Cách mạng Tháng mười đã trung thực giữ đúng lời hứa với phụ nữ. Chính quyền mới không những dành cho phụ nữ những quyền pháp lý và chính trị như nam giới, nó còn – và hơn thế nữa – làm hết khả năng hơn bất cứ chế độ nào để phụ nữ thật sự bước vào các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Nhưng chẳng có thể làm hơn được nghị viện “đầy quyền lực” của nước Anh, cuộc cách mạng dầu vĩ đại nhất cũng không thể làm người phụ nữ trở nên giống hệt nam giới, hoặc nói đúng hơn, chia đều nhiệm vụ giữa vợ và chồng các gánh nặng thai nghén, sinh con, cho bú và giáo dục con cái. Cách mạng đã anh dũng tìm cách đập phá cái “hộ gia đình” thối nát, một thể chế cổ lỗ, thủ cựu, ngột ngạt, trong đó người phụ nữ các giai cấp cần lao phải làm việc khổ sai từ tuổi thơ ấu cho đến chết. Trong tinh thần những người cách mạng, thay vào gia đình coi như một cái xưởng nhỏ khép kín, phải có một hệ thống hoàn chỉnh các dịch vụ xã hội: nhà hộ sinh, nhà trẻ, vườn trẻ, tiệm ăn, tiệm giặt, phòng chữa bệnh, bệnh viện, nhà điều dưỡng, tổ chức thể thao, nhà chiếu bóng, nhà hát v.v...Sự hoà nhập hoàn toàn các chức năng kinh tế của gia đình vào xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi cả một thế hệ bằng sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau sẽ đem lại cho người phụ nữ và từ đó cho cả đôi vợ chồng, sự giải phóng thật sự khỏi cái ách đã kéo dài hàng thế kỷ. Chừng nào sự nghiệp ấy chưa hoàn thành, đại đa số bốn mươi triệu gia đình xô viết sẽ vẫn còn ở trong vòng lễ giáo phong kiến, người phụ nữ sẽ vẫn bị nô lệ hoá và bị đau thần kinh, trẻ con hàng ngày vẫn bị tủi nhục, cả hai đều lâm vào mê tín dị đoan. Vấn đề này không cho phép ta có một ảo tưởng nào hết.Vì thế cho nên các điều đổi thay liên tiếp trong điều lệ gia đình ở Liên Xô là những điều đặc trưng nhất biểu lộ bản chất thật sự của xã hội xô viết và sự tiến hóa của các tầng lớp lãnh đạo nó. Người ta không tấn công ngay được hệ thống gia đình. Không phải là vì thiếu thiện chí. Cũng không phải là nó (gia đình) có một cơ sở vững chắc trong lòng người. Ngược lại, sau một thời gian ngắn nghi ngờ đối với Nhà nước, các nhà trẻ, vườn trẻ, các cơ sở đủ loại, các nữ công nhân, tiếp sau đó các nữ nông dân tiên tiến nhất, tỏ ra tán thành những cái lợi rất lớn của việc giáo dục tập thể và sự xã hội hóa kinh tế gia đình. Không may, xã hội tỏ ra quá nghèo và quá ít văn minh. Những khả năng thực tế của Nhà nước không tương ứng với kế hoạch và ý đồ của đảng cộng sản. Gia đình không thể hủy bỏ: nó cần được thay đổi. Sự giải phóng thật sự của người phụ nữ không thể làm được trên mảnh đất của “đói nghèo bị xã hội hóa”. Kinh nghiệm chứng minh tức thời cho cái sự thật cay đắng đó đã được Mác nêu ra tám mươi năm trước. Trong những năm đói, công nhân ăn được thế nào hay thế ấy - đôi khi với cả gia đình - trong nhà ăn của các nhà máy hoặc những cơ sở tương tự và việc đó được chính quyền coi là buổi đầu của tập quán xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chẳng cần phải dừng lại ở đây về những đặc điểm của các giai đoạn - cộng sản thời chiến, Tân kinh tế, kế hoạch năm năm lần thứ nhất - về mặt này. Sự việc là năm 1935, vừa bãi bỏ sổ bánh mì, những người thợ có lương khá bắt đầu quay trở về với bàn ăn gia đình. Sẽ là sai lầm nếu thấy trong sự quay trở về gia đình ấy một sự lên án phương thức xã hội chủ nghĩa, phương thức này thực ra chưa từng bị nghi ngờ, chất vấn. Nhưng các công nhân và vợ của họ không vì thế mà không phê phán thẳng cánh “cách nấu ăn xã hội” do bộ máy quan liêu tổ chức. Cũng một kết luận như thế về các tiệm giặt xã hội hóa trong đó người ta ăn cắp và làm hỏng quần áo hơn là giặt. Quay về với gia đình! Nhưng việc nấu ăn và giặt giũ ở gia đình, ngày nay được các diễn giả và nhà báo xô viết ca ngợi một cách ngượng ngùng, có nghĩa là người phụ nữ quay về với xoong chảo và thùng giặt, tức là quay về với sự nô lệ cổ xưa. Sau việc đó, kiến nghị của Quốc tế cộng sản về “thắng lợi hoàn toàn không thể quay ngược của chủ nghĩa xã hội ở Liên xô” còn có sức thuyết phục gì đối với các bà nội trợ ở ngoại ô! Gia đình ở nông thôn không chỉ gắn với kinh tế gia đình mà cả với nông nghiệp còn bảo thủ hơn rất nhiều so với gia đình ở thành thị. Thông thường, lúc đầu, chỉ những xã không đông người mới tổ chức được lối ăn tập thể và nhà trẻ. Người ta quả quyết sự tập thể hóa sẽ đưa đến một sự biến đổi căn bản về gia đình, chẳng phải người ta đang tước quyền sở hữu từ bò cái đến cả gà mái của anh nông dân đó sao? Dù sao, không thiếu gì những thông báo về bước đi thắng lợi của sự ăn uống theo lối tập thể ở nông thôn. Nhưng khi bắt đầu có những bước giật lùi, thực tiễn chọc thủng ngay lớp mây mù của sự lừa bịp. Nói chung nông trường tập thể chỉ cấp cho nông dân lúa mì mà anh cần và cỏ khô để anh nuôi gia súc. Hầu như toàn bộ thịt, sản phẩm từ sữa và rau là của sở hữu cá nhân của các nông trường viên. Khi các thực phẩm chủ yếu là sản phẩm của sản xuất gia đình thì không thể nói là ăn uống tập thể được. Thành thử các mảnh manh mún tạo một cơ sở mới cho gia đình, đè nặng gấp đôi lên vai người phụ nữ. Năm 1932, con số chỗ cố định trong các nhà trẻ là 600.000 và có gần bốn triệu chỗ theo thời vụ công việc đồng áng. Năm 1935, có gần 5.600.000 giường trong các nhà trẻ nhưng những chỗ thường trực, cũng như trước kia, ít hơn nhiều.Vả lại, những nhà trẻ hiện có, ngay cả Mátxcơva, Lêningơrat và các trung tâm lớn, còn xa mới thỏa mãn được những yêu cầu khiêm tốn nhất. Một tờ báo lớn của Liên xô viết “Các nhà trẻ trong đó trẻ em cảm thấy khổ hơn ở nhà chỉ là những nơi trú ngụ tồi tệ”. Lẽ tự nhiên vì thế những người thợ có lương cao không gửi con vào những nơi ấy. Nhưng đối với quảng đại quần chúng lao động, những “chỗ trú ngụ tồi tệ” ấy vẫn còn quá ít. Mới rồi thường vụ đã quyết định các trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi sẽ được giao cho tư nhân; như thế Nhà nước quan liêu đã thừa nhận, xuyên qua cơ quan có quyền lực cao nhất của nó, sự bất lực không làm được một trong những chức năng xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất. Trong năm năm con số trẻ em được nhận vào vườn trẻ từ 1930 đến 1935 đã từ 370.000 lên đến 1.181.000. Con số năm 1930 làm ta ngạc nhiên vì cái vô nghĩa của nó. Nhưng con số năm 1935 vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu của các gia đình xô viết. Một sự nghiên cứu sâu hơn sẽ làm nổi bật sự thực là phần lớn nhất và phần tốt nhất của các vườn trẻ đã dành cho gia đình các viên chức, kỹ thuật viên, thợ stakhanốp v.v.... Cách đây không lâu, thường vụ cũng phải xác nhận rằng quyết định “chấm dứt tình trạng trẻ con bị bỏ rơi và không được chăm sóc đầy đủ, đã thi hành yếu ớt”. Lời nói ấy che giấu điều gì? Thảng hoặc, chúng ta chỉ biết qua những mục ngắn in bằng chữ nhỏ trên các báo rằng hơn một nghìn trẻ con ở Mátxcơva được xếp “vào hạng mục gia đình trong những điều kiện cực kỳ bi đát”, rằng các nhà trẻ ở thủ đô có 1500 thanh thiếu niên không biết sẽ ra thế nào và sẽ bị thả ra đường phố, rằng trong hai tháng mùa thu (1935) ở Mátxcơva và Leningơrat, “1500 cha mẹ bị truy tố vì không trông nom con cái”. Truy tố như thế có ích gì? Có mấy nghìn cha mẹ đã tránh khỏi bị truy tố? Bao nhiêu trẻ con “được xếp vào hạng gia đình trong những điều kiện cực kỳ bi đát” không được tính trong bản thống kê? Những điều kiện “cực kỳ bi đát” khác với những “điều kiện chỉ bi đát” thôi là ở chỗ nào? Bấy nhiêu câu hỏi không được trả lời. Trẻ em bị bỏ rơi, cả kê khai hoặc che giấu, trở thành một tai hoạ có tầm cỡ to lớn, sau cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng trong đó gia đình cứ tiếp tục phân hủy, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều các thể chế mới đặt ra để thay thế nó. Cũng những mục nhỏ bất chợt trên báo ấy, cộng với bản tin của bộ tư pháp, người đọc được biết nạn làm đĩ, sự sa đoạ cuối cùng của người phụ nữ đối với nam giới có tiền, đang hoành hành ở Liên xô. Mùa thu vừa qua, báo Tin Tức đột nhiên đưa tin “gần một nghìn phụ nữ bí mật bán thân trong các phố ở Mátxcơva” bị bắt. Trong số đó: một trăm bảy mươi bảy nữ công nhân, chín mươi hai nữ công chức, năm nữ sinh viên v.v...Vì sao họ bị ném ra hè phố? Vì tiền lương thiếu thốn, vì nhu cầu đòi hỏi, vì sự cần thiết “phải kiếm thêm một khoản phụ để mua giầy, áo”. Chúng tôi đã cố thử tìm biết, dù là áng chừng, tầm cỡ của tệ nạn xã hội ấy nhưng không được. Bộ máy quan liêu còn biết hổ thẹn, đã chỉ thị cho ban thống kê phải im lặng. Sự im lặng bất buộc ấy đủ chứng tỏ “giai cấp” gái đĩ Xô viết đó rất đông và đây không phải là tàn dư của quá khứ vì họ đều là đám thanh niên. Không ai đặc biệt trách cứ chế độ xô viết về cái ung nhọt cũng lâu đời ngang với nền văn minh ấy. Nhưng nói đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà vẫn còn hiện tượng mãi dâm thì không tha thứ được. Trong chừng mực được phép đụng đến vấn đề tế nhị nầy, các báo chí chứng nhận nạn mãi dâm đang giảm xuống, điều nầy có thể là đúng so với những năm đói kém và lộn xộn (1931-1933). Nhưng sự quay trở lại các quan hệ trên cơ sở tiền bạc sẽ không tránh khỏi sự gia tăng mới về nạn làm đĩ và trẻ em bị bỏ rơi. Ở đâu có kẻ đặc quyền ở đấy có người cùng khổ! Con số lớn trẻ con bị bỏ rơi là bằng chứng bi thảm, nhất hiển nhiên nhất về tình trạng nặng nề, khó khăn của người mẹ. Ngay tờ Sự Thật vốn dĩ lạc quan cũng buộc phải có những thú nhận cay đắng về vấn đề này. “Sự ra đời của một đứa bé đối với nhiều phụ nữ là một sự đe dọa nghiêm trọng...” Và chính vì thế, chính quyền cách mạng đem đến cho phụ nữ quyền được thôi thai, một trong những quyền công dân, chính trị và văn hoá chủ yếu của họ, chừng nào còn sự khốn cùng và áp bức gia đình, mặc cho bọn quan hoạn và các bà cô cả hai giống muốn nói gì thì nói. Nhưng cái quyền buồn thảm ấy, do bất bình đẳng xã hội, lại trở thành một đặc quyền. Những bản tin ngắn đăng trong báo chí về việc phá thai thật đáng giật mình: “một trăm chín mươi lăm phụ nữ bị thương tật do các bà mụ nạo thai”, trong đó ba mươi ba nữ công nhân, hai mươi tám nữ viên chức, sáu mươi lăm nữ nông trường viên, năm mươi tám bà nội trợ năm 1935 phải vào một bệnh viện ở một làng vùng Uran. Vùng nầy chỉ khác các nơi khác ở chỗ nó đã công bố các thông tin về vấn đề này. Có bao nhiêu phụ nữ mỗi năm bị thương tật do những cách nạo thai làm sai trái trên toàn lãnh thổ Liên xô? Sau khi đã chứng tỏ sự thiếu khả năng cung cấp cho những người phụ nữ buộc phải thôi thai thuốc men cần thiết và những thiết bị vệ sinh, Nhà nước đột ngột chuyển hướng đi vào con đường cấm đoán. Và cũng như các trường hợp khác, bọn quan liêu lấy điều khổ làm điều hay. Xôn (Solzt) một thành viên của toà án tối cao xô viết, chuyên về các vấn đề hôn nhân, biện hộ cho dự án cấm phá thai nói rằng xã hội xã hội chủ nghĩa không biết có thất nghiệp v.v...người phụ nữ ở đây không được quyền khước từ những “niềm vui làm mẹ”. Triết học của các thầy tu lại còn có thêm nắm tay sắt của anh sen đầm! Chúng ta vừa đọc trong cơ quan trung ương của Đảng việc ra đời của một đứa bé đối với nhiều phụ nữ - đúng ra phải nói đối với đa số phụ nữ - là “một hiểm họa”. Chúng ta vừa nghe một nhà cầm quyền cao cấp nhận xét rằng “quyết định chấm dứt tình trạng trẻ em bị bỏ rơi và không được chăm sóc đã thi hành yếu ớt” điều đó chắc chắn có nghĩa là con số trẻ bị bỏ rơi tăng lên; thế nhưng một quan toà cao cấp báo cho chúng ta biết ở đất nước “sống rất dễ chịu” này, những vụ phá thai phải bị phạt tù, in hệt như trên các nước tư bản mà ở đấy cuộc sống rất là thê thảm. Người ta có thể đoán trước, ở Liên xô cũng như ở phương Tây sẽ chỉ có những nữ công nhân, nữ nông dân, các cô hầu là khó giấu được lỗi lầm của mình và sẽ rơi vào nanh vuốt của bọn cai ngục. Còn ”các phu nhân của chúng ta”, những người đã có nước hoa thượng hạng và những hàng khác cùng loại, tiếp tục làm như thế nào tùy thích, dưới cặp mắt của một nền công lý khoan dung. “Chúng ta cần có đông dân số”, Xôn nói như thế; ông ta nhắm mắt trước cảnh những đứa bé bị bỏ rơi. Hàng triệu người nữ lao động, nếu chế độ quan liêu không đặt lên môi họ cái dấu của sự im lặng, sẽ có thể trả lời ông ta: “Thì các ông cứ đẻ đi!” Rõ ràng các ông ấy đã quên rằng chủ nghĩa xã hội phải loại trừ những nguyên nhân đẩy người phụ nữ đến chỗ phá thai, chứ không phải bắt người cảnh sát can thiệp một cách thấp hèn vào đời tư của một người phụ nữ, buộc họ phải nhận những ”niềm vui làm mẹ”. Bản dự án của chính phủ về vấn đề phá thai được đưa ra tranh cãi công khai. Cái máy lọc rất tinh xảo của báo chí Xô viết cũng phải để lọt ra khá nhiều lời than vãn đắng cay và những lời phản đối bị bóp nghẹt. Cuộc thảo luận bỗng đình chỉ đột ngột cũng như lúc nó bắt đầu. Ngày 27 tháng sáu, ban Thường vụ đã từ một vụ án bỉ ổi đưa ra một đạo luật ba lần bỉ ổi hơn. Nhiều luật sư vốn phụng sự trung thành chế độ quan liêu cũng bị nao núng về chuyện đó. Lui Phise (Louis Fisher) viết rằng bộ luật mới chẳng qua là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Thực tế đạo luật ấy chĩa vào phụ nữ, nhưng lại dành cho các bà có thần thế một ngoại lệ. Nó là một trong những kết quả chính thức của trào lưu phản động của “técmiđo”[1] Sự khôi phục long trọng địa vị của gia đình diễn ra đồng thời với sự khôi phục đồng rúp - một sự trùng hợp thiên định - có cội nguồn từ sự thiếu thốn vật chất và văn hoá của Nhà nước. Đáng lẽ nói “chúng ta đã quá nghèo và quá thiếu học để có thể thiết lập những quan hệ xã hội chủ nghĩa giữa người với người, nhưng con và cháu chúng ta sẽ làm việc đó”, các thủ lĩnh của chế độ lại cho gắn lại những cái lo sự của gia đình và áp đặt chế độ chuyên chế giáo lý gia đình, gọi là cơ sở thiêng liêng của xã hội chủ nghĩa đang thắng lợi. Người ta thật đau lòng khi nhìn thấy chiều sâu của cuộc rút lui ấy! Cuộc thay đổi mới này lôi kéo tất cả mọi việc và mọi người, người làm văn cũng như người làm luật, quan tòa và anh cảnh sát, báo chí và giáo dục. Khi một thanh niên cộng sản thật thà và hồn nhiên dám viết cho tờ báo của anh: “Các đồng chí đề cập giải pháp cho vấn đề này thì tốt hơn: Làm sao người phụ nữ thoát khỏi gọng kìm của gia đình?” Anh liền bị một trận đả kích tơi bời rồi im bặt. Cuốn ABC của chủ nghĩa cộng sản[2] bị tuyên bố là tả khuynh. Những thành kiến cứng ngắc và ngu xuẩn của các giai cấp trung lưu thiếu văn hóa được tái sinh dưới cái danh hiệu luân lý mới. Cái gì đã xảy ra trong đời sống hàng ngày trong hang cùng ngõ hẻm của đất nước mênh mông này? Báo chí chỉ phản ánh trong chừng mực rất nhỏ chiều sâu của trào lưu “técmiđo” trong lĩnh vực gia đình. Nhiệt huyết của những nhà thuyết giáo tăng thêm cường độ, đồng thời với sự lớn lên của các thói hư tật xấu, điều răn thứ bảy (của thiên chúa giáo) trở thành rất phổ biến trong các tầng lớp lãnh đạo. Các nhà luân lý học xô viết chỉ cần sửa đổi lại đôi chút những câu những chữ. Một chiến dịch mở ra đả kích những cuộc ly hôn quá dễ dàng và quá nhiều. Tư duy sáng tạo của nhà lập pháp đã thông báo một biện pháp “xã hội chủ nghĩa”, là bắt trả tiền đăng ký hôn nhân và tăng thêm lệ phí trong trường hợp lặp lại. Vậy chúng ta có thể nói: chế độ gia đình tái sinh đồng thời với gia trò giáo dục được củng cố của đồng rúp. Có thể phỏng đoán rằng lệ phí không phải là điều phiền hà đối với giới lãnh đạo. Vả lại những người có nhà ở tốt, có ôtô và những tiện nghi khác biết sắp xếp công việc riêng của họ không để lộ công khai và như thế không phải đăng ký. Nạn mãi dâm chỉ khổ nhục đối với tầng lớp ở dưới đáy của xã hội xô viết; trên thượng đỉnh của xã hội ấy, nơi uy quyền liên kết với tiện nghi, nó khoác cái hình thức thanh lịch của những việc hàm ơn nho nhỏ trao đổi cho nhau và kể cả cái hình thức “gia đình xã hội chủ nghĩa”. Xôtnôpsky (Sonovski) đã cho chúng ta biết tầm quan trọng của nhân tố “ôtô - tỳ thiếp” trong sự suy thoái của những người lãnh đạo. Những “người bạn” trữ tình và kinh viện của Liên xô có mắt nhưng không nhìn thấy gì. Pháp lý về hôn nhân do cách mạng Tháng mười lập ra, thời đó là niềm tự hào chính đáng của cách mạng, bị thay đổi và biến dạng do nhiều vay mượn trong kho tàng pháp lý các nước tư sản. Và hầu như muốn nối liền sự hài hước với sự phản bội, cũng những luận chứng xưa kia sử dụng để bảo vệ quyền tự do phá thai và ly hôn không điều kiện - “giải phóng phụ nữ”, “bảo vệ các quyền nhân cách”, “bảo vệ quyền làm mẹ” - nay được nhắc lại để hạn chế hoặc cấm đoán. Bước lùi này khoác cái hình thức đạo đức giả đến lợm mửa, và nó đi quá xa hơn sự bức thiết kinh tế nghiệt ngã. Ngoài những lý do khách quan quay về với những tiêu chuẩn tư sản như việc trả phụ cấp thực phẩm cho đứa bé, còn thêm vào ý chí bảo vệ quyền lợi xã hội mà giới lãnh đạo tìm thấy trong luật lệ tư sản. Động cơ bức thiết nhất của việc tôn sùng gia đình hiện nay chắn chắc là do nhu cầu của phái quan liêu cần có một tôn ti trật tự vững chắc trong các mối tương quan, và cần có một lớp thanh niên giữ trong vòng kỷ luật bốn mươi triệu gia đình khả dĩ có thể làm điểm tựa cho nhà chức trách và chính quyền. Chừng nào người ta còn hy vọng giao cho Nhà nước sự giáo dục các thế hệ trẻ, chính quyền không những không quan tâm ủng hộ uy quyền của những bậc huynh trưởng, đặc biệt của cha và mẹ, mà ngược lại, còn cố sức tách rời con cái ra khỏi gia đình để đề phòng cho chúng tránh khỏi những lề thói cũ. Gần đây, trong thời kỳ năm năm đầu, nhà trường và đoàn thanh niên kêu gọi con cái tố giác người cha rượu chè hay người mẹ ngoan đạo, làm cho họ xấu hổ, để “cải tạo họ”. Phương pháp đó thành công như thế nào lại là chuyện khác... Dù sao, nó cũng làm lung lay đến tận cơ sở quyền uy của gia đình. Một sự thay đổi căn bản đang được thực hiện trong lĩnh vực không phải không quan trọng này. Điều răn thứ năm lại được phục hồi đồng thời với điều răn thứ bảy, dầu lúc này chưa phải viện đến thần quyền; nhưng trường học Pháp cũng bỏ qua các biểu hiệu đó mà vẫn ghi khắc được vào trí não người ta lối suy nghĩ theo đường mòn và đầu óc bảo thủ. Sự tôn trọng quyền huynh trưởng lại kéo theo một sự đổi thay chính sách đối với tôn giáo. Sự phủ nhận Chúa trời, phủ nhận những người thừa hành tôn giáo và các phép mầu, là yếu tố chia rẽ nghiêm trọng nhất mà chính quyền cách mạng đã can thiệp vào giữa các thế hệ cha và con. Nhưng quên mất sự tiến bộ về văn hoá, tuyên truyền đứng đắn và sự giáo dục về khoa học, cuộc đấu tranh đối kháng với nhà thờ do những người như Zarôtslapski phụ trách thường biến thành những chuyện kỳ cục, nực cười, gây ra những phiền nhiễu. Cuộc tấn công đạo giáo đã dừng lại, cũng như cuộc tấn công vào gia đình. Chăm lo cho thanh danh của mình, đẳng cấp quan liêu đã hạ lệnh cho bọn trẻ vô thần hạ vũ khí và hãy tìm tòi học hỏi đi đã. Đấy chỉ là bước đầu. Một chế độ trung lập đáng mai mỉa được dần dần thiết lập đối với tôn giáo. Ấy là giai đoạn một. Người ta không khó khăn đoán biết giai đoạn hai, giai đoạn ba nếu tiến trình các sự việc tùy thuộc những kẻ đang nắm quyền lực. Bao giờ và ở mọi nơi những mâu thuẫn xã hội cũng nâng lên nghìn lần tính giả dối của những tư tưởng thống trị: đó là qui luật lịch sử sự phát triển tư tưởng, nói bằng từ ngữ toán học. Chủ nghĩa xã hội, xứng với tên gọi của nó, có nghĩa là những quan hệ vô tư giữa người với người, một tình bạn chân thật không ganh tị, một tình yêu không tính toán đê hèn. Lý thuyết hiện hành càng độc đoán tuyên bố những tiêu chuẩn lý tưởng ấy đã được thực hiện, thực tế càng kịch liệt chống lại những điều đã được tuyên bố. Chương trình hành động mới của đoàn thanh niên cộng sản xô viết tháng tư năm 1936 nói: “Một gia đình mới mà Nhà nước Xô viết đang chăm lo xây dựng, được tạo lên trên mảnh đất bình đẳng thật sự giữa vợ và chồng”. Lời bình luận của chính quyền nói thêm: “Thanh niên của chúng ta trong việc lựa chồng chọn vợ chỉ có một động lực quyết định là tình yêu. Hôn nhân tư sản vị lợi không còn có trong thế hệ trẻ đang lên của chúng ta”. (Sự Thật tháng 4.1936). Lời nói đó cũng khá đúng đối với thanh niên, nam nữ công nhân. Nhưng hôn nhân vị lợi cũng rất ít trong số công nhân các nước tư bản. Ngược lại, tình hình lại khác hoàn toàn trong các tầng lớp trung lưu và thượng lưu xã hội xô viết. Những nhóm xã hội mới cứ tự động phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực các quan hệ cá nhân. Các thói hư tật xấu do quyền lực và đồng tiền đẻ ra trong các quan hệ tình dục nở rộ trong các đẳng cấp quan liêu xô viết, như có mục đích muốn đuổi kịp giai cấp tư sản phương Tây về mặt này. Mâu thuẫn hoàn toàn với lời khẳng định của báo Sự Thật mà ch́úng tôi vừa nêu, “hôn nhân vị lợi” đã sống lại; báo chí xô viết thừa nhận điều đó, hoặc do bức thiết, hoặc do quá thành thật. Nghề nghiệp, lương bổng, chức vụ, số quân hàm trên cánh tay áo có ý nghĩa ngày càng tăng, các vấn đề giày dép, áo lông, nhà ở, nhà tắm và - mơ ước tuyệt vời - ôtô, cũng dính vào đó. Riêng cuộc đấu tranh để có một căn phòng ở hàng năm đã gây không thiếu gì những cảnh hợp và ly của các cặp vợ chồng ở Mátxcơva. Vấn đề cha mẹ cũng có một tầm quan trọng đặc biệt. Có bố vợ là sĩ quan hay đảng viên có thế lực, mẹ vợ là chị hoặc em một ông mặt to tai lớn thì rất tốt. Ai thấy lạ điều này? Có thể nào khác được không? Sự ly hôn và tan vỡ gia đình xô viết trong đó người chồng là đảng viên, đoàn viên tích cực công đoàn, sĩ quan hoặc cán bộ hành chánh đã thay đổi và có những khẩu vị mới trong khi người phụ nữ bị gia đình áp bức vẫn nằm ở vị trí cũ, làm thành một chương rất bi thảm trong cuốn sách của xã hội xô viết. Con đường của hai thế hệ đẳng cấp quan liêu xô viết được đánh dấu bằng những bi kịch của những người phụ nữ chìm đắm trong cảnh lạc hậu và bị ruồng bỏ. Cũng sự việc như thế có thể nhận thấy ngày nay trong thế hệ trẻ. Chắc chắn là trên tầng lớp quan liêu, ở đó bọn hãnh tiến ít học thức, tự nhận thấy có thể làm được tất cả những gì họ muốn, chiếm một tỷ lệ cao, và cũng ở đó người ta thấy có nhiều điều tục tằn và tàn bạo nhất. Những tài liệu lưu trữ và các hồi ký một ngày kia sẽ vạch ra những tội ác đối với những người vợ cũ, và phụ nữ nói chung, của các vị thuyết giáo đạo lý gia đình và những “niềm vui làm mẹ”, bất khả xâm phạm đối với công lý. Không, phụ nữ xô viết chưa được tự do! Sự bình đẳng chỉ nhận thấy phần nào, trong đám phụ nữ các tầng lớp trên sống bằng công việc bàn giấy, kỹ thuật, giáo dục, trí thức hơn là trong đám nữ công nhân và đặc biệt nữ nông dân. Chừng nào xã hội chưa có thể đảm đương những gánh nặng vật chất cùa gia đình, người mẹ chỉ có thể làm tròn và thành công chức vụ xã hội với điều kiện có một cô nô lệ da trắng, vú em, rửa bát nấu ăn hoặc làm việc gì khác. Trong bốn mươi triệu gia đình làm thành dân số Liên xô, 5% và có thể 10% xây dựng sự sung sướng của họ trực tiếp hoặc gián tiếp bằng sức lao động của những người nô lệ trong nhà. Con số chính xác những người làm mướn trong nhà cũng cần phải biết, để đánh giá dưới quan điểm xã hội chủ nghĩa tình trạng người phụ nữ, như tất cả pháp lý xô viết, dù nó tiến bộ đến mấy. Và chính vì thế mà các thống kê đã giấu giếm số “con ở” trong mục những nữ công nhân hoặc các “nghề khác”! Điều kiện một người mẹ gia đình, đảng viên cộng sản được kính nể, có một chị giúp việc, một máy điện thoại để truyền lệnh, một ôtô để đi lại v.v... chẳng liên quan mấy với cảnh một chị nữ công nhân phải chạy đến các cửa hàng, nấu ăn lấy, đưa các con từ vườn trẻ về nhà - khi cô ấy có một vườn trẻ để gửi. Không một nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa nào có thể che giấu được cái tương phản xã hội ấy, không kém gì cái tương phản trong bất cứ nước Tây phương nào phân biệt bà tư sản với chị vô sản. Gia đình xã hội chủ nghĩa thật sự, được xã hội giải phóng khỏi những công việc nặng nhọc và tủi nhục hàng ngày, sẽ không cần có sự qui định và ý nghĩ đặt ra những đạo luật về ly hôn và phá thai cũng đủ gợi ra cho nó cái kỷ niệm không tốt đẹp gì so với những hình ảnh nhà thổ hoặc đem người làm vật hy sinh. Pháp lý Tháng mười đã bước một bước mạnh dạn về phía gia đình xã hội chủ nghĩa. Tình trạng lạc hậu của đất nước về kinh tế và văn hóa đã gây ra một phản ứng đau đớn. Pháp lý “técmiđo” lùi về những khuôn mẫu tư sản, lại còn không quên che giấu việc tháo lui thất bại ấy bằng những câu nói dối về tính thánh thiện của “tân” gia đình. Quan niệm không vững vàng về xã hội chủ nghĩa, một lần nữa, lại núp dưới bóng sự suy tôn giả dối. Những nhà quan sát chân chính rất ngạc nhiên về mâu thuẫn giữa các nguyên lý cao siêu và thực tế buồn thảm, đặc biệt là những cái liên quan đến trẻ em. Một sự kiện như là phải dùng tới những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc đối với những ai bỏ rơi con trẻ có thể gợi cho ta ý nghĩ pháp luật xã hội chủ nghĩa đối với bà mẹ và trẻ em chỉ là giả dối. Những nhà quan sát thuộc loại đối lập với loại trên thì bị hấp dẫn bởi tính rộng rãi và hào hiệp của ý đồ thể hiện dưới hình thức pháp luật và cơ quan hành chính; trông thấy những bà mẹ, những gái đĩ và những trẻ em bỏ rơi bị đói khổ dày vò, những người lạc quan ấy tự nói rằng sự gia tăng của cải vật chất dần dần sẽ tiếp máu đắp thịt cho các đạo luật xã hội chủ nghĩa. Khó mà nhận xét trong hai cách suy nghĩ ấy, cái nào sai hơn và có hại hơn. Phải mù mắt về lịch sử mới không nhìn thấy tầm rộng lớn và bạo dạn của ý đồ xã hội, tầm quan trọng của những giai đoạn đầu thực hiện ý đồ đó và những khả năng to lớn mà nó mở rộng. Nhưng cũng không thể không bất bình về tính lạc quan thụ động, và thật ra là thờ ơ, của những kẻ nhắm mắt trước sự gia tăng các mâu thuẫn xã hội, và tự an ủi bằng những viễn tưởng của một tương lai mà họ kính cẩn giao chìa khóa lại cho đẳng cấp quan liêu. Làm như đối với quan liêu, sự bình đẳng giữa nam và nữ không trở thành sự bình đẳng trong sự phủ nhận bất cứ thứ quyền nào! Làm như số trời đã định sẵn, ngoài tự do ra, chế độ quan liêu không thể thiết lập một cái ách nào mới. Lịch sử dạy cho chúng ta rất nhiều điều về sự nô lệ hóa phụ nữ vào nam giới, và cả hai vào kẻ bóc lột, về những nỗ lực của những người lao động lấy máu để phá bỏ gông cùm và thực tế chỉ mới làm được việc thay đổi xích xiềng này bằng xích xiềng khác. Lịch sử, cuối cùng, cũng chẳng nói gì khác. Nhưng làm thế nào để giải phóng thật sự trẻ em, phụ nữ, con người, đó là chỗ chúng ta thiếu những thí dụ tích cực. Tất cả kinh nghiệm của quá khứ đều tiêu cực và trước hết nó chỉ ghi sâu trong trí óc người lao động sự ngờ vực đối với những kẻ bảo trợ có đặc quyền và không ai kiểm soát được. Cuộc Đấu Tranh Chống Thanh Niên Bất cứ đảng cách mạng nào từ bước đầu tiên đều tìm chỗ dựa trong thế hệ trẻ của giai cấp đang lên. Sự già cỗi chính trị biểu thị bằng sự mất khả năng lôi kéo thanh niên. Những đảng dân chủ tư sản bị loại khỏi sân khấu chính trị buộc phải bỏ thanh niên lại cho cách mạng hoặc cho chủ nghĩa phát xít. Trong thời kỳ hoạt động bất hợp pháp, đảng bônsêvích lúc nào cũng là đảng của những công nhân trẻ. Những người mensêvích[3] tìm dựa vào các lớp thượng tầng và nhiều tuổi trong giai cấp công nhân. Họ không quên rút ra một niềm tự hào và một thái độ trịch trượng đối với những người bônsêvích. Nhưng sự kiện đã chứng tỏ rõ ràng về sự sai lầm của họ: đến lúc quyết định, thanh niên lôi cuốn những người lớn tuổi và cả ông già. Cuộc đảo lộn cách mạng có một sức thúc đẩy ghê gớm các thế hệ mới của chế độ xô viết, cùng lúc kéo họ ra khỏi những lề thói bảo thủ và bộc lộ cho họ cái bí quyết lớn này - cái bí quyết căn bản của biện chứng - không có gì vĩnh cửu trên mặt đất này và xã hội làm bằng những chất liệu dẻo. Thật là ngu ngốc cái lý thuyết cho rằng chủng tộc không thể thay đổi dưới ánh sáng những kinh nghiệm của thời đại chúng ta! Liên xô là cái lò luyện kim khổng lồ ở đó đúc lại tính chất của hàng chục dân tộc. Cái bí hiểm “linh hồn slavơ” đã bị loại bỏ như một thứ xa xỉ. Nhưng sự thúc đẩy mà các thế hệ trẻ nhận được chưa tìm thấy lối đi trong một sự nghiệp lịch sử tương ứng. Thanh niên, đúng thế, rất tích cực trong lãnh vực kinh tế. Liên xô có bảy triệu công nhân dưới hai mươi ba tuổi: 3.140.000 trong công nghiệp, 700.000 trong hỏa xa, 700.000 trên các công trường. Trong những nhà máy mới khổng lồ, thợ trẻ chiếm gần nửa nhân công. Các nông trường hiện nay có 1.200.000 đảng viên trẻ. Hàng chục vạn đảng viên trẻ trong vòng những năm gần đây được động viên vào các công trường, mỏ than, rừng, mỏ vàng, ở Bắc Băng Dương, Xakhalin hay trên sông Amua, ở đó đang xây dựng một thành phố mới, Kôngxômôn (nghĩa từng chữ: “thành phố đoàn thanh niên cộng sản”). Thế hệ mới cung cấp những người lao động xung kích, những công nhân ưu tú, những stakhanốp, đốc công, những cán bộ hành chính cấp dưới. Họ học tập và rất chuyên cần trong nhiều trường hợp. Họ hoạt động không kém, nếu không phải là hơn, trong lãnh vực thể thao, nhất là những môn táo bạo như nhảy dù và chiến công, bắn súng. Những người tháo vát dũng cảm tham gia những cuộc thám hiểm gian nguy đủ loại. Sơmít (Schmidt), nhà thám hiểm địa cực nổi tiếng, mới đây có nói: “Phần ưu tú nhất của thanh niên chúng ta vươn tới những hành động táo bạo”. Chắc chắn đó là sự thật. Tuy nhiên trong mọi lãnh vực, thế hệ hậu cách mạng vẫn nằm dưới sự bảo trợ. Làm gì và làm thế nào, tất cả đều do cấp trên chỉ bảo. Chính trị, hình thức cao nhất của sự chỉ đạo, vẫn nằm trong tay đội ngũ cán bộ già mà người ta gọi là đội cận vệ già. Họ vừa nói với thanh niên những lời nói thân tình, đôi khi vuốt ve, họ vừa khư khư nắm giữ lấy độc quyền. Không thể quan niệm có sự phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa mà không có “sự tàn lụi” của Nhà nước, nghĩa là không có sự thay thế những thể chế cảnh sát mật vụ bằng sự tự quản của những người sản xuất và tiêu thụ. Angghen giao sự hoàn thành nhiệm vụ đó cho thế hệ trẻ, “thế hệ sẽ lớn lên trong những điều kiện mới của tự do và sẽ đủ năng lực cất vào kho tất cả mớ hỗn độn cũ của chủ nghĩa Nhà nước”. Ở đây, Lênin thêm: “của mọi thứ chủ nghĩa Nhà nước, kể cả Nhà nước cộng hòa dân chủ...”. Đó là tóm tắt tinh thần của Angghen và Lênin về viễn cảnh của việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa: thế hệ đã chiếm được chính quyền, đội cận vệ già, bắt đầu việc thanh toán Nhà nước; thế hệ tiếp theo hoàn thành công việc đó. Thực tế lại như thế nào? 43% dân số Liên xô sinh sau cách mạng Tháng mười. Nếu ta giới hạn các thế hệ ở tuổi hai mươi ba thì hơn 50% người xô viết chưa tới giới hạn đó. Vậy hơn một nửa dân số chưa có kinh nghiệm về một chế độ nào khác chế độ xô viết. Nhưng đúng thế, những thế hệ trẻ ấy không được đào luyện “trong những điều kiện của tự do”, như Angghen đã suy tưởng; ngược lại, họ được đào luyện dưới ách không chịu đựng nổi của tầng lớp lãnh đạo, theo sự hư cấu đã được chính thức hóa, là những người đã làm ra cách mạng Tháng mười. Ở nhà máy, nông trường tập thể, trại lính, trường đại học, trường phổ thông và cả đến vườn trẻ, nếu không phải là ở nhà trẻ, những đạo đức chính của con người là sự trung thành với lãnh tụ và sự vâng lời không tranh cãi. Rất nhiều châm ngôn giáo dục thời kỳ gần đây cò thể coi như là chép lại của Gơben (Goebbels)[4] nếu không phải chính Gơben đã vay mượn trong một chừng mực rộng rãi ở những người cộng tác với Stalin. Sự học tập và đời sống xã hội của học sinh và sinh viên thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa hình thức và đạo đức giả. Trẻ con được tập tành tham gia những cuộc họp chán ngấy vì tẻ nhạt, dưới sự giám sát của chủ tọa đoàn danh dự. Các em học ca ngợi những lãnh tụ đáng yêu, đáng kính, học chủ nghĩa theo thời giống hệt như người lớn, học nói một đàng nghĩ một nẻo. Những nhóm học sinh nào ngây thơ tập hợp nhau thành một ốc đảo trong sa mạc sẽ tức khắc bị đàn áp thẳng tay. Sở Ghêpêu (Guépéou) can thiệp vào trường học “xã hội chủ nghĩa”, gây ra các vụ tố giác, phản bội, dẫn đến một sự suy bại tinh thần. Những người có suy nghĩ trong số các nhà sư phạm và tác giả viết sách cho trẻ em, mặc dù tỏ vẻ lạc quan ngoài mặt, không giấu nổi sự sợ hãi đứng trước các hiện tượng cưỡng bức, giả dối và buồn nản đè nặng lên nhà trường. Không có kinh nghiệm đấu tranh giai cấp và cách mạng, các thế hệ trẻ chỉ có thể chuẩn bị tham gia có ý thức vào cuộc sống xã hội trong lòng một nền dân chủ xô viết bằng cách chuyên tâm nghiên cứu các kinh nghiệm của quá khứ và những bài học của hiện tại. Tư duy và tính cách cá nhân không có thể khai triển nếu không có phê bình. Nhưng tuổi trẻ xô viết bị khước từ các quyền sơ đẳng như trao đổi ý kiến, sai lầm, xác minh và sửa chữa sai lầm của mình và của người khác. Tất cả các vấn đề, kể cả các vấn đề thuộc thanh niên, đều được giải quyết không có thanh niên. Thanh niên chỉ được phép thi hành và chỉ biết tung hô. Đối với bất cứ lời phê bình nào, đẳng cấp quan liêu vặn cổ kẻ nào dám nói ra. Tất cả những gì là tài năng và đối kháng trong thanh niên đều bị triệt để trấn áp, loại trừ hoặc tiêu diệt ngay cả đến con người. Điều này giải thích tại sao cho đến nay, trong số hàng triệu và hàng triệu đoàn viên thanh niên cộng sản, không xuất hiện được một người có tài năng đặc biệt. Lao mình vào kỹ thuật, khoa học, văn học, thể thao, đấu cờ, thanh niên hình như đang học tập làm những hoạt động lớn. Trong tất cả các lĩnh vực đó, họ thi đua với thế hệ cũ, không được chuẩn bị tốt bằng và họ đã đuổi kịp, đôi khi còn vượt xa. Nhưng mỗi lần động chạm đến chính trị thì họ bị bỏng tay. Họ chỉ còn có ba khả năng: nhập hóa với đẳng cấp quan liêu và lập công danh; âm thầm khuất phục, vùi đầu vào công việc kinh tế, khoa học hoặc đời sống riêng; dấn thân vào vòng bất hợp pháp, học tập chiến đấu và tôi luyện cho tương lai. Con đường quan liêu chỉ mở ra cho một thiểu số nhỏ; ở cuối cực kia, một số nhỏ đến với phái đối lập. Nhóm trung gian thì rất phức tạp. Những quá trình giấu kín nhưng rất ý nghĩa đang diễn ra ở đó, dưới trục lăn, và sẽ có tác dụng lớn trong việc quyết định tương lai của Liên xô. Những khuynh hướng khắc khổ thời kỳ nội chiến nhường chỗ, trong thời kỳ Tân kinh tế, cho những tâm lý tìm sự khoái lạc, nếu không nói là tìm sự hưởng thụ nhiều hơn. Giai đoạn năm năm đầu tiên lại trở lại với sự khắc khổ không tự nguyện, nhưng chỉ dành riêng cho quần chúng và thanh niên; những người lãnh đạo đã chiếm được những vị trí bảo đảm cho sự giàu sang cá nhân. Giai đoạn thứ hai năm năm sau thì rõ là nhuốm màu sắc phản ứng mạnh với sự khắc kỷ. Tâm lý lo lợi lộc cá nhân lan khắp toàn bộ nhân dân và nhất là thanh niên. Sự việc là trong thế hệ xô viết trẻ, một thiểu số nhỏ vượt lên khỏi quần chúng, có khả năng nhập vào giới lãnh đạo. Mặt khác, đẳng cấp quan liêu đào tạo và lựa chọn có ý thức những viên chức và những kẻ ngoi lên đến với mình. Tháng tư năm 1936, báo cáo viên chính tại đại hội thanh niên cộng sản cam đoan: “Thanh niên xô viết không có lòng ham thích làm giàu, tính ti tiện tiểu tư sản, tính ích kỷ thấp hèn”. Những lời nói ấy rõ ràng là rỗng tuếch trước khẩu hiệu ngày nay: “sống sung túc và giàu sang”, trong công việc khoán sản phẩm, tiền thưởng, huân chương. Chủ nghĩa xã hội không phải là khắc khổ, nó khác xa với chủ nghĩa khắc kỷ của Thiên Chúa giáo và mọi tôn giáo khác ở chỗ nó gắn chặt với đời này và chỉ đời này. Nhưng nó có thứ bậc trong các giá trị ở hạ giới. Đối với nó, nhân cách con người không phải bắt đầu từ mối lo âu cho có cuộc sống mà từ chỗ hết mối lo âu ấy. Nhưng không có thế hệ nào nhảy được quá đầu mình. Tất cả phong trào stakhanôp hiện tại là xây trên cái “ích kỷ thấp hèn”. Cái thước đo duy nhất của nó, số quần áo và cà vạt kiếm được do lao động, chính là cái “ti tiện tiểu tư sản”. Cho giai đoạn đó là sự thiết yếu lịch sử đi, nhưng phải nhìn nó theo đúng thực tế. Sự thiết lập lại các quan hệ buôn bán nhất định sẽ mở ra khả năng cải thiện cuộc sống cá nhân. Nếu số đông thanh niên xô viết muốn trở thành kỹ sư, không phải là vì sự xây dựng chủ nghĩa xã hội chinh phục họ nhưng là vì các kỹ sư được trả lương cao hơn thầy thuốc và thầy giáo. Khi những khuynh hướng như thế hình thành trong một bầu không khí áp bức về tinh thần và phản động về tư tưởng, trong khi những người lãnh đạo thả lỏng dây cương cho bản năng của bọn họ ngoi lên, sự xây dựng “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” rốt lại lúc nào cũng là một sự giáo dục ích kỷ phản xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sẽ là vu khống thô bỉ đối với thanh niên xô viết nếu coi họ hoàn toàn hoặc chủ yếu bị chi phối vì những lợi lộc cá nhân. Không, nhìn trong toàn bộ, thanh niên xô viết rất hào hiệp, có trực cảm, tháo vát, đảm đang. Chủ nghĩa ngoi lên chỉ nhuộm nó ở bề mặt. Dưới bề sâu, có những khuynh hướng khác nhau, thường khi còn chưa rõ nét và chủ nghĩa anh hùng nằm trong bản chất đang tìm cách được sử dụng. Chủ nghĩa anh hùng xô viết mới được nuôi dưỡng một phần bằng những hoài bão như thế. Chắc chắn là nó rất sâu sắc, chân thành và năng động. Nhưng nó không tránh được vì sự hiểu lầm giữa trẻ và già. Những lá phổi trẻ, khỏe mạnh, cảm thấy nghẹn thở trong bầu không khí giả dối, gắn liền với tecminđo, tức là trào lưu phản động đang còn phải khoác bộ áo cách mạng. Sự tương phản hiển nhiên giữa các áp phích xã hội chủ nghĩa và thực tế sinh động làm sụp đổ lòng tin vào những tuyên truyền của chính quyền. Nhiều thanh niên có thái độ khinh thường chính trị và mỗi người mỗi kiểu, tỏ ra cục cằn, thậm chí nói năng bừa bãi. Trong nhiều trường hợp, thái độ thờ ơ và trâng tráo là những dạng sơ khai của sự bất bình và ý muốn bị kiềm chế không được làm theo sở thích của mình. Sự khai trừ khỏi đoàn và khỏi đảng, sự bắt bớ và tù đày hàng chục vạn thanh niên “bạch vệ” và “cơ hội” một phía, bônsêvích - lêninnít một phía khác, chứng tỏ các nguồn chống đối chính trị có ý thức, cánh hữu cũng như cánh tả, chưa hề cạn; trái lại, chúng tuôn ra với một sức mạnh mới, trong vòng hai hoặc ba năm gần đây. Rồi thì những người nôn nóng nhất, hăng hái nhất, ít suy nghĩ nhất, bị tổn thương trong tình cảm và quyền lợi của họ, quay về phía khủng bố trả thù. Hiện nay, cái bóng ma tinh thần chính trị của tuổi trẻ xô viết là gần như thế. Lịch sử của việc khủng bố cá nhân ở Liên xô đánh dấu rất đậm cái giai đoạn tiến hóa chung của đất nước. Từ buổi bình minh của chính quyền xô viết, bọn bạch vệ và xã hội-cách mạng tổ chức những cuộc ám sát khủng bố trong hoàn cảnh của nội chiến. Khi những giai cấp hữu sản cũ mất hết hy vọng khôi phục, sự khủng bố cũng dừng. Những việc giết kulak kéo dài mãi đến gần đây có một tính chất địa phương; chúng bổ sung một cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ. Sự khủng bố gần đây nhất không dựa vào những giai cấp lãnh đạo cũ và và đám nông dân giàu có. Những người khủng bố của thế hệ cuối cùng được tuyển lựa hoàn toàn trong đám thanh niên xô viết, trong đoàn thanh niên cộng sản và đảng, nhiều khi cả trong đám con những người lãnh đạo. Hoàn toàn bất lực không giải quyết được những vấn đề theo ý muốn, sự khủng bố cá nhân tuy nhiên có tầm quan trọng lớn là nó biểu hiện triệu chứng cúa những mâu thuẫn gay gắt, khốc liệt, giữa đẳng cấp quan liêu và quảng đại quần chúng, đặc biệt là thanh niên. Say sưa làm kinh tế, nhảy dù, thám hiểm địa cực, chủ nghĩa thờ ơ biểu thị, “chủ nghĩa lãng mạn lưu manh”, tâm lý khủng bố và hành động đột xuất - tất cả chuẩn bị một cuộc bùng nổ của tuổi trẻ bất bình với sự bảo trợ không chịu nổi của phái già. Tất nhiên, chiến tranh có thể làm vơi đi khối hơi bị dồn ép của các mối bất bình. Nhưng không lâu đâu. Thanh niên sẽ nhanh chóng tạo cho mình bản lĩnh của những người chiến sĩ và uy thế mà hiện nay họ còn thiếu. Đồng thời uy tín của đa số người già sẽ bị xúc phạm, không tránh được. Trong điều kiện tốt nhất, chiến tranh chỉ đem lại cho đẳng cấp quan liêu một sự tạm hoãn; sau chiến tranh, xung đột chính trị sẽ sâu sắc hơn. Lẽ tự nhiên, sẽ rất đơn phương nếu chuyển vấn đề Liên xô thành vấn đề các thế hệ. Trong số những người già, đẳng cấp quan liêu có không thiếu gì những địch thủ ra mặt hoặc giấu mặt, cũng như có hàng chục vạn người quan liêu trong số thanh niên. Nhưng tấn công vào các tầng lớp lãnh đạo từ phía nào, hữu hoặc tả, những người xung kích tuyển lựa lực lượng chính của họ trong hàng ngũ thanh niên bị bóp nghẹt, bất bình và không có quyền chính trị. Đẳng cấp quan liêu rất am hiểu điều đó. Họ nhạy cảm cực kỳ với tất cả những gì đe dọa họ. Cố nhiên họ tìm cách củng cố trước các vị trí của họ. Những đường hào chính, những pháo đài bê tông, họ dựng lên đứng trước thế hệ trẻ. Chúng tôi đã nói về Đại hội X đoàn thanh niên cộng sản họp tháng 4 năm 1936 ở Kơremlanh. Lẽ cố nhiên không ai giải thích tại sao, trái với điều lệ, đại hội ấy đã không họp trong năm năm qua. Ngược lại, một điều ai cũng thấy rõ, đại hội được chọn lọc rất kỹ càng, nhằm mục đích tước quyền chính trị của thanh niên: căn cứ theo điều lệ mới, đoàn Côngxômôn - Thanh niên cộng sản - sẽ mất, cả về mặt pháp lý, mọi quyền tham gia đời sống xã hội. Từ nay họ chỉ hoạt động trong lãnh vực học tập và giáo dục. Theo lệnh trên, tổng bí thư đoàn thanh niên cộng sản tuyên bố: “Chúng ta phải... thôi không nói chuyện dông dài về kế hoạch công nghiệp và tài chính, về hạ giá thành, về cân bằng ngân sách, về hạt giống và mọi công việc khác của chính phủ, làm như chúng ta quyết định được những việc ấy”. Cả nước cũng có thể nhắc lại những lời cuối cùng này: “Làm như chúng ta quyết định được những việc ấy”! Lời nói trịch trượng “thôi không nói chuyện dông dài” trong một đại hội tuyệt đối phục tùng đã không gây được một tý phấn khởi nào. Càng ngạc nhiên hơn vì luật pháp xô viết qui định sự trưởng thành về chính trị vào mười tám tuổi, từ tuổi đó thanh niên nam nữ được quyền bầu cử, trong khi giới hạn tuổi đoàn viên thanh niên cộng sản theo điều lệ cũ là hai mươi ba tuổi, một phần ba đoàn viên vượt qua tuổi đó. Cùng một lúc, đại hội biểu quyết hai việc cải cách: hợp pháp hóa việc vào đoàn của các thiếu niên trưởng thành, như vậy làm tăng số côngxômôn cử tri lên và đồng thời tước quyền của đoàn không những không được can dự vào vấn đề chính trị nói chung (điều cho đến nay vẫn không có) mà còn cả những vấn đề thông thường về kinh tế. Việc nâng giới hạn tuổi có dụng ý từ nay những đoàn viên côngxômôn sẽ khó mà chuyển sang đảng. Việc xóa bỏ những quyền chính trị cuối cùng và cả đến cái vỏ bề ngoài của những quyền đó là do chủ đích bắt các đoàn viên cộng sản phụ thuộc hoàn toàn và mãi mãi vào đảng đã được thanh lọc. Cả hai biện pháp, rõ ràng là mâu thuẫn, có cùng một nguyên nhân, và là do mối lo sợ của đẳng cấp quan liêu đối với thế hệ trẻ. Các báo cáo viên của đại hội làm tròn các nhiệm vụ mà Stalin giao phó - các lời cảnh cáo ấy nhằm loại trừ mọi sự tranh luận - đã giải thích mục đích của việc cải cách với một sự bộc trực đáng ngạc nhiên: “Chúng ta không cần có một đảng thứ hai”. Như thế có nghĩa, theo ý kiến cấp lãnh đạo, cần phải chế ngự đến nơi đến chốn, nếu không sẽ có thể có mối họa côngxômôn trở thành một đảng thứ hai. Và như để vạch ra những khuynh hướng có thể tạo ra cái đảng ấy, báo cáo viên còn nói thêm lời cảnh cáo sau đây: “Trốtski, thời ông ta, tìm cách mị thanh niên, tiêm nhiễm cho thanh niên tư tưởng phản Lênin và phản bônsêvích, gợi cho họ ý kiến cần có một đảng thứ hai”, v.v... Lời ám chỉ của báo cáo viên chứa đựng một sự đánh tráo niên đại: thực tế, Trốtski hồi đó chỉ có cảnh cáo rằng sự quan liêu hóa sau này của chế độ không tránh khỏi, dẫn đến sự đoạn tuyệt với thanh niên và sẽ làm nảy sinh một đảng thứ hai. Chẳng cần nói nhiều: thực tế của sự việc đã chứng minh phần nào và bao gồm cả một chương trình. Đảng bị suy thoái chỉ còn hấp dẫn được đối với bọn ngoi lên. Những thanh niên nam nữ trung thực và có tư duy phải chán ngấy cái tính nô lệ phương Đông, lối tu từ giả dối che đậy những đặc quyền và sự độc đoán, sự khoa trương của bọn quan liêu tầm thường quen thói tâng bốc lẫn nhau, và những ông nguyên soái, giá mà hái được các ngôi sao trên trời thì các ông ấy cũng đeo hết lên trên ngực. Vậy thì không còn phải là sự đe dọa có một đảng thứ hai như cách đây mười hai hoặc mười ba năm, mà sự cần thiết phải có đảng đó. Sự thay đổi các điều lệ của đoàn thanh niên cộng sản, dù có tăng cường bằng những biện pháp mật vụ mới, không thể ngăn cản được thanh niên tập hợp sức trẻ của mình và bước vào xung đột với đẳng cấp quan liêu, lẽ tự nhiên là như thế. Trong trường hợp có đảo lộn chính trị, tuổi trẻ sẽ đi theo hướng nào? Sẽ tập hợp dưới những ngọn cờ nào? Lúc này không ai có thể trả lời chắc chắn về những câu hỏi đó, và cả thanh niên cũng vậy. Những khuynh hướng trái ngược nhau đang nung nấu ý thức của họ. Cuối cùng, những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng thế giới sẽ buộc những đám quần chúng ấy tỏ thái độ: chiến tranh, thắng lợi mới của chủ nghĩa phát xít hoặc ngược lại, chiến thắng của cách mạng vô sản ở phương Tây. Dù sao đẳng cấp quan liêu sẽ thấy rõ cái lớp thanh niên không có quyền ấy trong lịch sử sẽ là một nhân tố mạnh vào hạng nhất. Năm 1894, chế độ chuyên chế Nga, qua miệng của Sa hoàng trẻ Nicôla II, trả lời các hội đồng hàng tỉnh (Zemstvos) đang rụt rè muốn tham gia đời sống chính trị: “Mơ ước ngông cuồng!” Những lời thật đáng ghi nhớ! Năm 1936, đẳng cấp quan liêu trả lời những nguyện vọng còn mơ hồ của thế hệ trẻ xô viết bằng chỉ lệnh thô bạo: “chấm dứt những chuyện dông dài!” Những lời ấy cũng sẽ đi vào lịch sử. Chế độ Stalin cũng sẽ không trả giá rẻ hơn những lời ấy so với chế độ của Nicôla II. Dân tộc và văn hóa Đường lối dân tộc của chủ nghĩa bônsêvích bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Tháng mười, nó đã giúp cho Liên xô đứng vững sau đó, mặc dầu có những lực ly tâm ở bên trong và sự thù địch của các nước láng giềng bên ngoài. Sự suy thoái của Nhà nước quan liêu đã gây thiệt hại nặng nề cho đường lối đó. Chính về vấn đề dân tộc, Lênin chuẩn bị mở cuộc đấu tranh đầu tiên với Stalin tại đại hội XII của đảng, vào mùa Xuân năm 1923. Nhưng ông phải bỏ dở vì ốm nặng trước khi đại hội được triệu tập. Những tài liệu Lênin thảo hồi đó đang còn bị kiểm duyệt bưng bít.[5] Những nhu cầu văn hóa của các dân tộc được cách mạng thức tỉnh đòi hỏi một nền tự chủ rộng rãi nhất. Nhưng kinh tế chỉ có thể phát triển tốt khi tất cả các bộ phận của Liên bang áp dụng một kế hoạch toàn bộ tập trung. Vả lại kinh tế và văn hóa không ngăn cách với nhau như bức vách kín. Cho nên đã xảy ra sự xung khích giữa hai khuynh hướng: tự chủ về văn hóa và tập trung về kinh tế. Sự mâu thuẫn đó không phải không thể khắc phục được. Muốn giảm bớt xung đột, chúng ta không có và không thể có những công thức có sẵn; một sự tham gia mềm dẻo của quần chúng và chỉ có sự tham gia này, vào những quyết định thật sự trong đời sống hàng ngày, mới có thể mỗi bước vạch ra sự giới hạn giữa những yêu sách chính đáng của tập trung kinh tế và yêu sách căn bản của văn hóa dân tộc. Tất cả tai họa là ở chỗ cái triển vọng biểu hiện của nhiều dân tộc khác nhau ở Liên-xô đã bị đẳng cấp quan liêu hoàn toàn xuyên tạc, họ chỉ nhìn kinh tế và văn hóa dưới góc độ thích hợp với lợi quyền riêng của họ và tiện lợi cho công việc của chính phủ. Đúng là đẳng cấp quan liêu tiếp tục đem lại trong hai lĩnh vực ấy một sự tiến bộ nào đó, mặc dù phải trả bằng những phí tổn chung rất lớn. Trước hết là với những dân tộc lạc hậu của Liên-xô, tất yếu phải qua một giai đoạn ngắn hoặc dài vay mượn, bắt chước và tiếp thu. Đẳng cấp quan liêu xây cho họ một cái cầu bước đến những cái lợi ích sơ đẳng của văn hóa tư sản và một phần nào tiền tư sản. Đối với nhiều vùng và nhiều dân tộc, chế độ hiện nay thực hiện trong một phạm vi rộng rãi sự nghiệp lịch sử mà Pierơ (Pierre) đệ nhất và các chiến hữu đã thực hiện đối với xứ Môtcôvi (Moscovie) cổ xưa nhưng với qui mô lớn hơn và bước đi nhanh hơn. Hiện nay giáo dục đã thực hiện trong các trường ở Liên-xô ít nhất là bằng tám mươi thứ tiếng. Đối với phần lớn thổ ngữ ấy, ta đã phải sáng tạo những chữ cái hoặc thay các chữ cái quí tộc châu Á bằng những chữ cái la tinh hóa, vừa tầm với quần chúng hơn. Báo chí cũng xuất bản bằng ngần ấy thứ tiếng giúp cho những người du mục và những nông dân cổ sơ biết tới văn hóa. Ở những vùng xa xôi của đất nước, xưa kia bị sao nhãng, nay mọc lên những công nghiệp. Máy kéo phá hủy những phong tục cổ sơ còn mang tính bộ lạc. Đồng thời với chữ viết, xuất hiện y học và nông học. Không dễ gì đánh giá việc huy động những tầng lớp mới ấy của nhân loại. Mác đã không lầm khi nói cách mạng là đầu tầu của lịch sử. Nhưng những đầu tàu mạnh nhất cũng không làm ra được phép lạ. Chúng không thay đổi được những qui luật của không gian. Chúng chỉ có thể làm cho sự vận chuyển nhanh hơn. Sự cần thiết phải cho hàng chục triệu người biết chữ cái, báo chí, những phép tắc đơn giản nhất của vệ sinh chỉ ra cho thấy đoạn đường nào còn phải đi nữa, trước khi có thể đặt ra vấn đề một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mới. Thí dụ như báo chí viết rằng người Oirat (Oyrates) miền tây Xibêri, cho đến nay không biết tắm rửa, nay đã có “trong nhiều làng, những nhà tắm mà người ta đến đấy trong vòng ba mươi kilômét”. Cái thí dụ về tiến bộ sơ đẳng ấy cho thấy nổi bật trình độ của nhiều thắng lợi khác và không chỉ trong những vùng xa xôi và lạc hậu. Khi để chứng tỏ bước tiến về văn hóa, người cầm đầu chính phủ nói rằng yêu cầu về “giường sắt, đồng hồ, hàng dệt, áo len dài tay, xe đạp” tăng lên trong các nông trường tập thể, điều đó chứng tỏ nông dân khá giả bắt đầu biết dùng các sản phẩm của công nghiệp từ lâu đã đi vào đời sống nông dân phương Tây. Báo chí hàng ngày nhắc lại những bài thuyết giáo về “thương nghiệp xã hội chủ nghĩa văn minh”. Thực ra chỉ là làm cho các cửa hàng Nhà nước có một bộ mặt mới, sạch sẽ và hấp dẫn, trang bị chúng, cung cấp cho chúng những lô hàng đủ, đừng để táo thối, bán tất thì bán luôn cả sợi để mạng tất, và cuối cùng là giáo dục cho những người bán hàng quan tâm và lịch sự với khách, tóm lại đạt một trình độ thương nghiệp các xứ tư bản chủ nghĩa. Nhưng phải công nhận còn xa mới đến được chỗ đó, dù rằng ở đó chẳng có một mảy may nào là chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta ngoảnh mặt đi một lúc với những luật pháp và thể chế và đừng tự huyễn hoặc bằng những ảo tưởng, để nhìn vào đời sống hàng ngày của quảng đại quần chúng, chúng ta buộc phải kết luận rằng di sản của nước Nga chuyên chế và tư bản còn nắm phần thắng trong phong tục so với các mầm mống của chủ nghĩa xã hội. Chính nhân dân biểu thị rất rõ điều này trong sự thèm khát nắm bắt từng chút cải tiến nhỏ những mẫu hình có sẵn ở phương Tây. Những viên chức trẻ xô-viết, và nhiều khi cả những công dân trẻ, cố gắng bắt chước những phong cách và y phục các kỹ sư và kỹ thuật viên Mỹ họ gặp trong các nhà máy. Các nữ viên chức và nữ công nhân nhìn chằm chặp vào cô du lịch nước ngoài để ăn mặc như cô ta, bắt chước điệu bộ của cô ta. Chị nào có may mắn học đòi được, đến lượt mình lại trở thành đối tượng để mọi người bắt chước. Đáng lẽ dùng giấy bọc tóc uốn như xưa kia, những chị có lương cao đều làm tóc uốn lâu dài. Thanh niên sẵn sàng học những điệu “khiêu vũ hiện đại”. Nhận xét theo một hướng nào đó, đó là những tiến bộ. Nhưng hiện tại chúng biểu thị không phải tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, mà là ưu thế của văn hóa tư sản đối với văn hóa gia trưởng, của thành phố đối với nông thôn, của trung ương đối với các tỉnh, của phương Tây đối với phương Đông. Còn các giới xô-viết có đặc quyền thì họ tìm vay mượn lối sống của các giới thượng lưu, các chính khách, các giám đốc tờrớt (trust), kỹ sư hay đi châu Âu và châu Mỹ. Họ trở thành trọng tài về bộ môn nói trên. Văn châm biếm xô-viết không nói một lời về chuyện này bởi vì tuyệt đối cấm không được đụng đến “mười nghìn” nhà lãnh đạo cao cấp. Tuy nhiên ta không thể không ghi nhận với một chút buồn phiền, rằng các phái viên cao cấp xô-viết ra nước ngoài không biểu lộ trước mặt văn minh tư bản một phong cách riêng, hay một sắc thái nào đó mang tính cá nhân ít nhiều. Họ không có sự kiên định bên trong cho phép họ coi thường những hình thức bên ngoài và giữ được một khoảng cách với chung quanh. Thường thường, tất cả tham vọng của họ chỉ là làm sao cho không phân biệt được họ với bọn chính cống học đòi lối sống tư bản. Nói chung, số đông họ cảm thấy họ không phải là những đại biểu của một thế giới mới mà là những kẻ hãnh tiến và họ hành động đúng như thế. Nói rằng Liên-xô lúc này đang theo đuổi sự nghiệp văn hóa mà các nước tiên tiến đã hoàn thành từ lâu trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, nói như thế chỉ mới nói lên được một nửa chân lý. Những hình thức xã hội mới hoàn toàn không phải là không có tác dụng; chúng không chỉ mở ra cho một nước lạc hậu khả năng đuổi kịp trình độ các nước tiên tiến, chúng còn cho phép đến đấy nhanh hơn rất nhiều so với phương Tây. Tìm thấy chìa khóa của cái bí quyết ấy không khó khăn gì: những người đi tiên phong của giai cấp tư sản đã phải sáng tạo ra kỹ thuật của họ và tập tành áp dụng vào kinh tế và văn hóa, còn Liên-xô thì đã có một cái vốn thu được sẵn sàng, hiện đại và nhờ có công cuộc xã hội hóa các phương tiện sản xuất, đem áp dụng không phải từng phần, từ từ, mà cùng lúc, trên qui mô vô cùng rộng lớn. Các thủ lãnh quân sự của quá khứ đã nhiều lần ca tụng vai trò khai hóa của quân đội, nhất là đối với nông dân. Không tự dối mình về thứ văn minh đặc chủng do chủ nghĩa quân phiệt tư sản gieo rắc, chúng ta tuy vậy phải công nhận nhiều thói quen cần thiết cho tiến bộ đã đem đến cho quần chúng qua quân đội làm trung gian; không phải là không có nguyên nhân, khi các binh lính và hạ sĩ quan đứng ở hàng đầu những người nổi dậy trong tất cả phong trào cách mạng và chủ yếu trong các phong trào nông dân. Chế độ xô-viết có khả năng tác động đến đời sống quần chúng, không chỉ ở sự sử dụng quân đội mà còn ở sự sử dụng tất cả các cơ quan của Nhà nước, đảng, đoàn thanh niên cộng sản và các công đoàn hòa nhập với Nhà nước. Sự tiếp thu những mẫu hình có sẵn về kỹ thuật, vệ sinh, nghệ thuật, thể thao sẽ được bảo đảm do những hình thức sở hữu của Nhà nước bởi sự chuyên chính chính trị, do sự lãnh đạo theo kế hoạch trong những thời hạn ngắn hơn rất nhiều so với sự hình thành chúng ở các xứ tư bản, quê hương của chúng. Nếu cách mạng Tháng mười chỉ mang lại có sự gia tăng tốc độ như thế, nó cũng đã xứng đáng được biện hộ, đứng về phương diện lịch sử, bởi vì chế độ tư sản đi xuống, trong phần tư thế kỷ vừa qua, đã tỏ ra không có khả năng đẩy lên tiến bộ một nước lạc hậu nào, trong một bộ phận nào của thế giới. Giai cấp vô sản Nga làm cách mạng nhằm những mục đích cao hơn nhiều. Cho dù hôm nay nó phải gánh chịu cái ách chính trị nào, những phần tử ưu tú của nó vẫn không từ bỏ chương trình cộng sản và những hoài bão to lớn mà nó đại diện. Đẳng cấp quan liêu buộc phải thích nghi với giai cấp vô sản bằng phương hướng chính trị của họ và hơn thế, bằng cách biểu hiện đường lối ấy. Vì thế mỗi bước tiến trong kinh tế hoặc trong phong tục, độc lập với cách giải thích của lịch sử của bọn họ hay với ý nghĩa thật sự của họ đối với đời sống quần chúng, đã trở thành một thắng lợi phi thường, một thành tựu không tiền khoáng hậu của “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Dĩ nhiên, đem bàn chải đánh răng và xà phòng rửa mặt đến cho hàng triệu con người mới ngày hôm qua đây còn chưa biết những yêu cầu đơn giản nhất của sự vệ sinh, đúng là một sự nghiệp khai hóa vào bậc nhất. Nhưng xà phòng, bàn chải đánh răng, cả đến nước hoa mà “các phu nhân của chúng ta” đòi hỏi không làm thành văn hóa xã hội chủ nghĩa, nhất là khi những báu vật đó của văn minh mới đến tay chỉ có 15% dân chúng. “Sự biến đổi con người” mà báo chí xô-viết nói đến không ngớt thật sự dang diễn ra với tốc độ lớn. Nhưng trong chừng mực nào nó được coi là sự biến đổi xã hội chủ nghĩa? Trong quá khứ, dân tộc Nga chưa từng có cuộc cải cách tôn giáo lớn như người Đức, cách mạng tư sản lớn như người Pháp. Trong hai cái lò ấy, nếu chúng ta tránh không nói tới cuộc cách mạng cải cách ở Anh thế kỷ thứ XVII, đã hình thành cá tính tư sản, giai đoạn quan trọng bậc nhất trong sự phát triển cá tính nhân loại nói chung. Cuộc cách mạng Nga 1905 và 1917 tất yếu chỉ ra sự thức tỉnh của cá tính trong lòng quần chúng và sự khẳng định nó trong một môi trường cổ xưa; như vậy chúng (các cuộc cách mạng Nga) thực hiện trên qui mô nhỏ hơn, vội vàng hơn, sự nghiệp giáo dục của những cải cách và cách mạng tư sản phương Tây. Nhưng nhiều năm trước khi sự nghiệp ấy được hoàn thành, ít ra trong những nét lớn, cách mạng Nga ra đời trong hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản, đã được cuộc đấu tranh giai cấp đặt lên đường ray của chủ nghĩa xã hội. Những mâu thuẫn trong lĩnh vực văn hóa chỉ làm cái việc phản ánh và lệch hướng của những mâu thuẫn xã hội và kinh tế, kết quả của bước nhảy đó. Sự thức tỉnh của cá tính từ đó tất yếu mang một tính cách ít nhiều tiểu tư sản trong kinh tế, gia đình, thi ca. Đẳng cấp quan liêu trở thành hiện thân của cá nhân chủ nghĩa cực đoan, đôi khi không kềm chế. Chấp nhận và khuyến khích chủ nghĩa cá nhân trong kinh tế (khoán sản phẩm, mảnh đất riêng của nông dân, tiền thưởng, huy chương), mặt khác nó lại đàn áp nghiêm khắc những biểu hiện tiến bộ của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn hóa tinh thần (quan điểm phê bình, hình thành ý kiến cá nhân, phẩm cách cá nhân). Trình độ một nhóm dân tộc càng cao hơn, sáng tạo văn hóa ở đó càng cao hơn, những vấn đề xã hội và nhân cách đối với họ càng cốt thiết hơn thì những gọng kềm của chế độ quan liêu đối với họ càng xiết chặt hơn, nếu không nói là không chịu đựng được. Thực tế không thể nói được về vẻ độc đáo của các nền văn hóa dân tộc khi chỉ một chiếc đũa của người nhạc trưởng – hay nói đúng hơn một chiếc dùi cui của công an – cũng đủ để chỉ đạo các chức năng tinh thần của tất cả các dân tộc trong Liên bang. Các báo (và sách) Ucơrai (Ukrainien), Bạch Nga, gớocgi (Géorgien) hoặc Thổ chỉ làm cái việc phiên dịch sang các thứ tiếng đó theo lệnh quan liêu. Báo chí Matxcơva công bố hàng ngày bản dịch ra tiếng Nga những tụng ca dâng lên các lãnh tụ do những nhà thơ giải thưởng quốc gia, thực tế là những vần vè đáng khinh, bài này khác bài nọ chỉ ở mức độ nô lệ và vô nghĩa. Nền văn hóa “Đại Nga” (grand russe) dưới chế độ cảnh sát ấy cũng đau khổ như các nền văn hóa khác, nó sống chủ yếu nhờ vào thế hệ già trưởng thành trước cách mạng. Thanh niên thì như bị đè nát dưới viên đá lát. Như vậy, chúng ta không phải đứng trước việc một dân tộc này áp bức một dân tộc khác, theo nghĩa đen của từ ngữ, mà là trước việc các nền văn hóa của tất cả các dân tộc đều bị sự áp bức của một bộ máy công an tập trung, kể từ nền văn hóa Đại Nga. Tuy nhiên chúng ta không thể không lưu ý 90% các báo ở Liên-xô xuất bản bằng tiếng Nga. Nếu tỷ lệ phần trăm ấy mâu thuẫn rõ rệt với tỷ lệ con số người Nga trong dân số, nó tương xứng đúng hơn với ảnh hưởng của nền văn minh Nga và vai trò trung gian của nó giữa các dân tộc lạc hậu và phương Tây. Tuy nhiên, có nên thấy trong phần lớn quá đáng dành cho người Nga về việc xuất bản (và không riêng vấn đề này) một đặc quyền dân tộc, đặc quyền của nước lớn lấn át các dân tộc khác? Có thể lắm. Nhưng với câu hỏi hết sức nghiêm chỉnh ấy, người ta không thể trả lời bằng lời lẽ dứt khoát được như ý muốn, bởi vì, còn hơn cả sự hợp tác, sự thi đua và sự làm phong phú hỗ tương của các nền văn hóa, vấn đề được giải quyết trong đời sống do vai trò trọng tài không thể kháng cáo của đẳng cấp quan liêu. Và vì Kơremlanh là trung tâm của chính quyền, ngoại vi phải học tập trung tâm, đẳng cấp quan liêu trung ương tất nhiên phải làm theo đường lối Nga hóa và chỉ để cho các dân tộc khác một cái quyền không ai tranh cãi: quyền được hát lên những lời ca tụng vị trọng tài bằng ngôn ngữ của họ. Học thuyết chính thống về văn hóa thay đổi với những dích dắc trong kinh tế và những sự cần thiết về mặt hành chính; nhưng trong mọi biến chuyển của nó, nó vẫn giữ một tính cách tuyệt đối dứt khoát. Cùng với lý thuyết chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, lý thuyết về “văn hóa vô sản” cho đến giờ vẫn nằm ở hậu phương, đã được chính thức thụ phong. Những người chống lại nó chủ trương rằng chuyên chính vô sản nhất thiết chỉ là quá độ; rằng trái với giai cấp tư sản, giai cấp vô sản không nghĩ đến việc thống trị trong những giai đoạn lịch sử dài; rằng nhiệm vụ của thế hệ giai cấp thống trị mới trong hiện tại trước hết là tiếp thu những tinh hoa của giai cấp tư sản; rằng nếu giai cấp vô sản vẫn cứ là giai cấp vô sản, nói cách khác, nếu nó còn mang các dấu vết nô lệ của nó ngày hôm qua, thì nó càng ít có khả năng để vượt lên trên di sản của quá khứ; rằng những khả năng của một sự nghiệp sáng tạo mới chỉ mở ra thật sự dần dần với sự hòa nhập của giai cấp vô sản vào trong xã hội chủ nghĩa. Tất cả điều này muốn nói rằng văn hóa xã hội chủ nghĩa – và không phải là văn hóa vô sản – có sứ mệnh tiếp nối văn hóa tư sản. Tranh luận với các lý thuyết gia của một nghệ thuật vô sản, một sản phẩm của phòng thí nghiệm, tác giả của những dòng này đã viết “Văn hóa được nuôi bằng nhựa sống của kinh tế và phải có những dư thừa vật chất để nó lớn lên, đa dạng và tinh tế”. Cách giải quyết tốt đẹp nhất các vấn đề kinh tế sơ đẳng “chưa có ý nghĩa chút nào là sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội, một nguyên lý lịch sử mới”. Chỉ có sự tiến lên của tư duy khoa học trên cơ sở nhân dân, và sự phồn vinh của nền nghệ thuật mới, mới chứng tỏ cái hạt đã vượt quá sự nảy mầm và cái cây đã ra hoa. Về phương diện này “sự phát triển của nghệ thuật là thử thách cao nhất sức sống và tầm quan trọng của một thời đại”[6]. Quan điểm đó, hôm qua đây vẫn được công nhận, bỗng nhiên trong một văn bản chính thống bị coi là “tư tưởng đầu hàng” và xuất phát do sự “thiếu lòng tin” vào năng lực sáng tạo của giai cấp vô sản. Giai đoạn Stalin – Bukharin mở đầu: Bukharin từ lâu giữ chức thủ lĩnh của văn hóa vô sản; Stalin thì không nghĩ đến việc đó bao giờ. Dù sao cả hai đều nghĩ rằng tiến tới chủ nghĩa xã hội phải đi bằng “bước rùa” và giai cấp vô sản có hàng chục năm để xây dựng nền văn hóa của mình. Còn về tính chất của nền văn hóa này, tư tưởng của các lý thuyết gia của chúng ta cũng mơ hồ và cũng không có tham vọng gì lớn lắm. Những năm bão táp của kế hoạch năm năm lần thứ nhất lật nhào cái triển vọng bước đi của rùa. Ngay từ 1931, đất nước trước một nạn đói kinh khủng, “đi vào chủ nghĩa xã hội”. Trong khi các nhà văn và nghệ sĩ được Nhà nước bao che chưa kịp tạo ra một nghệ thuật vô sản hoặc ít ra những tác phẩm đầu đánh dấu cho nghệ thuật đó, chính phủ tuyên bố giai cấp vô sản đã hòa nhập vào trong xã hội không giai cấp. Chỉ còn một cách cho hợp với tình hình là nói vô sản chưa tạo được nền văn hóa vô sản vì là còn thiếu một yếu tố không thể bỏ qua được: thời gian. Quan niệm của ngày hôm qua trong khoảnh khắc bị đẩy vào quên lãng, và người ta nêu thành thời sự nền “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Chúng ta đã từng biết nội dung của nền văn hóa này là thế nào rồi! Sáng tạo tinh thần cần có tự do. Tư tưởng cộng sản bắt thiên nhiên phục tùng kỹ thuật và kỹ thuật phục tùng kế hoạch, để buộc vật chất phải đem lại cho con người và không được phép từ chối, tất cả những gì con người cần, và còn hơn thế nữa, tư tưởng ấy nhằm vào một cứu cánh cao hơn: vĩnh viễn giải phóng các năng lực sáng tạo của con người ra khỏi mọi sự ràng buộc, những lệ thuộc nhục nhã hoặc trói buộc nặng nề. Những quan hệ con người, khoa học, nghệ thuật sẽ không phải chịu một kế hoạch nào áp đặt, không một bóng dáng bó buộc nào. Trong điều kiện nào sáng tạo tinh thần sẽ là cá nhân hoặc tập thể? Cái đó sẽ hoàn toàn tùy thuộc người sáng tạo. Điều này nữa: thời kỳ quá độ, chuyên chính biểu thị các bạo tàn quá khứ và không phải nền văn hóa tương lai. Nó tất yếu phải có những hạn chế ngặt nghèo cho mọi hoạt động, kể cả hoạt động tinh thần. Cương lĩnh của cách mạng lúc đầu thấy đó là một bức thiết tạm thời và tự nguyện, cần gạt bỏ dần dần mọi sự hạn chế tự do cùng bước với sự tiến bộ dần dần của chế độ mới. Dù sao, trong những năm nóng bỏng nhất của nội chiến, những người lãnh đạo của cách mạng thấy rõ rằng chính phủ, nếu vì những lý do chính trị, có thể hạn chế quyền tự do sáng tạo, nhưng không bao giờ lại ra lệnh trong lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật. Với những sở thích khá “bảo thủ”, Lênin tỏ ra thận trọng bậc nhất trong lĩnh vực nghệ thuật, thường hay nêu lên sự không thành thạo của mình. Việc Lunatsacski (Lounatcharsky), ủy viên dân ủy bộ giáo dục, bao che một số hình thức hiện đại hóa thường làm cho Lênin phân vân, nhưng ông cũng chỉ đưa ra một vài nhận xét châm biếm khi nói chuyện riêng, và không bao giờ lấy sở thích văn học riêng của mình làm luật chung. Năm 1924, bước vào một giai đoạn mới, tác giả cuốn sách này nói về thái độ của Nhà nước đối với các khuynh hướng nghệ thuật bằng những lời lẽ sau: “Đặt lên cao nhất tiêu chuẩn: “công nhận hay chống cách mạng”, ngoài tiêu chuẩn này, cần thiết phải để họ (văn nghệ sĩ) hoàn toàn tự do trên mảnh đất của họ”. Chừng nào nền chuyên chính còn được quần chúng tán trợ và có trước mặt triển vọng của cách mạng thế giới, nó không sợ những thí nghiệm, những tìm tòi, đấu tranh của các trường phái, bởi vì nó hiểu rằng một giai đoạn mới của nền văn hóa chỉ có thể chuẩn bị bằng con đường đó. Tất cả đường tơ của đại chúng đang còn rung lên; lần đầu tiên tự nghìn năm, nhân dân được lớn tiếng phát biểu và suy nghĩ. Những sức trẻ tươi đẹp nhất của nghệ thuật được nắm bắt ngay trong cuộc sống. Chính trong những năm đầu tràn đầy hy vọng và dũng cảm ấy, đã sáng tạo ra những mẫu hình quí giá nhất của pháp lý xã hội chủ nghĩa và những tác phẩm hay nhất của văn học cách mạng. Cũng thuộc thời kỳ đó, những cuộn phim xô-viết hay nhất, mặc dù còn chịu sự nghèo nàn của các phương tiện kỹ thuật, đã làm thế giới ngạc nhiên về tính hiện thực tươi trẻ và sâu đậm. Trong cuộc đấu tranh chống phái đối lập trong đảng, các trường phái văn học lần lượt bị bóp nghẹt. Và không chỉ có văn học. Sự tàn phá lan ra mọi lãnh vực của ý thức hệ, càng mạnh mẽ vì chỉ ý thức được nửa vời. Những người lãnh đạo hiện nay tự cho mình quyền dùng phương pháp chính trị kiểm tra đời sống tinh thần và quyền được chỉ huy sự phát triển của nó. Mệnh lệnh không được kháng cáo của họ thiết lập như nhau trong các trại tập trung, trong nông học và trong âm nhạc. Cơ quan trung ương của đảng ban bố những bài không ký tên, khá giống lệnh của các tướng tá quân sự, quản lý kiến trúc, văn học, kịch bản, nhảy múa, cố nhiên là cả triết học, các khoa học tự nhiên và lịch sử. Đẳng cấp quan liêu có một mối lo sợ như là mê tín đối với những gì không phục vụ họ, và những gì mà họ không hiểu. Khi họ đòi hỏi phải có một mối quan hệ giữa các khoa học tự nhiên và sản xuất, họ có lý ở một chừng mực nào đó, nhưng khi họ ra lệnh cho những nhà tìm tòi nghiên cứu phải buộc mình vào những mục đích thực tiễn trực tiếp, họ tạo ra nguy cơ làm cạn những nguồn quí báu nhất của sáng tạo, kể cả nguồn của những phát triển thực tiễn thường thường vẫn tìm ra ở những chỗ bất ngờ. Đã từng nếm một kinh nghiệm đau đớn, các nhà khoa học tự nhiên, toán học, ngữ vi văn học, lý thuyết gia về nghệ thuật quân sự cố tránh những khái quát hóa lớn rộng, sợ rằng có một “giáo sư đỏ”, thường thường lại là một anh ngoi lên ngu dốt, chống lại họ một cách thô bạo bằng một trích dẫn nào đó của Lênin hoặc Stalin. Trong trường hợp như thế, bảo vệ tư duy và phẩm chất khoa học chắc chắn là tự gây cho mình một sự đàn áp khắc nghiệt. Khoa học xã hội bị ngược đãi hơn hết. Các kinh tế gia. sử gia, cả các nhà làm thống kê, chưa nói đến các nhà báo chỉ lo trước hết đừng có mâu thuẫn, dù là gián tiếp, với lập trường công khai của đảng. Người ta không thể viết về kinh tế xô-viết, về đường lối đối nội và đối ngoại mà không tự bao che bốn bề bằng những lời nói chung chung mượn trong các diễn văn của các lãnh tụ, và định cho mình mục tiêu chứng minh mọi việc đều đã xảy ra như đã dự tính hoặc tốt hơn. Chủ nghĩa theo thời một trăm phần trăm giải thoát được mọi ưu phiền ở thế gian nhưng tự nó đã tạo ra một sự trừng phạt: sự cằn cỗi. Dù rằng chủ nghĩa Mác là học thuyết chính thống ở Liên-xô, nhưng trong vòng mười hai năm trở lại đây chưa thấy xuất bản được một công trình Mácxít nào - viết về kinh tế, xã hội học, lịch sử triết học – đáng chú ý hoặc đáng được dịch. Các tác phẩm mácxít đã phát hành không ra khỏi giới hạn của sự sưu tầm kinh viện, chỉ làm cái việc lặp đi lặp lại những ý cũ đã được công nhận, và dùng lại cũng những trích dẫn ấy tùy theo nhu cầu từng lúc. In ra hàng triệu bản, những sách và các tập mỏng, làm bằng hồ dán, chứa đựng sự nịnh bợ liếm gót và những chất nhão khác, được Nhà nước đứng ra phát hành, nhưng chẳng ai buồn đọc. Những nhà mácxít có khả năng nói được điều có ích và có bản sắc riêng thì bị cầm tù hoặc buộc phải im lặng. Trong khi đó sự tiến hóa của các hình thái xã hội luôn đặt ra những vấn đề to lớn! Sự trung thực, không có nó không thể có công tác lý luận, bị dẫm xuống chân. Những ghi chú để giải thích kèm theo các văn bản của Lênin, cứ mỗi lần tái bản lại được sắp xếp lại từ đầu đến cuối để phục vụ lợi ích riêng bộ tham mưu của chính phủ, tâng bốc các “lãnh tụ”, bôi nhọ các địch thủ của họ, xóa đi một số dấu vết… Các sách giáo khoa lịch sử đảng và cách mạng cũng chịu đựng một cách đối xử như thế. Các sự việc bị bóp méo, tư liệu bị che dấu hoặc ngược lại, được chế tạo ra, thanh danh được dựng lên hoặc bị hủy đi. Chỉ đem so sánh đơn thuần những lần xuất bản kế tiếp nhau của cùng một cuốn sách trong mười hai năm, ta thấy ngay sự suy thoái tư duy và ý thức của những người lãnh đạo. Chế độ cực quyền cũng không kém tai hại đối với văn học. Cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng và trường phái nhường chỗ cho sự diễn đạt mệnh lệnh của các lãnh tụ. Tất cả các nhóm bắt buộc phải thuộc về một tổ chức duy nhất, một loại trại tập trung các nhà văn. Những nhà văn tồi nhưng ngoan ngoãn như Gơlátcôp (Gladkov) và Xêraphimôvit (Serafimovitch) được tuyên dương là cổ điển. Những nhà văn có tài, nhưng không biết tự kiềm chế như họ muốn, bị bao vây bởi những bầy quân sư vô sỉ được trang bị bằng đầy những trích dẫn. Những nhà nghệ sĩ xuất chúng phải tự tử; những người khác tìm chất liệu sáng tác trong một quá khứ xa xôi hoặc im lặng. Những sách chân thật và mang dấu hiệu của tài năng chỉ xuất hiện một cách ngẫu nhiên, như chúng thoát khỏi nhà ngục, trở thành một thứ hàng lậu. Đời sống nghệ thuật xô-viết là một thiên thảm sử tuẫn tiết. Sau bài báo chỉ đạo của tờ Sự Thật chống chủ nghĩa hình thức, người ta thấy trong đám nhà văn, họa sĩ, trợ lý đạo diễn và cả các nữ ca sĩ nhạc kịch, một trận dịch “hối lỗi”. Tất cả đua nhau từ bỏ những tội lỗi của họ ngày hôm qua, nhưng đã thận trọng tránh không nói rõ chủ nghĩa hình thức là gì. Cuối cùng các nhà chức trách lại phải, bằng một chỉ đạo mới, chặn lại làn sóng khẩn cầu quá mạnh mẽ ấy. Các lời phê bình văn học được xét lại trong vài tuần, các giáo khoa viết lại, các phố đổi tên và người ta dựng những tượng đài vì Stalin đã tỏ lời khen ngợi Maiacôpski (Maiakovsky). Ấn tượng của một nhạc kịch đối với các vị cấp lãnh đạo trở thành đường lối chỉ đạo cho các nhà soạn nhạc. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản tuyên bố trong một cuộc hội nghị các nhà văn rằng “các chỉ thị của đồng chí Stalin là pháp lệnh cho tất cả mọi người” và người ta vỗ tay, mặc dầu một số đỏ mặt vì xấu hổ. Và như người ta muốn lăng mạ đến tột cùng văn học, Stalin, người không thể viết đúng ngữ pháp một câu tiếng Nga, được phong là một trong những nhà cổ điển về văn phong. Cái lối biện giải “bi dăng tanh” viển vông ấy và cái triều đại cảnh sát ấy có một cái gì bi thảm bên trong bộ mặt hài hước của chúng. Công thức chính thống chỉ định văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức. Tuy nhiên nội dung văn hóa xã hội chủ nghĩa chỉ có thể nêu lên như là một giả thuyết ít nhiều may mắn. Không ai có thể ghép cái văn hóa ấy trên một nền tảng kinh tế chưa đầy đủ. Nghệ thuật kém hơn khoa học về mặt dự báo tương lai. Dù nói thế nào, những công thức như là “hình dung sự xây dựng sau này”, “chỉ ra con đường xã hội chủ nghĩa”, “biến đổi con người” không đem lại gì nhiều cho trí tưởng tượng hơn giá bán của các lưỡi cưa hoặc các bảng chỉ dẫn của các tuyến đường sắt. Hình thức dân gian của nghệ thuật và việc đưa các tác phẩm đến ngang tầm của mọi người được đồng nhất làm một. Tờ Sự Thật tuyên bố:”Cái gì không có ích cho nhân dân không thể có giá trị mỹ học”. Cái tư tưởng cũ xưa của phong trào dân túy ấy (narodniki)[7] vốn gạt bỏ sự giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng, lại càng mang một tính cách phản động khi đẳng cấp quan liêu tự cho mình quyền quyết định nghệ thuật mà dân muốn hoặc không muốn; họ xuất bản sách tùy sở thích của họ, và họ bắt buộc người ta phải bán, không để cho độc giả được quyền lựa chọn. Cuối cùng, tất cả chỉ là cho họ; nghệ thuật phụng sự cho quyền lợi của họ và làm những gì để cho đẳng cấp quan liêu trở thành hấp dẫn đối với quần chúng. Vô ích! Chẳng có văn học nào giải được bài toán đó. Những người lãnh đạo cũng buộc phải thừa nhận “kế hoạch năm năm lần thứ nhất cũng như lần thứ hai không dấy lên được làn sóng sáng tạo văn học nào mạnh mẽ hơn làn sóng sinh ra từ cách mạng Tháng mười”. Lối nói văn hoa nghe thật êm tai. Thật ra, ngoại trừ một vài ngoại lệ, thời kỳ tecmiđo đi vào lịch sử như là thời kỳ của những nhà văn tồi, những anh chiếm được giải thưởng và những chàng láu cá. Chú thích[1] Luật ấy đã bị bãi bỏ từ lâu [2] Sách phổ thông chủ nghĩa cộng sản do Bukharin và Préobrajensky viết trong những năm đầu cách mạng. [3] Phái thiểu số trong đảng xã hội dân chủ Nga. [4] Bộ trưởng bộ tuyên truyền của phát xít Đức. [5] Những tư liệu ấy chỉ được công bố ở Liên xô năm 1956, sau đại hội XX, ba năm sau khi Stalin mất. [6] Các lời dẫn rút ra từ sách của Trốtki Văn Học Và Cách Mạng [7] Phong trào dân túy của những năm 1870 trước khi chủ nghĩa Mác thâm nhập vào Nga.