Dịch giả: Nguyễn Đăng Thường
Chương 2

29
Tuyết đã trở thành một nghệ sĩ đi dây vì nỗi bâng khuâng về sự thăng bằng. Nàng, mà cuộc đời trải ra như một khúc dây quanh co, lấm tấm những gút thắt do sự ngẫu nhiên uốn lượn và sự phẳng lặng của kiếp sống thắt buộc hay cởi mở, nàng xuất sắc trong nghệ thuật tế nhị và nguy hiểm của trò cất bước trên một sợi kẽm căng thẳng.
Nàng chỉ thực sự cảm thấy thoải mái những lúc bước đi khi ở cách xa mặt đất cả ngàn bàn chân. Thẳng tiến về phía trước. Không một lần rời bước khỏi con đường của nàng dù chỉ một phân thôi.
Đó là định mệnh của nàng.
Tiến tới từng bước một.
Từ đầu này tới đầu kia của cuộc đời.
 
 
30
Nàng đã chinh phục mọi nơi ở châu Âu với kỳ công của nàng. Năm lên mười chín, Tuyết đã đi băng qua hơn một trăm cây số trên sợi dây căng thẳng của nàng, đôi khi với sự hiểm nguy đến tính mệnh.
Nàng đã căng dây giữa hai tháp chuông của Đền Thánh Mẫu ở Paris và đã giữ được thăng bằng cả mấy tiếng đồng hồ trên ngôi thánh đường, tựa như một nàng Esmeralda của gió, của tuyết, và của im lặng.
Rồi nàng lập lại cuộc trình diễn ấy ở mọi thủ đô của châu Âu, thách đố các quy luật của sự thăng bằng.
Nàng không đơn giản là một nghệ sĩ đi dây. Nàng tiến bước trong không khí bằng ảo thuật.
Từ một chỗ xa mà người ta còn có thể nhìn thấy nàng, thân hình nàng hiện ra thẳng đứng như một ngọn lửa, mái tóc vàng của nàng được bàn tay gió vuốt ve, khán giả nghĩ rằng nàng là một nữ thần của tuyết.
Bởi vì, thực ra, cái khó đối với nàng chẳng phải là sự giữ thăng bằng hay chế ngự nỗi sợ hãi, lại càng không phải là cất bước trên sợi dây liên tục đó, sợi dây của âm nhạc bị gián đoạn bởi những cơn choáng váng choá loà, mà cái khó khăn nhất, khi nàng tiến bước trong ánh sáng của thế giới, là ráng giữ cho mình không hoá thành một bông tuyết.
 
 
31
Một hôm, người ta đã yêu cầu nàng biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Và như thế, nàng đã đi băng qua thác Niagara và sông Colorado.
Và, chẳng rõ tại sao, nàng đã đáp xuống đất Phù Tang, góp phần vào niềm hạnh phúc lớn của Soseki.
Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn trên xứ sở của những chàng hiệp sĩ.
Và một chàng hiệp sĩ đã ngắm nghía nàng và đã si mê nàng.
Trong mắt Soseki, nàng là một bài thơ, một bức hoạ, một hoa tự, một vũ điệu và một khúc nhạc gộp chung lại. Nàng là Tuyết và nàng là biểu trưng của nghệ thuật.
Khi màn trình diễn của nàng kết thúc, nàng đặt chân xuống đất, Soseki không thể cưỡng được tìm đến bên người đẹp quốc ngoại để chào hỏi. Anh tiến sát đến gần nàng, phát hiện nét mặt trang nhã, vòng miệng, nét mày và hiểu ngay rằng chẳng bao giờ anh có thể quên được gương mặt ấy. Anh nhìn thẳng vào mắt nàng và nàng cũng nhìn anh tận mặt. Không cần phải nói thêm. Nàng nở một nụ hoa và nụ cười ấy đã chiếm đoạt tâm hồn Soseki.
Anh quỳ xuống, đặt thanh kiếm dưới chân nàng và nói:
"Cô chính là người tôi mong đợi."
 
 
32
Tuyết không tìm kiếm ai. Tuy nhiên nàng cũng nhìn thấy một nét đẹp tuyệt vời trong cử chỉ của Soseki nên nàng đón nhận. Và nàng kết nghĩa vợ chồng với anh.
Những năm đầu rất hạnh phúc. Một đứa con chào đời để thắt chặt tình lứa đôi. Một bé gái. Nó có vẻ đẹp huyền ảo của mẹ và mái tóc đen mun của cha. Nó được đặt tên là Tuyết Xuân.
Cuộc đời của họ xây bằng yên bình và im lặng. Tuyết dần dà quen với khí hậu của Nhật Bản. Thỉnh thoảng nàng cảm thấy nhớ nhà nhưng không hề than thở. Điều thiếu thốn đối với nàng là một cái khác: ấy là nghề đi dây.
Một đêm kia, nàng chiêm bao thấy mình đang bay lượn trên không trung. Sáng hôm sau, lúc tỉnh giấc, nàng càng nghĩ ngợi sâu sắc hơn về việc đó. Rồi nàng thôi nghĩ tới nó.
Đông đến. Rồi xuân về. Đứa bé lớn lên trong niềm hân hoan của ánh sáng. Tuyết cảm thấy mình hạnh phúc. Trên một bàn tay nàng cầm tình yêu của Soseki, trên bàn tay kia là trái tim của nàng dâng cho đứa bé. Và chiếc gậy giữ thăng bằng dễ gãy đó cũng đủ cho nàng giữ thăng bằng trên sợi tơ vàng của hạnh phúc.