Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ qùy xuống tiếp chỉ từ kinh đến. Sau khi tạ ơn vua, Nguyễn Công Trứ quay mặt, nhếch miệng cười. "Nguyễn Công Trứ trước kia phái qua Trấn tây, lo việc quân lữ, lâu ngày không làm nên công trạng gì, trẫm đã ngơ cho, lại cho làm Tuần phủ An Giang, gần đây chỉ ngồi yên một chỗ, không quan tâm việc gì. Tuy rằng cái việc thuyền buôn chở đồ gian vẫn là người khác bịa đặt vu cho, nhưng xét ra việc của viên ấy làm đại để “mượn công làm tư", cái tình giống như không làm sao che được!”. Đúng là họa vô đơn chí, nhưng biết làm sao được. Trách ai? Phận làm con không đi trách cha mẹ. Phận làm tôi sao lại dám trách quân vương? Trên không kỷ cương, dưới lập đường mây mưa. Từ xưa đã có biết bao tai họa của việc không dùng hình phạt nghiêm khắc. Chuyện kể, Tử Sản làm tướng quốc nước Trịnh, lúc bệnh sắp chết bảo Du Cát rằng: “Sau khi tôi chết, ắt ông sẽ được dùng làm tướng quốc nước Trịnh. Ông ắt phải dùng sự nghiêm khắc để trị người. Lửa có vẻ dữ dội nên ít người bị cháy phỏng, nước có vẻ yếu mềm, nên nhiều người bị chết đuối. Ông nên làm hình phạt của ông nghiêm, không nên đắm đuối trọng sự yếu mềm”. Tử Sản chết, Du Cát không nỡ thi hành hình phạt nghiêm khắc. Thiếu niên nước Trịnh thay nhau làm giặc cướp, trở thành một mối họa cho nước Trịnh. Du Cát thống suất binh gồm cả xe chiến và kỵ binh, cùng họ chiến đấu một ngày một đêm mới khắc phục họ được. Du Cát thở dài mà than rằng: "Ta sớm mà thi hành lời dạy của thầy, thì ắt không hối hận đến như thế". Mỗi thời mỗi khác, mỗi trào mỗi khác, nhưng Nguyễn Công Trứ tin rằng, một khi ai đã sống thật với lòng, sống thật với người thì lòng họ cứ sáng tựa sao Khuê.
Phận thần tử như ông, thiên tử có bảo chết cũng phải chết, huống gì cách chức. Cái vinh cái nhục ở đời có chi phải bàn. Trên đường danh lợi vinh liền nhục, Giữa cuộc trần ai khoc lộn cười. Cái vinh vái nhục chỉ cách nhau một sát-na. Để làm được con người đúng nghĩa cần phải tỉnh táo xem cái vinh ấy có đáng cho ta mừng, cái nhục ấy có đáng để ta phiền? Danh lợi, chức tước chỉ là thân ngoại chi vật, là thói đời cả, nên chẳng có chi phải phiền muộn. Đới người như tia chớp, phiền muộn làm gì cho cực lấy thân. Ở Kinh thư, trong thiên Cao Dao mô, ông Cao Dao nói với Đại Vũ rằng:
Thiên thông minh tự ngã dân thông minh,
Thiên minh úy tự ngã dân minh úy.
Đạt vu thượng hạ,
Kính tai hữu thổ!
(Trời xem nghe sáng suốt tức là dân xem nghe sáng suốt,
Trời ban phúc hay ra uy là theo như lòng dân.
Trời với dân (trên với dưới) thông đạt cùng một lẽ,
Ai có đất đai nên kính cẩn vậy thay!)
Đó là nguyên lý nền móng, nhưng... Nguyễn Công Trứ nghĩ thì nghĩ mà không nén được tiếng thở dài.
Trăng hạ tuần đã lấp ló sau đọt dừa trước cửa mà Nguyễn Công Trứ vẫn chưa chợp mắt được. Cuộc đời ông kể cũng lạ. Số mệnh chăng? Đúng là ông trời muốn trêu chọc người đời. Phải học người xưa. Khổng tử đã từng khuyên học trò mình là Tử Hạ rằng: "Ngươi hãy làm nhà nho quân tử, đừng làm nhà nho tiểu nhân", hay lắm. Dù hoàn cảnh nào Nguyễn Công Trứ vẫn là Nguyễn Công Trứ của ngày nào, chớ đừng vì miếng đỉnh chung mà làm xấu hổ quê hương, tổ tiên. Ngẫm nghĩ lại, đời ông đâu chỉ mới lần này. Cuộc đời thăng trầm đã chỉ cho ông thấy, áo tía đai vàng cũng qúi thật, sang thật, vinh thật, song nào có hơn được việc nhân nghĩa. Thôi thì thôi quân tử cố cùng, Cùng khi ấy hẳn là thông khi khác. Ăn cơm vua, hưởng lộc nước để lo điều nhân nghĩa và phải biết chấp nhận sự rủi may. Phật còn bị hàm oan huống gì những kẻ phàm trần lục căn không tịnh. Ngày nào qua tuổi "tri thiên mệnh" ông đã đôi lần nghĩ tới chữ nhàn, nhưng... Trót đa mang một tiếng anh hào, Lại muốn chút cuộc nhà sao phải. Mặc xui khiến dám nghĩ đâu thành bại, Đem thông minh mà đến lại hoá quân. Thử xem con tạo xoay vần. Và cuộc đời của ông đã bị con tạo xoay vần đến nỗi muốn văng ra khỏi vòng sinh tử, nếu không thừa nghị lực. Từ anh thư lại luống tuổi, bằng tài năng và đức độ đã có những bước thành công vượt bậc trên đường công danh. Từng được thăng Binh bộ thượng thư, lĩnh Tổng đốc Hải An, rồi đến tuổi “hoàn đồng” lại bị giáng liền bốn cấp chỉ vì tên tù ở Hải Dương trốn ngục và bị triệu về kinh. Thời gian này cũng là thời gian giúp ông tĩnh tâm hơn, suy nghĩ về đời chín chắn hơn, thế mà...
Kể cũng lạ, đã là con người, ai cũng thích sống cho ra con người, thế mà chỉ do áo mão cân đai đành phải cứ lén lén lút lút như kẻ trộm. Khôn ngoan ư? Cũng có thể, nếu ai đó muốn đánh mất chính mình. Làng Uy Viễn trước đây chưa có người như thế, đến bây giờ cũng chưa có người như thế. Nguyễn Công Trứ cười thầm một mình với vẻ mặt rạng rỡ. Tự hào à? Đáng tự hào lắm chứ! Nguyễn Công Trứ trước sau vẫn là Nguyễn Công Trứ sao lại không đáng tự hào!
Lênh đênh một chiếc thuyền nan,
Một cô gái Huế, một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ngày thời quan lớn như cha,
Ban đêm quan lớn rầy rà như con.
Với Nguyễn Công Trứ điều ấy chẳng có gì xấu hổ. Nhiều người cho ông là kẻ bất đắc chí khi bị giáng cấp triệu về kinh rồi đâm ra ngông; nhiều người thì cho ông thị mình được vua ưu ái, dựa vào công trạng, v.v... mà dám công khai khắc họa chân dung mình và... những người giống mình; người thì cho ông thị tuổi già. Trâu già chẳng nệ dao phay! Theo Nguyễn Công Trứ, tất cả thì sai tuốt tuột. Cái chính là ông muốn sống thật với mình, với người. Và trên bước đường công danh của ông đã chứng minh điều đó. Từ anh Binh bộ thượng thư triệu về làm anh "lon ton" ở Bộ binh, chuyển qua làm Đô Sát Viện, Tả đô ngự sử, rồi được cử ra Hà Nội làm chủ khảo kỳ thi hương... Bất cứ ở đâu, bất cứ việc gì, Nguyễn Công Trứ cũng là Nguyễn Công Trứ luôn làm hết mình, sống thật với mình, không nề hà, không đãi bôi, không ton hót lấy lòng một ai.
Và rồi, "Thiên thông minh tự ngã dân thông minh", vua Minh Mệnh không những phong cho ông chức Trấn tây Tán Lý cơ vụ, mà còn xuống bệ cầm tay ông dặn dò: "Khanh là bậc nho tướng, việc quân đã am hiểu, nên tùy cơ xem xét, đã đánh cho mau thành công, khỏi phụ bụng ta ủy cậy" (Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, sđd, trang 193). Với Nguyễn Công Trứ, một khi đã vào cuộc thì Túi giang san bốn bể cũng là nhà, Nền vương thổ cả trong trời đất Việt, có gì phải tính thiệt hơn.
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam, bắc, đông, tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Và Nguyễn Công Trứ đã hồ hởi lên đường. Điều làm ông xúc động là trước lúc vua Minh Mệnh băng hà còn nhớ và phong cho ông làm Tham tán đại thần. Thật là Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều. Nguyễn Công Trứ hiểu và đã "khỏi phụ bụng ta ủy cậy".
Nhiều lúc, Nguyễn Công Trứ muốn học làm Trương Lương, Bá Di, Thúc Tề..., nhưng ông nghiệm tới nghiệm lui vẫn thấy mình chưa "đạt đạo”. Cái trò trâu cột ghét trâu ăn, ông rành lắm, song ông lại mặc cho cơ tạo xoay vần. Việc gì đến ắt phải đến, có cưỡng lại cũng không được và có muốn cũng không xong. Trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi, biết đâu mà lần. Việc Mai Văn Thạch, đồn trưởng bên Châu Giang bị tố cáo dùng thuyền sang Nam Vang buôn lậu có dính dáng gì tới ông. Chính Khâm sai đại thần là Lại bộ Tham tri Trần Ngọc Dao và Lại Khoa Chưởng ấn Đặng Kham vâng mệnh vua Thiệu Trị từ kinh đô vào tận nơi truy xét, kết luận ông bị vu cáo, và đề nghị những bọn người vu cáo ông cần phải được trị tội nặng, phạt trượng đày đi xa. Trắng đen phân minh là thế mà xử ông như thế này là oan.
Nguyễn Công Trứ nhếch môi cười trong đêm. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Thế này cũng còn nhẹ, bởi ông không muốn mình là người bất trung, hậu thế nguyền rủa, chê cười. Chuyện này có khác chi chuyện cách đây bảy năm (1837) ông bị giáng những bốn cấp chỉ vì một tên tù vớ vẩn trốn ngục. Và... đâu sẽ vào đó. Nguyễn Công Trứ tin như vậy, và vui vẻ lên đường sung quân ở Quảng Ngãi.
Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Đổi thay mắt đã thấy ba đời.
Ra trường danh lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Chuyện cũ trải qua đà chán mắt,
Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi.
Đã hay đường cái thời ra thế,
Sạch nợ tang bồng mới kể người.
Cái vui cái sướng của ông là mọi người ở xứ An Giang này từ quan tới dân đều hiểu ông. Nhiều người nằng nặc đòi ông cứ ở lại, họ sẽ đội đơn ra kinh khiếu nại, minh oan cho ông. Không khóc mà nước mắt ông cứ đổ. Cái tình cái nghĩa sao mà qúy quá. Giàu làm chi, sang làm chi mà lúc nào ai ai cũng muốn tống đi như muốn tống một món hàng ôi thối. Ông xúc động cám ơn và khuyên mọi người nên bình tĩnh. Sanh nhi tri chi giả, thánh nhân là bậc sinh ra đã biết và nếu muốn mở oan cho ông cũng chẳng mấy hồi. Cái quan trọng là mình có oan thiệt hay không, tâm mình có sáng hay không. Nếu không có vấn đề gì để lương tâm cắn rứt, thì đâu sẽ vào đó, chẳng có gì phải lo phải phiền. Lạc hồng bất thị vô tình vật, Hóa tác xuân nên cánh hộ hoa (Hồng rơi chẳng phải vô tình, Hóa thành bùn lại nuôi cành hoa xuân), mất đâu mà sợ.
Trong lúc xúc động trước những tấm lòng chân thật của những người có mặt, Nguyễn Công Trứ ngước mặt nhìn trời, ngâm:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
- Bẩm quan lớn, chúng con tin quan lớn chính là cây thông – cây thông không chỉ đứng giữa trời mà đứng trong lòng chúng con. Thầy Mạnh đã dạy: Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Chúng con tin như vậy.
Nguyễn Công Trứ cười khà khà che lấp nỗi niềm của mình. Ông hiểu họ như hiểu chính mình. Khi nhận mệnh vào đây đã có mấy ai tin ông. Nhưng ngày tháng đã chứng minh cho mọi người thấy ông thay mặt triều đình lo cho dân. Ông đã dẹp được nhiều cuộc biến động ở Ba Xuyên, Lạc Hóa và giúp dân khai phá đất hoang dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế. Nói chung, những ngày ở đây là những ngày ông đã đem lại cho dân lành những ngày ăn no ngủ yên.
Dứt tiếng cười, Nguyễn Công Trứ ngâm tiếp:
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Nguyễn Công Trứ tạm biệt mọi người ra đi không kèn không trống, không có kẻ tùy tùng.
*
Mặt trời đã ngã về tây. Nguyễn Công Trứ mồ hôi mồ kê đầm đìa, nhưng rất lấy làm vui, vì đoạn đường dài đã hết. Suốt chặng đường qua, ngày đi đêm nghỉ, gặp đâu Nguyễn Công Trứ xin tá túc đó chẳng nệ sang hèn. Thực tế trước mắt, Nguyễn Công Trứ nghĩ đây cũng là dịp để ông hiểu thêm cái vui cái buồn, cái hồn nhiên chơn chất của con người. Và ở đời có mấy kẻ được như ông?
Với cái áo cộc màu chàm, chiếc nón dấu, ruột tượng gạo quàng trên vai và chiếc dao tu kè kè bên hông, ai nhìn qua cũng biết đó là anh lính già, còn tại sao già như thế mà chưa về vui thú điền viên với con cháu thì không ai hiểu. Trên đường từ An Giang ra Quảng Ngãi, nhiều vị quan phủ, quan huyện nhìn ra ông thì đích thân ra tiếp rước như thời ông còn đương chức Thượng thư, Tổng đốc... Tất cả chỉ vì họ qúy trọng ông, coi ông như người thầy, người anh cả. Những cử chỉ ấy khiến ông vui hơn và cảm thấy yêu đời. Đêm về, Nguyễn Công Trứ thầm tự hào: sống một đời không thẹn. Dĩ nhiên, đã có không ít người từng mang ơn ông, nhưng họ giả bộ không biết người lính già lang thang kia là ai, ông cũng chỉ cười chớ không hề trách. Đường tương lai của họ còn dài và họ còn có gia đình, vợ con, vướng vào ông có khi họ bị họa lây. Quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người. Ông không nghĩ xấu về họ, và mỗi lần như thế, ông tự xét lại lương tâm mình. Rồi lần nào ông cũng sung sướng nghĩ rằng ta đã có gì để thẹn với người, với lương tâm đâu nào? Ở đâu, chức gì, ông vẫn là ông, vẫn sống đẹp, sống tốt với mọi người, dù cho người đó là dân đen hay là quan đại thần. Đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương. Ông cha bao đời đã dạy thế và ông đã làm được như thế.
- Bác kia, đi đâu?
Nguyễn Công Trứ giật mình, nhìn lại. Thì ra mình đã tới nơi cần phải tới. – Nguyễn Công Trứ nghĩ thầm, mỉm cười xin lỗi và cho chú lính gác biết mình ở An Giang được sung quân ra đồn Quảng Ngãi. Nay vừa tới nơi và được xin ra mắt quan đầu tỉnh.
- Già rồi sao không chịu ở nhà với con cháu mà ngao du ra tận đây thế bố? – Người lính trẻ cười, nói vui với ông.
Nguyễn Công Trứ cũng cười xã giao, nói:
- Vâng! Mỗi người đều có cái số cả anh nó ạ.
- Thôi, bố vào trình diện rồi nghỉ ngơi. Ở đây, chắc chẳng có việc gì buộc bố phải nhọc sức đâu. Nhưng...
Nghe Nguyễn Công Trứ cám ơn và chần chờ đợi anh ta nói hết câu, anh ta nhìn Nguyễn Công Trứ ra chiều thương cảm, nói tiếp:
- Lính lác như bố con mình thì chẳng cần phải trình diện quan đầu tỉnh. Bố cứ đi thẳng vào rồi trình diện qua quýt với ai đó cũng được.
Nguyễn Công Trứ hiếng mắt nhìn người lính trẻ tốt bụng rồi lững thững đi vào. Ông cũng định tìm ai đó trình bày qua quýt cho xong, nhưng vừa lúc ấy có người khách sang trọng tới tìm vị quan đầu tỉnh. Và như đã hẹn trước, vị quan đầu tỉnh đã bước ra tận thềm đón vị khách sang trọng ấy. Nguyễn Công Trứ định quay ra ngồi chờ, thì một chú lính lệ tới hỏi rồi chạy tới rỉ tai quan đầu tỉnh.
Vị quan đầu tỉnh quay nhìn Nguyễn Công Trứ, rồi bước xuống thềm, cười xởi lởi:
- Chào quan anh. Tiểu đệ biết quan anh về đây, nhưng không biết lúc nào nên không kịp nghênh đón. Có gì thất lễ, xin quan anh bỏ qua.
Nguyễn Công Trứ nhếch môi cười, trả lời:
- Không dám! Thân làm lính đâu dám làm phiền tới quan lớn.
- Đừng nói thế, tiểu đệ đây giảm thọ. Mời quan anh vào trong ngồi dùng trà. – Quan đầu tỉnh vừa vui, vừa dẫn tay Nguyễn Công Trứ vào phòng và ấn ông ngồi xuống ghế. Gỡ ruột tượng gạo trên vai Nguyễn Công Trứ xuống, quan đầu tỉnh giới thiệu người khách: - Thưa quan anh, đây là ông Lê, thương nhân có hạng ở tỉnh này.
Nguyễn Công Trứ khẽ chào, dù rất không ưa bộ mặt thị tiền của lão ta.
- Hân hạnh được biết ông.
Ông Lê mỉm cười với điệu bộ kẻ cả, tay phẩy nhè nhẹ chiếc quạt lông ngỗng, hỏi ông với giọng xách mé:
- Về đây làm lính, ông thấy có nhục không? Tôi thì... nhục lắm, chẳng thà nhận tam ban triều điển còn vinh hơn.
Vị quan đầu tỉnh lúng túng ra mặt, nhưng không thể nào bịt miệng người khách qúi của mình. Trong lúc đó, Nguyễn Công Trứ vẫn ung dung nhấm nháp từng ngụm trà và khẽ nhìn gương mặt bì bì của lão con buôn.
- Chim sẻ làm sao biết được đại bàng đi đâu về đâu. Khi làm tướng, tôi chẳng lấy làm vinh, nên lúc làm lính tôi chẳng coi là nhục.
Bị cho mình là chim sẻ, thương nhân Lê vừa xấu hổ vừa bực mình. Quan đầu tỉnh còn chưa dám nói nặng ông nửa lời, ấy mà thằng lính già ấm ớ này dám gác kèo trên.
- Cha hắn lú còn chú hắn khôn. Ông nhớ, đây là đất của quan đại thần Trương Đăng Quế, chớ không phải đất cằn đâu nhé.
Nguyễn Công Trứ nhếch miệng cười. Những điều ông vừa nói vừa thật lòng cũng vừa muốn nói cho tên trọc phú biết thế nào là nhân cách, chớ nào nghĩ tới chuyện hơn thua với hạng người ấy. Nhưng cái giọng rung cây nhát khỉ của y ta, Nguyễn Công Trứ không ưa chút nào.
- Vâng, tôi biết. Quan đại thần họ Trương mà ông vừa nói, với tôi là bạn đồng khoa.
Quan đầu tỉnh biết chuyện, dàn hòa cả đôi bên:
- Vâng, vâng, quan anh đây đỗ giải nguyên khoa ấy đấy, ông Lê à. – Quan đầu tỉnh quay sang Nguyễn Công Trứ nói tiếp:
- Thưa quan anh, thân phụ của ông Lê đây lúc sinh tiền cũng làm đến chức Lang trung của Hoàng triều ta.
Đúng là hổ phụ sinh khuyển tử! Nguyễn Công Trứ hiếng mắt nhìn y, rồi mỉm cười với vị quan đầu tỉnh. Ông nghĩ, nếu không có ràng buộc vật chất gì đó thì những người như quan đầu tỉnh đây không đời nào dính tới. Tuy biết rõ thân phận ông hiện giờ là thuộc hạ thấp nhất, nhưng quan đầu tỉnh đối xử với ông như thế này khiến ông khâm phục. Và ông tin vào lòng nhân, tính thiện trong mỗi con người. Ông ung dung ngồi uống trà như chẳng có chuyện gì xảy ra.
- Tiểu đệ nhớ không lầm, dường như quan anh đây những ba lần giữ chức Lang trung thì phải?
Nguyễn Công Trứ mỉm cười tinh nghịch, chớ chẳng có chi khó chịu. Còn vị thương nhân đất Quảng Ngãi đã biết người lính già mà mình đã có ý coi thường ấy là ai, nên không còn dám lên mặt như trước. Và đầu óc con buôn đã nhắc ông ta cách xử thế.
- Thưa ngài, chức Lang trung là chức gì mà ngài nhận những ba lần?
Nguyễn Công Trứ liếc nhìn y ta rồi vuốt râu mỉm cười.
- Tôi cũng chẳng rõ. Nhưng cuộc đời đi trấn nhậm nhiều nơi, tôi gặp một chuyện như thế này, xin được kể hầu quan đầu tỉnh và ông khách qúi của quan đầu tỉnh đây. Lần ấy có nhà buôn giàu có và có những ba vợ. Khi ông ta qua đời, người vợ cả chạy tới ôm cái đầu, khóc: Ô hô, lang thủ. Người vợ thứ hai thấy vậy cũng vội vàng chạy tới ôm chặt lấy đôi chân của người chồng, khóc: I hi, lang túc. Người vợ thứ ba lúng túng, nhìn tới nhìn lui rồi cũng chạy lại cầm chặt khúc giữa, khóc rống lên: Ai tai, lang trung.
Vị quan đầu tỉnh cười thoải mái, còn ông Lê cưới không ra cười, khóc không ra khóc. Lâu nay, ông ta nghĩ mình xuất thân từ gia đình quan lại, thân sinh làm tới chức Lang trung, hãnh diện lắm, ấy mà bây giờ tay lính già này nói... trớt huớt.
Cũng may vừa lúc đó, người lính hầu đã đến thông báo tới giờ dùng cơm.
Những ngày làm lính ở Quảng Ngãi là những ngày ông cảm thấy thanh thản nhất. Cánh lính trẻ xem ông như cha chú nên giành gánh công việc. Họ thêu dệt nhiều chuyện về ông. Trong những lúc có điều kiện thuận lợi, họ hỏi về cuộc đời ông, nhưng lần nào ông cũng cười.
- Bố giấu chúng con. Nghe họ đồn, bố là quan đại thần giả dạng thường dân đi quan sát dân tình.
- Các anh còn trẻ. Khi nào các anh lớn lên bằng phân nửa tuổi tôi, các anh sẽ hiểu.
- Chúng con tin vậy, bởi không có ai già như bố mà còn làm lính cả. Bố không có vợ con à? Nếu vậy thì bố vào chùa tu quách, chớ làm gì ba cái nghề này. Vả lại, tuổi của bố, ai cho đăng lính.
- Thôi, đừng bận tâm nữa. Các anh cứ lo làm cho tốt bổn phận của mình.
Và Nguyễn Công Trứ thực sự coi họ như con em trong nhà. Lúc rảnh rỗi, ông bày dạy họ những điều hơn lẽ thiệt, và nếu ai cần, ông cũng cho dăm ba chữ về dán nhà, thậm chí dán ở chuồng trâu, chuồng heo, bấm tuổi dựng vợ gả chồng, coi ngày lành tháng tốt... Với ông, cuộc đời chẳng khác nào dòng sông chảy mãi không ngừng. Ai muốn nó ngừng là đi ngược lại với tạo hóa. Ngày xưa, Chu Hy cũng cho đó là "Sự sinh hóa của trời đất. Cái gì qua, qua đi; cái gì đến, đến tiếp; không có cái gì ngừng nghỉ một giây phút nào; đấy chính là tính chất bản nhiên của Đạo thể" (Thiên địa chi hóa. Vãng giả quá, lai giả tục, vô nhất tức chi đình, nãi đạo thể chi bản nhiên dã). Và, Nguyễn Công Trứ vẫn còn thấy mình là người có ích.
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc, tùng, phong, nguyệt mới vui sao.
Đám phồn hoa trót bước chân vào,
Sực nghĩ lại, giật mình bao xiết kể.
Quá giả vãng nhi bất thuyết,
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẫm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang san phong nguyệt.
Mặc xa mã, thị thành không dám biết,
Thú yên hà giời đất để yên ta.
Nào ai ai biết chăng là?
Nguyễn Công Trứ ngâm ngợi rồi thở dài. Mới đó mới đây đã hết một đời người. Nhưng nhìn lại quãng đời đã qua, Nguyễn Công Trứ cũng lấy làm mãn nguyện. Vinh nhục đời người ông đã trải qua, và cuối đời ông có quyền thực hiện cái ước mơ của ngày nào: Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi tơ túi rượu bầu. Dĩ nhiên, cuộc đời của ông chẳng có chi là bằng phẳng, song có thế vào cuối đời, ông mới thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Hậu thế sẽ có người cho ông là kẻ háo danh. Vâng, biết làm sao được. Mạc hiềm trần thế vô tri kỷ. Xưa nay là thế. Sống mà không thể hiện được sức sống của mình, thì bị cho là kẻ bi quan, yếm thế. Sống cho hết lòng hết dạ với người đời, thì bị cho là kẻ háo danh. Nhưng... lo nghĩ làm gì, một khi mình làm việc không trái với lương tâm, với đạo lý làm người. Với ông, hòa mình cùng cộng đồng mà lưu danh được mới khó, chớ phản nghịch để lưu danh thì dường như ai cũng có thể làm được nếu có chút máu liều trong người. Một khi “Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung, Làm cho rõ tu mi nam tử", còn không thì tay cuốc tay cày có lợi hơn. Đành rằng số mệnh cũng có, nhưng cứ nằm ỳ ra đó thì chỉ có số chết đói chớ chẳng có số nào khác. Nhơn bất học bất tri lý. Và "Tạo hóa có ghen chi số mệnh, Giang san nào oán với văn chương". Khó cũng do con người, dễ cũng do con người, và ai cũng muốn tìm cho mình cái lý để sống. Và Nguyễn Công Trứ không muốn dụng cái lý của con cóc đòi mọi người tôn vinh mình, vì mình là cậu ông trời. Với Nguyễn Công Trứ, thì "chữ danh liền với chữ thân, Thân đã có, ắt danh phải có", chớ không thể khác được. Chuyện mưa chuyện nắng cũng làm cho người đời than thở, trách móc, thậm chí lớn tiếng chửi rủa đất trời, nhưng thử hỏi ai là người muốn nắng hoặc muốn mưa quanh năm suốt tháng? Chắc không ai dám, ngoại trừ kẻ điên. Và trách gì người điên!
Nguyễn Công Trứ bình tâm sống với đời lính thú xa quê của mình. Và ông cũng không lấy làm lạ khi vua Thiệu Trị điều ông về kinh làm Chủ sự bộ Hình (!845), rồi lại cử ông vào làm Án sát ngay nơi ông làm lính thú. Đấng quân vương cho rằng, có như vậy mới gọi là phục hồi danh dự cho ông chăng? Lại thêm một người không hiểu ông rồi. Nhưng, trong cuộc trần ai, ai dễ biết, và sống thì phải hành động, phải hăm hở ra tài kinh tế. Bởi, người thế trả nợ đời là thế. Ông cần phải tận lực để biết thế nào là mệnh trời. Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất, chớ hà cớ chi an phận thủ thường.
Ngoài những lúc ở công đường, Nguyễn Công Trứ vẫn là người lính thú, người cha, người chú, và... ông thầy đồ vui tính của ngày nào đối với mọi người ở tỉnh thành Quảng Ngãi.
Niềm vui ấy cũng chỉ được mỗi một năm. Vào tuổi bảy mươi, Nguyễn Công Trứ lại được mời về kinh để thụ hàm Thừa Thiên phủ doãn.
Thế là đã xong một đời người!
Nhà nước yên thì sĩ được thung dung, Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch. Nhưng đã vào cái tuổi "cổ lai hy" rồi, thì không muốn tìm ông Hoàng Thạch cũng không được. Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin về trí sĩ. Trong lúc chờ đợi, thì ông lại phải bận rộn vào việc tang ma, bởi vua Thiệu Trị băng hà.
Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.
Lòng Nguyễn Công Trứ như có chùng xuống khi tư tưởng yếm thế của Ôn Như Hầu len vào đúng lúc trong ông. Đúng thôi! Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, Tiêu khiển một vài chung lếu láo. Và thời gian cứ đi qua chẳng chờ đợi ai. Nguyễn Công Trứ không muốn ngồi lại lâu, cản đường lớp trẻ, ông lại dâng sớ thêm lần nữa. Vị vua trẻ Tự Đức không những chấp thuận cho ông về hưu mà còn xuống chiếu ban cho ông thực thụ hàm Thừa Thiên phủ doãn. Hàm quan hưu hạng tam phẩm với ông cũng đủ rồi. Nhất phẩm, nhị phẩm hay gì gì đi nữa, khi chết ông cũng không mang theo được. Cái vui nhất đời ông là đi tới đâu dân thương tới đó. Ngày về hưu, các quan lại trong triều hầu hết đều tới vui với ông chén rượu, câu thơ. Quý là thế. Tình là thế. Nguyễn Công Trứ hy vọng rằng, những ngày này mới chính là những ngày... Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp, Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
Nhìn lại quãng đời qua, Nguyễn Công Trứ chẳng thấy có điều gì phải xấu hổ. Ông đi lên bằng chính tài năng và đức độ của mình. Lúc là Tổng đốc, Nguyễn Công Trứ vẫn chưa cho đó là may và khi làm lính thú, Nguyễn Công Trứ vẫn chưa cho đó là rủi. Do đó, nay về hưu với hàm tam phẩm có chi là nhục. Những ngày gần đây, từ quan tới dân, ai cũng gọi ông là cụ Thượng cũng thế thôi. Ngày còn làm Tổng đốc, trước cửa công đường, ông đã dán câu đối:
Khả úy thị dân nham, kinh cức bất sinh bình thản lộ
Duy thâm giả hoạn hải, ba đào vô nộ tải không châu
(Lòng dân nham hiểm vô cùng, nhưng gai góc nào có sinh trên đường bằng phẳng
Bể hoạn thẳm sâu khôn xiết, nhưng sóng gió vốn không giận chiếc thuyền nhẹ tênh)
Do thế nên khi về hưu, bạn bè hiểu ông hơn, yêu ông hơn. Với ông, đời người được thế nghĩ cũng đáng. Từ thuở thiếu thời, ông đã học và hành theo lời dạy của Tăng tử: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân (Ta cứ hàng ngày lấy ba điều kiểm điểm bản thân). Đến tuổi này, Nguyễn Công Trứ vẫn không thay đổi quan điểm ngày nào của mình: Có trung hiếu đứng trong trời đất, Không công danh thà nát với cỏ cây. Nhưng chỉ tiếc một điều, con cái của ông không thừa hưởng được “chất lửa” ấy. Không đứa nào tự đứng bằng đôi chân của mình, trái lại chỉ mong nấp bóng người cha. Song việc nấp bóng cũng không xong. Giận làm sao! Buồn làm sao! Ông cũng thấy mình có phần trách nhiệm, nhưng nghĩ cho cùng vậy còn hay hơn. Làm cha mẹ dân mà kém tài thiếu đức thì chỉ có hại dân. Tử giả biệt luận chỉ đúng với bản thân người đó, chớ cái xấu cái tốt của con người đó sẽ còn mãi. Bia đá không ghi, sách sử không chép, nhưng bia miệng cứ truyền đời. Thôi, cái gì cũng đã rồi, cây cứ lớn, cỏ cứ mọc...
Nguyễn Công Trứ thấy nghèn nghẹn ở cổ, muốn nói mà nói không được. Ông rướn người và người hầu thiếp kịp thời đỡ ông dậy, đưa tay vỗ nhè nhẹ dưới bả vai ông và quay ra dặn người nhà:
- Nói với bà con bàn chuyện nho nhỏ một chút để Cụ Lớn nghỉ.
Ông khoát tay, ý bảo đừng nói lời lẽ ấy. Tuy bị bệnh nặng, đi đứng, nói năng không khỏe lắm, nhưng họ làm gì, nói gì ngoài ấy, ông đếu biết. Quan sở tại và bà con nghe tin ông bệnh nặng đã cho người đến thăm hỏi và tự động dọn vườn, kéo rạp để có chỗ ra vào cho khách một khi ông được trở về với tiên tổ. Họ đang bàn bài văn tế của một nhà khoa bảng danh tiếng nói hộ lòng dân với sự nghiệp của ông:
Đỏ xanh dấu cũ, mũ lọng triều xưa.
Bút cự nho xông thẳng trường văn, ba nghìn sĩ tử chịu co tay, tên đỏ chót đứng đầu bảng hổ,
Cờ đại tướng trỏ ngang giáo võ, trăm vạn hung cừ đều khiếp tiếng, bể trong veo lặng ngắt tăm Kình.
Phá toang bãi cỏ lập làng dân, chẳng quản chân tay bùn lấm,
Tát sạch đồng chua làm ruộng tốt, khác nào trời đất chuyển vần.
Hoàn danh, hoàn phúc gồm hai, công đức rỡ ràng bốn cõi,
Danh tướng, danh thần là một, linh thanh sực nức ngàn thu.
Hay thì có hay, thậm chí cũng có thể xếp vào loại tuyệt bút, nhưng ông vẫn thích những bài văn nôm dân dã, và ông đã không cầm được nước mắt khi họ cho người vào rước ông ra thăm lại vùng đất ngày xưa để tế sống ông:
... Bao phen khẩn trị hoang vu,
Mấy độ chiêu tầm nông hộ.
Nay nhìn bờ xôi ruộng mật, càng nhớ công đắp đập be bờ,
Nay nhìn đồng ruộng bãi dài, càng nhớ lúc bắc cầu, đặt mố.
Huân lao to tựa non sông,
Ân đức ấy khắp cùng cây cỏ.
Và chính điều này, vị quan hưu hàm tam phẩm phải lai kinh hậu cứu. Trên đường đi, Nguyễn Công Trứ chẳng chút băn khoăn. Chẳng phải đây lần đâu ông lai kinh hậu cứu, và cũng chẳng phải như người ta nói, trâu già chẳng nệ dao phay. Tất cả ông tin vào sự công tâm của vị vua trẻ tuổi và hay chữ như Tự Đức. Một người tiểu tâm nghi ngờ cả một lão thần đã trải qua ba triều như ông, thì khó có thể có bút lực hùng hồn như ông đã biết và vận nước coi như đã hết.
Hỏi mình, mình biết ai không?
Ai đây mới thực Tiên công đất này?
Ai cắm mốc, ai chăng dây?
Ruộng kia chia thẳng, sông này đào sâu.
Bạt ngàn bãi cát nương dâu,
Một phen kinh lý, nghìn thâu lưu truyền.
Chắc vị vua trẻ cũng đã lọt tai đoạn phong dao ấy. Nhưng đó là ý dân, chớ nào phải ý ông. Mà thôi, cái gì tới cũng phải tới. Nghiệp duyên vốn tại mình ra, Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục. Vì chưa thoát lòng trần mắt tục, Nên mơ màng một bước như khơi.
Nguyễn Công Trứ cười thầm trong bụng khi thấy mình được bố trí chỗ ăn chỗ ở khá tươm tất, nhất là chẳng có ai canh gác. Nếu theo tình hình này mà xét, thì chắc chắn bạn bè đã giúp ông và vị vua trẻ này không phải là người không hiểu chuyện. Ăn ở như thế này là được vua triệu về kinh, chớ không phải lai kinh hậu cứu, và ông sẽ không phải mang cái gông nặng trịch trên cổ giữa sân rồng. Trên đường lai kinh, Nguyễn Công Trứ đã chuẩn bị đón nhận tất cả những gì xấu nhất tới cho mình, và dặn lòng, dù có như thế nào cũng phải sống cho đúng với bản chất vốn có. Không khinh thường ai, nhưng cũng không bợ đỡ ai để được việc cho mình. Cha mẹ nói gian, làm quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa. Tất cả chỉ muốn con người tốt hơn, biết đời biết đạo hơn. Chẳng quân thần, phụ tử đếch ra người.
Nguyễn Công Trứ tự đặt mình vào vị trí của vua Tự Đức cũng thấy lúng túng. Ý dân là ý trời. Dân ở Kim Sơn, Tiền Hải rước Nguyễn Công Trư ra tế sống, phong thần cũng chỉ là thể hiện cái đạo làm người, chớ không thể nghi ngờ Nguyễn Công Trứ có mưu tạo phản. Nhưng, đây là việc xưa nay chưa từng có, nếu không chấn chỉnh sẽ di họa về sau. Nếu chấn chỉnh thì chấn chỉnh làm sao? Nguyễn Công Trứ thở dài và cảm thông nỗi khổ của vị vua trẻ.
*
Sau khi tiếp chỉ của vua, bạn bè vây quanh Nguyễn Công Trứ mừng mừng tủi tủi. Nguyễn Công Trứ không khóc mà nước mắt cứ đổ ròng. Nguyễn Công Trứ nghĩ lại, trước đây mình cũng quá quắt với bạn bè. Hà Tôn Quyền tuy nhỏ hơn ông 19 tuổi nhưng là bạn đồng liêu, bạn vong niên, bạn văn thơ, thế mà ông cũng cố hơn cho được một câu, một chữ. Từng đỗ Hội nguyên, rồi từ chức quan Tham tri bộ Lễ, thăng thụ chức Thượng thư tòa Nội các thì có chi là lạ, thế mà ngày ấy Nguyễn Công Trứ chẳng mấy ưa. Nhân trong lúc bãi triều, Hà Tôn Quyền ứng khẩu câu đối: Quân tử ố kỳ văn chi Cụ Lớn. Đây là câu văn cổ mà sách Trung dung ghi: Quân tử ố kỳ văn chi trứ, nghĩa là người quân tử ghét lối văn chương lòe loẹt, bề ngoài. Nhưng Hà Tôn Quyền đã có ý nể nang mà lấy chữ: "Cụ Lớn" thay cho chữ "Trứ" thế mà ông cũng... tranh hơn. Nói cho công bằng thì Nguyễn Công Trứ thể hiện được tài ứng đối của mình, và ai trong hoàn cảnh ấy cũng phải hành động như vậy, song bây giờ nhớ lại, Nguyễn Công Trứ thấy mình có phần... háo thắng.
Nghe xong vế đối, Nguyễn Công Trứ cũng dùng cổ văn độp chát ngay: Thánh nhân bất đắc dĩ dụng... qúi ông. Đúng vế đối này là: Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền. Nguyễn Công Trứ cũng dùng chữ "qúi ông" thay cho chữ "Quyền". Cả vế ra cũng như vế đối đều thâm thúy. Cả hai câu đều là "ý tại ngôn ngoại" dù người nghe thấy từng chữ đối nhau chan chát, không chê vào đâu được. Nhưng cái đáng trách là sau đó, ông lại thách thức Hồ Tôn Quyền một vế đối bằng một câu cổ văn: Cùng, thông, đắc, táng, bỉ thương mặc phó kỳ quyền, nghĩa là: Cùng hay thông, thua hay được, trời xanh mặc nhiên giao phó quyền hành. Chữ nghĩa rành mạch là thế, nhưng thâm ý lại khác và Hồ Tôn Quyền chỉ còn biết cười... như mếu.
Bậy thật! Bậy thật! Nghĩ thì cứ nghĩ mà cười tiếp bạn bè thì vẫn cười tươi.
- Mừng quan bác vẫn tráng kiện.
- Nghe tin quan bác cưới thêm nàng hầu khiến bọn này muốn phát ghen.
- Thánh thượng giáng chỉ cho quan bác sáng mai vào chầu, thế là bọn này mừng lắm rồi.
Mỗi người mừng một câu đủ hết ngày và họ tình nguyện tổ chức bữa hát mừng ông.
Ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoắt,
Từ răng long cho đến bạc đầu.
Có nhục vinh góp lại có bao lâu,
Ngồi thử gẫm thợ trời thêu khéo quá.
Núi tự tại cớ sao sông bất xả,
Chim thì lông, hoa thì cánh, công đâu tạo hóa khéo thừa trừ.
Từ nghìn trước đến nghìn sau,
Kết cục lại mỗi người riêng một kiếp.
Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp,
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân, thân.
Mà chữ "danh" liền với chữ "thân",
Thân đã có, ắt danh phải có.
Này phút chốc kim rồi lại cổ,
Có hẹn gì sau chẳng bằng nay.
Râu mày kia hỡi râu mày.
Tiếng ca của đào nương vừa dứt, mọi người vỗ tay khen ngợi:
- Hi Văn tới chết vẫn là Hi Văn.
- Tiểu đệ thích cái ý của quan bác: Tân nhân dục vấn lang niên kỷ, Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
- Trước không có ai và sau Uy Viễn tướng công cũng chắc không có ai.
- Gặp được quan bác đây là qúy lắm rồi, sẵn đàn hay, giọng ngọt, mong quan bác cho bọn tiểu đệ biết về những tháng ngày thong dong vừa qua.
- Vâng, quan bác cho bọn tiểu tử biết để mừng cái tuổi “nhị thập tam” ấy mà.
Mọi người cười ồ vui vẻ.
Tiếng đàn, tiếng phách cứ nổi lên, và chừng một tuần trà, Nguyễn Công Trứ giao cho đào nương bài hát nói và đích thân ông cầm chầu.
Ngâm cùng giăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang san mấy chuyện đời.
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi,
Chi giàu có, sang hèn là phận cả.
Đủ lếu láo với người thiên hạ,
Tính đã quen đài các bấy lâu.
Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu,
Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải.
Thơ rằng: Đạo thông thiên địa hữu hình ngoại,
Tứ thập phong vân biến thái trung.
Hỏi giang san mấy kẻ anh hùng,
Tri ngã giả, bất tri ngã giả.
Người có biết ta hay thì chớ,
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.
Linh khâm bảo hợp thái hòa,
Sạch không trần lụy ấy là thần tiên.
Ngang tàng lạc ngã tính thiên.
Tiếng vỗ tay nổ giòn như pháo tết, nhưng ai tinh ý sẽ thấy trên vầng trán mọi người đều hằn những nếp nghĩ suy cùng nụ cười kín đáo. "Người có biết ta hay thì chớ, Chẳng biết ta, ta vẫn là ta". Ngoài những kẻ bất đắc chí nói bậy, nói quàng, thì chỉ có kẻ "Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông” như Nguyễn Công Trứ mới dám nghĩ và nói vậy chớ nào ai dám.
*
Sân rồng cũng giống như ngày nào, văn võ bá quan vẫn nghiêm túc, kính cẩn. Bước đi, giọng nói của mọi người vẫn phải cứ nhẹ nhàng, rành rọt... Triều đình vẫn là triều đình, đạo vua tôi vẫn đâu ra đấy... Nguyễn Công Trứ miên man với những dòng suy tưởng, đến khi nghe gọi tên, ông mới giật mình. Cũng cách đi, giọng nói của hơn mười năm về trước, Nguyễn Công Trứ tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần đã về hưu và đang hưởng phước của triều đình, không rõ có tội gì mà bệ hạ cho quan quân bắt về?
- Hiền khanh hãy bình thân. Vừa rồi, xem lại các văn án của tiên triều, trẫm cảm thấy mến hiền khanh nên cho người mời hiền khanh về kinh chơi ít hôm, không ngờ hiền khanh đi ra đất Bắc, sứ bộ vội vã làm hiền khanh hiểu lầm trẫm.
Nghe vua Tự Đức ban ơn, văn võ bá quan ai nấy đều lộ vẻ vui mừng khiến tự đáy lòng Nguyễn Công Trứ trào dâng một nỗi niềm mà ông tưởng chừng như đã lãng quên.
Và khi được đưa rước về quê cũ, Nguyễn Công Trứ nhìn đời với cặp mắt khác hơn. Tuy đã quá tuổi bảy mươi những mấy năm và thường đến ăn mày cửa Phật, nhưng lòng ông vẫn chưa dứt được tạp niệm, vẫn buông cái tâm này, chấp cái tâm kia. Nghĩ lại, nhiều việc xử sự ở đời, ông thấy cũng đúng mà cũng không đúng. Và nếu không phải là cụ Thượng Trứ, ông có thể hành động được như vậy không? Cũng có thể, nhưng mức độ cũng chỉ là lời của anh đồ gàn, nghe qua rồi... bỏ. Đằng này... Tội nghiệp!
Ngày ấy, có một viên tri huyện trẻ tuổi mới đổi về trấn nhậm huyện Nghi Xuân. Y ta không hề tới thăm hỏi như những viên tri huyện khác, Nguyễn Công Trứ không hề trách móc. Tuổi trẻ vốn vậy. Thành đạt sớm cũng dễ làm con người trở nên hư hèn. Nhưng ông vẫn hi vọng, thời gian sẽ làm họ tĩnh tâm lại, chững chạc hơn, bởi họ là những người có học, biết đạo nghĩa thánh hiền. Mỗi người, mỗi thời có khác. Dù là trọng thần hưu trí, nhưng ông cũng là con dân của đất nước, của huyện Nghi Xuân nghèo khó này. Lấy tuổi già và công trạng để chèn ép lớp trẻ là điều ông không muốn. Điều mong muốn nhất của ông là làm quan phải ra làm quan, phải đóng góp cái gì đó thiết thực cho đời, chớ không phải ráng học hành rồi dựa vào thế quan mà bóp nặn dân lành. Loại quan đó, xã hội không cần, đất nước không cần và nếu có cần là cần phải loại trừ. Với quan điểm rõ ràng như vậy, nên Nguyễn Công Trứ rất lấy làm vui vẻ trong những ngày còn lại của cuộc đời.
Ngày ngày, Nguyễn Công Trứ cưỡi bò vàng cùng cây cuốc nhỏ viếng hết chùa này tới thắng cảnh khác. Ông yêu qúi con bò như yêu qúi những đứa con của ông. Đến chỗ nào có cỏ non, ông thường dừng lại cuốc vài cụm cỏ và đưa vào tận miệng bò.
Trong lúc Nguyễn Công Trứ đang cho bò ăn, thì có người lính lệ đi trước dẹp đường, hô lớn:
- Khuyên ai nấy phải tránh về một bên đường để quan lớn đi hành hạt.
Nguyễn Công Trứ nhướng mắt lên nhìn, rồi ngồi nép vào bờ cỏ, tiếp tục cho bò ăn.
Hai người lính lệ khiêng võng quan huyện đến nơi, thấy con bò xê ra đường, dạng chân ỉa, phải lùi võng và dừng lại.
Quan huyện bước ra khỏi võng, bước lại giật nắm cỏ trên tay ông già, rồi ném mạnh xuống quát tháo:
- Hay cho lão già nhà quê vô lễ! Bắt lấy nó!
- Thưa... – Người lính lệ ấp úng.
Quan huyện khoát tay, nói:
- Nhà ngươi dắt con bò, còn hắn ta thay ngươi khiêng võng.
Vừa nói, quan huyện vừa bước lại võng và nằm xuống với gương mặt sáng ngời, thỏa mãn.
Nguyễn Công Trứ nói với người lính lệ:
- Hãy nghe lời quan lớn. Già này vẫn còn sức để khiêng quan huyện đi hành hạt mà.
Nói xong, Nguyễn Công Trứ kê vai khiêng vị quan huyện. Độ chừng mươi thước, người lính lệ thả dây mũi bò, chạy lại giành lấy cây đòn khiêng, nói như khóc:
- Cố để con. Cố già rồi. Nếu quan lớn bắt tội, con xin chịu hết. Cố bước ra đi.
- Chuyện chi mà rùm beng vậy? – Quan huyện hỏi lớn.
Lúc ấy có vài người qua đường, và một thư sinh dừng lại, chắp tay chào hỏi Nguyễn Công Trứ:
- Bẩm lạy Cụ Lớn! Cụ Lớn đang khiêng ai thế?
Dường như đã nghĩ ra, quan huyện lệnh hạ võng, bước xuống, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào ông già nhà quê, hỏi:
- Ông già nhà quê này là ai mà các người làm rối lên thế?
Người thư sinh lễ phép thưa:
- Trình quan lớn, đây là cụ Binh bộ thượng thư trí sĩ, một bậc hưu quan có danh vọng và phẩm tước lớn nhất Hà Tĩnh này. Nếu quan lớn bắt cụ khiêng võng, thì bà con chúng tôi ở đây xin quan lớn cho phép khiêng thế. Ơn đức ấy, chúng tôi không dám quên.
Tiếng nói của người thư sinh chưa dứt, vị quan huyện run rẩy như người bị bệnh kinh phong, nhưng vẫn còn nhớ chắp hai tay lạy như tế sao.
- Bẩm lạy cụ lớn. Con đến nhậm chức ở qúy huyện mới được vài ba ngày, chưa có dịp tới yết kiến cụ lớn. Thế mà, nay còn lại phạm lỗi với cụ lớn, xin cụ lớn mở lượng khoan hồng xuống phước tha cho con nhờ.
Người hiếu kỳ mỗi lúc một đông, và ai nấy cũng đều lấy tay che miệng cười ra chiều vui thích lắm. Nguyễn Công Trứ đỡ vị quan huyện trẻ tuổi hách dịch đứng dậy, ôn tồn nói:
- Già này nào dám bắt tội quan huyện. Quan huyện hãy đứng dậy. Khi nãy, quan huyện bắt tôi khiêng quan huyện tới đây, thì bây giờ quan huyện khiêng trả tôi về chỗ cũ. Còn nhúm cỏ non, quan giật ném lên đầu tôi, thì quan huyện cố mà lượm lại để tôi cho con bò của tôi ăn. Tuy nó là loài vật, nhưng nó có nghĩa.
- Con xin khiêng cụ lớn tới đâu cũng được, xin cụ lớn tha thứ những lỗi lầm vừa qua.
Thấy Nguyễn Công Trứ đưa tay vuốt râu, ngẩng mặt lên trời như chẳng hề đoái hoài tới lời cầu xin, vị quan huyện qùy xuống, nắm chặt cánh tay buông thõng của ông, năn nỉ:
- Bẩm lạy cụ lớn, con lỡ nóng tính mà mắc lỗi với cụ. Con hối hận lắm, mong cụ lớn đại nhân đại lượng thương hại con là đứa hậu sanh lỡ mồm lỡ miệng...
- Quan huyện đứng lên. – Nguyễn Công Trứ lần nữa đỡ viên quan huyện dậy, nói tiếp: - Ông đã hầu cửa Khổng sân Trình, thi đỗ cử nhân, được bổ nhậm chức quan tri huyện, dạy lễ nghĩa cho dân, chẳng lẽ ông không biết xỉ, đức, tước là thiên hạ tam tôn hay sao? Cứ cho rằng tôi quê mùa dốt nát, nhưng cái đầu bạc trắng của tôi cũng xứng vai cha chú của ông chứ? Ông ném nắm cỏ lên mái đầu bạc của tôi, ông có thấy lương tâm cắn rứt không? Ông phải nhớ rằng, làm người cái tâm là qúy nhất, còn mọi thứ chỉ là thân ngoại chi vật. Đối với người già như tôi, ông còn hành hạ như vậy, huống gì những người dân đen. Nay, nếu tôi vô tình dung thứ cho ông thì tôi mang tội "trợ Kiệt vi ngược" (ý nói, giúp kẻ ác làm xằng bậy).
Nghe tới đó, viên tri huyện mặt trắng bệch không còn chút máu, hạ giọng năn nỉ:
- Bẩm lạy cụ lớn. Tôi cũng như con út của cụ, lỡ dại một lần, xin cụ làm phước tha cho. Tôi còn mẹ già...
- Thôi, được rồi, ông đứng lên đi. Lẽ ra, tôi báo lên đường quan tỉnh Hà Tĩnh chuyển trình về bộ Lại và triều đình xét xử để làm gương cho những viên quan lại xấu xa, hiếp đáp lương dân vô tội. Nhưng, ông đã biết nghĩ tới mẹ già, thế là còn chút lương tâm. Tôi mong rằng, sau này mỗi lần ông làm việc gì cũng nên nghĩ tới mẹ hãy làm. – Nguyễn Công Trứ vuốt râu cười, nói tiếp: - Bây giờ quan huyện không ngại khiêng trả tôi về chỗ cũ chứ?
Đúng là chết đi sống lại, viên quan huyện mừng rỡ, lạy tạ Nguyễn Công Trứ rồi kê vai vào đòn khiêng, mời Nguyễn Công Trứ bước lên võng.
Những người hiếu kỳ ra về mà lòng vui như mở hội và thầm khen cụ Thượng Trứ xử sự đúng mực của kẻ bề trên. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Chỉ trong vòng có mấy ngày mà cả vùng Hoan Châu ai cũng biết chuyện cụ Thượng Trứ cho viên tri huyện Nghi Xuân một bài học nhớ đời. Và cũng chỉ vài tháng sau, huyện Nghi Xuân đã đón nhận vị quan khác. Không biết vì tỉnh thần Hà Tĩnh biết chuyện mà hoán đổi vị quan tri huyện ấy, hay vì vị quan tri huyện ấy tự thấy khó lòng ở lại mà có thể làm việc có hiệu quả, nên vận động xin đi. Mỗi người mỗi ý tùy theo khoa ăn nói của người kể chuyện. Nhưng ai ai cũng muốn địa phương mình có được một vài người như cụ Thượng Trứ.
Ngẫm nghĩ lại có nhiều việc chưa đúng lắm, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn thấy mình xử sự phải đạo. Có lẽ nhờ thế mà dường như chẳng ai ghét bỏ ông. Nhân dịp mừng thọ bát tuần, nhân dân huyện Kim Sơn phái người mang lễ vật và câu đối mừng:
Hoan quận hương chi khôi, cái thế văn tài kiêm võ lược
Kim Sơn địa dĩ tích, thiên thu miếu hưởng hựu triều phong
(Hoan quận Hương đỗ đầu, cái thế văn tài kiêm võ lược
Kim Sơn đất mở rộng, nghìn thu miếu hưởng lại triều phong)
Nhân dân Tiền Hải cũng nhớ ơn ông:
Văn võ tuyền tài, danh trọng nội triều ngoại quận
Điền trù thực ngã, công cao Tiền Hải, Kim Sơn
(Văn võ tài gồm hay, danh trọng đối nội triều, ngoài quận
Ruộng nương đất mở rộng, công cao tại Tiền Hải, Kim Sơn)
Những vị thân hào hai huyện còn cho ông biết, những câu đối ấy được nhân dân khắc vào tấm gỗ sơn son thếp vàng đặt vào miếu thờ dù ông vẫn còn tại thế. Ngoài ra, bà con còn chạm bức hoành phi "Ẩm hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) để nhớ ơn ông đã đem cơm áo lại cho họ. Nguyễn Công Trứ không biết nói gì hơn là cám ơn và mong họ lo tận lực làm ăn để ngày một giàu hơn, con cháu được ăn học nhiều hơn.
Thân bằng văn hữu ở Hà Tĩnh, Nghệ An không đến được thì gửi câu đối chúc mừng:
Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế gian vô
(Trong thiên hạ vốn có người sự nghiệp kinh đời như Cụ
Giữa thế gian nào có kẻ phong lưu mãn kiếp như Ngài)
Hoặc:
Minh thế văn chương thiên hạ hữu
Nhứt sinh khảng khái thế gian vô
(Văn chương cái thế như ông, trong thiên hạ còn có đôi kẻ
Khảng khái suốt đời như Cụ, giữa thế gian không có một người)
Nguyễn Công Trứ còn đang đắm chìm trong những câu những chữ của các vế đối, thì người nhà chạy vào báo có quan Tổng đốc Võ Trọng Bình tới. Nguyễn Công Trứ vui vẻ ra mặt. Ai chứ Võ Trọng Bình là người chơi được. Tuy đỗ tiến sĩ, làm tới chức Tổng đốc, nhưng gia cảnh Võ Trọng Bình chẳng hơn gì ngày chưa xuất chính. Thời gian qua, Võ Trọng Bình hết lòng vì nước vì dân, không hề tơ hào, đục khoét của cải dân lành. Võ Trọng Bình ít tuổi hơn ông, nhưng ông coi như một người bạn. Qúy nhau vì đức, mến nhau vì tài. Ngó thế chứ gần năm rồi, hai người có gặp mặt nhau đâu. Mà lần trước cũng chẳng có ai tính trước.
Ngày ấy, trên đường viếng cảnh chùa về đã xế chiều, Nguyễn Công Trứ định bụng sà vào quán bên đường cho bò nghỉ chân, trước khi tách đường thiên lý rẽ vào làng, thì thấy một đoàn người khá đông, có mang cờ, lọng, trống, chiêng và phường bát âm, võng đòn cong cán... từ bên kia sông đang qua đò đi về phía Nam đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Hỏi ra, Nguyễn Công Trứ mới biết họ đang đón quan tân Án sát Nghệ An về nhiệm sở.
Thì ra thế!
Đi đầu đám rước là một viên cai lính Giản đội mũ đỏ, quần áo cũng có nẹp đỏ, tay cầm loa gọi lớn:
- Mọi người đi đường hãy tránh về một bên để cho đám rước quan lớn rộng đường đi.
Ai nấy đều dạt sang một bên. Nguyễn Công Trứ cũng xuống khỏi lưng bò và dắt sang một bên đường. Nhưng tiếng hô của viên cai lính Giản cứ rổn rảng vào tai mọi người, cộng với sự hiếu kỳ của những gnười đi đường, của bọn trẻ con... làm cho con bò của ông tuôn chạy. Nguyễn Công Trứ sải bước, chụp kịp sợi dây tróng, song con bò không chịu đứng yên, nên giữa người và bò cứ dùng dằng ở giữa đường.
Thấy vậy, người lớn thì lo sợ cho ông, còn bọn trẻ con lại khoái chí vỗ tay cười hô hố. Sự nhốn nháo ấy khiến cho con bò của Nguyễn Công Trứ càng sợ, càng trì kéo với chủ.
- Ông già này bạo gan nhỉ? Ông dám cản đường rước tân đường quan đi phải không? – Viên cai lính Giản quát.
Nguyễn Công Trứ ôn tồn thú thật:
- Không phải thế đâu, anh nó ạ. Con bò của già vì sợ quá mà đâm ra hư hỏng, chớ già này nào dám để mang tội phạm tất.
Càng lúc đám rước càng tới gần, viên cai lính Giản cũng hốt hoảng xô Nguyễn Công Trứ một cái rồi chạy lại trình với quan Án sát đang nằm bệ vệ trên võng đòn cong có hai người lính đi kèm với hai cây lọng xanh che bóng mặt trời.
- Bẩm quan lớn, con có bổn phận dẹp đường cho đám rước quan lớn về nhiệm sở, nhưng tới đây có một ông già cùng con bò cản đường, con dẹp không được. Bất đắc dĩ con mới đẩy ông già vào lề, thế mà ông ấy ăn vạ không chịu ngồi dậy.
Trong lúc đó, Nguyễn Công Trứ được bà con đỡ dậy, xoa bóp chân tay, hỏi han ông bị đau chỗ nào, có thấy nguy hiểm lắm không. Nguyễn Công Trứ chưa kịp cám ơn bà con, thì quan Án sát đã cho lính khiêng võng tới gần, lớn giọng quát:
- Tên lão phu thảo dã nào mà dám vô lễ, vô hạnh đến thế? Lính đâu, bắt lão già lại dẫn về dinh Án sát Nghệ An, ta sẽ chiếu luật xét xử đích đáng để răn những kẻ điền phu dã tốt khác ỷ tuổi già mà làm càng làm bậy, khinh khi phẩm tước triều đình.
Lệnh vừa ban, hai người lính tới kéo Nguyễn Công Trứ ra khỏi những vòng tay run sợ của những người dân ven đường.
Quan Án sát tiếp tục ra lệnh:
- Tiếp tục thi hành nghiêm chỉnh phận sự dẹp đường.
Nguyễn Công Trứ thực tình năn nỉ mấy người lính:
- Quan Án sát nói thế chứ bắt già này về làm gì. Các anh thương cho tôi về nhà, trời cũng sắp tối đến nơi rồi. Mũi dại lái mang, nhưng con bò chớ phải con người đâu mà biết được cái gì đáng làm, cái gì không đáng làm. Lần nữa, xin các anh tha cho.
- Không được đâu bố ơi. Bố phải thương tụi con. Tụi con còn cha mẹ, vợ con. Rủi thời về tới tỉnh đường, quan lớn hỏi bố, thì tụi con biết ăn nói làm sao. Bố chịu khó đi theo tụi con và chắc chắn bố được tha sớm thôi.
Nghe mấy người lính nói mà thương. Nguyễn Công Trứ cùng đi với họ về dinh quan Án, nhưng không quên dắt theo con bò.
- Bố đi một mình được rồi, còn con bò để tụi con dắt cho. Nếu mệt, thì bố cứ lên lưng bò mà ngồi.
Nguyễn Công Trứ cám ơn lòng tốt của những người lính trẻ.
Đến tỉnh thành Nghệ An cũng vừa lúc mặt trời lặn. Mấy người lính không biết tính sao với ông già và con bò. Bàn tới tính lui, họ dẫn Nguyễn Công Trứ và con bò vào tạm gửi nhà lao để sáng sớm mai tới nhận ra và dẫn trình quan Án sát.
Trong lúc Nguyễn Công Trứ và con bò vàng nằm trong ngục, thì tên quan Án phải bận rộn thù tiếp các quan phủ, huyện và các ty, tào cùng hàng văn thân, tổng lý trong tỉnh chờ chực ra mắt tân đường quan từ lúc chiều. Họ vui vẻ bên chén rượu và những câu chuyện đãi bôi, quên kẻ điền phu dã tốt bị bắt ở dọc đường vì tội vô lễ với quan lớn.
Sáng ngày sau vừa nghe tiếng trống hầu, hai người lính áp giải Nguyễn Công Trứ và con bò vào ngục chiều qua, vội vội vàng vàng chạy vào nhận lãnh những mong sớm đưa ông hầu tân quan.
Ra khỏi ngục thất, họ thấy quan Án trong chiếc áo xanh rộng thùng thình đang nhanh bước về phía dinh Tổng đốc. Họ lắc đầu thở dài:
- Bố xui quá. Quan Án đang bận yết kiến quan Thủ hiến theo lệ định. Kiểu này, sớm lắm thì chiều tối, bố mới gặp được quan lớn.
Nguyễn Công Trứ cười, nói:
- Cám ơn hai anh lo lắng cho già này. Hai anh hãy giữ hộ con bò để tôi chạy theo quan Án, họa may ngài xét xử sớm cho tôi.
Nói xong, Nguyễn Công Trứ cất bước chạy theo khiến hai người lính thót ruột, đứng nhìn và lắc đầu than:
- Đúng là trâu già chẳng nệ dao phay.
Họ rất muốn cản ông lại, nhưng lại sợ gây cảnh ồn ào trong buổi đầu diện kiến của quan Án với quan Thủ hiến, nên họ đành chôn chân tại chỗ.
Quan Án sát cứ xăm xăm đi về phía dinh Tổng đốc, không hề biết phía sau mình có một ông già lẽo đẽo chạy theo.
Gần đến dinh Tổng đốc, quan Án thấy quan Thủ hiến đương đứng trên bậc tam cấp nhìn xuống, liền gật đầu chào mấy cái. Nhưng quan Án lấy làm lạ không hiểu tại sao quan đầu tỉnh không chịu chào đáp lễ mà cứ đăm đăm nhìn ở đâu đâu như không hề thấy mình đang đến trước mặt.
Theo ánh mắt của vị quan đầu tỉnh, quan Án quay lại phía sau mới hay sau mình còn có một ông già nhà quê đang bước thấp bước cao. Mặc! Quan Án tiếp tục bước lên tam cấp vái quan đầu tỉnh. Nhưng lần nữa, quan đầu tỉnh làm như chẳng thấy ông mà vội vàng bước xuống dìu ông già và đưa vào phòng khách, thưa chuyện rất ư lễ độ.
- Trới xanh có mắt. Lâu nay, tiểu đệ cứ mong có ngày cụ lớn qua chơi để hàn huyên tâm sự. Nhưng càng trông càng bặt tin. Tiểu đệ gửi mấy tờ thư, cụ lớn cũng không thèm phúc đáp, khiến tiểu đệ cứ lo sức khỏe của cụ.
- Cám ơn tôn huynh còn nhín chút thì giờ nhớ tới lão già này. Già này có chết cũng thấy thỏa lòng.
- Cụ lớn cứ nói gở. Hôm nay cụ lớn qua đây, lại vào giờ này tại sao không cho tiểu đệ biết để tiểu đệ cho người đón rước?
Lúc đó, quan Án sát cũng đã vào phòng khách. Nguyễn Công Trứ hớp một ngụm trà, nói:
- Tuổi trời ngày một đè nặng, nên già này cứ như gà què ăn quẩn cối xay, rất mong tôn huynh lượng tình miễn chấp. Hôm qua, lão già vô tích sự này trên đường về làng thì gặp phải đám rước tân quan lớn đây. Tiếng loa gọi, tiếng trẻ con cười giỡn và người người đang vội vã nép vào lề đường, khiến con bò của già sợ quá vụt chạy. May nhờ già còn lanh tay chụp được dây tróng, nhưng ai ngờ cái may hóa cái rủi. Người và bò cứ dùng dằng giữa đường, khiến tân quan tức giận lệnh bắt giải già về đây. Có vậy chúng ta mới gặp nhau chứ dễ dầu gì. Thế là trong cái rủi lại có cái may.
Nói xong, Nguyễn Công Trứ đứng dậy cung tay cám ơn quan Án sát:
- Tội của già, xin quan lớn xử sau. Trước mắt, già cám ơn quan lớn đã tạo điều kiện cho chúng tôi tái ngộ.
Quan Tổng đốc Võ Trọng Bình nghe vậy, hốt hoảng hỏi:
- Cụ lớn bị áp giải qua đây? Như vậy, suốt đêm qua, cụ lớn nghỉ ở đâu, ăn ở đâu? Người ta đối đãi với cụ ra sao?
- Cả đêm, già này được ký giam tại lao xá qúy tỉnh, chịu nhịn đói từ chiều qua tới bây giờ. Còn muỗi và rệp thì khỏi phải nói. Bọn chúng cứ quấy rầy mãi, nên già này nào có ngủ nghê được gì.
Tổng đốc Võ Trọng Bình đỏ mặt, trừng mắt về phía quan Án sát, nói:
- Quan Án có biết cụ già này là ai không? Đây là cụ Binh bộ Thượng thư trí sĩ Nguyễn Công Trứ, một vị danh thần và trọng thần của triều đình. Chẳng những hàng đốc phủ (Tổng đốc và tri phủ – những chức quan đầu tỉnh) chúng tôi phải tôn trọng cụ, kính nhường cụ, coi cụ như bậc sư trưởng, mà ngay cả đức hoàng thượng cũng qúi mến và ưu đãi cụ. Đã mấy lần, kể cả các tiên vương hoàng triều ân ban lụa là, tiền bạc cho cụ, bởi cụ là vị công thần có nhiều sự nghiệp huy hoàng, huân danh rực rỡ đối với dân với nước.
Tổng đốc Võ Trọng Bình hớp một ngụm trà, nói tiếp:
- Quan Án được lệnh trên hoán bổ tới đây, chưa đạp chân lên đất Nghệ An, chưa có hành động nào có lợi cho dân sở tại mà đã ngang nhiên hành hạ một vị lão thần vào hàng tuổi thúc phụ, xâm phạm đến danh vọng và thân xác của Người. Như vậy là quan Án đã khinh thường phẩm tước triều đình và sắc phong của hoàng đế. Hành động của quan Án vừa rồi quả thật không xứng đáng là một vị đường quan cầm cán cân công lý ở tỉnh hạt Nghệ An này – tỉnh hạt xưa nay vốn là một trọng trấn trong nước.
Quan Án sát tái mặt, vái lạy quan Tổng đốc và “kẻ điền phu dã tốt", ra chiều biết lỗi.
Tổng đốc Võ Trọng Bình khoát tay:
- Nay tôi không dám nhận một vị quan cao cấp trông coi về hình ngục và án tiết tỉnh Nghệ An lại là người hách dịch và không biết đạo như thế. Tôi xin giao hoàn quan Án "lai kinh hậu cứu" về tội vô cớ hành hung và hạ ngục một vị công thần của triều đình.
Nói xong, Tổng đốc Võ Trọng Bình sai người coi về tào Lại soạn thảo giấy tư về bộ Lại để giao hoàn quan Án sát trở về kinh đô. Nghe tới đó, quan Án sát mặt đã tái còn tái hơn, ấp a ấp úng vái lia lịa mà không nói được câu nào.
Tổng đốc Võ Trọng Bình gạt ngang:
- Quan Án đừng vái nữa mà hèn người. Việc quan làm, quan phải chịu. Quan hãy trở về dinh Án sửa soạn hành lý để trở về kinh đô.
Nguyễn Công Trứ lại bắt đầu thấy áy náy trong người. Ông bèn lên tiếng:
- Kính thưa quan lớn Tổng đốc An Tĩnh. Quan Án này có những sở hành quá đáng đối với tôi – một người có tuổi vô tội, và là một trọng thần, nên quan lớn tức giận mà xử sự như thế là hợp lý. Nhưng xét cho kỹ, quan lớn đây không biết tôi, dù tội đã rõ. Theo tôi, quan lớn nên vì tuổi già của tôi mà tha cho quan Án, chỉ mong trong thời gian trấn nhậm ở đây, quan Án hãy vì con dân Nghệ An mà xử sự đúng mực là phước lắm rồi.
Nghe Nguyễn Công Trứ nói vậy, quan Án sát vái tạ, nói theo:
- Cụ lớn dạy chí phải. Tôi còn gia đình, còn bầy con xin quan lớn xét lại. Về đây chưa ấm hơi mà đã lai kinh hậu cứu, coi như đường công danh của tôi tới đây đã hết. Xin quan lớn rộng lòng dung thứ. Ơn ấy tôi xin ghi tâm khắc cốt.
Nguyễn Công Trứ tiếp tục nói thêm vào và sau đó vị quan Án được trở về dinh nhậm chức.
Tài thật, thế cũng gần một năm rồi...
- Hay quá! Hay quá! Tiểu đệ muốn mừng tôn huynh câu đối mà nhìn câu đối của tôn huynh, tiểu đệ không dám múa búa trước cửa Lỗ Ban.
Quan Tổng đốc Võ Trọng Bình lớn tiếng xởi lởi từ ngoài cửa.
Mọi việc đã qua cứ chập chờn trong trí khiến Nguyễn Công Trứ như mê như tỉnh. Nguyễn Công Trứ cầm tay Võ Trọng Bình nói:
- Qúy lắm! Qúy lắm! Cái hay cái dở không thành vấn đề. Tôn huynh tới đây là tấm lòng chớ đâu phải tới để tranh hơn tranh thua chuyện văn hay chữ tốt đâu.
Võ Trọng Bình vẫn đứng đó và đọc đi đọc lại câu đối của Nguyễn Công Trứ viết khi tròn tuổi tám mươi:
Thật là may, công đăng hỏa có bao nhiêu. Theo đòi nhờ phận, lại nhờ duyên. Quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen. Nào cờ, nào biển, nào mão, nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào ngựa tía dù xanh. Kẻ anh hùng mà trong hội kiếm cung, khắp trời Nam biển Bắc cũng phong lưu, mùi thế thử chơi xem đã thỏa.
Thôi thì chớ, kiếp phong trần chi bấy tá. Ngất ngưỡng chẳng tiên, mà chẳng tục. Hầu gái một đôi cô, hầu trai ba bốn chú. Này trà, này thơ, này cờ, này kiệu, này rượu nồng dê béo, này đàn gảy hát hay. Trai chí khí đã ngoài vòng cương tỏa, lấy nước trí non nhân làm trí thức, tuổi trời thêm nữa cũng là hay.
- Thôi được rồi, mời tôn huynh vào dùng chén rượu nhạt.
Võ Trọng Bình cười hề hề ra chiều khoái trá với câu đối và sai người khiêng câu đối của mình vào.
- Đố tôn huynh, tiểu đệ viết gì mừng thọ bát tuần của tôn huynh?
Nguyễn Công Trứ vuốt râu hồi lâu, nói:
- Càng già càng lú lẫn, chắc tôn huynh lại cười mỉa tuổi già mà còn ham vui chứ gì?
Võ Trọng Bình bước lại gỡ tờ giấy hồng điều với nụ cười thú vị.
Người người có mặt đều ồ lên khi thấy những nét chữ như rồng bay phượng múa:
Trực dục lăng tiêu tri kính trúc
Khả ư hàn tuế kiến thương tùng
(Thẳng đám trời cao hay trúc cứng
Vào năm rét lớn thấy tùng xanh)
- Cám ơn tôn huynh.
Viết vậy là mọi người biết Thượng thư Võ Trọng Bình trọng Nguyễn Công Trứ lắm. Nguyễn Công Trứ cũng biết vậy và không thấy có gì phải xấu hổ với những lời khen tặng ấy.
... Nguyễn Công Trứ lại thấy khó thở. Ngươi hầu thiếp và đứa cháu nội vội đỡ ông lên. Trong lúc đó, bên ngoài, người người đang chộn rộn. Ông biết nhưng không thể nào hỏi được. Đứa cháu nội tinh ý chạy ra, rồi chạy vào cho ông biết, hai đứa con trai của ông từ kinh về vừa tới cùng với thị vệ mang đồ phúng của hoàng thượng.
À, thì ra sự chộn rộn ấy là mọi người lo bày hương án để nhận đồ phúng viếng của nhà vua.
- Thầy ơi, chúng con đã về đủ cả. – Người con trai lớn của ông, nâng câu đối của vua Tự Đức đến trước mặt ông. – Thầy còn có đọc được không? Tả hữu nghi văn nghi võ, Tử sinh danh tướng danh thần.
Nguyễn Công Trứ nhếch môi cười, và... buông xuôi hai tay.
Tiếng trống cầm canh trên chòi gác huyện lỵ huyện Nghi Xuân đã báo sang canh. Đó là ngày mười bốn tháng mười một năm Mậu Ngọ. Cái lạnh của tháng trọng đông như rúc vào xương, như cứa vào da thịt mọi người, nhưng họ thấy không đau, không lạnh bằng sự ra đi của một con người.