Trời còn mờ mờ, trăng chưa lặn, Luân, Quyến và Sa rời nhà Hai Sặt vào chợ Phụng Hiệp. Vợ chồng Hai Sặt, con Rô, sau bữa cơm mà họ ép bọn Luân ăn “bỏ bụng” tiễn khách xuống ghe. Ghe rời bến, họ vẫn còn đứng trông theo… Qua một vạt đất hoang um tùm lau sậy – làn ranh phân chia vùng giải phóng và vùng tạm chiếm – bắt đầu ngoại vi thị trấn. So với vùng giải phóng, nhà cửa ngoại vi thị trấn Phụng Hiệp xơ xác hơn nhiều. Hầu như không nhà nào lập vườn và hầu như nhà nào cũng che tạm bợ bằng mấy tấm tôn, mấy bẹ lá dừa. Tuy vậy, mỗi nhà đều có luống vạn thọ. - Còn nửa con trăng nầy với một con trăng nữa là Tết. Quyến nhìn luống vạn thọ rồi nói. Câu nói luyến tiếc của Quyến khuấy động tâm tư của Luân. Đúng rồi, năm nay, Luân sẽ phải ăn cái tết đầu tiên xa chiến khu, xa đồng đội. Từ gần chục năm qua, cái Tết kháng chiến đã vào Luân như một thói quen dễ thương. Dù ở chiến trường nào – vùng tự do hay địch hậu – Tết đến với bao nhiêu rộn ràng: đánh vài trận “tất niên” cho ra đánh, hội nghị tổng kết, để còn sửa soạn đầu lân, tiết mục ca kịch vui với bà con. Đêm 30, thế nào cũng có buổi đón giao thừa đọc thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch, ăn bánh tét, thịt kho dưa giá của Hội phụ nữ và hội mẹ, thức cho đến sáng. Sáng, chia nhau đi chúc Tết chòm xóm. Thế nào cũng nhậu “ba sợi” – “ba sợi” thôi, song không ít cậu ngủ li bì, quên trời quên đất. Nơi làm việc của ban chỉ huy và từng nhà dân mà bộ đội ở nhờ, thế nào cũng có cửa tam quan bằng lá dừa, có bình hoa vạn thọ, có cờ và ảnh Cụ Hồ. Vui nhất là đêm kịch. Đơn vị ít phụ nữ - vài cô y tá, chị nuôi rất ngại lên sân khấu – cho nên các cậu trai phải đóng hóa trang: độn ngực, tập đi yểu điệu… trừ giọng ồm ồm đực rựa không sao sửa nổi, báo hại người xem cười muốn đứt ruột, nhiều bà con vừa cười vừa lau nước mắt. Ra giêng, lại họp bàn kế hoạch tác chiến, luyện quân. Nhịp độ đó đã thành bình thường trong Luân. Bây giờ anh như hẫng. Thật khó mà nghĩ đến một cái Tết không ló mặt ra ngoài, không chúc Tết và được chúc Tết – dẫu có chúc Tết cũng sẽ không phải là: năm mới mừng tuổi bà con, mong bà con đoàn kết, ủng hộ bộ đội, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, theo lời dạy của cụ Hồ và chánh phủ Trung ương. Kháng chiến đã thắng lợi, nhưng Luân mất đi cái câu chúc tốt đẹp đầu năm đó. Trời sáng dần. Trước trụ sở Ban liên hiệp đình chiến – ngôi nhà gạch nằm trên một trong bảy ngã đổ ra Phung Hiệp – ngọn cờ đỏ sao vàng phẩy nhẹ trong gió sớm. Buổi tập thể dục sắp kết thúc. Các đồng chí thân yêu của Luân đang thở. Họ quay mặt về chiến khu, cúi đầu, ép hai cánh tay rồi mở rộng vòng tay, ưỡn ngực hít mạnh, theo hiệu lệnh điều khiển mà Luân rất quen thuộc. Tam bản trôi chầm chậm. Luân không dám ngó ngay trụ sở - có thể có người quen Luân và với Luân, từ nay giấu kín niềm đam mê cũ là một kỷ luật. Anh biết mình không dễ dàng nhập thân vào lối sống mà mọi cái đều trái ngược với đạo lý anh hấp thu trong chín năm. Chỉ còn biết cố công. Ôi chao! Cái không khí trong lành mà anh đã hít, mỗi buổi sáng tập thể dục cùng đồng đội… Anh nhìn Quyến, Sa: hai cậu đang hết sức căng thẳng. Ngọn quốc kỳ in trên nước, Luân se sẽ đưa bàn tay xuống dòng kinh vuốt ve ngọn cờ. Trụ sở Ban liên hiệp đình chiến, ngọn quốc kỳ, tiếng điều khiển buổi tập thể dục và vùng tự do khu 9 cùng cái đêm chót ở nhà Hai Sặt lùi lại sau lưng anh… ° Luân lên bờ, chợ Phụng Hiệp ồn ào hơn tưởng tượng của anh. Tiếng xe rồ máy, tiếng lơ mời khách, tiếng rao hàng và tiếng chửi tục tằn dậy cả một góc trời. Chỉ cách có một con kinh, Luân như bước sang một thế giới xa lạ hẳn. Sau khi kín đáo ngoảnh lại nhìn lần nữa trụ sở Ban liên hiệp và ngọn cờ Tổ quốc, Luân lũi theo sóng người đi sâu vào chợ. Chiếc tam bản của Quyến, Sa lao lách giữa đoàn xuồng ghe chen chúc xuôi luôn về hướng sông lớn. Mỗi cậu sẽ bằng cách riêng, gặp Luân sau này… Đã lâu rồi, Luân mới đi lại một mình. Tựa như anh đang đột nhập đồn giặc. Ngay cả khi trinh sát đồn giặc, Luân cũng không đơn độc như lần này. Luân chợt thấy lành lạnh nơi xương sống. Quanh anh, những cái nhìn chẳng giống cái mà anh thường gặp mươi phút trước đây. Tất cả đều dữ dằn. Sau cùng, Luân đến bến xe: - Thầy đi Cần Thơ hả? Cũng rất lâu, Luân mới nghe lại tiếng “thầy” lãng xẹt nầy. Luân chợt nhớ rằng anh đã lọt vào một xã hội mà người ta quen gọi với ngài, cụ, ông chủ, thầy, cậu… Sẽ chỉ còn có thể gọi nhau “đồng chí” khi thật vắng và phải gọi thật khẽ… Luân không mang xách gì theo mình. Người lơ xe lôi xển anh và tống anh lên chiếc xe đò còn trống. Luân thấy các lơ xe, bất kể hành khách đồng ý hay không, vác túi, thúng, bao… của họ ném bừa lên mui. Cái tiếp xúc khởi điểm báo với Luân sự lộn ẩu của một xã hội mà Luân phải vùng vẫy trong đó. Chưa hết, Luân chưa yên chỗ thì hàng chục bàn tay chìa qua cửa: mía ghim, dưa hấu, nem, thuốc lá, giấy số, báo… Luân mua bao thuốc lá Ruby Queen, diêm quẹt và tờ Tiếng Chuông. Tờ báo ra ngày thứ Sáu, 10-12-1954, chạy tít suốt tám cột: “Giáo sư Ngô Ngọc Đối từ chức Tổng ủy tị nạn, bác sĩ thú y Phạm Văn Huyến thay… Hai tựa khác cũng to không kém: Bộ trưởng Phạm Duy Khiêm được bổ Cao ủy Việt Nam tại Pháp – Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ được cử làm Tổng thanh tra quân đội thay thế tướng 4 sao Alessandri…” Luân thầm nghĩ: Cả ba Phạm Văn Huyến, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Văn Vỹ, thân Pháp nổi tiếng, chỉ là chiếc cầu tạm mà Diệm dùng trong buổi giao thời. Xe chờ khách khá lâu, Luân đọc hết trang tin tức, bắt đầu đọc bài xã luận, ký tên Khải Minh. Khải Minh là ai, Luân đã biết, đã gặp. Bài xã luận nhắc đến cuộc biểu tình hoan hô hòa bình và bị trấn áp đẫm máu – việc xảy ra cách nay đã hơn 5 tháng, liền sau khi hiệp định Genève ký kết. Nhắc lại sự việc đó, bài xã luận khôn khéo giới thiệu bản tuyên bố của Ủy ban bảo vệ hòa bình, đứng đầu là các ông kỹ sư Lưu Văn Lang, giám đốc Pháp Hoa ngân hàng Michel Nguyễn Văn Vỹ, luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ dược khoa Trần Kim Quan, giáo sư Dương Trung Tín và hơn 300 trí thức, nhân sĩ khác. Luân lật trang trong, bây giờ anh không còn đọc được nữa. Tình hình qua vài mẩu tin đã hiện rõ thực chất: Cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân vừa chớm dậy, đã nhuốm máu ngay tức khắc. Mải mê suy nghĩ, anh không chú ý người ngồi bên cạnh đang ghé mắt cùng đọc báo với anh. Khi Luân chợt nhìn ra – ông khách để bộ râu cá chốt, đeo kính đen to gọng, người gầy gầy – anh trao luôn tờ báo cho ông ta. Ông ta cám ơn và cắm cúi đọc. “Một mật thám?”, Luân tự hỏi. Rất có thể vì đôi kiếng – gọng to – màu đen giúp đắc lực cho những cái nhìn rình rập. Đằng sau Luân, hình như cũng có một số tay không phải dân làm ăn. Ngay người tài xế - ông ta lúc nào cũng láo liêng. Và tay lơ xe, vẻ mặt thật đáng nghi ngờ. Xe bắt đầu chạy. Ông khách trả tờ báo cho Luân, nhồi thuốc vào ống tẩu. Khói lên bựng bựng. Hình như mắt ông ta không rời Luân. Đường Phụng Hiệp – Cần Thơ xấu, chiếc xe đò hầm hừ vượt qua những đoạn bị phá hoại. Luân thấy vui vui: Từ phía đối ngược lại, anh quan sát kỹ hơn tác dụng cả những đêm bộ đội cùng dân hì hục đào, cuốc… Xe qua đồn Nhà Thờ. Cây thập ác gục xuống, cái đồn chỉ còn bờ tường đá cháy nham nhở. Luân cố hình dung những đêm đánh hệ thống đồn bót dọc lộ nầy, anh long theo con rạch nào. Xe đỗ lại trước cây chắn một trạm cảnh sát. Tất cả hành khách đều phải xuống xe. Cảnh sát khám kỹ hành lí của từng người. Từng người được mời vào trạm. - Ông có giấy kiểm tra không? Người khách đeo kiếng to hỏi Luân. Luân có. Tất nhiên, đó là thẻ kiểm tra giả, do nhà in Trần Phú ăn cắp kiểu, in lại. Nếu bằng mắt thường, cảnh sát không tài nào phát hiện chỗ giả của thẻ kiểm tra. Còn dựa vào máy, vấn đề sẽ khác. Luân tin chắc là trạm cảnh sát dọc đường không có máy. Nhưng cái lão đeo kiếng nầy, tại sao lại hỏi anh? Quả như Luân đoán, viên trưởng trạm không xét nét thẻ kiểm tra của Luân. Song hắn nhìn Luân từ đầu đến chân: - Ông đi đâu? - Viên trưởng trạm hỏi. Luân chưa nói gì thì người khách đeo kiếng gọng to chìa giấy của ông. - Ông Sáu khỏi đưa giấy mà! Viên trưởng trạm trả giấy cho ông ta, cười vui vẻ. “Tụi nó với nhau! Hẳn rồi đây!”, Luân nghĩ. - Vậy thì tôi với anh bạn tôi đây đi nghe… Ông ta kéo tay Luân. Luân hơi lượng sượng một chút. - Tụi này dọ giá cá đồng ở Phụng Hiệp, còn lên dọ trên Long Xuyên… Ông ta bãi buôi như Luân cùng đi với ông. Viên trạm trưởng đẩy đưa: - Ủa? Ông Hai đây đi chung với ông Sáu hả… Ông khách rút gói thuốc mời viên trạm trưởng và làm như vô tình, ông bỏ quên gói thuốc trên bàn. Tự nhiên, Luân thấy ông khách có một chút gì khả nghi. Mọi người trên xe đều đột ngột trở nên hiền lành. ° Luân sắp đổi xe đi Sài Gòn thì một chiếc Citroën đến hối hả đỗ lại bên xe Cần Thơ. Trên xe bước xuống một người nhỏ nhắn đeo kiếng đen, bận áo chùng đen, đeo tượng Chúa – một linh mục. Ông ta nôn nả chạy hỏi chiếc xe từ Phụng Hiệp lên mà Luân vừa đi – đó là chiếc xe thơ chạy sớm nhất. Luân linh cảm là ông ta tìm Luân. Ông khách đeo kiếng gọng to – viên trạm trưởng cảnh sát kêu bằng ông Sáu - cũng đổi xe đi Sài Gòn. Ông đứng chung với Luân ở bàn bán vé. Ông linh mục đến bàn bán vé hỏi, giọng Huế: - Xin lỗi, quí vị ở Phụng Hiệp lên đây, vị nào là kỹ sư Robert Nguyễn Thành Luân. Luân chào ông linh mục, nhận tên mình. Linh mục mừng rỡ: - May quá… tôi đoán chừng ông kỹ sư đi chuyến xe thơ… Quả nhiên đúng. Đức giám mục mời ông kỹ sư về tòa giám mục. Dạ, có xe riêng… Ông Sáu sững sờ. Luân bắt tay ông: - Cám ơn ông Sáu… Thôi, ông Sáu đi Sài Gòn, tôi có chút việc riêng ghé Vĩnh Long. - Ông cha nầy đón ông? Ông Sáu hỏi vặn, hất hàm về ông linh mục. Luân gật đầu. - Vậy mà… Ông Sáu bỏ lửng câu nói một lúc. - Tôi đâu có lên Sài Gòn làm chi… Tính đưa ông đi đó! Tôi đi Rạch Giá. Luân đã hiểu. Ông Sáu ngại Luân bị làm khó dễ ở dọc đường nên quyết giúp Luân. Chắc ông đoán Luân là một người kháng chiến, có thể vì qua bộ quần áo lỗi thời của Luân. Luân bắt tay ông Sáu lần nữa, thật chặt. Nhưng ông Sáu bận quan sát chiếc Citroën và ông linh mục, có thể bận luôn những xáo trộn trong đầu, bắt tay Luân lấy lệ. Luân không thể giải thích cho ông Sáu hiểu nên đành cúi chào, gửi lại ông cái nhìn từ giã biết ơn với nhiều ngụ ý. ° Xe ùn ở bến “bắc” Cần Thơ. Hàng đoàn GMC nối đuôi, mỗi xe đầy ắp lính. Chắc là số lính rút từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn sửa soạn chiếm đóng các vùng ta vừa chuyển quân xong. Hòa bình đã được hơn nửa năm, song chưa thấy dấu hiệu hòa bình trên gương mặt những người lính nầy. Họ mệt mỏi, rã rời, cáu kỉnh. Vài sĩ quan Pháp huýt gió trên xe Jeep mỗi khi có một phụ nữ Việt Nam đi gần. Vẫn mất dạy như Luân từng biết, nhưng e dè hơn. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ phóng ra một xe cảnh sát gắn còi mở đường, tiếp liền một chiếc Chrysler bóng nhoáng cắm cờ nhiều sao và đoạn hậu là một xe bảo vệ - cũng đến năm sáu tên quân cảnh Mỹ đội nón sơn chữ M.P, nét chữ chần vần rất nhói mắt. Ông linh mục bảo người tài xế: - Theo liền xe quân cảnh! Ra lịnh xong, chính ông chồm hẳn người ra ngoài xe, phô chiếc áo chùng và tượng Chúa lủng lẳng trên cổ. Xe được phép xuống “bắc” trước những cái nhìn giận giữ của lính ngụy và những cái liếc khó chịu của các sĩ quan Pháp. Không nghe, nhưng Luân chắc là họ chửi thề. Thực tế đó cho Luân thấy cái tôn ti đang hình thành trong nấc thang đẳng cấp ở miền Nam: Mỹ rồi tới cha cố. - Ông kỹ sư xa thành thị đã lâu, thấy có gì thay đổi không? Khi “bắc” vượt sông Hậu, ông linh mục hỏi Luân. Trên “bắc” những người buôn bán chen lấn, vừa van nài, vừa mắng chửi người mua, tiếng loa phát giọng ma quái một đoạn ghi âm sấm giảng Hòa Hảo, tiếng đàn độc huyền, đàn ghi ta của từng tốp ăn xin… - Thay đổi nhiều… Tỷ như, lính đông hơn, người ăn xin cũng đông hơn. Và thêm cái mới… Luân hất hàm về chiếc Chrysler. - Ông muốn nói đến người Mỹ? - Phải, những người khách mới… - Hết còn là khách rồi… Họ là bạn. - Bạn hay là chủ? Hỏi vặn xong, Luân cười. Ông linh mục vụt cười theo. Luân chưa muốn bắt chuyện với ông linh mục. Con sông Hậu cuồn cuộn gợi anh nhiều ký ức. “ Bắc” vượt sông mươi phút – nơi khá rộng – còn trong chiến đấu, Luân có khi phải tốn cả giờ để từ Cần Thơ sang Trà Ôn, quãng hẹp nhất. Trên mặt sông nầy, anh đã từng đánh một trận tao ngộ: thuyền chở anh và một tiểu đội, giữa đêm mưa, băng đến giữa sông thì chạm tàu tuần – tàu tuần tắt máy, thả xuôi theo nước. Khi tàu tuần bật pha, Luân ra lịnh nổ súng. Chính anh giành khẩu trung liên của một chiến sĩ, xả thẳng vào pha. Pha tắt ngấm. Đèn pin không đủ sức phát hiện thuyền của bọn anh. Khi Cần Thơ bắn lên trời những chùm pháo sáng thì bọn anh đã lọt vào con rạch ngoằn ngoèo. Có thể từ nay anh sẽ khó mà tao ngộ với lính tuần sông, nhưng ngay trên chuyến “bắc” vượt dòng nước bạc, giữa một tình thế bề ngoài khác xưa, ít ra cũng có chiếc Chrysler cắm cờ Mỹ được hộ tống thật sự và biết đâu, cả ông linh mục chưa hẳn chịu làm linh mục này là những trở ngại đủ gọi bằng không nhỏ. … Xe qua Cái Vồn. Cứ vài trăm thước, một đồn lính Hòa Hảo, một trụ sở Dân xã đảng và một nhà giảng – nhà giảng xây y hệt lô cốt, loa phóng thanh ra rả. Bên trong ụ đất và rào kẽm gai, lính Hòa Hảo nón bo, đồng phục đen, mặt mũi lừ nhừ. Nhà tín đồ - nhà nào cũng trồng cột phướn và sơn cửa màu trần điều – nép dưới quyền uy của cả bộ máy quân sự chính trị và tôn giáo. Chưa chắc số đông tín đồ Hòa Hảo hiểu ý nghĩa sự ra đời của ngần ấy thứ đè nặng lên vai họ, rúc rỉa họ, nhồi nắn họ. Cái di sản chống Cộng của thực dân Pháp còn đó. Ông linh mục ngồi ở băng trước quay lại cười hóm hỉnh với Luân: - Chúng ta đang qua vùng cai quản của ông Năm Lửa. Người lái xe chợt lên tiếng: - General Cinq Feux (1) đấy! Ông linh mục và người lái xe cười nắc nẻ. - Một quốc gia thống nhất không thể dung thứ cho các tiểu vương cát cứ. Khắp tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, đâu đau cũng nhan nhản đồn bót Hòa Hảo, họ làm ra luật riêng, họ thu thuế. Dân khổ hết sức! Ông linh mục thuyết một hồi. Ông nói câu chót kèm cái chép miệng. Luân biết ông linh mục mới nhắc vùng Hòa Hảo. Còn vùng Cao Đài, Bình Xuyên, còn vùng UMDC (2) của tên Tây lai Léon Leroy… Chính phủ Diệm chọn lọc trong hàng tá đối tượng đâu là cái cần trừ khử trước hết. - Họ sẽ biến mất trong một ngày không xa! Ông linh mục làm một cử động minh họa: hai bàn tay xòe, chập lại và dang ra. Có thể vì thói quen ban phép lành nên dù nói đến một sự bôi xóa, ông vẫn hết sức dịu dàng. - Ông kỹ sư biết chuyện ông Trần Văn Soái sang Hồng Kông không? - Linh mục hỏi. Luân biết, do một tờ báo Sài Gòn tiết lộ. Anh không hoàn toàn tin là chuyện đó chính xác nhưng mẩu tin cho thấy cái thực chất của các lực lượng mà Pháp đang muốn đưa vào để trả giá với Mỹ. Năm 1947, Bảo Đại nằm ở Hồng Kông. Ông ta rời Hà Nội sang Trung Quốc rồi không chịu về nước. Bấy giờ, ông ta là cố vấn Vĩnh Thụy – trong lúc buột mồm thốt được một câu khá kêu: “Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Cuộc xung đột vũ trang giữa ta và Pháp đã lan khắp nước. Thực dân Pháp tìm kiếm con bài chính trị. Bảo Đại lần nữa tự nguyện làm bù nhìn. Để tấn tuồng rôm rả một chút, Pháp cho một số tay sai từ Sài Gòn sang Hồng Kông “yết kiến cựu hoàng, bày tỏ tín nhiệm và thỉnh cựu hoàng hồi loan”. Thiếu tướng (3)Trần Văn Soái tức Năm Lửa là thành viên của “phái đoàn nhân sĩ và đại biểu các giới” gồm 24 người. Đến Hồng Kông, Năm Lửa thắng bộ quân phục cấp tướng, đi dạo phố. Ngoài phố, ông ta gặp Trịnh Hưng Ngẫu – một nhà chế tạo cơ khí, từng mướn ông ta làm công. Chính chụm các lò “gadoden” xe hơi cho Trịnh Hưng Ngẫu mà ông ta mang tên Năm Lửa. Trịnh Hưng Ngẫu ngắm nghía bộ áo cấp tướng của Năm Lửa rồi bảo: - Đây là thuộc địa của Ăng lê. Quân đội Ăng lê không có tướng 2 sao, mầy mang sao ra đường, cảnh sát tưởng mầy là tướng giả, nó còng đầu! Hoảng hồn, Năm Lửa tháo lon, đút vô túi quần. Luân không cười. Đâu có gì đáng cười. Anh không cười luôn với những chi tiết mà ông linh mục thuật đầy khoái trá: - Ông Năm Lửa có ba người vợ chính, kêu bằng ba phu nhân. Một là Lưu Kim Đính, một là Đoàn Hồng Ngọc, một là Phàn Lê Hoa… - Phàn Lê Huê chứ! – người lái xe sửa lại. - Cũng rứa. Toàn tên phường tuồng. Mỗi bà đều vận khôi giáp, đeo gươm. Không phải để đùa mà sửa soạn đánh nhau thật! Xe chạy đến cổng vào thị xã Vĩnh Long. Dưới một tấm bảng quảng cáo to tướng – thuốc lá Golden Club của hãng Pháp – một tu sĩ Hòa Hảo, tóc búi, áo dài, đang cầm loa điện đọc một đoạn sấm giảng của Đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Lòng Luân bỗng dâng lên một niềm xót xa thương hại. Còn ông linh mục – cái đầu câng câng và cái mộ trề dài thượt… Giọng quái đản đọc sấm của tu sĩ đuổi theo xe. --- (1) tướng Năm Lửa (tiếng Pháp) (2) Unite Mobile de Défense Chrétienne (Đơn vị cơ động bảo vệ đạo Thiên chúa) (3) tức cấp hàm "Général de brigade" trong quân đội Liên hiệp Pháp, mang 2 sao. Quân hàm này chỉ tương đương cấp Chuẩn tướng 1 sao của Quân lực VNCH sau sau năm 1963.