(1) Khi Chính Bình vương sai Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc diệt Chỉnh, tuy do mệnh lệnh đã định từ trước nhưng trong lòng thì Vương cũng hơi nghi ngờ. Vì vậy, mới sai Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân theo làm tham tán quân vụ để chia bớt quyền của Nhậm. Lúc họ ra đi, Nguyễn Huệ có bảo ngầm Sở:
- Nhậm là con rể của anh ta. Nay ta với nhà vua có sự xích mích, lòng hắn chắc cũng không yên. Chuyến này hắn cầm trọng binh vào nước người, diễn biến thế nào không thể lường trước được. Ta không lo Bắc Hà, chỉ lo về hắn mà thôi. Ngươi phải dò xét cho kỹ, hễ thấy cái gì khác ý thì báo ngay cho ta. Ví như lửa vậy, dập tắt từ khi mới bén thì còn dễ dàng.
Nhưng Vũ Văn Nhậm không biết vậy, lúc đã thừa thắng kéo tràn ra Bắc như vào một làng bỏ không, chẳng ai dám chống cự. Nhậm liền dương dương tự đắc. Tới khi bắt được Nguyễn Hữu Chỉnh thì Nhậm cho rằng uy vũ của mình đã đủ khiến cho người ta phải phục. Cái xứ Bắc Hà cỏn con, không có việc gì khó. Khi nghe Lê Chiêu Thống chạy lên phía bắc nương tựa vào Nguyễn Trọng Ninh, Nhậm liền gửi thư bắt Ninh đem vua ra nộp. Rồi cho đòi các tôn thất, quan văn quan võ đến cửa quân chờ hầu, sai bằng cằm, khiến bằng ý, chẳng ai dám không theo.
Chẳng ngờ về sau Ninh không về, các quan chẳng có ai tới, lại thêm Trần Quang Châu ở Kinh Bắc, Hoàng Viết Tuyển ở Sơn Nam, Đinh Tích Nhưỡng ở Hải Dương, ai nấy cầm quân giữ đất và phao truyền khắp nơi rằng: bất nhật các đạo sẽ họp ở ngoài kinh thành cùng Nhậm quyết chiến.
Rồi thì quân Tây Sơn kẻ nào đi ra khỏi thành đều bị bọn dân hào giết chết. Giặc cướp nổi lên khắp nơi, những đám khói lửa luôn luôn kéo từ làng nọ đến làng kia.
Bấy giờ Vũ Văn Nhậm mới có ý lo sợ, liền bắt hết dân kinh sư đắp lại vòng thành Đại La, ngày đêm đốc thúc không cho nghỉ. Dân phu đói khát mệt nhọc, có kẻ đang đội thúng đất mà ngã sấp xuống. Bởi vậy ai cũng la oán.
Chợt có tin mới. Người của Trần Quang Châu đã lọt vào được trong thành để làm nội ứng. Họ hẹn Hoàng Viết Tuyển đem binh thuyền theo dòng Phú Lương (Nhị Hà) ngược lên để làm ngoại công. Nhậm bèn hạ lệnh lùng khắp kinh sư, những người đến trọ ở các phường phố đều phải bắt chém.
Ngô Văn Sở can:
- Mình cứ ngồi vững có sợ gì họ? Nếu mình tự làm rối trước, thì còn trấn áp thế nào được người. Chi bằng tha họ cho yên lòng dân.
Nhậm không nghe. Tình cờ có người ở làng Cơ Xá xưng tên là Trần Đình Khôi, trước có làm chức thiêm sự của nhà Lê xin vào ra mắt. Nhậm cho mời vào hỏi:
- Trước đây Chỉnh là kẻ vong mạng vớ được địa vị cao, làm tàn hại nhân dân, thiên hạ ai cũng căm giận. Người Bắc Hà ai cũng muốn giết hắn mà không giết được, lại bị hắn hại. Nay ta trừ hắn đi cho, đáng lẽ dân Bắc Hà cảm ơn ta mới phải, cớ sao ta cho vời mà không ai đến?
Khôi đáp:
- Ngài có thể quyết sự thắng trận ở ngoài nghìn dặm, lẽ nào không thấy, dù người Bắc Hà thâm oán cống Chỉnh, nhưng lòng thương nhớ nhà Lê vẫn chưa nguôi. Ngài giết được Chỉnh, người xa người gần cũng đã mừng rỡ. Nhưng vì ngài chưa bàn đến việc phò Lê, cho nên người ta hãy còn đứng trông ngóng, chưa dám đến vội. Nay đấng Tự quân đã bỏ nước nhà mà đi, đành không có lẽ lại đem về được. Vậy có Sùng nhượng công Lê Duy Cẩn, lúc Tiên đế còn đã ở ngôi Đông cung, sau gặp quốc biến Nhâm dần mới bị kiêu binh truất bỏ. Nếu ngài khôi phục ngôi đó cho Sùng nhượng công để người ở ngôi giám quốc, rồi đem ý đó bảo rõ kẻ trong người ngoài, và yết cáo ra cửa Đại Hưng, thì chẳng bao lâu các quan văn võ sẽ đến họp cả. Bấy giờ việc trong thiên hạ ai ai cũng phải nghe ngài, ngài muốn làm sao thì được vậy, dễ như trở bàn tay, lo gì không xong.
Nhậm gật đầu nói:
- Ông nói có lý. Ví như mổ trâu, cắt đúng đường gân khớp xương của nó, thì các thớ thịt sẽ phải đứt ra.
Tức thì Nhậm sai đón Sùng nhượng công vào phủ và tiếp đón bằng lễ đãi bậc thượng tân. Nhậm bảo Sùng nhượng công:
- Thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê. Tự hoàng bỗng bỏ mà đi, trong nước hiện không có ai làm chủ. Ông vốn là đấng thái tử đã có chiếu mệnh rõ ràng. Bây giờ nối lại ngôi đó, ngoài ông ra thì còn ai nữa?
Sùng nhượng công nói:
- Nước tôi chẳng may mất cả giềng mối, đã nhờ Chúa thượng gây dựng lại cho. Không ngờ trời chưa thôi tai vạ, cho nên Tự hoàng đang lúc trẻ dại bị lầm về tụi loạn thần, tự rước lấy sự bại vong. Nay được Thượng công chưa nỡ bỏ muốn nối lại cái dòng đã tuyệt, thật là may cho nước tôi. Chỉ hiềm tôi không có đức, nếu ở ngôi cao, thì những công việc chỉnh đốn trong nước xin ngài giúp đỡ cho.
Nhậm cười bảo:
- Ông cứ làm, không cần phải lo xa quá. Có tôi ở đây, bọn gian hùng dù muốn làm gì đến ông, cũng phải sợ tôi, không dám đâu. Đợi khi Chúa công ra đây tôi xin nói giúp, thì ông sẽ là vua thật.
Sùng nhượng công nghe nói mừng lắm, bèn sai sửa lễ cáo ở nhà Thái miếu rồi vào trong gian nhà phía tả điện Cần Chính, và cho Khôi đi tìm kiếm các quan ngày xưa để cùng bàn việc. Đầu tiên, Khôi đến nhà Phan Lê Phiên. Phiên mắng:
- Vua phải chạy, đã không đi theo lại theo người ta mà lập vua khác, thế mà cũng nói được ư? Nếu ngươi còn đến lần nữa, ta sẽ đi trốn lập tức.
Khôi trở ra, lại tìm đến nhà Bùi Huy Bích. Bích chối không được, phải vào ra mắt Sùng nhượng công và thảo tờ dụ các quan, đại ý nói rằng: "Năm xưa đã nhường ngôi vua, vốn không tham gì nước nhà. Ngày nay tạm coi việc nước, chỉ mong giữ lấy việc tế tự. Nếu ai có thể xét rõ ý đó, thì nên tới họp cả trong triều". Nhưng các quan cũng không ai tới. Khôi biết công việc không thành, nên đem việc nói với một người bạn. Người ấy đáp:
- Anh là một người nộp tiền để mua lấy đường xuất thân, triều không ngồi, yến không dự, mất nước không phải tội anh, lấy lại nước không phải trách nhiệm của anh, chẳng qua anh muốn nhân lúc loạn lạc cầu lấy phú quí mà thôi. Nhưng Sùng nhượng công không phải là "của lạ" có thể buôn được. Văn Nhậm lại là kẻ dã tâm khó tin. Một khi Bắc Bình vương đến, chưa biết tai vạ thế nào. Mà sau này, nếu vua Chiêu Thống trở về, thì anh không còn chỗ nào mà dung thân nữa. Ngạn ngữ có câu: "ở yên không sao, chui đầu vào chum để mua lấy vạ", ấy là anh đó.
Khôi sợ quá, trốn biệt.
Sùng nhượng công ngồi trơ trong điện, chỉ có vài người hoàng thân, bốn viên võ biền, sớm tối quanh quẩn với nhau, hết thảy các việc không ai hỏi han gì đến. Hàng ngày, Sùng nhượng công lẽo đẽo đi bộ đến chỗ Nhậm ở. Nhậm cũng không biết xử trí ra sao. Dân kinh đô gọi Sùng nhượng công là "giám quốc lại mục". Lúc ấy Ngô Văn Sở bảo Nhậm:
- Chúng tôi vâng mệnh theo ông đánh dẹp, giặc Chỉnh tuy đã bị giết nhưng dư đảng của y ở miền đông nam vẫn chưa dẹp yên, vua Lê lại chạy ra ngoài, các bề tôi trốn nấp không đến. Ông dùng Sùng nhượng công làm giám quốc, nhưng tôi xem ra lão già đó chỉ là cục thịt trong cái túi da, sai khiến sao được kẻ khác. Từ khi có nước Nam đến giờ, triều đại thay đổi không biết mấy lần, thiên hạ không phải của riêng một nhà ai, liệu có thể lấy thì cứ lấy đi, rồi thì đặt quan chia chức để dựng phên tường, cho lối nhìn, cách nghe của mọi người đều đổi mới một lượt. Nếu có kẻ trộm cắp danh hiệu thì cứ gọi luôn là giặc, rồi đem quân đánh, ai dám chống lại! Can chi phải mượn đứa tôi mọi kẻ chợ lên làm giám quốc để hắn đóng vai "ông chủ tượng gỗ" trong nước, mà mình thì cứ ở mãi trong thành làm tụi quân khách trọ ở nước ngoài?
Nhậm nói:
- Bọn Nhưỡng và Tuyển nay đã hơi tàn thoi thóp, nắm tay kéo đến, tự nhiên phải lại. Vả lại xem các bề tôi nhà Lê chẳng có mặt nào được như Điền Đan nước Tề, Vân Tường nhà Hán, chẳng qua chúng sợ binh uy của ta nên còn rụt rè đó thôi. Nay mai, nếu ta treo một cái bảng, hẹn ngày cho họ phải tới cửa quân, không tới thì chém, chắc là họ sẽ làm như Liêm Pha, bỏ trần tay áo vác roi mà đến. Điều đó không phải là việc đáng lo. Chỉ vì nhân tâm Bắc Hà còn nhớ họ Lê, bất đắc dĩ nay hãy theo lòng mong mỏi của dân, mượn hắn đến đây làm ông tượng gỗ để chia bớt đảng Chiêu Thống và ràng buộc lòng dân Bắc Hà đó thôi. Chỗ đó, các ông không thể biết tới. Bọn các ông có việc đánh nhau, ta sẽ ủy cho các ông chia đại binh đi đánh các nơi rồi giữ lấy đất, làm bức tường thành cho ta, há chẳng mạnh à? Tới lúc đó thiên hạ sẽ có rất nhiều việc hay. Cái người chễm chệ làm chủ, chẳng ta thì còn ai, cớ sao lại bảo là khách?
Ngô Văn Sở nín lặng không nói gì nữa. Khi về, Sở bảo với Phan Văn Lân:
- Tiết chế thật khinh người quá. Hắn có tài đức, trí lược gì mà dám coi chúng ta là tụi võ biền chỉ biết đánh nhau? Từ khi vào thành đến giờ, xem hắn đã làm được những gì nào? Bắt gấp dân chúng đắp lũy và phò Duy Cẩn lên làm giám quốc đều là sắp sẵn cơ mưu làm phản để hòng tranh hành với chúng ta. Hắn không lấy giặc Chỉnh làm gương, lại còn định bắt chước y. Hắn không muốn sống, chỉ muốn chết. Thì cứ để hắn đi theo thằng Chỉnh, để răn kẻ khác.
Sở liền đem hết việc làm của Nhậm làm bản cáo phản, bắt Lân làm chứng, rồi ngầm sai người đem về Phú Xuân báo tin cho Chính Bình Vương.
°
*
Trước khi khởi hành ra Thăng Long, Chính Bình Vương đã viết thư sai Cẩn tín hầu Nguyễn Quang Đại mời La Sơn phu tử đến đại doanh ở núi Nghĩa Liệt, gần bến Phù Thạch để Nguyễn Huệ được gặp mặt. Thư viết như sau:
"Gửi cho La Sơn phu tử được hay,
Nay thiên hạ khốn khổ, không cùng phu tử mà cứu gỡ thì không biết cùng ai. Quả đức thân hành qua hạt. Đặc sai văn binh phiên phó tri phiên Cẩn tín hầu Nguyễn Quang Đại lại vấn an và mời phu tử tới, ngõ hầu được nghe lời phu tử dạy bảo. Thế là may cho quả đức và may cho thiên hạ lắm.
Nay gửi thư.
Thái Đức ngày 18 tháng 3, năm thứ 11" (1788). (2)
Lãng cùng đi với Cẩn tín hầu ra Nghệ An trước, để sắp xếp cho cuộc hội kiến lịch sử giữa một võ tướng Nam Hà trẻ tuổi và một văn thần Bắc Hà được giới sĩ phu vị nể.
Cẩn tín hầu lo một, quan trấn thủ Nghệ An lo hai, tri huyện La Sơn lo bốn vì mọi người đều biết cách hành binh thần tốc của Chính Bình Vương, nên cuối cùng, La Sơn phu tử được mời tới đại doanh ở núi Nghĩa Liệt quá sớm. Nguyễn Thiếp đợi gần một ngày Chính Bình Vương mới ra tới nơi hẹn. Vừa gặp cụ, Vương đã trách:
- "Đã lâu nghe đại danh, cho nên muốn cùng nhau gặp mặt. Tiên sinh thoái thác không tới. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ hay sao?
La Sơn phu tử đáp:
- Hơn hai trăm năm nay, quyền hành đất Bắc thuộc về tay họ Trịnh hung bạo. Tướng quân đánh một trận mà dứt được, lấy đất đai mà trả lại cho nhà Lê. Như thế ai nói là không phải đấng anh hùng. Còn nếu nhân người nguy, lợi dụng tai họa của người, trước vì nghĩa mà sau vì lợi, thì là gian hùng". (3)
Nguyễn Huệ mím môi lại, liếc về phía Trần Văn Kỷ rồi liếc nhìn vết sẹo trên cánh tay trái của mình. Chỉ một thoáng, Vương đã trấn tĩnh được ngay. Nguyễn Huệ tươi cười, ngồi dịch lại gần La Sơn phu tử, vui vẻ nói:
- Thật là một lời dạy bảo chí tình. Bấy lâu quả nhân nghe nói hoài đến khí tiết kẻ sĩ, nhưng chỉ gặp được những kẻ cố chấp, câu nệ từ chương. Nay mới hân hạnh...
Câu chuyện sau đó tuy thân mật nhưng quanh quẩn trong việc thăm hỏi sức khỏe, khí hậu, mùa màng... Chính Bình Vương đã biết điều muốn biết là cách nghĩ của La Sơn phu tử đối với hai chữ "chính thống", và đã dừng lại đúng lúc để khỏi gây những đổ vỡ không cần thiết. Phần La Sơn phu tử, cụ cũng đã nói một mạch điều tâm niệm của cả đời, qua được cuộc thử thách mà cụ biết sẽ gây tiếng dội đến Thăng Long và đời sau.
°
*
Tiễn đưa La Sơn phu tử về xong, Chính Bình Vương vội ra lệnh khởi hành, tuy trời đã xâm xẩm tối. Trần Văn Kỷ cố quan sát xem nét mặt Nguyễn Huệ vui buồn thế nào, nhưng chịu! Quan Trung thư không thể đoán được Vương đang nghĩ gì sau cuộc hội kiến mà hai người hằng mong đợi. Nguyễn Huệ cho ngựa chạy thong thả, dáng ngồi thẳng, hai vai rộng nhấp nhô đều đều theo nhịp vó. Trần Văn Kỷ giữ cho ngựa mình chạy sau ngựa Chính Bình Vương một khoảng khá xa. Kỷ e ngại phải nói chuyện với Nguyễn Huệ ngay lúc này, vì trong thâm tâm, ông tự cảm thấy mình có phần trách nhiệm về cuộc hội kiến bất như ý. Chính ông đã đề cao Nguyễn Thiếp nhiều lần trước mặt Nguyễn Huệ, cũng như đã cố thuyết phục Huệ hy vọng vào lớp nhà nho thức thời của Bắc Hà.
Qua khỏi một cánh đồng vừa gặt xong, mặt ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, thì đoàn người ngựa đi vào một xóm quê có nhiều tre xanh. Trời tối, đường cái nhấp nhô khó đi. Chính Bình Vương ra lệnh dừng quân nghỉ đêm. Trần Văn Kỷ áy náy vì thấy việc Chính Bình Vương không chịu nghỉ đêm tại đại doanh ở Nghĩa Liệt, vội vã rời khỏi nơi đó để đến nghỉ đêm tại cái xóm hẻo lánh này là dấu hiệu thất thường. Một sự bực dọc, bất bình chẳng hạn. Lúc cả đoàn giở lương khô ra ăn thay bữa tối, Trần Văn Kỷ cũng tránh né để khỏi phải ngồi gần Nguyễn Huệ. Họ qua đêm ở đó, không tìm dịp nói chuyện với nhau. Mãi đến sáng hôm sau, Vương mới gọi quan Trung thư thúc ngựa lên đi bên cạnh mình, mỉm cười hỏi:
- Đêm qua ông ngủ ngon chứ?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Cảm ơn Vương thượng, tôi đã cao tuổi, nên...
Nguyễn Huệ cắt lời Kỷ:
- Đêm nào ông cũng trằn trọc thế ư?
- Bẩm có lẽ vì không quen đi xa.
Nguyễn Huệ cười nhẹ, nói nhanh:
- Ta cũng không ngủ được như ông. Ta nghe tiếng ông ho vào đầu canh ba. Lạ một điều là cái xóm ta qua đêm ít có tiếng gà gáy quá. Ông có biết vì sao không?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Vùng này đất cát cằn cỗi, bao năm nay chiến tranh chà xát liên miên nên thóc lúa thiếu hụt. Người còn thiếu ăn, huống chi gia súc.
- Nhưng đây là đất phát sinh anh tài. Ông đừng quên quê hương tổ tiên ta là Hưng Nguyên xứ Nghệ.
Rồi không cần chuyển mạch gì cả, Nguyễn Huệ hỏi liền:
- Ông nghĩ sao về cuộc hội kiến hôm qua?
Trần Văn Kỷ cố giấu bối rối bằng cách đáp thật chậm chạp và lơ lửng:
- Đã lâu rồi, từ thời phu tử còn trẻ, một hôm lên chơi núi Nghĩa Liệt, phu tử có viết:
Kìa người qua lại, đây không bụi.
Mặc kẻ hay chăng, nước thuận dòng.
Sớm tối lều gianh ta tạm ẩn.
Ngắm buồm theo gió nguyệt đầy sông (4)
Xem thế thì cái chí ẩn dật La Sơn phu tử đã có từ thời trẻ, chứ không phải là cái cớ nại ra để lánh việc đời.
Nguyễn Huệ không giấu bực dọc, nói:
- Gió trăng, cây cỏ, có tội tình gì mà bắt chúng nó che đậy sự hèn nhát của các ông! Các ông khôn lắm, khi xăn tay áo lăn ra đời thì dựa dẫm nào Khương Tử Nha, Y Doãn. Khi thua thiệt về vườn thì che giấu thất vọng bằng phú Đào Tiềm, Tô Thức. Người dốt nát như dân áo vải, chân đất chúng tôi ngơ ngác như đứng trước đám khói, không biết các ông phải trái thế nào nữa. Các ông chịu ra giúp đời, đáng khen lắm, mà các ông khoanh tay ở ẩn, cũng đáng khen nốt. Các ông chiếm hết tiện nghi. Khổ cực, chết chóc, lam lũ, lầm than, rốt cuộc chỉ có dân đen dốt nát chúng tôi chịu.
Trần Văn Kỷ nhận thấy đây là lúc không thuận lợi để bàn luận thẳng thắn với Chính Bình Vương, nên chỉ đáp:
- Vì vậy kẻ chính nhân quân tử thì ít, bọn cố chấp hẹp hòi thì thời nào cũng đông đảo. Hiểu cho đúng được lẽ trung dung, thật khó lắm.
Không ngờ Nguyễn Huệ càng nổi giận:
- Các ông thường nói như vậy để làm gì? Để lòe bọn vô học chúng tôi chăng? Hay là nại cớ khó để không ai còn dám chê bai các ông cả. Ông hãy nhìn vết sẹo trên cánh tay ta đây. Ai muốn giết ta, ông biết không? Một kẻ tự xem là đại trượng phu lấy trung hiếu làm đầu đấy (5). Hắn liều chết để vẹn chữ trung với nhà Nguyễn cũng như Lý Trần Quán tự chôn mình để vẹn chữ trung với nhà Trịnh. Nhưng cả họ Trịnh lẫn họ Nguyễn là gì? Nếu công nhận họ nhà Lê chính thống thì hai họ đó là bọn phản tặc. Hơn hai trăm năm nay, nhà nho các ông đã làm gì chống lại bọn phản tặc đó để vẹn chữ trung với vua Lê chưa? Các ông làm như không thấy, không nghe, không biết. Bây giờ họ Trịnh, họ Nguyễn bị ta diệt rồi, các ông không biết bám vào đâu nên cố víu vào vạt áo rách của nhà Lê. Đến lúc nào các ông mới dám soi gương nhìn thẳng vào bộ mặt thực của mình? Đến lúc nào? Ông cùng xuất thân như họ, chắc ông trả lời được. Lúc nào? Lúc nào?
Trần Văn Kỷ im lặng. Thành thật mà nói, quan Trung thư không tìm được câu trả lời.
°
*
Suốt cuộc hành trình còn lại, Nguyễn Huệ và Trần Văn Kỷ đều tránh né, không muốn nhắc đến vấn đề gai góc ấy. Ngay buổi chiều, Nguyễn Huệ đã cười nói bình thường, như không có việc gì xảy ra cả. Vương đem chuyện Lãng ra bông đùa, khiến cả Lãng lẫn quan Trung thư đều bối rối. Nhất là Trần Văn Kỷ. Dường như ông có điều gì thật quan trọng muốn thổ lộ, muốn cải chính, nhưng ông không dám nói ra. Nguyễn Huệ tưởng rằng Trần Văn Kỷ sợ Vương nghi mình cố ý muốn kéo vây cánh để củng cố địa vị, nên chỉ đùa qua rồi thôi. Những lúc đi bên nhau, Vương thường hỏi Kỷ về phong thổ, tập tục, đời sống dân chúng và nhân tài của các vùng họ đang đi qua. Một lần đoàn qua một cánh đồng, vào lúc dân chúng đang gặt lúa. Nguyễn Huệ hỏi Trần Văn Kỷ:
- Ông thấy thái độ dân quê mỗi lần đoàn chúng ta đi qua có gì lạ không?
Trần Văn Kỷ ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
- Bẩm... hình như các quan địa phương không kịp báo cho dân biết có Vương thượng vi hành, nên dân họ có vẻ ngơ ngác. Tuy vậy, hình như họ cũng đoán được Vương thượng là ai. Thái độ của họ tỏ ra kính nể, hân hoan.
Nguyễn Huệ cười lớn, lắc đầu:
- Ông muốn làm cho ta vui lòng. Cảm ơn ông lắm. Ta nhận ra nhiều điều khác ông. Quả thực ban đầu họ có vẻ ngơ ngác, tò mò thật đấy. Nhưng sau đó, họ dửng dưng. Có lẽ họ tự hỏi: "Đám quan nhân nào vậy cà? Gớm, bao nhiêu là người, ngựa! Không biết có dừng lại ở trấn phủ để bắt thêm lính, lấy thêm gạo không? Cầu Trời cho họ đi thẳng. Còn bao nhiêu là ruộng phải gặt dấn, để còn cày trở. Giá mình được bấy nhiêu ngựa để thồ thóc về nhà nhỉ?"
Trần Văn Kỷ vui lây vì cách tưởng tượng lý thú của Chính Bình Vương, nên bạo dạn đáp:
- Đa số dân chúng đều có thể nghĩ vậy. Những chuyện phế lập nơi cung phủ nhiều lúc không quan trọng bằng một cơn mưa.
Nguyễn Huệ nói:
- Hồi nhỏ, mỗi lần thấy bọn lính phủ kẻ đao người thước ập vào làng để tróc nã người chưa kịp nộp thuế, ta nghĩ: "Giá đừng có bọn vua quan, thì dân sống sung sướng, an vui biết chừng nào". Ta thầm trách anh ta nhận chi cái chức biện lại Vân Đồn. Ông nghĩ mà xem, đến lúc đời này không cần bọn vua quan nữa, ai nấy được ăn trọn hạt lúa mình trồng, con cá mình lưới được, không mất thứ gì.
Trần Văn Kỷ nhận xét:
- Đến lúc đó thì còn lâu lắm, vì lúc nào cá lớn cũng muốn nuốt cho được cá bé. Không có luật lệ, lễ nghi, đạo đức, con người sẽ sống như loài dã thú trên rừng.
Nguyễn Huệ mỉm cười hỏi:
- Có thật thế không? Hay đó chỉ là cái cớ để dân làm ruộng và chài lưới nai lưng nuôi thêm mấy ông đi võng mặc áo gấm, và bọn mặt trắng cầm bút lông.
Hai người lại thấy họ sắp trở về chỗ tranh luận gai góc, nên kịp dừng lại.
°
*
Sau hơn mười ngày, Chính Bình Vương đến Thăng Long vào đúng canh tư. Vương giải quyết nhanh gọn mọi điều phức tạp của Bắc Hà: vừa tới nơi, Nguyễn Huệ đến thẳng dinh Vũ Văn Nhậm, sai một võ sĩ đâm chết Nhậm lúc hắn đang còn ngủ say rồi cho khiêng xác ra sau phủ đường. (6) Mờ sáng, Vương phong cho Ngô Văn Sở làm đại tư mã coi cả đạo quân Tây Sơn ở Bắc, đoạn xếp đặt lại quan chức các trấn:
- Ở Sơn Nam, Hòa làm trấn thủ, Giác làm hiệp trấn.
- Ở Sơn Tây, Điện làm trấn thủ, Chinh làm hiệp trấn.
- Ở Kinh Bắc, Nguyệt làm trấn thủ, Ước làm hiệp trấn.
- Ở Hải Dương, Ham làm trấn thủ, Lợi làm hiệp trấn.
- Ở các phủ, huyện, châu, Ngô Văn Sở sẽ tùy tài xếp đặt sau.
Đối với Sùng nhượng công, Nguyễn Huệ không bằng lòng với ý kiến hấp tấp của Sở. Vương sai thảo một tờ chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc để thăm dò dư luận. Nội dung chỉ dụ như sau:
"Chỉ dụ cho thần dân trong thiên hạ biết:
Trẫm kính vâng uy Trời, dẹp trừ họa hoạn, lo vớt kẻ chết đuối, cứu kẻ bị cháy, nâng đặt nhân dân lên trên chiếu chăn. Nay đương lúc vận nhà Lê đã hết, đạo trời mới đổi, Trẫm dám đâu không kính sợ Trời để cùng thiên hạ đổi mới. Nghĩ việc "dựng nên cái đã bị dứt, nối lại cái đã bị đứt", (7) ấy là thực lòng chí nhân chí nghĩa của bậc thánh vương thời xưa.
Vì thế, đặc ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc để phụng thờ tôn miếu nhà Lê. Còn như những việc binh dân trong nước, Trẫm đều đã sai quan chia nhau trông coi, mỗi việc đều có người chuyên trách, để tỏ sự thống nhất, làm rõ chính trị buổi ban đầu.
Hỡi các quan và dân chúng, hãy ngước trông lên mà thể hội ý ấy, sao cho ai nấy an phận, yên ổn làm việc để cùng hưởng phúc thái bình. Nếu có kẻ nào tung tin thất thiệt làm mê hoặc dao động lòng dân, phạm đến phép Trời thì vương pháp rất nghiêm, quyết không dung thứ. Phải kính tuân tờ đặc dụ này!" (8)
Công bố tờ chỉ dụ xong, Nguyễn Huệ mới cho đòi các quan cựu triều đến bộ Lễ trình diện, để lễ quan Vũ Văn Ước đưa vào yết kiến. Lấy kinh nghiệm từ cuộc hội kiến với Nguyễn Thiếp ở chân núi Nghĩa Liệt, Vương không muốn giới sĩ phu Bắc Hà lơ lửng sống trong ảo tưởng phò Lê. Vương nói trắng cho họ biết từ lúc đầu rằng: vận nhà Lê đã hết, đạo Trời đã đổi mới. Đã đến lúc họ phải dứt khoát chọn lựa chỗ xếp hàng.
(1) Toàn tiết 1 lấy y trong Hoàng Lê nhất thống chí. Ngô Tất Tố dịch, từ trang 241-246 (2)La Sơn phu tử, Hoàng Xuân Hãn, trang 110-111. (3) Trích phối hợp gia phả họ Nguyễn La Sơn, Lê mạt tiết nghĩa lục và Lê quí ký sự trong La Sơn phu tử của Hoàng Xuân Hãn, trang 111-112. (4) Trích trong La Sơn phu tử, trang 46. (5) Xem lại chương 43. (6) Về cái chết của Nhậm, sử liệu không đồng ý với nhau: a. Cái chết lúc đang còn ngủ say là theo Hoàng Lê nhất thống chí. b. Cương mục lại chép: "Văn Nhậm ra đón, Nguyễn Huệ vỗ về yên ủi bằng những lời ôn tồn, rồi sai đem ngựa đang cưỡi và lọng đang che nhường cho Văn Nhậm. Khi đã vào đến trong thành, Nguyễn Huệ sai người trói Văn Nhậm ngay ở trước sân. Tra khảo, xét hỏi tuy không có chứng cớ thực sự, nhưng Nguyễn Huệ vẫn nói một cách quyết đoán rằng: "Không cần nói nhiều. Mày có tài trội hơn ta, thì không phải là người mà ta dùng được". Nguyễn Huệ liền sai đem chém". VSTGCM chính biên, tập 20. Nhà xuất bản Sử học Hà nội trang 1974. c. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường dựa vào tài liệu các giáo sĩ lại viết: "Đại binh với một đoàn hộ giá gồm 150 voi, 100 người nằm võng, nhiều kiệu thếp vàng, Ngọc Hân, Bắc Bình Vương tiến vào thành Thăng Long với uy thế khiến Vũ Văn Nhậm không dám chống cự. Ông bị bắt tức khắc. Hôm sau (5-5-1788) ông bị trói phơi nắng ngoài pháp trường một ngày cho dân chúng coi rồi bị xử trảm (trang 163). (7) Lời Tư Mã Thiên trong Tựa của Sử Ký. (8) Trích trong Hàn các anh hoa. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, nxb. KHXH 1978, trang 102, tập 2.