“VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI”

Khoảng bốn chục năm trước, cụ Tản Đà phàn nàn rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Lời đó giả Vũ Trọng Phụng thốt ra thì phải hơn. Vì cụ Tản Đà cò có lần nhờ cây bút mà sống khá phong lưu. Lần đó Diệp Văn Kỳ ra một tờ nhật báo, đón cụ vô Sài Gòn giữ mục thi đàn, cung phụng cụ rất chu tất: một căn phòng riêng, bữa nào cũng có rượu và đồ nhắm, đi đâu thì có xe, và chỉ xin cụ mỗi tuần cho một bài thơ thôi, mà có kì bị thúc giục, cụ còn gắt lên: “Làm thơ chứ đâu phải bổ củi!”. Thời kỳ đo tuy không bền, được đâu sáu bảy tháng hay nhiều lắm non một năm, nhưng dù sao cụ vẫn còn sướng hơn Vũ Trọng Phụng. Tội nghiệp cho họ Vũ, đã có lúc phải thốt lên câu bất hủ vô cùng chua chát này: “Ôi, làm người mà được ăn cơm thì sướng quá!” Nghĩa là có nhiều bữa ông phải ăn khoai, ăn ngô, ăn cháo hay nhịn đói. Mà vẫn phải viết, viết cả trong lúc vi trùng lao đương đục phổi.
 
Nhưng lời của cụ Tản Đà vẫn là “lời chung” miễn ta đừng quên rằng chữ “hạ giới” của cụ trỏ riêng nước Việt Nam. Vì có những nước mà văn chương đắt hơn vàng hơn ngọc.
 
Tương truyền một phi tần họ Trần bị vua Hán Vũ Đế bỏ rơi, đem ngàn vàng nhờ Tư Mã Tương Như viết giùm nàng một bài Trường môn phú tả tình luyến ái của nàng để nhắc nhở nhà vua nhớ lại “cái thân câu chõ”.
 
Người Trung Hoa ngày xưa thiếu óc tinh xác – hay có óc khoe khoang, phóng đại? – nên ta không hiểu một ngàn vàng là bao nhiêu: một ngàn nén, một ngàn lượng hay một ngàn cân? Ta chỉ cần biết rằng bài phú đó được giá vô cùng thế thôi.
 
Sử chép rằng đời Tây Tấn, bài Tam đô phú của Tả Tư[1] được dân Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt, thi nhau chép lại, đến nỗi giá giấy ở kinh đô cao vọt lên (giấy hồi ấy mới được chế tạo, sản xuất còn ít). Tả Tư chỉ được cái danh suông nhưng các lái giấy thu được cả “ngàn vàng” chứ không ít.
 
Dân tộc Ả rập trọng cả võ bị lẫn văn học và khoa học. Thế kỉ VII, sau khi chiếm trọn vẹn bán đảo Ả rập, tín đồ Mahomed tấn công Ai cập, bao vây Alexandrie. Dân chúng Alexandrie anh dũng chống cự được mười bốn tháng, làm cho họ tổn thất khá nặng, giận lắm tính san phẳng thành phố, nhưng thư viện Alexandrie đã cứu được thành phố. Thư viện này của dòng Ptolémée, nổi danh nhất phương Tây. Người Ả rập vốn là dân tộc du mục, ít học, nay được đọc các tác phẩm của Hi lạp, La mã, thấy một phương trời mới mà đam mê. Họ chép rồi dịch Pythagore, Epicure, Hyppocrate, Euclide, Archimède…
 
Vua Al-Mamoum rất hậu đãi các nhà văn hoá: ai sao chép được một cuốn sách thì sách nặng bao nhiêu thì thưởng bấy nhiêu vàng. Nếu dịch ra tiếng Ả rập thì còn thưởng cao hơn nhiều: đặt lên bàn cân, một bên là sách, một bên là kim cương! Thất là kim cương thời đại của người cầm bút, không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Giấy hồi xưa chắc dầy như giấy bìa ngày nay, chữ viết chắc lớn vì ngòi bút đâu có bằng thép mà nhọn được, vậy thì bộ Hình học của Euclide cân nặng chắc cũng tới nửa kí lô. Nửa kí hột xoàn! Nhà văn nào điên nhất ở thời đại chúng ta cũng không tưởng tượng nổi điều ấy. Nhờ vậy dân tộc Ả rập mới văn minh nhất thời Trung cổ phương Tây, phát sinh được những nhà bác học như Avicenne, Averoès một thiên tài như Omar Khayyam thơ hay như thơ Lí Bạch mà khoa thiên văn cũng quán tuyệt cổ kim; chính ông năm 1079 đã sửa lại lịch Ba tư, còn đúng hơn lịch chúng ta dùng ngày nay nữa, vì cứ ba ngàn bảy trăm bảy mươi (3.770) năm mới sửa một ngày, còn lịch chúng ta thì ba ngàn ba trăm ba mươi (3.330) năm phải sửa lại một ngày.
 
Tới thế kỉ XIX, số tiền nhuận bút của các văn hào Nga làm ta “phát ngán”! Chẳng hạn cụ Tolstoi. Hồi mới viết, cụ lãnh được 50 rúp (Nga kim) một tờ, giá đó cứ mỗi ngày mỗi tăng (mà không phải đồng rúp bị phá giá đâu nhé), tới cuốn Chiến tranh và Hoà bình, nhà báo xin nộp cụ 300 rúp một tờ. Tôi đã tra mấy bộ tự điển Pháp, không thấy ghi một tờ (feuille) giấy báo thời đó khổ bao nhiêu; cứ tạm cho nó bằng tời báo ngày nay, nghĩa là xếp thành khổ 14x20 phân thì được 32 trang. Theo ông Henri Troyat trong cuốn Tolstoi (Fayard-1965) thì một rúp thời Tolstoi bằng 7,66 quan mới của Pháp ngày nay. Theo giá chợ đen trên thị trường, một quan mới năm 1968 ăn 40$[2] Việt Nam[3]. Tính ra thì 300 rúp bằng 40$x7,66x300˜ khoảng 92.000$. Ba mươi hai trang tiểu thuyết mà được 90.000$, kinh khủng chưa!
 
Khi in thành sách, Chiến tranh và Hoà bình trung bình mỗi năm đem về cho cụ được hai vạn rúp, nghĩa là khoảng sáu triệu bạc Việt Nam năm 1968!
 
Tới cuốn Phục sinh (viết sau Chiến tranh và Hoà bình) nhà xuất bản Marx xin nộp cụ một ngàn rúp mỗi “tờ”, khoảng 300.000$ ba mươi hai trang tiểu thuyết, mỗi trang gần 10.000$! Số tiền này cụ đem giúp cả một giáo phái.
 
Khi cụ tuyên bố lấy làm xấu hổ về đời sống, nguyện sống nghèo để chia bớt nổi khổ với bình dân, nên từ bỏ tác quyền thì cụ cẩn thận chỉ trừ bỏ những cuốn viết sau Chiến tranh và Hoà bìnhAnna Karénine. Điều đó dễ hiểu quá: hai tác phẩm đó hay nhất, bán chạy nhất.
 
Vậy mà cụ bà vẫn nhảy đổng lên, xỉa xói vào mặt chồng rằng chỉ nghĩ gây tiếng tăm cho mình, chỉ ham thiên hạ ngưỡng mộ, chẳng lo gì tới vợ con cả, muốn cho vợ con nheo nhóc. “Từ bỏ tác quyền thì lấy gì mà tiêu! Bầy con đó ai nuôi?”. Cụ quên huê lợi các điền trang mênh mông của chồng?
 
Và để cứu vãn tình thế, cụ bà mở nhà xuất bản, chuyên in tác phẩm của cụ ông, rồi lại không quên lại thăm cụ bà Dostoievski để học kinh nghiệm trong ngành xuất bản. Cụ bà Dostoievski cho hay chỉ để huê hồng 5% (năm phần trăm) cho các nhà sách, tính theo giá in trên sách, nhờ vậy trong hai năm chuyên xuất bản sách của chồng mà lời được 67.000 rúp, khoảng hai triệu bạc Việt Nam. Các nhà sách thời đó được có 5% huê hồng thì sống làm sao nổi nhỉ? Ngày nay 50% huê hồng mà người ta còn cho là ít. Một phần nhờ công việc kinh doanh của vợ, khi chết, gia sản của Tolstoi đáng 580.000 rúp, non 180 triệu bạc Việt Nam 1968.
 
Chẳng phải riêng ở Nga, các văn hào được “trả ơn xứng đáng” như vậy, ở Pháp cũng thế. Cụ Victor Hugo sống rất mực thước, đúng là một “bourgeois”, sáng tác rất mạnh (một bức hí hoạ vẽ cụ ngồi chễm chệ trên một chồng tác phẩm cao bằng gát chuông nhà thờ Notre Dame de Paris) mà vẫn có thì giờ mỗi ngày viết một bức thư tình cho cô Juliette Drouet (một đào hát); và điều này mới đáng phục nhất, vẫn nắn nót ghi chép (chữ cụ rất tươi) mọi chi tiết trong ngày, từ những món mua vặt vài ba cắc, tới những món vài ba quan tặng cô Drouet. Khi chết cụ cũng để lại một gia tài đồ sộ.
 
Cụ Balzac tính tình ngược hẳn cụ Hugo, liệng tiền qua cửa sổ, cũng gốc “bourgoies” như Hugo mà lại ra vẻ ông hoàng, muốn lót chữ de giữa tên và họ (Honoré de Balzac) cho nên tiền vô như nước mà vẫn nợ như Chúa Chổm, viết đêm viết ngày để trả nợ, có lần suýt bị ngồi khám, suốt đời lo trốn bọn nặc nô và suốt đời phàn nàn rằng bị bốc lột.
 
Đó là chuyện thời trước. Thời nay một số nhà văn Âu Mĩ sống còn phong lưu hơn nữa. Tôi không nhớ sách báo nào cho hay rằng ở Mĩ một nhà văn đã nổi danh viết bài bán cho các báo lớn thì cứ mỗi tiếng (mot) được trả một Mĩ Kim: 200$ Việt Nam theo thị trường đen năm 1968. Một trang viết độ ba trăm tiếng được 60.000$ và 32 trang được 1.800.000$, gấp hai chục lần cụ Tolstoi.
 
Ngay ở Pháp, một tiểu thuyết mà được giải Goncourt thì in không dưới 200.000 bản, mỗi bản bán 20 quan, tác giả được hưởng 10%, tức 2 x 200.000 = 400.000 quan, bằng 16 triệu bạc Việt Nam, giá cũng cao như ở Mĩ chớ kém gì. Nếu tiểu thuyết được quay phim thì tác quyền còn lớn gấp mấy nữa.
 
Những vị như Somerset Maugham, André Maurois tha hồ đi du lịch khắp thế giới, tha hồ chơi đồ cổ, vì biết tiêu gì cho hết (họ cũng chỉ ăn ngày mỗi ngày ba bữa) và càng chơi đồ cổ tranh cổ thì lại càng giàu thêm – nước vẫn chảy về chỗ trũng – cho nên khi chết gia sản của họ lớn lắm, chắc hơn gia sản của Tolstoi nhiều. Chẳng vậy mà Maugham vừa nằm xuống, bà con gái độc nhất đã kiện cha: Maugham cũng như bác sĩ South, một nhân vật trong truyện Kiếp người của cụ, không ưa con gái và chàng rễ, để gia tài lại cho một người thư ký giúp việc. Hình như hiện nay vụ kiện đó chưa xử xong và các nhà xuất bản Âu, Mĩ vẫn phải chờ đợi, chưa được phép tái bản tác phẩm của Maugham.
 
Như vậy thì văn chương ở các nước khác đắt như vàng, như kim cương nữa chứ.
 
Rẻ như bèo chỉ là ở Việt Nam. Trong suốt “bốn ngàn năm văn hiến” của mình, văn chương nuôi sống được bao nhiêu người?
 
Thời mà viết văn chưa thành một nghề, chỉ là một tiêu khiển trong lúc “công dư” thì giỏi lắm như Lê Quí Đôn, viết không biết mấy chục pho sách, có pho dầy cộm mà cũng chỉ được vua Lê Hiến Tôn thưởng cho hai mươi lạng bạc.
 
Phan Huy Chú may mắn hơn, được vua Minh Mạng thưởng cho ba mươi lạng bạc, một chiếc áo sa, ba mươi ngòi bút và ba mươi thỏi mực về công soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí, một công trình biên khảo trên hai năm, thuộc loại bách khoa, ngày nay dịch ra, in được non ngàn trang khổ lớn (17x24 phân) chữ nhỏ xíu, trang nào in đặc thì được tới ngàn chữ.
 
Dù sao thì hai cụ ấy cũng còn được hưởng chút ơn mưa móc, chứ cụ Nguyễn Du chỉ nhận được ít lời khen suông cùng với nhiều lời chê, khi rút ruột, nặn óc để viết xong truyện Kiều.
 
Thời xưa các cụ làm văn hoá thuần tuý, thôi không kể làm gì. Nếu làm việc quan mỗi tháng được vua cấp cho vài thúng thóc, vài quan tiền, không làm quan thì có vợ nuôi, cũng tạm đủ cơm ba bát, áo ba manh, không đến nỗi chết đói nên có thể huý hoáy viết năm này qua năm khác. Được sống như vậy kể cũng thú. Tôi dám chắc khi viết những cuốn Công dư tiệp kí hoặc Vũ trung tuỳ bút[4], các cụ sướng hơn chúng ta nhiều, khỏi phải lo cái ăn cái mặc, nhất là khỏi lo chạy đi bán tác phẩm.
 

°

° °

 
Từ hồi người Pháp qua đây, nghề in bắt đầu phát triển, chúng ta mới biết cái nghề cầm viết và bọn người mở đường là thế hệ cụ Tản Đà.
 
Thời đó văn đàn chia làm hai giới: cựu học và tân học. Các cụ cựu học làm văn hoá rất hăng, xắn tay lãnh cái việc “bàn giao”, nghĩa là biên khảo dịch thuật để truyền cổ học lại cho bọn tân học, nhưng xét ra trừ cụ Tản Đà, còn các cụ khác như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục… đều không mong sống bằng cây bút. Có chút ít ruộng vườn, được cụ bà buôn tần bán tảo mưu sinh cho gia đình rồi, các cụ có dùng cây viết mà kiếm thêm đồng nào thì cũng chỉ đủ chi vào cái món thuốc lào, trà tàu và xe pháo; một cuốc xe thời đó từ hàng Bông lên chợ Đồng Xuân chỉ có hai xu, không bao nhiêu.
 
Giới tân học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Ngọc… phong lưu hơn. Phạm Quỳnh có xe nhà (xe kéo gọng đồng), Nguyễn Văn Vĩnh có xe “bình bịch” (xe máy dầu), lại có biệt thự ở đường Quan Thánh trông ra Hồ Tây, Nguyễn Văn Ngọc có một tiệm sách, tiệm Vĩnh Hưng Long ở phố hàng Đường mà phố hàng Đường ở Hà Nội cũng như phố Lê Lợi ở Sài Gòn. Các vị đó trong các cuộc hội hè, mỗi năm chắc được uống sâm banh dăm lần và nếu muốn thì mỗi tối có thể uống một cốc sữa con Chim (Nestlé) không pha cà phê vì hồi đó không ai biết dùng cà phê. Nhưng sự phong lưu của các cụ không chắc là nhờ cây viết: cụ Ngọc làm Đốc học, lương chắc cũng tới 100$ một tháng mà 100$ thời đó có thể bằng 150.000, 200.000$ bây giờ; cụ Vĩnh kinh doanh: mở nhà in, nhà xuất bản, bán báo ta, báo Tây, khai khẩn đồn điền, thất bại mới qua Lào tìm vàng; còn cụ Quỳnh thì được chính quyền trợ cấp hậu hỉnh, vì báo Nam Phong, làng xã trong Nam, công sở khắp nước đều phải mua năm.
 
Tóm lại, trong lớp người tiên phong chỉ có cụ Tản Đà là chuyên sống bằng cây viết thì đã phải la trời: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”.
 
Tới lớp sau, thế hệ 1930-1945 mới có nhiều nhà văn sống bằng cây viết. Phong lưu nhất chỉ có Khái Hưng và Nhất Linh, hai vị đó ra báo, không phải viết thuê, mà báo cùng tiểu thuyết đều được hoan nghênh, nên có mức sống đàng hoàng. Các nhà khác trong Tự lực như Tú Mỡ, Xuân Diệu… đều vừa làm công chức vừa viết văn, không phải là nhà văn chuyên nghiệp.
 
Còn những nhà trong các nhóm khác, như Tân Dân sống vất vả lắm. Vũ Trọng Phụng nghèo nhất, Trần Huyền Trân và Thanh Tâm vì ít bệnh nên khá hơn một chút. Trần Huyền Trân sống trong một chòi lá ở hồ Bảy Mẫu (?), có lúc phải đi quay phim[5] trong rạp chiếu bóng; Thanh Tâm mướn được một gian nhà ở khu phố Huế và vợ phải lãnh sách của nhà Tân Dân về khâu.
 
Tôi nghe nói một truyện dài độ 200 trang, nhà Tân Dân năm 1942 trả đâu 30$, một truyện ngắn vài ba đồng. Khó mà tính được một đồng bạc thời đó bằng mấy trăm đồng thời này. Nhà kinh tế học Fourastié Pháp có lối tính mới mẻ mà khá đúng là so sánh tiền công lao động một ngày mỗi thời, ví dụ tiền công thợ hớt tóc, nhưng tôi lại không nhớ công hớt tóc năm 1942 là bao nhiêu, chỉ nhớ lao công trong sở tôi lãnh khoảng 1$ mỗi ngày. Vậy một truyện 200 trang bán đứt (nghĩa là bán vĩnh viễn, nhà xuất bản muốn in bao nhiêu thì in, tái bản mấy lần cũng được, khỏi trả thêm tác quyền), chỉ hơn lương tháng lao công một chút.
 
Khỏi phải tả cảnh túng thiếu các anh danh sĩ ấy nữa. Vị nào không nghiện cơm đen[6] thì mỗi bữa còn được ba chén cơm trắng; dù không nghiện cơm đen, nhưng vợ phải nuôi một bầy con, không làm được gì khác nhất định phải than như Tú Xương: “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (thời tiền chiến, ngoài Bắc gọi là toát xì cấu).
 
Ngày nay tình cảnh người cầm bút có khá hơn không? Khó mà trả lời dứt khoát được. Còn tuỳ.
 
Nếu chuyên viết truyện hàng ngày cho các nhật báo mà có một ngọn bút hấp dẫn, ăn khách, hay chỉ cần chuyên dịch truyện kiếm hiệp Kim Dung, thì cũng kiếm được bốn năm chục ngàn đồng một tháng là thường. Phong lưu, nhà có tủ lạnh, ti-vi, có muốn sắm máy lạnh hoặc một chiếc xe hơi cũ cũng được. Số tiền đó bằng hai lương chánh án đông con[7].
 
Nhưng viết tiểu thuyết hoặc biên khảo để… dự cuộc lựa giải Văn chương toàn quốc chẳng hạn thì đời sống khó khăn đấy. Có tài lắm mới viết đều đều mỗi năm được ba tập, mỗi tập trung bình 200 trang. Nổi tiếng lắm thì nhà xuất bản sẽ in cho 3.000 bản lần đầu và trả 10% (một biệt lệ đấy, chứ thông thường từ 5 tới 7%) mà giá bán cao lắm là 100$ hai trăm trang; vậy tác giả được lãnh 100$x3.000x10:100 = 30.000$, một năm ba tập: 90.000$, trung bình mỗi tháng không được 8.000$, không bằng tiền công một em sắp chữ mười lăm tuổi. Vậy các nhà văn đó có thể tự hào được sắp chung hạn với các danh sĩ Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Vũ Trọng Phụng… về mức sống chỉ ngang hay kém mức sống lao công.
 
Một truyện ngắn hoặc một cảo luận độ hai mươi trang đánh máy đăng tạp chí hồi 1940-42, nhuận bút được 3$, bây giờ độ 1.000$. Nhưng ăn cơm trọ thời đó 10$ một tháng, bây giờ tệ gì cũng là 3.000$-4.000$, tính ra thì cũng vậy. Ông thần Áo đỏ nước ta (tiếng Hán là Chu y, tức thần Văn chương, do một điển tích Trung Hoa), kể ra tài tình thật: thời cuộc có thay đổi, giá sinh hoạt có tăng thì thần vẫn giữ cho tình trang đa số các nhà văn được ở một mức bất di bất dịch: xưa có đủ cơm với rau muống thì nay cũng có đủ rau muống với cơm, mặc dù rau muống ngày nay đắt gấp ngàn lần rau muống thời tiền chiến, mà gạo thời này là gạo Mĩ hay Thái lan.
 
Nhưng có một điểm đáng mừng, một tấn bộ rõ rệt: sách báo mỗi ngày mỗi rẻ, bài vở mỗi ngày mỗi phong phú. Có kinh tế gia nào theo phương pháp Fourastié, so sánh giá đồng bạc Việt Nam năm 1930, 1940, 1950, 1960, 1968 với giá sách Việt Nam, chắc sẽ thấy giá sách xuống đều đều.
 
Tôi không có đủ con số, chỉ xin dẫn một thí dụ nầy. Truyện Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật khoảng 150 trang giá 1$, bây giờ bán độ 80$, một đồng bạc thời đó ít gì cũng bằng 300$ bây giờ; vậy giá sách không bằng một phần ba thời đầu chiến tranh. Mà cần chi phải xét cho xa, cứ xét ngay gần đây: từ năm 1954 tới nay giá sách chỉ tăng lên gấp đôi, trong khi giá sinh hoạt tăng lên gấpp bốn, cũng thấy chỉ trong 14 năm, giá sách đã giảm tới nửa rồi.
 
Báo ngày nay càng rẻ mạt: bài vở một số Bách Khoa chẳng hạn nhiều gấp ba một số Thanh Nghị năm 1941, mà giá một số Thanh Nghị ba hào, gần bằng 100$ ngày nay. Có người bảo sách báo ngày nay rẻ hơn rau muống, xét ra không ngoa.
 
Về riêng điểm ấy, chúng ta phải nhận rằng giá văn chương ngày nay đã được các nhà kinh doanh văn hoá hạ thấp xuống cho vừa túi tiền của đại chúng. Sách báo không còn là một xa xỉ phẩm nữa. Vì giá sách hạ xuống gấp đôi gấp ba, nên dù số sách bán được có tăng lên gấp đôi gấp ba thì người cầm bút vẫn phải sống bằng rau muống.
 
Một ông bạn già của tôi, thi sĩ Đông Hồ, bảo rất dở về con số, nhiều khi “nhìn vào con số mà cứ tưởng là thơ”. Nếu bài này tới mắt ông thì ông cho nó là một khúc ngâm hay một thiên trường hận?
 

Sàigòn 28.8.1968.

 

Chú thích:
[1] Tả Tư (250-305) tự Thái Xung, người Lâm Truy (nay là Truy Bắc, Sơn Đông). Thơ Tả Tư hiện còn 14 bài trong đó giá trị nhất là 8 bài “Vịnh sử thi”. (Theo website Thi viện: chép từ Lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Giáo Dục, 2002). [Goldfish]
[2] Đúng ra thì đúng ký hiệu đồng bạc Việt Nam hồi trước là chữ S với hai “gạch đứng” chứ không phải một “gạch đứng”. [Goldfish]
[3] Năm 1973, mỗi quan ăn 120$ V.N.
[4] Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề; Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. [Goldfish]
 
[5] Tức chiếu phim lên màn ảnh. [Goldfish]
 
[6] Tức thuốc phiện. [Goldfish]
 
[7] Thời đó vợ (nếu không đi làm) và con vị thành niên đều được hưởng phụ cấp. [Goldfish]