1.Chỉ còn việc kể nốt câu chuyện không mấy phức tạp về Zhivago, tám, chín năm cuối cùng của đời chàng trước khi chết. Trong thời gian đó, chàng ngày càng sa sút và suy sụp, đánh mất vốn kiến thức và kỹ năng nghề y, mất dần khả năng viết văn làm thơ, đôi khi cũng vượt ra khỏi tình trạng nặng nề và suy sụp, phấn chấn trở lại hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng rồi, sau một chút bùng cháy như lửa rơm, chàng lại rơi vào trạng thái triền miên thờ ơ hờ hững với chính mình và với mọi sự trên đời. Trong những năm ấy, cái bệnh đau tim vốn có ở chàng từ lâu, mà trước kia chàng đã tự chẩn đoán đúng, song không ngờ nó nặng đến thế, đã gia tăng đến mức trầm trọng.Chàng về tới Moskva vào đầu thời kỳ chính sách kinh tế mới, thời kỳ mập mờ và giả tạo hơn cả của chế độ Xô viết.Chàng hốc hác, râu tóc bờm xờm, trông còn mọi rợ hơn cả lẩn trốn khỏi khu du kích trở về Yuratin. Dọc đường, chàng lại dần dần lột bỏ tất cả những gì đáng giá để đổi lấy bánh ăn kèm theo mấy thứ quần áo cũ rách che thân. Bằng cách đó, dọc đường chàng lại ngốn hết chiếc áo lông thứ hai của mình cùng bộ comlê, và chàng xuất hiện giữa phố phường Moskva trong chiếc mũ lông xám xịt, chân quấn xà cạp, mình mặc cái áo capốt lính cũ kỹ đã tuột hết cúc, trông như chiếc áo của phạm nhân. Với cách trang phục ấy, chàng chẳng khác gì vô số chiến sĩ Hồng quân nhan nhản trên các quảng trường, đại lộ và nhà ga của thủ đô.Chàng đến Moskva không phải chỉ có một mình. Lẽo đẽo theo sát gót chàng đi khắp nơi là một thanh niên nông dân đẹp trai, cũng mặc toàn đồ lính như chàng. Với diện mạo như thế, hai thầy trò xuất hiện trong những phòng khách còn sót lại ở Moskva, nơi Zhivago từng trải qua thời niên thiếu, nơi người ta còn nhớ và tiếp hai thầy trò chàng, sau khi tế nhị hỏi xem hai vị khách đã qua nhà tắm công cộng chưa - dạo đó bệnh sốt phát ban vẫn đang hoành hành. Cũng chính ở đó, trong mấy ngày đầu mới về, Zhivago đã được nghe kể về hoàn cảnh đi ra nước ngoài của gia đình chàng.Cả hai tránh mặt đám đông, và nếu phải đi thăm ai, thì vì nhút nhát quá đáng, họ cố tránh đến một mình, bởi lẽ họ ngại những lúc không thể im lặng, những lúc tự họ phải tiếp chuyện. Thông thường, khi họ đến nhà người quen mà gặp lúc ở đấy tụ tập đám đông bạn bè, thì họ nổi bật lên bởi hai cái thân xác hom hem, họ bèn lánh vào một góc ít ai để ý và suốt buổi ngồi im, không tham gia câu chuyện chung.- Với cậu bạn đường trẻ tuổi của mình, chàng bác sĩ cao gầy trong bộ đồ tang thương trông giống như một thường dân lang thang đi tìm chân lý, còn cậu thanh niên luôn luôn theo gót chàng thì y hệt một đệ tử ngoan ngoãn, mù quáng trung thành với ông thầy. Cậu thanh niên ấy là ai?2.Chặng đường cuối cùng, gần Moskva hơn, Zhivago đáp xe lửa, còn những chặng đầu, dài hơn nhiều, chàng phải cuốc bộ.Cảnh tượng các làng mạc chàng đi bộ qua cũng không khá hơn những gì chàng thấy ở Sibiri và vùng Ural trong cuộc chạy trốn khỏi khu du kích. Khác chăng là hồi ấy chàng lặn lội giữa mùa đông, còn lần này là vào cuối mùa hè và đầu mùa thu ấm áp khô ráo, nên hành trình dễ dàng hơn hẳn.Một nửa số làng xóm chàng đi qua hoang vắng như vừa trải qua trận càn quét của quân địch, ruộng đồng bị bỏ hoang hoặc không ai thu hoạch mùa màng. Vả lại đó cũng chính là hậu quả của chiến tranh - của cuộc nội chiến.Hai ba ngày cuối tháng chín, chàng đi dọc theo một bờ sông cao, dốc đứng. Con sông chảy ở bên phải và chàng đi ngược dòng. Bên trái, từ bờ đường đến tít tận chân trời đầy mây, là những cánh đồng không được gặt hái trải dài mút tầm mắt. Thỉnh thoảng ruộng đồng nhường chỗ cho các cánh rừng um tùm, phần lớn là sồi, du và phong. Có những khe sâu chạy từ trong rừng ra sông, cắt ngang mặt đường thành những cái hãm dựng đứng và những cái dốc ngược.Trên các thửa ruộng, lúa mạch đen quá chín, đến nỗi tách hạt ra và rụng xuống đất. Zhivago vốc từng vốc đầy bỏ vào miệng, vất vả nhai trệu trạo; chàng đành ăn theo cách đó trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, không làm sao nấu được một bát cháo. Dạ dày chàng tiêu hoá rất tồi cái thứ đồ ăn sống sít, nhai trệu trạo như thế.Zhivago chưa bao giờ trong đời thấy lúa mạch đen có màu nâu sẫm đe dọa kiểu ấy, màu của vàng lâu ngày bị nám đen. Nếu được thu hoạch đúng lúc, màu của nó sáng hơn nhiều.Những cánh đồng màu lửa bị cháy mà không có ngọn lửa ấy, những cánh đồng đang hét lên kêu cứu mà không nghe có tiếng kêu ấy, được viền tứ phía bởi một bầu trời thản nhiên câm lặng, đã ngả sang đông, mà trên đó, như trên một bộ mặt u ám, trôi không ngừng nghỉ những đám mây tuyết sắp thành từng lớp dài, ở giữa đen sẫm, hai bên mép trắng phau.Và tất cả đều chuyển động chầm chậm, đều đều. Dòng sông chảy xuôi. Con đường đi ngược về phía chàng. Những đám mây như rủ nhau đi theo một chiều với chàng. Những thửa ruộng cũng không chịu đứng yên. Có cái gì đang chuyển động trong đó, có tiếng kêu chít chít khe khẽ liên tục khiến người ta ghê tởm.Lũ chuột đồng sinh sôi nẩy nở nhiều đến mức chưa từng thấy. Những đêm chàng phải ngủ trên bờ ruộng, lũ chuột cứ bò ngang bò dọc trên mặt, trên tay chàng, chui lủi cả vào trong ống tay áo và ống quần. Ban ngày, từng đàn chuột no nê, đông như kiến, chạy rình rịch qua đường, ngay dưới chân người và khi bị xéo lên thì biến thành đống bầy nhầy, trơn trượt, giãy giụa, kêu chí chóe.Nhũng bầy chó hoang trong các làng lông lá xồm xoàm, trông phát khiếp, cứ nhìn nhau, như để đồng loã xem khi nào chúng nhảy xổ tới cắn xé chàng, chúng cứ lẽo đẽo bám theo chàng ở một khoảng cách đáng kể. Chúng sống bằng xác chết, nhưng cũng không từ lũ chuột sống, đang lúc nhúc sinh sôi nảy nở đầy đồng, chúng cứ từ xa nhìn chàng và bám theo một cách tự tin, luôn luôn chờ đợi một cái gì. Lạ thay, chúng không dám vào rừng, nên khi chàng càng tới gần rừng, thì chúng càng tản dần, quay trở lại làng hoặc biến mất.Hồi ấy rừng cây và ruộng đồng là hai cảnh tượng hoàn toàn tương phản. Ruộng đồng côi cút vì vắng bóng người, như bị phó mặc cho quỷ dữ. Còn các cánh rừng thoát được bàn tay con người thì lại tự do khoe sắc như các tù nhân được giải phóng. Thường thường, người ta nhất là đám trẻ con trong làng, không để cho các trái cây kịp chín vì đã bẻ hái từ lúc còn xanh.Giờ đây khắp các sườn đồi, sườn khe trong rừng đều um tùm, cành lá đã ngả màu vàng đượm như bị nắng thu rắc bụi làm mờ sạm đi. Từ đám cành lá nhô ra lủng lẳng từng chùm ba, bốn trái hạt dẻ một, trông như bó hoa được thắt nơ, trái nào trái ấy chín mẫm, sẵn sàng tách ra khỏi vỏ bất cứ lúc nào.Zhivago nhét đầy các túi quần áo và chiếc tay nải để ăn dần. Chàng cứ vừa đi đường vừa luôn miệng cắn hạt dẻ. Đó là thức ăn chính của chàng suốt cả một tuần.Bác sĩ Zhivago có cảm tưởng rằng chàng thấy đồng ruộng đang lâm bệnh nặng, trong cơn sốt mê man, còn rừng cây thì đang trong thời gian lành bệnh, lại sức, rằng Chúa đang sống trong rừng, còn ngoài ruộng đồng thì nghe văng vẳng có tiếng cười nhạo báng độc ác của quỷ sứ.3.Chính vào những ngày ấy, bác sĩ ghé vào một làng đã bị cháy ra tro, dân chúng bỏ đi cả. Trước khi bị cháy, nhà cửa chỉ được dựng thành một dãy, nhìn qua đường, ra phía sông.Chỉ còn lại một vài nhà, song cũng bị cháy sém bên ngoài. Và cũng chẳng có ai ở. Những ngôi nhà khác chỉ còn là những đống than với bộ khung lò sưởi đen thui chĩa lên trời.Bờ sông dốc đứng bị dân làng ngày trước đào khoét thành từng hốc lỗ chỗ để lấy đá làm cối xay bột. Có ba chiếc cối xay như vậy, chưa được đẽo xong, nằm lăn lóc trước cửa ngôỉ nhà cuối dãy, một trong mấy ngôi nhà còn lại. Nó cũng trống không như mấy ngôi nhà kia.Zhivago bước vào nhà. Chiều hôm ấy lặng gió, nhưng chàng vừa bước vào thì đúng là có một luồng gió ùa vào theo.Các cọng cỏ khô và xơ gai bay tung tứ phía, các mảnh giấy dán tường bị bong hồ bắt đầu động đậy như sóng. Mọi thứ trong nhà đều chuyển động, sột soạt. Lũ chuột chạy tán loạn, kêu chít chít, vì cũng như khắp vùng này, trong nhà lúc nhúc những chuột là chuột.Bác sĩ bước ra ngoài. Mặt trời đang lặn ở bên kia cánh đồng, phía sau lưng chàng. Ánh hoàng hôn ấm áp nhuộm vàng bờ sông phía đối diện. Các bụi cây và những vũng nước ở bên ấy in bóng dài mờ mờ ra tận giữa sông. Zhivago bước qua đường, ngồi nghỉ trên một chiếc cối xay nằm chỏng chơ bên vệ cỏ.Từ dưới bờ sông nhô lên một cái đầu tóc hoe vàng, rồi đôi vai, kế đến đôi tay. Từ dưới sông, một người xách một thùng nước đầy theo con đường mòn đi lên. Ngườì ấy nhìn thấy bác sĩ bèn đứng lại, nửa người từ thắt lưng trở xuống bị khuất dưới bờ sông dốc.- Này bác ơi, bác có muốn uống nước không, tôi mang lên cho. Bác đừng làm gì tôi, tôi cũng sẽ không động tới bác.- Cảm ơn cháu. Có nước cho tôi uống với. Cứ lên đây, đừng sợ. Chú không làm hại cháu đâu.Người xách nước đó hoá ra là một gã trai còn ít tuổi, đi chân đất, áo quần rách rưới, đầu tóc rối bù.Mặc dù cậu ta nói những lời thân thiện, song cậu ta lại nhìn Zhivago chòng chọc, đầy dò xét. Vì một lý do khó hiểu nào đó cậu ta có vẻ xúc động lạ lùng. Cậu ta hồi hộp đặt thùng nước xuống đất, chạy vội lên chỗ bác sĩ, nửa chừng lại dừng chân lẩm bẩm:- Không thể… Không thể… Không thể có chuyện đó. Chắc mình nhìn lầm. Xin lỗi, dầu sao tôi cũng mạn phép hỏi đồng chí. Hình như đúng đồng chí là người quen. Đúng rồi? Đúng rồi! Chú bác sĩ?- Còn cháu là ai?- Chú không nhận ra cháu à?- Không.- Cháu đi cùng một chuyến tàu với chú từ Moskva, cùng ngồi một toa. Cháu bị bắt đi lao công chiến trường, có lính áp giải ấy mà.Đó là Vasia. Cậu ta sụp xuống hôn tay bác sĩ và khóc oà. Làng bị đốt cháy này là làng Veretenich, nơi chôn rau cắt rốn của Vasia. Mẹ cậu đã chết. Khi làng bị phá huỷ, bị cháy, Vasia chui xuống trốn dưới một cái hang ở bờ sông, chỗ người ta đào để lấy đá, song mẹ cậu lại tưởng cậu bị giải lên tỉnh, bà liền phát điên vì đau khổ và nhảy xuống sông Penga trầm mình, dòng sông mà bác sĩ và Vasia đang ngồi trên bờ trò chuyện. Hai đứa em gái của cậu, bé Alenca và Ariska, theo nguồn tin chưa chính xác, nghe đâu đang sống trong trại mồ côi ở huyện khác. Bác sĩ đem Vasia về Moskva theo mình.Dọc đường, cậu ta kể cho chàng nghe nhiều chuyện ghê sợ.