Có một sự đui mù ghê gớm về chính bản chất của cái phải là một tri thức thích đáng. Theo giáo điều đang ngự trị, tính thích đáng tăng theo trình độ chuyên môn hoá và trừu tượng hoá. Nhưng một tri thức tối thiểu về tri thức lại dậy cho chúng ta rằng điều quan trọng nhất là vấn đề bối cảnh hoá. Claude Bastien (Clốt Baxchiêng) đã nói: "Quá trình diễn biến của nhận thức không đi về chỗ sinh ra những tri thức càng ngày càng trừu tượng nhưng ngược lại, nó đi về phía đặt tri thức vào bối cảnh của nó"(1). Bối cảnh này sẽ quyết định những điều kiện để dung nạp chúng và những giới hạn cho hiệu lực của chúng. Bastien còn nói thêm " bối cảnh hoá là một điều kiện cơ bản của hiệu lực (của chức năng nhận thức)". Bản thân tri thức chuyên môn là một hình thức trừu tượng riêng biệt. Sự chuyên môn hoá trừu tượng, nghĩa là đem một vật từ một lĩnh vực nào đó, lột bỏ những liên hệ và những tương quan với môi trường của nó, rồi nhét nó vào một quan niệm trừu tượng của cái gọi là lĩnh vực chuyên nghiệp, biệt lập, mà biên giới phá vỡ một cách tuỳ tiện tính hệ thống (liên hệ của một phần vào tổng thể) và tính đa chiều của các hiện tượng. Chuyên môn hoá trừu tượng còn dẫn đến cái trừu tượng số học. Trừu tượng này tự nó sẽ xa rời cụ thể, một phần vì nó có khuynh hướng ưu đãi tất cả những gì có thể tính toán và có thể công thức hoá, một phần khác vì nó không cần biết đến cái môi trường cần thiết để cho những đối tượng của nó có thể trở thành dễ hiểu. Ví dụ như kinh tế, một bộ môn khoa học xã hội tiên tiến nhất về phương diện số học lại là một bộ môn khoa học lạc hậu nhất về mặt nhân văn và xã hội. Bởi vì nó tự xa rời những điều kiện xã hội, lịch sử, chính trị, tâm lý, sinh thái, những điều kiện vốn không thể tách rời khỏi những hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, các chuyên gia của nó càng ngày càng không có khả năng giải thích những nguyên nhân và hậu quả của những rối loạn tiền tệ, chứng khoán, càng mất khả năng dự báo hướng đi của kinh tế ngay cả trong ngắn hạn. Cho nên sự thiếu năng lực trong khoa kinh tế lại thành một vấn đề hàng đầu của kinh tế. Tri thức chắc chắn phải dùng đến trừu tượng, nhưng vì tìm cách tự hình thành bằng cách tham chiếu bối cảnh, nên nó phải điều động cái mà kẻ hiểu biết biết được về thế giới. Franỗois Recanati (Phrăngxoa Rêcanati) đã từng viết(2): "Nắm được những phát biểu, rất khác với một sự giải mã đơn thuần, nó là một quá trình giải thích phi - môđun (không có tiêu chuẩn để đo đạc -ND). Nó phải điều động trí thông minh tổng quát và cần đến nhiều tri thức về thế giới". Như thế để nói rằng sự thấu triệt những dữ kiện đặc thù chỉ có thể đạt được nơi kẻ biết duy trì, bồi dưỡng trí thông minh tổng quát và điều động được tất cả những tri thức toàn diện của mình cho từng trường hợp cá biệt. Marcel Mauss (Mácxen Mốtx) nói rằng: "Cần phải tổ hợp tất cả lại", chúng ta nói thêm "cần phải điều động tất cả". Đương nhiên không thể biết được mọi điều của thế giới, cũng không thể nắm bắt được những biến hoá vô cùng đa dạng của chúng. Nhưng mặc dầu rất bấp bênh và khó khăn, chúng ta vẫn phải ra sức tìm hiểu những tri thức cùng những thông tin then chốt liên quan đến thế giới, nếu không chúng ta sẽ trở thành ngốc nghếch trên phương diện nhận thức và điều đó ở thời buổi này càng trở nên bức xúc hơn vì chính bản thân thế giới hiện đang là bối cảnh của toàn bộ tri thức chính trị, kinh tế, chính trị nhân loại, sinh thái v.v... Kỷ nguyên toàn cầu đòi hỏi phải đặt tất cả vào trong bối cảnh toàn cầu. Sự thấu triệt thế giới như là một thế giới trở thành một điều cần thiết cả về mặt trí tuệ lẫn sinh tồn. Đó là vấn đề phổ biến đối với mọi công dân: làm sao tự mở được cửa để tiếp thu tin tức của thế giới và làm sao đạt được khả năng sắp xếp, tổ chức những tin tức này? Nhưng để có thể sắp xếp, tổ chức tin tức, qua đó phân biệt, hiểu được những vấn đề của thế giới, cần phải tiến hành một sự cải tạo tư duy. Sự cải tạo này bao hàm việc bối cảnh hoá tri thức và tự khắc sẽ dẫn đến sự phức tạp hoá tri thức. Tư tưởng như những bộ phận rời Tư tưởng khi bị khu biệt, cắt xén, cô lập cho phép những chuyên gia nắm rất vững các lĩnh vực chuyên môn và hợp tác một cách hữu hiệu trong lĩnh vực của tri thức không phức tạp, nhất là lĩnh vực liên quan đến sự vận hành của máy nhân tạo. Nhưng lôgíc mà họ dùng lại áp đặt lên xã hội, lên quan hệ con người những ràng buộc, những cơ chế phi nhân của bộ máy nhân tạo và cái nhìn của họ có tính tất định luận, cơ giới luận, số lượng, công thức sẽ bỏ qua, che lấp hoặc hoà tan tất cả những gì thuộc về lĩnh vực chủ quan, tình cảm, tự do và sáng tạo. Ngoài ra, những đầu óc bị chia cắt thành từng mảnh, bị kỹ thuật-quan liêu hoá đã trở thành đui mù đối với những phản tương tác và đối với liên hệ nhân quả tuần hoàn, nên chúng thường nhìn những hiện tượng theo liên hệ nhân quả tuyến tính. Chúng chỉ nhận thức được những hiện thực sống động và xã hội bằng quan niệm cơ giới luận / tất định luận dùng cho các bộ máy nhân tạo. Nói một cách sâu rộng hơn, tinh thần kỹ thuật-quan liêu không thể có khả năng phát hiện cũng như nhận thức được cái tổng thể và cái cơ bản, tính phức tạp của những vấn đề nhân loại. Các vấn đề thì phụ thuộc lẫn nhau trong thời gian và không gian, thế mà những nghiên cứu chuyên ngành lại tách biệt vấn đề này ra khỏi vấn đề kia. Về vấn đề môi trường và phát triển đương nhiên là có một ý thức sơ bộ đưa đến việc đề cao những nghiên cứu liên ngành. Nhưng, mặc dù đã có khá nhiều kinh phí cho việc này, kết quả vẫn chưa có gì khả quan. Bởi vì bằng cấp, chức nghiệp, tiêu chuẩn đánh giá vẫn còn nằm tron!!!6590_9.htm!!!
Đã xem 16613 lần.
http://eTruyen.com