Trong lịch sử chinh phục bầu trời cái tên Amelia Mary Earhart không chỉ khiến người ta thán phục mà còn gợi bao sự tò mò. Người phụ nữ ấy đã dũng cảm mở đường cho phái yếu chinh phục những đường bay quốc tế để rồi biến mất không một dấu vết để lại biết bao những phỏng đoán và cả những huyền thoại cho những thế hệ sau. Amelia Mary Earhart sinh ngày 24 tháng Bảy năm 1897 tại Atchison, Kansas, trong một gia đình có truyền thống làm nghề luật sư. Khi còn nhỏ Amelia là một cô bé tinh nghịch, thường thích những trò như trèo cây, săn chuột v.v… Sau khi tốt nghiệp trường trung học Hype Park, Amelia đến Canada. Bà tham dự một lớp đào tạo hộ lí rồi ra làm việc tại viện quân y ở Toronto. Năm 1919 bà bắt đầu theo học tại đại học Colombia nhưng chỉ học được một năm bà quyết định bỏ học. Trong một chuyến thăm triển lãm hàng không ở Long Beach với cha mình, Amelia lần đầu tiền nếm trải cảm giác được ngồi trên máy bay và trải nghiệm đó khiến bà vô cùng thích thú. Bà quyết định theo học lớp huấn luyện phi công tại phi trường của Kinner. Sáu tháng sau bà mua một chiếc máy bay của nhà sản xuất Kinner và đặt tên cho nó là Canary. Bà mau chóng trở thành người phụ nữ thứ 22 trên thế giới được cấp bằng lái máy bay. Ngày 22 tháng Mười năm 1922, Amelia đã lập kỉ lục bay của nữ phi công với thành tích bay ở độ cao 140.000 fit (4267m). Không lâu sau Amelia bán chiếc Canary và chuyển tới Boston. Ở đó bà đầu tư tiền vào hãng sản xuất máy bay Kinner đồng thời tham gia viết báo để quảng bá máy bay cho Kinner và khuyến khích phụ nữ tham gia chinh phục các đường bay. Năm 1928 Amelia nhận lời thực hiện chuyến bay đầu tiên do phụ nữ lái vượt Đại Tây dương. Cùng thực hiện chuyến bay với bà có phi công Wilmer Stultz và thợ máy Louis Gordon. Trong chuyến bay này chiếc Fokker F7 cất cánh từ Trepassey Harbor, ở Newfoundland và ngày 17 tháng Sáu năm 1928, và sau 21 giờ bay đã hạ cánh xuống cảng Burry ở xứ Wales. Amelia đã viết trong nhật ký chuyến bay: “Nếu ai nhìn thấy chiếc máy bay này rơi thì hãy hiểu rằng thất bại này là do tôi đã bị lạc trong cơn giông mất một giờ”. Tuy nhiên chiếc Fokker F7 đã trở về an toàn trong sự đón chào hân hoan của cả nước Mĩ. Sau khi kết hôn với nhà báo George Putnam, người phụ nữ đầu tiên lái máy bay vượt Đại Tây Dương đã lập kỉ lục bay mới ở độ cao 5613m. Năm 34 tuổi, Amelia với chiếc máy bay một động cơ mang tên Lockheed Vega quyết định thực hiện một chuyến bay duy nhất một người lái tới Paris, nhưng vì tuyết rơi nên máy bay của bà buộc phải dừng ở Bắc Ireland. Với thành tích một mình lái máy bay qua Đại Tây Dương, Amelia được tổng thống Mĩ Herbert Hoover trao tặng huy chương vàng của Hội địa lý quốc gia. Năm 1935 sau các chuyến bay một mình từ Honolulu, Hawaii đến Oakland, California, từ Los Angeles đến Mexico City, Amelia được mời vào làm việc ở đại học Purdue với tư cách là chuyên gia cố vấn cho các nữ sinh viên khám phá những lĩnh vực mới. Năm 1936 đại học Purdue cung cấp tài chính cho Amelia chuẩn bị chuyến bay vòng quanh thế giới với chiếc máy bay mang tên Lockheed L-10E Electra. Đó không phải là chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên nhưng nó được dự định là chuyến bay dài nhất với tổng đường bay gần 47.000km. Fred Noonan, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cả về đường biển và đường không được chọn làm hoa tiêu cho Amelia Earhart. Ngày 17 tháng Ba năm 1937, Amelia và Fred Noonan bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới. Chặng bay đầu tiên của họ bắt đầu từ Oakland, California đến Honolulu, Hawaii. Họ nghỉ ba ngày rồi bắt đầu chặng hai. Bắt ngờ trong khi cất cánh, máy bay đã bị nổ lốp khiến họ phải quay về California để sửa chữa. Vào ngày mùng 1 tháng Sáu năm 1937 họ bay từ Miami đến Nam Mĩ, rồi đến Châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, và Lae ở New Guinea, đảo lớn thứ hai của Australia. Đến được Lae, Amelia và người hoa tiêu của bà đã bay được tổng số 35.000 km và còn phải hoàn thành nốt 11.000 km đường bay nữa. Này mùng 2 tháng Bảy năm 1937 máy bay của họ cất cánh từ Lae. Họ dự định bay tới đảo Howland ở phía tây nam Honolulu, Hawaii cách Lae 4113 km. Nhận được thông báo của họ, tàu tuần tra của Mĩ ở Howland đã chuẩn bị sẵn sàng để hướng dẫn chiếc Lockheed L-10E Electra hạ cánh. Nhưng người ta đã không bao giờ được thấy chiếc máy bay của Amelia hạ cánh xuống Howland và cũng không bao giờ biết chắc nó đã hạ cánh xuống bất cứ đâu khác. Lần liên lạc thành công cuối cùng với chiếc Electra cho thấy nó đang bay phía trên đảo Nukumanu. Chính phủ Mĩ đã bỏ ra 4 triệu đô la để tìm kiếm Amelia nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cuộc tìm kiếm tốn kém và căng thẳng vào bậc nhất trong lịch sử ấy đã không đem lại kết quả. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng máy bay của Amelia đã đâm xuống biển do hết nhiên liệu. Có giả thuyết cho rằng Amelia đã cho máy bay hạ cánh xuống đảo Gardner và bỏ mạng ở đó. Một giả thuyết khác cho rằng chiếc Electra đã rơi vào tay phát xít Nhật. Lại có người cho rằng Amelia và Noonan đã bay trở về Mĩ và sống cuộc đời bình lặng dưới những cái tên mới. Cho đến nay sự biến mất của Amelia Earhart và người hoa tiêu của bà vẫn còn là một bí ẩn. Cho dù biến mất vì nguyên nhân gì thì người phụ nữ độc lập, quả cảm trong lựa chọn sự nghiệp, khát khao khẳng định sức mạnh, và quyết tâm ấy vẫn được cả nước Mĩ và thế giới ngưỡng mộ. Để tưởng nhớ Amelia Earhart người ta đã dựng một ngọn hải đăng mang tên bà ở đảo Howland. Từ ngoài khơi cách đảo gần chục dặm, những người đi biển có thể nhìn thấy ngọn hải đăng này dẫn đường cho họ tới bến đỗ của những con tàu.