Hẳn có nhiều độc giả muốn biết dòng đời tiếp theo của tác giả và số phận của tu viện Tsaparang, vì thế mà có phần này. Sau khi vượt đèo về lại Ấn Độ khoảng tháng 7.1949 Govinda và Li Gotami đến Simla, một thành phố phía Bắc Ấn. Đó là nơi hai ông bà gặp lại đời sống đô thị, thấy lại ô tô trên đường phố, ăn kem lạnh. Khoảng năm 1950 hai ông bà định cư tại Deolali gần Nasik, một thành phố phía Tây Ấn Độ cách Bombay quê quán của Li Gotami, khoảng hơn 100km. Suốt 10 năm sau đó hai ông bà ở tại miền đồng bằng này, dạy học, viết sách. Năm 1952 Govinda thành lập hội Arya Maitreya Mandala. Cũng trong thời gian này Govinda liên hệ mật thiết với một học giả lừng danh khác, Evans-Wentz, thảo luận và bổ túc thêm cho cuốn Tử Thư (Bardo Thodol) do vị này xuất bản. Khoảng năm 1960 Govinda nhận lời của Evans-Wentz đến Kasar Devi, gần Almora thuộc miền Bắc Ấn, khá gần biên giới Tây Tạng và Nepal và sống tại đó gần 15 năm. Đó là một căn nhà nhỏ của Evans-Wentz, nơi cuốn Con đường mây trắng này, bản tiếng Anh và tiếng Đức ra đời. Đây cũng là thời gian Govinda viết các tác phẩm quan trọng khác như Grundlagen tibetscher Mystik (Cơ sở mật tông Tây Tạng), Logic and Synbol in the Multi-Dimensional Conception of the Universe (Ý nghĩa và biểu tượng trong nhận thức nhiều chiều về vũ trụ)… Sau khi các tác phẩm này được sự chào đón nồng hậu, Govinda và Li Gotami đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới. Tháng 7.1975, nhận lời mời cả một lạt ma tại Mỹ, Govinda và Li Gotami sang định cư tại California. Khoảng năm 1978 sức khỏe của Govinda bắt đầu giảm nhưng ông vẫn làm việc tiếp tục. Năm 1979 hơn 30 năm sau khi đi Tsaparang, Li Gotami cho ra đời tác phẩm Tibet in pictures (Hình ảnh Tây Tạng). Năm 1981 Govinda viết xong và xuất bản cuốn Die innere Struktur des I Ging (Cấu trúc nội tại của Kinh Dịch), trong đó ông khẳng định sự tương thích rõ rệt giữa Phật giáo và Kinh dịch. Tháng giêng năm 1985 Govinda từ trần sau một cơn đau tim, chết yên lành trong tay người vợ và là người bạn đồng hành tuyệt vời Li Gotami, thọ 87 tuổi. Vài tháng sau Li Gotami trở về quê hương Ấn Độ và từ trần trong tháng 8.1988. Còn tu viện Tsaparang, cũng như số phận của các tu viện chùa chiền tại Trung Quốc và Tây Tạng, phải chịu sự hủy phá do con người gây ra trong cuối những năm 60 của thế kỷ này dưới một chiến dịch mang tên là “Cách mạng văn hóa”. Tại đất nước Trung Quốc mênh mông với một nền văn hóa thâm hậu này, những hồng vệ binh trẻ tuổi đã phá hủy vô số đền đài tranh tượng do tiền nhân của họ để lại. Thế nhưng, ngày nay người ta biết hồi đó nếu không có Thủ tướng Chu Ân Lai ra tay can thiệp thì qui mô tàn phá còn ghê gớm hơn nữa. Sau khi bị phá phách, tu viện Tsaparang phải đóng cửa mãi cho đến năm 1985. Ngay sau khi Tsaparang được chính quyền cho phép viếng thăm lại, có hai người Đức tên là H.Weyer và J.C.Aschoff đến đây trong tháng 5.1986. hai ông đã chụp hình màu các đền thờ màu đỏ, màu trắng và các tranh tượng trong đó mà Govinda và Gotami đã khổ công sao chép gần 40 năm trước. Những hình này hẳn phải là hình màu đầu tiên của tu viện vô song này. H.Weyer và J.C.Aschoff đã tập hợp các hình này và cho xuất bản trong tập sách mang tên “Tsaparang - Tibets grosser Gehimnis” (Tsaparang - Chốn ẩn mật của Tây Tạng). Qua tập sách này ta thấy nhiều tranh tượng mà Govinda mô tả này đã mất hẳn, một số khác bị hư hại. Phần lớn các bích họa còn nguyên vẹn và màu sắc còn hết sức đậm đà. Ngược lại, các tượng Phật đã bị hủy hoại nhiều, tượng nào cũng bị mổ ngực, mổ bụng vì người ta hy vọng tìm thấy vàng bạc trong đó. Người dịch tình cờ tìm thấy tập sách nầy sau khi đã hoàn thành bản dịch Con đường mây trắng và cho rằng đây là một nhân duyên to lớn nên lấy một hình của tập sách để độc giả tham khảo. Bức tượng nầy trình bày Đại Nhật Phật, còn có tên là Tì-lô-giá-na (Vairocana) trong đền thờ màu trắng của Tsaparang. Đây là bức tượng bốn mặt của vị Phật tượng trưng cho Pháp thân, đã bị con người mổ ngực tìm vàng (tr.15). Hình tượng nầy một mặt biểu hiện trình độ nghệ thuật xuất sắc của nghệ nhân Tây Tạng ngày xưa, mặt khác cho thấy sự thô bạo của con người thời nay. Ngày nay du khách có thể đến thăm Tsaparang và ta thấy đã có đường xe hơi chạy ngang Ngân Sơn, giữa hai hồ Manasavar và Rakastal cũng như đường dẫn đi Tsaparang và các tranh tượng vô giá trong đó vẫn còn đời sống với thời gian, đúng như linh ảnh của Govinda được mô tả trong chương đầu tiên của cuốn sách này. NGUYỄN TƯỜNG BÁCH Tháng 10.1999 KHÁI QUÁT VỀ TÂY TẠNG Trước kia Tây Tạng là một nước độc lập, nay là một khu hành chính ngang với cấp tỉnh của Trung Quốc. Nằm về phia tây nam Trung Quốc. Tên chính thức: Khu tự trị Tây Tạng (Xiang Autonomous Region). Phía bắc giáp Khu tự trị Tân Cương (Xinjiang Uygur Autonomous Region) và tỉnh Thanh Hải (Quinghai Province). Phía đông giáp tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) và Vân Nam (Yunnan). Phía nam giáp Myanmar, Ấn Độ, Bhutan và Népal. Và phía tây cũng còn giáp với Ấn Độ. So với vị trí các quốc gia trên toàn thế giới thì Tây Tạng là nơi có địa thế cao nhất, xứ sở này nằm ở độ cao trung bình 4875m. Chính vì vậy nó còn được gọi là xứ trên mái nhà của thế giới (theo Roof of the World). Đồng thời là khu biệt lập nhất trên thế giới, nó bị những dãy núi cao bao bọc ở ba phía. Phía nam: dãy Hỵmalaya, phía tây: dãy Karakorum, phía bắc; dãy Côn Luân (Kunlun). Tổng diện tích: 1.2 triệu km2. Thủ phủ cũng chính là thành phố lớn nhất: Lhasa. ĐIỆN POTALA Ở LHASA Nằm trên một ngọn đồi cao 980ft (khoảng 330m) so với thành phố Lhasa. Điện này là chốn tu trì và điều hành mọi việc thế tục cũng như tôn giáo, là nơi đã chứng kiến bao thăng trầm của nhiều đời Đạt lai lạt ma và của cả lịch sử dân Tây Tạng. Trong điện đặc biệt có hai căn phòng đã tồn tại từ thế kỷ thứ 7 đến nay. Điện này có hai khu vực được đặt tên theo màu tường bên ngoài của từng phần “Bạch dinh” (Dinh thự trắng 1645-1682) dưới triều của Đạt lai lạt ma thứ 5 và “Xích dinh” (Dinh thự đỏ 1682-1693). Hiện nay hai dinh thự này được sát nhập lại mặc dù trước đó mỗi dinh thự có một chức năng khác nhau. Bạch dinh có phòng họp, cả một xưởng in và một số khu nhà ở. Xích dinh có nhà nguyện, am thất và hầm mộ của tám Đức Đạt lai lạt ma. Mái của dinh được thếp bằng đồng. Toàn bộ công trình kiến trúc cao 137 tầng, rộng 400m, sâu 350m có 1000 phòng. Bây giờ ngay trong điện Potala còn có một viện bảo tàng. ĐẤT ĐAI VÀ TÀI NGUYÊN Toàn bộ phần phía nam của Tây Tạng nằm gọn trong dãy Himalaya mà trong đó nhiều ngọn núi cao nhất của thế giới thuộc về dãy này. Một số các ngọn núi chính là Everest (8850m - cao nhất thế giới), Namzha Parwa (7756m) và Gurla Mandhata (7728m). Còn có một dãy Himalaya khác nữa mà người ta gọi là Xuyên Himalaya (Trans Himalaya) ở phía bắc mà đỉnh của nó cao hơn 7300m. Nằm giữa hai dãy này là một thung lũng có con sông trải dài khoảng 1000km từ đông sang tây. Con sông Brahmaputra là sông chính ở đây (người Tây Tạng quen gọi là sông Yarlung Zangbo). Nó chảy từ tây sang đông và đi qua hầu hết khu vực này. Dãy Xuyên Himalaya nghiêng từ phía bắc đổ xuống cao nguyên Tây Tạng. Cao nguyên này trải dài ra phía tây tới dãy Kasakohu và trải dài ra phía bắc tới dãy Côn Luân. Cao nguyên Tây Tạng này thỉnh thoảng cũng có núi và có độ cao trung bình 4570m. Nó hơi dốc từ phía nam sang phía đông. Phần phía đông của Tây Tạng là một khu vực có địa hình gồ ghề với một số dãy núi nằm theo hướng bắc nam và có một số thung lũng sâu nằm rải rác. SÔNG NGÒI, AO HỒ Tây Tạng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông chính trên lục địa châu Á. Sông Brahmaputra là con sông quan trọng nhất Tây Tạng. Các sông Ấn, Hằng và sông Sutlej ở Ấn Độ là thượng nguồn (headwater) ở miền tây Tây Tạng. Có một số con sông như Salueen (Nu Jiang) bắt nguồn từ trung Tây Tạng, còn thượng nguồn của sông Mékong (Langcang Jiang), Trường Giang (Dương Tử - Chang Jiang)(55), Hoàng Hà bắt nguồn ở miền bắc Tây Tạng. Nhiều sông ở Tây Tạng có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn. Cao nguyên Tây Tạng có nhiều hồ nước mặn nằm rải rác, chẳng hạn như hồ Ngangla Ringco ở phía tây và hồ Namco (Na mutso ) ở phía đông). KHÍ HẬU Tây Tạng có một khí hậu bán khô cằn, khắc nghiệt. Lượng mưa trung bình hàng năm chỉ vào khoảng 311mm. Nhiều vùng khác mưa còn thấp hơn thế nhiều. Vùng đông nam là vùng có lượng mưa nhiều nhất. Núi và cao nguyên thường lạnh vơi các cơn gió lạnh thổi quanh năm. Còn khí hậu tương đối cân bằng nhất chỉ có ở vùng ven sông. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 1.10C. Sau hoàng hôn, nhiệt độ giảm khá nhanh, đây là đặc trưng của Tây Tạng.TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN Tây Tạng có rất nhiều tài nguyên khoáng sản, nhưng rất ít được khai thác. Nhiều khu vực có quặng vàng. Cũng có mỏ với lượng đồng đáng kể, sắt, than và các mỏ muối, borax. Ngoài ra còn có khoáng sản mangan, phosphor, đồng, kẽm, thạch anh, đá grafit, đá tổ ong… Các loại đá qúy như ngọc bích, ngọc thạch và nhiều loại đá quý khác cũng có ở đây. TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI Cây cỏ ở cao nguyên Tây Tạng rất thưa thớt. Loại thảo mộc mà Tây Tạng có là cỏ và bụi rậm. Ở vùng cực tây và cực đông có rải rác rừng. Trung nguyên đầy hoa cỏ chủ yếu tập trung ở thung lũng Brahmaputra, sông Ấn (Indes) và sông Sulej. Các vùng này thích hợp với một số loại cây đặc biệt chẳng hạn như sồi, trắc bá, bạch dương và phong. Những cây ăn quả như táo, lê, đào, mận cũng được trồng trong các thung lũng ven sông. Động vật hoang dã ở Tây Tạng rất đa dạng. Vùng núi có nai Musk, cừu hoang, dê rừng, lừa rừng, trâu Yack, giống linh dương Tây Tạng. Những động vật lớn có vú là báo, cọp, vài loại gấu, chồn, chó sói và khỉ. Chim muông có ngỗng đầu trọc, hải âu, le le và những loại vịt, ngan, ngỗng cũng như giống chim trĩ và gà gô cát rất dễ thương. DÂN SỐ Người Tây Tạng chiếm đa số với một số cộng đồng dân tỵ nạn từ Nepal và Ấn Độ. Một cộng đồng thiểu số khác người Hoa, càng ngày càng tăng do di dân từ bình nguyên Trung Quốc sang. Ngôn ngữ chính là tiếng Tây Tạng, một nhánh của hệ Hán Tạng. Một bộ phận lớn cư dân sống đời du mục và bán du mục. Theo số liệu thống kê chính thức Tây Tạng có 2.200.000 người. Hai triệu người Tây Tạng khác sống lưu vong ở Népal, Ấn Độ và Trung Quốc. Tây Tạng là nơi có mật độ dân số thấp nhất trong tất cả các tỉnh Tây Tạng và các vùng khác của Trung Quốc: 1,5người/km2. Thành phố chính duy nhất là Lhasa (với số dân 124.000 người - Thống kê 1992). Thành phố lớn thứ nhì là Sigazé. KINH TẾ Các hoạt động kinh tế ở Tây Tạng chủ yếu xoay quanh nông nghiệp tự cung tự cấp. Nuôi gia súc cũng khá phổ biến ở cao nguyên Tây Tạng này. Người ta nuôi cừu, trâu bò và dê. Ngoài ra còn có lạc đà, yak, ngựa. Những vùng có cỏ cho gia súc gặm được rất ít, chủ yếu tập trung ở các thung lũng ven sông. Các vụ mùa chính là lúc mạch, lúa mì, kiều mạch, lúa mạch đen, khoai tây và một số loại rau trái. Người ta cũng khai thác một số mỏ than nhằm sản xuất có mở rộng nhưng cũng chỉ giới hạn ở các nhà máy quy mô nhỏ. Các thiết bị điện tử và công nghiệp vải sợi và các ngành chủ yếu. VĂN HÓA TƯ TƯỞNG Tây Tạng theo tôn giáo truyền thống là Lạt ma giáo. Đây là một nhánh của đạo Phật - nhánh duy nhất với hình thức phát triển cao là Phật giáo Mật tông (esoteric). Ngoài ra ở Népal và Mông Cổ cũng có một số người theo đạo này. Sự hành trì tôn giáo rất nghiêm nhặt. Lạt ma giáo tiếp thu một số yếu tố của tín ngưỡng bản địa là đạo Bon. Đạo Bon là một hình thức Phù thủy (Shamanum) có trước khi Phật giáo du nhập và Tây Tạng. Đến bây giờ vẫn tồn tại, mặc dù nó đã bị pha tạp nhiều. Ngoài ra ở Tây Tạng cũng có cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo, Kitô giáo và Hindu. Từ khi Tây Tạng sát nhập vào Trung Quốc năm 1950, tôn giáo đã bị kiểm soát chặt chẽ và Cách mạng văn hóa Trung Quốc năm 1966, Hồng vệ binh (Red Guard) đã phá hủy khoảng 2700 ngôi đền. Nền văn hóa truyền thống của Tây Tạng cũng dựa trên nền tảng Lạt ma giáo. Tính chất Mật giáo (exoteric) cao. Ở Tây Tạng còn lưu giữ tương đối đầy đủ một số bộ kinh Đại thừa quý. Lạt ma giáo có nhiều lễ, hội. LỊCH SỬ Dường như người dân Tây Tạng đã di cư vào khu vực thung lũng sông Hoàng Hà và cùng ở chung với các nhóm dân du mục Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày xưa Tây Tạng được chia thành các tiểu quốc, đến thế kỷ trhứ 6 thì vua Gnamri Srong-brtsan (Luân Tán Lộng Nang) đã thống nhất các tiểu quốc này. Srongtsen-Gampo (Tùng Tấn Can Bố, 617-651) lên ngôi lúc 13 tuổi. Nhưng năm sau ông cho xây dựng hoàng cung ở Potala và dời quốc đô về đây. Sau đó ông đã bành trướng đế quốc ra đến Népal, phía tây Tây Tạng và một phần Ấn Độ, thậm chí còn tạo được mối bang giao qua hôn nhân với triều Đường. Đường Thái Tông đã gã công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Can Bố. Từ đó du nhập đạo Phật vào Tây Tạng, du nhập một loại chữ viết của Ấn Độ, đồng thời du nhập các nền kỹ thuật canh nông tiên tiến của Trung Hoa. Từ thế kỷ thứ 7, quân đội Tây Tạng bắt đầu tấn công biên giới Trung Quốc dọc theo con đường tơ lụa. Sự xâm lăng này lên đến cao trào vào năm 763, quân dân Tây Tạng tiến vào đất Trung Quốc, bị cuộc nổi loạn An Lộc Sơn đánh tan tác và An Lộc Sơn chiếm luôn kinh đô Trường An (Changian), bây giờ là Tây An (Xian). Cũng vào khoảng cùng thời gian đó nhà sư (theo bán truyền thuyết) lừng danh của Ấn Độ là Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) đến truyền giáo và hoằng pháp tại Tây Tạng. Sự hoằng pháp này thành công mỹ mãn dươi thời vua Khri-Srong-Ide-brtsan và Liên Hoa Sinh đã sáng lập nên dòng tu Bsam-yas (Samye). SỰ CAI TRỊ CỦA MÔNG CỔ VÀ LẠT MA GIÁOVào khoảng gần cuối thế kỷ thứ 10, vương quốc Tây Tạng bắt đầu phân rã, cuối cùng tạo thành nhiều lãnh địa manh mún. Phật giáo có lúc bị lu mờ vào khoảng giữa thế kỷ thứ 11, nhưng các nhà truyền giáo Ấn Độ đã kịp thời khôi phục lại, các tu viện vẫn tiếp tục truyền thống tôn thờ những vị tái sinh, thông thường cũng là trưởng tu viện, đôi khi chỉ là một cậu bé được người ta tin rằng là hậu thân của vị lạt ma trước. Năm 1240, một đội quân Mông Cổ xâm lược đã tấn công nhiều tu viện; năm 1247, Hốt Tất Liệt đã chỉ định một trong những vị lạt ma hàng đầu làm phó vương lâm thời cho mình ở Tây Tạng. Về mặt hành chính, đất nước Tây Tạng bị tổ chức lại dưới sự bảo hộ của Mông Cổ. Tây Tạng lấy lại được nền độc lập sau khi triều Nguyên của Mông Cổ sụp đổ vào năm 1368. Những tu viện đối lập đã giành lại chính quyền từ tay vị lạt ma Phó vương. Chính quyền thế tục này dã được lấy lại vào thế kỷ thứ 15. Phật giáo Tây Tạng đã được hồi sinh nhờ công của nhà cải cách Tsongkhapa (Tông-khách-ba), người sáng lập nên dòng tu mũ vàng (hoàng mạo). Năm 1587 vị trưởng dòng tu đời thứ ba nhận tước hiệu Đạt lai - có nghĩa là rộng như làđại dương - từ tay Altakhan, một vị hãn người Mông Cổ. Vị hãn này trên danh nghĩa là phó vương (khan-viceroy). Altal cũng đã đem người dân Mông Cổ đặt dưới quyền lực tôn giáo của Đức Đạt lai lạt ma. Vị trưởng dòng tu Gelugpa đời thứ tư được cho là đã tái sinh vào gia đình Altal,và lực lượng quân Mông Cổ đã vào Tây Tạng để thực hiện yêu sách của vị tái sinh nhưng bị chống đối bởi dòng tu Karmapa và giới quý tộc quyền thế của Tây Tạng. Đến năm 1642, liên minh Mông Cổ - Gelugpa đã thiết lập một chính quyền thống nhất trên toàn cõi Tây Tạng dưới sự cai quản của Đạt Lai lạt ma. Vào đầu thế kỷ thứ 18, người Mông Cổ và triều Thanh ở Trung Quốc đều liên quan đến một vị Đạt lai lạt ma đời thứ sáu bị truất phế như một kẻ mạo danh. Năm 1720, quân đội Trung Hoa đánh bật quân Mông Cổ ra khỏi Tây Tạng và được đón chào khá nồng nhiệt ở Lhasa; hoàng đế nhà Thanh trên danh nghĩa cai quản toàn bộ đất Tây Tạng và cơ sở những đại diện của mình cũng như những đơn vị đồn trú của mình ở Lhasa, còn chính quyền thì nằm trong tay các vị Đạt lai lạt ma. Sự can thiệp triệt để nhất cả nhà Thanh tại Tây Tạng vào năm 1792 khi quân đội Trung Hoa giúp Tây Tạng đánh bại sự xâm lược của người Gurka từ Népal. Trong lúc đó, các quan chức người Anh tại nước thuộc địa Ấn Độ đang muốn giành một chỗ đứng ở Tây Tạng. Những cố gắng của họ xưa nay chưa có kết quả, chủ yếu là do sự phản ứng của Tây Tạng trước việc xâm lăng của người Gurka do Anh quốc hậu thuẫn. Mọi người ngoại quốc chỉ trừ người Trung Hoa đều bị trục xuất khỏi Tây Tạng vào năm 1782. Nhà Thanh không hề giúp đỡ gì cho người Tây Tạng trong cuộc chiến với người Ladakh vào năm 1842 và với Népal năm 1858. Năm 1904, Tây Tạng đã tương đối độc lập với Trung Hoa, nhưng lại bị quân Anh xâm lược; người Anh lo sợ ảnh hưởng của Nga tại xứ này. Sự xâm lăng này đã đặt nền tảng cho một hiệp ước song phương Trung - Anh vào năm 1796. Theo những điều khoản của hiệp ước này, hoàng đế Trung Hoa được nhìn nhận là có chủ quyền với nước Tây Tạng, trong khi Tây Tạng lại chẳng hề được hỏi ý kiến về vấn đề này. Hiệp ước cũng nói đến việc trả một số tiền bồi thường lớn cho quân Anh để họ rút quân khỏi Tây Tạng. Vào năm 1907, chính quyền Anh và Nga ký một hiệp ước không can thiệp vào nội bộ Tây Tạng. ĐỘC LẬP TRÊN DANH NGHĨA Hiệp ước Trung - Anh đã tạo điều kiện cho nhà Thanh xâm lược Tây Tạng vào năm 1910. Nhưng sau đó nhờ cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh vào năm 1912, Tây Tạng đã dành được độc lập trên danh nghĩa từ tay Trung Quốc. Mọi quân nhân người Trung Hoa bị trục xuất khỏi Tây Tạng. Năm 1914, một hội nghị tổ chức tại Simla quy tụ đại diện của các chính quyền Anh, Trung Quốc, Tây Tạng, một hiệp ước thăm dò được đặt ra để quy định các mối bang giao song phương và đường biên giới giữa cá nước. Hiệp ước cũng quy định một nước Tây Tạng tự trị và chủ quyền của Trung Quốc tại một vùng gọi là nội Tây Tạng (inner Tiber), vùng tiếp giáp với Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc sau đó đã phản đối hiệp ước nầy. Năm 1918 quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Tây Tạng bắt đầu chuyển hướng qua xung đột quân sự; một lệnh ngừng bắn được đưa ra dưới sự giúp đỡ của người Anh, vào tháng 9 cùng năm. Những cố gắng hòa giải xung đột này đều không thành công và chống đối lại nổ ra vào năm 1931. Các vị Đạt lai lạt ma vẫn tiếp tục điều hành Tây Tạng như một quốc gia độc lập. SÁT NHẬP VÀO TRUNG QUỐC Tháng 5-1951 một hiệp ước đã được ký trong đó quy định rõ quyền hạn của Đức Đạt lai lạt ma là các vấn đề nội vụ, còn quyền hạn của Trung Quốc là các vấn đề quân sự và ngoại giao. Trong năm 1952, Trung Quốc đã xây dựng các sân bay tại một số vùng của Tây Tạng và tiếp tục xây dựng các tuyến đường nhằm mục đích phát triển giao thông liên lạc. Một năm sau dó Ấn Độ công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và rút các đội quân đang đóng tại hai đồn giao dịch thương mại ở biên giới. Đức Đạt lai lạt ma sau đó được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Quốc gia. Theo những điều khoản của một hiệp ước được ký kết vào tháng 4.1955, Ấn Độ nhường lại cho Trung Quốc quyền kiểm soát hệ thống điện thoại, điện tín và dịch vụ bưu chính của Tây Tạng. Một Ủy ban được lập ra vào năm 1956 để soạn thảo hiến pháp cho Tây Tạng, Đức Đạt lai lạt ma được chỉ định làm chủ tịch. Năm 1965 Tây Tạng chính thức là một Khu tự trị của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa cho đến nay.