7.

Vĩ thanh
Tôi đã viết xong tập sách. Những kỷ niệm của tôi với Nguyên Hồng. Kỷ niệm với các bạn tôi. Kỷ niệm về một thời đã mất. Với tôi thời nào cũng là thời để mất cả mà thôi Tôi đã cố nhớ lại. Và tôi biết mình quên rất nhiều. Có thể nói không ngoa: Tới 90 phần trăm. Cả ngọt ngào. Cả đắng cay.
Tôi đã đi cầu viện, hỏi lại, gợi lại trí nhớ bè bạn. Khi biết mục đích của tôi, tất cả đều hoan nghênh, khuyến khích và giúp đỡ tôi.
Tôi khám phá ra một điều chẳng mới mẻ gì nhưng với tôi thật là sâu sắc. Tình cảm anh em văn nghệ Hải Phòng, nhất là anh em viết văn, làm thơ đối với Nguyên Hồng sâu đậm thế. Anh sâu nặng với Hải Phòng. Hải Phòng sâu nặng với anh. Con trẻ dễ dàng nhận ra anh cảm đích thực của ai đó với nó. Không thể lừa dối được trẻ thơ. Trong trường hợp này, Hải Phòng giống như con trẻ.
Các bạn tôi mỗi người đều có những kỷ vật về anh, cất giữ chúng như những tài sản quý giá. Một bức thư anh viết một mẩu giấy anh dặn dò công việc, một tờ lịch anh ghi chương trình công việc, tập sách với chữ đề tặng của anh...
Các bạn tôi đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Nguyên Hồng. Tôi cũng hiểu ngay rằng nếu các bạn có kể cho tôi những chuyện gì đó về anh thì cũng chỉ là những chuyện loại B. Chu Văn Mười nửa đùa nửa thật nói lên cái điều tôi cho là ý nghĩ của số đông:
- Em không bán lúa non đâu.
Trừ một hai ngoại lệ, còn lại các miễn cưỡng “bán lúa non” và cũng nới thẳng ra điều ấy. Sụ bủn xỉn keo kiệt nhưng đồng thời cũng là hào phóng tuyệt vời ấy một phần dành cho tôi, nhưng cái chính là vì Nguyên Hồng. Vậy là vàng ròng vẫn còn đang được cất giữ. Và sẽ được tung ra thị trường vào một lúc nào đó. Tôi tin một cách chắc chắn rằng sẽ còn nhiều truyện viết về Nguyên Hồng. Những truyện hay nhất về Nguyên Hồng còn chưa được viết ra.
Tuy nhiên cũng có người dốc hết cho tôi, cho tôi đến cạn láng: Đoàn Min chẳng hạn. Và Nguyên Bình. Chẳng những Nguyên Bình cho tôi chi tiết, anh còn gợi lại nhiều điều, nhiều việc, nhiều chuyện tôi đã quên đi. Những chuyện, những việc ấy làm chúng tôi sống lại một thời, làm chúng tôi trẻ lại, kích thích tôi làm việc. Ngày ấy chúng tôi đã gắn bó với nhau, và bao giờ Nguyên Bình cũng mong tôi thành công. Thành công trong cuộc sống. Thành công trong sáng tác. Tôi vô cùng cám ơn các anh Nguyễn Văn Chuông, Nguyễn Quang Thân, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Thọ Vân, Phạm Ngà, Lưu Văn Khuê, Phùng Văn Ong, Phan Công Hiển, Vũ Hiển..., những người đã trực tiếp cho tôi tư liệu, đánh thức trí nhớ của tôi, khuyến khích tôi viết tập sách này, và tất nhiên tôi không thể quên hai anh Vương Trí Nhàn, Nguyễn Kiên, ngay từ đầu đã nhắc tôi: Hãy coi là nhiệm vụ của tôi đối với Nguyên Hồng và đối với chính tôi nữa.
Tôi đã đi về xóm Cấm, về Đông Khê, sang Hạ Lý, vào ngõ ông Đồng Lùn, ngõ ông Lý Phình, ngõ Sau Nhà Lốp. Đi một mình, không có anh đi cùng, không có Nguyên Hồng đi cùng. Tôi tìm lại hiệu cà phê điểm tâm Bác Học. Không nhận ra đâu nữa. Chỗ ấy tưng bừng mầu sắc của hàng hoá, của những biển hàng, những trung tâm, những dịch vụ... Tôi tìm đến danh thủ bóng đá một thời Nguyễn Danh Túc để hỏi về ông, một người đam mê bóng đá như Nguyên Hồng đam mê sáng tác và cho đến bây giờ tôi mới hiểu có sự gặp nhau ấy giữa hai người. Túc năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi cho tôi biết ông Bác Học vừa mới qua đời nửa năm. Ông Học qua đời cũng rất nhanh. Hôm trước còn đi xem trận đấu giữa các lão tướng Hải Phòng với các lão tướng Hà Nội, về bị cảm, hôm sau chết. Ông đi giống như Nguyên Hồng đi. Nhanh quá. Nhanh đến ngỡ ngàng. Đức, Túc cùng các lão tướng khác khiêng quan tài ông. Vậy là một thế hệ đã ra đi, từ dương vô cùng thoắt cái thành âm vô cùng như cách nói của Xuân Diệu. Cả Xuân Diệu sôi nổi tha thiết yêu nữa cũng đã âm vô cùng, đã thành những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ (thơ Vũ Đình Liên).
Một mình tôi thơ thẩn ở phố Nguyên Hồng.
Ngày xưa Nguyên Hồng dạy tôi yêu Hải Phòng qua các tên phố, nhưng có một tên phố Hải Phòng hải phòng hơn mọi tên phố khác mà Nguyên Hồng không biết. Đó là phố Nguyên Hồng. Sau khi anh mất, Hải Phòng có một đường phố mang tên anh. Phố Nguyên Hồng ngắn, có khoảng 60 số nhà, nối đại lộ Tôn Đức Thắng với phố Lán Bè, còn gọi là phố Bờ Sông... Ở đại lộ Tôn Đức Thắng có những cô gái bán hoa đêm tối đứng ven đường chào khách. Ở phố Lán Bè, phần lớn dân phố bán toàn bộ phiếu lương thực, thực phẩm, phiếu chất đốt, tem vải của cả năm, để lấy vốn làm ăn, buôn bán, sinh nhai. Ở phố Lán Bè có một người bạn nhỏ tuổi của tôi tù đầy từ bé. Đó là Giăng... Sau khi ở tù ra, tôi và Giăng đã ngồi ở bờ sông bàn chuyện làm miến kiếm sống. Nhưng làm miến thất bại, Giăng lại đi đánh nghẽo (ăn cắp xe đạp). Lại tù...
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có phố Nguyên Hồng, nhưng tôi chưa đặt chân tới đó.
Như vậy là sau khi chết đi, Nguyên Hồng đã biến thành hai dẫy phố. Nguyên Hồng vẫn tiếp tục sống cuộc sống vỉa hè đường phố, bụi bậm, náo nhiệt, có cả bỉ vỏ và chạy vỏ, có cả cậu giáo, có cả hai nhà nghề, hàng cơm đêm...(tên những tác phẩm của Nguyên Hồng).
Chết đi rồi lại biến thành đường phố, sự tái sinh thật là kỳ diệu. Riêng ở Hải Phòng, phố Nguyên Hồng còn gần bờ sông. Nguyên - Hồng - phố có thể nghe thấy tiếng chân vịt tầu thuỷ đạp nước ngược xuôi Hải Phòng - Nam Định như một thời nghe tiếng còi tầu Bạch Thái Bưởi, An Xương... Và vọng tiếng ru con ngày trước
Con ơi đừng khóc mẹ sầu
Cha con đốt lửa dưới tầu Giang Môn
Bao giờ con lớn con khôn
Thời con lại xuống Giang Môn con làm
(Trích Sóng gầm)
Cùng với việc đi tìm những gì của Nguyên Hồng còn trong thành phố, tôi đọc lại anh. Một lần nữa tôi tin rằng Những ngày thơ ấu là tác phẩm hay nhất của Nguyên Hồng.
Tôi viết về anh, cố gắng viết chân thực.
Tôi viết về Nguyên Hồng như tôi biết, như tôi thấy, không thêm bớt, không tô vẽ.
Còn nhiều tài liệu tôi phải để lại. Tập sách này không phải là tập hợp những mẩu chuyện, những giai thoại về Nguyên Hồng để có thể cứ thêm một cái tít là có thể viết thêm một đoạn.
Tôi trình bày nó như một thể thống nhất về một thời đã mất. Có những chuyện không phải chuyện Nguyên Hồng, đó chỉ là vì tôi muốn nói lên bối cảnh chúng tôi đang sống. Những ngày đã qua ấy thật tươi đẹp, thật đau khổ, thật hạnh phúc và cũng thật bất hạnh ít ra đối với tôi và với một số người khác.
Có thể kể ở đây chuyến đi của các anh Phạm Ngà, Lưu Văn Khuê lên Yên Thế, tới nhà Nguyên Hồng như một cuộc hành hương về đất thánh. Các anh đã nhìn thấy tập bản thảo Bỉ vỏ viết tay, Nguyên Hồng ghi sau dòng cuối cùng hai chữ bằng mực tím Năm 1936 và thấy thời gian như ngưng đọng ở đấy. Cùng với Nguyễn Vũ Giang, thứ nam của Nguyên Hồng, hai người đi bộ trên con đường mòn sỏi đỏ, dưới những cây bạch đàn mới trồng tới mộ nhà văn và vợ nhà văn. Hai ngôi mộ song song bên nhau nhìn xuống cánh đồng lúa xanh lúc này lại càng xanh vì cơn mưa vừa dứt, một con suối nhỏ ôm quanh, êm đềm chảy và một bầu trời nặng mây của vùng trung du nhấp nhô đồi núi. Những câu thơ ập đến với Phạm Ngà, bài thơ được hoàn thành gần như tức thời khi thắp hương xong trước mộ vợ chồng nhà văn, anh cùng Lưu Văn Khuê mỗi người một tâm tư, yên lặng.
Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng
Chẳng ngờ trời nổi cơn mưa
Lại chẳng ngờ nữa trời vừa tạnh êm
Cung đường nửa xuống nửa lên
Nửa nơi cư tụ, nửa miền hoang sơ
Khói dương sương lạnh mịt mờ
Đỏ au đồi đất, lơ thơ gió đồng
Ông bà kề giấc thong dong
Suối nông một dải ngập ngừng chảy trôi
Chắp tay ngoảnh bốn phương trời
Rượu suông nghiêng chén dâng người nằm đây
Đất trời cũng đảo điên say
Men nồng chưa ráo đã cay mắt mình
Bút lăn rướm máu nhân tình
Bao nhiêu thân kiếp u minh cõi lòng
Khóc người gang tấc vừa xong
Khóc than bao kẻ lạnh lùng bơ vơ...
Còn có thể kể thêm về nỗi ân hận của Thanh Tùng đối với Nguyên Hồng. Suốt lúc sinh thời, Nguyên Hồng toàn bao rượu Thanh Tùng. Thanh Tùng chưa bao giờ được mời Nguyên Hồng uống bằng rượu của mình, trừ một lần anh đã say lắm, mang chai rượu phong tê thấp xin của phòng khám bệnh đến Hội, kéo Nguyên Hồng đang ngồi với Nguyễn Văn Chuông lên gác.
- Hôm nay con uống bố...
Chuông cũng bị kéo lên. Thanh Tùng rót rượu và nói với Nguyên Hồng:
- Hôm nay con uống bố. Bố có công nhận con có tài ứng tác không?
Và Chuông đã thách Thanh Tùng đọc ngay bài thơ về cái bóng đèn điện đang treo lủng lẳng trước mặt ba người.
Thanh Tùng đứng lên bật điện. Thanh Tùng mím môi, im lặng nhìn cái bóng đèn tròn 100 oát đang toả sáng. Như thôi miên. Rồi đọc. Nào là ánh sáng văn minh. Mặt trời đêm tối. Bài ca chiến thắng sau mỗi trận bom.
Trong bữa rượu, cả Nguyên Hồng và Nguyễn Văn Chuông đều công nhận tài ứng tác của Thanh Tùng. Tác giả Thời hoa đỏ còn nói với tôi rằng anh đang truy tìm lý lịch Tư Lập lơ, Năm Sài Gòn, Tám Bính, những nguyên mẫu ngoài đời mà Nguyên Hồng dựa vào đấy để viết Bỉ vỏ. Anh nói “Tư Lập lơ thật” người Hải Dương mới chết ít lâu nay.
Nói vậy để hiểu rằng sau khi qua đời, Nguyên Hồng vẫn sống trong các anh em “trẻ” Hải Phòng như thế nào. Nguyễn Văn Chuông và Nguyên Bình thì lại cứ thích chuyện hài hước, những chuyện hài hước chỉ làm người ta thêm yêu Nguyên Hồng mà người nghe không còn biết thật hư thế nào nữa. Như chuyện bản thảo nở. Nguyên Hồng có mất một bản thảo nào đó. Bản thảo mất ấy lúc đầu chỉ dài 100 trang, ít ngày sau nó nở ra 200 trang. Rồi một hôm Chuông bảo với Nguyên Bình: nó nở ra tới 300 trang rồi! Tôi xếp những chuyện loại này (nhiều lắm, như chuyện Nguyên Hồng được một bỉ vỏ gọi lên xe pousse-pousse càng đồng sáng loáng về một biệt thự ở phố Tây và sống ở đó suốt một tuần lễ trong nhung lụa, rượu và vòng tay người đẹp cho tới khi chồng thị, một tên quan tư đi kinh lý trở về) thuộc loại dị bản (có lẽ nên gọi là những giai thoại, bao gồm cả những chuyện hoàn toàn hư cấu (bịa đặt) được gán cho nhà văn), cần được xem xét thêm. Có thể cũng lại chỉ vì quá yêu Nguyên Hồng nên bạn bè nói thế về anh thôi.
Người bạn tù già trại Đồng Vải đã đoán sai về tôi: Tôi không bỏ nghề, không chuyển nghệ, tuy một thời gian rất dài tôi tin lời đoán ấy và thực tế cũng chứng minh lời đoán ấy là đúng. Nhưng rồi tôi lại viết.
Đầu năm 1990, Nguyễn Quang Thân gặp tôi đâu là nhắc
- Bây giờ viết được rồi đấy. Mày viết cái gì cho Cửa biển đi.
Bùi tai. Hăng lên. Tôi viết. Nhưng viết gì đây. Sau hơn hai mươi năm ngừng viết, lại trải qua quá nhiều chuyện thăng trầm, cái vốn của tôi không phải không có, không đến mức phải bịa đặt ra. Tôi đã nói với Hứa Văn Định vào cái lúc anh đang đưa Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh nhỏ:
- Tao quan niệm văn chương trước hết là thông tin. Phải đưa những thông tin đến với bạn đọc. Văn nghệ trước đây không làm việc ấy, nên bây giờ mới tùm lum lên nhiều chuyện. Mới thấy cuộc đời chẳng có gì ổn cả. Còn trong sách thì ổn lắm. Tốt tốt. Xà và tốt tốt (thơ Lê Đạt).
Định trừng mắt:
- Sao mày lại nói văn học là thông tin?
- Tất nhiên là thông tin mang tính nghệ thuật.
Tôi nói vậy vì đối với tôi, nhu cầu thông tin quá lớn.
Tôi suy nghĩ về điều tôi sẽ viết theo đặt hàng của Nguyễn Quang Thân. Tôi nghĩ đến Nguyên Hồng. Tôi trở lại nghề viết bằng bài Nguyên Hồng thời đã mất. Tôi viết một mạch, gần như không phải nghĩ. Chỉ phải nghĩ khi bài báo đã viết xong: Liệu Chu Văn Mười có in cho mình không?
May quá lần này Chu Văn Mười đã in bài tôi viết ký tên thật của tôi trên tạp chí Cửa biển mà anh là tổng biên tập. Cũng lại tình cờ, trong số tạp chí ấy, ngay cạnh bài viết của tôi về Nguyên Hồng là bài Thư gửi về bên kia mộ của Dương Tường viết từ bên dòng sông Tiền nhân ngày giỗ Nguyễn Tuân, gửi bác Nguyễn, “Người làm vườn quốc ngữ tài hoa”, người đã viết nên “Những dàn chữ tươi mẩy, căng mọng electron biểu năng, đôi khi thành những tiệc chữ tưng bừng mà anh nắm được bí quyết tạo tác”.
Thế là đôi bạn hậu sinh bèo mây tan tác chúng tôi không ai bảo ai lại có mặt bên nhau, cùng tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã khuất đang xum họp “bên kia mộ”.
Sinh thời Nguyên Hồng gọi tôi là Bùi Ngọc Tấn rất thương. Anh thương tôi vì những gì tôi đã nếm trải. Anh thương tôi vì những gì tôi sắp nếm trải, vì tôi không còn viết được nữa.
Anh Hồng ơi!
Hôm nay tôi lại được viết và viết được rồi.
Hãy bớt đi chữ rất trong tên tôi. Hãy gọi tôi là Bùi Ngọc Tấn thương thôi, anh nhé.
Tôi viết về anh trung thực, mong anh chứng giám.
Trời còn cho sống, cho viết, tôi luôn cố gắng là người trung thực.
17.10.1993 - 11.1.1994
______________________
Phụ lục 1
Lại chuyện Nguyên Hồng - Một thời đã mất
(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất Nguyên Hồng (1982-1992)- In trong tạp chí Cửa Biển).
- Lại mở cửa hiệu bán buôn bán lẻ Nguyên Hồng đấy phải không?
Một anh bạn hỏi tôi như vậy khi thấy tôi loay hoay với những trang bản thảo dập dập xoá xoá viết về Nguyên Hồng. Nguyên Hồng quả như một vùng tài nguyên chưa cạn vẫn còn đang được khai thác và chưa thấy đâu là vỉa quặng cuối cùng. Người ta đã viết và in nhiều về anh (tôi cũng có một bài). Năm nay kỷ niệm tròn mười năm anh từ biệt thế giới này, lại một loạt bài nữa về anh. Bài nào cũng có những thông tin mới, cũng đậm tình người viết. Đó là điều đặc biệt đời dành cho anh. Không một ai - kể cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng - được như vậy. Người ta viết về anh như viết về một nhà văn lớn. Như viết về một người bạn. Như viết về cuộc đời của chính họ. Cuộc đời ấy là một tập đại thành chữ của Nguyên Hồng) của khát vọng, của lao động khổ sai, của sảng khoái hưởng thụ, của sự nhọc nhằn lam lũ vất vả, của ý thức về sự cao sang nghề nghiệp, sự nhẹ dạ hồn nhiên trong cuộc sống, và vượt lên tất cả là lòng yêu đời, dù thế nào cũng cứ yêu tha thiết cuộc sống này. Anh là lương tâm văn học của lớp trẻ chúng tôi. Chưa bao giờ đời cám dỗ nổi anh, biến anh thành một công chức văn nghệ.
Thế là đã mười năm Hải Phòng vắng bóng anh. Tôi nhớ lại mùa hè năm 1982 đó. Tôi đang làm ở xí nghiệp đánh cá. Một xí nghiệp có đối tượng lao động là biển cả. Người ta đi biển hàng tháng, hàng năm mới trở về. Người ta vật lộn với bão, với gió mùa, với biển động, với những sự cố và những tai nạn. Người ta làm việc không kể ngày đêm. Thèm một ngọn rau xanh. Nhớ vợ con. Nhớ người yêu Nhớ cây. Nhớ tiếng còi ô tô. Nhớ đất ẩm. Và uống rượu. Ai cũng uống. Uống nhiều cho quên đi tất cả. Bởi vậy người ta ít quan tâm đến mọi chuyện. Nhiều người còn lẫn lộn tên và chức vụ của những vị rường cột nhà nước. Nhưng tin Nguyên Hồng qua đời ai cũng biết. Ai cũng biết đất nước vừa mất đi một nhà văn lớn dù có người chưa đọc anh một dòng nào.
Tin dữ đến với tôi quá bất ngờ. Tôi đã tưởng không còn chuyện gì là bất ngờ đối với tôi được nữa và đã tự bảo chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Thế mà tôi vẫn choáng. Vẫn phải cố gắng lắm mới quen với ý nghĩ từ nay không được gặp anh nữa, anh đã đi vào hư vô. Ba năm sau cảm giác ấy lại đến với tôi khi cha tôi qua đời cũng đột ngột như vậy. Cũng như với Nguyên Hồng, tôi nghĩ cha tôi còn có thể sống khoẻ mạnh mươi năm nữa. Khi thế hệ cha anh mình mất đi, mình bỗng thấy trơ trọi. Không còn nữa cái tuyến một vẫn đứng chắn giữa mình với vô cùng, che chở cho mình bình yên sống. Mình không an toàn nữa. Mình bỗng biến thành tuyến đầu. Từ nay mình bị phơi ra trước họng súng bắn tỉa của Thần Chết.
Bên cạnh nỗi xót thương, tôi quen dần những cuộc trò chuyện tay đôi với kết cục tất yếu sẽ đến cùng mỗi chúng ta và tôi hiểu rằng được chết như anh, như cha tôi là vô cùng sung sướng. Chết mà không biết rằng mình đã chết. Chết mà vẫn chuẩn bị cho những việc phải làm, vẫn bận bịu với công việc và hình như đến bây giờ vẫn tưởng mình còn đang làm việc. Tôi muốn lên Yên Thế - một vùng đất tôi sống nhiều năm trong thời chống Pháp - vĩnh biệt anh lần cuối. Nhưng với văn chương, tôi đã là người ngoài cuộc. Tôi đã bị văng ra ngoài quỹ đạo. Tôi đành ở lại thành phố Hải Phòng, nơi chính tôi đã cùng Nguyên Bình đưa mẹ anh từ Đông Khê ra ô tô để bà lên Yên Thế. Tôi nhớ đến căn nhà đơn sơ của bà ở Đông Khê, nơi anh viết Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu. Tôi nhớ đến bà, đến dáng người, vẻ mặt bà.
Bà rất giống anh. Chẳng riêng ngoại hình mà còn ở những điều dễ nhận thấy trong tính cách: sự chịu đựng và lòng đôn hậu.
Thực ra trong những năm cuối đời, Nguyên Hồng ít lại nhà tôi. Anh đến tôi chỉ để được yên tĩnh. Nằm trên giường, đọc, hoặc uống rượu.
Trước đây nơi ở chính của anh khi anh về Hải Phòng là nhà tôi. Giờ đây anh đã có một chỗ trong trụ sở Hội văn nghệ Hải Phòng. Và hình như cả một căn buồng ở Cầu Tre thành phố phân cho anh.
Anh đến nhà tôi và nằm xoài xuống sàn nhưng tôi vẫn tinh ý thấy anh nhìn rất nhanh vào đám chai lọ ở gầm giường.
Tôi biết anh đang thèm rượu. Rất ít khi anh bị thất vọng. Tôi có thể moi ra ở đám chai lọ ấy khi nửa chai Lúa Mới, khi một xị rượu gừng hay một cút cuốc lủi. Lúc thì thứ rượu cà phê thẫm mầu. Sau vụ tai nạn của tôi, vợ tôi, một nữ sinh kháng chiến, rất chăm chỉ hương khói.
Nguyên Hồng là người được hưởng lộc nhiều nhất. Anh không khắt khe chọn rượu. Anh đã uống cả rượu cà phê, thứ rượu trước đây anh cho là dã man, bởi vì theo anh, cà phê làm giã rượu. Uống rượu cà phê có nghĩa là được uống nhưng không bao giờ được thoả mãn. Đó chính là tra tấn. Vậy là anh đã quen với sự tra tấn ấy.
Thời gian anh đi Liên xô về, tôi hỏi anh rượu bên ấy loại nào ngon. Anh thì thầm vào tai tôi như sợ có người nghe thấy điều bí mật phạm pháp, vì nó phủ nhận quốc doanh trên quy mô lớn:
- Cũng như ta thôi. Ngon nhất là, là vốt-ca lậu!
Rồi cười. Cười như một người khám phá công bố kết quả bất ngờ. Cười như một người táo tợn dám nói lên chân lý. Cười như đã tìm ra đặc điểm chung nhất của nhân loại. Cười như một trò tinh nghịch. Đó là lúc anh thật sự thơ trẻ lại.
Nhìn Nguyên Hồng uống rượu bao giờ tôi cũng vui. Hơn thế, một cảm giác kính cẩn, gần như một nghi thức tôn giáo.
Từ Cô Tô về, đen nhẻm, anh kể về bữa rượu ngoài đảo do chính quyền sở tại chiêu đãi anh em văn nghệ sĩ. Hải sản. Tất nhiên. Lại cả thịt dê. Và rượu. Và cũng tất nhiên là Nguyên Hồng ngồi cùng mâm với Nguyễn Tuân. Một thứ rượu tăm chính hiệu. Hai người tận hưởng ngọn lửa được thắp lên ở họng và lan vào cơ thể. Anh em văn nghệ sĩ trẻ ngồi cùng mâm và khác mâm ăn như đã bị bỏ đói mấy ngày. Vì không khí trên đảo. Vì sự chuyển dịch. Vì những món ăn ngon lạ miệng. Vì biển ngay bên cạnh. Vì chẳng mấy khi tụ họp đông vui thế... “Họ ăn hơi phũ”. Nguyên Hồng nói vậy. Thực ra họ ăn phũ. Ngon miệng, vô tâm, ồn ào, háu đói.
Mặc. Hai ông già cứ “nâng lên đặt xuống”. Cứ đối ẩm. Cứ ngâm nga. Như chỉ có hai người. Khi hai ông ngừng uống để ăn cơm, các món ăn chỉ còn lại xương. Thấy mỗi người chỉ và một lưng cơm như kiểu ăn chiếu lệ, một bạn trẻ cùng đi lễ phép hỏi:
- Hai bác ăn ít thế ạ?
Nguyên Hồng im lặng vì biết thế nào Nguyễn Tuân cũng... trả lời. Anh không nhầm. Tác giả Sông Đà, Vang bóng một thời nhìn cái bụng căng tròn của anh bạn trẻ, đáp với giọng thương hại:
- Sao anh chậm hiểu thế. Các anh ăn gạo. Còn chúng tôi ăn tinh của gạo.
Lại cười dòn. Nguyên Hồng quả là người mau nước mắt. Khi cười cũng lấy khăn mùi soa lau mắt. Dịp quốc khánh năm ấy, anh thi đua xí nghiệp đánh cá (nơi tôi sẽ đến làm thi đua khi ở tù ra) mua cho tôi mười ki lô cá mực theo giá cung cấp. Nghĩa là “bán như cho” và “mua như vớ được”. Chưa bao giờ tôi có trong tay một khối lượng thực phẩm quý giá, khổng lồ như vậy. Khi đó tôi vẫn đang làm báo. Sau khi đã vợi bớt cho vài người bạn thân, chúng tôi giã chả. Hai vợ chồng thay phiên nhau giã, rán. Và phải gương mẫu ăn nữa vì cũng chỉ có hai chúng tôi. Các cháu đã về quê với bố mẹ tôi.
Suốt một ngày ăn chả mực, tới tối vẫn còn một đĩa men đầy. Giống này rất chóng thiu. Đang lo vì sắp phải mở toà án lương tâm tự đưa mình ta xét xử về tội tham lam dẫn tới sự lãng phí không thể tha thứ được thì Nguyên Hồng đến. Thấy anh và cái làn ràng ràng lủng củng chai lọ hiện ra ở hành lang, chúng tôi cùng reo lên.
Anh ngạc nhiên:
- Có chuyện gì mà vui thế?
Đó là một đêm thu. Trời đẹp. Gió tới tấp. Mà cửa sổ nhà tôi thì rộng, lại trông thẳng ra biển. Bóng điện tròn treo giữa nhà bị gió đánh đung đưa. Nguyên Hồng rút từ trong làn ra một gói chè Ba Đình và hai gói thuốc Tam Đảo tiêu chuẩn phân phối của anh. Quà anh mang từ Hà Nội về tặng tôi ngày Quốc khánh.
Nhìn đĩa chả mực vàng ruộm vợ tôi vừa rán lại, Nguyên Hồng xuýt xoa. Chúng tôi ngồi uống rượu.
Nguyên Hồng nói với vợ tôi:
- Chị Bích ạ. Chả mực phải rán nhỏ nữa. Bằng ngón chân cái thôi. Rán ngập mỡ. Như mấy bà bán ở chợ ấy.
Thế là anh kể về những hàng quà rong. Cái thú khi ngồi ăn ở vỉa hè, cổng chợ. Vừa ngon. Vừa rẻ. Vừa được nhìn, được nghe. Biết bao nhiêu chuyện. Như cái hôm anh ăn bên Hạ Lý. Giời rét đại hàn chi cực. Anh thanh niên ngồi cạnh anh quần áo phong phanh lại chỉ ăn bún chấm mắm tôm, vừa ăn vừa run lập cập khiến chính Nguyên Hồng cũng run lên. Lại như cái hôm anh ngồi uống rượu ở hàng bà bán bún ngoài cổng chợ Lạc Viên. Ngồi ghế đối diện với anh là một phụ nữ, chắc là làm bốc vác Cảng. Giầy vải, quần áo bảo hộ lao động xanh rộng thùng, lấm bẩn. Rõ ràng vừa tan ca về. Người ấy lẳng lặng ăn như anh lẳng lặng uống. Ăn xong khen bún ngon và lấy trong túi xách ra cái cặp lồng đựng một bát mua thêm. Lấy cả chanh ớt, chíu chương. Thêm một ít hành dúng. Đừng cho hành dúng vào bún. Cứ để ngăn trên chỗ chanh ớt. Rồi chỉ vào cái tỏi gà: Chặt cho tôi cái tỏi này. Con gà hôm nay béo, mềm. Gói riêng ra hộ tôi. Cả lá chanh nữa. Cho vào cặp lồng, cho gói thịt vào túi xách. Tưởng xong. Lại rút từ túi ra một con hươu. Cho tôi một cút vào đây. Lúc ấy mới trả tiền. Xách túi đứng lên còn quay lại giải thích với Nguyên Hồng đang cố làm ra không để ý gì đến mọi việc chung quanh:
- Cho ông lão ở nhà.
Và đon đả ra đi.
Nguyên Hồng xuýt xoa không một chút hài hước:
- Lấy được một người vợ như vậy thật đại hạnh phúc!
Chúng tôi cùng cười. Hình như anh muốn tin đấy là Gái Đen, là mẹ La của anh. Anh muốn tin rằng đó là những người trong Cửa biển của anh đã đổi đời cũng với cách mạng, đang sống hạnh phúc trong cuộc sống mới.
Chúng tôi uống lâu. Tới lúc đài phát thanh kết thúc bản tin và bắt đầu chương trình văn nghệ- tiết mục Tiếng thơ. Mười giờ đêm rồi. Cái loa nón Ngã Sáu vọng vào giọng ca thơ lanh lảnh của ai đó đang hát bài thơ chưa in (như giới thiệu của đài Tiếng nói Việt Nam) của Tố Hữu, bài Nhật ký đường về. Đúng là inédite vì tới sáng hôm sau, mùng hai tháng chín báo Nhân Dân in bài thơ ấy mới phát hành.
Hay tin giặc bắn Hòn Mê
Đêm nằm nghe biển gọi về quê hương
Sáng ra cất cánh lên đường
Xôn xao sóng nước đại dương muốn trùng.
Cu Ba chào bạn anh hùng
Cũng giống tôi, Nguyên Hồng không thích ngâm thơ. Ghét nữa. Giọng véo von trầm bổng làm mất âm điệu của ngôn ngữ. Nó giết chết nhạc của thơ. Nó có thể tạo nên một lớp công chúng không biết gì về chất nhạc này. Nguyên Hồng không gọi là ngâm thơ. Anh gọi là hát thơ. Và anh cho biết thủ phạm của ngành nghệ thuật này chính là hai nhà thơ Hoàng Cầm, Xuân Diệu. Nguyên Hồng ghé sát tai tôi, tinh nghịch:
- Lại có những vị lên ngâm thơ cứ ưỡn bụng ra mà chẳng có gì là gợi tình cả.
Chúng tôi lại cười. Tràn ngập không gian là tiếng đàn thập lục thánh thót, tiếng sáo lúc vút lên như tiếng chim chiền chiện, lúc là là như trôi sát mặt sông và giọng ngâm điêu luyện:
Sáng rồi rộn rã trong tim
Đường về phơi phới cánh chim tung hoành
Cờ bay Vạn lý trường thành
Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng
Tôi bảo Nguyên Hồng:
- Cửu Long giang ta ơi của anh cũng được hát trên đài đấy. Tôi nghe mấy lần rồi.
Anh làm ra bộ thiểu não, lắc đầu, kiểu như muốn nói: “Phải chịu thôi. Phải đầu hàng thôi. Không còn cách nào khác”.
Chúng tôi lại nói chuyện thơ. Nguyên Hồng là tác giả những bài thơ có thể làm bất kỳ nhà thơ nào ghen tỵ.
Một bài thơ của anh ít được nhắc tới, nhưng tôi chỉ nghe một lần đã thuộc. Và nó cứ nằm lý trong trí nhớ ngày một tồi một suy giảm của tôi. Đó là bài “Hồng Hà, tên con, dòng sông yêu dấu”.
Hồng Hà
Ngẩng trán lên
Cha hôn
Nước sa đã về
Vải thiều đã đỏ.
Bãi ngô ngả rạp
Gió Tây chảy vàng đồng lúa
Mây đen Tam Đảo gọi gió chiều hôm
Lô, Thao thác réo ghềnh sôi
Biển Đông chớp nhói lửa chài chông chênh.
Mẹ đẻ con
Mùa ấy
Tên con tìm đặt
Ngay khi thai nghén
Vú nhỏ nổi gai
Bụng nhỏ căng tròn
Mặt váng vất những buổi chiều nhớ sốt
Trong thịt xương một xương thịt mang hồn
(.)
Còn đây là Cửu Long giang ta ơi đã đi vào cổ điển:
() Mê kông chảy
Cây lao đá đổ
Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương
Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn.
Ngẫm nghĩ vơi đi
Thác Khôn cười trắng xoá
Rừng Lào - Miên rộng quá
Dân Lào - Miên mến yêu
Hai bài thơ anh viết về hai con sông lớn nhất đất nước, một ở miền Nam, một ở miền Bắc, bồi đắp thành hai châu thổ lớn, “thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa”.
Trong thơ Nguyên Hồng không có chỗ cho sự trung bình của tình cảm, lại càng không có chỗ cho sự uốn éo, làm duyên.
Đêm ấy chúng tôi thức khuya. Một tối thật vui.
Nguyên Hồng ngủ lại nhà tôi. Vợ tôi dẹp mâm. Tôi lấy khăn mặt đưa anh lau tay, lau miệng. Nhưng anh cho tay vào làn, lục tìm, lôi từ đống hỗn mang ấy ra một cái khăn mặt mầu nước dưa và thân mật vỗ vai tôi, phổ biến cho tôi một chân lý mới mẻ, vĩnh hằng:
- Người ta có thể uống chung một chén rượu. Nhưng không thể dùng chung một cái khăn mặt!
Khi tôi bị văng ra ngoài quỹ đạo, Nguyên Hồng thưa lại nhà tôi. Ngoài những lý do về nhà cửa, nơi ở của anh đã có còn một lý do khác nữa. Anh không thể nói chuyện văn chương với tôi, mà đấy lại là nội dung chính trong cuộc sống của anh. Mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm. Dù có nói chuyện gì cuối cùng cũng dẫn tới chuyện sáng tác, cũng dính dáng tới công việc của anh, tới các bạn tôi đang viết, đang in.
Cuối năm 1974, nghĩa là khi tôi ở tù ra được một năm và đang làm bốc vác, Nguyên Hồng lại nhà tôi. Đó là một tối mùa đông. Ngồi trên chiếc chiết giải giữa nhà, đúng chỗ tôi và anh uống rượu với chả mực năm nào, anh lục trong cặp (lần này là cặp, không phải cái làn đựng các thứ hỗn mang nữa) rút ra một tập sách anh mới in. Một tuổi thơ văn. Anh lấy bút ghi tặng tôi, vẫn bằng thứ chữ to anh chuyên đề tặng trên các tập sách: Cho Bùi Ngọc Tấn rất thương. Mùa đông nhớ năm xưa. Nguyên Hồng.
Đưa tập sách cho tôi, thật bất ngờ, anh oà khóc. Đó là những giọt nước mắt mặn xót cả lòng tôi. Tập sách đầu tiên anh tặng tôi khi tôi trở lại cuộc sống con người. Cầm tập sách tôi nguôi đi tất cả những hờn giận về anh, về những xa cách đã có giữa chúng tôi. “... rất thương. Mùa Đông nhớ năm xưa”. Anh vẫn nhớ những năm xưa. Không quên.
Đó là tất cả những gì có thể làm được cho tôi. Thế cũng đã là nhiều lắm.
Hơn một lần anh chảy nước mắt về những đau khổ của tôi. Nhưng chỉ ba lần anh khóc nhiều như vậy. Lần đầu tiên: Gặp lại tôi sau 5 năm tù. Lần thứ hai khi tôi cho anh xem bộ quần áo số của tôi. Và lần này. Anh sợ quyển sách của anh sẽ làm tôi đau. Vì tôi đã bị văng ra ngoài quỹ đạo.
Nguyên Hồng vẫn tránh mọi chuyện văn chương với tôi ấy thế mà có một lần vừa đến nhà, anh đã lôi ra một tạp chí nước ngoài. Anh lật tìm trang. Và đặt trước mặt tôi quyển tạp chí để mở. Tôi nhìn tấm hình in trên tạp chí và lại nhìn anh. Đúng là anh. Nhưng tôi kêu lên:
- Giống Đề Thám quá?
Thật là một phát hiện bất ngờ. Eureka!
Tạp chí giới thiệu Nguyên Hồng và in ảnh của anh. Khuôn mặt. Chòm râu. Chỉ thiếu vành khăn trên đầu là thành Hoàng Hoa Thám.
Anh ngắm lại tấm ảnh:
- Mình không biết họ chụp mình lúc nào. Đúng là Đề Thám.
Khi đó anh đang viết Núi rừng Yên Thê, anh “vẫn khoẻ vì cần phải khoẻ” như thư anh viết cho tôi ngày trước.
Khi đó anh đã dạy con gái anh cách bán mèo ở chợ Yên Thế để lấy tiền mua sách bút vào năm học mới.
- Con cứ cầm gáy nó giơ lên thế này này. Chân nó chụm lại thế này là mèo hay chuột đấy. Cứ bảo người ta là mèo nhà cháu hay chuột lắm..
Chờ đến gần trưa, chưa thấy con gái về, Nguyên Hồng ra chợ. Chợ đã vãn. Con bé con và con mèo con vẫn còn ngồi đó. Thấy anh, con bé oà lên khóc
- Con đã làm như thầy bảo, nhưng người ta không mua. Người ta bảo mèo nhà mình là mèo đực.
Còn một chuyện nữa về Nguyên Hồng, tôi cứ suy nghĩ mãi: Nên viết hay chỉ lưu giữ trong bộ nhớ. Đó là cuộc gặp giữa Giăng và Nguyên Hồng ở nhà tôi. Giăng là con liệt sĩ. Bố Giăng hy sinh từ những năm đầu chống Pháp. Mẹ đi lấy chồng. Giăng trở thành trẻ bụi. Móc túi. Đánh nhau. Ăn cắp xe đạp. Đi tù.
Khi tôi và Nguyên Hồng đang uống rượu thì Giăng đến. Không cần giới thiệu, Giăng cũng biết ngay là Nguyên Hồng. Có lẽ hồi ở trong tù tôi đã tả về anh quá nhiều, nên vừa gặp, Giăng đã nhận ra anh. Tôi bảo Giăng ngồi xuống mâm. Thức nhắm với Nguyên Hồng bao giờ cũng đơn giản. Bữa ấy chỉ có ít lạc rang. Tôi nói cho Nguyên Hồng biết đôi chút về cuộc đời Giăng. Giăng rụt dè:
- Cháu đã đọc Bỉ vỏ. Chúng cháu thích lắm...
Đó là những điều quá nhàm, nhà văn chỉ mỉm cười độ lượng. Nhưng câu nói tiếp theo của Giăng thật bất ngờ:
- Sao bác không viết những chuyện như thế nữa. Những chuyện xẩy ra bây giờ cơ. Nhiều chuyện lắm. Chúng cháu sẽ kể cho bác. Bác viết thì hay lắm...
Nguyên Hồng im lặng. Giăng nhìn anh chờ câu trả lời.
Tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện Nguyên Hồng kể cho tôi lâu lắm rồi, từ trước khi tôi bị bắt. Một cô gái tuổi đôi mươi nói với Nguyên Hồng đầy tự tin:
- Tôi có cuộc sống. Anh có tay nghề. Chúng ta sẽ cộng tác viết một tác phẩm...
Tôi đã cười mãi về sự tự tin đến mức ngây ngô của người con gái ấy, người đã khoe cuộc sống với cả Nguyên Hồng. Giờ đây tôi mới hiểu cô. Đến bây giờ tôi mới biết có những Tám Bính, Năm Sài Gòn mới đang đòi có những nhà văn của mình.
Tôi nhớ sự đăm chiêu của Nguyên Hồng trước câu hỏi của Giăng. Tôi nhớ anh đã tránh cái nhìn lễ phép, chờ đợi của Giăng. Tôi nhớ vẻ sợ sệt của Giăng vì đã làm anh buồn.
Cũng như tôi nhớ trong một lần khác, lại nhà tôi, anh phe phẩy cái quạt giấy tuỳ thân. (Anh không thích dùng quạt máy dù tôi đã ưu tiên cái quạt cóc duy nhất cho anh). Nằm trên giường, anh đọc. Bỗng anh nhổm dậy gọi tôi với vẻ đầy sảng khoái:
- Tấn ơi! Làm gì đấy. Nghe đã nhé. Đây là câu kết một vở kịch Ba Lan. Nhân vật chính quay ra nói với khán giả: “Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất: Người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai: Người ta mệt quá rồi”.
Ngã Sáu 18 - 20.5.1992