Một quần đảo gồm trên 7,000 hòn đảo lớn nhỏ trải ra trên một vùng rộng 1,000 km và dài 1,800 km, với diện tích và dân số suýt soát bằng diện tích và dân số Việt Nam, nằm đối diện với Việt Nam ở bên kia bờ Nam Hải, đó là Cộng Hòa Phi-Líp-Pin (Republika Ng Pilipinas.) Một người bạn rất gần kề chỉ cách một vùng biển nhỏ mà trước kia nghe chừng xa lắc xa lơ. Vì từ xưa tới thời kỳ gần đây, suốt trong lịch sử hai nước, Việt và Phi không có một liên hệ nào đáng ghi nhớ. Không hẳn chỉ riêng với Việt-Nam, mà với các nước khác ở Đông Nam Á cũng vậy: xứ Phi Gia Tô, xứ Phi Mỹ hóa, xứ Phi tư bản dường như ở mãi tận đâu đâu! Người Kampuchia đã cho rằng Phi-Líp-Pin có vẻ giống Mỹ hơn là giống một nước Á Châu. Người Indonesia và Mã Lai Á tuy cùng một bộ tộc Malay hải đảo với Phi, nhưng càng cảm thấy xa hơn vì tôn giáo và văn hóa khác việt. Người Mỹ thì đã từng hãnh diện về Phi: một mẫu mực của nền dân chủ tư bản ở Á Châu! Tuy nhiên, mọi nhận định về Phi một cách hời hợt hay có thành kiến đều là bất công và thiên lệch. Vì tình trạng thực của Phi-Líp-Pin không thể tìm thấy ở những chính trị gia chuyên nghiệp thạo nghề thao túng chế độ Cộng hòa vay mượn, ở thành phần ca xích mạnh tay bóc lột hay ở những cán bộ Mác xít đang mơ tưởng thiên đường Cộng sản. Chúng ta phải tìm bộ mặt Phi ở khối quần chúng đông đảo trong đó có những nông dân tá điền chân lấm tay bùn, ngày này qua tháng khác cặm cụi lầm than cho kẻ khác hưởng công lao, mồ hôi, nước mắt của mình, những thợ thuyền trong các ngành công nghiệp đang điêu đứng vì đói rách do bọn sét ty (chetty) và chủ nhân tư bản gây nên. Thảm cảnh ấy là hậu quả của chuỗi tháng năm dài sống trong nô lệ và cũng là vũng lầy xã hội mà kẻ thống trị đã để lại. Còn trên mặt tầng, cái vỏ dân chủ kiểu Mỹ chỉ là sự đánh tráo con bài của những tay cờ bạc bịp cái mức sống "khá cao" không phải là mức sống của quảng đại quần chúng mà chỉ là lợi tức của tư bản tính chung vào nhân khẩu quốc gia. Thời Tây Ban Nha Thống Trị Trước khi người Tây Ban Nha đặt chân lên quần đảo này, dân Phi còn đang sống trong tình trạng bộ lạc và sinh nhai bằng nghề săn bắn, đánh cá và làm ruộng. Đơn vị xã hội lớn nhất quy tụ thành làng, được gọi là Barangay, gần như bản Thượng của ta. Datu, người cầm đầu Barangay, được coi như một vị chúa tể trong khu vực. Tất cả ruộng nương trong làng là của Datu. Datu đặt ra luật lệ, thi hành luật lệ một các độc đoán và đồng thời cũng là quan tòa xử án theo ý riêng của mình. Một chút ảnh hưởng từ phương Bắc xuống qua những thương gia Trung Hoa (đặt chân lên quần đảo này từ thế kỷ 11) và từ phương Nam lên của thời kỳ đế quốc Srivijaya và Majapahit không còn lưu lại vết tích quan trọng nào trong nếp sinh hoạt của dân địa phương.[1] Về tôn giáo, dân các Barangay có nhiều phương thức thờ cúng khác nhau tất cả đều là phiếm thần (panthéisme), và linh hồn giáo (animisme). Mãi tới đầu thế kỷ 15, Hồi Giáo mới bắt đầu thâm nhập được vào những vùng đảo ở phía Nam Sulu và Mindanao. Sang thế kỷ 16, Hồi Giáo đã lan dần được lên miền Bắc và bén rễ ở cả Manila. Giữa thời kỳ đó thì người Tây Ban Nha tới. Về biến chuyển lịch sử này, có người đã cho rằng nếu Tây Ban Nha tới chậm hơn chừng một thế kỷ hoặc tới chỉ có mục đích thuần túy kiếm thị trường thì ngày nay dân Phi đã là dân Hồi Giáo. Nhưng với một ông vua như Philip Đệ Nhị (mà sử gia Tây Phương đã gọi là "the most Catholic of Kings!") thì dĩ nhiên lịch sử lại rẽ sang một khúc quẹo khác. Khúc quẹo ấy là con đường Gia Tô hóa hầu hết dân Phi với phương cách thầy dòng tiến cùng binh lính (Friars marched with soldiers)[2]. Ngay từ bước đầu, nhờ uy quyền chính trị và quân sự, việc truyền giáo không gặp trở ngại nào đáng kể. Trừ một vài đề kháng của nhóm Hồi Giáo ở Sulu va Mindanao, còn những hình thức tôn giáo linh tinh ở các barangay khác đều lần lượt quy hàng và bị xóa dần vết tích. Trong thế kỷ đầu tiên của cuộc đô hộ, chính phủ Tây Ban Nha đặt một viên Toàn quyền cai trị toàn quần đảo và một lớp nguời trung gian giữa trung ương và dân chúng địa phương được gọi là Encomendero. Các encomendero là người Tây Ban Nha, thường là tay chân thân thuộc của viên toàn quyền. Encomendera đứng ta tổ chức việc bình định, chiêu an, lo việc giảng dạy kinh thánh và thu lợi tức, thuế má một vùng với tính cách gần như thầu việc. Mỗi enconmendero hoạt động trong một khu vực trung bình dđộ 6,000 gia đình. Hầu hết các enconmendero đều hành sự một cách rất tàn bạo, vì lợi tức, thuế má thu về càng nhiều y càng được nhiều. Y chỉ phải trả chính phủ hoàng gia 20% số thu hoạch. Cuối thế kỷ 17, chế encomendero được bãi bỏ. Chính quyền thống trị bổ nhiệm các viên chức tại các tỉnh, dân sự ở nơi đã bình định, quân sự ở nơi còn lộn xộn. Tại các đơn vị xã hội nhỏ hơn cũng có các viên chức nhỏ của chính quyền lo việc cai trị, nhưng trên thực tế, tiếng nói của vị linh mục trong khu vực vẫn luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng trong mọi hoạt động về hành chánh, vì quyền lực của Giáo Hội rất lớn và hơn nữa ông ta là người Tây Ban Nha duy nhất trong khu vực. Nói về Giáo quyền của Phi, một du khách viếng Phi vào năm 1781 đã ghi lại là "quyền lực này còn tuyệt đối hơn cả vương quyền." Sang thế kỷ 19, nhiều diễn biến xảy ra đã làm xã hội Phi dần dần thụt lùi lại tình trạng barangay thời Datu trước kia, dĩ nhiên với bô mặt khác. Trước hết là những luật lệ mới cho phép một số phú hào dòng dõi các Datu xưa được phục hồi quyền thừa hưởng lãnh địa. Nhân cơ hội ấy, những người này đã khai man thêm diện tích đất cũ và vận dụng luật pháp sang đoạt dần điền thổ cơ hữu của đám nông dân ít học. Do đó họ đã trở thành những ca xích giàu có và thế lực. Cũng trong thời kỳ này, tiền tệ được luân lưu nhiều hơn trong nước. Manila khởi sự giao thương với ngoại quốc (1830) và sau đó nền ngoại thương đã dần dần phát triển nhờ sự hoàn thành kinh đào Suez mở lối dễ dàng sang châu Âu (1869). Những diễn biến này đã đưa đến sự suy sụp nền kinh tế tự trị và biệt lập cổ truyền ở nông thôn, do đó lôi cuốn theo các nông gia tự cầy ruộng của mình vào vòng mang công mắc nợ. Công nợ thường dần dần đưa đến sự cầm bán ruộng đất. Ruộng đất được chuyển qua tay bọn sét ty để tập trung vào các thành phần phú hào đã nói ở trên hay về các Nhà Chung ở mỗi địa phương. Tóm lại trong xã hội Phi thời đó, nông dân đã bị dồn dần vào tình trạng vô sản và đã đương nhiên trở thành tá điền cho các chủ điền và các Giáo khu. Trong cuộc cách mạng cuối thế kỷ 19, đặc biệt là thời kỳ Aguinaldo cầm đầu, đám quần chúng ủng hộ các nhà lãnh đạo cách mạng hầu hết đều là tá điền. Tháng Giêng năm 1899 khi Aguinaldo thành lập chính phủ cách mạnh thì hành động đầu tiên của ông là ra lệnh quốc hữu hóa những đất đai của Nhà Chung và trục xuất các thày tu Tây Ban Nha ra khỏi xứ[3]. Cuộc cách mạnh đã thất bại vì sự đàn áp của quân đội Hoa Kỳ với sự tiếp tay của của giai cấp phú hào, nên dĩ nhiên Aguinaldo không thực hiện được ý định ấy. Nhưng, như phần trên đã nói, chúng ta thấy cuộc cách mạnh đã nhằm vào hai mục tiêu rõ rệt: Giành lại chủ quyền quốc gia và cải tạo xã hội. Hai mục tiêu mà cho đến nay nhân dân Phi cũng như nhân dân toàn thể Đông Nam Á vẫn còn phải đeo đuổi nhưng chưa biết bao giờ mới đạt! Thời Mỹ Thuộc và Hậu Mỹ Sự tập trung ruộng đất vào tay một số người từ thời Tây Ban Nha vẫn được tiếp tục duy trì dưới thời Mỹ thuộc. Luật về điền thổ mới nhất của Mỹ hạn chế diện tích tối đa cho các đoàn thể hay hiệp hội là 2.530 mẫu Anh (acre) và mỗi cá nhân là 355 mẫu Anh. Tuy nhiên, giai cấp phú hào vốn luôn luôn là bạn của kẻ cầm quyền nên việc thi hành luật pháp rất là lỏng lẻo không gặt hái được kết quả đáng kể, nghĩa là ruộng đất vẫn được tập trung vào tay các chủ đồn điền lớn dưới hình thức này hay hình thức khác. Chỉ có ruộng đất của Nhà Chung là được chiếu cố phần nào. Trong năm 1904, nhà cầm quyền đã mua lại qua tay những kẻ ngồi không thừa hưởng hoa lợi. Lớp chủ điền mới này tuy không tập trung được một số diện tích lớn lao như những chủ điền cũ nhưng khả dĩ cũng tăng thêm nhân số cho giai cấp ấy và gây thêm sự bất công cho xã hội Phi vốn đã đầy bất công. Chính những sự kiện trên đã là đầu mối cho ba cuộc nổi loạn của nông dân ở đảo Luzon từ 1920 đến 1930. Nhìn chung, dưới thời đô hộ của Mỹ, một số lớn đất đai trước kia thuộc Nhà Chung thì nay được chuyển sang tay một lớp chủ điền mới, những phần tử có liên hệ với chính quyền thống trị. Sự việc không có gì khác hơn là hành động nhằm hạ bớt uy lực cũng như tài lực Giáo quyền của người Mỹ, còn lớp tá điền thì vẫn cha truyền con nối là tá điền. Từ năm 1916 tới 1919 nhiều bộ luật mới được đưa ra nhằm tạo cơ hội cho những phú hào bỏ vốn khuyếch trương công nghiệp. Song song với việc các gia đinh chủ điền san sẻ con em sang các ngành hoạt động công kỹ nghệ, thì các gia đình tá điền cũng san sẻ con em sang ngành thợ thuyền phục vụ trong các cơ xưởng, các mỏ than, mỏ sắt, nhà máy xi măng…Bọn sét ty, phần lớn là Trung Hoa, không bỏ lỡ cơ hội này. Như những con ruồi thấy mùi mật ngọt, chúng lại bâu quanh những trung tâm công nghiệp để kiếm mồi bằng cách cho vay nặng lãi, bóc lột đám thợ thuyền vốn đã xác xơ. Mặc dầu trong nửa thế kỷ qua, một số quan trọng nông dân đã bỏ ruộng nương chuyển sang làm thợ trong các ngành công nghiệp, nhưng cũng như tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác, thành phần chiếm đa số trong xã hội Phi ngày nay vẫn còn là nông dân. Để có một khái niệm về đời sống Phi, tưởng không có gì cụ thể hơn là những con số về lợi tức do cựu Đại tá Valeriano đã ghi lại "Mỗi năm trung bình một tá điền kiếm được 250 pesos [4], rất ít người kiếm nổi 300 pesos; trong khi mỗi tháng, một gia đình năm người phải cần ít nhất 120 pesos mới đủ sống và đủ hỗ trợ cho con cái học hành" [5]. Như vậy có nghĩa là tá-điền chỉ kiếm được 17,36% nhu cầu trung bình của một đời sống tầm thường. Sự nghèo túng ấy đã làm cho lớp cùng dân Phi ngày càng kiệt quệ và thế hệ này qua thế hệ khác, nghèo túng mang theo sự dốt nát làm cho không sao mà ngóc đầu dậy nổi. Theo tài liệu thống kê năm 1964, trong tổng số nông dân toàn quốc, 0,036% là chủ điền có ruộng cho mướn, còn 40% là tá-điền. Nghĩa là mỗi chủ điền, cá nhân hay tổ chức, cầm chịch đời sống trung bình 1.100 tá-điền. Riêng sáu tỉnh ở trung tâm Luzon, trên 70% nông dân không có ruộng. Điều nguy hiểm nhất là số nông dân có ruộng cơ bản, thường dưới năm mẫu Anh, hiện đang giảm dần và trở thành tá điền vì mang công mắc nợ, mỗi năm ít ra cũng dăm ngàn người. Hiện nay có chừng 83% nông dân có ruộng cơ bản đang sống trong vòng công nợ với số lãi 100% trong mỗi vụ mùa [6]. Đại điền chủ cũng là cường hào ác bá ở nông thôn, đã được nhào nặn và nối tiếp từ truyền thống phong kiến Tây Ban Nha, cộng thêm với bọn đại tư bản thành thị, đàn em của tư bản Mỹ, đã tạo thành giai cấp thống trị thực sự trên xã hội Phi. Với một thiểu số nhỏ nhoi, giai cấp này hiện đang nắm giữ 90% tài nguyên và lợi tức quốc gia. Một sự thật chua xót ghi đậm vết sa lầy của một xã hội tự buông trôi trong dòng nước cuốn của chủ nghĩa tư bản phóng túng! Nói đến lợi tức đầu người, tưởng cũng cần nên biết hiện nay phần lớn dân Phi có lợi tức trung bình 100 Mỹ-kim, ấy là không kể luôn luôn có trên 10% dân thất nghiệp. Trong khi giai-cấp ăn trên ngồi chốc có hàng trăm ngàn người lợi tức trên 5.000 Mỹ kim. Cái hố sâu phân cách giữa giàu nghèo ngày được khoét rộng thêm làm cho chính tổng thống Phi Marcos cũng phải thốt ra rằng Phi hiện đang (1967) sống trên đỉnh một "núi lửa xã hội" sẵn sàng nổ bùng bất cứ ngày nào. Tình trạng nghèo đói, bất công chung khắp nước đã đưa Phi tới tệ nạn buôn lậu và tham nhũng ngang hàng với các nước Đông Dương trong chiến tranh. Chính bộ trưởng tài chánh Phi đã phải xác nhận là nhân viên bộ mình có tới phân nửa tham nhũng thối nát đến nỗi không thể nào sửa đổi được. Bên cảnh sát lại còn tệ hại hơn nữa: 70% thối nát và bất lực, theo lời viên tổng giám đốc đã tiết lộ. Đối với dân Phi, đó không phải là chuyện lạ. Vì trong một xã hội tiêu thụ như xã hội Phi, nhu cầu vật chất đã được thả lỏng, mức hưởng thụ tiện nghi rất cao, thế mà lương một cảnh sát viên trung bình vỏn vẹn có 15 Mỹ kim một tháng thì thử hỏi làm sao hắn không vung tay ăn cắp nếu có điều kiện ăn cắp! [7] Về mặt chính trị, trong khi còn thống trị quần đảo Phi, Mỹ đã cố uốn nắn cho Phi trở nên mẫu mực của nền dân chủ Mỹ ở Á Đông. Năm 1935, một hiến pháp cũng đã được thảo và ban hành nhằm xây dựng hình thức Cộng Hòa kiểu Mỹ cho chính thể Phi. Hiến pháp qui định quyền bầu cử cho tất cả công dân nam nữ biết chữ từ 21 tuổi trở lên. Điều kiện biết chữ đương nhiên hạn chế quyền công dân của đại đa số quần chúng nghèo nàn thất học. Do đó, ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên, có người đã nhận xét nền dân chủ mà Mỹ gán cho Phi chẳng qua là cái bung xung do giai cấp phú hào thao túng, còn giai cấp khốn cùng không có tiếng nói cũng không được bầu [8]. Vào thời ấy, giai cấp phú hào ngự trị trên chính trường Phi và thể hiện sự thuần nhất tương đối của họ dưới danh nghĩa một chính đảng — đảng Quốc Gia (Nacionalista Party). Nhưng sau thế chiến, để cho giống Mỹ hơn, đảng này đã tự phân hóa thành hai là Quốc Gia và Tự Do (Liberal Party) và cùng tồn tại đến ngày nay [9]. Tuy được chia làm hai đảng, nhưng thực sự Phi chỉ có một chính sách, một đường lối của những kẻ giàu có mượn chính quyền để làm giàu hơn và đẩy quần chúng đã nghèo khổ đến chỗ càng thêm xơ xác. Thực chất, như Lennox A. Mills đã nhận định, hai đảng chỉ là hai phe cùng thuộc giai cấp thống trị luôn luôn tranh nhau để đoạt quyền hành về tay mình! [10] Vì quyền hành đi đôi với quyền lợi, nên hai phe trong giai cấp thống trị đã dùng đủ mọi thủ đoạn bỉ ổi tranh chấp nhau để đoạt quyền. Cụ thể nhất là những vụ chém giết mỗi khi có bầu cử. Cuộc bầu cử Tổng thống 1969 có 70 người chết và hàng trăm bị thương; sau bầu cử còn kéo thêm trên 100 người chết nữa trong các cuộc xung độ giữa hai đảng. Đối với người dân Phi, bầu cử cũng đồng nghĩa với gian lận và súng đạn. Vì hễ có bầu cử là có gian lận, có súng nổ, có người chết. Thật là nền dân chủ của các tay cao bồi thời thực dân ở miền Viễn Tây Bắc Mỹ ngày xưa! Bế Tắc Vì sự ung thối của giai cấp lãnh đạo, ảnh hưởng cộng sản đã vượt khỏi rừng núi, nông thôn mà tràn về thành thị, thể hiện qua hoạt động của các tổ chức sinh viên, thanh niên Mác Xít, như Liên Đoàn Thanh Niên Yêu Nước (Kabataang Makabayan). Ngay trong giai cấp lãnh đạo, mầm mống phản ứng lại sự hỗn loạn cũng đã nảy sinh, nhưng lại nảy sinh qua chiều hướng cực kỳ phản động, đó là tổ chức Phong Trào Vận Động cho Phi-Líp-Pin thành tiểu bang của Mỹ do cựu nghị sĩ Rufino D. Antonio đề xướng. [11] Tình trạng bế tắc của xã hội Phi, của cơ chế chính trị Phi đang đưa dần xứ này đến nguy cơ tan rã. Trừ một chuyển mình cần thiết làm đổi thay toàn bộ xã hội, Phi-Líp-Pin thật khó lòng mà đứng vững nổi với thời gian. Ghi Chú: [1] Coi chú thích 2 chương 4. [2] Governents and Politics of Southeast Asia, New York Cornell University Press, 1964, trang 681 [3] Nên đọc: Teodoro Agoncillo, The Revolt of the Masses, Philppines University, 1956. [4] Cứ 3,92 pesos bằng 1 Mỹ-kim. [5] Counter Guerilla Operations – the Philippines Experience. [6] Sách đã dẫn trên chú thích 2, trang 711-712. [7] U.S. News and World Report, số ngày 18-11-1967. [8] J.R. Hayden, the Philippines, A Study In National Development, New York, MacMillan, 1967, trang 370-371. [9] Từ 1946 đến 1960 đã có một số đảng nhỏ xuất hiện nhưng sau đã bị tan rã hoặc đồng hóa vào hai đảng lớn, như Liên Minh Dân Chủ (Democratic Alliance) năm 1946, đảng Dân-chủ (Democratic Party) năm 1953, đảng Tiến-bộ (Progressive Party) năm 1957, v..v… Ngoài ra còn có các tổ chức Cộng Sản như Quân Đội Nhân Dân Chống Nhật (Hukbong Mapagpalaya Ng Bayan) từ 1950 và hiện nay là Tân Dân Quân (New People Army) có khuynh hướng thân Mao. [10] Lennox A. Mills, Southeast Asia-Illusion and Reality in Politics and Economics, University of Minnesota Press, Minneapolis, 1965, trang 19. [11] Phong trào này đã kêu gọi dân chúng Phi gia nhập trong một bản tuyên ngôn đăng trên tờ Manila Times số ngày 19-9-1971. Ngoài ra những vấn đề chính trị, xã hội, những người chủ tương phong trào đã vạch rõ lợi ích kinh tế biểu lộ tham vọng của giới tư bản Phi trong mưu cầu "thầu việc" với Mỹ ở Á Châu. Tuyên ngôn viết "Phi sẽ là trạm cung cấp sản phẩm Mỹ cho tất cả các quốc gia Á châu, như thế tiểu bang Phi sẽ trở nên giàu mạnh nhất Á châu. Các căn cứ quân sự Mỹ sẽ được mở rộng và gia tăng trên quần đảo chúng ta (Phi) vì sự phòng thủ và an ninh bên ngoài Phi-Líp-Pin. Vì thế cả tỷ Mỹ-kim sẽ được đổ vào tiểu bang này, cùng như Alaska, Hạ Uy Di và các đảo Puerto Rico và Guam."