NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (2)

 Thế là đã hơn một tháng từ ngày những vết tròn trên cổ tay Mi-xu trở nên đen thẫm hơn và to ra - bây giờ chúng đã bằng đồng bạc mười yên.
- Cô có cái gì trên tay thế này? Phì, trông nó đáng sợ quá, - một ông khách ngồi uống bia, nói.
Ông ta cầm lấy tay Mi-xu. - Những nốt gì thế này?
Ông ta là chủ một cửa hàng guốc gỗ ở Ca-va-cô-ki. Uống rượu say bao giờ ông ta cũng chửi rủa tục tĩu, các cô gái bồi bàn không ưa ông ta, và ông ta cũng đáp lại họ bằng thái độ như vậy. Nhưng đối với Mi-xu, ông ta đối xử không tồi.
- Cần phải đi chữa đi, cô em ạ, kẻo khách hàng không ưa đâu.
- Cháu ngày nào cũng bôi chuối, nhưng không khỏi.
- Cô hãy vứt những thứ thuốc ấy đi. – Ông ta đưa tay lại gần đèn và chăm chú xem xét. - Bệnh gì thế này nhỉ? nhất định phải đến bác sĩ khám thôi!
Thêm người khách nữa bước vào.
Ô-ta, một anh chàng gầy gò, không cân đối, mặt xanh xao. Các cô hầu bàn thường tránh mặt anh ta: anh ta làm cho tất cả phát ngán lên vì những lời Ô-ta than về cô vợ vừa bỏ anh ta đi hai tháng trước, đến nỗi thấy anh ta xuất hiện mọi người phải bịt tai lại. chỉ có một mình Mi-xu kiên nhẫn nghe anh ta.
Ô-ta lập tức nhận thấy những vết tròn đỏ thẫm trên tay Mi-xu và nhảy lùi ra xa cô như trông thấy một cái gì khủng khiếp.
- Hay là cô vớ phải cái gì đó rồi?
- Anh ta nói cái gì vậy? - Mi-xu ngơ ngác hỏi.
- Cái bệnh khủng khiếp, bắt đầu bằng chữ “gi”.
Các cô gái đứng bên quầy phá ra cười. Nhưng Mi-xu không hiểu gì vẫn đứng ngơ ngác nhìn người khách hàng.
- Mi-xu chị nên đi bác sĩ khám đi. Mọi người nói với chị bao nhiêu lần rồi, - một cô tên là I-ô-xi-e vừa xỉa răng vừa nói.
- Nhưng chúng không đau và không ngứa gì cả.
- Nhưng việc không phải chỉ có thế. Chị có thể làm lây sang mọi người.
Mi-xu đỏ mặt cúi đầu xuống
Ngày hôm sau Mi-xu đi đến bệnh viện Xi-rai ở ngay cạnh quán bia, bên hiệu cầm đồ. Cả bệnh viện nằm gọn trong một ngôi nhà nhỏ đã cũ, phía trong có vô số những căn phòng nhỏ với các bảng chữ gắn trên cửa “Bệnh trẻ em”, “Tai mũi họng”, “Thần kinh ”, “Nội khoa”. Mi-xi xếp hàng vào phòng khám “Da liễu”. Trên chiếc bàn đặt ngoài hành lang có mấy tờ tạp chí và sách trẻ con in tranh mầu. Mi-xu đứng sau một người đàn bà bế đứa trẻ chừng năm tuổi.
- Xin lỗi chị có thể trông cháu giúp một lát không ạ? - Khi đến lượt mình, người đàn bà vừa ho vừa hỏi. Mi-xu gật đầu.
- Tên cháu là gi? - Mi-xu hỏi cậu bé.
- Xu-tô-mu ạ, - đứa bé trả lời.
Xu-tô-mu một sự trùng hợp kỳ lạ! Đúng lúc Mi-xu vừa nghĩ tới I-ô-xi-ô-ca. Không hiểu anh ấy có biết bây giờ mình đang ở đâu không? Ước gì gặp được anh ấy dù chỉ một phút.
- Cháu ngồi yên, mẹ ra bây giờ đấy.
Người đàn bà vừa ho vừa bước ra cùng một ông bác sĩ.
- Cần phải chiếu điện. Phổi của chị tồi lắm rồi… người tiếp theo…
Trong phòng khám sực mùi phê nôn, mùi I-ốt.
Một bông hướng dương lớn nhòm vào cửa sổ. Đứa bé khóc ngoài hành lang. Bác sĩ, một người đàn ông béo phục phịch mặc áo choàng trắng ngay ngoài áo may ô, chăm chú xem xét những vết tròn trên cổ tay Mi-xu.
- Chị bị đã lâu chưa?
- Đã hai năm nay. Nhưng chúng không đau cũng không ngứa, - Mi-xu nói, dường như cố thuyết phục bác sĩ rằng đây hoàn toàn không phải là thứ bệnh hiểm, mặc dù chính cô mỗi lúc lúc một cảm thấy lo lắng.
Bác sĩ im lặng ghi vào sổ.
- Thưa bác sĩ, có thể chữa được không ạ?
Bác sĩ ho, mặt đầy mồ hôi.
- Ngày mai chị nhất thiết phải đến phòng khám đa khoa, ở đó họ sẽ thử máu cho chị.
- Thử máu ạ?
- Chị đừng sợ người ta chỉ lấy một vài giọt, nhưng lại xác định được chính xác bệnh gì. Tôi nghĩ rằng không có gì đáng ngại cả, nhưng cần phải chứng minh. - những lời sau cùng của bác sĩ làm Mi-xu yên tâm.
Thậm chí ông ta không cho cả đơn thuốc.
Trên đường về nhà, Mi-xu ghé vào hiệu thuốc mua một gói băng để băng kín những vết tròn trên cổ tay.
Một màn mưa bao phủ khắp thành phố.
Những khuôn mặt mệt mỏi, xanh xao của bệnh nhân nhìn qua các ô cửa sổ đẫm nước mưa của phòng khám đa khoa thuộc viện nghiên cứu y học ra đường phố.
Nhiều người ngồi cả trên những dãy ghế dài cạnh phòng bệnh da liễu. Đầu một người đàn ông quấn khăn kín mít.
Mi-xu nghĩ mình vào nhầm cửa, giơ giấy giới thiệu hỏi cô y tá mang thẻ khám bệnh đi các phòng.
- Tôi vào đây phải không ạ?
Cô y tá gật đầu.
Mi-xu ngồi xuống bên mép ghế.
- Ta-ca-ghi, Tô-ga-va, Ma-mu-a-ra… - cô y tá lần lượt gọi tên bệnh nhân.
Dường như sẽ không bao giờ hết người, Mi-xu không kìm được:
- Tôi là Mô-ri-ta Mi-xu.
- Rồi sẽ đến lượt chị, - cô y tá lạnh lùng nhìn Mi-xu qua cặp kính dầy, nói. Mi-xu bối rối vội quay về chỗ.
Mọi người trong hành lang cười.
Cuối cùng đến lượt cô. Mi-xu bước vào phòng, liếc nhìn qua cửa sổ ra ngoài sân.
Mi-xu đỏ mặt cúi đầu xưống. Trời vẫn còn đang mưa, một con mèo lông ướt sũng ngồi bất động trên bãi cỏ giữa những ngôi nhà của bệnh viện.
- Cởi áo ra!
Mi-xu ngơ ngác nhìn bác sĩ. Giữa căn phòng rộng, một bác sĩ to béo, dáng bệ vệ, mặc áo choàng trắng, (đọc không rõ) đứng xung quanh ông ta. Bối rối, Mi-xu không bước thêm được bước nào nữa.
- Chị vào cởi áo ra, - ông bác sĩ to béo cau mày nhắc lại.
Ông ta cầm lấy tay Mi-xu và chăm chú xem cổ tay.
- Những vết tròn to bằng đồng mười yên. Ở giữa có những chấm trắng - có lẽ là muối do các tuyến mồ hôi tiết ra… những cục máu đông…
Các bác sĩ nói lẫn lộn tiếng Nhật và tiếng nước ngoài, và Mi-xu, mỗi lần nghe những từ lạ khó hiểu lại rùng mình, đầu gối như muốn khuỵu xuống.
Năm người thanh niên cúi xuống sát tay Mi-xu nhìn như đang tìm tiền bị mất và chăm chú nghe ông bác sĩ to béo nói.
- Rất đáng nghi…không, cần phải kiểm tra,… chủng vác-xin vào…
- Chị đừng căng tay ra như vậy… thế… Đừng sợ… - Anh ta châm kim vào giữa vệt tròn, và tất cả lại cúi xuống cổ tay Mi-xu.
- Thế nào? - Chưa thấy gì cả… có lẽ…
- Lạ quá… có thể đây là bệnh Hăng-xen. Lúc đó…
Các bác sĩ đề nghị Mi-xu ra chờ ở hành lang.
Ngoài cửa sổ mưa rơi… Hàng ngàn sợi chỉ mỏng manh chăng dài từ trên xuống trên nền tường màu xám của một ngôi nhà bên cạnh.
Mưa rơi… Mưa rơi…
Mưa rơi… Một con mèo lông ướt sũng ngồi bất động trên bãi cỏ trong khu v ư ờn b ỏ hoang giữa hai ngôi nhà của bệnh viện…
Mưa rơi…
Vào cái ngày I-ô-xi-ô-ca hôn cô trong quán trọ đêm ở Xi-bui-a, mưa cũng rơi buồn như vậy, và bầu trời xám xịt như một tấm mền bông ướt bẩn thỉu. Mi-xu cố hình dung ra khuôn mặt của I-ô-xi-ô-ca. nhưng những đường nét cứ mờ nhòa đi, và I-ô-xi-ô-ca hình như đang khóc.
Đôi mắt vẫn đang nhìn tôi đâu đó,
Vẫn về ám ảnh tôi đêm đêm,
Mi-xu khẽ hát để át đi nỗi lo lắng. Đã từ lâu lắm, khi giúp đứa em gái chuẩn bị đi tham quan, cô cũng hát bài này.
- Chị Mô-ri-ta, - người bác sĩ trẻ lúc nãy tiêm cho cô đi đến đứng bên cạnh, nói. Nét mặt anh ta lộ vẻ cang thẳng, tập trung. - Tôi cần nói chuyện riêng với chị. - anh đi dọc hành lang, mời Mi-xu theo. Mi-xu rụt đầu vào vai.
Họ bước vào một căn phòng trên cánh cửa có bảng đề: “ Thư viện khoa bệnh ngoài da ”.
Người bác sĩ trẻ ngồi xuống, rút từ trong túi ra một bao thuốc, chỉ cho Mi-xu chiếc ghế đối diện. Xoay xoay bao thưốc trong tay, anh ta hỏi:
- Chị có nghe nói gì về bệnh Hăng-xen không ạ?
Mi-xu lắc đầu.
- Chúng tôi không tin là chị mắc căn bệnh này nên muốn kiểm tra lại thật kỹ hơn. Anh ta rút ra một quyển sổ tay. - Ở cách Ô-đem-ba không xa. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ đi ô-tô buýt, có một trạm điều dưỡng, gọi là “ phục sinh ”. Chị cần đi đến đó. Tiền vé chị không phải lo, chúng tôi sẽ trả.
- Bệnh này nguy hiểm lắm không ạ? 
Qua nét mặt của bác sĩ có thể thấy rõ là anh ta không biết trả lời như thế nào. Anh ta rút từ trong bao ra một điếu thuốc, vuốt thẳng rồi lại cho vào bao.
- Tôi chưa thể nói gì với chị được.
- Hăng-xen là ai?
- Là một bác sĩ người Đan-Mạch. Nhưng chị đừng quá lo lắng. Chúng tôi hoàn toàn không chắc rằng chị bị bệnh này, chỉ đoán thế thôi… - Người bác sĩ trẻ vội vã đứng dậy. - Chị nhất định phải đến viện điều dưỡng kia nhé.
Còn lại một mình. Mi-xu hai tay ôm lấy đầu. Trong đầu cứ lặp lại “ Bệnh Hăng-xen, bệnh Hăng-xen ”.
Một người vào đó ghé đầu nhìn vào phòng thư viện rồi đóng cửa lại ngay. Bệnh Hăng-xen… cái tên gọi khó hiểu làm cho Mi-xu lo sợ. nhưng cái cô sợ hơn là phải nằm điều trị lâu.
Khi cô ở Ca-va-cô-xi, người hàng xóm Ka-mi-ga-va bị bệnh lao, anh nằm trong viện rất lâu, chị vợ phải làm quần quật suốt cả ngày đêm để trả tiền điều trị. Còn Mi-xu thì lại không có tiền và trên đời này cũng không còn ai là người có thể giúp đỡ cô…
Mà cô chẳng đau gì cả. Những vết tròn này thậm chí không ngứa. Nghĩ vậy, Mi-xu hơi yên tâm, đứng dậy, cầm lấy ô và bước ra hành lang đã vắng người.
Mưa đã ngừng rơi. mặt trời yếu ớt gắng sức xuyên qua những đám mây. Những người bị bệnh đang đi lại trong khu vườn bệnh viện. Có người nào đó gọi Mi-xu.
- Chị quên cái này, - một cô y tá trẻ, má hồng hào mỉm cười bước tới trao cho Mi-xu một gói nhỏ. Đôi tay cô y tá béo mập trắng mịn, - may quá hết mưa rồi!
Cô y tá ngước mắt nhìn lên trời.
- Vâng… này chị ơi, chị có biết bệnh Hăng-xen là bệnh gì không? - Mi-xu hỏi câu hỏi vẫn dày vò cô.
- Bệnh Hăng-xen à? - cô y tá nhanh nhảu hỏi lại - hình như là bệnh hủi. Mà sao chị?
Mặt Mi-xu biến sắc. nhìn cô y tá trẻ hiểu ngay mình vừa sơ ý phạm phải một sai lầm… cô ta kêu lên một tiếng và bối rối chạy đi.
Những bức tường xám của ngôi nhà bệnh viện với các cửa sổ tối sẫm chập chờn nghiêng ngả trước mặt Mi-xu. Cô cố sức đứng vững. Bước một bước, hai bước… “ hay là mình đang mơ ngủ? ”.
Một chiếc xe hơi chạy ngang qua, xuýt nữa cán phải cô.
- Này, điên đấy hả? chui ngay vào dưới bánh xe! - lái xe ngoái đầu lại chửi.
Cô sợ hãi nhìn xuống tay mình. Hủi! người bị bệnh này như ở đâu một thế giới khác. Cô không thể bị bệnh hủi được, không thể! Chẳng lẽ cô, Mi-xu, Mô-ri-ta Mi-xu, lại bị bệnh hủi?! Không. Không và không!…
Cô nhớ lại tất cả những gì nghe được về thứ bệnh này. Vào một ngày trời nắng đẹp, cô cùng với mẹ đi đến nhà thờ. Cạnh nhà thờ có rất nhiều trẻ con tay cầm bóng bay đủ màu, một bà già khoác tạp dề trắng đứng bán kẹo ngọt. Mẹ mua cho Mi-xu mấy chiếc kẹo. “ăn cho khéo nhé, mẹ nói, - đừng làm bẩn áo đấy”.
Hai mẹ con bắt đầu leo bậc thềm đá vào nhà thờ. Mẹ mắng Mi-xu vì cô mải nhìn hai bên, nhưng lên đến giữa bậc mẹ bỗng kéo cô sát vào mình và sợ hãi nói: “Đừng đi lại đấy”. Một ông già ăn mày ngồi trên thềm đá, chiếc đĩa không để trước mặt. Ông già cúi chiếc đầu hói xuống sát đất van xin. Đôi bàn tay cáu bẩn, màu đất sét của ông không còn ngón: Mi-xu sợ quá, muốn òa lên khóc, bao giờ trông thấy những người khốn khổ, bất hạnh, cô cũng muốn khóc. Hai tay níu chặt lấy mẹ, cô vẫn không thể rời mắt khỏi ông già ăn mày…
- Mẹ ơi!
- Cái gì thế?
- Cho ông ta tiền đi!
- Đừng nói nhảm. Đi nhanh đi, đừng nhìn ông ta.
- Vì sao?
- Ông ta bị bệnh hủi đấy.
- Nó như thế nào hả mẹ?
- Nếu con không chịu nghe lời mẹ, ngón tay con cũng sẽ rụng ra như thế.
- Thế tại sao ông kia cũng bị rụng ngón tay?
- Vì ông ta là người xấu, ông ta làm nhiều diều ác cho mọi người. Tất cả những người xấu đều sẽ như vậy đấy.
Rồi một viên cảnh sát đi xe đạp đến, và ông già ăn mày biến mất.
Những lời của mẹ ăn sâu vào tâm trí Mi-xu, và bây giờ đây chúng lại vang lên rất rõ bên tai cô.
“Nhưng chẳng lẽ mình đã làm điều ác cho ai? Có thể mình chưa làm được điều tốt cho mọi người, nhưng mình cũng chưa làm điều ác cho ai cả”.
Hết con đường nhỏ, Mi-xu bước ra đường tàu điện. Từ sáng cô chưa ăn gì, và bây giờ đây cũng không muốn ăn. Chỉ muốn nằm trùm chăn kín đầu, và quên đi tất cả.
"Giấc ngủ là thứ thuốc tốt nhất, - mẹ cô thường nói như vậy, - vì khi ngủ, người ta quên hết mọi điều đau khổ, dằn vặt của mình, như đã chết rồi”.
Ngủ…
Một đoàn tàu điện ầm ầm chạy ngang qua. Mi-xu đứng tựa lưng vào thành cầu, đưa mắt nhìn theo. Mấy đứa bé đi học về ngồi trong toa ghé đầu nhìn ra. Xe ôtô chạy vùn vụt trên đường nhựa ướt. Mọi người vội vã bước đi…
Tô-ki-ô… Mọi người vội vã bước đi, không nhìn Mi-xu và tất nhiên không một ai nghi ngờ gì về điều cô gái với bộ mặt xanh xao rầu rĩ đứng tựa thành cầu đang nghĩ trong giây phút đó.
“Nhảy xuống sông - và hết chuyện”.
Nhưng nhảy sợ lắm. Rất sợ.
Cô đi ra phố Xin-du-cu. Không biết đi đâu tiếp. Mi-xu ghé vào hiệu ăn. Nhưng không phải vì muốn ăn, mà chỉ thế thôi. Cô gọi một món gì đó và ngồi im nhìn qua ô cửa sổ lớn của hiệu ăn ra những ngôi nhà xám đứng đứng thành dãy dài, nhìn lên bầu trời cũng xám xịt phía trên những ngôi nhà đó. Rồi cô nhìn xuống tay mình. Ông bác sĩ to béo nói đúng: giữa các vết đỏ thẫm có những chấm trắng mờ như sữa. Mi-xu sờ tay lên những vết đó. “ Nhưng ông bác sĩ biết gì nhỉ? Những vết này hoàn toàn không đau”.
…Khi hai người từ nhà thờ về, mẹ kể cho bố nghe về ông già ăn mày.
- Hủi à? - khuôn mặt đỏ bừng bừng vì rượu vốt-ca của bố lộ vẻ ngạc nhiên. - chẳng lẽ bây giờ vẫn còn người bị bệnh hủi à? Hồi tôi còn bé, nhiều người bị bệnh này lắm. Hình như bệnh hủi di truyền đấy…
Trong nhà Mi-xu không ai bị bệnh hủi cả. Mẹ cô chết cũng không phải vì nó. Thế thì Mi-xu lấy nó ở đâu ra?
Một người đàn bà bế đứa bé gái trên đầu gối ngồi ở cuối bàn đằng kia. Cô bé gỡ tay mẹ ra, ôm một con búp bê mới chạy đến bên Mi-xu. Há chiếc miệng dính đầy nước bột quả, cô bé nhìn Mi-xu chằm chằm.
- Chào cháu. - lần đầu tiên trong ngày, Mi-xu mỉm cười và chìa tay cho đứa bé. Cô rất yêu trẻ con, khi còn làm ở xí nghiệp thường mua bánh kẹo cho bọn trẻ hàng xóm.
- Cô ơi, cho cháu nữa đi, - lũ trẻ vòi thêm.
Cô bé ôm búp bê mỉm cười tín cẩn nhìn Mi-xu. Nhưng bỗng nhiên cô, cả người run bắn lên, rút vội tay về, rồi hai tay ôm lấy mặt, lặng người đi.
- Chị sao thế? Mệt à? Mi-xu nghe có tiếng người hỏi. Một anh hầu bàn đứng bên cạnh.
- Không sao, cảm ơn anh, sẽ qua ngay.
- Chị đánh rơi chiếc gói kìa.
Đường phố Xin-du-cu không đông lắm. Mưa lại rơi. Mấy người mặc áo mưa nhiều màu rất diện thong thả bước theo hè phố ướt. Những cặp yêu nhau khoác tay nhau dạo chơi, mặt rạng rỡ hạnh phúc, miệng mỉm cười lộ những hàm răng trắng lóa.
Trước đây, nhìn những người hạnh phúc, Mi-xu cảm thấy mình cô đơn bất hạnh, không cần cho ai cả; còn bây giờ cô không còn cảm thấy cả đau khổ lẫn ganh tỵ, chỉ có sự mệt mỏi, mệt mỏi rã rời…
Từ cửa sổ của một ngôi nhà vọng ra tiếng hát:
Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ.
Giờ đang với ai?
Ở đâu?
Bỗng nhiên trong số người qua đường cô thấy thấp thoáng một khuôn mặt quen quen. Đó là Mi-u-ra Ma-ri-cô, cô gái cùng làm với Mi-xu ở xí nghiệp dược phẩm trước đây.
Mi-u-ra mặc chiếc áo khoác đi mưa sặc sỡ rất đẹp, dưới nách kẹp một gói lớn - cô mới vừa trong cửa hiệu may mặc thời trang bước ra.
Mặc dù Mi-u-ra con một nhà giàu có- điều này ở xí nghiệp ai cũng biết, - nhưng cô ấy giản dị và tốt bụng đối với mọi người. Nhưng trông thấy Mi-u-ra, Mi-xu vội lấy ô che mặt lại - không phải vì cô không ưa gặp Mi-u-ra, mà chỉ vì bây giờ không còn bụng dạ nào để nói chuyện nữa.
Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ.
Giờ đang với ai?
Ở đâu?
Thế giới của Mi-xu và của Mi-u-ra khác nhau biết bao nhiêu! Mi-u-ra có thể sống không cần việc làm nhưng cô ta vẫn làm việc, để có một cái gì đó lấp đầy không gian. Còn Mi-xu cứ thử sống không làm việc xem! “Ma-ri-cô sắp tới sẽ đi lấy một người chồng tốt, còn mình thì sẽ không ai lấy. Ai cần gì đến mình?”.
Ôi thật là kinh tởm! Lần đầu tiên, trong tim của Mi-xu không có cả lòng thông cảm lẫn thương hại. Cô hằn học nhìn những cặp yêu nhau khoác tay dạo trên đường phố. Có lẽ cô sẽ dễ chịu, nhẹ nhõm hơn, nếu xung quanh cô cũng là những người bất hạnh như cô. Tại sao lại chỉ một mình cô, Mi-xu, phải chịu bất hạnh?
Khó nhọc lê bước, Mi-xu thất thểu ra ga Xin-du-cu.
Chúng ta ai cũng vội vã đi đâu đó, còn Mi-xu chẳng phải vội vã đi đâu cả. Chỉ còn một việc: trở về Ca-vat-da-ki, chui vào cái hang của mình…
Cô kinh hoàng nghĩ đến lúc phải đi làm, hình dung ra các cô gái vây quanh cô sẽ với một sự thông cảm bề ngoài bắt đầu hỏi han:
- Mi-xu, chắc chẳng có gì đáng ngại cả chứ? May mà không phải giang mai. Chúng tôi lo cho chị quá… Bởi vì thể xác là tiền vốn có của chúng ta… cần phải giữ mình…
Những tiếng rời rạc vẳng bên tai cô.
Ở nhà ga, người mặc áo mưa, che ô đang chen chúc nhau. Có mùi hôi thối không hiểu từ đâu đem lại.
Mua vé xong, Mi-xu uống một cốc sữa. Ông già mặc bộ quần áo cứu quốc đang chơi đàn phong cầm. Hình như có lần Mi-xu đã mua thánh giá của ông ta… Sau lưng ông già treo một mảnh giấy với dòng chữ ngoằn ngoèo: “Đức chúa Giê-su yêu thương tất cả chúng ta… ”
Những dòng chữ giả dối, vô nghĩa. Nếu như có chúa, tại sao ông ta lại không chú ý đến những đau khổ của mình?
Tại sao mình không sinh ra như Mi-u-ra Ma-ri-cô? Nếu như mình xinh đẹp hơn, chắc I-ô-xi-ô-ca đã không bỏ mình đi…
Tại sao đêm nào cũng vậy, khi ngoài đường ẩm ướt và lạnh lẽo, mình phải đứng dưới mưa mời khách, để cho họ nói thẳng vào mặt mình: “Ôi, đồ mặt dày!”?
- Đến Ô-đem-ba…
Cô lắng nghe. Chẳng lẽ đến nơi rồi à? người nhân viên đường sắt nhắc lại qua loa:
- Đoàn tàu đi Cô-han-da đang vào ga Xin-du-cu.
Hành khách chen chúc trên sân ga. Không, cô nghe nhầm…
Và bỗng nhiên cô nghe trong lồng ngực trào lên một nỗi thất vọng mà cô không sao kiềm chế nổi…
Cô cảm thấy mình như con chó ốm yếu, bất lực, cô đơn, không ai cần đến, bị vứt quẳng không thương tiếc ra ngoài đường phố mà người ta gọi là cuộc đời.