Ngày hôm sau, đại quân tiến đến Tiếp Thiên quan. Tướng giữ quan Lục Lượng Phương liền cùng bàn với Vương Văn rằng: "Quân Tống tiến nhanh mà tới, có cách nào lui không?" Văn nói: "Cửa quan hiểm trở, nên cố thủ, chờ quân Tống hết lương thì dễ dàng phá được". Lượng Phương nghe lời này, án binh không ra. Tống tiên phong Hô Diên Tán đánh ở dưới ải, hạ lệnh cho thuộc hạ đánh gấp. Trên ải đồ gỗ, đá, bắn cung tên xuống, quân sĩ không thể tiến gần. Tán vô kế khả thi, bàn với Kiến Trung rằng: "Lục Lượng Phương kiên thủ ải này, có cách nào lấy không?” Kiến Trung nói: "Địa thế ải hiểm trở khó có thể hạ được. Nếu như đánh gấp, chỉ là tổn tướng quân sĩ vô ích, kế duy nhất hiện nay, chỉ có thể giải vây mà chờ, đợi có cơ hội mới thừa thế lấy được, sau đó tiến quân mới không phí quân công vậy". Tán trầm ngâm hồi lâu, lui vào trong quân. Qua thêm vài ngày, Tán sai người do thám tin tức cửa ải, được báo rằng: "Ải thủ rất kiên cố, nhân mã không thể đến gần". Tán nghe thấy càng thêm lo lắng. Chợt nghe báo: "Ngoài trại có một người lính già muốn gặp tướng quân”. Tán lệnh kêu vào. Người lính già tiến vào trước trướng nói rằng: "Nghe tướng quân đánh cửa ải này không hạ được nên đặc đến dâng kế, để giúp tướng quân lập công lớn". Tán ngạc nhiên nói: "Ngươi có mẹo gì lấy cửa quan này. Nếu được sẽ bảo tấu thiên tử, ngươi sẽ không mất phần phú quý đâu”. Người lính già đáp: "Cửa ải này địa thế rất cao, nên gọi Tiếp Thiên quan, Tướng giữ quan là Lục Lượng Phương, chẳng qua là một dũng phu, cũng dễ tiến công thôi. Nhưng bên trong có Vương Văn phù trợ, người này mưu trí sâu rộng, rất giỏi dùng quân, nếu như cố thủ không ra, thì quân của tướng quân có vây một năm thì cũng chỉ vậy thôi. Tướng quân không biết sau ải có một con đường nhỏ, mặc dù là khúc khuỷu nhưng thật sự là đường riêng qua cửa ải này, trên đường có Tam Trấn quan, do Lý Thái Công giữ. Nếu tướng quân sai người đến hỏi mượn đường này mà đi qua, thẳng đến phía Bắc Hà Đông, sẽ không có gì trở ngại". Tán nghe xong mừng rỡ nói: "Đó là trời sai người đến giúp ta, cũng là hồng phúc của hoàng thượng vậy". Liền đưa người lính già vào ở trong danh, đợi ngày thành công sẽ tâu vua khen thưởng. Người lính già nói: "Tiểu khả không muốn thăng thưởng". Nói rồi từ biệt mà đi ra. Ngoài doanh quân vào báo: "Vừa rồi người lính già đi ra ngoài, đột nhiên biến mất, chỉ để lại một cơn gió mát". Tán càng kinh ngạc, lập tức quỳ lạy giữa trời tạ ơn. Hôm sau, sai Liễu Hùng Ngọc đem 5000 quân, tới cửa ải Lý Thái Công xin mượn đường. Liễu Hùng Ngọc dẫn quân theo con đường nhỏ sau núi thẳng đến cửa ải, sai người vào thông báo. Tướng giữ ải là Lý Thái Công tên là Vinh, có hai người con trai, con trưởng tên Lý Tín, con thứ tên Lý Kiệt, cả hai đều giỏi võ nghệ. Thái Công nghe nói quân Tống đã vây lấy Tiếp Thiên quan, nên cũng thủ nghiêm ngặt đất này. Chợt nghe báo: "Tống tướng sai người đến gặp Thái Công". Thái Công lệnh người gọi và hỏi. Tên lính đến nói: "Trung Quốc quân đến Tiếp Thiên quan, trong ải thủ giữ rất kiên cố, quân Trung Quốc chưa thể đánh hạ, nghe nói ở đây có đường qua Hà Đông được, nên đến xin Thái Công cho mượn đường. Nếu được thành công, triều đình sẽ phong thưởng lớn cho". Thái Công nghe xong cười nói: "Nơi này vốn là đất yết hầu của Hà Đông, nay ải phía trước cùng ta liên kết thanh thế, cùng ngăn quân Tống. Nếu cho các ngươi tiến binh, tức là cắt thịt dâng người, tự chuốc thất bại. Ta không giết ngươi, mau về báo với chủ tướng, nếu có giỏi thì sớm đến đây mà giao phong”. Sai nhân nghe vậy hoảng sợ chạy về, báo với Liễu Hùng Ngọc, nói lại nguyên do việc không được nhận lời. Hùng Ngọc nổi giận, dẫn quân đến dưới ải khiêu chiến. Chợt nghe trên ải nổi một tiếng trống. Thì ra Lý Tín dẫn 500 quân khỏe mạnh ào xuống cửa ải. Hùng Ngọc lui lại không kịp, bị Tín đâm chết tươi trước ải, giết quân Tống một hồi mới quay về. Thuộc hạ của Hùng Ngọc chạy về báo với Hô Diên Tán. Tán thất kinh nói: "Mưu việc không thành, còn mất đại tướng, nếu để địch quân hai nơi hợp quân đến đánh, làm sao chống cự”. Lập tức cùng Kiến Trung thương nghị kế khác. Kiến Trung nói. "Việc này có thể làm được? Thừa lúc cửa ải phía trước không dám xuất quân, có thể nhờ Cao tướng quân đánh, Còn chúng ta dẫn quân đi lấy cửa ải đó, nếu lấy được, thì cửa ải trước cũng có thể hạ được". Tán theo kế này, lập tức sai người báo cho Cao Hoài Đức xuất quân, còn mình cùng với Kiến Trung thì kéo quân đến dưới ải khiêu chiến. Thủ quân báo vào trong trướng, Lý Thái Công cùng hai con thương nghị rằng: "Quân Tống đến đánh, có cách nào lui không?”. Lý Tín nói: "Họ đông ta ít, khó dùng sức địch lại, có thể sai người đến hẹn với Tiếp Thiên quan, để họ đến giúp thì mới có thể bàn chuyện đánh". Thái Công nghe lời, sai người lập tức đến Tiếp Thiên quan báo. Lục Lượng Phương cùng Vương Văn bàn rằng: "Quân Tống qua không được cửa ải này, từ đường phía sau công kích, nếu như chỗ kia không giữ được thì cửa ải của ta cũng gặp nguy! Ông nên dẫn quân nhanh chóng đến cứu”. Vương Văn nói: "Tướng quân nói chí phải, tiểu tướng lập tức làm ngay" Liền dẫn theo 3000 tinh binh, kéo đến Tam Trấn quan tương trợ. Lý Thái Công được Vương Văn tới giúp, hết sức mừng rỡ, bèn cùng bàn cách nghênh địch. Vương Văn nói: "Đất này bằng phẳng, chỉ nên đánh nhanh, ngài hãy giữ cửa ải này, để ta và lệnh lang hợp binh phá giặc". Thái Công nghe theo. Qua một đêm. Ngày thứ, Vương Văn và Lý Tín mở cửa ải xuất chiến. Tống tướng Hô Diên Tán cũng dàn bày thế trận, ngồi trên ngựa chỉ Vương Văn mắng rằng: "Tướng bại trận kia, sao không dâng ải đầu hàng, mà lại đến tìm cái chết ư!”. Vương Văn cười mà nói rằng: "Quân Tống nếu biết điều rút lui thì không bị nhục, còn không hôm nay sẽ giết ngươi không còn manh giáp". Nói xong, tế ngựa múa phương thiên kích đến đánh Hô Diên Tán, Tán giơ thương đón đánh. Hai bên giao phong, chưa được vài hiệp, Vương Văn giả thua bỏ chạy. Tán từ lâu đã biết Vương Văn rất giỏi dùng quân, nên muốn bắt sống, liền tế ngựa đuổi theo. Chợt một tiếng pháo nổ vang, bên trái cửa ải có một cánh quân xông ra, thì ra là Lý Tín, giơ thương đánh từ mặt sau quân Tán giết tới. Tán nổi giận, vỗ ngựa đuổi gấp về trước, múa thương, đánh Vương Văn rớt xuống ngựa, quân sĩ ùa vào bắt trói lại. Tán quay ngựa lại đánh với Lý Tín. Tín thấy Vương Văn bị bắt đi, hoảng hốt run rẩy, không dám đánh lâu, vội thu quân chạy vào trong ải. Tán cũng quay ngựa về trại. Quân hiệu giải Vương Văn vào gặp. Tán thân ra ngoài trướng, dùng tay cởi trói, mời vào trong ngồi mà rồi tạ rằng: "Vừa rồi mạo phạm các hạ, mong lượng thứ cho". Văn nói: "Tiểu nhân là tướng bị bắt, sống chết đều do tướng quân, vì sao lại ân cần đối xử như vậy?” Tán nói: "Tiểu tướng vốn xuất thân từ đất Hà Đông, nay quy mệnh thiên triều, chỉ biết hết lòng thôi. Ngài nay có đảm lược như vậy, sao lại chịu khuất nơi hẻo lánh này, để ngọc sáng rơi vào nơi tăm tối. Chi bằng hãy cùng thờ Tống chúa, để lập kỳ công, lưu danh oanh liệt với hậu thế?" Vương Văn bị Tán thuyết cho một hồi, trầm ngâm hồi lâu, rồi nói: "Chim khôn chọn cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ. Văn hổ thẹn không phải là tôi hiền, nay xin về dưới trướng của tướng quân, ngày đêm nghe sai khiến". Tán mừng rỡ, và hỏi kế sách đánh ải. Văn nói: "Việc nên tùy cơ ứng biến, nay Lý Tín thấy tôi bị bắt, tất tử thủ không ra, tướng quân sẽ không thể làm gì. Chi bằng trước tiên hãy lấy Tiếp Thiên quan, sau mới đến đánh nơi này, thì có khó chi? Nay hãy nhờ Lý tướng quân lĩnh tráng binh mai phục dưới cửa ải trước, tiểu nhân nhân đêm nay, đánh ra ngoài trận của tướng quân, Lượng Phương tất xuất quân tiếp ứng, tướng quân dẫn quân theo tôi mà vào, thì cửa ải sẽ phá được vậy!". Tán nói: “Mẹo này tuyệt diệu, nhưng không được để lộ tin tức" Rồi lập tức bố trí xong xuôi. Tán dẫn quân tới Tiếp Thiên quan đánh trước. Lục Lượng Phương nghe quân Tống quay trở lại, nghĩ rằng chắc cửa ải sau khó tiến, nay quay lại đánh nơi này, liền hạ lệnh mọi người phòng giữ nghiêm mật. Vào khoảng canh hai, Tán cho quân sĩ thắp đuốc lên, reo hò nổ pháo, dốc sức đánh vào, trên ải dùng tên, đả đánh lại. Chợt ở góc Đông Bắc, Vương Văn dẫn quân phá vòng vây mà vào, quân Tống rối loạn. Vương Văn chém giết thẳng tới cửa ải, kêu to: "Tống tướng chiến bại, trên ải hãy ra quân tiếp ứng". Quân giữ ải nghe ra là tiếng của Vương Văn, liền báo với Lượng Phương. Lượng Phương liền dẫn quân mở ải ra tiếp ứng. Chợt từ bên cạnh ải Hô Diên Tán dẫn quân xốc tới, cắt Bắc quân ra làm hai khúc, Vương Văn thừa cơ quay đánh ập lại. Lượng Phương biết là có biến, liền quay ngựa bỏ chạy, bị Tán đâm một thương lăn xuống ngựa. Phục binh của Lý Kiến Trung đồng loạt kéo ra, ập vào trong ải. Bắc quân hết đường tiến lui, đều cởi giáp hàng cả. Rạng sáng, các tướng họp lại, Tán hết sức mừng rỡ, nói với Vương Văn: "Cửa ải hùng vĩ này, nếu không nhờ mẹo hay như túc hạ, thì thủ một năm cũng không thể phá được". Vương Văn nói: "May mắn thành công, đâu đáng kể gì". Tán sai báo tiệp cho Thái Tôn. Thái Tôn liền xa giá đến Tiếp Thiên quan, chuẩn bị đánh vào dãy đất Hà Đông vậy. Quân do thám báo về Tam Trấn quan, Lý Thái Công thất kinh nói: "Quân Tống thật là thần binh" liền dẫn hai con bỏ ải trốn về đất Hà Đông. Ở đây nói đến trấn thủ Tượng Châu Trương Công Cẩn, nghe biết quân Tống đã lấy Tiếp Thiên quan, cả ngày đều hoảng hốt, không biết phải làm sao. Nha tướng là Lưu Bính nói: "Quân pháp nói: tính toán kĩ thì thắng, tính toán không kĩ thì không thắng. Huống hồ là không tính ư! Nay quân Tống thế như núi cao, tiến nhanh mà đến. Cửa ải kiên cố phía trước đã bị phá, thì huống chi là thành Tượng Châu thấp nhỏ này, quân khỏe mạnh có thể trèo tường mà lên, nay quân ta số lượng hạn chế, làm sao cự địch, chi bằng hãy hàng, để cứu nguy cho sinh linh". Công Cẩn nghe lời này, liền sai Lưu Bính tới quân Tống xin hàng. Hô Diên Tán tâu với Thái Tôn. Thái Tôn nói: "Không đánh mà hàng, là kẻ biết thời thế vậy có thể cho hàng". Tán lĩnh chỉ. Ngày thứ quân mã tới dưới thành Tượng Châu. Công Cẩn mở cửa nghênh đón. Thái Tôn xa giá vào trong thành, an ủi bá tánh, lệnh cho tiên phong Hô Diên Tán, Cao Hoài Đức hợp binh tiến công Hà Đông. Bọn Tán nhận mệnh, kéo quân đi. Chuyện không có gì đáng nói. Tin tức truyền đến Tấn Dương, Lưu Quân nghe thấy, gấp rút triệu tập văn võ đến thương nghị. Đinh Quý tâu rằng: "Quân Tống từ xa đến, lương thảo tốn kém, nên không thể ở lâu được! Bệ hạ một mặt sai người đến nơi Tiêu thái hậu của Đại Liêu, xin xuất binh chặn đường vận lương của quân Tống, một mặt tập hợp binh mã, để cố thủ”. Lưu Quân nghe lời bàn, sai người mang thư đến Đại Liêu cầu cứu, một mặt sắp đặt các quân, chuẩn bị khí giới nghiêm ngặt mà chờ. Ở đây nói đến sứ thần mang thư tới Đại Liêu vào gặp Tiêu thái hậu, tâu rõ việc cầu cứu. Thái hậu cùng thương nghị với các văn võ, tả thừa tướng Tiêu Thiên Hữu tâu: "Đất Hà Đông ở biên giới với Liêu, thật là một nước môi răng, xin bệ hạ hãy phát binh cứu ứng". Thái hậu chuẩn tấu lập tức hạ lệnh cho Nam phủ tể tướng Gia Luật Sa làm đô thống, Dực vương Địch Liệt làm giám quân, dẫn hai vạn quân đi cứu. Gia Luật Sa lĩnh chỉ liền kéo quân cùng sứ thần ra khỏi đất Liêu, tới Bạch Mã Lĩnh hạ trại. Quân do thám báo về Tượng Châu. Thái Tôn nghe thấy Liêu chúa xuất binh để cứu viện Tấn Dương, nổi giận nói: "Hà Đông nghịch mạng, thật đáng hỏi tội. Bắc Phiên sao dám giúp quân nghịch!". Hạ lệnh chư tướng đánh quân Liêu trước, công Tấn Dương sau. Các tướng được lệnh. Hô Diên Tán bàn với Cao Hoài Đức, Quách Tiến rằng: "Quân Liêu ô hợp mà đến, các ông có mẹo gì không phá không?" Quách Tiến nói: "Quan quý ở thanh thế, khiến quân địch không rảnh mà lập mưu, đó chính là cách đánh thắng vậy. Nay nghe nói quân Liêu đóng ở Bạch Mã Lĩnh, cách nơi này 40 dặm, có núi sông cản đường đến của quân Liêu, tiểu tướng xin dẫn quân vượt sông mà đánh, các ông dẫn quân tiếp ứng phía sau, thì chắc chắn phá giặc được!" Tán nói: "Lời của ông rất đúng”. Liền sắp đặt kỹ càng. Quách Tiến dẫn quân đi trước. Liêu tướng Gia Luật Sa bàn với Địch Liệt: "Quân Tống muốn đánh nhanh thắng nhanh, khi mới đến khí thế tất rất hăng. Tôi với ông cách sông mà bày trận, đợi quân họ vượt nửa sông, sẽ xua quân đánh thì có thể bắt được tướng giặc vậy”. Địch Liệt nói: "Chưa chắc, nếu để quân giặc vượt sông trước, quân ta thấy khí thế của họ, sẽ hoảng sợ. Nay nên giành thế chủ động qua sông thì mới có thể thành công”. Nói rồi lập tức dẫn quân vượt sông mà đón đánh.