Nhật kí liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Tập 7

4.1.3.72
Tháng 3 của em... Thế là đã 1 năm trôi qua - ở nơi xa xôi ấy em nghĩ gì?
7.4.3.72
12giờ 15
Rất lâu lạ; không viết Nhật ký - Không buồn viết – và cũng chẳng có mực mà viết - Đem đi thì sợ đổ, đến nơi ở thì chẳng có lấy chút mực gì - Thật chán quá đi thôi!
Cứ mỗi lần bỏ cái mũ ra, người ta lại oà lên kinh ngạc vì mái đầu bạc của tôi! Sao người ta tàn nhẫn thế hở những người xung quanh? Thử giật một sợi tóc vô tình, phần lớn là tóc bạc, những sợi tóc trong trẻo, trắng muốt thế, mà lại là nỗi buồn êm dịu, nỗi buồn dai dẳng, đau đớn và dữ dội của lòng tôi? Chẳng lẽ tôi đã già đi như vậy? Già trước tuổi già trước tất cả những gì tôi đã trải qua và chưa hề trải qua?
Tôi lo lắng chút gì về bản thân, lo nhiều vì tôi chưa làm việc ra hồn, lo nhiều vì thời gian trôi đi nhanh và mất hút sau lỗ rách của mái lều - Tôi lo vì sự đói rét của gia đình, vì sự bất an của bố mẹ tôi - Tôi lo tất cả, vì từng người trong gia đình. Những người thân thích của tôi không yên ổn sống trong cuộc đời này... Thế mà những sợi tóc tưởng chừng như vô tư lự ấy, cả nó nữa cũng đem đến cho trái tim tôi một vết thương. Hôm nay mới 20 tuổi đầu đã trắng xoá cả mái tóc lẽ ra còn xanh - Vài năm nữa - Rồi sẽ ra sao? Rồi người ta sẽ nhìn tôi ra sao?
Chẳng bao giờ tôi chán nản với những ước vọng của mình - Tôi không còn muốn trở lại gặp ai nữa - Cả bố mẹ, anh chị em, cháu Hằng và cháu Phương mà tôi nhìn mặt cháu 1 loáng trong ánh sáng mờ khói - Tôi không muốn gặp lại cả Như Anh, người mà tôi hết lòng yêu quí và kính trọng, người mà tôi mang nặng trong tim suốt cuộc đời này. Tôi không muốn nói về tôi điều gì nữa cả. Tất cả cuộc sống của tôi dường như đã trở thành vô vị - Phần lớn những người bạn thân, tôi không muốn trao đổi điều gì với họ, tôi đi, im lặng... và sẽ im lặng mãi. Bây giờ tôi chỉ muốn đi chiến trường ngay - ở đó cuộc sống quí giá hơn ở đây chăng.
Không ai có thề hiểu được nỗi buồn xa xôi đang bóp nghẹt trái tim tôi. Thật quả tôi cũng không thể khẳng định được rằng tôi có đủ nghị lực để sống cô độc từ nay – Tôi biết rằng không lâu nữa, tất cả những gì mà tôi hằng ôm ấp và mơ ước tới sẽ vụt khỏi giấc mơ tôi. Bởi hai bàn tay tôi không tài nào giữ được... Sẽ mất, sẽ mất hết cả. Vậy thì giữ làm gì nữa, hở tôi?
Đừng ai xem những dòng này. Vả lại cuốn Nhật ký này chắc cũng chẳng bao giờ có ai xem được - Tôi sẽ chỉ giữ những cảm xúc này cho tới lúc tạm biệt miền Bắc thân yêu đi chiến đấu - và sẽ biến những trang giấy này thành ngọn lửa hun cay sè mắt tiễn biệt tôi - Vì chắc chắn chẳng có ai tiễn đưa tôi cả - Tôi đi và gửi tấm thân này ở một miền đất nước nào đấy mà tôi biết hoặc chưa thể biết tên.
Tôi muốn nói với Như Anh những lời da diết và êm dịu nhất. Song, em sẽ chỉ gặp tôi trong những giấc mơ thoảng qua và trong những trang thư tôi đã gần cho em. Em hay ở xa mà mơ ước về tôi, mơ ước về một trang thanh niên khoẻ mạnh, giàu xúc cảm, giàu lòng nhân đạo và mơ ước cao xa - Em hãy làm việc say mê - Cứ như thế, em hãy nghĩ những điều tốt đẹp về tôi - người yêu em tha thiết và mãnh liệt... Tôi không muốn để lại trong đáy sâu của trái tim em hình ảnh kiệt quệ của tôi, mái tóc còn non trẻ đã lốm đốm màu sắc của già cỗi, của khô héo và của những suy tưởng ngông cuồng.
Không ai có thể khổ như tôi - Bởi những điều hằng đay nghiến và dằn vặt tôi, tôi không thể nào nói ra thành lời, không thể nào viết lên trang giấy được, dẫu những điều tôi nói, tôi viết chỉ có 1 mình tôi nghe, 1 mình tôi đọc Tôi xấu hổ với các bạn bè của tôi, tôi buồn rầu vì sự xấu hổ của bố mẹ tôi với những người xung quanh, với những người hàng xóm soi mói và lắm điều... Trời ơi, sao tôi khổ sở thế này. Sao tôi điên dại thế này. Tôi muốn nằm phục xuống đây mà khóc, nhưng cái nền đất này lại không có một chút màu gì - thành thử cái thằng người tôi cứ nguềnh ngoằng ra đấy, thật vô duyên và thô lỗ chứ!
20-3-1772
Tôi lại viết tiếp những dòng nhật ký này sau hơn nửa tháng bận rộn mệt mỏi, lo nghĩ, buồn bực và hơn hết là diết nhớ người mà tôi hằng yêu quí - Tôi cũng khôn còn nhớ rõ có phút nào tôi thanh thản, có phút nào tôi giật mình thức dậy, tôi lại đọc hàng trang những dòng thư tôi sẽ viết cho Như Anh - Tôi đã khóc trên những dòng thì thầm nóng hổi và âu yếm ấy, tôi đã khóc trên vai em, trên đôi môi cháy bỏng của em... Tôi đã đọc cho Như Anh những lời đẹp đẽ và chân thực mà lẽ ra tôi đã nói khi hai đứa cầm tay nhau đi trên đường Hà Nội, những giờ phút cuối cùng của mối tình gần gũi - Và chính những giờ phút ấy tôi lại đau đớn nghĩ rằng: Đó là đỉnh cao, đó là tận cùng hạnh phúc của đởi sống riêng tư của tôi... Chao ôi, làm sao ngày về, tôi lại được đón Như Anh, tôi lại vượt qua được biết bao ràng buộc ngăn cản tôi, để tôi đến gần, rất gần, gần hơn cả những giây phút bịn rịn trên đường Nguyễn Ái Quốc... Tôi lại mơ tiếp với em giấc mơ đẹp và giản dị mà tôi chưa bao giờ được hưởng.
Không, cuộc sống chẳng bao giờ chiều tôi cả - Tôi sẽ vĩnh viễn xa em, xa người yêu duy nhất của đởi tôi - Biết làm sao được.
Cả những trang nhật ký bây giờ cũng vá víu bằng chục, trăm, nghìn mụn vá - Mà nào những mụn vá ấy có sạch sẽ, có đẹp đẽ và đáng nhìn đâu - Tất cả đều mơ hồ, tất cả đều mòn cũ và chán ngán - Tôi không thể viết thêm được nữa - Cái chán ngán này đến bao giờ mới chấm dứt đây ôi chao, lười, lười, dốt nát, dốt nát cùng cực - Thôi lại giở thư Như Anh, dòng mùa thu ẩm ướt của đời tôi đấy - Như Anh về đây với anh nào, về đây, gần đây nữa, đừng đi nữa. nhé, em yêu của anh... Trời ơi, điên lên mất, điên lên mất thôi! Sao tôi lại trở nên dở người thế nhỉ? Tôi nhớ V.T.P nhà văn của thuốc phiện và bàn đèn... Đốt hết cả đi. Đốt đi ngay.
21/3/72
Vào rừng lấy nứa. Vào rất sâu. Qua không biết mấy đỉnh đồi um tùm và rậm rạp - Cỏ lau, những cây lạ, song, mây, cây tư me (hay chua me?) quả nhỏ, tròn, mọng - Nhấm vào thấy chát lè lưỡi, nhưng lát sau, lâu. sau thì ngọt từ trong cuống họng...
Đỉnh đồi cao, con đường mòn như thói quen, nhẵn bóng, và nhất định có nhiều người đi - Thế mà mãi tận bây giờ mình mới biết, mãi bây giờ mình mới đi.
Cả những chiếc lá rừng mình không biết tên nữa – Có chiếc lá nằm trong rừng sâu, dưới lớp đất ẩm, tối suốt, nên đen nhánh - Thời gian thật là lạ, ở cây xoan tây trên thành phố nó bước qua bằng dấu chân hoa đỏ chói - Còn ở đây, là màu đen, màu xám và mốc meo.
Mình nhìn cây mua xanh nhung mà thật cảm động. Ở rừng rú, chỉ tiếng chim lạc lõng trong cái nền âm u, rì rào như một cơn giông lớn đang ào tới, mà hoa mua nở tím cả thung lũng - Hoa mua cánh mềm, cánh mỏng như nếp áo cô gái Việt Nam chung thuỷ đợi chờ - ù, hoa mua, ở rừng thế, làm gì có hò hẹn mà cũng nở ra hoa tím, mà cũng chờ đợi và chung thuỷ
“Đất nước của tôi, mà tôi là khách lạ
Hoa tím rừng, khiến mắt rưng rưng…”
Mỗi người vác một bó lớn ra cửa rừng - Thư tỏ ra tháo vát có nhiều kinh nghiệm - chọn nứa, chặt nứa và vác nứa trong rừng - Nhưng còn ấu trĩ, khi nó chưa biết con vắt là gì Lúc xuống suối lấy nước, 3 con vắt bấu vào chân, nó cười ngặt nghẽo và thú vị nhìn cho đến khi máu tứa ra ở bàn chân, ở kẽ ngón chân. Vắt cắn rất êm. cắn rất êm...
Xếp nứa theo hình chữ A mà vác là tốt nhất, cho đầu nặng hơn, chúc xuống dưới, tránh được dây rợ lằng nhằng và nếu có ngã thì chống được ngay - Mình nhìn những chữ A lừ đừ trôi trong rừng, vừa thú vị, vừa vui, vừa khổ và nhất là rất nhớ Như Anh - Lúc ấy chắc Như Anh không hiểu điều gì đang sống với mình đây. Nhớ Như Anh hơn cả gia đình! Không thể giấu được điều ấy.
22/3/72
Về Hà Nội, từ 6 giờ sáng - Ngồi chờ giấy công tác. Sốt ruột nhiều và cũng thú vị.
25/3/72
Chuyến đi qua Hà Nội thật thú vị. Đi ô tô Sao Đỏ - Hải Dương - Hà Nội. gần 100km. Mệt bã người, nhưng vẫn mong về nhà. ở trên cầu Long Biên, ô tô đi cùng diều với tàu hoả - Thấy Y ngồi ngặt mặt ở cái cửa sổ toa tàu – Nom nó trẻ con lạ - Không hiểu “con giời” đang nghĩ gì mà trầm tư thế.
Mình về nhà, nói chung là vui - Các em đi làm hết cả. Nên kinh tế đỡ khó khăn - chỉ buồn buồn là các em không được đi học - Thôi chẳng cần nữa vậy - Sau này, cố gắng học chứ biết làm sao - Các bạn cùng lứa tuổi mình đi bộ đội hết cả rồi - Người đi B, người đi C - và có người đã là liệt sĩ - Đất nước, có bao giờ như lúc này, lúc mà mỗi gia đình là một gia đình quân nhân = Lúc mà mỗi thanh niên đã trở thành một chiến sĩ.
Thế hệ mình, lứa tuổi mình - Các bạn ơi, đi nhé, chúng ta đi và chẳng cần chần chừ, suy tính - Ta gửi lại phía sau lưng mình tuổi thơ và cả những người thân yêu nhất...
Mình đến chơi với các bạn, và không gặp bất kỳ ai hết cả Cả Tr. nữa - định đến lấy ảnh của Như Anh – nhưng mình gặp Tr. trong hiệu sách nhân dân - Mình sững lại, rồi quay phắt đi.
Không, mình không muốn gặp Tr., không muốn gặp Tr. đâu - Mình không muốn gặp Tr. vì nó nhắc nhở hoài tới Như Anh - Tr. mặc áo trắng rất lộng lẫy - Và anh bộ đội quay đi - Gặp nó làm gì nhỉ, lấy ảnh thôi ư? Không, mình chẳng liên quan gì tới Tr. cả, chẳng liên quan gì - Nhờ Tr., thì cảm ơn Tr., có vậy thôi.
Cái gì Tr. cũng đơn giản, cũng thẳng băng - Cầm cái thư nhỏ Tr. "viết vội" (chẳng bao giờ Tr. có thời gian mà viết thư cả Tr. còn bận tiếp bạn, Tr. còn bận học ) - ừ, cầm cái thư luễnh loãng trên 1 trang giấy nhỏ mà bực mình hết sức. Đầu thư "Văn Thạc!" - Rồi sau đấy vài dòng chẳng lẽ Thạc không biết sao?"
Mình không biết nói gì, mình không biết nói gì khi linh cảm thấy rằng Tr. đang "sinh viên" với mình - ừ, đây, cái cảm giác đầu tiên mà mình lo lắng từ khi đi bộ đội đã trở thành hiện thực. Tr. mà thế, Tr., người bạn thân lắm của Như Anh. Lúc ấy mình muốn nói tha thiết với Tr.: Tr. ơi Tr. đừng như thế Tr. ạ - Tr. sung sướng được đi học, được đi học trong khi các bạn Tr. vất vả, gian khổ và để tất cả những năm tháng trẻ khỏe và đẹp nhất của mình cho cuộc chiến đấu của dân tộc - Tr. phải biết ơn - Mình không muốn và chẳng hề nói Tr. phải biết ơn mình - Mình cũng chỉ làm nhiệm vụ của lính thôi. Nhưng Tr. phải nhớ một điều: Nếu như không có chiến tranh, nếu như không đi bộ đội thì có lẽ những anh bộ đội lù lì, cục mịch, xô bồ này cũng chẳng chịu kém cỏi gì Tr. đâu, cũng chẳng chịu kém những người bạn giỏi nhất của Tr. đâu.
Nhưng thôi, chẳng nói Tr. làm gì, chẳng nói Tr. Khi mình biết rằng đang cao hơn, cao thượng và rộng lớn hơn Tr. khá nhiều - Mình chẳng cần chấp nhặt những điều nhỏ mọn ấy.
Và đây thì là Như Anh, là Như Anh mà mình nhớ đến trong từng nếp trở của mình - Như Anh mà mình cảm tình ghê gớm. Như Anh mình yêu, thương và buồn khổ.
Đọc hết 6 lá thư, mà mình muốn ngay trong đêm viết thư cho Như Anh hiểu - Ừ, 6 cái thư làm mình xúc động - Xúc động vì sung sướng, biết ơn, vì buồn và đau khổ - Không, đau khổ là nhiều thôi.
Bây giờ, nỗi nhớ đi vào chiều sâu - Và vị ngọt hút từ màu tím thuỷ chung: Ta xa nhau lắm rồi - Cả không gian lẫn thời gian và biết bao giờ mới trở lại bên nhau.
Nói chuyện với Như Anh như vậy.
Thạc giở lại tất cả thư còn giữ lại được, vừa nhận được của mọi người mà buồn hết sức - Chẳng ai hiểu mình cả.
Như Anh thương mình thật, mãnh liệt - Nhưng rồi thời gian? Không, mình không viết dòng trên đâu - Vì thế là nghi ngờ Như Anh rồi.
Đang ngủ trưa, mà những cơn gió mùa Đông Bắc còn róc lại từ mùa trước đánh thức mình dậy. Trời rất trong và sáng. Lán vặn vẹo và từ hai bên hiện ra hai khoảng trời hình tam giác, ở đó có rối loạn những cây bạch đàn xơ xác và tơi tả Bỗng nghẹn ngào nhớ đến Như Anh - Dường như Như Anh đấy với mái tóc tẽ đôi bay ngược chiều gió thổi như đang nức nở - Như Anh khóc à? Khóc thật ư, Như Anh?...
Chao ôi, từ bao giờ vậy, mình hiện ra tính ghen tuông tồi tệ Mình ghen với Liêm, Dũng, Phú và bây giờ với Lương, người mà mình hình như có biết trong trường Tổng hợp - Ừ, thì ta tưởng tượng rằng: Lương chính là người ấy Là người thâm thấp, lầm lùi và một lần mình gặp dưới cầu thang... Phải, người ấy đấy - Thật sung sướng khi Lương cũng được hưởng hạnh phúc gần gũi người mà mình hay gặp trong những giấc mơ, hay gặp trong suy nghĩ…
Thôi nhất định sẽ không viết thư cho Như Anh nữa - Dù lá thư vừa nhận được khiến mình hơi bàng hoàng - Khiến mình cảm thấy Như Anh hơi xa lạ với mình.
Thạc đừng kéo Như Anh lại nữa. Thạc để Như Anh đi đi Thạc sống một mình như vậy nhé - Hạnh phúc của đời chỉ dành cho Thạc thế mà thôi...
… Bất chợt nhìn lên vách lán. Những cây nứa tươi xanh hôm qua đan thành phên chắn gió. giờ teo, tóp lại, đe lộ từng khung vườn nhỏ, dài dài - Kia là bạch đàn, Như Anh đấy Không, phải mình không hiểu Như Anh khổ - Nhưng sao giờ đây khi đọc những dòng trách móc của Như Anh về món tiền cấp hàng tháng và món canh cà chua, với hành và mì luộc. Bỗng nhói lên, và trái tim mình như giập ứa. Đừng nói nữa Như Anh và đi đi, kẻo muộn...
Như Anh nhắc đến Hồ Tú Bảo, đến Bùi Khởi Đàm... để an ủi mình ư?
Chẳng cần đến điều ấy làm gì đâu!
Phải, giờ đây tôi ân hận rất nhiều. Tôi tự trách mình sao đã tìm đến Như Anh. Sao tôi không nghĩ rằng, đó chỉ có thể là ảo tưởng? Sao tôi đã níu chặt Như Anh khi ngày mà Như Anh đã đi xa, đi xa?
Sao đêm hôm ấy, tôi lại hôn Như Anh, cái hôn đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời tôi. Ừ, lúc ấy, thật ngượng ngùng. Có biết thế nào đâu chỉ vì yêu thương Như Anh quá chỉ vì nghĩ đến cái xa cách đáng sợ mà tôi đang chịu đựng đây…
Phải, bao nhiêu lần tôi nhủ Như Anh đừng chờ tôi làm gì nữa. Nhưng chính lúc tôi nói những điều ấy trong thư, thì tâm hồn và trái tim tôi bàng bạc một dòng tha thiết: chờ Thạc, Như Anh nhé. Chờ Thạc như cô gái Việt Nam chung thuỷ trọn đời với người yêu đi chiến đấu - chờ Thạc, như cô gái trong bài thơ của Tế Hanh: “Em chờ anh không biết có thời gian…”
Phải, lúc này tôi buồn bã vì những giây phút xúc động đã qua, tôi đã đi quá xa những ước muốn của tuổi nhỏ - Tôi đã buột ra, gọi Như Anh, gọi người tôi yêu quí bằng cái tên chung của mọi người con gái: - Em...
Và thế là hết, tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch, nhí nhảnh và đẹp lạ. Cái tuổi thơ chỉ nhiều mắng mỏ, nhiều giấc mơ quái đản, kỳ dị làm tôi giật mình - Hết tất cả rồi, khi tôi đã lớn khi tôi đã ghì chặt đôi vai tròn, thon thả và nói với người tôi yêu quí những âm điệu ngọt ngào nhất của trái tim tôi.
Như Anh bảo: Như Anh an, Như Anh không đòi hỏi điều gì khi Như Anh thực sự là của Thạc. Thế mà chỉ thiếu thư một chút, viết ngắn một chút đã dỗi... Ai sẽ dỗ Như Anh, ai sẽ viết những bức thư ngọt ngào cho Như Anh đọc khi Thạc đi vào chiến trường xa xôi?
Đòi hỏi ở bạn làm gì, khi mình đã thực sự tin yêu bạn- Khi mình thực sự muốn cho bạn sống và làm việc được nhiều.
…”Đêm trăng sáng. đêm mùa hè, trên dòng nước mênh mông long lanh mà lặng lẽ, trong tiếng hò Nghệ An mà ấm lòng:
“Anh đến với hoa thì hoa đã nở
Anh đến bến thì thuyền đã sang sông
Anh đến với em thì em đã đi lấy chồng”
Tiếng than thở của người con trai ấy nghe mênh mông làm sao, và câu hỏi buông cuối giọng hò nghe sao mà xao xuyến...và xa xa, người con gái trả lời, tiếng hò ấm mà cao, bay đến nơi đây, quấn quít:
“Hoa đến thì, thì hoa phải nở
Bến có đông thì thuyền mới sang sông
Mà em đến duyên, em phải đi lấy chồng.
Trách em sao nỡ, hỡi bạn lòng ơi..”
Mênh mông, mênh mông... ơi dòng sông quê vừa quen, vừa lạ. và làng xóm ven sông chưa đến một lần, song đó là quê đấy...
Chao ôi, đấy chính là Như Anh, dòng chữ Như Anh sắp xếp và viết trên trang giấy thân yêu - Ta như thấy sông Lam, thấy mặt sóng nghiêng mênh mông, nước trong văn vắt có con đò độc mộc và cô gái thân yêu đang cất giọng.
Bông hoa của lòng ơi, nở đi hoa... Cho con thuyền sang sông chở khách - Người khách nào ngồi đợi trên bến của sông? Và tiếng sóng cứ mênh mông lạ - Dẫu trong đáy sâu của hồn ta đang nghẹn ngào. nức nở, gọi ánh nắng mặt trời... Con thuyền dưới dáng chèo uyển chuyển của người con gái trôi êm như ru, như tiếng hát trong trẻo mà làm ta xao xuyến, làm bổi hổi cả trái tim ta.
26/3/72
Tôi đã hiểu rằng thật khó khăn mà những mơ ước của tôi với Như Anh lại có thể thực hiện được ở ngày mai - Hôm nay, đã viết được cho Như Anh 1 lá thư tương đối lạc quan - Đành vậy, đừng nên để Như Anh nghĩ ngợi và buồn bực. Chẳng thà chỉ có một mình mình chịu đựng cái cảnh u buồn này.
27/3/72
Cơn mưa cũng buồn - Mưa rừng buồn hơn những trận mưa ở nhà rất nhiều. Người ta sức chịu đựng cũng chỉ có hạn - Cố nén cũng khó mà nén được. Sống được trên đời này cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ đây. Tự dưng thấy chán nản với hết thấy những gì mà người ta hằng ao ước - Buồn chán lắm. Chỉ mong đi chiến trường và có thể quên đi cái cảnh đáng kinh sợ này!
4.4.1972
Những ấn tượng tốt đẹp đang đến, đang đến làm mình rạo rực. Nếu như cuộc đời nhiều những ngày như hôm nay có lẽ mình cũng không thể ủ rũ, không thể nào buồn bã hay nghĩ về câu chuyện cá nhân mình nhiều như những ngày qua.
Buổi trưa, mình không ngủ, ngồi trong hội trường (Hội trường là gọi cho sang, chứ thực ra đó chỉ là 1 cái nhà bạt, giống như lều trên đồng cỏ của dân du mục - Bàn ghế không có, phải đào hố lấy nền nhà làm mặt bàn, và gõ ma rúp ấy cái hội trường thật dã chiến, nó giống như cuộc sống dã ngoại của đơn vị). Mình ngồi trong hội trường như vậy và đọc Pơma của Goocky - Phải đấy, khi cuộc sống bên ngoài đang rạo rực vì niềm vui chiến thắng thì mình đang băn khoăn vì sự gặp gỡ của Goocđêep và Pavlôpna. Đài phát thanh đang truyền đi tin chiến thắng rực rỡ của tiền tuyến ở mặt trận Trị - Thiên - Huế ở đường 9, Cam Lộ, Gio Linh, đã diệt 5.500 tên. địch 10 vạn đồng bào nổi dậy - Đài phát thanh tiến.g nói Việt Nam đã phải mở thêm các buổi phát thanh để truyền tin chiến thắng của miền Nam anh hùng. Có bao nhiêu lần mình mong được sống những ngày sôi nổi niềm tin chiến thắng của một dân tộc hôm nay, ừ, chính trong quân đội, mình đã nghe niềm vui ấy dâng lên trong lồng ngực...
Ý nghĩ về ngày mai chiến thắng... Ừ, hôm nay mình chợt nhớ ra rằng, đây chinh là hạnh phúc bất diệt mà những người khác, nhiều người bạn khác của nình không được hưởng - Các bạn đi xa, các bạn ở hậu phương làm sao có thể được sống những ngày như ngày hôm nay. Mình chọt nghĩ rằng, ngày mai, khi đất nước chiến thắng rồi, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, mình sẽ làm gì? úp bàn tay lên má, lên mặt và nghĩ về tương lai. Không, chẳng có gì đáng lo ngại cả. Lúc đó sẽ đi học, chắc là không muộn, không bao giờ muộn cả. Mình sẽ trở về và gặp lại tất cả mọi người, gặp lại Như Anh thân yêu.
… Người ta đang học hát. Những bài hát tự biên tự diễn, tối mai sẽ hội diễn trực thuộc toàn E. Và cũng chính ngày mai mình cùng các bạn dưới D. lên đây học tín sẽ trở về đơn vị cũ Ngọn đèn này đây, mai, tao sẽ xa mày – Và vĩnh viễn, vĩnh viễn sẽ xa mày, chẳng bao giờ gặp lại – Hãy thắp sáng, thắp sáng cho ta viết nốt những dòng này. Từ giã C18, và cô dịp nào lên đây nữa hay không cũng không còn rõ nữa. Đơn vị cũng sắp di chuyển rồi – Có lẽ tuần sau sẽ hành quân về Yên Thế đánh công kiên. Rồi sau đó chuyển đi tận đâu nữa thì cũng chưa biết - Mình mong mỏi biết bao, ngày nào sẽ được chính thức đi chiến trường...
Mấy bữa nay, trên đài, trên báo đang tuyên truyền tấm gương sống, chiến đấu dũng cảm hết lòng vì đất nước vì sự nghiệp cách mạng của Đảng của Vương Đình Cung. Cung là con đồng chí bí thư lính ủy Hải Dương. Trước kia, anh học cấp 3 trường Yên Hoà (cũng không hiểu có phải Yên Hoà của mình hay không) - Anh xin đi học trường Đại học Nông nghiệp với mục đích sau này được phục vụ thiết thực cho đất nước, phù hợp với công tác của bố anh. Một đảng viên. Đất nước còn giặc, đã khiến anh không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. Anh đã xung phong đi bộ đội - ở trong quân đội, anh là một chiến sĩ gương mẫu, 1 đảng viên tích cực. Đã 2 lần anh từ chối không đi học nước ngoài vì muốn được trực tiếp góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng cứu nước của dân tộc.
Anh từ chối tất cả sự ưu tiên, đãi ngộ mà Đảng dành cho. Với anh, tất cả là cho Đảng, cho cách mạng. Tình yêu đằm thắm và mãnh liệt nhất trong anh là yêu chiến trường Anh có một mối tình đẹp đẽ, cao quí với Kim Anh- Anh đã hứa với A. bao giờ đến ngày toàn thắng mới trở về gặp nhau...
Đẹp đẽ xiết bao tấm gương của người đảng viên cộng sản trẻ tuổi Vương Đình Cung. Anh không còn sống nữa, những người Cộng sản có cần gì cuộc sống riêng tư, khi họ đã cống hiến đến phút cuối cùng hơi thở trong sáng của mình cho Đảng.
Hiểu cuộc đời Vương Đình Cung, mà mình hổ thẹn với lương tâm mình. Sao mình hèn kém và nhu nhược đến như vậy. Không thể nào tha thứ được. Thử hỏi mình đã có được niềm say mê cống hiến như vậy chưa? Mình đã sẵn sàng làm theo yêu cầu của Đảng chưa? Chưa! Phải thành khẩn nhận lấy điều đó. Mình đi bộ đội, chẳng qua là buộc phải đi! Không đi ư, thì tức là anh đã chống lại chính sách, chống lại Đảng. Đấy, những ngày đầu của mình đi bộ đội là như thế. Tuy đó không phải là chủ yếu, nhưng cũng phải thành thật mà nhận lấy thiếu sót đó. Nhưng giờ đây, mình đã hoàn toàn an tâm, phấn khởi. Mình mong mỏi khi nào được đi chiến trường. mình sẽ làm tốt những công việc gian khổ mà cuộc sống chiến đấu sẽ đặt ra. Mình mong mỏi sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách. Mình sẽ sống, say sưa, chân thành, cởi mở, trong sáng. Mình sẽ xứng đáng với lòng tin của mọi người, sẽ sống cuộc đời đẹp nhất ở trên trận chiến đánh quân thù mà Lê Mã Lương, mà Vương Đình Cung hằng ao ước và đã sống đẹp đẽ.
8.4.1972
Ga Phố Tráng.
Dừng chân tại một bãi bạch đàn. Đi đâu cũng gặp bạch đàn thôi. Rậm rịch suốt đêm qua, chuẩn bị di chuyển (chẳng phải, chuẩn bị hành quân diễn tập cấp E). Nửa đêm, trời nổi gió - mưa lớn anh Tuyến phải dậy che lại lán, gió giật đùng đùng. Lạnh quá, mình và Quang lấy võng bạt ra đắp. Được một lát thấy lành lạnh, tỉnh giấc hoá ra vách lán bị bật, gió mưa tha hồ tốc vào. Màn và võng ướt hết. Che đậy xong, nằm ngủ thì có còi, lại dậy. Lúc ấy 2 giờ sáng.
Dỡ lán, xếp lại ba lô trong cơn mưa. Mình hiểu rằng không phải chỉ có riêng mình đêm nay làm những công việc này. Nhưng vẫn băn khoăn, nóng ruột và vẫn có một chút gì tự hào.
Ánh lửa loang loáng trên nền cát, đất cát - Nhưng cây bạch đàn thì chẳng còn nhìn thấy gì hết - Tội nghiệp - Chào bạch đàn nhé, các anh đi...
Cứ tưởng đợi ngớt cơn rồi mới đi. Ai ngờ các cụ ấy bắt đi luôn, trời còn tối mịt mùng, và gió đánh ào ạt trên đầu, nước mưa xối xả. Mình đi sau cùng của B. Trước mình là Y. Nó đeo cũng khá nặng. Và cả anh nữa, lần này dễ chưng nặng nhất từ khi đi bộ đội. Phía đại đội 1, bọn nó đốt lửa bập bùng, ngọn lửa bốc lên thật cao, lực phựt trong mưa giống như pháo hoa trên bầu trời Hà Nội. Mình bước qua một khe suối cạn, nước lấp xấp dưới chân - Và tự nhủ, mình được một hạnh phúc đây - Được đi cùng những con người dũng cảm trong đội quân chiến thắng.
Càng ngày, mình càng hiểu sâu sắc hạnh phúc lớn lao mà hôm náy mình đang được hưởng. Một nửa là nghĩa vụ và một nửa là vinh dự. Không hiểu có ai đã nói: Giải thưởng lớn nhất đối với người viết văn là được sống trong hàng ngũ quân đội. ở đó, anh sẽ thấu hiểu tất cả nỗi nhọc nhằn, đau khổ và những niềm vui bất tận của con người.
Mình rất nhớ Cầm vào lúc này, cũng như Hậu, Lăng, Thịnh. Cầm đang ở Quảng Bình, có lẽ không lâu nữa mình cũng sẽ vào đấy với nó. Mình nhớ bài thơ Bức tranh... Cầm đọc khi hành quân lần đầu. Ừ, ở nó thật sự có khả năng.
Mình nghĩ có lẽ cuộc sống tâm hồn của nó hẳn phải phong phú lắm. Giá như nó còn ở đây, chắc nó đã nghêu ngao hát và đọc những câu thơ hàm súc, uyển chuyển:
“Tôi đọc chuyện cổ tích của Ng.
Và biết được giọt sương đêm thánh thót nói lên lời.
Biết được mới tháng 4, trái đào còn chát
Biết được trái đất này nhọc nhằn mà đêm nào cũng hát
Những bài hát không tên…”
(Anđécxen - H N. Cầm)
Mình đã sửng sốt về nó nhiều và hẳn là còn phải sửng sốt hơn nữa. Được đi vào cuộc chiến đấu ác liệt của dân tộc với khả năng quí giá đó, nếu Cầm thực sự sống đẹp đẽ, hẳn nó sẽ là cây bút trẻ xứng đáng với lòng mong mỏi của mọi người.
Nhưng trong những người cùng đi với mình đêm nay, chẳng có ai đọc hay ngâm nga một câu thơ nào cả. Có Th. và Q. hát thôi, song mình nghi ngờ hiện tượng đó. Tối qua, Q có phát biểu trong buổi họp Phân đoàn, động viên mọi người lúc hành quân cố gắng hát hò cho phấn khởi. Mình để ý chẳng có ai hát cả. Q. nghêu ngao một bài gì đó,nhưng lạc lõng và tẻ nhạt biết bao. Dường như - Dường như thôi! Q. có ý tỏ ra rằng mình đang làm công tác động viên anh em đây.
Về D độ được 2 hôm, mình thấy anh em trong A sống không thật lòng với nhau. Mọi người còn ham chuộng thành tích và khen thưởng lắm. ít lâu nay mình có cảm giác mình không còn là người gương mẫu, tiên tiến như hồi còn nhỏ đi học nữa. Anh em không tín nhiệm là điều dằn vặt mình nhất. Dấu hiệu đó chứng tỏ rằng mình đang có chiều hướng đi xuống. Mình không ham chuộng một lời khen ngợi của thủ trưởng cấp trên, không màng lợi lộc gì hay 1 giấy báo công về gia đình. Có lẽ, mình đã sống quá riêng tư?
Nhưng mình rất không ưa việc mọi người tỏ ra quá sốt sắng tranh giành cái thứ tự nhất nhì. Để làm gì nhỉ, mấy bao thuốc lá giải thưởng ư? Hay là tiếng tăm? Trong B hình thành các nhóm khác nhau; nói bậy. nói tục... Lằng nhằng mình thật ghét. Những người đồng tình với mình sao ít ỏi như vậy nhỉ - Chẳng có ai cả - Mình nghe mãi mới lọc được câu nói của anh Mười: Người ta không thể sống riêng biệt với cá tính của mình! Không hiểu sao chính anh Mười lại là người tán thành lối biểu hiện thái độ dung hoà giữa hai cách sống. Người ta không thề chỉ nhìn nhận cuộc sống mà còn cần cả thái độ và làm việc để thay đổi cuộc sống đến hoàn thiện.
So kè thiệt hơn, tranh giành phần tốt - Mình chẳng thể nào hiểu được có những người lại tồi tệ như thế được! Lẽ ra, trong quân đội, khi cuộc sống của nhân dân ta gắn liền với Cuộc sỏng của đồng đội, người ta phải cao thượng, phải khiêm nhường hơn. Mình sẽ gắng sống như thế. Nhiều lúc mình chỉ thích chiều chuộng thằng Y thôi. Nó còn nhỏ tuổi quá mặt búng ra sữa, nhưng nhận thức nhanh và nhiệt tình sống, làm việc. Sung sướng thật, khi nình chiều được và được chiều Y. Nhưng có lẽ nó cũng chẳng thèm gì sự chiều chuộng ấy của mình.
Nhưng suy nghĩ ấy hình thành trên xe lửa từ Bến Tắm đến Bắc Giang. Cứ đi trẽn xe lửa lại nhớ Như Anh và các bạn đi học nước ngoài. Càng nhớ, càng thương Như Anh hơn, thương hơn và cứ vô hạn lần gấp lên mãi. Sao mình chẳng có đủ khả năng để diễn tả cái tâm trạng nhớ nhung đến cùng trời này.
Ngồi đây, trên là chiếc vọng bạt Trường Sơn này, nghe tiếng còi tàu từ xa quăng lại, thấy nao nao trong dạ. Trần Vàng Sao… Nơi tiếng còi tàu chẳng có cuộc chia tay nào cũng nhớ. Nhớ lắm? Nhớ lắm! Nhớ cái mùa hè đã đi qua như một đốm sáng. Nhớ bạn thương của lòng, nhớ cả dĩ vãng, gia đình, nhớ cả cái cành khô ở trước sân. Mùa hè gần lại vườn cây dâu Tàu, quả đỏ tím đỏ rực, ăn chua rôn rốt - Cả tiếng ếch ì ộp ở cái ao nhỏ trước nhà. Kỷ niệm bao giờ cũng nói thầm mà tron vẹn cả thanh âm thuở ấy.
Thêm một chuyến tàu đi, bánh chuyển sình sình. Đơn vị ngủ hết cả rồi, cả chiều nay ngủ để lấy sức mai đi.
10.4.72
Nghi Lộc - Nghệ An...
Dừng lại ở ga Quán Hành. Và bây giờ thì đang ngồi trong nhà dân. Điều bất ngờ nhất là gia đình mình ở có người con trai là thầy giáo của mình. Thầy Khang dạy Toán 2. Còn em nhỏ trong nhà lại là học sinh giỏi của miền Bắc. Mình chợt nhớ: đã đến đất Nghệ An, quê hương của Bác Hồ, của cà dằn mặn muối, của cụ đồ già. Đất này là đất học. Và chính vậy, trong nhà cũng có vẻ gì nho giáo. Cái bàn nhẵn bóng, mấy cuốn sách giáo khoa và cả cái địa chỉ của cô Kim Loan treo trên tường, sinh viên trung Đại học Sư phạm Vinh cũng nói được phần nào nhưng đặc điểm ấy.
Nhà vắng, chỉ có bà mẹ - bà mẹ Thung - và bé Hoà. Suốt ngày im ắng, cả ngoài vươn, ngoài ngõ, cả cánh đồng xa tít tắp đang xanh xanh màu lá ngô lon, màu khoai và bãi lạc. Quanh nhà cũng có hầm, nhưng hầu hết là lộ thiên và nông. Không ai có thể ngờ đây chính là đất lửa. Hay ít ra, gần đến đất lửa.
Ba giờ sáng, ở trên tàu giật mình thúc dậy, thấy bốn bề tối mịt mùng. Cửa sổ trên tàu chỉ thấy lờ mờ những dãy núi im lìm. Bật đèn mãi không sáng, mình bước chân qua chỗ bọn nó nằm ngổn ngang và kéo cầu dao điện - Vẫn không sáng. Có đũa đã hét toáng lên, đòi người đến chữa. Vẫn chẳng có gì cả. Chỉ thấy đằng chân trời hưng sáng lên, nhìn rõ cả dám mây hồng. Rồi tiếp theo là tiếng nổ. Tàu không chạy được nữa vì hướng tàu chạy đã bị ném bom. Các cửa chớp được hạ xuống và cấm bật đèn, y như hồi nào ném bom dữ dội ấy.
Thành phố Vinh còn xa, khoảng vài chục cây số nữa. Tối nay, bọn mình sẽ đến đấy, không hiểu có được đi ô tô không, hay là phải cuốc bộ với 30kg trên vai. Dẫu sao vẫn cứ thú vị, vì đây là lần đầu mình đi một chuyến xa Thư thế. Bây giờ thì xa Hà Nội thực sự rồi. Không còn phải mê ngủ, không còn phải tưởng tượng nũa. Mới hôm kia, còn đang tạm dùng chân ở bãi bạch đàn gần ga Phố Tráng, 4 giờ sáng đã dậy nấu cơm ăn, thì trời đổ mưa tắm tã. D. tập trung nghe tin chiến thắng của miền Nam, ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt - Và vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ào ào khí thế nồi dậy của hàng chục vạn đồng bào. Lúc ấy, mình ao ước được đến hẳn chiến trường, đến giữa chiến trường mà tận mắt được thấy cảnh tượng hào hùng ấy. Hay ít ra, được đến gìn, rất gần chiến trường được đến Quảng Bình chẳng hạn - ở dó địch đang trắn phá mình dân cư cũng phải sơ tán về Hà Nội - và cũng ở đó đang thắng lớn có ngày bắn rơi 10 máy bay, có chiếc B.52... "cầu được, ước thấy" - Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu đến Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga, thì lính oà lên phấn khởi, đầu tàu hướng về phía Hà Nội - "Đi" rồi! Thế là nhất định vào trong ấy. Vội vàng viết thư – Tàu qua Cửa Nam những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường gửi hộ nhé, gửi hộ nhé - Báo cho những người thân của chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.72.
Biết bao nhiêu lần hành quân, nhưng chẳng lần nào xúc động như chuyến tàu này cả - Chuyến tàu đi đúng con đường dành cho nó - Vào Nam. ở đó, chiến trường đang cần đến những cánh tay khoẻ mạnh đang thò ra cửa sổ toa tàu mà vẫy gọi khách qua đường - Phải, lúc mà một anh bộ đội gặp được người nhà trên sân ga hay dọc theo đường sắt Thì đó không phải chỉ một mình anh xúc động và vui sướng. Mà đó là niềm vui và nỗi xúc động của tất cả đoàn tàu Con đi mẹ nhé! Đi nhé! Đi nhé! Những cô gái cũng hết cả rụt rè giơ cả hai tay lên vẫy, vẫy mãi,... rồi tinh nghịch lấy ngón tay nhỏ xíu trỏ lên đầu nhắc anh bộ đội hãy giữ gìn cuộc sống của mình. ù, chết làm sao được cơ chứ, đùa một chút cho vui. Ai cũng bị lây cái không khí rạo rực khí thế lên đường ấy, cả những em bé vừa đứng vững giấu mặt sau hàng rào xi măng mà vẫy. Y cứ xuýt xoa mãi vì ngồi bên cửa sổ, nó nghe rành rọt tiếng một đứa bé chỉ 5, 6 tuổi ở ga Phủ Lý. Các chú đánh xong giặc Mỹ mà về nhé!- Đấy tiếng nói của trẻ thơ, là ước muốn day dứt của hàng triệu, hàng triệu người trên trái đất.
Ta đi theo tiếng gọi của miền Nam, và cả sự thôi thúc của miền Bắc đang khôi phục - Một nhà ga Ninh Bình vừa dựng bên núi đá, một dòng sông Đáy xanh lững lờ trôi vào bài thơ trữ tình ngọt lịm của Tố Hữu, một chùa Non Nước còn âm vang chiến công của tổ ba người Giáp Văn Chương... Tất cả đang giục giã anh chiến sĩ, hãy đi đi, hãy đi và chiến thắng.
Thật đáng tiếc biết bao, tàu chạy thâu đêm và khi qua núi Ngọc, qua cầu Hàm Rồng vĩ đại, thì những anh lính trẻ đang ngủ mê mệt. Vả lại, có thức mà đễ ý nhìn cũng không thể nào thấy được cầu vì trời tối quá. Những chuyến tàu vào Vinh đã 1 llố chạy được ban ngày nữa vì máy bay địch bắn phá dữ dội.
Vào tuyến lửa, chưa gặp những cô thanh niên xung phong, nhưng đã gặp các “thím” bộ đội - ờ, rất lạ, các trạm dừng chân của bộ đội, hầu hết là bộ đội nữ - đều rất trẻ - Và điều này thì các cô gái Thủ đô không "hài lòng"(!) các cô gái bộ đội ở đây đều xinh và có duyên - Dễ mến, nhưng đừng hòng bắt nạt. Thí dụ như lúc lấy gạo ở binh trạm, gạo lụt nên xấu, có cậu lừa lúc chủ nhà cân đong, chạy vào kéo một bì gạo mới, ai dè chủ biết được, vậy là nắm luôn lấy bì gạo mà té tát: Ai cho đồng chí vào kho? Đồng chí chưa được học điều lệnh à? Cù nhầy mãi, cô ta mới tha cho và còn đe: Lần sau mà thế thì trói vào kho đấy? Ai trói mới được cơ chứ - Câu vô chủ rồi.
Mà cũng khó, gọi là cô, là các anh thì không được - Điều lệnh không cho nói thế. Vậy mà cứ các cô và các anh hoài, không thể đe được. Lại thêm một cái cớ cho lính đùa.
Mới biết, những người lính trẻ cần hết sức giữ gìn khi hiện tượng buổi sáng xảy ra ở ga tàu. Không thể coi thường được, phải giữ gìn mình ngay cả những điều nhỏ nhất.
12h5 rồi, 14h30 là "chuyển bánh".
Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
7 giờ sáng.
Ngủ trên võng bạt mắc trước cửa nhà. Nhà chật quá, chỉ đủ cho 3 người nằm giường. Đấy là 2 đứa nhỏ đã phải dồn vào chỗ khác. Đêm lạnh và mê mệt. Sau một đợt đi ô tô nhừ tử hôm qua 3h30 chiều lạ' hành quân ra quốc lộ 1A. Tập trung trong một ngã ba đường đất đỏ kín đáo - ở đây đã tấp nập không khí khẩn trương của cửa ngõ mặt trận. Mũ tai bèo, quân phục mới toanh, nhưng khẩu pháo nòng dài ngoằng và những chiếc xe xích sắt nổ máy làm rung chuyển lòng đường, lòng người, cả đạn dược, nhà bạt, cả quân trang, quân dụng... lỉnh kỉnh, lỉnh kỉnh. Tưởng chừng đây là đoàn quân đang thật sự đi vào tiền tuyến. Mà có lẽ thật sự đang đi vào chiến trường, điều đó không thể nào khẳng định khi đang ở đất A này.
Lại tạm biệt Nghệ An, tạm biệt Như Anh. Sắp đến thành phố Vinh, thành phố Đỏ bên bờ sông Lam, con sông chảy qua quê hương cha Như Anh... Thành phố mà chỉ một lỗ thủng trên mái ngói cũng đủ cho Phạm Tiến Duật xúc cảm nên một bài thơ đặc sắc. Bên đường, còn những hố bom 3 giờ sáng qua giặc vừa ném xuống. Nhìn người dân thành phố đứng nhìn ngôi nhà tưng ngói và hố bom lở loét lở loét với vẻ thờ ơ bình thản lạ lùng, thấy vững lòng vô hạn - Đúng là ở đây "hố bom là chuyện thường không nói nữa (T.N.T).
Thành phố đổ nát nhiều, nhà 4 tầng, nhà 3 tầng sụp đổ và rêu đã lên xanh, nhưng cũng trong những ngôi nhà đó, là vết xi măng nâu nhạt loang lổ, là cần trục và giàn giáo vươn thẳng lên trời... Những ngôi nhà một tầng kiểu cổ, mái vẩy cá ẩn mình trong cây lá xanh um, bảo người qua đường biết lịch sử lâu đời của thành phố nên thơ. Mình nhìn núi Quyết, núi Hồng Lĩnh và nhà máy điện Vinh, những tên đất nước đã đi vào lịch sử, thế mà mọi cái đều đơn sơ đều giản dị như chính con người tuyệt diệu ở đây. Núi không cao, không lạ, vẫn cây cỏ ấy, vẫn con đường mòn lên núi. Nhưng là điểm cao nhất của thành phố. Ta đã chặn lũ cướp trời từ ở chỗ này! Điều đặc biệt nhất là ở bến phà Vinh, xe tập trung lại đông nhất – ô tô chở bộ đội được đồng bào ưu tiên, vượt qua hàng mấy chục chiếc xe xếp dọc bên đường. Lúc ấy trời đổ mưa, hạt nhỏ nhưng mau. Sông Lam dâng những đợt sóng mạnh và dài. Mình đứng ở bên trái đầu phà, chỗ ấy gió mạnh nhất và hứng nước mưa nhiều nhất. Mình muốn thả sức cho mưa gió sông Lam phả vào người, ướt hết cả nửa người, lạnh lắm. Ngoảnh lại nhìn bờ, thành phố hiện lên như một giấc mơ, trời rất mù, không thể nhìn thấy ống khói nhà máy, nhưng từ đỉnh sóng sông Lam mưa bụi, ánh điện loè nhoè như sao sa. Ừ, đúng đấy, thành phố đang hát bên bờ kia...
Mình bỗng nhớ câu hò của người con trai buồn man mác và tủi tủi, câu hò trả lời người con gái mênh mông trên dòng vừa trong vừa mát: "Trách em sao nỡ hỡi bạn lòng ơi. Sông đục và lạnh, trong gió mưa, một cánh buồm vút hình vỉ lủi thủi cuốn trên mặt sóng... Sông Lam của em đây...
Bắt đầu những con đường quanh co, lượn theo những ngọn đồi thấp và đen kịt trong đêm. Ngồi trong ô tô tải, giữa đống người và máy móc, chỉ nhận thấy con đường qua ánh đèn của xe sau. Hố bom, hố bom, hố bom... cứ lần lượt hiện ra qua khoảng nhỏ của cánh tay bạn níu lấy mui xe cho khỏi ngã. Mỗi hố bom là một lần xóc nẩy tưng người Đường vắng khách đi bộ, đi xe đạp, thỉnh thoảng mới thấy vài người vội vã trong áo mưa - à, đất áo tơi mà. Hà Tĩnh đây rồi. Lại có nhiều là những chuyến xe "vô ra" tiền tuyến...
Buồn nôn kinh khủng, và có lẽ sẽ không thể chịu được nữa.
Cẩm Lạc - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
Tưởng hành quân xa lắm. Nhưng quanh quẩn vẫn trong huyện Cẩm Xuyên - Bắt đầu tập trung từ 4 giờ chiều. Và chỉ 9 giờ tối đã tới nơi. Dọc đường hành quân, mình được nghe những đồng chí đi trước kể rất nhiều về tuyến đường giao liên quan trọng bậc nhất của chiến trường. Người ta nói rằng: những năm địch đánh phá ác liệt, không lúc nào ngớt máy bay trên đầu, bom giặc thả bên đường chi chít. Ban đêm pháo sáng như ban ngày và ô tô chạy thầm, chạy bằng đèn gầm thoi thóp. Bao nhiêu chiếc xe đã đổ, đã bị bẹp trên con đường huyết mạch ra tiền tuyến này. Nhưng hàng vẫn ra tiền tuyến, bộ đội vẫn ra tiền tuyến và thắng lợi cứ lớn dần lên mãi. Kỳ diệu vô cùng đất nước chúng ta.
Hành quân ban đêm giữa cánh đồng tối đen như mực, đeo nặng, mệt, nhưng khoan khoái biết chừng nào – Tháng 4, đom đóm bay ra sáng lung linh trong cỏ, trên những bụi cây ướt hơi sương. Bỗng nghĩ, đom đóm có tên riêng không nhỉ, con đang lượn dưới dòng suối cạn hẳn tên là Kiều Diễm vì nó trong sáng và hiền dịu lạ lùng, vì nó lấp lánh lấp lánh đến kinh ngạc đấy bạn ơi.
Mình hỏi Chương – Có biết bài hát Con đom đóm - Bởi đang nhớ tới hôm nào đi bên Như Anh. Như Anh cũng hỏi mình như vậy. Làm sao Chương có thể biết được bài hát ấy- bài hát trên đường Nguyễn ái Quốc, trong đêm tháng 7 yên tĩnh, êm.đềm. Chương bảo: Bài hát ấy thế nào? – Sao khi Như Anh hỏi, mình không biết đường hỏi câu như thế?- Bài hát ấy thế nào hở Như Anh? Vậy mà những con đom đóm vô tư lự ấy cứ múa lượn hoài – Nó biết đâu rằng, có anh lính trẻ đang mơ hồ nghĩ về một bóng dáng xa xôi qua ánh sáng mờ ảo xanh của nó...
Đang diễn tập, vả lại, cũng gần tới chiến trường thật sự nên người ta cấm bật đèn pin - Chỉ có những điếu thuốc lá Sông Hồng loại 4 hào là tha hồ đỏ ở đầu môi - Trong đêm khuya lố nhố bóng người đứng, ngồi, lố nhố ba lô xoong nồi và cả đòn khiêng chọc thoải mái vào những vì sao xa nhất...
Con đường vào làng bẩn đến kinh khủng. Bùn ngập đến mắt cá và nồng nặc mùi phân trâu. Thật là khó ngấn. Bộ đội vừa đi vừa rủa. Đường thì không hẹp lắm đâu, còn khá rộng là đằng khác. Ô tô vận tải có thể ra vào thoải mái. Nhưng chỉ tội bùn, phân. Gánh nặng, đường trơn – Sơn bảo: Đây là tình huống thứ 6(!). Mãi đến khi xuống một cái dốc nhỏ khô ráo, thoát khỏi con đường trâu đi mới cảm thấy thú vị và nên thơ một chút. Như một giấc mơ, khi qua ô cửa tò vò của vòm cây, lập tức hiện ra một bãi cát chạy khá xa. Đến sáng mới biết đó là dòng sông đang mùa rút nước - Chỉ còn ít ở bờ kia, lội đến đầu gối hay hơn một chút - Sông chắc là trong lắm, vì đáy và ven sông toàn cát mà thôi. Bộ đội qua sông lòng rất vui, hứng khởi - Thật giống như cảnh chiến trường mà mình đã xem trong bộ phim tài liệu... ở bờ kia, sau lá, lò đỏ ánh đèn, có o gái giao liên đứng chờ anh bộ đội. O cười nghe vui đáo để, và cứ nhất định giằng lấy ba lô của Vực để đeo hộ. Mình chợt nhớ dọc đường hành quân, Hùng đã ca kéo thế nào mà một o to người mới lớp 7 đã gánh hộ hai cuộn dây nặng chích. Gớm thật, các chàng trai của A hữu tuyến, giỏi mồm giỏi miệng!
Mới lần đầu, mình đã cảm thấy ưa dân khu 4. Thật thà, chất phác và giác ngộ. Mình và Y, hai đứa vào chung nhà ông Y - có một con trai đi bộ đội, anh đóng ở Nghệ An, gần thành phố Vinh, có 2 cô gái lớp 7 và lớp 5, còn đứa con trai gần nhất tên là Hùng thì rất vui, rất kháu, rất quí các chú bộ đội đến địa phương này.
Ở đây dù già, dù trẻ, đều gọi bộ đội là "chứ'. Mình nghĩ, chữ “chú” ấy đã vượt ra ngoài khái niệm "chú em" và “cha chú” – Nó đã giành ra một địa vị đặc biệt kính trọng và âu yếm cho anh bộ đội - Cũng như chữ "bác" vô cùng độc đáo mà dân tộc đã dành riêng cho Bác Hồ. Như thế đấy ở đây ở vùng mà những đoàn quân vào ra chiến trường đều phải dừng chân, người dân chân đất này đã thấu hiểu, đã thương yêu và cảm phục anh bộ đội, con em của họ, ruột thịt của họ - niệm vui và niềm hy vọng của cả xóm làng.
Đến Hà Tĩnh, vào bất kỳ nhà ai, người ta cũng hỏi: Các chú đi vô hay đi ra? Như vậy nghĩa là: đã vào đến Hà Tĩnh là ít nhất cũng sẽ được nhìn thấy chiến trường. Ít nhất cũng phải được một lần nắm lấy hòn đất còn đượm hơi lửa napan mà suy nghĩ đến những điều lớn lao của cuộc sống. Suy nghĩ đến tương lai, đến chân lý của thời đại. Lúc đó, sẽ hạnh phúc biết bao.
Đến đâu, cũng phải đào ngay hầm. ở chỗ tạm dừng như Nghi Long - Nghi Lộc hay Cẩm Hưng, thì chỉ cần đào khoảng 80cm, nghĩa là ngồi ngập đầu là được. Đào xong đi là vừa, nhưng vẫn phải đào để sẵn sàng chiến đấu. Còn đến đây, chỗ ở tương đối lâu hơn thì phải đào sâu 1m50, có hàm ếch hoặc có nắp để tránh bom bi, bom phá và đạn địch pháo kích. Đêm qua, địch cho tàu chiến pháo kích qua cầu Hộ chỉ cách đây vài km. Cả trưa nay cũng vậy, lúc mình ngủ nghe có tiếng ì ầm, té ra tàu chiến đang pháo kích. Biền cách đây chẳng xa lắm, theo đường chim bay là 4km. Có dịp nào sẽ ra biển, mặc dù tình hình phòng không khá căng.
13.4.72
Sáng nay cả A, hầu hết lên "rú" kiếm củi, ở nhà có nình Y và anh Tr. làm bếp - Làm quanh quẩn buộc mấy cái nan tre lên mái là xong, tuy khói cũng um lên làm mình và Y ho sặc sụa. Mình cứ đữi anh Tr. cho chẻ lạt. Tục ngữ đã bảo: “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác / Đàn ông không biết buộc lại là đàn ông hư” mà. Buộc lạt thì dễ dàng thôi, nhưng chẻ lạt thì quả là mình vụng lắm. Phải tập dần, rèn dần và chắc là làm tốt thôi.
Hôm nay cảm thấy thấm mệt và người hơi bải hoải. Mình nhớ đến buổi họp A tối qua. Thực tình mình cũng không ngờ bọn nó buồn cười như thế - chẳng qua Q. và Đ. là nhờ có sự lười họp của đồng đội mà này nọ thôi. Mình đã nghĩ và nhủ bao nhiêu lần. Tất cả những điều đó chỉ là trò trẻ con, nhưng vẫn cảm thấy buồn buồn và hơi nản chí. Người ta bảo rằng số phận càng ít chiều người nào thì người đó càng hạnh phúc. Càng gay gắt, càng nghiêm khắc với bản thân, thì càng tiến bộ nhanh. Mình cần gì một lời động viên hão huyền của một người cán bộ nào nhỉ. Làm việc là theo lương tâm, theo nhiệt tình cách mạng của mỗi người. Mình không thể chịu đựng được cái thái độ giả dối, bợ đỡ cấp trên và lấy lòng cấp dưới - Không thể chịu đựng được thái độ lên mặt kẻ cả, phát biểu với giọng khề khà nhạo báng của Đ. Nói chung, sống trong tập thể này không được thoải mái lắm. Gò bó và người ta sống không lành mạnh, giản dị, chân thành. B trưởng Lộc cũng không phải như mình suy nghĩ. Anh nhiệt tình, xốc vác, nhưng nhiều lúc lên tiếng cán bộ, hay cáu gắt.
14.4.72
Chuẩn bị đi lấy củi trên rừng. Hôm qua mình và Y định lên lấy mấy cây gỗ nhỏ về làm nắp hầm, nhưng nghe người ta nói thì rừng cách đây xa, 8km cơ, Thế mà hôm nay sẽ phải đến đấy lấy củi về đun. Hơi ngài ngại, nhưng chắc vào rừng sẽ thú vị hơn. Nghe tụi nó nói thì rừng có rất nhiều cây cơm nếp thơm lừng.
Nói chung, mình cảm thấy bây giờ đã quen sống thay đổi môi trường nhiều, nên không cảm thấy hết những điều mới lạ đang đến với mình. Chỉ nghĩ lại rằng, thuở nhỏ cứ mỗi lần chuyển chỗ ở (đi sơ tán hoặc chuyển nhà), là ít nhất một đêm mình khó ngủ - Cái cảm giác bồn chồn, rạo rực, cái cảm giác mới mẻ xoa dịu trôi trong cảm nghĩ như một đám mây bông. Để rồi buổi sáng, nhất định thằng bé lại mò ra ngõ, ngắm nghía cái lối đi về và cái cửa từ nay bắt đầu thân thương, quen thuộc... Song, giờ đây, không còn cảm giác lạ lẫm ấy nữa. Tới đâu cũng quen ngay và không cần có một thời gian nghiền ngẫm, sờ mó, tìm tòi hay kinh ngạc nữa. Dạo đến Đồng Châu lấy nứa, thảy những ngôi nhà lợp phên thấp thoáng trong cây lá bên dòng suối cạn, nước lay lức mà trong, nhìn thấy chiếc cầu vá víu bằng hàng trăm thanh gỗ xơ mướp... mình tưởng như không có gì lạ cả. Cái lạ lùng đối với mình là hàng rào quanh nhà chỉ gồm những thanh gỗ đặt gác lên một chạc cây ở đây cũng thế, nhà cửa cũng giống Nghệ An, bếp luôn luôn ở bên trái và kề sát nhà. Ngồi trong nhà thỉnh thoảng lại có mạng nhện đen bụi rơi vào cổ áo. Ngẩng lên nhìn thì cả mái trong đen ngòm - Người ta bảo như vậy thì đỡ mọt. Kể ra thì cũng hơi lạ một chút - ở đây chỉ khác một chút là sân phần lớn trát xi măng, bể nước hình trụ thấp lè tè. Người ta gánh nước ở sông theo một thói quen tốt: Ra giữa bãi cát giữa sông, khoét 1 lỗ và múc nước thấm vào đấy Như một cái bể lọc thiên nhiên vậy. Kể cũng sạch - mặc dù sông nhìn đã rất trong, thấy cả cát sỏi dưới đáy và những bụi cây gì đó mình chưa biết tên.
Thiên nhiên chỉ khác có vậy thôi, còn thì quen thuộc cả Cả lối vào nhà lối đi xuống sông cũng không có gì lạ. Vẫn là những âm thanh quen thuộc của con bìm bịp ở một quãng sông. Vẫn tiếng chim nhại theo tiếng lá tre rung trên môi anh bộ đội quen thuộc, quen thuộc như những con người ở đây.
Họ có lẽ cũng quen thuộc với cảnh bộ đội vào nhà ở và không coi đó là một hiện tượng đặc biệt. Bình thường như một nếp suy nghĩ, như một thói quen vậy. Và điều đó làm cho anh bộ đội dễ sống hơn, dễ quen hơn, dễ làm việc hơn. Nhưng liền đó, mình thấy thật sợ một điều, có lẽ, chẳng mấy chốc mà những cảm giác tươi mát, những cái nhìn trẻ dại sẽ chẳng còn ở trong con người mình nữa. Mới hiểu trước kia Xuân Diệu ao ước nhìn đời bằng đôi mắt xanh non mãi mãi, là một niềm ao ước chính đáng và hết sức khó thực hiện. Mình không tin rằng sẽ giữ được cái nhìn bỡ ngỡ quí giá ấy, vì giờ đây mình đã cảm thấy quen thuộc với mọi cái ở đây rồi. Người ta đi tìm cái mới trong cuộc sống cái tốt đẹp đang nứt nanh như thế nào nhỉ? Dạo lớp 10, nghe thầy Lưu kể và nói rất nhiều về việc đi thực tế của các nhà nghệ thuật. Người ta không tìm cái mới lồ lộ đập vào mắt, cái lạ của phong cảnh, của y phục của con người mà họ cắm sâu hàng năm trời, cắm sâu vào một vùng đất nước - Và ở đó họ sẽ sống, họ sẽ làm việc, họ sẽ hiểu con người và những sự tích kỳ diệu của họ trên mảnh đất này. Mình hiểu như vậy, biết như vậy, nhưng vẫn thấy lúng túng. Mình thấy mọi cái đều bình thường, bình thường đến mức độ chẳng có gì đáng nói. Không hiểu ở đâu đã và đang hiện ra những sự tích người ta hằng ca ngợi chứ ở đây, không, nhất định chẳng có gì ghê gớm cả.
Mình đi rừng hôm nay khá xa, nhưng phần lớn là qua cánh đồng và bãi cây thấp, chủ yếu là sim và mua. Buổi sáng nhìn ra cánh đồng thấy mù mịt sương. Sương mù làm nền cho bức tranh những con người đi làm, sắn quần quá gối. Dãy núi xa xa, xanh trang nghiêm, có những đám mây trắng ùn lên từ dưới thung lũng. Mặt trời nhô dần lên đấy. Và đến gần chân núi, càng thấy một cách rõ ràng: đây là phong cảnh thực, chứ không phải tranh vẽ. Bầu trời xanh mát và hơi chói rất xa đằng sau dãy núi gợi một cảm giác rất thực mà rất mơ hồ. Bên trái là hồ nước kéo dài, còn trước mặt là một khúc sông đáy toàn cát và sỏi. Tất cả cửa rừng giống hệt một bài thơ cổ trong sáng của Đỗ Phủ hay Lý Bạch. Rừng Hà 1 nh đây, cỏ rất cao, khiến người ta muốn thấy trên sườn núi một đàn bò sữa như ở nông trường. Chao ôi, cái sườn núi êm và mịn như nhung. Bỗng nhớ Câu ca dao, mà giờ đây mình mới hiểu rằng, nó chưa nói hết được cảnh đẹp mê hồn ở đây:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”
Chính trong phong cảnh hữu tình đó, mình đã nghe tiếng gà rừng gáy trong một bùi cây thấp ở không xa con đường mòn vết chân người - Đã nhìn và nghe chim bách thanh hót, con chim đứng thèo đảnh trên một tảng đá, cái tảng đá như con cóc nghếch mõm lên trời.
Bọn lính quấy bên B vận tải vác cả súng lên rừng - Chúng nó bắn loạn xạ vào bầy chim đậu đầy ở bãi cát ven sông. Và lúc sắp về. chúng nó bắn được một con cáo con, màu đen có vằn xám, nom rất giống con mèo. Người ta bảo rừng này có nhiều thú, mình thấy bên suối nước đổ từ đỉnh núi theo một dải đá lớn, có nhiều vết chân lợn rừng. Ở những khu rừng già mọc trên đỉnh núi, mọc dưới thung lũng, còn ở sườn thì nhiều cỏ non như thế này, có lẽ sẽ có nhiều lươn. nai...
Nói chung. đi vào rừng với bọn trong A không thích lắm. Thiếu những người hiểu biết nhiều về rừng và những tay gan dạ. Chỉ có Được, đã ở rừng Nghĩa Lộ nhiều nên tương đối có kinh nghiệm, nhưng Được lại hơi "bo bo", và không muốn giúp đỡ người khác. Mình cũng chẳng thích. Lúc rẽ ngang con đường mòn lên núi để vào thác nước nhỏ vì từ xa đã nghe tiếng nước chảy ầm ào và thấy cả những cây chuối rừng xanh mướt. Mình rủ mãi, chẳng ai muốn vào cả. Có lẽ vì họ sợ, sợ những cây gianh cao lút đầu người cứa vào da thịt những vết xước đáng sợ, họ sợ những cây mây gai dài như ngón tay út sẵn sàng đổ xuống cổ Và cái sợ nhất theo mình, có lẽ là mùi đất mốc trắng, ẩm ướt, tối, lạnh. Vậy là mình mặc dù gan cũng "thỏ đế" lắm, minh cũng cứ chui tọt vào trong - Đề thốt lên kinh ngạc. Những tảng đá to bằng tấm phản nằm gối lên nhau thành những bậc thềm cho dòng nước trong vắt xoa từ trên đỉnh xuống.
Sao chính những lúc như thế này, lại nhớ Như Anh đến bồn chồn, nhớ đến nghẹn thắt cả trái tim lại. Dòng nước trong vắt này đây Như Anh chưa và chẳng hề được thấy. Chỉ mình mình và tụi quỉ sứ hò nhau cởi quần áo xuống tắm - tắm và đùa nghịch, nhưng nhớ đến Như Anh, những suy tưởng ngày mai, khi mình đã trở về nguyên vẹn và gặp lại Như Anh. Mình nhớ đến ngày đầu hai đứa gặp nhau, dạo ấy là tháng 4 này đây, ngày 18. Như Anh đang đọc “Bốn mùa” của Pritsv. Mình trở lại cái không khí ấm cúng, rạo rực của buổi đầu, trở lại cái dịu dàng, cái dịu dàng của bàn tay Như Anh, của đôi mắt Như Anh, của cái miệng cười xinh xắn... Thương Như Anh hết sức, muốn chiều Như Anh mãi. Muốn hái cả rừng hoa này mà tặng Như Anh. Muốn giữ lòng mình thật trong sáng để đem hết cho Như Anh... Như Anh ăn quả mây không? Ăn quả dưa rừng không? Đỡ khát nước lắm đấy. Và Như Anh nếu có đến đây, cũng cẩn thận vào, vắt nhiều vô kể, đừng vội vàng mà ngã đấy, ướt hết... ù, nếu như mình còn đi học thì tốt biết bao nhiêu - Nhưng, đành vậy, dĩ nhiên mình đã làm Như Anh khổ rất nhiều – Có ai đến với Như Anh, nói hộ mình nhỉ...Bao nhiêu lần như thế. Và lần nào, ngày nào cũng như thế, mình nhớ đến Như Anh, nói chuyện và nghĩ đến Như Anh trong cái ồn ào, ầm ĩ và rối loạn của công việc hàng ngày. Chúng nó đang nói những điều buồn cười hết sức - Và nó chỉ nghiêm chỉnh với những nhà nghiên cứu sinh vật. Nó bảo, con ếch đực tiếng kêu trầm hơn, còn ếch cái tiếng kêu thanh hơn. Còn cua đồng thì cua đực bao giờ cũng to một cách phổng phao.
- Thế con người? - Một câu hỏi thế. Người ta nhìn nhau và cười Cuộc đởi tươi và buồn cười như vậy cơ đấy!
Đúng là đại bác bắn ruồi, vì đi suốt buổi sáng vào tận rừng mà chẳng lấy được tí củi nào. Củi thì nhiều, nhưng lượng sức, mọi người biết rằng không thề lôi cái khối ấy về đến bếp ăn được, nên đành chịu. Thế là mấy thầy trò kéo nhau xuống bãi sim, mua mà chặt. Tròng teng mỗi đứa 2 bó củi thế là tếch về. Vừa đi vừa ngượng, vì ít quá. Bộ đội thì toàn "gộc trà xề" mà gánh củi thì đứa trẻ con nó cũng chỉ cầm 1 ngón tay là đủ.
Trước kia, mình được phát viên thuốc sát trùng để uống nước suối. Mãi hôm nay mới dám uống 1 ngụm. Nói chung, cũng không có gì lạ lùng lắm. Vì mình đã có lần uống nước sông còn đục và bẩn hơn nhiều. Chỉ có điều hơi sợ là uống nước suối nhỡ nó chảy qua cây thuốc gì độc thì đáng ngại đấy.
Lúc về, trời nắng gắt, nóng nhiều, anh Truyền bảo: Trời thế này nó dễ ném bom lắm đây. Buổi sáng, mình nghe thấy phía Quảng Bình rất nhiều tiếng nổ ầm ì. Mấy hôm nay, ở đây, mình đã thấy tình hình chiến sự khá căng. Lúc ở Cẩm Hưng, nghe nói đích định đổ bộ xuống mấy điểm cao, dân đã được lệnh sơ tán và bộ đội chuẩn bị chiến đấu gấp lắm rồi.
Chiều nay, máy bay địch ra rất nhiều. Từ bên Lào và cả từ ngoài biển. Lúc ăn cơm xong, thấy ầm ầm trên đầu, mình chạy vội ra sân thì thấy 5 cặp máy bay rất chậm từ phía Quảng Bình ra. Nó bay như đi dạo vậy - phía núi thì 3 cặp. Rồi sau đó, rất nhiều, rất nhiều cặp bay vào dọc theo con sông nhỏ, nó phì khói đen ở đuôi, nghiêng cánh và bay rất thấp. Bọn mình đứng ở dưới mà ức lộn ruột: Đất nước của mình mà nó bay vào tự nhiên và láo xược như thế. Cái đáng băn khoăn nữa là lực lượng phòng không ở đấy lại quá mỏng. Trên bầu trời Hà Tĩnh, mình chỉ thấy có hai vệt tên lửa yếu ớt và lẻ loi bắn lên. cũng chẳng rơi chiếc nào cả. Còn thì tuyệt không thấy phát đại bác hay pháo cao xạ nào cả.
Cứ sau mỗi tiếng rú của máy bay tăng tốc là lại nghe rầm rầm tiếng bom. Máy bay vừa bay qua đấy, tiếng pháo mình bắn lịch bịch, lịch bịch. Thỉnh thoảng lại rầm, rầm tiếng bom và tiếng lẹt rét của máy bay.
Dân không cảm thấy đột ngột. Việc ai người ấy làm. Còn mình và tụi lính mới thì bồn chồn và cứ ra ngóng máy bay hoài. Nó bay chậm, rất chậm. Chậm muốn thét lên ấy. Rồi nhào xuống cắt bom. Nó ở trên đầu đây. Không thấy pháo bắn gì cả.