Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm hơn thường lệ. Sau khi chạy bộ một vòng từ Phòng Giáo Dục tới Bệnh Xá, tôi vòng trở lại, quay nước từ giếng lên đưa vào phòng tắm tắm rửa sạch sẽ xong mới thấy mọi người thức dậy. Tôi trở về phòng mình sắp xếp ngăn nắp, coi lại bản báo cáo và đề nghị xong thấy không cần sửa đổi gì nữa tôi qua phòng anh Nhật đưa cho anh, nói:- Đây là bản báo cáo và những đề nghị của em. Anh và anh Khoa cứ việc sửa đổi những chỗ cần thiết để đưa lên huyện và tỉnh.- Gớm, cậu chăm thế? Đã bảo cậu về lo nhà thăm gia đình trước rồi trở lại báo cáo cũng được mà.Tôi cười nói lại:- Tính em vậy đó. Làm gì làm cho xong, rồi còn lo việc khác. Với lại để lâu, em quên khuất đi hết.Tôi nói thêm:- Hôm qua, sau bữa tối, em có hỏi thử anh Ít. Anh Ít rất tán thành đề nghị này.Anh Nhật cười:- Thằng Ít thì đương nhiên rồi, tự nhiên nếu kế hoạch thành, nó sẽ thành cấp lớn.Tôi bào chữa cho anh Ít:- Anh Ít không phải ham chức tước đâu. Anh ấy thực sự lo cho đồng bào của anh ấy thôi. Anh biết mà, người lớn tuổi khó học lắm, huống chi mình lại ép buộc học tiếng Việt. Nếu cho họ động cơ học tiếng Jrai, rồi chuyển dần qua tiếng Việt em thấy dễ hơn.Anh Nhật nói:- Để xem trên huyện có thông qua không! Tớ chỉ sợ họ ngại chi tiền!Tôi nói:- Hiện giờ mình đang trả các giáo viên bổ túc văn hoá 36 đồng mỗi tháng. Anh có thể đề nghị huyện và tỉnh, trả mỗi giáo viên Thượng 18 đồng, như vậy cũng là nhiều vì họ không cần phải đi xa, không phải đi lao động tập thể ở các nông trường, em nghĩ họ sẽ đồng ý thôi. Cần là anh và anh Khoa nhất trí đề quyết lên trên. Anh Nhật cười:- Tớ mà không biết cậu làm việc hăng say xưa nay, và là người Kinh, tớ không chừng nghĩ cậu là FULRO nằm vùng, đang tìm cách đấu tranh nâng cao dân trí, chuẩn bị cho việc đòi quyền tự trị sau này cũng nên.Tôi giật mình sợ hãi nhủ thầm. "Anh Nhật này rất là tinh tế, mình phải cẩn thận, không chừng có ngày mệt với anh này!" Tôi nói với anh Nhật, "Em mà là FULRO thì anh là Tướng FULRO, xưa nay làm việc gì cũng thông qua anh mà!"Tôi nghĩ bụng từ nay mình phải cẩn thận trong mọi hành động, không phải là trong Phòng Giáo Dục là không có những cáo già chính trị luôn luôn có những nghi ngờ tuy không nói ra ngoài miệng. Tôi biết việc tôi đang làm với Nhung và các bạn của Nhung mà lộ ra thì tôi sẽ mất việc ngay lập tức và kế hoạch dạy tiếng Jrai cho người Thượng cũng tan thành mây khói. Tôi sẽ không thoát ra khỏi vòng tù tội nữa. Tôi xin phép anh Nhật đi xuống làng Kờ Mông đón Du và các bạn lên gặp các anh chị trong Phòng Giáo Dục trước khi ra chỗ xe đò để trở về thị xã Pleiku. Anh Nhật cười:- Cậu mai này nói với cô Du làm sao đây? Tớ tưởng cậu với cô Du chứ!Tôi bào chữa:- Tại các anh chị nghĩ vậy thôi! Chứ tụi em toàn là bàn luận về thơ Bác Hồ, Tố Hữu, Giang Nam, và các nhà thơ cách mạng khác, chứ có bao giờ nói chuyện tình yêu riêng tư đâu!Anh Nhật xua tay:- Thôi để cậu đi! Có ngày cậu chết vì các cô cho mà xem.Tôi chẳng chờ anh nói thêm, phóng ra khỏi cửa, đi lên làng Kờ Mông liền, đem theo sáu quả trứng gà còn lại do bầy gà tôi nuôi sau nhà bếp đã từng cung cấp cho cả Phòng Giáo Dục ăn sáng. Ở đâu cũng vậy, "Có thực mới vực được đạo!" Bố tôi thường nói vậy! Và dặn tôi, "Mày đi đâu, làm cái gì, cũng coi tình hình địa phương mà hoà nhập, làm vườn trồng rau, nuôi gà, câu cá để tự lực cánh sinh! Đi vào nơi thâm sâu nước độc, mà thiếu dinh dưỡng thì chỉ nạp mạng cho rừng thiêng!"Phòng Giáo Dục nằm trên một con dốc, nhìn xuống một đầm khá lớn, mà mỗi tối anh Ít và tôi thường xuống cắm câu rồi sáng ra đi nhổ câu bắt cá. Dọc theo đường có những bụi hoa quỳ vàng sặc sỡ, nhất là sau một trận mưa làm trôi đi những bụi bặm do đất đỏ phủ lên. Phòng Giáo Dục và Bệnh Xá là hai nơi được xây bằng xi măng, còn những nhà trên đây toàn là nhà sàn của người Thượng làm bằng phên tre, mái lá còn nhà của người Kinh đi vùng kinh tế mới trên này cũng đơn sơ, vách cỏ tranh, mái cỏ tranh, trông thật nghèo khổ.Vùng kinh tế mới này nằm ngay vị trí của xã Thạnh Đức dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm có khoảng 60 hộ, tức là 60 gia đình người Kinh, nên xe đò mỗi ngày vào ra một chuyến mà thôi. Vậy là cũng may, có những vùng kinh tế mới cả tháng mới có một chuyến xe ra vào. Vì nơi đây có Phòng Giáo Dục của huyện và Bệnh Xá cấp Huyện nên mới có xe thường xuyên mỗi ngày như vậy thôi.Khi tôi tới nhà cô Liễu thì Nhung, Tuyết, Hoàng cũng đã sửa soạn xong rồi. Tôi hỏi, "Đêm qua mọi người ngủ ngon không, đã ăn gì chưa?" Tôi đưa cho Liễu sáu quả trứng. Liễu cười nháy mắt hỏi tôi:- Gà của anh đó hởNhung cùng lúc cũng nhanh nhẹn nói:- Ngủ ngon lắm. Bọn em được nghe cô Liễu kể nhiều chuyện về anh nữa nè!Tôi nhìn cô Liễu hỏi:- Liễu lại nói xấu Quang rồi phải không? Nhung, Tuyết và Hoàng về thị xã học lại thì Quang bị nhừ đòn!Tôi nói với cô Liễu:- Liễu đã viết thư gì về cho gia đình chưa? Quang sẽ về, ghé thăm, Liễu cần gì thì ghi vào giấy Quang đem lên cho.Cô Liễu nhìn tôi nói:- Anh Quang cho Liễu về với!Tôi lắc đầu:- Liễu về rồi ai dạy ở đây! Thôi để khi Quang trở lại nếu sắp xếp xong, Quang xuống đây dạy thế cho ít ngày để Liễu về thăm gia đình.Cô Liễu mừng rỡ ra mặt, nói:- Thật nha anh Quang!- Ừ thì thật mà. Quang có nói dối với Liễu bao giờ đâu!Liễu vội vàng viết thư trong khi Nhung, Tuyết, Hoàng ăn cơm ngon lành với trứng tôi vừa chiên trong khi Liễu viết thư. Nhung nói to:- Hôm qua, cô Liễu đãi bọn em ăn canh bí đỏ. Cô Liễu nói anh cung cấp, đúng không?Tôi phì cười:- Làm như Quang là nhà thầu không bằng. Mấy thứ đó là do Quang đi đổi thuốc lá với đồng bào ở đây, rồi chia cho giáo viên ở đây mỗi người một ít, chứ có gì đâu! Công tác dân vận đó mà!Thực sự là nhờ tôi biết được tiếng Thượng, lại hoà đồng với dân ở đây, nên việc tôi đổi thuốc lá, vật dụng lặt vặt rồi chia cho các giáo viên ở đây Phòng Giáo Dục và mọi người ở đây ai cũng biết. Lúc đầu, có người chọc tôi là học tiếng Thượng để buôn bán, xin ăn, chứ không biết là nhờ biết tiếng Thượng tôi đã đi sâu vào tâm tư của đồng bào trên đây. Ngôn ngữ là khởi đầu của mọi quan hệ, lúc đầu là ngôn ngữ múa tay muá chân tìm lời, sau đó thành thuần nhuyễn... Công lao của anh Ít đối với tôi thật nhiều, tôi hy vọng tôi có thể giúp anh hoàn thành ước nguyện mở một đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số để dạy tiếng Jrai cho dân tộc của anh.