Lại nói chuyện châu quan Thâm Châu là Hạch Thượng Thông, nghe Vương An nói xong, hắn vô cùng sợ hãi, chạy tọt vào nha môn, vào thư phòng cũng chẳng dám ngồi xuống, chắp tay đi lại loanh quanh trong phòng, miệng lầm bầm, nói: - Ta chết chắc rồi, ta chết chắc rồi. Châu quan Thượng Thông đang tự mình lẩm bẩm trong thư phòng, chợt thấy ngoài sân có tiếng chân bước lao xao, thì ra là du kích dẫn binh sĩ tới. Vừa tới trước cửa thư phòng đã nghe thấy từ trong vọng ra tiếng rên rỉ của châu quan: - Ta chết chắc rồi, ta chết chắc rồi! Lý Nguyên Chân biết ngay châu quan Hạch Thượng Thông đang ở trong phòng. Tới cửa thư phòng, tóm lấy tấm rèm trúc giật mạnh, ném ra ngoài sân, quay lại ra lệnh cho đám thuộc hạ đang đứng sau lưng: - Mau bắt lấy tri châu Hạch Thượng Thông. Lưu đại nhân đang đợi xử hắn trên công đường. Đám thủ hạ nghe lệnh, không dám chậm trễ, vội xông vào thư phòng, tới trước mặt tri châu Hạch Thượng Thông, không nói không rằng, rút dây ra, trói gô lại, đẩy ra khỏi thư phòng. Du kích Lý Nguyên Chân áp giải phía sau. Qua mấy khúc quanh đã lên tới công đường. Châu quan Hạch Thượng Thông thấy Lưu đại nhân đeo gông ngồi trên công đường quả đúng là ông già tới mua gạo phát chẩn khi nãy, bất giác hai đầu gối mềm nhũn, quỳ sụp xuống, dập đầu huỳnh huỵch, nói: - Bẩm đại nhân, tệ chức mắt mù, không biết đại giá quang lâm, có lỗi không nghênh đón từ xa, lại mạo phạm khâm sai, tệ chức tội đáng chết vạn lần. Cầu xin đại nhân giơ cao đánh khẽ! Nói xong lại dập đầu lạy "bịch, bịch, bịch". Lưu đại nhân ngồi trên công đường, nói: - Ngươi tạm thời không cần quá lo sợ. Đợi ta tới Nhiệt Hà gặp chúa thượng, kể rõ với người về chuyện ngươi làm quan tốt như thế nào một lượt đã. Nếu Hoàng Thượng nói ngươi làm vậy là tốt ta e ngươi còn được ban thưởng nữa. Thánh chỉ giáng xuống, ngươi được thăng quan tiến chức, cái đó cũng dễ lắm! Châu quan nghe vậy, một mực dập đầu lạy, nói: - Xin đại nhân ban ân, thương xót kẻ hèn này! Lưu đại nhân ngồi trên cao, nói vọng xuống: - Tướng quan! - Có! Tệ chức xin đợi lệnh! Đại nhân nói: - Ta giao cho ông canh giữ tri châu Hạch Thượng Thông. Phải giữ người sống khỏe mạnh, không được để xảy ra chuyện gì. Đợi thánh chỉ tới sẽ phát lạc. Nếu có điều gì sơ xuất, tội quy cả cho ngươi đó! - Dạ! Tệ chức xin tuân lệnh. Nói xong, du kích Lý Nguyên Chân vội lôi tri châu Hạch Thượng Thông xuống khỏi công đường, dẫn về nha môn của mình. Vì sợ hắn uống thuốc độc tự tử, ông ta đã nghĩ ra một cách, trói ghì hai cánh tay hắn vào một thanh tre, lại lệnh cho ba mươi binh sĩ, hai viên bả tổng canh giữ suốt ngày đêm. Sau đó sai quân đi bắt hai tên nha dịch. Chuyện tới đây không còn gì đáng kể. Lại nói chuyện Lưu đại nhân ngồi trên công đường dặn xuống: - Lệnh cho ban nha Thâm Châu tạm thời treo ấn. Rồi mới sai: - Khiêng kiệu ra đây. Thủ hạ ứng tiếng dạ ran. Không lâu sau, kiệu đã hạ ngay trước cổng công đường. Lưu đại nhân đứng dậy. Quý vị thử hình dung lại cách ăn mặc của đại nhân lúc ấy xem: Chỉ thấy, trên đầu ông ta đội một chiếc mũ cỏ rách, trên mình khoác chiếc áo ngoài bằng vải trắng mượn được của chủ quán trọ, dưới chân vận đôi giày vải xanh đã cũ, vai lại mang chiếc gông lớn, bộ dạng thực khó coi! Lại nói chuyện đại nhân lên kiệu. Bởi vai mang gông cồng kềnh nên vướng vào cửa kiệu. Nhưng chiếc gông ấy chỉ là gông loại ba, không phải là gông đại nên cuối cùng ngài vẫn ngồi được vào bên trong. Lưu đại nhân cũng nghĩ ra cách, gá gông lên thành kiệu, phần bên ngoài dùng tay nâng lên. Làm như vậy, xem ra ngài ngồi trong kiệu cũng khá thoải mái, vững chắc. Chỉ có đám kiệu phu là không vui. Tự nhiên cỗ kiệu lại nặng thêm bảy, tám mươi cân nữa. Đại nhân dặn bảo đi về hướng Tây vì còn có chút việc cần làm. Thuộc hạ nghe vậy, không dám chậm trễ. Nghe đại nhân dặn dò, kiệu phu lập tức nhấc đòn kiệu, đặt lên vai, sải bước đi về hướng Tây. Chỉ trong chớp mắt đã rời khỏi nha môn, lên đường lớn, đi sang hướng Tây. Tới ngã tư, rẽ sang hướng Bắc, lập tức thấy bảng hiệu "Cầm đồ Phú Hưng” hiện ra trước mặt. Đại nhân dặn hạ kiệu. Kiệu phu lập tức dừng bước. Trương Lộc vội xuống ngựa. Lưu đại nhân ngồi trong kiệu, nói: - Trương Lộc, mau gọi chủ hiệu cầm đồ lại đây. Tên hắn là Dương Đại Thành. Tên người hầu nghe vậy, không dám chậm trễ, vội bước vào hiệu cầm đồ, nói: - Chủ cửa hiệu này đâu rồi? Lưu đại nhân muốn gặp Dương Đại Thành Chủ hiệu cầm đồ nghe vậy, vội nói vọng ra: - Tôn giả tìm tôi có việc gì? Trương Lộc nói: - Ngươi cứ ra đây, tự nhiên sẽ rõ. Dương Đại Thành vội bước ra ngoài, đưa mắt nhìn. Thấy trước cửa quán có một cỗ kiệu lớn, ngồi trong kiệu là một người, đầu đội mũ cỏ rách, chân đi giày vải cũ màu xanh, trên mình khoác một tấm áo màu trắng, khắp mình lấm lem bụi đường, trên vai mang gông. Nhìn bộ dạng trông giống như một ông lão nhà quê Dương Đại Thành nghĩ mãi vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Còn đang buồn bực, chợt thấy Lưu đại nhân ngồi trong kiệu, nói. Dương Đại Thành còn đang buồn bực, chợt thấy Vương An quát lên: - Còn chưa chịu quỳ xuống sao? Đây là đại nhân! Dương Đại Thành nói: - Ta biết. Nhìn bộ râu của ông ta, chẳng phải là chữ "Đại" đó sao? Chẳng nhẽ ta lại nhìn ra thành chữ "Tiểu”? Vương An nói: - Ngươi nói nhăng nói cuội gì vậy? Đây là khâm sai do thánh chúa đích thân chọn, là Lưu đại nhân, chủ khảo của phủ Bảo Định. Dương Đại Thành nghe đến tên khâm sai chủ khảo Lưu đại nhân, bất giác trong lòng kinh sợ, vội quỳ sụp xuống, nói: - Bẩm đại nhân, tiểu nhân không biết đại giá quang lâm, tội thực đáng chết vạn lần. Mong đại nhân khoan dung! Nói xong dập đầu lạy. Lưu đại nhân ngồi trong kiệu nói vọng ra: - Dương Đại Thành, chỉ cần ngươi sai người đánh ta là đủ rồi đâu cần ngươi phải đích thân ra đón tiếp? Dương Đại Thành nói: - Sao có thể như vậy được! Chúng tiểu nhân đây sao dám đánh đại nhân? Lưu đại nhân nói: - Chẳng phải khi nãy người đẩy ta ngã lăn trong sân nhà ngươi sao? Lại còn đè ta xuống, dơ quyền lên đánh. May có chủ quán rượu là Vương Trung, Vương trưởng quầy khuyên giải, nếu không, tới lúc này không biết bản quan còn đứng được ờ đây hay không nữa! Dương Đại Thành nghe Lưu dại nhân nói vậy, liền nói: - Đại nhân thì ra là chuyện ấy. Người bị bọn tiểu nhân đánh khi nãy, luận về tuổi tác, xem ra không chênh với đại nhân là mấy, ông ta cũng gù lưng, nhưng sao có thể là đại nhân được? Lưu đại nhân nói: - Dương Đại Thành, khi nãy ngươi đánh là một người gù, vậy người gù ấy trêu chọc gì các ngươi, tại sao các ngươi lại đè ông ta xuống mà đánh? Dương Đại Thành nói: - Đại nhân không biết đấy thôi! Lão già gù ấy với tên phục vụ quán rượu, hai đứa chúng nó diễn kịch với nhau, đổi tiền để lừa gạt bọn tiểu nhân. Bảo sao bọn tiểu nhân không đánh chúng? Đại nhân nghe xong, nói: - Ngươi thực là đáng ghét! Đã đẩy ngã bản quan, bản quan ngã một cái, tới bây giờ eo vẫn còn đau! Ta hỏi ngươi, ngươi vẫn chưa chịu nhận lỗi ư? Các ngươi nói đánh một lão già gù, các ngươi thử nhìn xuống bên dưới gông xem, bản quan có phải là người gù hay không? Dương Đại Thành nghe đại nhân nói vậy, đứng lên, tới bên kiệu, cúi xuống, nhòm vào phía dưới gông, thấy đúng là vị đại nhân này cũng gù thật, bất giác sợ đến vãi đái ra quần, quỳ sụp xuống đất, dập đầu lạy "thịch, thịch, thịch". Lưu đại nhân thấy vậy, cười nhạt, nói: - Dương Đại Thành, ta hỏi ngươi: Rốt cuộc tiền mẻ là của các ngươi, hay là của bản quan và quán rượu đã đổi vào để đánh lừa các ngươi? Ta muốn ngươi phải nói cho thực! Dương Đại Thành nghe đại nhân hỏi vậy, sao dám cãi nữa, liền nói: - Bẩm đại nhân, tiền mẻ là do tiểu nhân đổi vào. Khách cầm đồ, đại đa số là do có việc gấp nên không kịp kiểm tra. Bọn họ ra khỏi hiệu, coi như là xong. Còn nếu họ kiểm tra tiền ngay trong hiệu, tiểu nhân sẽ đổi cho bọn họ. Còn nếu đã đem ra khỏi cửa hiệu, tiểu nhân sẽ không đổi. Chẳng phải cửa hiệu cầm đồ nào cũng viết hàng chữ "Ra khỏi cửa không đổi lại tiền" rất lớn ngoài cửa đó sao? Lưu đại nhân lại hỏi: - Tiền mẻ của các ngươi do đâu mà có? Dương Đại Thành nói: - Bẩm đại nhân, tiền ấy không bán công khai, mà do thuyền chở lương thực từ nơi khác mang về, bán tại một lò rèn tư nhân ở phía Nam đây. Bọn tiểu nhân tới đó mua lại. Lưu đại nhân nghe vậy, nói: - Thế là đúng rồi. Cũng chỉ vì Dương Đại Thành khai ra câu này mà có hai người khác phải mất mạng. Sau này, Lưu đại nhân điều tra vụ tiền giả, bắt được hai tên, mang về kinh, chém đầu tại ngõ chợ rau thị chúng. Lại nói chuyện Lưu đại nhân hỏi tiếp: - Dương Đại Thành, vụ tiền mẻ là tội của ngươi, vậy ngươi chịu ăn đòn hay thích ra công đường xét xử? Dương Đại Thành nói: - Bẩm đại nhân, ngài nói vậy là có ý gì? Thế nào là muốn ăn đòn, thế nào là ra công đường xét xử? Xin đại nhân hãy nói cho rõ. Lưu đại nhân từ trong kiệu nói vọng ra: - Đại Thành nghe ta nói đây: Muốn ăn đòn, ta sẽ đánh ngươi bốn mươi trượng, sau đó phạt gông ngươi trong hai tháng. Khi tháo gông lại phạt thêm bốn mươi trượng nữa, đày tới Hồ Bắc xung quân coi như ngươi đã thụ hình xong. Còn muốn chịu phạt không bị đánh, không bị xung quân, ngươi phải nộp phạt một trăm xâu tiền tốt để thế tội cho hai đồng tiền mẻ. Coi như, một đồng tiền mẻ trị giá năm mươi xâu tiền! Có hai cách ấy, tùy ngươi lựa chọn, hãy mau chọn lấy một cách cho mình! Dương Đại Thành nghe Lưu đại nhân nói vậy, nghĩ thầm: - Thà bị phạt một trăm xâu tiền còn hơn bị đánh đòn và xung quân. Chủ ý đã quyết, Dương Đại Thành nói ngay: - Bẩm đại nhân, tiểu nhân nguyện xin chịu phạt, không muốn bị đánh đòn, nay xin nộp phạt cho đại nhân! Luu đại nhân nói: - Nếu vậy, ngươi hãy mau mang tiền ra đây! Dương Đại Thành chẳng còn cách nào khác, đành phải gọi vọng vào trong: - Người đâu, mau chuẩn bị tiền, mang ra đây. Tên làm thuê nghe vậy vội chạy vào trong, không lâu sau đã thấy trở ra, mang theo một trăm xâu tiền trên tay, tới bên kiệu, xếp thành hai đống. Lưu đại nhân từ trong kiệu nói vọng: - Mau gọi chủ quán rượu là Vương Trung và chủ hiệu bánh Lý Minh ra đây. Thủ hạ không dám chậm trễ, lập tức chạy đi gọi hai người ấy. Không lâu sau, hai người đã quỳ trước kiệu, dập đầu, nói: - Tiểu nhân có mắt như mù, tội thực đáng chết. Không biết đại giá quang lâm, mong đại nhân thương tình, giơ cao đánh khẽ. Lưu đại nhân nghe vậy, nói: - Hai ngươi nghe ta nói đây: Khi nãy ta uống rượu, ăn bánh, may nhờ có hai ngươi nể tình. Chẳng có gì có thể đền đáp nổi thịnh tình ấy của hai ngươi. Nay có một trăm xâu tiền đây, mỗi người hãy cầm lấy năm mươi xâu coi như chút lòng thành của ta. Nếu không chê ít, xin hãy mau mau nhận lấy. Hãy mở nút buộc, kiểm tra cho kỹ. Nếu còn tiền mẻ, cứ mỗi đồng sẽ tiếp tục phạt hắn năm mươi xâu. Dương Đại Thành nghe vậy, trong lòng vô cùng kinh hãi, vội vàng quỳ xuống, dập đầu lạy như tế sao, lắp bắp nói: - Bẩm lão đại nhân... Dương Đại Thành nói: - Đại nhân nói vì hai đồng tiền mẻ đã phạt tiểu nhân một trăm xâu tiền. Đại nhân nói, nộp phạt xong coi như hết tội, nay lại kiểm tra tiền, thực khác nào lôi tiểu nhân ra giết cho xong. Cứ mỗi đồng tiền mẻ phạt năm mươi xâu, đừng nói là bán cả cửa hiệu này đi để nộp phạt, cho dù bán cả tiểu nhân đi, chỉ e vẫn không đủ. Mong đại nhân khai ân! Nghe hắn khẩn cầu như vậy, ngay cả chủ quán lượn là Vương Trung lẫn chủ quán bánh là Lý Minh đều cảm thấy bất nhẫn. Họ nhìn sang phía đại nhân, nói: - Bẩm đại nhân. Hai đứa chúng tôi sao dám chê ít, mong đại nhân giơ cao đánh khẽ, tha cho hắn một lần. Được vậy, ngay cả bọn tiểu nhân cũng đội ơn ngài. Lưu đại nhân nghe vậy, nói: - Nếu vậy, coi như ta nể tình hai ngươi, tha cho hắn một lần này. Dương Đại Thành nghe vậy, vội vàng sụp xuống trước kiệu khấu đầu lạy, nói: - Đa tạ thiên ân của đại nhân! Lưu đại nhân ngồi trong kiệu nói vọng ra: - Dương Đại Thành, nếu không có ông chủ Vương và ông chủ Lý nói hộ cho ngươi, bản phủ sẽ phạt ngươi theo số tiền mẻ trong các xâu tiền kia - Thôi thôi, vụ này coi như bỏ qua cho nhà ngươi đó? - Dạ! Dương Đại Thành dập đầu lạy tạ, lồm cồm bò dậy, đi thẳng vào trong hiệu cầm đồ. Vương Trung, Lý Minh cũng lạy tạ, cầm tiền đi về. Dân chúng đứng quanh xem thấy hai người kia mang tiền về trong lòng sinh hối hận. Một người nói: - Nếu tôi mà biết ông ta là Lưu đại nhân, tôi sẽ làm một bữa com thịnh soạn mời ông ta ăn. Chắc sẽ được thưởng tới một trăm xâu tiền. Người khác nói: - Tôi mà biết ông ta là Lưu gù thì sẽ mời ông ta về ở trong nhà vài ngày. Đảm bảo, cả cửa hiệu cầm đồ sẽ thuộc về tôi! Người này nói: - Chắc gì anh có được mệnh lớn như vậy? Nếu anh có được hiệu cầm đồ ấy, chắc hẳn giường nằm trong nhà anh sẽ dựng đứng cả lên mất! Chớ ngồi đó mà nằm mơ tới chuyện phát tài nữa! Nói xong, tản ra, ai về nhà nấy. Lại nói chuyện Lưu đại nhân dặn dò kiệu phu khởi kiệu. Kiệu phu đặt cáng kiệu lên vai, vượt đường ngang, ngõ tắt, trong chớp mắt đã rời khỏi thành Thâm Châu, lên đường lớn, nhằm hướng Bắc Kinh thẳng tiến. Lưu đại nhân, cổ đeo gông ngồi trong kiệu, một lòng muốn tới Nhiệt Hà diện kiến Thánh thượng. Kiệu phu rảo bước đi nhanh như tên bắn. Vượt qua không biết bao nhiêu thôn trang, làng mạc, đêm nghỉ, ngày lại lên đường. Hôm ấy đã tới huyện Lương Hưng, quán trọ Thường Tân, chỉ cần vượt qua đây là tới thành Tiểu Nguyệt. Bước lên đường lớn lát đá, đi một hồi đã thấy Chương Nghĩa Môn hiện ra trước mắt. Lưu đại nhân không vào kinh thành ngay mà đi dọc theo chân thành về phía Bắc. Vượt qua huyện Hoài Nhu, tới thẳng hành cung Nhiệt Hà. Trước mặt đã là huyện Mật Vân, bên đường nhấp nhô rất nhiều đình hóng mát. Rời khỏi Trường Thành theo lối Cổ Bắc Khẩu, vượt qua hai vùng tên gọi Bảng Thạch Doanh và Thanh Thạch Sơn đã thấy phủ Thừa Đức hiện ra trước mắt. Lưu đại nhân ngồi trên kiệu đi nhanh như bay, tới cổng lớn, xuống kiệu. Kiệu phu dẹp đòn, đỡ ngài xuống. Đại nhân Lưu Dung, cổ mang gông từ trên kiệu bước xuống, sải bước, tiến thẳng vào trong. Tới trước Tấu Sự Môn dừng lại. Lưu đại nhân vẫn mang gông trên cổ, đứng trước cửa chờ. Chợt thấy một viên quan Tiếp Sự đi tới. Lưu Dung không chút chậm trễ, vội tiến lên, nói.