“... Coi trọng mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại, lắng nghe đầy đủ ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ý kiến thuận và cả ý kiến nghịch. Thường vụ Bộ chính trị đã đồng ý kiến nghị của chúng ta là tổ chức đối thoại, giao cho Ban tư tưởng - Văn hoá Trung ương chủ trì, ở đó mọi người có quyền trao đổi ý kiến của mình về những vấn đề khác nhau, thậm chí đối lập về quan điểm. Trao đổi với cơ quan tổ chức tốt hơn là ngấm ngầm đi tuyên truyền, tán phát trong nhân dân...!”Đây là “lời vàng, ý ngọc” của ông Lê Xuân Tùng, uỷ viên Bộ chính trị trong bài: Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng văn hoá hiện nay! Đăng trong tạp chí Thông tin Công tác tư tưởng số 5 năm 2000. Một bài nói nghiêm túc đăng trong một tạp chí đứng đắn mà cứ như chuyện đùa trong mục vui cười. Vậy thì từ tháng 4 năm 2000 trở về trước cán bộ, Đảng viên và nhân dân sống trong “nền dân chủ” nào để đến hôm nay (tháng 5 - 2000) Thường vụ Bộ chính trị mới cho phép “con dân của Đảng mình” được tổ chức đối thoại. Tổ chức đối thoại nói nôm na là cuộc nói chuyện về thời cuộc đất nước của những người thân trong nhà trao đổi với nhau, nó hết sức thường tình chứ chưa cần phải gắn hai chữ “dân chủ” vào làm gì! Thế là trong suốt hơn nửa thế kỷ xương chất thành núi, máu chảy thành sông vì một đất nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - độc lập - tự do - hạnh phúc đến tháng 5 của năm cuối cùng của thế kỷ 20 và thiên niên kỷ II, nhân dân ta mới được Đảng của nhân dân ta “đồng ý” cho tổ chức đối thoại. Tễu tôi nhấn mạnh chữ “đồng ý” vì từ chữ “đồng ý” đến bao giờ được thực hiện là một khoảng cách khó mà các thần dân biết trước được. Và khi được tổ chức đối thoại thì đối tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ là ai? Vì Tễu tôi rất sợ cái trò chơi cũ mèm là “Đảng cử, Đảng cho phép” thì ta đành trở về vạch xuất phát cách đây hơn một thế kỷ! Thôi thì tự an ủi là muộn còn hơn không, xin các thần dân theo dõi cái đoạn “hạ hồi phân giải”.Nhân câu nói của ông Lê Xuân Tùng, Tễu tôi cũng trích một câu của cái nước mà Mác tiên đoán là nó sẽ giãy chết:“... Quyền được nghĩ khác nhau đương nhiên được công nhận và chế độ có đủ sức mạnh để có thể chấp nhận những kẻ phản bác mình, mà chức năng của những người này cũng được thể chế hoá. Xã hội chịu đựng những người chống đối, nó phải áp dụng chính những luật lệ do nó đặt ra...” Trích trong tác phẩm “văn minh Hoa Kỳ” của Jean Pierre Fichou do nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 1998.Những tư tưởng lớn thường hay gặp nhau, thế là ông Lê Xuân Tùng ở đất á đã gặp ông Jean Pierre Fichou ở trời Âu cùng chấp nhận đối thoại hai chiều: đồng tình và phản bác. Nhưng cũng cần phân tích thêm một chút để thấy rõ tính chất dân chủ của hai thế chế độ: tư bản và cộng sản! Chế độ tư bản coi cái quyền được nghĩ khác nhau là đương nhiên, như ta hít thở khí trời vậy. Và cái đương nhiên này đã có hàng trăm năm nay đối với nhân dân của họ. Còn cái quyền được nghĩ khác nhau là của chế độ “triệu lần dân chủ” này mới được “cho phép” tháng 5 năm 2000. Còn bao giờ được thực thi “Cái quyền được nghĩ khác” thì ta cần chờ đợi. Kiên nhẫn chờ đợi, nhẫn nhục chờ đợi vốn là đức tính quý báu của người dân Việt Nam trong mấy chục năm qua và đã được “thử thách”. Nhân đây Tễu tôi nói một câu chuyện vui về khi hỏi một chuyên gia Nhật sang công tác tại Việt Nam. Thưa ông! Khi sang đất nước tôi công cán, điều gì để ông suy nghĩ trước tiên? Ngập ngừng một chút rồi ông trả lời: Tôi chưa hề đến Việt Nam bao giờ, nên chưa có khái niệm về điều suy nghĩ trước tiên, nhưng chúng tôi được Đại sứ quán của nước tôi căn dặn: điều đầu tiên của người nước ngoài đến công tác ở Việt Nam là “kiên nhẫn”!Chí lý vậy thay, cái ông nào ở đại sứ quán Nhật Bản chắc từng “nếm mùi ứng xử từ ngôn từ cho đến thủ tục hành chính Made in Việt Nam” nên đã có lời khuyên đồng bào của ông cùng các người nước ngoài luôn nhớ tới chữ “nhẫn”. Cách đây hơn năm trăm năm, cụ Nguyễn Trãi cũng nói nhiều về chữ “nhẫn” cùng với chữ “thời”.Trước những phản ứng quyết liệt của phong trào nông dân Đồng Nai, Thọ Xuân Thanh Hoá, Uy Nỗ, Đông Anh, Thái Bình rồi Nam Định và còn âm ỉ ở xã Hồng Việt cùng một số điểm ở Thái Bình vẫn tiếp tục “nóng”. Trước những cuộc bãi công của giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột ở các xí nghiệp liên doanh mà các tổ chức công đoàn chỉ là một lũ bù nhìn. Trước những phản ứng ngấm ngầm còn dè dặt của giới doanh nghiệp của các chủ trang trại đều không nói lên một điều gì tốt đẹp.Đặc biệt là những phản ứng gay gắt về mặt triết học đường lối, chính sách, về quản lý đất nước, về hệ thống tổ chức của cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và “Đảng cầm quyền”... của các bậc sĩ phu, trí thức, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ và các cựu chiến binh... những người lãnh đạo không có thể nhẫn tâm cứ bắt mãi cả một dân tộc thông minh, sáng tạo cứ phải ngậm miệng có những suy nghĩ trí tuệ siêu việt mà cứ phải “vâng vâng, dạ dạ” trước một cái khuôn phép bảo thủ, cũ rích trong quá khứ cũng như trong hiện tại nó luôn mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Một quá trình giãn nở hết sức chậm chạp của khuôn phép kỳ lạ nó cấm đoán mọi suy nghĩ ngược, mọi tư tưởng đối lập, nó triệt tiêu sự phát triển của trí tuệ.Cũng xin thưa với ông Lê Xuân Tùng là: Sự đời theo quy luật cái gì phải đến thì sớm muộn gì cũng đến, dù có dùng trăm phương ngàn kế cũng không ngăn được cái quá trình tất yếu này! Việc tổ chức đối thoại chả phải là ý tưởng mới mẻ gì. Cách đây có dễ đến hai mươi năm những ý tưởng đề nghị được hội thảo, đối thoại trực tiếp của các tầng lớp nhân dân với “Đảng cầm quyền” về sự phát triển của đất nước, về sự tự do, no ấm hạnh phúc của dân tộc đều là những điều cấm kỵ. Thế là sự dồn nén tất yếu phát triển, những điều tâm huyết trung thực đóng góp xây dựng đành phải trôi nổi tự do trong xã hội để rồi bị quy tội là “tán phát”.Trong bài viết trên của ông có đoạn (trang 12): ví dụ một vấn đề lớn mà hiện nay chúng ta đang phải tranh luận là thế nào là tư bản tư nhân? Thật là buồn vì câu hỏi đó chúng ta đã đặt ra 10, 15 năm nay mà vẫn chưa trả lời được...!Đúng là đáng buồn thật, một Đảng vĩ đại với các nhà lý luận siêu hạng khi đặt tên hoặc giải thích một hiện tượng, một phát biểu xã hội mà bị trói chặt bởi một học thuyết cực đoan về “tư hữu”, về “bóc lột” thì ông nào cũng sợ “lỡ miệng” lại bị quy là chệch hướng thì như lời ông Hữu Thọ từng khuyên: “Sức ông chẳng mang lại lợi ích gì lớn cho quốc gia thì ông cũng cố giữ lấy nồi cơm cho con!” Với những nhà Marxisme = Marxmitisme thì không những chỉ 10, 15 năm mà có khi cả cuộc đời họ chẳng góp ý được gì cho đất nước. Tễu tôi mạo muội múa rìu qua mắt thợ suy nghĩ về tư bản tư nhân bằng hình ảnh cụ thể mà Tễu tôi đang sinh sống. Hai vợ chồng Tễu tôi có một cái ao nhỏ khoảng 15 m2, gọi là cái vũng thì đúng hơn. Hàng năm thả khoảng 20 con chắm. Cuối năm đánh lên hai ông bà ăn và cho con cháu mỗi đứa một vài con là hết. Cách một mảnh vườn có hai vợ chồng bác hàng xóm là cán bộ về hưu, ngoài mấy sào vườn còn có một cái ao gần một mẫu thừa kế. Hai bác hoặc vì “ bôn” hoặc không “nông vi bản” nên cái ao chỉ thả muống và một số cá tự nhiên. Cái ao to như vậy mà thu nhập hàng năm chả đáng là bao. Tễu tôi nổi máu “tư bản tư nhân” xin thuê lại cái ao với hợp đồng 5 năm. Năm đầu Tễu tôi thả hơn 5000 cá giống, đảo vụ thả tiếp 5000 nữa. Để bảo vệ và chăm sóc cá Tễu tôi có thuê hai cháu thanh niên chưa có việc làm. Cuối năm ngoái sau khi thu hoạch, thuế má nghĩa vụ đóng góp đủ, trừ chi phí sản xuất và tiền công cho hai cháu lao động, bước đầu đã có chút ít lợi nhuận. Nhưng tiếc thay Tễu tôi lại bị một vài đồng chí trong chi Bộ Đảng “phê” rất dữ: Đã tự coi mình là một Đảng viên thì không được bóc lột dù chỉ là thuê 1 hoặc 2 lao động và... Tễu tôi đành kính cẩn thưa: “Thưa mấy ngài Đảng viên khả kính!” Tôi ít quan tâm đến việc được coi là “Đảng viên” hay “tư hữu tư nhân” hoặc “bóc lột” v.v... mà tôi chỉ muốn làm một công dân bình thường.Một công dân bình thường mỗi năm góp cho xã hội 10.000 con cá là điều tôi vươn tới và nếu tôi thả được 1.000.000 con cá và thuê 200 lao động thì tôi vẫn làm. Tôi sẵn sàng đổi “Thân phận đảng viên” lấy 10.000 con cá cho cuộc đời còn nghèo đói cực khổ này. Nhân dân không cần mớ nước bọt của các nhà tuyên huấn!Thưa ông Lê Xuân Tùng! Nếu được đối thoại tự do thì chả cần 10 đến 15 năm, mà chỉ cần nửa ngày “đối thoại” thôi trí tuệ Việt Nam cũng sẽ trả lời được ngay. Hình như tôi nhớ không lầm thì một đồng chí trong Bộ Chính trị từng nói: Trong Đảng có thể thiếu người tài chứ ngoài thì không thiếu! Ngay trong bài của ông nếu được “đối thoại” thì cũng còn nhiều điều buồn cười chảy nước mắt và những lý sự ngớ ngẩn sao vẫn còn ở nơi chót vót ấy!Một con chim nắm trong tay bao giờ cũng giá trị hơn hai con đang bay trên trời! (tục ngữ Mỹ). Xin ngàn lần cám ơn Đảng cho phép tổ chức đối thoại để mỗi công dân có trách nhiệm với vận mệnh của Tổ quốc bước vào thiên kỷ mới. Trong tổ chức đối thoại nên có tư tưởng chủ đạo là không hề có ý kiến nào là thuận, ý kiến nào là nghịch mà cũng chả có sự đối lập nào cả mà mọi người đều tâm niệm rằng với ý thức cao nhất của một công dân cùng đất nước, cùng Đảng với bao sương máu đã xoá được nỗi nhục mất nước của ngàn năm Bắc thuộc, của trăm năm nô lệ. Nay giang sơn đã thu về một mối, mối thù muôn đời muôn kiếp không tan với những đất nước ngày hôm qua còn là “không đội trời chung” cùng khép lại quá khứ để làm bạn với nhau hướng tới tương lai của ngôi nhà chung” Trái đất!Vậy hà cớ gì, những người con cùng chung một bọc “Âu cơ” sao nỡ để chữ thuận, chữ nghịch, để đối lập lẫn nhau cho đau lòng tổ tiên, ông bà. Riêng với Tễu tôi, nếu Đảng thực hiện đúng lời hứa cho tổ chức đối thoại thì Tễu tôi xin giã từ “tán phát” để được nói với Tổ Quốc, với Đảng những lời, những tâm tư trung thực bằng máu, bằng nước mắt của mình, để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh là hoà bình - thống nhất - độc lập - dân chủ và giàu mạnh.Mong lắm vậy thay!Hà Nội ngày 24 tháng 5 năm 2000Tễu- Marmite là cái nồi.Tễu tôi bịa ra cái từ: Marmitisme tuỳ bạn hiểu!