10 đầu thu, 1993. San Jose. Những cơn ho rũ làm đau rát cả vùng ngực tôi thì ít, nhưng bóp thắt tâm tư mẹ tôi lại rất nhiều. Thực mà viết, tôi không chịu được phải nhìn bà tự ý đi bổ những thang thuốc Bắc, đem về cặm cụi nấu cả ngày, xong bưng lên đưa cho tôi uống. Tình thương lai láng của bà khiến tôi sợ hãi khi phải chìm sâu trong một thức mặc cảm càng nhiều hơn nữa. Cái "mặc cảm bất hiếu", đến từng này tuổi vẫn còn làm cho mẹ tôi phải lo âu. Một lần tôi nói với bà: "Nếu mẹ để yên đừng săn sóc cho con, có lẽ con sẽ mau khỏi bệnh." Bà không hiểu. Nhưng tôi thì rất hiểu những gì mình nói. Mẹ tôi đôi mắt đã mờ, mái đầu bạc trắng, mình hạc xương mai gầy mòn yếu đuối... Vóc dáng này, như một nỗi đau vẫn nằm khắng khít trong lòng, tôi rất thương. Nhưng cũng chính bà là niềm hối hận triền miên đeo đuổi tôi nhiều đêm không ngủ. Gần bảy mươi năm trôi qua, một đời người cuốn nhanh như gió thổi! Tôi không còn nhiều cơ hội để báo đáp mẹ tôi cái công sanh dưỡng. Cũng không được bao nhiêu ngày đền tạ với bà những tội lỗi đã làm. Có đêm bị dày vò đến không ngủ được, tôi hối tiếc những gì gây ra đau khổ cho mẹ tôi trong nhiều năm dài đăng đẵng. Hối tiếc những bước chân phiêu bạt suốt thời tuổi trẻ đã làm tâm tư bà héo hắt khôn nguôi. Giờ đây có lúc nhìn thấy hình hài mẹ tôi rủ xuống như cây khô chờ rụng, tôi nghe dậy lên trong lòng một mối cảm thương vô hạn. Niềm vui nào mang lại cũng đều là muộn màng vô ích. Nỗi hạnh phúc nào cố gắng tạo ra cũng không thể lấp đầy những lỗ trống đau thương trong trái tim khô héo của bà. Cớ sao tôi lại muốn làm cho bà lo phiền hơn nữa? Cớ sao lại muốn đày đọa bà hơn trong những cơn ho rũ phát ra từ lồng ngực của tôi? San Jose. Tháng 6/1992. Một buổi sáng... Mới sáng ra đã nhận cú điện thoại của Nguyễn Hữu Hiệu. Tôi hỏi: "Anh đang ở đâu vậy?" Hiệu đáp: "Đang ở San Jose. Muốn mời Thu Vân và Trần Nghi Hoàng đi uống café. Hôm qua, vừa từ Virginia tới." Tôi kêu lên: "Anh là khách phương xa thì phải để bọn này mời chứ!" Dứt cú điện thoại, thấy Trần Nghi Hoàng tỏ ra không hài lòng, việc cớ có nhiều việc cần phải làm, nên tôi nài nỉ chàng: "Anh ta từ xa đến, có lòng gọi mình, mình nên mời giao hữu anh ta một ly café." Trần Nghi Hoàng tỏ bày thẳng thắn: "Nhưng uống café mà nghe anh chàng Hiệu này nói toàn chuyện lên đồng lên bóng thì chán chết được!" Và chàng tiếp: "Hơn nữa, nơi anh ta có điều giống như một cố tật làm cho bố không thích giao thiệp. Để rồi em sẽ biết." Dẫu vậy, chàng vẫn chiều ý tôi mà nhận cái hẹn với Nguyễn Hữu Hiệu tại quán phở Hiền Vương. Xong, điện thoại đến Hoàng Anh Tuấn, rủ đi cùng. Chàng nói thêm với tôi "cho đỡ nhạt vì lối nói chuyện đồng bóng tự cao tự đại của Nguyễn Hữu Hiệu!" [Tôi quen Nguyễn Hữu Hiệu qua Huệ Thu tại Sàigòn từ tháng 5/1975. Có những sự quen biết mà thời gian dù dài lâu bao nhiêu vẫn không làm cho đậm đà tình cảm. Sự quen biết giữa tôi với Nguyễn Hữu Hiệu và Huệ Thu cũng là như vậy. Buổi đầu sau khi miền Nam mất vào tay Cộng Sản, cả ba từng có thời gian chung vốn bán sách trên lề đường Lê Lợi; từng nhiều lần đi ăn thịt chó, uống rượu đế với nhau; từng nhiều đêm ngồi chung trong những cuộc vui đầy tiếng đàn, tiếng hát. Nhưng mối giao tình giữa hai người với tôi thì mãi vẫn chỉ đặt vào vị trí của những kẻ sơ giao. Nguyễn Hữu Hiệu có đôi mắt sáng, thông minh, nhưng không thành thật. Đó là nhận xét của tôi ngay từ buổi chiều đầu tiên Huệ Thu đưa tôi đến gặp anh tại căn lầu ở khu Ngã Tư Bảy Hiền, trên đường Nguyễn Văn Thoại. Nhận xét này vẫn không tan biến trong lần gặp lại hai năm trước, khi Hiệu từ miền Đông nước Mỹ qua San Jose, tình cờ biết được tôi đang ở đây.] Buổi sáng, Hoàng Anh Tuấn, Trần Nghi Hoàng và tôi đến quán phở Hiền Vương đã thấy Hiệu ngồi chờ sẵn. Khuôn mặt anh không già đi bao nhiêu, đôi mắt vẫn sáng và trong ấy vẫn có nét gì không thật. Trò chuyện với Hoàng Anh Tuấn, Hiệu cho biết sắp về Việt Nam. Chẳng mấy chốc lại thấy sự xuất hiện của Tường Vũ Anh Thy; kế là Sao Biển đi cùng vợ chồng Trần Nhật Hiền & Kiều Loan, đến kéo ghế ngồi chung trong bàn chúng tôi. (Tôi hơi có phần ngạc nhiên; ngỡ rằng chỉ ngồi với Hiệu và Hoàng Anh Tuấn, không ngờ đông như vậy!) Bốn người khách tới sau, tôi chỉ biết mà chưa bao giờ có dịp giao tiếp thân mật. Người bồi đến chờ nhận thức ăn được kêu. Sao Biển hỏi: "Nguyễn Hữu Hiệu mời ra đây uống café, vậy có quyền ăn phở hay không?" Hiệu gật đầu: "Cứ việc!" Tường Vũ Anh Thy cười ruồi: "Mới sáng ra đã được Nguyễn Hữu Hiệu mời ăn phở, uống café thì thú quá!" Hiệu cũng nhếch mép cười, hất đầu chỉ về phía tôi, vẻ tỉnh khô: "Có Thu Vân, bà chủ quán phở đây, đừng lo!" Trên cái cười của anh, tôi thoáng nhận ra nét gì kỳ quặc. Buổi sáng ở quán Hiền Vương, tôi thấy Trần Nghi Hoàng chỉ ngồi lặng im. Nhiều lần tôi nghe chàng bảo rằng không có cảm tình với Nguyễn Hữu Hiệu vì "anh ta trông giả dối quá." Sáng nay sau khi nhận cái hẹn uống café của Hiệu, chàng cũng nói: "Bố chỉ vì nỗi lịch sự của em đối với một người quen cũ, chứ thật tình bố chán các câu chuyện đồng bóng nhạt phèo của tên Hiệu này lắm rồi!" Thực vậy, trên khuôn mặt Trần Nghi Hoàng, tôi nhìn ra được nét thờ ơ trước những lời kể của Nguyễn Hữu Hiệu về một cái hội tên gọi Henry Miller foundation gì đó mà Hiệu đang thành lập (hay đang dự phần, tôi không mấy rõ). Rồi, rút từ cặp sách mang theo trên tay, Hiệu trình ra bảng danh sách hội viên dài ngoằng, đa số toàn tên Mỹ. Mọi người chuyền tay nhau; Trần Nghi Hoàng cũng được đưa cho xem. Cầm bảng danh sách, quay sang tôi, chỉ vào hàng tên Tường Vũ Anh Thy (tức Vũ Tiến Thủy), Trần Nghi Hoàng kín đáo cười mỉm! Một lúc, Nguyễn Hữu Hiệu hỏi từng người rằng có nhận được thư anh gửi không? Tất cả, Hoàng Anh Tuấn, Trần Nghi Hoàng, Vũ Tiến Thủy, Sao Biển đều tỏ ra ngơ ngác, bảo rằng không nhận gì cả. Tôi cười, nói với Hiệu: "Có lẽ anh chẳng gửi lá thư nào cho ai hết?" Nguyễn Hữu Hiệu bật nói: "Bậy nào! Gửi đàng hoàng cho từng người mà!" Trần Nghi Hoàng nhếch môi cười khẩy: "Chắc anh có gửi, nhưng là gửi trong một cơn lên đồng nào đó, thành ra chẳng ai nhận được!" (Từ lúc nào không biết, tôi thật ngạc nhiên khi nghe nhiều người kể rằng Hiệu là một tay "ngồi đồng" rất hay!) Tôi vội cấu nhẹ ngang đùi Trần Nghi Hoàng khi nhận ra cái ý muốn châm chọc của chàng về Nguyễn Hữu Hiệu. Tuy nhiên phải nhận, các câu chuyện của Hiệu quả nhiên là "chán chết được" như lời Trần Nghi Hoàng giới thiệu ban sáng. Anh chỉ nói về "các chuyến đi HongKong, Tân Gia Ba, Anh, Pháp... như đi chợ" của mình, về chuyện "lên đồng lên bóng", rồi lại lôi trong cặp một quyển album dầy đầy những hình ảnh chụp ngôi đền lên đồng do chính vợ chồng anh thành lập ở Virginia; giới thiệu thêm về 26 mẫu đất (mà có lần tôi nghe Phương Trâm bảo rằng Hiệu khoe với chị là 40 mẫu!) cũng là của vợ chồng anh. Nhìn và lắng nghe cái cách tự nói về mình của Nguyễn Hữu Hiệu, tôi có cảm tưởng như xấp danh sách hội viên "Henry Miller foundation" cũng như cuốn album đồng bóng cùng 26 mẫu đất là cái mồi câu mà Hiệu lúc nào cũng sẵn sàng đưa ra để lòe kẻ khác! Trong bụng, nghe tiếc hùi hụi một buổi sáng làm việc phí mất đi một cách vô ích, nhưng lại tự an ủi rằng mình đã làm xong vai trò tiếp đãi một người quen cũ đến từ phương xa. Mười giờ, rồi mười một giờ trôi qua, đề tài đồng bóng đã nhạt, Nguyễn Hữu Hiệu xoay qua chuyện quyên góp tiền bạc trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại, mang về tặng thi sĩ Hoàng Cầm trong chuyến đi Việt Nam sắp tới. Mười một giờ rưỡi, tôi hết kiên nhẫn nghe thêm những câu chuyện của Hiệu, thấy mặt Trần Nghi Hoàng dài ra, chán ngán. Tôi giơ cao tay với người bồi bàn, xin cái hóa đơn tính tiền. (Tình thật, trong bụng tôi phân vân chẳng biết có nên trả phần tiền "những vị khách không phải do tôi mời" hay không?) Người bồi đem cái hóa đơn đến, đặt ngay trước mặt Nguyễn Hữu Hiệu. Hiệu liếc nhìn, không tỏ phản ứng. Những người còn lại cũng chẳng ai lộ chút phản ứng. Tôi thấy khó chịu; đồng thời lại muốn bật cười khi nhớ lại, nhân một buổi tại nhà tôi, Trần Quảng Nam đã dùng từ ngữ "ngồi xỉa răng" để nói về "vài đấng văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Nam Cali cũng có thái độ dửng dưng trước cái giấy tính tiền chung trong bàn, như thể cái giấy ấy chẳng liên hệ gì tới mình" cả! Trong óc lại hiện nhanh câu chuyện hôm nào với Phương Trâm. (Bằng giọng, sắc, nhanh, gần như thét, chị kể qua điện thoại cho tôi nghe: "Nguyễn Hữu Hiệu mời mình và ông Tuấn đi ăn, còn nói là có nhiều người khác được anh ta mời nữa. Quả thật, ra quán đã thấy nhiều vị. Ăn xong, cái giấy tính tiền của bồi đem tới, ai nấy ngồi đực mặt ra, vẻ tỉnh khô, nhất là anh chàng Hiệu. Mình nghe ngượng chết được." Tôi hỏi: "Rồi chị làm sao?" Phương Trâm cười hăng hắc: "Còn biết làm sao cơ chứ? Đành cũng ngồi ỳ ra vì bọn mình đâu có tiền!" Tôi gợi ý: "Biết đâu Nguyễn Hữu Hiệu có cách trả tiền kín đáo?" Phương Trâm nói như hét vào điện thoại: "Làm gì! Thằng bồi cứ đứng ỳ một chỗ, mọi người cũng ngồi ỳ tại chỗ. Mắc cỡ muốn độn thổ! Sau, ai trả tiền thì không biết, nhưng chắc chắn không phải là Nguyễn Hữu Hiệu, vì mình để ý, thấy anh ta có móc bóp hay đứng lên đến quầy gì đâu! Cứ thế mà ra về trên chiếc xe do kẻ khác lái." Phương Trâm nói thêm, giọng tức tối: "Anh ta làm như anh ta là nhân vật quan trọng, điện thoại đến ông Tuấn, bảo là sẽ tụ hội anh em văn nghệ sĩ tại nhà mình uống rượu, trong khi chẳng đưa ra một xu cho mình mua thức ăn hay mua rượu. Điên tiết, mình bảo ông Tuấn: 'Dẹp! Chẳng tụ với hội gì ở nhà tôi!'") Tôi thấy khó chịu, nên ngầm ra hiệu với Trần Nghi Hoàng. Chàng cầm cái hóa đơn, đứng lên ra quầy tính tiền cho cả bàn, rồi trở lại bỏ hai đồng pour-boire cho bồi, xong cùng tôi từ giã mọi người, ra về trước. Nguyễn Hữu Hiệu và những người còn lại vẫn ngồi yên, mọi khuôn mặt đều trơ trơ không cảm xúc. Trong đôi mắt Hiệu, tôi thấy nét giả dối hiện rõ hơn bao giờ. °
*
Trên xe, tôi nghe Trần Nghi Hoàng nói: "Ban sáng, bố có bảo với em rằng nơi Nguyễn Hữu Hiệu có điều làm cho bố không thích. Điều đó hôm nay chính em đã thấy. Hiệu từng nổi tiếng ở cái trò chơi bẩn. Chuyện tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực là một điển hình quan trọng, trong giới văn nghệ ai cũng biết." Tôi tỏ ra không hiểu, Trần Nghi Hoàng kể: "Một hôm Bùi Bảo Trúc gặp Nguyễn Hữu Hiệu, có đưa cho thấy một tập bản thảo dầy, khoe rằng là một tập thơ gửi từ trong nước ra cho báo Văn Nghệ Tiền Phong, nhờ phổ biến. Bùi Bảo Trúc khi ấy đang hợp tác với Văn Nghệ Tiền Phong, được giao nhiệm vụ sắp xếp ấn hành. Hiệu bèn mời Bùi Bảo Trúc đi uống café để Hiệu có thể đọc tập thơ. Nửa chừng buổi café, Hiệu nói với Bùi Bảo Trúc có việc cần đi gấp một lát, bảo Trúc ngồi chờ tại quán. Trước khi đi, Hiệu xin mượn theo tập thơ, đọc tiếp trên taxi. Thực tình anh ta chẳng đi đâu cả mà mang ngay tập thơ đến tiệm photocopy sao lại. Xong đem trả đàng hoàng bản chính cho Bùi Bảo Trúc. Chia tay rồi, Hiệu bèn vận động kiếm tiền in ngay tập thơ, lấy tựa đề Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Anh ta muốn tranh bước trước với Văn Nghệ Tiền Phong vì ngửi ra cái mùi ‘ăn khách hốt bạc’ của tập ấy." Trần Nghi Hoàng bảo tôi: "Bố hỏi em, không ‘ăn’ sao được? Một tập thơ lén lút từ trong xứ Việt Nam Cộng Sản gửi ra, lại toàn chửi Cộng Sản, ‘ăn’ là cái chắc!" Chàng lại kể: "Tuy nhiên vì vội vàng photocopy mà Hiệu bỏ sót vài trang. Do đó mới có cái chuyện trong tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực xuất bản lần đầu năm 1979, thiếu mất những trang cuối. Bùi Bảo Trúc bị cú ấy, đau lắm, đi đâu, gặp ai cũng cứ lôi việc Hiệu chơi lòn, chơi bẩn ra mà chửi. Chuyện này chính Đào Mộng Nam kể cho bố nghe. Trước đó, khi bố và Như Hạnh đi du lịch từ Canada về, ghé ngang Ithaca, Cornell, gặp Đào Mộng Nam. Tên này có rủ bố về D.C. cùng lo vụ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực với Nam và Hiệu. Hai người dự tính phát động phong trào Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Nhưng bố từ chối. Sau đó ít lâu, Tiếng Vọng Từ Đáy Vực in xong, ra mắt rất rầm rộ. Bỗng một hôm Đào Mộng Nam mò về nằm ở nhà bố, than phiền với bố và Trần Minh Quang đủ điều về Hiệu, xong kể lể căn do mọi thứ như bố đã tường thuật ở trên." Trần Nghi Hoàng tiếp: "Cũng chính anh Trần Lam Giang nói cho bố nghe Hiệu từng lừa anh 40 đồng, gọi là đóng góp để anh ta đem về tặng cho thi sĩ Hoàng Cầm, mà thật thì Hiệu bỏ vào túi riêng, chẳng đưa cho ai cả. Bố tin rằng anh Trần Lam Giang nghèo như vậy mà Hiệu còn bòn rút thì không thiếu gì anh em trong giới văn nghệ bị như anh ấy. Anh ta cứ làm như mình ngon lắm, đi đâu cũng tự khoe nào là làm chủ 26 mẫu đất, nào là có ngôi nhà to như một cái lâu đài, nào là đi Hong Kong, Việt Nam, Anh quốc, Pháp quốc như đi chợ..., vậy mà vài ba chục bạc cơm chim của nghệ sĩ, lại rút cho bằng hết. Không chừng kẻ bị lừa đầu tiên lại chính là Kiều Loan, con gái ruột Hoàng Cầm!" Và chàng kết luận: "Một bữa điểm tâm không đáng bao nhiêu. Mười bữa như vậy bố còn không coi trọng. Nhưng điều bố khinh là cái thái độ chơi bần tiện của Hiệu. Anh ta rủ mình đi uống café là chỉ cốt để cho mình rút bóp. Những người kia không có lỗi gì cả, họ chỉ ‘bị’ Hiệu mời ra quán uống café ăn sáng để nghe anh ta khoác lác. Khi anh ta nói với Vũ Tiến Thủy: ‘Đã có Thu Vân, bà chủ quán phở đây rồi!’, tức thì bố thấy anh ta tỏ rõ cái ý muốn ‘bán cái’ tất cả cho bọn mình. Điều bần tiện bố muốn nói là như thế." Rồi chàng cười mỉa: "Mua danh ba vạn bán danh ba đồng là trường hợp Nguyễn Hữu Hiệu đó!" Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose. Bài thơ của Trần Nghi Hoàng. EM NGỦ TRÊN BỜ BIỂN NHA TRANG biển thổi vào em hơi gió cát em nhỏ lên tôi một giọt buồn buồn tôi lơ đãng như ngày tháng đã trôi vào quá khứ khói sương sóng phủ trắng bờ chân nước nắng con chim mất tích ở trùng khơi em xanh như biển –tôi chìm đắm nửa nhánh dừa che nửa mảnh trời tiếng xe mất hút vào lưng núi em ngủ hiền như lá cỏ ngoan vạt bụi mặn từ cơn sóng nhỏ hôn ngón chân em một nụ thầm em ngủ. Tôi dưng buồn muốn khóc như đời hoang vắng chỉ mình tôi ly rượu em thừa tôi uống hết cay đắng nào em đổ vào tôi? cay đắng nào em sẽ cùng tôi? (tháng 2/1993, Tết ở Nha Trang) San Jose. Tháng 4/1992. Một ngày... Nguyễn Tấn Hưng gửi đến Văn Uyển một bài viết tựa đề Nói Chuyện Với Chủ Báo. Trần Nghi Hoàng đọc xong, đưa tôi đọc. Sau đó, chàng hỏi: "Em nghĩ sao về bài viết của Nguyễn Tấn Hưng?" Tôi lắc đầu: "Đây là một bài tạm gọi là bút chiến, vậy mà có nhiều điểm ‘yếu’. Văn không bén, thêm hơi tí huênh hoang; ngôn từ bình dân, không nghiêm chỉnh; ý tứ hàm nhiều tính chất phân bua, kể lễ; lại dẫn chứng quá nhiều nhân vật như một hình thức làm bằng, biểu lộ một cá chất thiếu tự tin. Chính đề không xoáy vào óc người đọc mà bị bao vây lòng vòng bởi các phụ đề, làm cho xao lãng giá trị bài viết. Đòn không độc, đánh ra, đối phương sẽ không suy suyển, không chừng chính mình lại bị chết!" "Còn bố nghĩ sao?", tôi hỏi ngược. Trần Nghi Hoàng gật đầu: "Bố không quen Nguyễn Tấn Hưng, nhưng đúng như em nhận xét, đọc tác phẩm anh ta, thấy có hơi... ồn ào một chút! Bài viết này, dưới mắt bố, còn nhiều sơ hở quá. Nhưng bố nghĩ mình nên đăng trong Văn Uyển số tới, đúng nguyên văn; một dịp cho độc giả thấy rõ hơn về vài tay viết hiện đại hải ngoại, kể cả Nguyễn Tấn Hưng. Đồng thời bố cũng sẽ viết một bài, khai triển thêm vài điều mà anh ta không nói tới, nhưng bố thấy khá cần thiết để phơi tỏ." Vậy là hai bài, Nói Chuyện Với Chủ Báo của Nguyễn Tấn Hưng và Nhân Đọc Bài Nói Chuyện Với Chủ Báo Của Nguyễn Tấn Hưng, ký tên Thông Biện Tiên Sinh (Trần Nghi Hoàng) đều được đăng trong Văn Uyển Bộ Mới Số Mùa Hè 1992. °*
NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ BÁO Nguyễn Tấn Hưng Một năm trước đây tôi có viết bài Nói Chuyện Với ‘Đàn Em’ trên báo Đẹp ở Houston, mục đích giới thiệu sơ sơ với độc giả những cây viết... miệt vườn nhỏ tuổi hơn tôi. Nhiều người trong cuộc thích lắm, nhưng cũng có vài vị không hài lòng. Có lẽ vì nghĩ rằng tài năng và tên tuổi của mình đã lên quá cao mà những đàn em này, dựa trên căn bản tuổi tác mà tôi đề ra, lại không chịu làm... đàn em. Đòi làm ông nội! Ông nội... con nít! Tôi bèn viết thêm Nói Chuyện Với ‘Đàn Anh’, cũng trên báo Đẹp, với mục đích giới thiệu sơ sơ những đàn anh và, không quên, những đàn chị nữa, với độc giả. Ai cũng khoái hết và nhờ vậy mới có chuyện đề huề cả làng. Gần đây, nhân dịp xuân về, xuân Nhâm Thân 1992, anh Lê Bảo Trân lại có đôi dòng "muốn nói với... ai đó" trên Văn Nghệ Tiền Phong kể cũng vui đáo để! Nhưng bây giờ, kẹt quá, tôi muốn nói chuyện với... "chủ báo"! Chủ báo là ai? Là những người có tờ báo hoặc những người đang chăm sóc tờ báo với những chức vụ đặc biệt ăn trên ngồi trước như chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký...v.v.., theo ý tôi. Đối với chủ báo, người cầm bút nói chung, nhà văn nhà thơ nói riêng, chỉ là những người viết mướn, không hơn không kém. Giống như một người đi làm thuê, dọn vườn, lên liếp, trồng cây, hái trái... cho một chủ vườn vậy thôi. Nhưng, nhiều chủ báo đối xử với người cầm bút không trên căn bản chủ vườn đối với người làm vườn. Họ biến miếng vườn của họ thành một cảnh chùa và biến người cầm bút thành những... bá tánh. Bởi vậy cho nên, ở buổi ban đầu, hầu hết bá tánh đều phải viết chùa cũng như làm công quả cho chùa mà thôi. Đó là chưa nói đến nhiều người còn ở trong hoàn cảnh bệ rạc hơn, không những làm công quả mà còn phải cúng dường nhiều thứ cho chùa nữa, mới khổ! Than ôi, đời là bể khổ mà lại! Rồi lần lần đi đến chỗ làm thí công ăn quả nhà chùa, bằng những tờ báo tặng. Họa hoằn có thâm sâu, thượng thừa dữ lắm thì mới có chút chút đãi ngộ, nhẩm xà qua món tiền nhuận bút rất là khiêm nhường. Rồi mỗi chủ báo một tánh, ông bà ơi! À, nói chi hai chữ "cộng tác" nghe nó lớn lao, chớ tôi có bài đăng trên các báo Ái Hữu, Canh Tân, Chính Ngôn, Diễn Đàn Tự Do, Đẹp, Độc Lập, Florida Việt Báo, Kháng Chiến, Làng Văn, Lướt Sóng, Nắng Mới, Ngày Nay, Nhân Văn, Phụ Nữ Diễn Đàn, Rạng Đông, Sen Trắng, Sóng, Thế Kỷ 21, Thời Tập, Tin Điện, Tự Do, Văn, Văn Học, Viên Giác, Việt Nam Tự Do, Yêu, và đương nhiên có liên lạc, quen biết với hầu hết các chủ báo vừa nêu trên nên tôi biết qua. Người thì chỉ thuần túy văn chương, người thì đòi văn dĩ tải đạo, người thì lại triệt để chống Cộng, người thì lấy thế trung dung làm mẫu mực (không theo phe nào hết), người thì chàng hảng mà đi (phe nào cũng thân hết), người thì hô hào đừng chống Cộng nữa, người thì chỉ biết lấy cái thương mại làm đầu, người thì khoái có chút tình ái tù tì. Để đáp lại tấm thịnh tình của các chủ báo, rất nhiều người có khả năng viết theo đơn đặt hàng (khác với lối đặt hoa hồng của Cộng Sản, dĩ nhiên). Lắm khi còn chạy theo thời tiết, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, Phật đản, Giáng Sinh, ra vẻ chàng ràng chộn rộn lắm. Phần tôi, tôi không viết như vậy được. Tùy theo cảm hứng mà viết ít như tôi thì chuyện sắp xếp này cũng dễ dàng thôi. Không cần phải làm sổ sách ghi bài nào đã làm. Rồi chủ báo nào cũng đòi hỏi bài mới hết, mới chết! Nhưng, có nhiều vị chịu du di vì thiếu bài, vì quan niệm rằng thà đăng bài cũ cũ mà hay thì vẫn hơn bài mới toanh mà dở òm, hoặc giả thì vì đang làm một tờ báo biếu, chẳng màng hơn thua gì với báo bạn. Tóm lại, nói gì thì nói, người cầm bút thường vẫn hay chiều theo tánh ý của người chủ báo mà làm việc. Như một nhân viên chiều theo tánh ý của chủ nhân, ông boss đích thật, của mình mà thôi! Vậy mà, hôm nay, tôi dám đặt vấn đề nói chuyện với "chủ báo", tức là nói chuyện với mấy xếp lớn của mình, thì kể ra chắc cũng phải có điều gì bất ổn đây, có phải? Xin thưa ngay, đúng vậy! Đã đến lúc tôi thấy cần phải nêu lên một vài trường hợp chủ báo đã lợi dụng quyền sinh sát trong tay đối với người cầm bút mà làm điều xằng bậy. Ở các xứ Âu Mỹ tân tiến ngày nay, việc làm của mọi người, dù là chủ nhân ông hay một nhân viên đều được thường xuyên lượng giá, appraisal, hoặc thăm dò, survey. Ngay cả đám học trò kia cũng còn có được cái cơ hội bình điểm thầy cô, thì tại sao người cầm bút chúng ta lại không lâu lâu làm một cuộc phê bình thẩm định những chủ báo mà mình đã cộng tác chớ? Well, tinh thần làm việc cầu tiến, quang minh chính đại này chắc còn lâu mới thực hiện được trong giới văn nghệ sĩ của chúng ta! Mà thôi, để khỏi làm mất thì giờ của quí vị, tôi xin đi ngay vào những gì tôi muốn nói với chủ báo. Trước hết là bà chị chủ báo Vi Khuê, qua bài giới thiệu quyển truyện dài Giọt Lệ Xé Hai của Nguyễn Thị Thanh Bình, ký dưới bút hiệu Đoàn Văn trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn số 94. Sau khi giới thiệu sơ sơ bằng cách dựa vào những bài Bạt, lớn cũng như nhỏ, ở trong sách cũng như ở bìa sau, của Xuân Vũ, Nhã Ca, Mai Thảo, Hồ Trường An, chị có đưa ra những nhận xét riêng tư, có vẻ chủ quan của mình như sau: Duy có điều hơi tiếc là: một tác phẩm được ưu ái ca ngợi bởi nhiều tên tuổi như vậy, lại lơ là phần sơ đẳng nhất! Đó là những lỗi chính tả, lỗi văn phạm hơi nhiều. Ví dụ lỗi chính tả: 1/ "Vừa phanh áo, vừa chợt nhã trân tráo", đáng lẽ phải là "cợt nhả và trâng tráo" (trang 3). 2/ "Họ chả bảo rán tiếp tục", đáng lẽ phải là "ráng" (trang 5). 3/ "Đứa lớn chồng ngồng cũng nỏ học được chữ chi", đáng lẽ phải là "tồng ngồng" (trang 23). Lỗi văn phạm: 1/ "Đa số muốn thoát ly quê tôi vì muốn được giải thoát những gông xiềng cộng sản" đáng lẽ phải "giải thoát khỏi." 2/ "Cơn đói dâng lên cồn cào vì nãy giờ hoạt động quá nhiều" đáng lẽ phải "tôi hoạt động quá nhiều" (trang 9). 3/ "Một loại giải trí cho phái nam thì cũng nên có một thứ tiêu khiển na ná như vậy cho phái nữ" đáng lẽ phải thêm: "Đã có một loại giải trí cho phái nam thì cũng phải... phái nữ" (trang 11). Ước mong nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình chịu khó lưu ý các điểm sơ đẳng ấy, kẻo "con sâu làm rầu nồi canh" thì đáng tiếc lắm! Có điều hơi tức cười, cái mà chị chỉ trích người ta lại là cái mà chị đang làm! Vì ở trang 3, trong sách ghi rõ "cợt nhả trâng tráo" mà không biết sao chị lại ghi sai của người ta thành "chợt nhã trâng tráo" rồi quay ra tự sửa lưng lấy mình, rằng, đáng lẽ "cợt nhả trâng tráo" với chữ trâng có g. Trong khi ý tác giả có thể muốn nói nhìn trân trân, không chớp mắt thì sao! Đánh số trang lại sai, vì ở trang 23 không có câu có chữ "chồng ngồng" mà phải là trang 22. Đã vậy trong sách ghi rõ là "...đứa lớn chồng ngồng cũng nỏ học được một chữ cái" thì chị lại chép trật của người ta thành "đứa lớn chồng ngồng cũng nỏ học được chử chi", với chữ "chử" có dấu hỏi nữa mới khổ! Vậy mà chị dám làm tài khôn, đi sửa lỗi chính tả của người ta mới chết chửa! Tuy nhiên, khỏi cần nói nhiều, đọc lên phần này, ai cũng thấy, trước tiên, thái độ "vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết" của chị. Đến nỗi nhà ngữ học Phạm Văn Hải trong bài viết "Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Giọt Lệ Xé Hai Của Nguyễn Thị Thanh Bình" trên thế kỷ 21 số 35, cũng đã lên tiếng: "Những lời nhận xét, phê bình, dù khen hay chê, đều vô cùng quan trọng đối với tác phẩm và tác giả. Chê mà chê đúng, chê một cách xây dựng, nhận xét khách quan, tác giả có dịp học hỏi thêm. Nếu ‘bới bèo ra bọ’, dù chỉ là lỗi kỹ thuật nho nhỏ, cũng ‘dập’ lên đầu người viết. Dĩ nhiên, rất ít tác giả dám lên tiếng trả lời hay cải chính lầm lỗi kỹ thuật và phương tiện diễn tả. Sự thật, tác phẩm nào cũng có thể ‘bới bèo ra bọ’ được." ("Ngọc nào chẳng có vết")... Nhất là trong lúc chị Vi Khuê làm công việc giới thiệu chớ không phải điểm sách. Mà cho dù điểm sách đi nữa cũng không ai nêu lên những điểm nhỏ nhặt như vậy. Tác giả tặng sách, rất mong mỏi được chủ báo nâng niu, viết vài dòng êm đẹp cho một đứa con tinh thần mới chào đời, chớ bươi móc như vậy thì ai mà tặng sách để làm gì, hãy ra tiệm sách kia mà mua mà đọc mà bình!" Sau đây, để tôi xin bàn sâu vào chi tiết về việc lỗi chính tả và lỗi văn phạm. Nhưng trước hết cũng xin hỏi lại chị Vi Khuê một điều: Chị có dám chắc trong tất cả các tác phẩm của chị không có lỗi chính tả và lỗi văn phạm hay không? Trước khi chị quan tâm đến sách của người ta thì chị cũng nên dòm ngó lại sách của chị, để không thôi lại lòi ra một con sâu nữa thì nồi canh đã rầu, theo ý chị, lại phải rầu thêm. Với tôi vấn đề trật lỗi văn phạm, theo ý riêng của chị, không có gì đáng nói. Tôi vẫn quan niệm rằng nhà văn là những người có quyền đẻ ra văn phạm cho chính mình. Cần nhất là thứ văn phạm đó được độc giả chấp nhận và thưởng thức tác phẩm một cách rất ư là bình thường như mọi thứ văn phạm khác đã được. Điều này, chính ra, đã tạo nên bản sắc riêng biệt của từng tác giả và làm cho nền văn chương Việt Nam ta thêm phần phong phú, đa dạng. Đó chính là công lao và nỗ lực sáng tạo của người cầm bút. Còn như ai đó muốn quay về... đường xưa lối cũ như chị thì tùy, nhưng không nên bắt buộc người khác phải viết đúng theo cái mà mình cho là lề lối văn phạm của riêng mình. Điều này khỏi cần biện minh dẫn chứng ở đâu xa, chị cũng đã từng biết trong văn học Việt Nam mình có "con sâu thiệt lớn", là ông Mai Thảo đó, ổng đâu đã làm rầu nồi canh đâu nào? Ổng làm cho nồi canh thêm ngọt thì có! Rồi bây giờ bắt đầu qua vấn đề chính tả. Nói đến chính tả thì ta phải dựa vào tự điển làm bằng. Tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ để chị thấy là đủ. Như vậy, theo Từ Điển Tiếng Việt của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, viện Ngôn Ngữ Học, xuất bản tại Hà Nội năm 1988 mà chúng tôi hiện có, ở trang 187, viết: - chồng ngồng t. (ph.). Tồng Ngồng. và ở trang 849 cũng viết: - rán (1) đg. Làm cho chín trong dầu mỡ đun sôi. Đậu phụ rán vàng. Cá rán. Rán mỡ (làm cho mỡ thành nước chín). - rán (2) đg. (cũ; id). Ráng. Rán sức. Như vậy Thanh Bình đã không sai mà là chị Vi Khuê sai! Điều đáng nói thêm là nhà văn đang viết văn chứ không còn viết ám tả, chính tả hay làm luận văn như đang ngồi ở lớp học. Vả lại, việc sửa lỗi chính tả là công việc của nhà xếp chữ và nhà xuất bản, không nên hoàn toàn chê trách một mình tác giả. Mà nếu không chê trách một mình tác giả thì phải chê trách thêm tôi và giáo sư Đỗ Đình Tuân. Vì tiệm H&L Type Setter của tôi phụ trách việc đánh máy, layout, xếp chữ với mẫu chữ... đẹp nhất trần gian (xạo ke chút chút thôi) và nhà xuất bản Văn Khoa lo việc in ấn, phát hành. Chính vì vậy tôi là một trong những người trong cuộc. Đôi lúc, có thể vì hoàn cảnh bắt buộc đành phải buông trôi, chớ bảo đảm không một người cầm bút nào chịu đem đứa con tinh thần của mình mà... bỏ chợ hết. Họ nâng niu, chăm sóc từng ly từng tí. Có thể nói từng chữ, từng câu, từng dấu chấm, phẩy. Trường hợp Giọt Lệ Xé Hai khi gửi qua ông Đỗ Đình Tuân, ổng sửa lại thêm một mách nữa về lỗi chính tả. Nhiều chữ hầu như xa lạ mà cả Thanh Bình lẫn tôi không đồng ý, nhưng vẫn phải theo. Quyết định của nhà xuất bản là trên hết mà! Vả lại giáo sư Đỗ Đình Tuân cũng cho biết ổng đã tra sửa rất kỹ bằng quyển từ điển lớn của Lê Văn Đức–Lê Ngọc Trụ. Như chữ "chín mùi" phải viết là "chín muồi", chẳng hạn! Như chữ "hất hủi" phải viết là "hắt hủi" chẳng hạn! Như chữ "ràn rụa" phải viết là "giàn giụa" chẳng hạn! Thử hỏi một "công trình" tim óc của ba người họp lại về chính tả, mà khi trình làng lại bị bài bác chê bai về lỗi chính tả, thì người trong cuộc như Thanh Bình như tôi đây làm sao mà không sửng sốt! Đáng tiếc thay! Cho đến giờ phút này, nếu ai đó ngồi không bỏ thì giờ ra mà dò lại từng chữ từng câu trong Giọt Lệ Xé Hai thì cũng có thể sẽ tìm ra một vài lỗi chính tả khác mà chúng tôi đã không ngờ tới. Nhưng, chẳng ai lại đi làm như vậy, một hành động nhỏ mọn, cỏn con không giúp ích được gì. Người ta thường học khôn từ những sự thất bại hơn là những cái thành công. Và theo tôi, đây là trường hợp học khôn của chị Vi Khuê. Vẫn không sao, bảy mươi chưa gọi là lành mà! °*
Tiếp theo đến ông bạn nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa, con người coi đạo mạo tươi tốt như vậy mà lại đi đạp cứt bà chị Vi Khuê, mới khổ. Qua phần giới thiệu sách mới One Time As An Intelligence Officer và Một Dòng Ca Dao, Câu Hò, Câu Đố Miền Nam, trên tờ Làng Văn số 91. Cũng cái mửng này thì khi tặng sách bà con cầm bút của mình phải nên coi mặt ta ơi! Để tránh cái cảnh hơi đau lòng là mình bỏ công ra viết, bỏ của ra in, trịnh trọng dán tem cò gửi tặng để rồi người được tặng quay ra mạt sát trở lại mình! Ý là có bạn bè báo động trước vì tôi nhận báo rất trễ, mà chu mẹt ơi, tôi đọc qua mấy đoạn này thấy như bị ai đó tạt vô mặt mình một gáo nước lạnh, thiệt đầy! Ủa, sao có chuyện kỳ lạ vậy ta, bộ hồi hôm gà mái không cho đạp hay sao mà mà sáng ngày đâm ra hận thù, hằn học với "ông Trùm" dữ vậy cà? Đang giận cá rồi đòi chém thớt? Mà cũng được thôi, vì phen này "gà nhà" ta kể như có dịp "bôi mặt đá nhau" chơi! Gà tre đá với gà cồ, vì gà cồ có lẽ ghét gà tre ở tiếng gáy, có phải? Thì đây, dẫu biết gà tre đá không lại gà cồ vì gà cồ có rất nhiều đao to búa lớn, nhưng cũng phải đá cho một đòn chí tử rồi... chạy làng luôn cũng được, còn hơn bị mang tiếng là con gà nuốt dây thun! Mèn ơi, lại thêm cái giọng chanh chua, đanh đá của Nguyên Hương ở mục thư đi tín lại phía sau, đã hân hoan làm trò "chồng hát vợ vỗ tay" nữa chớ, rằng, đây là "trường hợp giảm khinh" cho "ông Trùm", thấy mà bắt... dễ thương hết sức! Ấy, tôi không bác ái như Chúa, nên không thể đưa má kia cho Nguyễn Hữu Nghĩa tát tiếp một cái nữa. Rồi cũng không từ bi như Phật, tham sân si trong mình còn nhiều, nên tôi phải, xin lỗi, tát lại. Tát cho ai đó, nếu không vỡ mồm thì phải đến... sứt mép mới thôi. Nói đùa cho vui chớ chuyện đâu còn có đó, để bình tâm ngồi đọc lại và suy luận hơn thiệt coi sao. Và đây, hãy xem "ông Trùm" ta ra chiêu đỡ đòn, "phục hận"! Trước hết là quyển One Time As An Intelligence Officer. Bà con cô bác đứng ngoài dòm vô, cứ thử tưởng tượng như Nguyễn Hữu Nghĩa đang đứng trước mặt tôi, vui vẻ tay bắt mặt mừng, rồi vì một lý do nào đó chẳng nói chẳng rằng, bỗng quay một vòng 180 độ ra phía sau lưng và lụi tôi một dao... lút cán. Thử hỏi với hành động có vẻ hơi... cạn tàu ráo máng đó, bạn bè chơi như vậy thì chơi thế chó nào được chớ? Bộ tính trái đất này không tròn, không còn nhìn mặt nhau nữa chắc? Mà thiệt tình, hóa ra năm nay, từ ngày Một Thuở Làm "Trùm" chào đời, bạn ta đã và đang ngậm bồ hòn làm ngọt đây, tội nghiệp dữ không? Tuy nhiên, bao nhiêu điều Nguyễn Hữu Nghĩa nói coi bộ già hàm như vậy chớ thật ra chỉ nhằm vào một điểm: binh vực người lính Cộng Hòa. Vì đối với Nguyễn Hữu Nghĩa, cái gì của người lính Cộng Hòa đều phải đẹp và cái gì của tên bộ đội Cộng Sản đều phải xấu hết. Đúng, trong Một Thuở Làm "Trùm", tôi không đề cao, tuyên dương vai trò người lính Cộng Hòa. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng hề hạ thấp, bôi bác một ai. Là một quyển sách mang nặng tính cách hồi ký, thì cái gì xấu tôi nói xấu, cái gì tốt tôi nói tốt. Có lẽ vì nóng giận mà Nguyễn Hữu Nghĩa đã "hời hợt và nông cạn", vô tình để lộ ra cái trình độ thưởng ngoạn, tôi không nói thấp kém, mà là vui đâu chúc đó, của mình. Vì tôi viết Một Thuở Làm "Trùm" không dựa vào cái triết lý sống "làm lính" mà là với cái triết lý sống "làm người". Làm lính, tôi nói thiệt dễ lắm, chỉ cần làm theo lệnh là dễ trở thành người lính tốt ngay, nhưng làm người cho ra người mới thật là khó. Làm người khổ lắm Nguyễn Hữu Nghĩa ơi! Và phải nói, mãi cho đến ngày nay, điểm căn bản mà chúng ta vẫn tự hào hơn bọn Cộng Sản là ở chỗ "làm người" đó! Rồi nếu muốn nói rộng hơn một chút, trên bình diện văn nghệ văn chương quốc tế, thì cũng chính vì biết "làm người" mà hầu như cả thế giới đã đứng ra lên tiếng bênh vực cho Dương Thu Hương. Trong khi, chỉ còn một mình Nguyễn Hữu Nghĩa và nhóm Làng Văn là không chịu xét lại, vẫn cứ khư khư ôm lấy cái sai lầm, chống đối khắp cả nhân loại như một Saddam Hussein thứ hai! Bởi vậy, Nguyễn Hữu Nghĩa cũng không nên mở miệng trách cứ bọn đầu sỏ CSVN tại sao vẫn cứ khư khư ôm cứng các giáo điều mà không chịu đổi mới làm chi. Vì nghe ra sao... mắc cỡ cái lỗ miệng quá! Không dám tự sửa sai mình thì nói chi ai? Cũng nên nói thêm, điều mà tôi lấy làm hài lòng là người ngoại quốc không có một cái nhìn trật trờ như Nguyễn Hữu Nghĩa. Dưới đây, tôi chỉ cần trích vài dòng trong bài giới thiệu của Dr. Sylvester Clifford, một giáo sư ngành Communication ở đại học South Dakota thì quí vị sẽ rõ: "Badly, Hung depicts the action of himself, fellow officers, Thai pirates, black marketeers, grafters, and others as they exist in a world demanding high standards of personal loyalty and patriotism, while simultaneously expecting, counte- nancing, and rewarding treachery, double-dealing, profiteering, and survival at all costs. With disarming directness the author shows us tenderness and selfishness, crudity and graciousness, heroism and cowardice. There is little adornment, little pretense of philosophical depth or grand principles. These people are trapped, almost powerless in the struggles that enmesh their world (...) Touching scences of family interlace with documention of events preceding and following the fall of Saigon. Lyrical descriptions of the sea attest to sensibilies that seem overwhelmed in everyday dealings. Despite its surface blandness and simplicity this is a complex book; at least, it evokes complex thoughts and feelings... ONE TIME AS AN INTELLIGENCE OFFICER is recom- mended reading for all students of VietNam War, and all students of the human condition." Với lại, theo tôi được biết, vừa qua, trong phiên họp bất thường của ban chấp hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và các vị cố vấn, gồm nhà thơ Trang Châu, học giả Lê Hữu Mục, dịch giả Trương Bảo Sơn, dịch giả Lâm Công Quận, thi sĩ Đỗ Quí Toàn, nhà văn Võ Kỳ Điền, tất cả mọi người có mặt đều đồng ý sẽ giới thiệu hai tác phẩm của tôi One Life Of Leaning và One Time As An Intelligence Officer trước Văn Bút Quốc Tế vào kỳ họp mặt ở thủ đô Barcelona, Tây Ban Nha, vào tháng tư năm nay (1992)! Quyết định này, thêm một lần nữa, cho thấy lời chê bai buộc tội của Nguyễn Hữu Nghĩa càng không có điểm tựa làm căn bản. Rồi đến quyển Một Dòng Ca Dao, Câu Hò, Câu Đố Miền Nam! Những chỉ trích, đề nghị của Nguyễn Hữu Nghĩa mới nghe qua cũng rất hợp tình hợp lý, nhưng suy đi nghĩ lại thì không đúng hẳn. Chúng tôi không đồng ý ở một vài điểm. Trước tiên, sở dĩ chúng tôi không chia ra làm ba phần Ca Dao, Câu Hò, Câu Đố riêng biệt là vì có hai chữ Một Dòng dẫn đầu. Toàn bộ sưu tầm như là một bản trường thi. Đó là quan điểm trình bày của chúng tôi. Và đúng như Nguyễn Hữu Nghĩa nói, không nên dùng quyển này để làm tài liệu tham khảo, vì chúng tôi chỉ nhằm vào sự thưởng ngoạn và phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp độc giả mà thôi, không dám đem những gì của mình sưu tầm được ra làm khuôn vàng thước ngọc cho một ai hết. Còn vấn đề xen lẫn ca dao miền Bắc miền Trung vào là việc làm có chủ đích của chúng tôi. Tại sao chúng tôi chỉ chọn những câu, đại để, như Nguyễn Hữu Nghĩa đã trích ra: Tìm em như thể tìm chim Chim bay bể Bắc đi tìm biển Đông (Ca dao miền Bắc) Thương em anh cũng muốn vô Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang (Ca dao miền Trung) mà không là những câu khác? Là tại vì những câu ca dao này đã được phổ biến sâu rộng trong dân gian miền Nam. Trên đầu môi chót lưỡi của những người đàn bà cấy lúa hay ngay cả trẻ mục đồng. Vì vậy, chúng tôi vẫn tạm coi là của miền Nam! Rồi sao, so what! Bộ Nguyễn Hữu Nghĩa không sợ mang tiếng là người kỳ thị Bắc Nam hay sao mà khư khư đòi ôm lấy làm của riêng, hả? Cũng nên hiểu rằng ca dao miền Bắc, miền Trung khi xâm nhập vào miền Nam, trong nhiều trường hợp, câu văn đã không còn giữ nguyên bản nữa. Ngoài Bắc nói "Bà già đi chợ cầu Đông", nhưng người Sàigòn, người miền Nam không nói vậy, họ chỉ nói và chỉ biết có cầu Bông thôi! Rồi sao, so what! Và cũng nên vừa phải một chút chớ ai lại không biết chữ "lợi" miền Bắc còn có nghĩa là "nướu răng" ở miền Nam! Xa hơn nữa, ngay trong tỉnh Gò Công, khi nói đến chợ Dinh thì họ hiểu rằng đó là chợ Dinh của quận Hòa Đồng chớ không có nghĩa là chợ Dinh, Nam Phổ gì gì ở ngoài Huế hết, thành thử mới có những câu ca dao trọ trẹ: Đố anh con rít mấy chưn Cầu Ô mấy nhịp chợ Dinh mấy người Mấy người bán áo con trai Chợ trong bán chỉ chợ ngoài bán kim Còn vấn đề có sự xen lẫn những câu thơ của các tác giả nổi tiếng hoặc từ sách giáo khoa thì, ở đây, ai dám nói không có những câu thơ nổi tiếng hoặc những vần giáo khoa mặc nhiên trở thành ca dao, câu hò? Ở miền Nam, nội chỉ một quyển Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu thôi cũng đã đẻ ra vô số câu hò lẫn ca dao rồi mà chúng tôi chẳng thèm ghi ra chớ ở đó mà "vơ bèo, nhặt tép cho đầy sách!" Và còn nhiều điều nữa mà chẳng cần phải nói thêm cho lắm lời làm chi. Tóm lại, ca dao, câu hò, câu đố truyền khẩu trong dân gian là tài sản chung của tất cả mọi người, người sưu tầm chỉ làm công việc chọn lựa, sắp xếp theo quan điểm của mình. Và với quan điểm của chúng tôi là như vậy. Chớ còn việc "vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ" thì cuốn sách nào lại không có những khuyết điểm của nó? Nhưng cũng nên nhớ rằng không có sự tưởng thưởng cho bươi móc sơ hở lỗi lầm, there is no reward for finding fault (Arnold Glassow). Bởi vậy, để kết luận, những điều Nguyễn Hữu Nghĩa nêu lên chỉ đáng lưu tâm từ 1% đến 20% tùy theo quan niệm của người phán xét, phần còn lại nên để ngoài tai! Rồi tiếp đến là giới thiệu tập thơ, nhạc và hòa âm (chị Linh Phương) Một Thoáng Trong Mơ của tôi, trên Làng Văn số 92. Vì vô tình tôi đã gửi tặng luôn một lèo trong lúc chưa nhận được báo tháng trước. Người viết văn nào cũng có lúc thử làm thơ. Nhưng số người nặng lòng với thơ hơn, lưu trữ in thành thi tập, vốn không nhiều. Trong dòng văn chương hải ngoại chúng ta có: "Thơ Cao Tần" (bút hiệu khác của Lê Tất Điều), "Đất Khách" của Thanh Nam, "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền" của Mai Thảo, "Thơ Tù"; "Em, Tôi, Sàigòn, Hà Nội" của Duyên Anh. Và hôm nay, chúng ta có "Một Thoáng Trong Mơ" của Nguyễn Tấn Hưng. ... Nguyễn Tấn Hưng chưa tạo dựng được trong thơ anh sự cô đọng và chiều sâu cần thiết. Tuy nhiên, thơ anh quả nhiên là có nhiều chỗ khác người. Nơi những vần điệu mộc mạc, bình dị của anh, người đọc đã thấy những lấp lánh tỏa ra từ chữ nghĩa, cho những rung động, phản chiếu bất ngờ... ... Nguyễn Tấn Hưng viết văn, Nguyễn Tấn Hưng soạn nhạc, Nguyễn Tấn Hưng làm thơ, Nguyễn Tấn Hưng chọc cười... người sĩ quan Hải quân đã nửa đời giao duyên cùng biển cả, nửa đời gá nghĩa với văn chương. Tôi nghĩ rằng Một Thoáng Trong Mơ chỉ là một bến tạm trong hải trình tiến đến sự toàn bích ở cõi thơ đích thực mà thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hưng đang giang buồm tìm gặp..." Vậy mà ở đây, Nguyễn Hữu Nghĩa chỉ cần ra tay phán một câu thiếu đầu mất đuôi: Thơ chưa đi đến toàn bích, mà "chỉ là một bến tạm để đi đến toàn bích ở cõi thơ đích thật", đúng như thi sĩ Hà Huyền Chi nhận xét trong bài Mở. Không cần nói nhiều, ai ai cũng thấy đây là một hành động hại bạn có chủ tâm, tôi không dám nói là đê hèn đốn mạt, mà chỉ nói có vẻ hơi khó coi thôi! Vẫn biết thơ mình, vợ người, nhưng tôi không bao giờ cho rằng thơ tôi là hay là đẹp, điểm cốt lõi của thơ là tâm tình riêng tư, thầm kín của tác giả gửi gấm trong đó! Ai hiểu được, cảm thông được thì gọi là hay. Còn những ai phàm phu tục tử, những tai trâu huấn nhạc, những mắt lợn thưởng tranh (xin lỗi thi sĩ Hữu Loan, tôi trích trong tập Thiên Đường Máu do Quê Ngoại xuất bản năm 1991) như Nguyễn Hữu Nghĩa thì thơ tôi cũng có thể gọi là "vè". Mà cũng ngộ, hóa ra bao nhiêu bài thơ của tôi mà Làng Văn đã đăng bấy lâu nay đều là vè hết phỏng? Ối mà thôi, thơ của Nguyễn Tấn Hưng là vè thì thơ của Cung Vũ(°) còn vè quá tổ, nhạc của Nguyễn Tấn Hưng mà đơn điệu thì nhạc của Nguyễn Hữu Nghĩa còn đơn điệu quá tổ. Chỉ vì cái nhìn quá thiển cận, ấu trĩ, suy bụng ta ra bụng người của chính anh. Than ôi, tiếc thay! Có một điều tôi hơi ngạc nhiên là qua bao nhiêu lần mổ xẻ, chê bai, bài bác sách của tôi mà Nguyễn Hữu Nghĩa lại không công bằng, không hề mổ xẻ chê bai các phụ bản đi kèm trong sách. À, thì ra Nguyễn Hữu Nghĩa còn khá hơn Trường Chinh Đặng Xuân Khu một chút, chưa dám mang nhạc gia của mình ra đấu tố! Người xưa có nói: "Kẻ nào khen ta là bạn ta, kẻ nào nịnh ta là kẻ thù của ta, và kẻ nào chê ta là thầy ta." Nhưng, như trước đây, có lần tôi buộc phải nói rõ thêm: "Kẻ nào khen ta mà khen phải là bạn ta, kẻ nào khen ta mà khen không phải là kẻ thù của ta, kẻ nào chê ta mà chê phải là thầy ta, còn kẻ nào chê ta mà chê không phải thì chỉ sẽ là... cái chi chi của ta mà thôi!" Bởi vậy, với những hành động có vẻ táng tận lương tâm nêu trên, cũng như tương tự ở rất nhiều nơi khác, Nguyễn Hữu Nghĩa bây giờ chỉ là... cái chi chi của rất nhiều người. Thôi thì cũng đành, tôi cũng phải mau mau nối bước theo hàng hàng lớp lớp những người cầm bút thành danh, tên tuổi đã từ từ lặng lẽ... bỏ làng ra đi không kèn không trống. Và để cho nhiều bằng hữu còn mang mặc cảm, "xưa nay thấy ông thân thiện với nhóm Làng Văn quá mà không dám làm quen", sẽ không ngần ngại nữa. Well, nói cho cùng, cho dù ngay trên quê hương đất mình hay ở đây, hải ngoại, không một ai bỏ làng, bỏ lũy tre xanh mà không có một chút vấn vương, khổ tâm phải không? Sẵn đây nói bắt quàng sang "bà em" nhà báo Nguyên Hương một chút. Cũng là việc công chớ chẳng riêng tư ghét bỏ gì ai. Rằng, trong một cuộc thăm dò bằng điện thoại mới đây của tôi, với một câu hỏi duy nhất, anh (hoặc chị) nghĩ thế nào về lối trả lời thư tín của bà Nguyên Hương trên báo Làng Văn, có hỗn láo xấc xược lắm không, và kết quả là 100 phần trăm em ơi 100 phần trăm, mười người như một, trả lời: có. Tôi nói ra đây thì chắc bà Nguyên Hương bả không tin đâu, thôi thì để khi nào thuận tiện bà ấy cứ tự mình tổ chức một cuộc thăm dò khác thì sẽ biết rõ thêm vậy. Với riêng tôi, tôi thấy bả coi văn nhân thi sĩ không một ai ra cái thể thống gì hết. Lấp lánh trong đó có cả những vị tiền bối như Võ Phiến, Mai Thảo nữa. Và độc hại hơn thịt vịt xiêm lai, luôn cả độc giả mua báo của bả đọc kia, bả cũng chẳng từ, bảo người ta là hàng tôm hàng cá! Mệt quá, ngậm máu phun người trước dơ miệng mình, ai lại không thấy hành động hàng tôm hàng cá đó của Nguyên Hương! Rồi còn thêm cái tật hay dựa vào thư riêng của những người viết về làng, lừa gió bẻ măng đọc một đàng nói một nẻo và lắm khi dựng đứng câu chuyện, lời lẽ từ đâu đâu đổ trút trách nhiệm lên đầu người gửi. Đây là một hành động, tôi không muốn nói là vô liêm sỉ, mà là hơi khó hiểu. Bởi thế cho nên, khi đọc phần thư tín của Nguyên Hương, tôi nghĩ độc giả và người cầm bút chúng ta cần phải liên tưởng đến cái đài Việt Cộng năm xưa. Đơn thuần, chỉ có "lượng" mà không có "phẩm". Và đừng nghe những gì Nguyên Hương nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Nguyên Hương đã ném đá dấu tay. Có điều bả coi vậy chớ biết khôn, coi mặt mà bắt hình dung. Bả toàn là hay đè đầu đè cổ mấy anh em cầm bút miệt vườn, vốn dễ tánh xuề xòa, mà mỉa mai châm biếm hết lời và đôi lúc có phần hơi quá trớn, thiếu tự trọng. Chớ bả không hề dám đả động đến mấy ông hay cãi cọ hoặc mấy bà tốc váy đái tưới hột sen lên đầu bả đâu! Mà thiệt tình, cũng chẳng ai thèm trả lời trả vốn làm chi cho mệt. Vả lại thân phận người cầm bút, vốn thấp cổ bé miệng, có muốn nói lên ý mình thì cũng chẳng có tờ báo trong tay. Thử viết như tôi đây rồi gửi về làng thì còn lâu Nguyên Hương mới dám đăng. Mà không dám đăng thì làm sao có chuyện tranh luận công bằng, khoáng đại cho được. Chỉ một chiều, cá ăn kiến mà không có kiến ăn cá. Mà nè, bánh ít mắc mưa kia có đi mà bánh qui thơm phức này không có lại thì lúc chết xuống âm phủ dám bị cưa hai nấu dầu lắm đó nghen! Well, kể ra đây cũng là "trường hợp giảm khinh" cho Nguyên Hương đây, vì còn nhiều sự thật không dám nói hết ra! Hơn nữa, "ông Trùm" không nỡ theo lệnh làng đem đóng trăng người đẹp đâu! Nhưng, cái nết ấy đánh một lần (không cần đợi đến chết) phải (chớ không được hổng) chừa! Đừng đánh giá thấp, underestimate "ông Trùm" mà có ngày mang họa vào thân đấy, ha ha! Tóm lại, qua hai phần trên, nếu cứ chơi cái trò hễ thấy mụt măng nào lú lên thì đem dao ra khứa, tiện, đốn thì biết chừng nào mụt măng đó mới biến thành tre? Cô Thanh Bình, cho đến nay, vẫn còn than vắn thở dài với tôi: "Mỗi lần cầm cây bút lên là tâm tư phân tán, không viết được một chữ cả tháng trời!" Tôi nhớ lại có lần tôi an ủi: "Đừng buồn, đừng nản, hãy cứ mạnh dạn tiến lên! Một người cầm bút mà nếu không bị bạn đồng hành đồng nghiệp ganh tị, bươi móc, chê bai, chửi rủa, thù hằn thì chắc chắn đã không là nhà văn, nhà thơ lớn!" Câu này bây giờ, hóa ra, tôi phải đem ra tự khuyên lấy tôi. Thật nhiều lần hơn, vì Thanh Bình chỉ mới bị đốn, tiện, khứa dăm bảy hàng chữ, chớ riêng phần tôi không những đốn, tiện, khứa mà còn bị bằm, văm cho nhuyễn như cám như bèo từ trang này qua trang khác, từ số báo này qua số báo kia. Than ôi, số phận người cầm bút rõ ràng mỏng manh hơn cánh con chuồn chuồn, xin lỗi thi sĩ Hoàng Cầm. °*
Và sau cùng là đến nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng qua bài Góp Ý Với Trần Vũ, Tiếng Vọng Từ Ghè Tố Miệt Vườn của tôi đăng trên Thế Kỷ 21, số 35, với lời thanh minh thanh nga: "Đây là bài góp ý của Nguyễn Tấn Hưng, đương nhiên không phải của tòa soạn. Chúng tôi đăng tải như ý kiến của một người cầm bút nhận định về một bài viết." Tại sao phải thanh minh thanh nga chớ? Có thừa thải và vô tích sự lắm không? Bài viết có chữ ký của tôi mà, tôi đâu có chạy chối đi dâu mà tòa soạn phải sợ họa lây. À, đúng rồi, phải chăng đây là một hành động "làm bậy run tay"? Vì coi kỹ lại thì bài của tôi viết không phải như vậy, mà đã bị cắt đầu xén đuôi, mổ bụng, đục khoét và vứt bỏ lục phủ ngũ tạng. Thì ra, ở chỗ này anh Nguyễn Xuân Hoàng đã tự mâu thuẫn với chính mình, nói là bài của Nguyễn Tấn Hưng chớ thật ra đó là bài của Thế Kỷ 21! Phiền quá, bây giờ những ai muốn đọc nguyên bản, nhất là bạn Trần Vũ, thì làm ơn tìm tờ báo thân tình Sóng, số 118 ra cùng ngày, của anh Nguyễn Tăng Chương ở Toronto, mà đọc. Để thấy rõ sự khác biệt giữa hai bài. Để thấy rõ thế nào là "Tiếng Vọng"... đã không còn là tiếng vọng nữa, vì cái kết luận, bottom lines, đã bị cắt phăng đi! Và để biết rằng... không chừng rồi đây sẽ có người hiểu lầm thì là tôi đã đứng ra đại diện cho cả nhóm Miệt Vườn, mà thật tình thì tôi không hề làm đại diện cho một ai hết. Mới đây, Cộng Sản đã in lại sách của ông Mai Thảo, nhưng đổi tựa sách và tên tác giả, ông Mai Thảo có nói trong sổ tay của Văn số 16: "Vừa bực mình, vừa tức cười." Bây giờ tôi mới thật sự hiểu tâm trạng của ông lúc đó và tôi cũng bắt chước muốn nói lên một lời: Bực thiệt, tức cười thiệt! Vì sách của ông Mai Thảo coi vậy chớ trong ruột vẫn còn giữ nguyên, còn nội dung bài của tôi bị bóp méo, vặn vẹo. Vẫn biết rằng thiện ý của anh Nguyễn Xuân Hoàng là có thái độ hòa hoãn cho đôi bên, nhưng tốt hơn hết anh không nên làm như vậy! Tôi không hiểu phản ứng của anh sẽ như thế nào khi một chủ báo khác sửa chữa và đăng bài nhận định của anh mà không cần hỏi ý kiến anh? Trật con "tán" bán con trâu, sai một ly đi một dặm, trật một chữ... hư cả bài, chắc anh phải đồng ý với tôi ở điểm này! Nhất là một bài nhận xét thảo luận, rất khác với truyện ngắn, truyện dài. Thà là anh nói thẳng rằng không đăng như trường hợp của chị Trần Thị Bông Giấy với bài viết về ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An, Văn Uyển bộ mới, số Mùa Đông 1991, thì còn đỡ xót xa hơn. Tuy nhiên nói gì thì nói, anh Nguyễn Xuân Hoàng cũng giống với Nguyên Hương ở một điểm, là coi mặt mà bắt hình dong! Bài của tôi thì ảnh an nhiên tự tại cắt bỏ, đục khoét, chớ còn bài của Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Thị Chân Quỳnh... thì trật một chữ so với bản thảo ảnh cũng phải đính chính! Chơi như vậy thì chơi với ai? Đó, đời nó vậy đó. Bể khổ là vậy đó! Qua các điểm vừa trình bày, để kết luận, bây giờ có lẽ đã đến lúc người cầm bút chúng ta cần đòi hỏi các chủ báo, vô tình hay cố ý, phải có thái độ tôn trọng người cầm bút và sáng tác của họ, phải không thưa quí vị không biết cầm... cày? Riêng tôi, tôi chỉ có ba trường hợp cần nêu trên. Mong rằng, trong tương lai sẽ có những ai đó góp tay, trình bày những trường hợp đặc biệt cần xây dựng khác của chính mình. Vẫn biết rằng một người cầm bút part time như tôi đây, mà đơn thương độc mã "đụng độ" với chủ báo thì chẳng khác nào châu chấu đá xe. Nhưng vẫn phải đá! Vì để lâu quá các chủ vườn hống hách kia sẽ có cơ hội trở thành cường hào ác bá. Văn chương hải ngoại bấy lâu nay đã trở thành văn chương "sanh giặc", là bởi vì có nhiều lý do... không tiện nói hết ra đây. Nhưng, một trong những lý do đó là sự lạm dụng quyền thế của một chủ báo để tuyên bố và viết bài vung vít bừa bãi, không những trên bình diện chính trị mà ngay cả trong lãnh vực văn học, nghệ thuật thuần túy. Thôi, xin hãy làm ơn tốp bớt lại cho độc giả, bà con nhờ. Và riêng phần tôi, xin hãy để tôi yên, đừng bươi móc, chửi bới, chèn ép tôi nữa mà thêm phiền. Đừng biến tôi thành "một con chim thằng chài trước bầy lòng tong lục chốt, buồn buồn thấy ai gây sự ngửa cổ mổ chơi", xin lỗi thi sĩ Xuân Diệu. Rồi kể như tôi bị mất ba miếng vườn to lớn Phụ Nữ Diễn Đàn, Làng Văn và Thế Kỷ 21, vì chắc chắn các chủ vườn mà từ lâu tôi vẫn luôn quí trọng này sẽ không ngần ngại đuổi cổ tôi ra khỏi vườn! Đành chịu vậy! Tôi đang thất nghiệp và đang hưởng trợ cấp... vợ con đây, có ông bà chủ vườn, chủ đất, chủ ruộng, chủ bương, chủ biền nào muốn mướn tôi không, làm ơn xin lên tiếng gấp! Trước khi tôi... tịt ngòi! Cũng lại đùa thôi! °*
NHÂN ĐỌC BÀI "NÓI CHUYỆN VỚI... CHỦ BÁO" CỦA NGUYỄN TẤN HƯNG (Thông Biện Tiên Sinh) Thông Biện ta từng đọc văn Nguyễn Tấn Hưng: Một Thuở Làm Trùm, Một Thời Để Học... bây giờ lại đọc Nói Chuyện Với... Chủ Báo, một bài "lý luận" của Nguyễn Tấn Hưng, càng thấy nhận xét của mình về ông này là đúng: Chân thật, can đảm tới mức hơi lố bịch. Cái lố bịch dễ thương của một anh Nam Kỳ lục tỉnh. Đối với ông Nguyễn Tấn Hưng, ai khen ông hay, ông tin; ai chê ông dở, ông cũng tin ngay! Tin đây là tin người khen người chê họ đang thật lòng với ông. Ông Nguyễn Tấn Hưng đã lầm to. Nhất là lầm trường hợp ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Ông Nghĩa không "hại bạn" như ông Nguyễn Tấn Hưng nghĩ, mà đã có sự ưu ái cho ông Nguyễn Tấn Hưng thấy rõ. Thời buổi này, có quá nhiều người "dành" "làm chuyện lớn" và còn "bắt" người khác "làm chuyện lớn" theo cung cách của mình, nhất là ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa từ miếng ăn, giấc ngủ cho tới mọi hành động đều chỉ quy về chuyện chống Cộng, chuyện quốc gia đại sự. Ông còn muốn mọi người phải chống Cộng theo "kiểu" của ông. Nhìn đâu, ông Nghĩa cũng thấy Cộng Sản, nhất là những bận soi gương, ông càng điên cuồng hơn nữa: Cộng nó ở ngay trước mắt! Vậy mà ông Nghĩa đã "cấp" cho ông Nguyễn Tấn Hưng cái đặc quyền "viết để độc giả đọc cho vui!" khi "phê bình" hai cuốn sách của ông Nguyễn Tấn Hưng: One Time As An Intelligence Officer (tức Một Thuở Làm Trùm) và Một Dòng Ca Dao, Câu Hò, Câu Đố Miền Nam, ông Nghĩa đã phán về hai cuốn sách này cùng một câu: "Viết để độc giả đọc cho vui!" Một người cầm bút mà tác phẩm của mình người đời đọc "vui được", thì ông Nguyễn Tấn Hưng còn muốn gì nữa? Ông Nguyễn Tấn Hưng bộ quên là thi hào Nguyễn Du của Việt Nam ta đã tha thiết điều gì sao? "Mua vui cũng được một vài trống canh". Đến thi hào Nguyễn Du mà chỉ mong tác phẩm mình được thiên hạ chiếu cố cỡ chừng đó thôi, ông Nguyễn Tấn Hưng à! Vậy mà theo Thông Biện ta, xét ra, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã vì "tư tâm" mà thiên vị cho ông Nguyễn Tấn Hưng rồi vậy. Xin nói thêm về chuyện ông Nguyễn Hữu Nghĩa "phê bình", đặc biệt cuốn Một Thuở Làm Trùm thì ông Nguyễn Hữu Nghĩa chỉ cho phép độc giả Việt Nam đọc thôi. Dịch ra tiếng Anh, ông Nghĩa sợ nếu người Mỹ đọc, họ sẽ có thành kiến xấu về người lính VNCH! Ông Nguyễn Hữu Nghĩa có âm mưu "gạt" Mỹ ấy mà! Nhưng ông Nghĩa quên rằng Mỹ đã từng là đồng minh của VNCH. Con dân Mỹ đã từng sát cánh cùng các chiến sĩ VNCH để đánh nhau với Cộng Sản, thì cái Tốt hay cái Xấu của phía "bên này" (chữ của ông Nguyễn Hữu Nghĩa) chắc chắn, với tinh thần phân tích của người Mỹ, Thông Biện ta tin là họ đã có một "Ủy Ban" riêng để nghiên cứu, phân tích một cách nghiêm túc từ những ngày đầu đặt chân lên Miền Nam Việt Nam! Riêng với Thông Biện ta, nguyên cái vụ Nguyễn Tấn Hưng dám "nói xấu" (chữ của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, mà theo bổn tiên sinh thì phải sửa là "nói thật" mới đúng) chính mình, đã là một hành động đáng khen ngợi rồi. Vả lại, ông Nguyễn Tấn Hưng đang làm công việc viết văn, chứ không làm công việc tuyên truyền cho Sở Thông Tin hay Nha Tâm Lý của chính quyền nào cả. Vừa khen ông Nguyễn Tấn Hưng xong, Thông Biện ta dù không muốn, cũng phải có "dăm điều" thành thật không đồng ý với ông Nguyễn Tấn Hưng. Ông Nguyễn Tấn Hưng có thể coi đây là những lời chê bai cũng được. Thứ nhất: -Ông Nguyễn Tấn Hưng viết: "Tôi vẫn quan niệm rằng nhà văn là những người có quyền để ra văn phạm cho chính mình. Cần nhất là thứ văn phạm đó được độc giả chấp nhận và thưởng thức tác phẩm một cách rất ư bình thường như mọi thứ văn phạm khác là được." -Theo Thông Biện ta, nhà văn có quyền làm mới văn phạm bằng văn phong, bằng kỹ thuật sử dụng chữ nghĩa của mình. Và ngôn ngữ, tự nó có tiến trình thay đổi để kiện toàn cho chính nó bởi thi ca và văn chương qua từng biến chuyển lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội của từng thời đại. Nhà văn không có quyền "đẻ" ra văn phạm cho chính mình. Trường hợp Mai Thảo, ông ta chưa chắc "làm được" một con sâu và chưa chắc đã nằm trong "nồi canh". Chuyện văn học mà, ba trăm năm sau... Ví dụ: Tác phẩm The Color Purple của Alice Walker, đoạt giải Pulitzer và giải The American Book Award for Fiction, đã sử dụng một lối hành văn tiếng Anh rất đơn giản và lạ lùng. Và đó là kỹ thuật và văn phong, chứ văn phạm của The Color Purple vẫn là văn phạm Anh văn thông thường. Thứ hai: -Ông Nguyễn Tấn Hưng viết: "Điều đáng nói thêm là nhà văn đang viết văn chớ không còn viết ám tả, chính tả hay làm luận văn như đang ngồi ở lớp học. Vả lại, việc sửa lỗi chính tả là công việc kỹ thuật của nhà xếp chữ và nhà xuất bản, không nên hoàn toàn chê trách một mình tác giả." -Ông Nguyễn Tấn Hưng lý luận như vậy là... ẩu! Làm học trò viết ám tả hay chính tả sai thì chỉ bị thấp điểm và có ông thầy sửa giùm. Ông thầy sửa để học trò theo đó mà dần dần viết đúng, để sau lớn lên có thể... thành nhà văn! Vì thế, đã là nhà văn thì phải ráng viết cho đúng chính tả, sai càng ít càng... mừng! Nhà xếp chữ họ chỉ thấy nhà văn viết sao thì xếp chữ làm vậy, đừng bắt họ sửa chính tả. Đây không phải là công việc của họ. Còn về nhà xuất bản thì còn tùy theo từng cái "deal" với mỗi tác giả. v.v... Làm nhà văn mà viết sai chính tả là có hại cho con em mình nó đọc những chữ Việt viết sai, nó cứ tưởng là cha ông viết đúng, thì hậu quả ôi thôi rồi!!! Phải không, ông Nguyễn Tấn Hưng? Thứ ba: -Ông Nguyễn Tấn Hưng viết: "Cũng nên nói thêm, điều mà tôi đã lấy làm hài lòng là người ngoại quốc không có một cách nhìn trật trờ như Nguyễn Hữu Nghĩa. Dưới đây, tôi chỉ cần trích vài dòng trong bài giới thiệu của Dr. Sylvester Clifford..." -Dr. Slyvester Clifford không có tư cách đại diện cho tất cả "người ngoại quốc", cũng như ông Nguyễn Hữu Nghĩa chỉ có thể đại diện cho một mình ông ta mà thôi, cao lắm là cho tờ báo Làng Văn hay Văn Xã gì đó... (tuy nhiên, trong báo Làng Văn hay Văn Xã cũng có rất nhiều bài không "nằm" trong "hướng" của ông Nguyễn Hữu Nghĩa). Ông Nguyễn Tấn Hưng đã tỏ ra thiếu tự tin vì khi mới chỉ bị một ông Nguyễn Hữu Nghĩa "tấn công" vào khả năng viết lách của mình, đã phải viện dẫn bao nhiêu là lời khen Nguyễn Tấn Hưng của nhiều nhân vật khác nhau để "làm bảo đảm" là ông Nguyễn Hữu Nghĩa phê bình sai! Ngay cả chuyện "nguyên cái Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" có chọn để giới thiệu hai tác phẩm đã được dịch ra Anh văn của ông Nguyễn Tấn Hưng trước Văn Bút Quốc Tế vào kỳ họp mặt ở Barcelona, Tây Ban Nha vào tháng 4 này, cũng không có nghĩa là tác phẩm của ông Nguyễn Tấn Hưng "vĩ đại", không có khuyết điểm! Cả đời Henry Miller (nhà văn Mỹ mà ông Phạm Công Thiện đã từng hết lời ca ngợi), đến lúc sắp chết vẫn điên cuồng vận động để "kiếm" cái giải Nobel văn chương cho sự nghiệp viết lách của mình; "nguyên cái Văn Bút Mỹ" đã giới thiệu ông Henry Miller trước Văn Bút Quốc Tế, thế nhưng Henry Miller vẫn không được cái "giải" gì hết! Ông Nguyễn Tấn Hưng ơi, chuyện văn chương mà, ba trăm năm sau... Hơn nữa, tổ tiên ta có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương", chuyện gì cũng từ từ... Chuyện bây giờ thì ông Nguyễn Tấn Hưng cứ viết đi đã. Người đọc họ tinh lắm, ông Nguyễn Tấn Hưng! -Ông Nguyễn Tấn Hưng đã không nhớ câu: "Lựa bạn mà chơi, lựa báo mà viết". Lựa báo đây tức là lựa chủ báo. Ở Làng Văn có ông Nguyễn Hữu Nghĩa viết... nhận định chính trị; có ông Cung Vũ làm thơ, ông Dương Thượng Ngã(°) viết... biên khảo văn học và lại ông Nguyễn Hữu Nghĩa làm nhạc. Mỗi cuối năm trưng cầu ý kiến của độc giả, thì "độc giả biểu quyết" ông Nguyễn Hữu Nghĩa làm nhạc và viết nhận định chính trị hay nhất; ông Cung Vũ làm thơ được ưa chuộng nhất, ông Dương Thượng Ngã viết biên khảo văn học hay nhất, và cứ thế. (°) Vậy mà Nguyễn Tấn Hưng nhà ông chẳng hiểu gì hết! Mới đầu Nguyễn Tấn Hưng ông viết truyện ngắn lai rai còn được, càng ngày Nguyễn Tấn Hưng ông càng "lộng", bày đặt làm thơ, làm nhạc, còn sưu tầm ca dao câu hò câu đố, lăm le viết biên niên khảo hả?! Bộ muốn chết với ông Nguyễn Hữu Nghĩa chắc? -Theo Thông Biện ta, đối với một người đàn ông, nhất là trong giới cầm bút, tức là những người có trí tuệ, làm công việc sử dụng tư duy suy nghĩ, thì mẫu đàn bà có thể khiến họ quý trọng và đối thoại được, đòi hỏi phải có hai điều: Nết (tức cái Đức) và Tài. Bà Nguyên Hương không có đến cả một trong hai điều đòi hỏi này. Vậy thì hà cớ gì ông Nguyễn Tấn Hưng lại phải phí sức phí tiền "gọi điện thoại thăm dò" tứ phương thiên hạ, rồi sau đó lại phí lời (những lời nóng nảy không cần thiết) đôi co với bà ta? Cầm bút chỉ để trả lời Thư Tín thì chắc chắn không thể coi như là một người "làm văn học" hay "làm văn nghệ", ngay cả làm "nhà báo" như ông Nguyễn Tấn Hưng đã "ưu ái" tấn phong cho bà Nguyên Hương. Ông Nguyễn Tấn Hưng chỉ nên biết là bà Nguyên Hương đã theo đúng truyền thống "vợ bác sĩ là bà Bác Sĩ", vợ chủ báo là có quyền là "Ngự Sử Văn Học", có quyền phê bình văn học một cách trịch thượng cho dù bằng cái kiến thức "Cầu Ông Lãnh" của mình chăng nữa! Đối với một người đàn bà không Đức không Tài, cũng không là "đồng nghiệp" thì ông có gì để mà "qua lại", hả ông Nguyễn Tấn Hưng? Ông Nguyễn Tấn Hưng mến, Thông Biện ta chỉ mới mến ông thôi, chứ chưa quen ông thì làm sao mà thân cho được? Mến ông ở cái tính chân thật, can đảm mặc dù hơi lố bịch (lố bịch một cách dễ thương); nếu này giờ những lời "nhận xét" của Thông Biện ta có làm ông khó chịu, nổi nóng, xin ông cứ viết bài "trả đũa". Bổn tiên sinh chắc chắn là Văn Uyển sẽ đăng bài "trả đũa" của ông, không có gì trở ngại hết; vì bao năm qua, kể từ Văn Uyển số ra mắt, "đối thoại tự do" vẫn là một trong các chủ trương của những người thực hiện Văn Uyển. Và cũng nhân đọc bài của ông Nguyễn Tấn Hưng nói chuyện với các chủ báo, nhưng thật ra là nói chuyện với những người làm công việc "phê bình văn học", Thông Biện ta nổi hứng, cũng muốn ti toe vài điều về một vài "phê bình gia" mà ông Nguyễn Tấn Hưng có nhắc tên trong bài viết của ông. ° BÀ VI KHUÊ: Chỉ tại ông Nguyễn Tấn Hưng không chịu để ý, chứ mục đích đầu tiên của Phụ Nữ Diễn Đàn là chỉ để lăng xê nhà văn, nhà thơ phụ nữ Vi Khuê! Một tác phẩm của bà Vi Khuê xuất bản thì ít ra cũng trong năm, ba số báo được làm rùm beng một cách tận tình và lố bịch (cái lố bịch này thì khó ưa thiệt!) Và vô phước cho bất kỳ nhà văn nữ nào mà dại dột gửi sách tặng tòa soạn Phụ Nữ Diễn Đàn, mong được Đoàn Văn (tức Vi Khuê) có đôi ba lời giới thiệu với độc giả trong cộng đồng người Việt lưu vong, thì cứ y như rằng, luôn có "một đoạn nào đó", "một cái gì đó" thường khi "không nhằm nhò" gì đến tác phẩm của tác giả, bị Đoàn Văn lôi ra chọc quê hay biếm nhẽ. Ông Nguyễn Tấn Hưng cứ thử đọc lại tờ Phụ Nữ Diễn Đàn số 94, Vol. 8, tức số báo có phần phê bình Giọt Lệ Xé Hai của bà Nguyễn Thị Thanh Bình thì biết. Ngoài Giọt Lệ Xé Hai, có hai tác phẩm của hai cây viết nữ khác được giới thiệu. Hai tác phẩm của hai cây viết nữ kia vì có ít người viết lời khen ngợi hơn Giọt Lệ Xé Hai nên số phận đỡ tang thương hơn, nhưng cũng đâu có thoát! Ông Nguyễn Tấn Hưng thử đọc phần giới thiệu thi phẩm Sương Chiều Thu Đọng của bà Huệ Thu xem. Mới vào đề, Đoàn Văn (tức bà Vi Khuê) đã viết như sau: "Cho đến tháng 3/1991, Đoàn Văn tôi chưa hề được nghe đến tên Huệ Thu như một người cầm bút." Ủa? Thế bà Vi Khuê (tức Đoàn Văn) đã nghe tới tên bà Huệ Thu qua "vấn đề" gì vậy? Sao không thấy bà minh bạch ra? Rồi sau khi đã làm vẻ kẻ cả quanh co lui tới cho phép bà Huệ Thu "góp mặt vào thi đàn hải ngoại", đột nhiên bà Vi Khuê bằng hình thức tự biên tự diễn, đã làm cái công việc thông báo cho bàng dân thiên hạ biết bà Huệ Thu đã có chồng rồi, mà lại là một ông chồng Mỹ! Sao vô duyên chi lạ! Giới thiệu tác phẩm người ta, mắc mớ gì phải nhắc nhở tận tình chuyện tác giả "có chồng" rồi? Hay là bà Vi Khuê sợ bàng dân thiên hạ "hiểu lầm" là bà Huệ Thu còn "phòng không", thì các nam thi sĩ (nhất là nam thi sĩ đến từ xứ Dalat!) thế nào chẳng có anh rấp ranh bắn... nhạn, sẽ thiệt hại chi đó cho bà Vi Khuê chăng? Quả tình, đọc bài giới thiệu Sương Chiều Thu Đọng nói trên, bổn tiên sinh có cảm giác là giữa bà Vi Khuê với... bà Huệ Thu dường như có ân oán giang hồ về chuyện... ái tình tù tì chi đó từ trước...? Nhưng đặc biệt, đối với các nhà văn nam, nhất là nhà thơ nam gốc Dalat, dường như Đoàn Văn-Vi Khuê không khi nào nặng tay cả! Thông Biện ta rất ghét và khinh bỉ mấy cái vụ kỳ thị, dù bất cứ kỳ thị gì. Lại càng ghét và khinh bỉ hơn nữa nhưng kẻ lợi dụng phương tiện của mình đang có để trả thù những chuyện riêng tư. ° NGUYỄN HƯNG QUỐC Trong thế giới văn học ở hải ngoại hiện nay, ông Nguyễn Hưng Quốc được một nhóm người đánh bóng thổi phồng như một nhà "phê bình văn học" có giá nhất! Nhưng với Thông Biện ta, ông Nguyễn Hưng Quốc không có trong số hai người rưỡi của giới cầm bút hải ngoại mà Thông Biện ta cho là biết viết phê bình văn học! Ông Nguyễn Hưng Quốc chỉ học được một vài kỹ thuật viết biên khảo từ trường dạy viết Nguyễn Du ở Việt Nam Cộng Sản, nhưng về trình độ kiến thức và thưởng ngoạn cũng như thẩm thấu thi ca và văn chương của ông, thú thật ta "ngờ" (chữ của ông Nguyễn Hưng Quốc) lắm! Vậy thì về trường hợp Nguyễn Hưng Quốc, có hai "vấn đề" cần đặt ra: 1/ Tầm nhận định của người cầm bút ở hải ngoại chưa tới, nên dễ dàng "sợ" cái lối "dàn trận" của ông Nguyễn Hưng Quốc; hoặc tuy biết ông "cũng thường thôi", nhưng vì có mục đích riêng, nên "thổi" ông Nguyễn Hưng Quốc bằng mọi giá. Cả hai điều đều khả dĩ. Ở đây, Thông Biện ta thử "khảo sát" khả năng phê bình của ông Nguyễn Hưng Quốc, chỉ cần qua hai ví dụ: Ví dụ 1: Bài Buổi Sớm của Trụ Vũ: Buổi sớm dang tay ôm vũ trụ Tức thời tôi hóa cánh hoa mai Màn che cửa sổ không còn nữa Tôi nhập hồn hoa ý mãn khai và bài Thược Dược của Quách Thoại: Đứng im bên hàng giậu Em mỉm nụ nhiệm mầu Lặng nhìn em kinh ngạc Vừa thoáng nghe em hát Lời em ca thiên thâu Ta sụp lạy cúi đầu Ông Nguyễn Hưng Quốc đã luận về hai bài thơ trên như sau: "Trụ Vũ nói 'nhập hồn hoa', 'Tôi hóa cánh hoa mai' nhưng trong bài thơ, ông là ông mà hoa vẫn cứ là hoa. Những câu thơ ấy chỉ là những ý nghĩ chứ không chứng hiện một cách cụ thể. Ở bài Thược Dược thì ngược lại, có hai nhân vật: người và hoa, nhưng suốt năm câu đầu, chủ từ chỉ người (‘ta’ hay ‘tôi’ bị giấu đi. Ngỡ chỉ có hoa. Và hoa cũng không thuần túy là hoa. Hoa là ‘em’, nghĩa là một con người. Nhà thơ nhập hồn vào giữa lòng hoa để nghe hoa ‘hát’: tiếng hát của thiên nhiên, của trời đất và của muôn đời." (Nghĩ Về Thơ) Ông Nguyễn Hưng Quốc hiểu thơ kiểu gì kỳ vậy? Trong bài Buổi Sớm, chủ thể là tác giả đã bị khách thể là thiên nhiên tác động thành xúc cảm, nên chủ thể muốn hòa nhập vào cái đẹp của khách thể. Lúc ấy, trong vô thức của tác giả, khách thể đã được thu nhỏ lại, biểu tượng thành một cánh hoa mai. "Màn cửa sổ" ở đây là ranh giới giữa con người và thiên nhiên, giữa chủ thể và khách thể -đã được hòa nhập vào cánh hoa mai, là biểu tượng của thiên nhiên-, tức khách thể -thành một- (Khi Trụ Vũ nói "ta hóa" hay "ta nhập" có nghĩa là chưa hóa được, chưa nhập gì hết! Trụ Vũ chỉ nói về điều mà ông ta toan vói tới. Chứ "đã hóa", "đã nhập" được rồi thì còn đứng đó làm gì để phải nói năng lôi thôi?) Ông Nguyễn Hưng Quốc muốn tác giả "chứng hiện cụ thể" cái gì đây? Trụ Vũ làm thơ chứ đâu có công bố phát minh hóa học hay vật lý! Hơn nữa, nếu muốn phê bình bài thơ này, ông Quốc cần trang bị một số vốn kiến thức Phật Giáo, vì tác giả Trụ Vũ là một nhà thơ Phật Giáo. Ông Nguyễn Hưng Quốc đừng nên bắt chước Kim Định, đem vẽ "cái đình" thành "cái nhà thờ", chướng lắm! Về bài Thược Dược của Quách Thoại, "em" trong bài thơ là đóa hoa thược dược hàm tiếu, đang "mỉm nụ nhiệm mầu", là đang hé nở. Tác giả bị mê hoặc bởi sự kỳ điệu của nụ hoa đang hé nở. Tác giả cảm nhận trong từng chuyển động hầu như không thể thấy được của mỗi cánh hoa trên tiến trình mãn khai, một thứ diệu âm, là lời ca miên viễn bí mật của thiên nhiên. Tất cả những nhiệm mầu mê hoặc này đã khiến tác giả phải phủ phục cúi đầu. Ông Quách Thoại đâu có đòi và cũng đâu có nhập tràng nhập môn gì. Và nếu Quách Thoại "nhập hồn vào giữa lòng hoa để nghe hoa hát", và hoa là "một con người" như ông Nguyễn Hưng Quốc đã "phê", thì ai "sụp lạy cúi đầu"? Quách Thoại đã nhập vào hoa rồi nghe, chỉ còn ông Nguyễn Hưng Quốc vì thấy Quách Thoại nhập được vào hoa, ái mộ quá nên sụp lạy cúi đầu chăng? Ví dụ 2: Trong bài viết Cái Sáo Trong Thơ, ông Nguyễn Hưng Quốc chê bai những bài thơ có dùng các hình ảnh (có thể coi là cổ điển) như "tráng sĩ", "mài gươm".v.v.. là sáo. Theo Thông Biện ta, những hình ảnh vừa nói trên là một thứ ngôn ngữ ẩn dụ của thi ca, để biểu tỏ một điều gì đó. Loại ngôn ngữ này phổ quát hơn điển tích, và tuy là ẩn dụ nhưng hầu hết mọi người ai cũng hiểu được. Sáo trong thơ là như bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn. Ngược lại, ông Nguyễn Hưng Quốc đã không tiếc giấy mực để "suy tôn" bài này của Quách Tấn, đủ thấy trình độ thẩm thấu về thi ca của ông ra sao! Để giới thiệu bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn, ông Nguyễn Hưng Quốc đã huê dạng: "Một tiếng quạ kêu não nùng trong khuya khoắt lại dẫn về điển tích Ô Y Hạng trong một bài thơ của Lưu Vũ Tích thời xa xăm. Cảnh bến đò An Thái hư ảo trong sương đêm lại dắt đến bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, rồi đến bài Xích Bích Phú của Tô Đông Pha lâu lắc thời nào..." (Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam, dòng 13-18, trang 130, NXB Quê Mẹ 1988) Một bài thơ mà phải lòng vòng mượn ý, mượn hồn, mượn xác của ba bốn bài thơ Đường bằng những điển tích cầu kỳ, nếu không sáo thì là gì? Thông Biện ta nhớ có lần nói chuyện với Đỗ Kh. về văn học, khi nhắc tới Nguyễn Hưng Quốc, bổn tiên sinh ta có càm ràm về trình độ thưởng ngoạn thi ca của Nguyễn Hưng Quốc "đứng" lại ở thời Tự Lực Văn Đoàn, thì Đỗ Kh. đã bật cười khà nói rằng: "Thời tiền Tự Lực Văn Đoàn nữa mới chết chứ, anh ạ!" Bây giờ, xin mời quí độc giả thưởng lãm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn mà theo ông Nguyễn Hưng Quốc là một tuyệt tác, rồi sau đó Thông Biện ta sẽ "luận" tiếp về bài thơ này: Từ Ô y hạng rủ rê sang Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng Bồn chồn thương kẻ nương song bạc Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi Tình hoang mang gọi tứ hoang mang Liền tức thì, ông Nguyễn Hưng Quốc bèn ca rằng: "Bài thơ thành công: hàm súc và sang trọng. Người ta có thể không hiểu Ô Y Hạng là gì, Trời bến Phong Kiều và Thu sông Xích Bích ra sao, song người ta dễ bị mê hoặc ngay bởi cái vẻ giàu sang rực rỡ ở bốn câu giữa hay cái sắc vàng chói lọi cứ đọng lại hoài ở câu thứ 6 như Hoài Thanh nói trong Thi Nhân Việt Nam." (Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam, dòng 27-32, trang 130). Ông Nguyễn Hưng Quốc rõ là bất công. Chẳng lẽ ông Quách Tấn có bà con, hoặc ít ra cũng là chòm xóm cùng quê chi với ông Quốc hay sao vậy? Khi Trụ Vũ viết: "Ta nhập hồn hoa ý mãn khai", một câu thơ rất thơ, rất bình dị thì ông Nguyễn Hưng Quốc "bắt" tác giả phải "chứng hiện cụ thể"; còn Quách Tấn thì muốn viết gì thì viết, nào "Ô y hạng", nào "bến Phong Kiều", nào "sông Xích Bích", ông Quốc cho rằng không cần phải hiểu gì sốt, bài thơ vẫn cứ "phải" hay! Lạ thật! Ông Quách Tấn vì cảm xúc cảnh đêm trăng ở bến đò An Thái và ám ảnh bởi tiếng quạ kêu trong bóng cây mà làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu. Nhưng nếu thực sự cảnh bến đò An Thái đã làm Quách Tấn xúc cảnh thành thi, thì những "Ô y hạng", "bến Phong Kiều", và "sông Xích Bích" đâu có mắc mớ gì đến bến đò An Thái. Trừ phi Quách Tấn muốn khoa trương và làm dáng trong thơ, tức là sáo! Hãy đọc Hoài Thanh Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam ở đoạn chú thích về bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn: "Ô y hạng nghĩa là xóm áo đen, tên một xóm đời xưa bên Tàu. Xóm ấy có hai họ Vương, Tạ là hai họ lớn nhất con cháu thường mặc áo đen. Vậy chữ Ô ở đây không có nghĩa là con quạ. Quách Tấn dùng điển sai nhưng điều ấy tưởng rằng chẳng quan hệ gì lắm." Ít ra Hoài Thanh và Hoài Chân khi làm công việc phê bình văn học đã có trang bị cho mình một kiến thức khả dĩ. Chứ không phải như Nguyễn Hưng Quốc đã màu mè: "Một tiếng quạ kêu não nùng trong khuya khoắt lại dẫn về điển tích Ô y hạng trong một bài thơ của Lưu Vũ Tích thời xa xăm." Vì theo Thông Biện ta biết, trong bài Ô Y Hạng của Lưu Vũ Tích không có con quạ nào hết, mà chỉ có chim yến! Xin mời quí độc giả thưởng lãm bài Ô Y Hạng của Lưu Vũ Tích: Chu Tước kiều biên dã thảo hoa Ô y hạng khẩu tịch dương tà Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến Phi nhập tầm thường bách tính gia Dưới đây là phần dịch thơ, dịch nghĩa và chú thích của cụ Tản Đà: Ngõ Ô Y Bên cầu Chu Tước cỏ hoa Ô y đầu ngõ, bóng tà tịch dương Én xưa nhà Tạ, nhà Vương Lạc loài đến chốn tầm thường dân gia (Ngày Nay số 94 ngày 16/1/1938) Dịch Nghĩa: Bên cầu Chu Tước cỏ dại mọc nở đầy hoa Trong ngõ Ô y ánh mặt trời chiếu tà chiếu vào Ngày trước ở lâu đài nhà họ Vương, họ Tạ chim yến làm tổ Nay bay vào những nhà dân tầm thường ẩn trú Chú Thích: Ô y nghĩa là áo đen. Xưa đời nhà Tần trung hưng, họ Vương, họ Tạ là hai nhà quí hiển ở đó, các con em đều mặc áo đen, nhân vậy đặt tên. Bài thơ đây là lời hoài cổ. (Tản Đà) Xem ra trong bài thơ của Lưu Vũ Tích, chẳng có chút gì liên quan đến đề tài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn. Không gian trong Ô Y Hạng là cầu Chu Tước, là ngõ Ô Y. Thời gian là chiều tà. Có chim yến, có lâu đài, có nhà dân giả. Nhưng Quạ tuyệt nhiên nhiên là KHÔNG CÓ. Hai ông Hoài Thanh và Hoài Chân có thể dễ tính, cho rằng Quách Tấn dùng điển sai cũng chẳng quan hệ gì! Vì Quách Tấn là nhà thơ. Nhà thơ có quyền liên tưởng chi chi đó! Nhưng ông Nguyễn Hưng Quốc là "nhà phê bình", là "nhà biên khảo", không thể cũng bắt "CON QUẠ" bỏ ngang xương vào bài thơ Ô Y Hạng của Lưu Vũ Tích. Lưu Vũ Tích chết từ năm 842, nếu ông đầu thai qua nhiều kiếp, bây giờ may mắn làm người Việt Nam, lỡ đọc Đêm Thu Nghe Quạ Kêu của Quách Tấn, rồi lại đọc những lời tán dương Đêm Thu Nghe Quạ Kêu bằng sự "không chứng hiện" (chữ dùng của ông Nguyễn Hưng Quốc, xin "trả" lại cho ông) và thiếu kiến thức của ông Nguyễn Hưng Quốc, chắc chắn ông thi sĩ này sẽ bằng mọi giá xin "bị" biếm đi Bá Châu, Liên Châu, Tô Châu rồi Nhữ Châu như cách đây hơn một ngàn năm ông đã từng bị biếm, bị đày. Bởi vì thà bị biếm, bị đày như thế, Lưu Vũ Tích vẫn đỡ khổ hơn phải bị những người thiếu kiến thức sử dụng tên tuổi và thi ca của mình vào những trường hợp vô duyên, lãng nhách! Than ôi! Ngày xưa Romain Rolland đã viết thế này: "Người ta không thể miễn cho mình cái việc phê phán đánh giá: đó là điều cần thiết để mà sống." Nhưng phê phán đánh giá thì phải phê phán đánh giá cho đúng kìa. Trong Vân Đài Loại Ngữ, cụ Lê Quý Đôn cũng đã cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc như sau: "Văn chương là của chung thiên hạ, phân tích thì được chứ không nên chê mắng." Nhưng cụ Lê Quý Đôn quên không có lời dạy về thái độ phải cư xử ra sao với những "nhà phê bình" thiếu kiến thức? Và Púshkin, vầng thái dương của thi ca Nga cũng có nói: "Ở đâu không có tình yêu nghệ thuật thì ở đó không có phê bình." Thông Biện ta vô cùng đồng ý. Vì do bởi tình yêu nghệ thuật mà rất nên làm công việc phê bình. Phê bình trong tinh thần phân tích như lời khuyên của cụ Lê Quí Đôn. Và cũng do bởi tình yêu nghệ thuật, lại rất cần có thái độ phải chăng với những "nhà phê bình" thiếu kiến thức nhưng hay màu mè "dàn trận" mà lòe thiên hạ. Còn cái bọn lóc nhóc, kiểu mỗi năm viết một bài Tổng Kết Văn Học dấm dớ vào dịp đầu xuân, hay cái lũ khoái "được mời" viết lời tựa, lời bạt lăng nhăng để làm phương tiện kết đảng tụ bè, thì sá gì! Thiết nghĩ, không cần phải hao hơi phí sức! Chú thích:(°) Cung Vũ, Dương Thượng Ngã là bút hiệu khác của Nguyễn Hữu Nghĩa. (Chú thích của TTBG).