Chuyện người văn sĩ

Vùng nọ, có một người lữ hành cô đơn không ai bầu bạn. Suốt mấy mươi năm y rong ruổi từ vùng này qua vùng khác, không chủ ý, định hướng gì rõ rệt. Đời sống và hoàn cảnh thay đổi như dòng nước chảy mau, tâm tư y cũng thăng trầm nhiều nỗi, nhưng dần dần đọng lại một điều gì khó tả.
Một buổi sáng nọ, trên một hoang đảo đầy nắng, trong cơn mơ tỉnh, dường như có ai kể cho y nghe một câu chuyện ngắn. Tỉnh dậy, y ghi lại câu chuyện khó hiểu lên giấy. Như mạch nước được khơi, kể từ đó y bắt đầu viết văn, tự cho mình đã trở thành một văn sĩ.
Như những lần rong rủi đường dài, y miên man trong thế giới tư tưởng nhiều màu sắc, đầy tự do phóng khoáng. Truyện của y viết ra như nỗi niềm ào ào tự ý tuôn trào, không trau chuốt, không giải thích. Bởi vậy không mấy ai hiểu và yêu truyện của y. Y thầm nghĩ “Ý tứ của ta đối với người hiểu rồi thì hóa ra dư thừa, còn đối với người chưa hiểu lại là tối tăm, hoang đường giả tạo; mi viết ra làm chi!”. Nhưng rồi y lại tự nhủ “Mọi sự trên đời, từ nhận thức đến cảm giác, đổi với người đời cũng đều như thế, hỡi tên văn sĩ quèn, mi đừng thắc mắc”.
Yêu văn chương của y nhất lại chính là y. Viết được một vài câu chuyện, y đóng thành một tập truyện. Rong ruổi trên đường, lúc nào y cũng mang theo tập sách đó trong túi đeo vai. Những lúc nghỉ ngơi, y lấy tập truyện đọc say mê như đọc lần đầu.
 
 
Đến một ngày, chàng văn sĩ thấy mình không còn ý tứ viết truyện gì nữa. Tâm tư và quan sát nằm lạc loài từng mảnh không sao kết hơp được. Y giở tập truyện cũ ra đọc lại, cố tìm thử những bí quyết văn chương. Càng đọc, y càng yêu văn mình, càng mong viết được những chuyện tương tự.
Ngày qua ngày, người văn sĩ càng già yếu. Y không viết được câu chuyện nào nữa. Rong ruổi đường dài, đã bắt đầu gối mỏi chân mòn, túi vải đeo vai ngày càng nặng. Tâm tư chỉ còn văng vẳng những mẩu chuyện đã viết, y buồn rầu tự nghĩ “Văn nghiệp của ta chỉ chừng đó thôi ư?”. Bây giờ y không còn đọc tập truyện, vì sau nhiều năm y đã thuộc lòng rồi.
Một ngày kia, trên bước đường phiêu bạt, người văn sĩ già đến bên bờ một con sông nhỏ. Bên kia sông, cảnh vật xanh tươi, khác hẳn con đường đất đỏ phía bên này. Người văn sĩ bây giờ đã già yếu cực độ, y đã vứt bỏ mọi thứ trong túi đeo vai cho bớt nặng, chỉ còn giữ lại tập truyện. Y không còn sức bơi qua sông, chỉ đi lần theo bờ. Bỗng thấy xa xa một chiếc cầu, y mừng rỡ đi nhanh tới cầu. Vừa bước lên bực thềm, chân y run rẩy ngã sóng soài. Túi vải đập lên ngực như một cú đấm trời giáng.
Người văn sĩ già đau đớn muốn gục. Y bổng nổi cơn giận dữ nhìn túi vải chỉ còn duy nhất một tập truyện. “Ta đã cưu mang sinh thành ra mi, không lẽ bây giờ ta chết vì mi!.” Y lẩy bẩy mở túi vải, lôi tập truyện ra. Lạ thay, tập truyện biến thành tảng đá tự bao giờ. Nhìn kỹ, thấy nét chữ trên bìa còn sắc sảo, nhưng giấy đã biến thành đá, cân nặng chắc cũng cả trăm cân. Người văn sĩ trân trối nhìn tập thạch thư, không hiểu mộng hay thực. “Thì ra ta đã mang hòn đá tảng này hơn mười mấy năm qua. Ta già yếu không phải vì tuổi tác mà chính vì sức nặng của mi”. Y dùng hết tàn lực đẩy tập thạch thư qua một bên. Hòn đá rơi xuống chân cầu kêu một tiếng như tiếng kim loại chạm nhau. Vừa nghe tiếng kêu, người văn sĩ bỗng nhiên thấy mình mạnh khỏe như hồi niên thiếu. Y nhẹ nhàng bước qua cầu.
Vừa bước qua cầu, cảnh vật hoàn toàn khác hẳn. Ở đây như có tiếng nhạc từ trên cao vọng xuống, đâu đây sực nức hương thơm. Khắp nơi trái cây chín đầy, lấp lánh ngũ sắc.
Đi lần thêm một đoạn, bao nhiêu cung đài nguy nga tráng lệ hiện ra, tầng tầng lớp lớp. Người người ra vào mặt mày hoan hỉ, như có thần thông, nói không nghe tiếng, đi không chạm đất.
Bỗng có tiếng ai đi tới. Người văn sĩ quay người lại thấy một bà cụ, trên vai với đôi quang gánh. Nhìn kỹ, cụ gánh hai đầu hai cái giỏ, bên trong sóng sánh nước. Y kinh ngạc thấy nước không chảy ra, còn cụ bà đi đứng nhẹ nhàng như không. Biết gặp thần nhân, y vái lạy, hỏi:
- Phải chăng đây là nơi mà người ta gọi là niết bàn?
Cụ bà cười khanh khách:
- Đây chỉ là cảnh giới tam thập tam thiên, một cõi cao hơn cõi loài người đôi chút.
- Phải chăng các loài sống ở đây chính là chư Phật?
Cụ bà lắc đầu:
- Các loài thọ sinh ở đây phần lớn có hạnh nghiệp tốt đẹp, đặc biệt các hạnh nghiệp thuộc phạm vi ý thức. Các giống Thanh văn, Duyên giác, các giới tu tiểu thừa hay thọ sinh ở đây, trong cảnh giới sung mãn như vầy. Các loài này còn cách Phật hay Bồ tát rất xa.
- Nhưng có lẽ các vị này cũng đã đắc đạo?
Cụ bà cười lớn:
- Hạnh nghiệp ý thức của chúng thì tốt đẹp, nhưng có phải vì thế mà phá được chấp ngã, phá được vô minh đâu. Người không thấy các lâu đài nguy nga tráng lệ kia sao, đó chính là nơi ẩn náu kiên cố của y thức của chúng, chúng bào giờ dám chịu rời xa, và vì vậy không còn tiến bộ.
Người văn sĩ ngập ngừng, cụ bà nói tiếp:
- Như có người dùng thuyền qua sông, khi tới nơi, tiếc con thuyền, không chịu rời bỏ dòng sông, hoặc lên bờ tiếp tục vác chiếc thuyền đi tiếp.
Nghe tới đây, người văn sĩ rùng mình, một cảm giác lạnh toát ập đến.
- Cũng có người, nương theo ngón tay thấy mặt trăng, chấp rằng ngón tay là mặt trăng. Cũng có kẻ, được thọ sinh ở đây, không còn thấy khổ đau, cho rằng đây là niết bàn, lại tiếp tục chịu cảnh sinh tử. Cũng có loài, tu được chút thần thông, thoát được vài trói buộc của thân, đã vội cho mình đắc đạo. Ôi, chấp trước của chúng sinh thật vô cùng vô tận.
Người văn sĩ cúi đầu ngẫm nghĩ, cụ bà nói tiếp:
- Trong mọi thứ chấp thì ngã chấp là vi tế nhất, nó đeo đuổi người học đạo tới mức cuối cùng. Nhớ rằng ngã không phải chỉ là thân tâm mình, mà là toàn bộ nghiệp lực, kể cả đạo nghiệp. Ngã chấp và vô minh theo nhau như hình với bóng, tràn đầy khắp nơi, ngay cả trong cõi tam thập tam thiên này.
Người văn sĩ ngẩng đầu nói:
- Nhưng dù sao các loài sống ở đây vẫn dễ hiểu đạo hơn loài người.
Cụ bà cả cười:
- Không phải, kiếp người nhiều khổ đau, nhưng cũng vì thế mới dễ hiểu đạo. Lúc ngươi đang mê man vui thú đọc văn chương của chính mình và lúc tập thạch thư đau khổ rơi xuống bờ sông, lúc nào ngươi dễ hiểu đạo hơn? Vì không thoát nổi sự ràng buộc của chính văn chương ngươi, nên ngươi không còn sáng tạo được gì nữa.
- Người văn sĩ nghe xong, định nói điều gì, bỗng có tiếng chân từ dưới bờ sông lên. Nhìn kỹ thì đó là một nhà sư, dáng đi mạnh bạo. Nhà sư nhìn đôi quang gánh của bà lão, cúi đầu vái chào, hỏi:
- Chẳng hay người có thấy hai vị đạo sĩ áo trắng tới đây không?
Cụ bà đáp:
- Hai vị đó đã học xong đạo tiên, và đã rời đây để trở về chốn cũ.
Nhà sư nổi giận đùng đùng:
- Chúng cũng là kẻ tu hành sao có nhị tâm! Ta giao ước với chúng cùng chung học đạo, thế mà chúng nỡ tâm lừa dối, bắt ta đợi mấy ngày trên bến sông để chúng học lấy một mình.
- Từ Đạo Hạnh (1), ngươi và chúng có duyên nghiệp sâu xa. Mọi sự đều có nhân duyên.
Nói xong, cụ bà ghé tay Từ Đạo Hạnh nói nhỏ điều gì, rồi lẳng lặng gánh nước đi tiếp.
Từ Đạo Hạnh nghe xong quày quả bước đi, xem chứng lòng còn giận dữ. Người văn sĩ ngơ ngác một giây xong bước theo nhà sư. Y thấy mình đi như bay, phút chốc đã về chốn xưa.
Tới một cây nọ, bỗng Từ Đạo Hạnh lẩn vào gốc cây, xa xa vừa có bong người đi tới. Nhìn kỹ, đó là hai người đạo sĩ mặc áo trắng. Đợi họ vừa tới gốc cây, Từ Đạo Hạnh quát lên một tiếng rất lớn, nghe như tiếng hổ gầm, nhảy xổ ra:
- Minh Không, Giác Hải, các người là kẻ hai lòng, nhưng đi đâu cho thoát tay ta.
Hai người đạo sĩ giật mình rồi cười vang dội, người tên Minh Không cất tiếng nói:
- Từ Đạo Hạnh, ngươi được Phật bà truyền cho phép thu ngắn đường đi. Tưởng gì khác, chứ người muốn làm hổ thì ngươi sẽ được làm hổ!
Người văn sĩ giật mình đánh thót, thì ra cụ bà chính là Quán Thế Âm. Vừa nghe tiếng đấu phép, y chán ngán quay người bước đi, phút chốc đã đến cây cầu cũ. Nhìn xuống bờ sông, thạch thư vẫn còn đó, rêu xanh bám đầy. Y nhón một bước, đã tới nơi, vận lực nâng hòn đã lên. Nào ngờ thạch thư bây giờ nhẹ như bông.
Y búng ngón tay, thạch thư biến thành tơ vàng bay đong đưa trong gió.
 
---
(1) Tương truyền rằng, Từ Đạo Hạnh muốn báo thù cho cha là Từ Vinh, đi học phép tiên, cùng với Giác Hải, Minh Không. Sau khi bất hòa trên đường học đạo, ba người chung nhau tu tập, Từ Đạo Hạnh được tôn làm sư huynh, Minh Không vừa là sư đệ, vừa là đệ tử. Báo thù cho cha xong, giết được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh đi tu. Huyền sử chép, Từ Đạo Hạnh chính là tiền kiếp của vua Lý Thần Tông, nhà vua lên ngôi năm 1128. Đến năm 1133, Lý Thần Tông bị bệnh, lông tóc mọc dài, kêu réo như hổ gầm. Minh Không đợi hai mươi năm mới trả được ơn thấy, nấu một nồi nước, thả vào một cây đinh, cho vua tắm. Vua khỏi bệnh, Lý Thần Tông mất năm 1137.
Nguyễn Tường Bách

HẾT

Nguyễn Tường Bách

Xem Tiếp: ----