp nhược cũng đáng kiếp rồi đấy!
Nói rồi quay lưng bỏ đi. Nhưng đôi chân nhỏ của mụ chưa bước ra khỏi ngưỡng cửa, tiếng Hương Liên đã vang lên sau lưng:
- Bà nói phải, tôi nghe theo bà.
U Phan quay lại. Từ ngày Hương Liến bước vào nhà họ Đồng, lần đầu tiên cô thấy u Phan cười. Quen nhìn vẻ mặt lạnh lùng, nay mụ chợt cười lại càng phát khiếp. Nhưng nụ cười ấy tắt ngay, Hương Liên thấy dễ chịu hơn là thấy mụ cười. U Phan hỏi:
- Ai bó cho mợ đôi chân này?
- Bà tôi!
- Bà cụ đã không phụ mợ! Mợ nghe kĩ đây. Đôi chân mợ bẩm sinh xương thịt mềm, trong thiên hạ không có đôi thứ hai. Bó được đủ cả nhọn, hẹp, phẳng, ngay, không hề sai sót. Bà cụ thật giỏi, không bó sai cho mợ, coi như đã tác thành cho mợ. Nhưng đáng trách là trách mợ không biết cách chăm sóc, chẳng khác nào một miếng thịt ngon chỉ biết bỏ muối vào luộc mà không biết sào rán hấp hầm, để cho mợ làm hỏng thật uống. Đôi chân cũng như một miếng ngọc, không bỏ công phu vào, có khác chi mảnh đá? Chỉ nói riêng buổi thi chân hôm ấy cái đôi giầy bướm cũng gọi được là giầy à? Nó là cái hộp rách đựng đồ điểm tâm, là cái giỏ đựng tương cà! Cái cần thì không có, chân đẹp xỏ vào nó có ra kiểu gì? Lại nói sao mợ không đi giầy đế cong? Nhà mợ Hai ấy, chân bốn tấc, đi giầy đế cong, chân cong theo, bốn tấc nhìn như ba tấc. Chân mợ vốn ba tấc thế mà để cho đôi giầy quê kệch ấy làm hỏng, nhìn còn to hơn cả chân mợ Hai, không oan sao được? Không đợi thất bại còn đợi gì nữa?
Một tia sáng xanh lóe lên trong mắt Hương Liên:
- Bà cho tôi biết, còn cứu chữa được không?
- Nếu không có cách, nói chuyện với mợ làm gì?
Hương Liên cởi giải vải buộc chân ra, thụp xuống đất, rập đầu ba lần trước u Phan:
- Xin bà chỉ dẫn cách thức cho tôi được vươn dậy!
Mắt Hương Liên tóe lửa. U Phan lạnh lùng bảo:
- Mợ đứng dậy đi! Mợ là chủ nhà, không nên quỳ trước kẻ ăn người ở. Mà tôi cũng chẳng phải vì mợ đâu! Mợ vì mợ, tôi vì tôi, nhưng cả hai đều phải dùng đến đôi chân của mợ, cho nên chằng ai phải cảm ơn ai cả.
Hương Liên hiểu được một nửa, còn nửa kia có không hiểu. U Phan chẳng kể cô có hiểu hay không, mở đánh "soạt" một cái hộp sơn đặt trên bàn. Chẳng biết cái hộp này để trên bàn tự lúc nào, ngoài sơn đen, trong sơn đỏ, góc gắn những con dơi bằng đồng. Trong hộp là một mảnh lụa hoa màu vàng. Lật mảnh lụa lên, u Phan lấy ra một đôi giầy nhỏ như bó hoa chùm gấm, nghệ thuật thêu có thể nói có một trên đời, lớp hoa này lồng trong lớp hoa khác, tinh xảo đến mức nhìn thoáng không thấy được. Chăm chú nhìn, nào là giây leo bìm sắn, chim cá đời xưa, thú chạy mây bay, nào là sóng biển, hoa văn chữ vạn vòng vèo, chỗ nào cũng sinh động, tinh vi ngay ngắn; cầm lên tay, hương lạ thơm sực nức chẳng khác nào hai đóa hoa. Đặt lên tay, đôi giầy dài rộng vừa bằng gan bàn tay, vừa nhẹ, vừa mềm, vừa xinh xẻo, cong cong như đôi móc như ý bằng vàng ròng; nhìn đến đế, đế làm bằng gỗ đàn hương tía.
- Mợ đi thử coi!
- Đôi này e chưa tới ba tấc, tôi đi vừa chăng?
- Không vừa mà tôi lại bảo mợ đi à?
Hương Liên cẩm gót giày, xỏ ngón chân vào dận xuống một cái, chỉ cảm thấy trơn láng, đế giầy lướt sát lòng bàn chân, đi vừa vặn ngay ngắn, không to không nhỏ. Ơ, giầy xem có vẻ bé hơn chân, làm sao lại vừa vặn đến thế? Cô ngẩn ra nhìn u Phan. Mụ bảo:
- Tôi đã bảo mà, chân ba tấc mà cong lên, nhìn se nhỏ hơn ba tấc. Đây là đế giầy kiểu cổ, dáng đẹp, cong cong như cầu, gọi đúng tên là đế cánh cũng. Đế này không như đế bằng gỗ liễu bán ngoài chợ hiện nay, cứ cong thế nào cũng được. Quy củ xưa là giầy ba tấc, đế gỗ chỉ dài hai tấc sáu, cong bảy phân. Mợ đo đôi chân của mợ mà xem nhiều nhất chỉ cong có ba phân, đâu có được? Thôi tốt rồi, bây giờ mợ lồng đôi bao gấu quần này ra ngoài xem thế nào.
U Phan mở hộp lấy ra đôi bao gấu quần. Đón lấy xem, Hương Liên thấy đường thêu công phu chừng ấy e không thể có ở nơi khác. U Phan bảo:
- Đều do Đào Nhi thêu đấy! Sau này cần gì mọ cử bảo con bé ấy.
Hương Liên ngạc nhiên không thốt nên lời, cúi Xuống lồng đôi bao gấu quần vào. Giầy mầu lục, bao quần màu phấn hồng, chỉ thêu toàn màu nhạt, tím nhạt, lam nhạt, vâng nhạt, gụ nhạt, xám nhạt, nâu nhạt, pha thêm chỉ bạc, vừa nhã vừa tươi, càng làm cho đôi chân xinh xắn, mềm mại, khéo léo đáng yêu. Cô không ngờ mình lại có đôi bàn chân nhỏ như thế. Cô nhìn u Phan, thầm nghĩ mụ ta ắt sẽ khen mình. Nhưng u Phan bảo:
- Mợ đứng dậy đi mấy bước xem! Nhớ kĩ, chân nhỏ có bốn điều kị. Ngồi kị đung đưa, nằm kị dựng thẳng, đứng kị nhón gót, đi kị cong ngón chân lên.
Hương Liên thử đứng dậy. Vừa đứng lên, cô thấy mình như đứng trên sào, đung đa đung đưa, chân như bám chắc lại như không. Cô vội thu ngón chân về người liền đổ về đằng trước, suýt nữa ngã sấp mặt; gót vừa nhúc nhích, người lại ngửa về phía sau, chỉ chút nữa là chỏng gọng. U Phan ấn cô ngồi xuống bảo cởi giầy ra, còn mình ngồi đối diện túm lấy mớ vải bó chân của Hương Liên vất hết đi, bảo:
- Mợ Cả ạ, gắng chịu tội nợ lần nữa để tôi bó lại chân cho mợ. Mợ đi giầy đế ít cong quen mất rồi do cách bó nên chân chưa đủ độ cong đấy thôi.
Nói xong, trong tay mụ đã có một cuộn dải vải màu xanh khổ hẹp, ngay ngắn. Chẳng kể có có bằng lòng hay không, chân cô như đã trở thành vật của mụ. Ngón cái mụ khều một cái, đầu cuộn vải đã được đặt lên chân cô, nhanh hơn cả con bọ nhảy. Mụ dặn:
- Mợ nhìn kĩ đây để lần sau cứ thế mà bó.
Hương Liên để ý nhìn, để ý ghi nhớ. U Phan dặt đầu cuộn vải vào cạnh trong bàn chân, qua mắt cá phía trong đưa lên kéo gập ngón chân cái về phía gan bàn chân, vòng ra sau gót thít chặt rồi qua cạnh ngoài bàn chân vòng xuống dưới buộc cứng bốn ngón quặp vào gan bàn chân. Rồi lại vòng qua cạnh ngoài bàn chân lên mu bàn chân, vòng qua cạnh ngoài lên gót chân, quành ra ngón chân, trở về gan bàn chân, qua ngón cái vòng lên mu chân, trở xuống bốn ngón dưới gan bàn chân, qua cạnh ngoài bàn chân lên mu vòng về gót, gập cong ngón chân hai lần trở về cạnh trong. Sau đó cứ cạnh trong ngón cái, mu chân, gan bàn chân, cạnh ngoài, mu chân, gót chân, ngón chán đủ ba lấn, trở về đến chỗ bắt đầu thi quấn vòng khác. Hương Liên nhận thấy cách bó này không khác mấy so với cách bó của bà cô, có điều nhanh tay hơn, vải bớ quành đi quành lại không hề gập mép, từng lượt từng lượt bó chặt cứng không hở, dùng sức đều, không có chỗ chặt chỗ lỏng. Nhưng vòng đến lần thứ tám thì cách bó bỗng thay đổi. U Phan dùng thêm cuộn vải bó chân khổ rộng và giải thích:
- Đây là vải bó chân, cách bó cũng là cách bó chặn mu bàn chân, chuyên trị thiếu sót bàn chân không đủ độ vòng cũng của mợ.
Vừa nói, bàn tay mụ đã cầm dải vải ngoắc lấy ngón chân cái, trở qua mu bàn chân, từ rìa ngoài vòng xuống dưới kéo lấy gót chân, chuyển lên trên vừa vặn bó lấy xương bàn chân, vòng phía trong quấn lấy mu bàn chân, quặt qua lại mấy lần, coi như ghim chặt được đầu dải vải. Tiếp đó từ gót chân chuyển lên cổ chân, chặn lấy nửa trước mu bàn chân, từ gót chân kéo căng gập đầu ngón chân cái rồi bọc kín lên mu bàn chân, như thế là chặn được một vòng. Cứ vừa bó vừa chặn, vừa chặn vừa bó, cho đến khi quấn hết cả dải vải dài hơn một trượng. Hương Liên cảm thấy mu bàn chân căng cứng, gan bàn chân như không còn gì, gót chân và bàn chân như bị người dùng hai tay bẻ cong về phía dưới, tựa hồ bị rút gân. Nhìn thì dễ coi, có đáng, có hình, trên cong trước lượn, xinh xắn đẹp đẽ nhưng khi xỏ vào đôi giầy vải xanh dùng khi bó chân cong vòng cũng mà u Phan đưa cho, Hương Liên cảm thấy rất khó chịu, bước đi như người đi cà kheo.
- Chịu được không? - U Phan hỏi, đôi mắt lồi nhìn chằm chằm vào cô, rõ ràng có ý cật vấn.
Hương Liên rạch ròi trả lời:
- Đã định sống ắt phải gắng chịu. Còn những gì nữa bà cứ bảo!
U Phan lạnh lùng liếc cô một cái rồi gật đầu, mở hộp lấy ra cái thước con bằng ngà vừa ba tấc, dùng đã lâu nên cũ kĩ vàng bóng, những chấm nhỏ trên thước đều khảm bằng bạc. Mụ đưa thước cho cô, bảo:
- Thước này chuyên dùng đo chân. Mợ Hai không dùng được, chân mợ ấy to hơn thước này.
U Phan bật cười hềnh hệch, tiếng cười như làn hơi giá buốt thấm vào xương cốt người ta.
- Tối nào mợ cũng lấy nước nóng rửa chân, rửa xong, bó như cách tôi bó vừa nãy. Nhớ kĩ, đôi chân đẹp thì khi đi ngủ cũng không được cởi vải bó. Bó xong lấy thước đo. Ở đây tôi còn có tờ ghi kích thước mẫu chân, mỗi một đốt xương bàn chân đều có kích thước, không được sai một li một lai, chỗ nào gồ lên thì phải ấn chỗ ấy xuống. Đây, cho mợ!
U Phan lại đưa cho Hương Liên một tờ biểu mẫu cũ nát in ván gỗ trên giấy Nguyên thư [1], toàn là chữ ghi kích thước cả.
Hương Liên cầm lấy xem. Kể như lần đầu tiên cô ngó qua khe cửa để nhìn kho kiến thức về chân nhỏ, nhưng chỉ mới nhìn cô đã hoa cả mắt.
Từ đêm ấy, đêm nào cũng vào lúc canh ba, u Phan đúng giờ đẩy cửa bước vào phòng giúp Hương Liên chỉnh lại bàn chân, dạy cho cô đủ loại quy củ, phép tắc cách néo buộc, cách kiêng khem, độ tinh xảo, kĩ năng và bí quyết; dạy cho cô các cách rửa chân, chữa chân, chăm chân, quý chân, pha thuốc và khều chai chân như thế nào. Dần dần mụ còn dạy cô tự làm lấy giầy cánh cũng, làm đủ loại đủ kiểu khung giầy, vót thẻ tre, đóng chốt kéo, lượn cửa giầy, khâu bao gấu quần. Tất cả những thứ đó, bất kể cách làm, phối màu, chọn nguyên liệu hay kích thước đều có quy củ nghiêm ngặt, không được sai, nếu không sẽ bị người trong nghề chê cười. Chưa biết, làm thế nào cũng xong; biết rồi, không thể không theo đúng quy củ. Quy củ này lồng trọng quy củ khác, hết lớp tỉ mỉ đến lớp chặt chẽ, nghiêm ngặt. Càng đi sâu càng say mê, càng hứng thú, càng học hỏi được nhiều điều. Dưới mức nó thì bị nó áp chế, cao hơn nó thì áp chế lại nó. Hương Liên quả thật không biết trong đầu óc u Phan còn bao nhiêu thử nữa, có lẽ cả đời học không hết. Được cái Hương Liên là cô gái biết để tâm để ý, hơn nữa còn biết tận tâm nên điều gì cũng học đến nơi đến chốn.
Tuy chân cô bẩm sinh mềm mại, xương chưa đến nỗi cứng đơ nhưng dù sao đã lớn, chân bó thành hình, không thể như nhựa, như đất sét trong tay thợ. Đôi bàn chân bó cong hình cánh cũng chạm xuống đất đã đau đớn như muốn đứt rời, chẳng khác nào phải chịu cực hình một lần nữa như năm xưa. Song cô đâu có sợ! Cực hình cũng phải chịu, đau thì cố nén, gắng nhịn, gắng bó, gắng dẵm, gắng đi, gắng khắc phục mình! Bạch Kim Bảo mắt tinh nhận thấy ngay liền chửi đổng:
- Đồ móng thối! Bó nát ra lại chẳng thối như chuột chết!
Hương Liên vờ như không nghe. Câu chửi ấy dù như lưỡi dao, cô cũng cố nuốt vào bụng. Cô chỉ nghĩ sẽ có ngày nhờ đôi chân nhỏ có một không hai trong thiên hạ, có sẽ dẵm cả nhà họ Đồng xuống dưới chân, chỉ không biết số cô có cho có trả mối hận đó hay không mà thôi. Cô chẳng suýt chết vì số phận đó hay sao?
Hôm ấy, cô bế Liên Tâm ra đón nắng ở hành lang. Đồng Nhẫn An đứng ở cửa buồng vặt lông mũi. Lão vặt mạnh, mặt nghiêng đi, từ xa lão đã liếc thấy đôi chân Hương Liên. Đồng Nhẫn An mắt tinh như thế nên lập tức nhận thấy đôi chân cô đã đổi khác rất nhiều, nhìn đã ra dáng lắm. Lão bước tới, bảo:
- Chiều nay, lên phòng ta! - Lão chỉ nói thế là đi ngay.
Từ khi Hương Liên về nhà họ Đồng, đây là lần đầu tiên cô lên phòng bố chồng, mà cũng ít thấy ai lên đó. Nhà một phòng giữa, hai gian đầu hồi, khắp phòng là sách, tranh và đồ cổ, có mùi ẩm thấp, mùi sách, mùi long não, mùi chè lâu năm, mùi mốc, nồng nặc đến mức ngạt thở. Cô vừa vào đã muốn quay ra đổi không khí. Bỗng hai mắt Đồng Nhẫn An đổ dồn vào chân cô, ánh mắt như có tay níu chặt lấy chân, cô không sao nhấc lên nổi. Đồng Nhẫn An chợt hỏi:
- Ai giúp con sửa sang đôi chân thế?
- Tự con ạ.
- Không phải, chắc là u Phan!
- Không ạ, tự con mà? - Hương Liên không hiểu ý Đồng Nhan An, sợ liên luỵ đến u Phan, một mực chối.
- Con mà có kĩ năng này thì lần thi chân trước đây đã chẳng thất bại...
Đồng Nhẫn An đưa mắt nhìn chỗ khác, không biết suy nghĩ gì mà lẩm bẩm một mình:
- Ôi cái mụ già ấy! Càng sửa sang cho đôi chân này thì mụ càng không có phần...
Lão đứng lên bước vào căn buồng phía đông, tay ngoắc Hương Liên đi theo.
Hương Liên sợ hãi, không biết bỏ chồng có định mân mê bàn chân cô hay không; suy nghĩ lại, đôi chân này ai mân mê mà chả như nhau. Họa phúc thật khó lường,mà họa phúc đối với cô cũng như nhau cả, cứ theo vào rồi sẽ hay.
Trong phòng này càng chồng chất nhiều đồ cổ và giá sách hơn nữa, từ đất lên tới tận nóc. Rèm cửa bằng giấy cũng không cuốn lên, tối mò mò. Tim Hương Liên đập thình thình, nhưng chỉ thấy Đồng Nhẫn An trỏ tay vào một kệ sách bảo cô nhìn. Trên kệ đặt ngay ngắn một cái đã sứ đời Tống nhỏ vẽ chỉ bạc, trên đã úp một cái bát trắng. Đồng Nhẫn An bảo cô lật bát lên. Hương Liên không biết bố chồng giở trò gì, tim càng thót lại. Cô đưa tay lật bát lên, úi chà, trên đĩa có một đôi giầy rất xinh bằng đoạn đỏ trơn, không thêu hoa, màu sẫm mà lại tươi, đôi đế bằng gỗ đàn hương tía đã cũ cong như con sóng đỏ lặng lẽ nổi bật trên chiếc đĩa trắng. Mũi giầy lộ ra một cái móc nhỏ bằng đồng cổ, cong một nửa vòng tròn về phía trên, không sao nói hết vẻ thanh tú, cổ kính, tinh xảo, trầm lặng, trang trọng, siêu thoát, nhàn nhã, tự nhiên thoải mái. Chúng thật sinh động mà lại giống một thứ đồ cổ. Bất kể thứ giầy hoa lá rực rỡ nào cũng bị vẻ trầm tĩnh, cổ nhã này đè bẹp.
- Thưa cha, đồ cổ triều đại nào đấy ạ? - Hương Liên hỏi.
- Cổ đâu mà cổ, đấy là đôi giầy mẹ chồng con đi hồi còn sống.
- Đôi bàn chân xinh đẹp dường này có lẽ chỉ có một không hai trong thiên hạ. - Đôi mắt xinh đẹp của Hương Liên tròn xoe vì kinh ngạc.
- Ta cũng tưởng là như thế, ai ngờ trời chưa dứt của này nên mới sinh ra một đôi chân như của con, đôi chân còn xinh hơn cả chân mẹ chồng con. - Mặt Đồng Nhẫn An sáng loang loáng.
- Chân của con ư? - Hương Liên cúi đầu nhìn đôi chân mình nghi hoặc hỏi.
- Bây giờ thì chưa. Chân con mới chỉ có dáng.
- Còn thiếu cái gì nữa ạ?
- Chưa có cái thần thì chưa thành.
- Học có được không ạ?
- Chỉ sợ con không chịu mà thôi.
- Cha ơi, xin cha giúp con với! - Hương Liên quỳ sụp xuống.
Nào ngờ Đồng Nhẫn An cũng quỳ sụp xuống trước mặt cô, giọng run run nói:
- Chính con tác thành cho ta mới phải.
Đồng Nhẫn An xúc động hơn cả cô. Cô không hiểu vì sao Đồng Nhẫn An cũng giống u Phan, chỉ hi vọng ở đôi chân cô. Có lẽ bố chồng muốn thưởng thức đôi bàn chân cô. Hương Liên có cách tính của cô. Khắp người chợt nóng ran, cô đứng dậy giơ chân cho bố chồng. Đồng Nhẫn An ấp lấy bàn chân của con dâu nói:
- Ta không vội. Hoàn chỉnh đôi chân này đã rồi hãy hay. Con học được mấy chữ rồi?
- Học qua loa đủ đọc được Hồng lâu mộng ạ.
- Tốt quá! - Đồng Nhẫn An lập tức đứng lên lấy mấy cuốn sách đưa cho cô. - Xem đi xem lại cho kĩ, bao giờ cả tâm lẫn thần lĩnh hội được, ta sẽ mở hội thi chân lần nữa cho con, đảm bảo con sẽ đứng thứ nhất!
Lúc này Hương Liên mới cảm thấy rồi đây chỉ một phát, cô sẽ đá tung cửa nhà họ Đồng. Cô ôm sách về phòng, nôn nóng mở ra đọc. Một quyển đề Bó chân theo tranh, có tranh vẽ; một quyển là Hương diễm tùng đàm của Lí Ngư, cũng vẽ tranh vẽ người; quyển thứ ba mỏng hơn, toàn chữ, đề là Năm điều của họ Phương. Nhìn qua đọc kĩ đến mấy bài mới rõ, đôi chân nhỏ có thế mà lại rộng lớn hơn cả thế giới, mới rõ trên thân thể người phụ nữ chỗ nào cũng cần chú ý đến quy củ, phép tắc, mực thước, tiêu chuẩn, kiêng khem, cấm kị, từ cách giơ tay, đưa chân, đi đứng, nằm ngồi, ánh mắt, dáng môi, giọng nói cho đến chải đầu, sửa áo, thoa phấn, tô son, đeo cài đồ vật, tắm gội, nuôi giữ da v.v… Không có một loạt những thứ đó, chỉ có một đôi chân xinh cũng không thành. Biết được một loạt cũng cách ấy mới thực sự hiểu biết về gót sen. Kiến thức của u Phan mới ở ngoài da, đây mới thật đi sâu vào tận xương cốt. Nếu so sánh, bà ngoại cho cô quả đào, thì u Phan cho cô thấy cái hạt, Đồng Nhẫn An đập hạt ấy ra, bên trong còn có nhân đào, nhân đào lại có những một trăm lẻ tám cách ăn. Thế mới gọi là:
Trên giỏi còn có tiên,
Trên tiên lại có thần.
__________
[1]Giấy sản xuất ở mấy huyện trong tỉnh Chiết Giang màu ngà vàng, hơi thô, làm bằng hóp đá.