Hồi IX
LỄ ĐỘNG THỔ BẰNG NĂM NGÀN HỌC ĐƯỜNG
KHU LIÊN HỢP XỨNG TẦM “CÔNG NGHIỆP HOÁ”

Thế là công việc chuẩn bị cho lễ khởi công Liên doanh Vật liệu mới Viêt-Nhật tại Vũng Tầu được Ban cố vấn lên kế hoạch chi tiết để tiến hành gấp. Ba người được phái vào Vũng Tầu để thuê mướn việc dựng lễ đài, làm biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu, dán giấy xanh đỏ vào cán cuốc xẻng, mua sâm banh, nước giải khát, đặt tiệc, khách sạn v.v… Ba người nữa vào Thành phố Hồ Chí Minh lo việc đón tiếp và thuê khách sạn để trung chuyển khách tại đấy. Hai Ban khánh tiết khác được thành lập trong đó một ban lo mua vé máy bay khứ hồi, thuê ô tô du lịch đưa đón  khách từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đi Vũng Tầu và trở về ngược lại. Khách gồm toàn bộ từ cấp trưởng, phó phòng, ban trở lên của Tổng công ty; đại diện các Cục, Vụ, Viện và Lãnh đạo Bộ chủ quản; đại diện các Bộ ban ngành hữu quan khác khác …với con số dự kiến là 360 đại biểu. Một ban lo mua và chuẩn bị túi quà quảng cáo để “kính gửi” các đại biểu trong đó phải có quyển catalogue giới thiệu về loại vật liệu công nghệ mới mà Liên doanh sẽ sản xuất, tờ in chương trình lễ khai trương, quà lưu niệm là chiếc áo sơ mi có in biểu tượng nhà máy vật liệu mới và thứ “cốt lõi” trong túi quà là một hồng bao.
Để lễ khởi công diễn ra được hanh thông, công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, một cuộc họp giữa Lãnh đạo Tổng công ty và LãnH đạo Trung tâm được triệu tập gấp. Ông Chủ Tịch Hội đồng quản trị Tùm Lum vừa ngồi vào đã vội đứng lên đếm đầu đại biểu giống như người kiểm đếm gia súc xem đã đủ chưa và hỏi:
- Anh Mã và cô Đan Hạnh đâu nhỉ?
Ông cố vấn trưởng đứng lên:
- Báo cáo anh, cho cô, cậu ấy đến đây làm gì ạ, mọi việc tôi đã chuẩn bị xong để báo cáo Tổng công ty đây rồi.
- Bộ trưởng đã chỉ đạo phải cho thằng Mã nó tham gia  vào  các công việc cho nó quen dần đi mà!
- Báo cáo anh lần này lại cho cậu ấy đóng cái vai “người dẫn chương trình”. Còn nội dung chương trình của lễ khởi công đã được viết chu đáo, tôi đang cho anh em hướng dẫn cậu ấy tập ở Trung tâm rồi ạ.
Ông Chủ tịch bảo:
- Được, nhưng nhớ phải cho nó diễn thử, không ra đấy mà nó lại văng tục là hỏng bét cả đấy.
- Anh an tâm đi, hồi này cậu ấy tiến bộ lắm rồi ạ.
- Thôi, chúng ta bắt đầu nhé! – Ông Chủ tịch Um tuyên bố - Trung tâm báo cáo xem công việc chuẩn bị đến đâu rồi nào?
Ông Cố vấn trưởng đứng lên báo cáo những việc Trung tâm đang chuẩn bị như đã nói ở trên.
Ông Tổng Chúi hỏi:
- Thế chuẩn bị đón tiếp bao nhiêu đại biểu?
- Dạ, 360 Việt Nam và mười đoàn khách nước ngoài gồm 40 người, vị chi là đi 400 đại biểu, đúng như con số Phòng Đối ngoại đưa đấy ạ.
Lão Dũng gàn lên tiếng:
- Phòng Đối ngoại chỉ đưa ra con số khách mời ngoài này để cho các ông dự trù vé máy bay và xe cộ đón rước, còn đại biểu trong Văn Phòng II và các cơ quan phía Nam, rồi quan khách các ngành sở tại Vũng Tầu - Côn Đảo nữa, các ông Trung tâm phải tự làm chứ!
Ông Tổng Chúi lại lên tiếng:
- Đúng đấy, như vậy tổng số đại biểu phải ngót nghét 1.000, thôi cứ dự trù một ngàn đại biểu đi. Thế phong bao ra sao rồi?
- Dạ báo cáo anh, Trung tâm đã chuẩn bị mỗi phong bì “một tờ” rồi ạ.
- Làm gì mà lắm thế, số khách là người nhà thì miễn phong bì đi - Trưởng phòng Đối ngoại đề xuất.
- Không được! – Ông Chủ Tịch Hội đồng quản trị Tùm Lum chỉ đạo - Cứ phải một ngàn xuất, nhưng không thể đánh đều cả làng thế được. Những bì để trong túi quà của Thanh tra các cấp, đại biểu Bộ Tài chính và 11 đại biểu phía đối tác Nhật Bản là những người sau này mình phải hạch toán và giải trình với họ, nên phải để vào cho tôi 10 “tờ”, còn các bì khác thì một “tờ” thôi. Nhưng nhớ ghi vào hạch toán với phía đối tác là cả một ngàn bì mười “tờ”. Vì Liên doanh này mình chỉ có cổ phần ở quyền sử dụng đất là 20% thôi, còn 80% là vốn của họ góp. Các chi phí cho buổi lễ động thổ này họ cũng phải chịu 80%, cho nên phía mình đã đứng ra lo liệu thì hãy cứ làm cho đàng hoàng chu đáo. Như vậy tổng dự trù cho buổi lễ độ khoảng bao nhiêu nhỉ?
- Báo cáo anh – Ông Cố vấn trưởng nói – như vậy cả vé máy bay, phí xe đưa đón đi lại, khách sạn, ăn uống, quà cáp, phong bao cho mỗi đại biểu khoảng 30 triệu, một ngàn đại biểu vị chi đi là 30 tỷ. Cộng với chi phí phần lễ thì tính tròn vào khoảng 2 triệu đô thôi ạ.
- Rẻ, rẻ quá! – Ông Tổng Chúi khen – Tôi đã bảo mình tự đứng ra làm thì tiết kiệm được bao nhiêu chi phí so với mấy cái lễ trước động thổ nhà máy của mình mà phải thuê  người ngoài vào làm!
- Vâng rẻ quá  đấy! – Lão Dũng gàn trưởng phòng Đối ngoại lại giở giọng châm chọc quen thuộc – Cái Lễ động thổ này của mình dễ thường mua được đàn trâu của cả nước Việt Nam đấy, mà bây giờ cũng chẳng làm gì còn trâu mà mua. Nên nó chỉ tương đương với một ngàn ngôi nhà tình nghĩa loại sang là 30 triệu đồng một ngôi, hoặc năm ngàn phòng học cho trẻ em nghèo nhà quê thôi.
Ông Chủ Tùm Lum gắt:
- Cái cậu này chỉ được cái tào lao, sao so sánh khấp khểnh thế mà cũng nói được. Tôi hỏi cậu, mình có mất cái gì không nào? Ba miếng đất chó ỉa cứ để đấy thì chỉ tổ cỏ rả, lau sậy nó mọc um tùm chứ có ra được cái thóc gạo của cải gì không? Mà không bày ra cái lễ này, dễ thường cậu móc túi được của mấy ông Nhật lùn mà đi mua trâu, xây nhà, làm trường đấy chắc?
- Dạ, sếp đã nói thế thì em xin chịu. Em chỉ muốn so sánh với mấy cái lễ động thổ trước của các nhà máy vốn trong nước, thì cái lễ động thổ này ta tiết kiệm được nhiều quá đấy ạ!
Và chỉ ba ngày sau, một lễ động thổ xây dựng nhà máy Liên doanh sản xuất vật liệu mới đã diễn ra đúng dự định, rất hoành tráng tại Khu Công Vũng Tầu. Hôm đó giám đốc Trung tâm Lê Hữu Mã lại có dịp được thể hiện vô cùng xuất sắc vai diễn của mình, theo đúng kịch bản viết sẵn và đạo diễn của Ban cố vấn. Hôm đó không những nó đọc thuộc lầu lời phi lộ ban đầu, rồi giới thiệu đại biểu, dẫn dắt chương trình rất suôn sẻ, đâu vào đấy. Khi tiến hành “kính mời” tiệc đứng coke-tail, nó còn cầm cốc vang đỏ Boóc-đô Pháp đi “Cheers! Cheers!” (Chúc sức khoẻ!), rồi còn lần lượt bắt tay tất cả các ông Tây bà đầm khác mà “I’ve the  great honour of making acquaintance with you” (Tôi rất lấy làm hân hạnh được làm quen với quí ngài!). Sau vai diễn tại lễ động thổ này tiếng tăm và hình ảnh nó càng nổi như cồn, chẳng những người ngoài Tổng công ty ở Hà Nội biết nó, mà nhân dân cả nước  và cả kiều bào nước ngoài lẫn dân cả thế giới cũng biết đến nó. Thành công trong việc tổ chức lễ động thổ lần này, TRUNG TÂM XUẤT KHẨU NGƯỜI liền thừa thắng xốc tới, chuẩn bị tổ chức tiếp mấy lễ động thổ nữa của Tổng công ty. Một đội quân tiếp thị được tung ra để đi mời chào khắp nơi các cơ quan, đoàn thể đặng giành hợp đồng làm dịch vụ khánh tiết, rồi nhảy sang cả lĩnh vực dịch vụ tổ chức hội nghị, liên hoan và đám cưới, đám ma v.v… có nghĩa là mời chào được ai thuê cái gì là “divu” cái đó luôn.
Giám đốc Mã Tóc Xoăn luôn được bố trí xuất hiện trong những “divu” nào có quay phim, chớp ảnh. Nó thường xuất hiện trong bộ lễ phục com-lê đen, sơ mi trắng cổ cồn, cài nơ tím với cái mũ phớt mầu lông chuột trông thật giống vua hề Sác lô. Cũng phải công nhận nó tiến bộ vượt bậc. Những bài diễn văn chào mừng hay phân ưu mà Ban cố vấn soạn ra bắt nó học thuộc lòng  để “diễn” trong những đám đầu tiên, còn từ đám sau trở đi nó đã biết tự  “cắt, dán” thay tên đổi họ gia chủ hoặc tang chủ để chào mừng hoặc phân ưu “vo” bằng mồm, không cần giấy tờ gì cả. Ai nói lời cảm ơn, hay tỏ ý nhờ vả gì là nó đều rất lịch thiệp đặt tay lên ngực rồi tự cúi gập người mà “Chúng tôi rất lấy làm vinh hạnh”, như thể nó “replay” đoạn băng hình mà ông nội hờ Xuân Tóc Đỏ của nó diễn tại tiệm may Âu hoá của vợ chồng ông bà Văn-Minh cách đây hơn nửa thế kỷ, chứ tuyệt nhiên không ai thấy nó “đù cha, mẹ kiếp” nữa!
Cùng lúc tiến hành với khối công việc XUẤT KHẨU NGƯỜI và làm dịch vụ khánh tiết, đám ma, đám cưới…Trung tâm cũng đang phải hối hả bắt tay vào làm dịch vụ chuyển giao Khu Liên hợp các nhà máy vật liệu xây dựng đang thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty tức là sở hữu của Nhà nước Trung ương về cho tỉnh T. tức là thành sở hữu của Nhà nước địa phương. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp Trung ương giúp đỡ phát triển công nghiệp địa phương. Chủ trương này của Chính phủ đã được Tổng công ty VINAMAPROTEXCO hưởng ứng một cách vô cùng tự giác và sốt sắng. Bởi vì Khu Liên hợp công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng này gồm mấy nhà máy xi măng lò đứng công xuất nhỏ, nhà máy cán thép mini và nhà máy gạch nung bằng than đá theo phương pháp cổ truyền với những thiết bị thuộc hàng “cổ lai hy” được một nước Xã hội Chủ nghĩa anh em viện trợ không hoàn lại cho ta từ hồi chiến tranh chống Mỹ. Thực ra nó đã hết hạn khấu hao từ đời lâu cố lấu nào rồi, nhưng không hiểu sao vẫn được Nhà nước ghi vào mục tài sản cố định của VINAMAPROTEXCO với số vốn hàng chục tỷ đồng. Chắc trị giá số tài sản này chỉ là giá trị sử dụng của một vùng đất mênh mông mà  Khu Liên hợp các nhà máy đang ngự trị trên đó và giá trị tài sản vô hình là kinh nghiệm và chất xám của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật được tích luỹ bao nhiêu năm làm việc trong Khu Liên hợp này, chứ còn trị giá thiết bị thì đúng ra phải tính bằng con số âm vì những thứ đó còn gây ra ô nhiễm môi trường cần phải tốn thêm tiền để xử lý nữa. Nhưng sự chuyển giao công nghệ và thiết bị toàn bộ của Khu Liên hiệp này nó đã tạo nên mối lương duyên vô cùng tốt đẹp giữa hai đơn vị kết nghĩa là Tổng công ty VINAMAPROTEXCO và tỉnh T. Cả hai bên cho và nhận đều biết rất rõ điều này, nhưng cả hai bên vẫn mở cờ trong bụng để chuyển giao và tiếp nhận với nhau một cách vô tư. Bởi lẽ Tổng công ty  tống khứ được cái mớ thiết bị cũ kỹ, xộc xệch, cổ lỗ, lạc hậu âý đi, sổ sách của họ được giảm đi số tài sản cố định hàng chục tỷ đồng, rồi có cơ hội Nhà nước cấp bổ sung bằng một nguồn kinh phí mới cho họ đầu tư vào những thiết bị hiện đại tân tiến khác, thế làm gì mà họ chẳng vui sướng khác nào như ông giám đốc phong tình ly dị tống khứ được bà vợ già khú đế, chân đất mắt toét, quê mùa ra khỏi cửa để cưới cô thư ký trẻ xinh như mộng? Còn Tỉnh thì tuy cũng biết cái gọi là Khu Liên hợp kia nó cũng chẳng ra gì, nhưng nhận nó thì chỉ có những “được” thôi chứ nào có “mất” cái gì của bọ? Thứ nhất là được cho không một Khu Liên hợp công nghiệp để một tỉnh nghèo đồng bằng chuyên lúa có cơ mà “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá” dần lên, cho nên dù nó có méo mó, nhưng mà có còn hơn không. Cái được thứ hai là Nhà nước sẽ cấp cho Tỉnh mấy chục tỷ đồng để làm vốn đối ứng tiếp nhận, xây dựng và chạy thử cho cái của nợ kia. Cái được thứ ba là Khu Liên hợp tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động thì giải quyết được hàng nghìn lao động đang không có công ăn việc làm (chứ không gọi là thất nghiệp) của Tỉnh. Cái được thứ nữa (cái này mới là quan trọng) là cái chưa thể nói ra cho bàn dân thiên hạ biết được (mà để cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra thì chỉ có mà hỏng việc) mà nhà lãnh đạo cao nhất của Tỉnh và ông chủ VINAMAPROTEXCO Tùm Lum đã đi ngầm với nhau khi bàn thảo để chuyển giao và xây dựng Khu Liên hợp này rồi. Điều ấy thì rồi sau này mọi người sẽ tự tìm để mà cố hiểu ra cái nguyên nhân sâu xa tại làm sao mối lương duyên của kẻ cắp, bà già gặp nhau, hai bên mướp đắng, mạt cưa cùng phường mà lại gắn bó mặm nồng với nhau đến vậy?
Tại Tổng công ty VINAMAPROTEXCO một Ban Bàn Giao được chính thức thành lập gồm có ông Tạ Tấn Um, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm trưởng Ban và hai phó Ban là Lê Xuân Nghênh, trưởng phòng Tổ chức cán bộ làm thường trực kiêm đặc phái viên của Trưởng Ban Um có quyền đi gặp Trưởng Ban Tiếp Nhận tức người đứng đầu Tỉnh T. để trao đổi những điều tế nhị trong phạm vi hẹp hay trong phòng kín (Vì Nghênh là “người quê gốc” tỉnh T.) và Lê Hữu Mã, giám đốc Trung tâm có nhiệm vụ xuất hiện trong những nghi lễ bàn giao hoặc giao nhận thiết bị, hàng hoá và đảm đương những xuất diễn khi cần thiết trong suốt quá trình bàn giao. Thành viên thường trực gồm ba ông nữa trong số mười ông, bà Ban cố vấn của Trung tâm và mười lăm cán bộ của Ban Bàn Giao lấy trong số chuyên viên còn tương đối ít việc của Trung tâm để lo thuê mướn người tháo dỡ, vận chuyển thiết bị của toàn bộ các nhà máy trong Khu Liên hợp của Tổng công ty đến xây dựng, lắp đặt  cho Tỉnh thành Khu Liên hợp công nghiệp mới. Nhiệm vụ của Ban Bàn Giao thật nặng nề là làm sao để tiêu cho bằng hết số tiền đối ứng ba mươi tỷ đồng mà Nhà nước đã cấp cho tỉnh T. trong việc tiếp nhận và xây dựng khu Liên hợp công nghiệp này (Nếu có thiếu phải báo cáo ngay đặng kịp thời làm kế hoạch mà xin thêm nữa). Có nghĩa Ban Bàn Giao vừa là Nhà Cung Cấp thiết bị, vừa là Bên B nghiễm nhiên tự chỉ định, không cần phải thông qua đấu thầu với ai cả để giành quyền xây dựng công trình. Nhiệm vụ của họ là “trèo hái” cho bằng hết “chùm khế ngọt” của bên A, tức chủ đầu tư Tỉnh T., hay nói cho cùng là khoản vốn đối ứng mà Nhà nước cấp, tức nguồn vốn lấy trong ngân sách bằng tiền đóng thuế của dân lao động trong cả nước, để phục vụ cho lợi ích riêng của một số người trong Tổng công ty VINAMAPROTEXCO.
Mọi công việc tháo dỡ, vận chuyển, xây dựng, lắp đặt đều diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ kế hoạch. Giữa miền quê đồng bằng ven biển với những đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, bỗng ngày đêm xình xịch tiếng xe máy chạy hối hả, vận chuyển những khối bê tông, kết cấu thép vĩ khụ siêu trường siêu trọng rầm rập lướt qua, phá nát hết cả những con đường đất mịn màng êm ả từ bao đời nay biến nó thành những ổ trâu, ổ voi bùn  nước tung toé ra hai bên ven đường, đến nỗi trẻ con không còn biết đến trường bằng con đường nào nữa. Rồi dần dần những phân xưởng sản xuất được mọc lên bằng những bộ khung sắt han gỉ đáng làm phế liệu và những mái lợp fibro xi măng xám xịt, sứt mẻ, cóc cách của những thứ vật liệu dã chiến và những cỗ máy công cụ phay, bào, tiện, đột dập cũ kỹ đến mức không thể nhìn ra niên đại và tên tuổi nơi sản xuất ra nó nữa, những dàn cán thép mini đã mòn vẹt han gỉ, những lò đứng xi măng công suất chỉ vài tấn/mẻ khói bụi mịt mù, loại mà cả thế giới đã cấm dùng để bảo vệ môi trường từ cách đây hàng thập niên rồi… Toàn những thứ mà nước bạn đã viện trợ không hoàn lại cho ta  từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nay được tháo ra rồi lại lắp vào để “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” cho Tỉnh T. Dù sao thì giữa cái xứ xưa nay chỉ biết đến cây lúa, nay lại thấy mọc lên lố nhố những toà rộng dãy dài, có mái lợp bằng những tấm xi măng cứng chứ không phải mái rạ, có những ống hứng khói cao vút lên trời thay cho những làn khói chui qua mái rạ, thì chí ít nó cũng giúp cho học trò cấp một của tỉnh nhà có tư liệu mà đưa vào những bài tập làm văn tả cảnh  “quê hương em đổi mới”.
Khu Liên hợp các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh mới đang trong giai đoạn lắp dựng, chưa hoàn công để đi vào hoạt động, nhưng báo, đài của Tỉnh  và cả của Trung ương nữa  liên tục đưa tin về tiến độ xây dựng và viễn cảnh tương lai bước vào giai đoạn “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” của Tỉnh. Trong những thông tin ấy người ta chú ý nhất đến thông tin tại khu nghỉ mát trong bãi biển của tỉnh cũng đang được song song tiến hành xây dựng khu điều dưỡng, nghỉ ngơi cho công nhân Khu Liên hợp. Nếu người nông dân nào của tỉnh sau này được tuyển vào làm việc tại Khu Liên hợp để biến cải thành phần từ bần, cố nông sang giai cấp công nhân tiên phong thì quả là đã làm được cuộc cách mạng đổi đời hiếm có. Họ từ bỏ được cảnh chân lấm tay bùn để rồi suốt ngày được  “anh ngồi hát vặn máy, chị đi giầy làm vườn” rồi hàng năm được đi điều dưỡng, nghỉ mát miễn phí trong khu nhà nghỉ ngơi ở bờ biển  Khu Liên hợp.
 Cuối cùng sự mong đợi của hơn năm triệu con dân trong tỉnh nhà đã thành hiện thực. Chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng kể từ hôm làm lễ động thổ khởi công, một số hạng mục chính của các nhà máy trong Khu Liên hợp công nghiệp như  lò nung gạch bằng than đá theo phương pháp cổ truyền; xưởng cán thép mini, nhà máy xi măng lò đứng công xuất 2,5 tấn/ngày đã đi vào giai đoạn chạy thử. Một tiến độ mà có lẽ trên toàn cõi Việt Nam này chưa có một Liện hợp công nghiệp nào xây dựng, lắp đặt được nhanh như vậy. Có được tiến độ này một phần lớn nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp và sát sao của hai vị quan đầu Tỉnh và Tổng công ty, phần nữa cũng vì ý đồ của Ban cố vấn TRUNG TÂM XUẤT KHẨU NGƯỜI muốn xong việc mà rút ra khỏi cái dịch vụ này càng sớm càng tốt, để còn “đi đánh quả khác”, nên họ đã thuê công nhân xây dựng làm đêm, làm ngày liên tục ba ca ròng rã trong sáu tháng trời chẳng quản mưa nắng.
Tất cả nguyên vật liệu và công việc điều hành cho việc chạy thử đều do bên B tức bên chuyển giao và thi công là VINAMAPROTEXCO đảm nhiệm. Họ đã cho chuyên chở phôi thép, đá vôi, thạch cao, than anthracite Hòn Gay từ kho của Tổng công ty đến cho Khu Liên hợp của Tỉnh. Các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật giỏi nhất về vận hành cán thép và xi măng lò đứng của họ cũng đã được phái đến để điều hành phô diễn cuộc chạy thử này.
Mọi người đã tận mắt thấy được những cuộn thép tròn Ø6 mm còn đỏ đòng đọc nhảy múa cuộn tròn lại từng khoanh đều tăm tắp vào thành cuộn lớn, những bao xi măng mang nhãn hiệu con rồng và chữ tên tỉnh nhà lần lượt chạy từ băng chuyền ra cho hai người công nhân mặt và đầu bịt kín chỉ còn hở hai con mắt bắt lấy rồi xếp thành từng đống lớn, thấy mấy ống khói của nhà máy xi măng lò đứng và lò nung gạch cổ truyền thi nhau phun khói trắng đục lên phủ kín cả bầu trời Khu Liên hợp…
Một Lễ chào mừng chạy thử gọn nhẹ nhưng trang trọng cũng đã được  cả hai bên Tỉnh và Tổng công ty phối hợp tổ chức. Trong buổi lễ đó người ta nhìn trên TV thấy sự hiện diện đầy đủ các vị chức sắc các ban, ngành của tỉnh sở tại, ông Tùm Lum chủ tịch Hội đồng quản trị VINAMAPROTEXCO và tất nhiên không thể thiếu vai diễn của người giới thiệu và dẫn chương trình, đồng thời còn là chủ thể của bên B tức người đặt bút ký vào bản hợp đồng dịch vụ xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị dày trên mười trang giấy A4 với hàng trăm điều khoản và hàng tạ bản vẽ cùng tài liệu kèm theo là bộ phận không thể tách rời của bản hợp đồng, là giám đốc Trung tâm xuất khẩu người Lê Hữu Mã.
Nó phát biểu:
- Thưa quí vị, hôm nay với tư cách là người trực tiếp đặt bút ký hợp đồng dịch vụ xây dựng, lắp đặt và chuyển giao công nghệ với Tỉnh, tôi vô cùng tự hào báo cáo với tất cả quí vị quan khách có mặt tại đây và đồng bào tỉnh nhà rằng tất cả các hạng mục công trình của Khu Liên hợp công nghiệp đã hoàn thành đúng tiến độ, đã đi vào chạy thử rất ổn định. Từ giờ phút này toàn bộ công trình của Khu Liên hợp công nghiệp được bàn giao lại cho Quí Tỉnh, trách nhiệm của bên B chúng tôi chấm dứt từ đây.
Không biết có được ai xui không, chứ những bài phát biểu “vo” của nó bây giờ rất khôn ngoan và láu cá  đến mức…quá đúng luật, không ai còn chê bai bắt bẻ vào đâu được nữa. Uy tín nó bây giờ được trùm lên cả một tỉnh vùng quê lúa đồng bằng ven biển nữa.
Sau ngày chạy thử và lời phát biểu chấm dứt trách nhiệm của giám đốc Mã Tóc Xoăn, hai bên lại chính thức ký biên bản bàn giao công trình Khu Liên hợp công nghiệp. Toàn bộ người quản lý, bảo vệ và công nhân lắp đặt xây dựng của bên B đều được rút êm để nhường chỗ  cho trên một ngàn năm trăm người quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân của Tỉnh vừa  được tuyển gấp vào. Những cán bộ kỹ thuật nào của bên B được tỉnh mời giữ lại làm việc một thời gian để truyền dạy nghề và chuyển giao dần công nghệ thì họ đều được hưởng lương và chế độ ăn, ở đi lại như những chuyên gia nước ngoài do Tỉnh đài thọ.
Sau hai bảy mười bốn ngày chạy thử, tất cả “máy móc vẫn hoạt động tốt”, trừ vài trường hợp hỏng hóc nhỏ. Các vị chức sắc của Tỉnh phấn khởi lắm, nhất là vị quan đầu Tỉnh, đi đến đâu, tại hội nghị nào ông cũng say sưa nói là “muốn có công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt là phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước, biết cách liên doanh liên kết với các doanh nghiệp công nghiệp lớn ở Trung ương”. 
Nhưng thật chớ trêu thay và cũng thật đáng trách thay những thần dân của Tỉnh nhà  không biết họ là những người nông dân lạc hậu đứng trước Núi Thái mà chẳng thấy cao, nhìn thấy đồ tốt mà không biết dùng hay là họ đều là những kẻ không có lòng tự tôn dân tỉnh, thấy  sắt thép, xi măng của Khu Liên hợp sản xuất ra chất cả đống, có biển đề giá rao bán đàng hoàng mà cấm có kẻ nào chịu đến mua cả.  Họ cứ chê chất lượng kém, giá lại cao hơn gấp nhiều lần giá thép Thái Nguyên, xi măng Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch… Ngay cả đến sản phẩm gạch của Liên hợp ra lò trông đỏ sậm như sành mà họ cũng cứ chê là đắt hơn gạch máy tu-nen rồi không chịu mua. Cho nên Liên hợp phải xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh tạm cho ngừng sản xuất để tính toán lại chi phí đầu vào.
Một Tổ công tác đặc biệt được thành lập gấp theo quyết định của quan đầu Tỉnh, gồm các chuyên gia giỏi, lâu năm, có nhiều kinh nghiệm về tài chính, kinh tế, giá cả, thị trường lấy từ các ban, ngành trong Tỉnh. Chẳng khó khăn mấy Tổ công tác đã tính toán ngay ra rằng do thiết bị quá cũ, kỹ nghệ lạc hậu nên quá trình gia công sản phẩm tốn quá nhiều điện, nhiên liệu, nguyên liệu so với các nhà máy thiết bị mới. Hơn nữa sản phẩm làn ra hỏng quá nhiều. Thí dụ theo các nhà máy mới hiện nay chỉ cần dùng 1,03 tấn phôi có thể cán ra được 1 tấn thép thành phẩm, nhưng nhà máy này phải dùng đến 1,4 tấn phôi mới ra được 1 tấn sản phẩm.  Nếu như Tỉnh bỏ tiền ra mua các loại  vật tư như phôi thép, đá vôi, thạch cao v.v…theo giá thị trường để đưa vào làm nguyên liệu sản xuất tiếp thì đã tương đương thậm chí có cái cao hơn so với giá mua sản phẩm các loại sắt thép gia công của các làng nghề Đa Hội, Bắc Ninh hoặc xi măng địa phương mác 200 đang bán nhan nhản khắp nơi, nếu cộng thêm giá nhân công, điện, nước, than, đất sét vào nữa thì giá sản phẩm của tỉnh phải cao hơn trung bình một lần rưỡi của sản phẩm nơi khác. Hơn nữa chất lượng sản phẩm trong Khu Liên hợp Tỉnh ta chưa chắc đã được bằng những loại hàng gia công ấy. Cho nên dân trong Tỉnh sợ mua rồi về xây nhà, thì nhà sẽ đổ nên không dám mua chứ không phải họ không có tinh thần tự tôn dân Tỉnh. Cái qui luật cung cầu thị trường khắc nghiệt nó đã thắng thế những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, nên Khu Liên hợp công nghiệp hoành tráng là vậy, mới vừa qua giai đoạn chạy thử đã bị tạm ngừng sản xuất để đợi thời cơ bao giờ thị trường “sốt” sắt thép, xi măng sẽ sản xuất lại. Chờ mãi rồi thị trường cũng sốt, nhưng mà nó lại “sốt lạnh” chứ không “sốt nóng”, làm cho các ban, ngành của Tỉnh đau đầu về việc giải quyết chế độ cho hơn một ngàn năm trăm lao động “chờ việc làm” (chứ đừng nói là thất nghiệp) của Khu Liên hợp.
Giữa lúc Tỉnh đã đang khó khăn, các quan đầu Tỉnh  đang bấn lên như canh hẹ lo biện pháp tìm lối thoát cho Khu Liên hợp công nghiệp thì lại phải tiếp Đoàn thanh tra và kiểm toán của Nhà nước về “hỏi thăm sức khỏe”. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn đã phát hiện ra quá nhiều sai phạm trong khâu quản lý vật tư, tiền vốn của Ban quản lý dự án Khu Liên hợp công nghiệp, trong đó có một hạng mục xây dựng tiền tỷ được bỏ ngoài sổ sách. Đó là hạng mục ghi là “phụ trợ” của Khu Liên hợp công nghiệp. Nó gồm hai căn biệt thự nhà nghỉ kiểu khách sạn mini  nằm trên bờ biển trong khu nghỉ mát của Tỉnh. Qua điều tra xác minh, hai căn biệt thự này được xây dựng cùng thời gian và bằng tiền vốn trong tổng số vốn đối ứng ba mươi tỷ mà Nhà nước đã cấp cho tỉnh để tiếp nhận và xây dựng Khu Liên hợp. Quyền sở hữu hai mảnh đất của hai căn biệt thự đó mỗi mảnh năm trăm mét vuông được đồng chí phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Tỉnh ký quyết định cấp cho hai cô giáo cấp I, đều đã về hưu non. Một cô có hộ khẩu thường trú tại tỉnh nhà, đó là bà đệ nhất phu nhân của quan đầu Tỉnh và cô kia có hộ khẩu tận mãi tít Thủ đô, là cháu dâu của nhà đại tư bản kiêm đại điền chủ, kiêm dân biểu Tạ Đình Hách, tức chính thất của đương kim Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty VINAMAPROTEXCO Tạ Tấn Um, tức bà Tùm Lum vậy!
Theo đề nghị của Đoàn thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm đình chỉ công việc của ông quan đầu Tỉnh T. và ông Chủ tịch VINAMAPROTEXCO là hai tác giả chính của dự án Khu công nghiệp này, để phục vụ công tác điều tra.
Sự đời rậu đổ thì bìm nó leo, chỉ sau đó ít ngày, tại Hà Nội, Cục điều tra tội phạm và chức vụ Bộ Công an lại ra quyết định khởi tố Ban quản lý Dự án cải tạo và mở rộng Khu công nghiệp vật liệu  miền Trung và quyết định khởi tố bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Tạ Tấn Um nguyên trưởng Ban dự án đó.
Nước một ngày không thể thiếu vua. Một Tổng công ty nhớn không thể khuyết lãnh đạo. Để kịp thời lấp vào cái ghế trống kia, Bộ chủ quản đã có quyết định bổ nhiệm ông Lê Hữu Mã, giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vật liệu Việt Nam VINAMAPROTEXCO.
Việc đầu tiên mà Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Mã  tiến hành làm ngay sau khi nhậm chức là triệu tập hội nghị Lãnh đạo Tổng công ty yêu cầu cách chức trưởng phòng và đình chỉ công tác của Lê Xuân Nghênh, Trưởng phòng tổ chức cán bộ để điều tra làm rõ những sai phạm trong công tác và hành vi tham nhũng đang được dư luận đồn đại quá nhiều trong Tổng công ty.
Thật đúng là:
  Chuyện thật cứ ngỡ như đùa
Kiểu này thằng Mã làm vua có ngày?
Chưa biết số phận của Trưởng Phòng tổ chức cán bộ Lê Xuân Nghênh ra sao. Xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.