Dòng nước chảy mạnh quật ngã giáo sư. Ông ngã đập đầu gối lúc bên này lúc bên kia. Nước xô vào ông, trùm kín từ đầu. Nhưng ông vẫn đứng dậy bước thận trọng từ tảng đá này sang tảng đá khác, tiếp tục đi. Karik và Valia nằm trong tay ông như những xác chết. Mắt chúng nhằm nghiền, tay buông thõng yếu ớt, chân lết trên mặt nước. Giáo sư thở hổn hển thì thầm nói: - Không sao, không sao! Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Ông ôm chặt chúng hơn nữa vào lòng. Cuối cùng đã đến được bờ. Giáo sư đặt Karik và Valia xuống đất, ngồi xổm xuống bên cạnh, bắt đầu dùng tay chà xát bọn trẻ. Ivan Germogenovich lẩm bẩm: - Thôi đi mà! Các cháu làm sao thế? Ông nắm tay chân chúng, co vào kéo ra, lật sấp chúng lại. Nhưng tất cả đều vô ích. Bọn trẻ nằm bất động, mắt nhắm nghiền, môi tím ngắt mím chặt lại. Ivan Germogenovich cau mày: - Biết chữa chạy cho các cháu thế nào đây? Ông xoa tay vào trán rồi bỗng mặt ông rạng rỡ vui mừng. Giáo sư chợt nhớ ra phương pháp cũ xưa nay đã bị lãng quên, để cứu người chết đuối. Ông nhanh nhẹn nhỏm dậy, tóm lấy chân Valia dốc ngược người lên rồi lắc mạnh. Nước chảy ra từ miệng và mũi Valia. Valia rên lên. Ivan Germogenovich sung sướng. - Rên được rồi! Tốt lắm! Vậy là cháu sẽ sống! Đặt cô bé xuống đất, ông bắt tay vào chữa cho Karik. - Một! Hai, nào! Miệng Karik ứa ra một thứ nước đục. - Bây giờ thì xin cậu cũng nằm xuống đây. Bọn trẻ ho sặc sụa rồi mở mắt ra. Chúng nó nhìn không hiểu gì cả. Trước mắt chúng là Ivan Germogenovich. Bác Ivan Germogenovich thực sự sống hẳn hoi. To lớn, râu ria, đúng như chúng vẫn quen thấy ông hàng ngày. Sung sướng quá, bọn trẻ không nhận ra rằng giáo sư ăn mặc khá lạ lùng. Chúng nhìn vào mặt ông, cặp mắt đôn hậu tươi cười của ông, chòm râu bạc bù xù của ông. - Bác Ivan Germogenovich! – Valia kêu lên. Cô nhảy xổ vào lòng ông, khóc nức lên vì sung sướng. - Thôi nào, thôi nào! – Giáo sư vuốt tóc cô, bối rối húng hắng ho – Bây giờ thì việc gì mà khóc? Valia quệt nắm tay vào khuôn mặt đầy nước mắt và mỉm cười. - Đó là... đó là... nước đấy bác ạ... Bao nhiêu là nước! - Ừ, nhiều thật đấy! – Ivan Germogenovich đồng ý – Thôi, còn bây giờ hãy nói cho bác nghe ai cho phép các cô cậu tự tiện làm bậy trong phòng làm việc của bác? Bọn trẻ cúi đầu. - A, bây giờ thì các cô cậu im lặng! Quên cả nói năng rồi ư? Bọn trẻ thở dài. Chúng đứng trước mặt giáo sư, sũng ướt, khổ sở không dám ngẩng đầu lên. Karik cúi đầu thấp đến nỗi cằm đụng cả vào ngực còn đang dính bùn ướt. Valia quay mặt đi. - Thế nào, sao cô cậu im lặng thế? Karik khịt mũi, thở nặng nhọc, còn Valia thì thở dài não nuột. Giáo sư động lòng thương bọn trẻ. Ông ôm chúng vào lòng, cười nói: - Bọn kẻ cướp! Có ai ngờ làm bậy đến thế... Ngốc ơi là ngốc... Vậy mà bác suýt phát điên lên. - Bọn cháu vô tình lỡ phải... - Valia nói, vừa cuốn những sợi tóc ướt vào ngón tay. Karik kinh ngạc nhìn em: nói dối rồi – nhưng cậu không nói gì cả. - Thôi, thôi. Bao giờ về đến nhà, mẹ sẽ cho cô cậu biết thế nào là “vô tình lỡ phải”. Bác chỉ sợ mẹ cháu sẽ “vô tình lỡ” đánh đòn cho một trận. Karik ngẩng đầu lên nói: - Mẹ cháu không bao giờ đánh chúng cháu đâu. Giáo sư vuốt sợi ria bạc buồn rầu nói: - Hồi bác còn bé thì bác bị đánh ghê lắm. Cả bằng roi lẫn bằng gậy. Nước Nga lúc đó còn man rợ lắm... Thôi, được rồi! Bây giờ thì ta đi về với bà mẹ không bao giờ đánh các cháu. Bác nghĩ thật hạnh phúc được nhìn bà mẹ như thế mỗi ngày mấy lượt. Có đúng thế không nào? - Thế đi đâu hả bác? - Sao lại còn đi đâu nữa? Cố nhiên là đi về nhà chứ sao! Valia nhảy nhót vỗ tay: - Về nhà thôi! Về nhà thôi! Karik hỏi: - Bác Ivan Germogenovich ơi, về nhà đi có xa lắm không? Liệu một giờ đồng hồ có đến nơi không? - Một giờ ư? Không được đâu. Giáo sư lắc đầu: - Bây giờ thì mười tiếng đồng hồ ta cũng không đi đến nơi được... Vì chúng ta đang ở cách xa nhà gần cả chục kilômét. Valia nhảy lên: - Ô! Thế thì tốt quá! Chúng ta sẽ chạy. Chạy khoảng một tiếng đồng hồ là tới nơi mà. - Hừ... - Ivan Germogenovich hắng giọng bối rối – Trước kia... đúng hơn là mới sáng nay thôi, chúng ta còn có thể đi mười kilômét trong 2 giờ. Nhưng bây giờ thì phải mất vài tháng. - Thế hả bác? – Karik kinh ngạc. - Sao vậy bác? –Valia trố mắt. - Bởi vì rằng bây giờ trong một giờ nhiều nhất ta đi được một mét hay mét rưỡi. Các cháu nên nhớ là mỗi bước chân trước kia của chúng ta chừng nửa mét, còn bây giờ chỉ bằng một phần mười của xăngtimét thôi. - Ủa! Chẳng lẽ chúng ta vẫn còn bé xíu hay sao? Karik đưa mắt nhìn quanh. Xung quanh là những cây cối kỳ lạ thân có đốt xanh. Trên bờ sông có một con vật có cánh đi lang thang. Nó nhỏ hơn con bê nhưng to hơn con cừu nhiều. Trên không có một con vật khổng lồ, to như xe ô tô chở khách, mình đầy lông lá. Bọn trẻ kinh ngạc nhìn nhau. Thế nghĩa là thế nào? Giáo sư thì đúng là thật, vậy mà xung quanh tất cả vẫn kỳ lạ như trước, không giống như thật... Karik bối rối chớp mắt: - Sao... sao lại thế hả bác? Bác đúng là thật mà, to lớn... Thế bác đúng là thật hay không phải thật?... Giáo sư mỉm cười: - Vừa thật mà vừa không thật. – Ông nói – Các cháu nghĩ mà xem: trước kia bác cao lớn hơn các cháu, vậy thì ở thế giới nhỏ bé này bác cũng phải như vậy chứ. Rõ không nào? Karik ngập ngừng đáp: - Rõ rồi ạ! Nhưng qua cặp mắt của cậu, giáo sư biết là cậu chẳng rõ gì cả. - Cháu cứ tưởng tượng mà xem. – Ông nói. - Nếu như bác, cháu, con voi, con ngựa, chuột và chó cùng uống chất lỏng do bác chế ra thì tất cả đều nhỏ lại hàng trăm lần. Nhưng đối với con người chúng ta thì voi vẫn to như ta quen nhìn thấy trong vườn thú, còn chuột hẳn nhỏ tí, có điều nó đã nhỏ lại hàng trăm hàng ngàn lần so với con chuột bình thường. Còn tất cả chúng ta cùng với voi, ngựa, chó chuột có thể nằm gọn trong lòng bàn tay của của con người bình thường. Karik gật đầu: - Cháu hiểu rồi. Valia nói: - Còn cháu vẫn chưa hiểu... - Cháu chưa hiểu cái gì nào? - Cháu chưa hiểu làm sao bác biết được chúng cháu đang ở đây. Giáo sư vỗ vai Valia nói: - Rồi sau bác sẽ kể chuyện đó cho nghe. Đường còn dài, phải đi rất lâu, chúng ta còn kịp nói đủ chuyện trên đường trở về nhà. Các cháu sẽ kể cho bác nghe đã thấy và biết được những gì, còn bác sẽ kể cho các cháu nghe đã tìm thấy bọn cháu ra sao... Bây giờ có điều này phải nói ngay cho các cháu... Dọc đường chúng ta có thể lạc nhau. Bởi vậy mỗi người phải biết tự tìm đường về... Các cháu hãy theo bác lại đây... Trước khi lên đường bác phải nói cho các cháu biết đôi điều. Valia níu lấy Ivan Germogenovich nói: - Chúng cháu không muốn lạc đâu! - Được rồi, tốt lắm. Nhưng dù sao... để phòng xa... Ai biết được chuyện gì còn xảy ra. Giáo sư nắm lấy tay bọn trẻ bước nhanh lên một ngọn đồi. Bọn trẻ chạy lóc cóc theo sau. Giáo sư chỉ tay ra phia xa hỏi: - Các cháu có nhìn thấy gì kia không? Đằng xa trên những khu rừng cỏ rậm rạp một cái cột vươn cao tít lên trời. Ở phía trên có một mảnh vải đỏ rất to bay phất phới. Cây cột đứng ở giữa rừng, nhưng có thể nhìn nó rõ ràng như cây thông đơn độc giữa đồng cỏ. Ivan Germogenovich nói: - Đây là trụ cột của bác. Bác cắm nó thay cho ngọn hải đăng. - Để làm gì hả bác? - Thế này nhé... Dù bác cháu mình ở chỗ nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ngọn hải đăng. Chỉ cần leo lên một ngọn cỏ là... Bọn trẻ reo lên: - Chúng cháu hiểu rồi ạ! - Mọi chuyện khác thì đơn giản thôi... Ở phía dưới cạnh cây cột, bác đặt một cái hòm gỗ dán nhỏ. Hòm này mọi phía đều đóng đặt kín không sợ gì mưa nắng. Để có thể chui vào trong bác khoét một cái lỗ nhỏ ở mặt bên của cái hòm. - Thế chui vào để làm gì ạ? - Khi nào tới được bên cái hòm, chúng ta sẽ chui vào trong và tìm thấy ở đó cái hộp có chất bột trắng... Đấy là thứ bột làm to người trở lại... Mỗi người chúng ta chỉ cần nuốt một nắm bột đó là sẽ trở lại thành người bình thường. Các cháu hiểu chưa? Valia buộc miệng nói: - Trời ơi! Thế ngộ nhỡ ai đó lấy cái hòm đi mất thì sao? Giáo sư bối rối. Chính ông cũng đã nghĩ đến điều này. Nhưng nói cho bọn trẻ biết nỗi lo ngại của mình thì không cần thiết. Giáo sư vuốt râu, cả quyết nói: - Chỉ nói nhảm! Ai cần cái hòm gỗ dán cũ kỹ làm gì? Theo như bác biết thì ở vùng này rất ít khi có bóng người. Nhưng thôi... nói chuyện thế đủ rồi. Chúng ta không nên mất thì giờ vô ích. Lên đường thôi, các bạn ơi! Tiến lên! Ngẩng cao đầu lên! Đưa tay đây, Karik! Nào, Valia! - Chúng ta đi đâu bây giờ hả bác? Giáo sư vung tay nói: - Lại chỗ đó! Nhắm thẳng phía hòm gỗ mà đi. Ngẩng cao đầu, Ivan Germogenovich bước về phía rừng cây. Bọn trẻ đi theo sau ông, thì thầm trao đổi điều gì đó rất sôi nổi. Giáo sư nghe thấy chúng nói: - Anh nói đi! - Sao lại anh? Em tự nói đi! Ivan Germogenovich dừng bước hỏi: - Có chuyện gì thế các cháu? Valia hỏi: - Thế bây giờ chúng ta sẽ ngủ nghê, ăn uống ra sao ạ? Ivan Germogenovich nhún vai: - Chuyện vặt vãnh! Chúng ta sẽ ngủ như tổ tiên xa xưa của chúng ta: ở trên cây, trong lều cỏ, trong các hang động. Thực ra như thế còn thú vị hơn nhiều so với ngủ trong phòng ngột ngạt. Các cháu hãy coi như mình ra ngoại thành, về nông thôn. Được chưa nào? - Thế còn chúng ta ăn gì ạ? - Ồ, thức ăn ở đây thì nhiều vô kể. Có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều hàng chục lần trong một ngày. Valia nói: - Vậy mà hôm nay, khi các cháu định ăn một quả cây lại bị ai đó đánh rồi ném xuống sông. - Đánh? –Giáo sư kinh ngạc hỏi: - Đúng thế ạ! Rồi Valia kể lại, chúng định hái quả trên cây nhưng không trèo được tới nơi và bị rơi ngã xuống dòng sông chảy xiết như thế nào. Ivan Germogenovich lo lắng hỏi: - Thế các cháu đã ăn những quả ấy chưa? - Chưa ạ, chúng cháu chưa kịp ăn. Giáo sư thở phào nhẹ nhõm: - Rất may là các cháu chưa ăn. Đó là một thứ quả độc gọi là ô dược. - Nhưng chúng cháu chưa ăn nó mà. - Không quan trọng. Các cháu đã hít phải hơi độc của nó nên bị ngất đi. Karik quả quyết nói: - Bác Ivan Germogenovich ạ, chúng cháu sẵn sàng ngủ trên cành cây hay ở đâu cũng được, có điều... - Có điều làm sao? Karik nuốt nước miếng rồi nói: - Có điều từ hôm qua tới giờ chúng cháu chưa ăn gì cả. Cho nên... Chúng cháu không đi nổi được nữa... Giá có cái gì... Giáo sư cuống quýt: - Chao ôi, thế mà sao bác không đoán được ngay?... Tất nhiên rồi, các bạn ạ. Trước khi lên đường chúng ta phải ăn cho no cái đã... Các cháu có thích sữa không? - Sữa thật hả bác? - Hừm... cũng không hoàn toàn thật. Nhưng dù sao cũng là sữa. Karik chìa tay ra: - Cho cháu nào! Valia nói: - Nhiều nhiều vào bác nhé! Giáo sư nói: - Chúng ta đi thôi. Ivan Germogenovich đi thẳng, ngẩng đầu lên cao ngắm nghía những cây cỏ, đưa mắt tìm kiếm cái gì đó. Cuối cùng ông dừng bước dưới bóng mát của một cây cỏ bao bạp. Cây này có lá rất to, đến nỗi mỗi lá có thể đặt cả sân bóng đá lẫn khán đài. Giáo sư chỉ tay lên cao: - Đây này! Ở đây có cả một đàn bò đang chăn thả. - Bò ở trên cây ư bác? - Chính thế... đây thì cũng tựa như những bãi chăn trên núi Alpes (1)... Nào, cháu nào trèo lên trước đây? - Thế... thế... thế... những con bò này có cắn không? - Không cắn không húc gì hết. Chúng không có răng, cũng chẳng có sừng đâu các bạn ạ. Karik và Valia nhật loạt nhảy lên cây. Ivan Germogenovich trèo theo sau. Họ bám lấy những cành cây xanh mềm mại, giúp nhau leo lên và chẳng mấy chốc đã lên đến đỉnh cái cây to. Những cái lá to, nhẵn bóng rung rinh trong sáng lóa mắt dưới mặt trời. Chúng cũng giống như những đồng cỏ xanh phẳng phiu. Các khách du lịch leo lên một trong những cái lá khổng lồ ấy, bước những bàn chân trần trên mặt lá đầy đặn êm ái. Nhưng bước được vài bước bọn trẻ do dự dừng lại. - Có chuyện gì vậy? – Giáo sư hỏi và cũng dừng lại. Valia giơ ngón tay run rẩy chỉ vào mặt lá: - Cái gì kia thế bác? Karik cũng lùi lại hỏi: - Phải rồi! Cái gì vậy bác? Cái lá hoàn toàn sống động. Cái mặt nhẵn bóng của nó động đậy, co lại, giãn ra. Trên mặt có hàng ngàn cái miệng như đang nhai nhai, lại như muốn níu gót chân trần của Karik và Valia. Giáo sư ngạc nhiên hỏi: - Sao nào? Cái gì làm bọn cháu sợ? Valia nói: - Bác ơi, chẳng lẽ đây là cái lá hay sao? Bác nhìn mà xem, nó làm như là muốn cắn chân vậy. Cháu sợ những cái lá thế này lắm. - Ngốc ơi là ngốc! Đáng xấu hổ thật! Đây là những lỗ thở thông thường của lá. - Lỗ thở ư bác? - Cố nhiên rồi, đó là cửa sổ để thông hơi cho cây cối. Đó cũng là phổi để thở. - Thế... chúng có thể tóm chân bọn cháu lại không ạ? - Dĩ nhiên là không rồi. Các cháu đừng sợ! Cứ mạnh dạn đi theo bác. Giáo sư bước dọc theo những gân lá chắc nịch gắn đầy trên đồng cỏ xanh dẫn đi mọi phía. Bọn trẻ theo sau giáo sư. ° Valia trông thấy lũ bò trước nhất. Cô reo lên: - Ô, xem kìa! Bò mà thế kia ư? Chẳng giống chút nào, mà lại xanh nữa! Men theo bờ cạnh của chiếc lá – đồng cỏ, có những con vật màu xanh chân dài mảnh khảnh đi lang thang, chúng giống như những quả lê khổng lồ. Một vài con ngồi yên, để những cái râu lên mặt lá, cắm cái vòi cong vào lá. Giáo sư nói: - Đó, các cháu hãy làm quen với những con bò cỏ đi. Các cháu đừng buồn vì nó không giống bò thật. Bù lại, sữa của nó rất ngon, không kém hơn sữa bò thật. Valia hỏi: - Thế chúng là những con gì hả bác? - Chẳng lẽ cháu chưa đoán được hay sao? Con bọ rệp đấy mà. Một loài côn trùng thông thường nhất. Nếu có khi nào cháu đọc về kiến, cháu hẳn phải biết về bọ rệp. - À, cháu nhớ ra rồi! – Karik nói – Những con kiến chăn nuôi bọ rệp. - Đúng đó, Karik nói đúng đó. – Ivan Germogenovich đáp – Thường những con kiến mang bọ rệp về tổ chăm sóc nuôi nấng chúng. - Giống như ở một nông trang nữa! - Phải rồi, gần như vậy... Những con kiến quí bọ rệp lắm. Chúng giống như người quí sữa bò vậy. Những con kiến vắt sữa bọ rệp, uống sữa của chúng và... Các cháu hãy cẩn thận một chút. Đừng giẫm chân lên sữa. Giáo sư dừng lại trước một vũng chất lỏng đậm đặc. Ông nói: - Bác nghĩ rằng chẳng cần phải vắt sữa bò. Cứ thế này sữa cũng chảy thành sông rồi. Nào, xin mời các bạn. Ông nằm sấp bụng xuống, kề môi vào vũng sữa bọ rệp xanh, uống vài ngụm làm sữa ướt cả bộ râu. - Rất ngon! Xin mời! Bọn trẻ bắt chước Ivan Germogenovich nhào vào vũng sữa uống ngon lành. - Thế nào? – Giáo sư hỏi – Ngon chứ? Có thích không? - Ngon hơn cả sữa thật! – Karik nói, đưa tay chùi miệng có vẻ hài lòng. Valia húp sữa xoàm xoạp, không ngẩng đầu lên, nói lùng búng điều gì nghe không rõ. Cuối cùng tất cả mọi người đều uống no. Bọn trẻ bò ra khỏi vũng sữa, nằm dài trên chiếc lá tựa như nằm trên bãi tắm. Valia nằm, lấy tay vuốt bụng. Karik dang rộng cả chân tay ra. Cậu nói: - Tuyệt thật! - Nếu các cháu đã no rồi, thì chúng ta đi thôi. Không nên mất thì giờ vô ích. Valia vội vã nói: - Khoan đã bác ơi! Trước hết chúng ta phải nghỉ một chút. - Chừng nửa giờ thôi bác ạ. - Karik ủng hộ cô em. Những cái chân mỏi rã rời tựa như chân của người khác. Tay duỗi trên chiếc lá, nặng như đeo đá. Không muốn cử động chút nào cả. Ivan Germogenovich đồng ý. - Thôi được! Muốn nghỉ thì nghỉ. Ông cũng nằm xuống cạnh bọn trẻ. Sau những cuộc phiêu lưu ngày hôm nay, chính ông cũng muốn nằm nghỉ một lát. Ivan Germogenovich ngáp dài, đặt tay xuống dưới đầu, nhắm đôi mắt đã díp lại. Các khách du lịch nằm im lặng hồi lâu, nheo mắt vì chói nắng, luôn trở mình bên này qua bên kia. Trên đầu gió thổi rì rào. Lá cây đung đưa tựa như chiếc nôi. Giáo sư lẩm bẩm: - Nằm thế này cũng sướng thật. Ông nói lẩm bẩm cái gì đó, ngả đầu trên chiếc lá và bắt đầu ngáy khe khẽ. - Bác ấy ngủ rồi – Valia nói. - Để bác ấy ngủ. Chúng ta cũng nghĩ đi. Valia im lặng một lát: - Lúc này chắc mẹ đang khóc! - Cô bé thở dài. - Rõ là khóc rồi. – Karik cau mày nói. Valia thở dài não nuột hơn, tựa như sắp khóc. Nhưng đúng lúc ấy trong không trung có tiếng động gì đó rền vang. Rồi một con vật gì đập vào lá cây. Chiếc lá rung lên. - Ai thế? - Valia thét lên! Giáo sư hé mở cặp mắt ngái ngủ. Một con rùa khổng lồ, nhỏ hơn chiếc xe tăng đôi chút đang bò trên lá cây. Lưng con rùa sáng loáng như phủ lớp sơn màu đỏ. Những chấm đen trên lưng lấp lánh tựa những cái đĩa sơn mài Nhật Bản. Giáo sư ngáp, nhắm mắt lại rồi thản nhiên tiếp tục ngáy. Bọn trẻ lo lắng nhìn con quái vật màu đỏ đang nhanh nhẹn chạy thẳng lại chỗ chúng. Bọn trẻ nép vào nhau. Con rùa đỏ chạy lại gần, ngắm nhìn chúng từ trên cao tựa như từ trên mái nhà rồi rung rinh những cái ria vẻ dọa nạt... Karik và Valia hét lên bỏ chạy. Chúng lao qua đàn bò xanh đang bình thản “ăn cỏ” trên chiếc lá–đồng–cỏ, chạy sát đến bờ lá. Chạy nữa thì hết lối. --- (1) Alpes: Tên một dãy núi ở châu Âu, nơi có những đồng cỏ chăn nuôi tốt