iữa sự kinh ngạc do những lời phát giác của anh gây nên, Ernest lại bắt đầu nói: - Mười hai người trong bọn các ông buổi tối hôm nay đã nói rằng chủ nghĩa xã hội không thể thành công được. Các ông đã nói không thể được thì bây giờ tôi xin chứng minh là không tránh được. Không những việc các nhà tư bản nhỏ các ông bị tiêu diệt là không thể tránh được, mà cả việc các nhà đại tư bản và các tơ-rớt bị tiêu diệt cũng sẽ không tài nào tránh được. Các ông nên nhớ, ngọn trào tiến hoá không bao giờ chảy lui. Nó cứ thế chảy lên phía trước, từ chỗ cạnh tranh đến chỗ tổ hợp, từ tổ hợp khổng lồ, rồi đến chủ nghĩa xã hội, tức là tổ hợp khổng lồ nhất. Các ông bảo là tôi mê ngủ. Được lắm! Tôi sẽ cho các ông biết những phương trình toán học trong giấc mơ của tôi. Tôi thách các ông chứng minh được rằng những bài toán tôi làm là sai. Tôi sẽ phát triển tính chất không thể tránh được của sự sụp đổ của hệ tư bản, và sẽ diễn giải một cách toán học vì sao nó phải sụp đổ. Tôi bắt đầu, và nếu mở đầu có điều gì ra ngoài đề thì cũng xin các ông chịu khó nghe. Trước tiên, ta hãy xét quá trình của một ngành công nghiệp riêng biệt, và nếu tôi nói có chỗ nào các ông không đồng ý, các ông cứ ngắt lời. Đây là một nhà máy giày. Nhà máy này mua da về đóng thành giày. Đây là một số da trị giá trăm đô-la. Nó đi qua nhà máy và ra dưới hình thức giày, trị giá cứ cho là hai trăm đô-la. Như vậy nghĩa là thế nào? Cộng vào tiền da, ta thấy thêm một giá trị là một trăm đô-la. Thêm như thế nào? Để ta xem. Tư bản và lao động đã làm tăng thêm cái giá trị một trăm đô-la đó. Tư bản cung cấp nhà máy và trả mọi khoản phí tổn. Lao động cung cấp lao động. Do hai bên tư bản và lao động phối hợp cho nên dôi ra thêm một giá trị là một trăm đô-la. Đến đây thì tất cả các ông có đồng ý không? – Mọi người gật đầu tán thành. “Lao động và tư bản đã sản xuất ra một trăm đô-la ấy, bây giờ họ đem chia nhau. Thống kê những khoản chia này gồm toàn phân số; cho nên muốn tiện, chúng ta tính phỏng chừng cũng được. Cứ cho rằng tư bản lấy một phần là năm mươi đô-la và lao động, về phần mình, cũng lĩnh một số tiền lương ngang như thế. Chúng ta sẽ không cãi cọ nhau về sự phân chia này 1. Cần gì phải cãi nhau, vì hai bên thế nào cũng phải chia nhau theo tỉ lệ này hay tỉ lệ khác. Đến đây xin các ông nhớ cho rằng cái gì đã đúng với quá trình của một ngành công nghiệp riêng biệt thì đúng với quá trình của tất cả các ngành công nghiệp. Tôi nói có đúng không? – Bàn tiệc lại biểu lộ sự đồng tình. “Bây giờ, ví thử lao động sau khi nhận được năm mươi đô-la của mình, muốn mua lại giày. Nó chỉ có thể mua được năm mươi đô-la thôi. Thật là rõ, có phải không? “Bây giờ ta đi từ quá trình riêng biệt này đến toàn bộ quá trình công nghiệp ở nước Mỹ, gồm cả da, nguyên liệu, vận tải, bán hàng, tất cả mọi thứ. Ta cứ tính tròn tổng số sản xuất của cải của nước Mỹ là bốn tỉ đô-la. Như vậy, cũng trong thời gian ấy, lao động được hai tỉ đô-la tiền lương. Sản xuất ra tất cả là bốn tỉ đô-la. Lao động có thể mua lại được bao nhiêu? Hai tỉ. Chỗ này không có gì phải thảo luận, tôi chắc thế. Về vấn đề này, tỉ lệ tôi đưa ra quá ư là rộng rãi rồi. Do hàng nghìn thủ đoạn, mưu mô của tư bản, ngay đến một nửa tổng số sản lượng lao động cũng không mua lại được. “Nhưng thôi, cứ bảo là lao động mua lại được hai tỉ. Như vậy rõ ràng là lao động chỉ có thể tiêu thụ được hai tỉ. Vẫn còn hai tỉ, lao động không thể mua lại để tiêu thụ”. - Ngay đến hai tỉ của nó, lao động cũng không tiêu thụ hết đâu, – ông Kowalt nói. – Nếu nó tiêu cho hết thì làm gì còn tiền gửi ở các quỹ tiết kiệm? -Tiền mà lao động gửi ở các quỹ tiết kiệm chỉ là một số vốn dự trữ, vừa tích luỹ được đã là tiêu hết ngay. Đó là những món để dành, phòng lúc già nua, miếng bánh cất trong chạn để hôm sau ăn. Không, lao động tiêu thụ hết toàn bộ những sản phẩm nó có thể mua lại được bằng tiền lương. “Còn hai tỉ dành cho tư bản. Sau khi đã trả các khoản phí tổn, liệu nó có tiêu dùng hết chỗ còn lại không? Tư bản có tiêu dùng hết cả hai tỉ của nó không? Ernest ngừng lại, hỏi thẳng một số người. Họ lắc đầu. - Tôi không biết, – một người trong bọn họ thú thật. - Có, các ông có biết, – Ernest nói tiếp. – Các ông hãy ngừng lại và hãy nghĩ một lát. Nếu tư bản tiêu hết phần của mình, tổng số tư bản không thể tăng lên được. Nó sẽ đứng yên một chỗ. Nếu các ông xem lịch sử kinh tế nước Mỹ, các ông sẽ thấy tổng số tư bản tăng lên không ngừng. Như thế là tư bản không tiêu thụ hết phần của nó. Các ông có nhớ thời kì nước Anh nắm rất nhiều trái khoán của chúng ta trong ngành đường sắt không? Sau nhiều năm chúng ta đã mua lại những trái khoán đó. Như vậy nghĩa là thế nào? Tư bản đã mua lại những trái khoán bằng cái phần không tiêu dùng đến đó lấy trong phần mà tư bản không tiêu dùng hết. Vả lại, ngay từ khi bắt đầu có hệ thống tư bản chủ nghĩa, tư bản chưa bao giờ tiêu dùng hết phần của nó. “Và bây giờ ta đi vào sự việc. Hàng năm, ở Mỹ sản xuất ra của cải. Lao động mua lại và tiêu thụ hai tỉ. Tư bản không tiêu thụ hết hai tỉ còn lại. Còn một số thừa lớn không tiêu thụ. Chỗ thừa ấy dùng để làm gì? Nó có thể dùng làm gì? Lao động không thể tiêu thụ được vì lao động đã tiêu hết lương rồi. Tư bản cũng không tiêu thụ hết chỗ thừa ấy, vì theo bản chất của nó, nó tiêu thụ hết sức rồi còn đâu. Cho nên chỗ thừa vẫn còn đó. Nó có thể dùng làm gì? Nó đã được dùng làm gì? - Người ta bán nó ra ngoài, – ông Kowalt đáp, – tuy Ernest không hỏi ông. - Chính thế, – Ernest đồng tình. – Chính do chỗ thừa đó mà chúng ta đang cần có thị trường ở ngoài. Chỗ thừa đó được bán ra ngoài. Nó bắt buộc phải bán ra ngoài. Không có cách nào khác để giũ nó đi được. Và cái chỗ thừa không tiêu thụ hết đó bán ra ngoài biến thành cái chúng ta gọi là cán cân thương mại có lợi cho chúng ta… các ông vẫn đồng ý với tôi đấy chứ? - Nhất định rồi, những điều ABC về thương mại ấy, nói ra làm gì cho mất thì giờ, – ông Calvin nói xẵng. – Chúng tôi đều thuộc lòng cả rồi. - Tôi phải trình bày kĩ lưỡng những điều ABC đó ra, chính là để làm cho các ông hết cãi, – Ernest đáp. – Cái hay của nó là ở chỗ ấy. Và tôi sắp làm cho các ông hết cãi ngay bây giờ đây. Nào! “Nước Mỹ là một nước tư bản đã phát triển được tài nguyên của mình. Do hệ thống công nghiệp tư bản chủ nghĩa của nó, nó có một số hàng thừa không tiêu thụ phải cho thoát ra ngoài 2. Tình hình nước Mỹ như thế, mà tình hình các nước tư bản phát triển khác cũng thế. Mỗi nước đều có một số hàng thừa không tiêu thụ. Các ông đừng quên rằng họ đã buôn bán với nhau, tuy thế nhưng số hàng thừa vẫn còn. Lao động ở tất cả các nước đó đã tiêu hết tiền lương không mua được một tí hàng thừa nào nữa. Tư bản ở tất cả các nước đó đã tiêu thụ tất cả những cái nó có thể tiêu thụ được, đúng với bản chất của tư bản. Thế là vẫn còn hàng thừa. Các nước đó không thể đem những số hàng thừa trao đổi lẫn nhau được. Vậy muốn tống táng chỗ đó đi thì họ làm thế nào? - Bán cho các nước tài nguyên không phát triển, – ông Kowalt gợi ý. - Đúng thế. Các ông xem, lập luận của tôi rõ ràng và đơn giản đến nỗi tự các ông lại phát triển nó trong óc các ông. Bây giờ, ta hãy đi một bước nữa. Ví phỏng nước Mỹ sử dụng chỗ hàng thừa đó vào một nước tài nguyên không phát triển, nước Brazil chẳng hạn. Các ông nên nhớ rằng chỗ hàng thừa đó vượt ra ngoài phạm vi thương mại, vì những hàng thương mại đã tiêu thụ cả rồi. Vậy thì nước Mỹ được nước Brazil trả cho cái gì? - Vàng, – ông Kowalt nói. - Nhưng vàng trên thế giới chỉ có hạn, có nhiều đâu, – Ernest bẻ. - Vàng dưới hình thức những khế ước cầm cố, những trái khoán, vân vân, – ông Kowalt nói chữa lại. - Giờ thì ông nói trúng, – Ernest bảo. – Nước Mỹ đưa số hàng thừa đó đi, nhận về của nước Brazil là những trái khoán hay những đảm bảo. Như vậy nghĩa là nước Mỹ sẽ có quyền sở hữu về những đường sắt ở Brazil. Rồi làm sao nữa? Ông Kowalt suy nghĩ và lắc đầu. - Để tôi nói cho các ông nghe, – Ernest tiếp tục. Như vậy nghĩa là những tài nguyên của nước Brazil cũng sẽ được phát triển. Bây giờ ta sang điểm sau. Khi nước Brazil dưới chế độ tư bản chủ nghĩa đã phát triển những tài nguyên của nó, bản thân nó cũng sẽ có một số hàng thừa không tiêu thụ. Nó có thể tống số hàng thừa đó sang Mỹ được không? Không, vì bản thân Mỹ cũng có một số hàng thừa. Nước Mỹ có thể làm như trước kia, nghĩa là tống số hàng thừa của mình sang Brazil được không? Không, vì Brazil bây giờ cũng đang có hàng thừa. “Sự thể sẽ ra sao? Cả Mỹ lẫn Brazil cùng phải tìm những nước khác tài nguyên không phát triển để trút chỗ hàng thừa sang những nước ấy. Nhưng do bản thân cái quá trình trút hàng thừa đó, lại đến lượt tài nguyên của các nước ấy được phát triển. Không bao lâu, họ có hàng thừa và lại đi tìm trút sang các nước khác. Bây giờ, xin các ông hãy nghe tôi nói. Hành tinh của chúng ta cũng chỉ to có chừng ấy thôi. Các nước trên thế giới cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Đến khi tất cả các nước trên thế giới cho đến nước nhỏ nhất cũng đều có hàng thừa trên tay và đứng chạm trán với tất cả các nước khác cũng có hàng thừa trên tay như mình, khi ấy thì sẽ xảy ra cái gì? Anh ngừng lại và chăm chú nhìn những người đang nghe anh nói. Vẻ lúng túng trên mặt họ trông đến là thú vị. Nhưng trên mặt họ còn có cả vẻ lo sợ nữa. Từ những ý niệm trừu tượng, Ernest đã vạch ra một viễn cảnh cho họ thấy. Họ đã thấy, và họ sợ lắm. - Chúng ta đã bắt đầu bằng ABC, ông Calvin ạ, – Ernest nói hóm hỉnh. – Bây giờ tôi đã trình bày nốt với ông tất cả bảng chữ cái. Nó rất đơn giản. Cái hay của nó là ở đấy. Chắc chắn là ông đã có sẵn một câu trả lời. Thế nào? Lúc tất cả các nước trên thế giới đều có hàng thừa không tiêu thụ, thì sẽ xảy ra cái gì? Hệ thống tư bản chủ nghĩa của các ông sẽ chạy đi đâu? Ông Calvin luống cuống lắc đầu. Dĩ nhiên là ông đang cố tìm xem trong lập luận của Ernest có chỗ nào sai để đập. - Để tôi cùng với ông ôn lại thật nhanh những vấn đề đã thảo luận, – Ernest nói. – Chúng ta bắt đầu từ một quá trình công nghiệp riêng biệt, một nhà máy giày. Chúng ta đã thấy rằng ở đây sự phân chia sản phẩm do hai bên phối hợp làm ra cũng giống như sự phân chia trong toàn bộ tất cả những quá trình công nghiệp. Chúng ta đã thấy rằng lao động với số lương của mình chỉ có thể mua được bấy nhiêu sản phẩm và tư bản không tiêu thụ hết số sản phẩm còn lại. Chúng ta đã thấy sau khi lao động đã tiêu thụ tất cả các thứ mua được bằng tiền lương và sau khi tư bản đã tiêu thụ tất cả những thứ nó cần, vẫn còn lại một số hàng thừa không tiêu thụ. Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng chỗ thừa đó chỉ có thể đem sử dụng ở nước ngoài. Chúng ta cũng đã đồng ý với nhau rằng kết quả của việc trút hàng thừa sang một nước khác là nước đó sẽ phát triển được tài nguyên và trong một thời gian ngắn, nước đó sẽ có một số hàng thừa không tiêu thụ. Chúng ta mở rộng cái quá trình đó ra tất cả các nước trên hành tinh chúng ta, đến cái giai đoạn mỗi nước hàng năm, hàng ngày sản xuất ra một số hàng thừa không tiêu thụ, không thể trút vào một nước nào khác được. Và bây giờ, tôi hỏi lại các ông. Chúng ta đã dùng những số hàng thừa ấy để làm gì? Lại không ai trả lời. - Thế nào ông Calvin? – Ernest hỏi. - Tôi xin chịu, – ông Calvin thú thật. - Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến chuyện như thế, – ông Asmunsen nói. – Thế nhưng nó lại cứ rõ như ban ngày. Đây là lần đầu tôi được nghe trình bày học thuyết của Karl Marx 3 về giá trị thặng dư. Ernest trình bày đơn giản quá, đến nỗi chính tôi, tôi cũng phân vân và ngồi ngẩn người ra. - Tôi sẽ mách các ông một cách để trút bỏ các hàng thừa, – Ernest nói. – Các ông đem đổ xuống biển. Mỗi năm các ông hãy đem hàng trăm triệu đô-la giày dép, lúa mì, quần áo tất cả các thứ hàng hoá đổ xuống biển. Như thế có phải ổn không nào? - Dĩ nhiên là ổn, – ông Calvin đáp. – Nhưng ông nói như thế thì thật là vô lí. Ernest đập lại nhanh như chớp: - Dễ thường ông hô hào quay về với những lề lối cổ lỗ sĩ của ông cha thì ông không vô lí hẳn, thưa nhà phá máy? Vậy muốn trút bỏ chỗ hàng ế thừa, ông đề nghị phương pháp gì? Ông muốn tránh vấn đề hàng ế thừa bằng cách không sản xuất ra hàng ế thừa nữa. Và muốn tránh không sản xuất hàng ế thừa nữa thì ông đề nghị cách gì? Cách quay lại với phương thức sản xuất cổ sơ, hết sức lung tung, vô trật tự và bất hợp lí, hết sức lãng phí và đắt. Cái phương thức ấy thì nhất định không thể nào sản xuất ra hàng thừa. Ông Calvin nuốt nước bọt. Mũi nhọn đã đâm trúng đích. Ông lại nuốt nước bọt một lần nữa rồi ho để dọn giọng. - Ông nói đúng. Tôi xin chịu. Kể thì vô lí thật. Nhưng tôi cũng cần phải làm một cái gì chứ. Đó là một việc sống còn đối với giai cấp trung lưu chúng tôi. Chúng tôi không chịu chết đâu. Thà rằng vô lí, thà rằng trở lại những phương pháp thô sơ và tốn kém của ông cha, như thế vẫn hơn. Chúng tôi sẽ kéo nền công nghiệp trở lại tình trạng trước khi có các tơ-rớt. Chúng tôi sẽ phá máy. Xem ông làm gì chúng tôi nào? - Nhưng các ông không thể nào phá được máy, – Ernest đáp. – Các ông không thể bắt ngọn trào tiến hoá chảy ngược lại được. Chống lại các ông có hai lực lượng lớn, lực lượng nào cũng mạnh hơn giai cấp trung lưu các ông cả. Bọn đại tư bản các tơ-rớt, nói vắn tắt một câu, họ không để cho các ông kéo lùi lại đâu. Họ không muốn máy móc bị phá hoại. Và lớn hơn cả, mạnh hơn cả các tơ-rớt, có lực lượng lao động. Nó không để các ông phá máy đâu. Quyền chiếm hữu thế giới cùng với quyền chiếm hữu máy móc nằm giữa các tơ-rớt và lao động. Đó là nơi hai bên dàn thế trận. Không bên nào muốn phá máy cả. Nhưng cả hai bên cùng muốn chiếm máy. Trong cuộc chiến đấu đó, không có chỗ cho giai cấp trung lưu. Giai cấp trung lưu là một người chim chích ở giữa hai anh khổng lồ. Các ông có thấy không, thưa các ông giai cấp trung lưu đang hấp hối và đáng thương hại, các ông bị kẹp giữa hai cái thớt cối, và lúc này cái cối đã bắt đầu xay rồi. “Tôi đã chứng minh một cách toán học cho các ông thấy sự đổ vỡ không thể tránh được của hệ thống tư bản chủ nghĩa khi tất cả các nước đều có trong tay một số hàng ế thừa không tiêu thụ và cũng không bán đi được. Hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ sụp đổ dưới cái cơ cấu khủng khiếp của lợi nhuận mà chính nó đã dựng lên. Và ngày ấy sẽ không xảy ra một vụ phá máy nào đâu. Cuộc đấu tranh sẽ nhằm để giành quyền sở hữu các máy móc. Nếu lao động thắng, con đường các ông đi sẽ dễ dàng. Nước Mỹ, và chắc chắn là toàn thể thế giới, sẽ bước vào một kỉ nguyên mới lạ và thần kì. Đời sống con người sẽ không bị máy móc đè dí xuống nữa mà sẽ được máy móc làm cho tươi đẹp hơn, sung sướng hơn, cao thượng hơn. Các ông là giai cấp trung lưu đang bị tiêu diệt, các ông hãy đi với lao động, lúc đó thì chỉ có lao động thôi; như vậy, các ông sẽ được dự phần vào sự phân phối công bằng những sản phẩm do những máy móc kì diệu ấy làm ra cùng với tất cả những người lao động khác, và chúng ta, tất cả chúng ta, sẽ chế tạo những máy móc mới, còn kì diệu hơn thế nữa. Và sẽ không còn hàng thừa ứ không tiêu thụ, vì không còn lợi nhuận nữa. - Nhưng ví thử các tơ-rớt thắng trong cuộc chiến đấu giành quyền chiếm hữu máy móc và thế giới thì sao? – Ông Kowalt hỏi. Ernest trả lời: - Khi ấy thì cả các ông lẫn lao động, tất cả chúng ta đều sẽ bị nghiền nát dưới gót sắt của một nền chuyên chế tàn nhẫn và khủng khiếp hơn tất cả các nền chuyên chế đã từng bôi nhọ những trang sử của loài người. Cái tên xứng với nền chuyên chế đó, chính là “Gót sắt” 4! Tất cả đều nín lặng hồi lâu. Tất cả đều suy nghĩ rất lung tung, khác hẳn những lúc thường. - Nhưng cái chủ nghĩa xã hội đó chẳng qua là một giấc mộng thôi, – ông Calvin nói, và ông nhắc lại “một giấc mộng”. - Vậy tôi sẽ xin trình bày với các ông cái này, nó không phải là một giấc mộng đâu, – Ernest đáp. – Và cái đó, tôi sẽ gọi là bọn thiểu số thống trị. Các ông gọi là giới Tài phiệt. Cả hai ta cùng muốn chỉ bọn đại tư bản và các tơ-rớt. Ta hãy xem ngày nay quyền hành nằm ở đâu. Muốn vậy, ta hãy phân tích xã hội theo đúng sự phân chia giai cấp của nó. “Trong xã hội có ba giai cấp lớn. Đầu tiên là giai cấp tài phiệt gồm những chủ nhà băng lớn, những đại tư bản đường sắt, những giám đốc công ty kếch xù và những vua tơ-rớt. Rồi đến giai cấp trung lưu, giai cấp của các ông, bao gồm những chủ trại, nhà buôn, nhà tiểu công nghiệp, và những người làm nghề tự do. Giai cấp thứ ba và sau rốt là giai cấp của tôi, giai cấp vô sản, gồm những người thợ ăn lương 5. “Các ông không thể chối cãi rằng việc chiếm hữu các của cải trong xã hội tạo nên quyền lực chính ở nước Mỹ. Ba giai cấp này chiếm hữu những của cải đó như thế nào? Con số đây! Trong tổng số những người có làm một nghề nghiệp gì ở nước Mỹ, chỉ có chín phần nghìn thuộc giai cấp tài phiệt, thế mà giai cấp tài phiệt chiếm hữu bảy mươi phần trăm tổng số tài sản. Giai cấp trung lưu chiếm hai mươi tư tỉ. Hai mươi chín phần trăm những người có làm một nghề là thuộc giai cấp trung lưu, và họ chiếm hữu hai mươi nhăm phần trăm tổng số tài sản. Còn lại giai cấp vô sản. Nó chiếm hữu bốn tỉ. Trong tất cả những người có làm một nghề thì bảy mươi phần trăm là từ giai cấp vô sản mà ra. Vậy thì quyền hành nằm trong tay ai, thưa các ông? - Theo các con số chính ông đưa ra thì giai cấp trung lưu chúng tôi còn mạnh hơn giới lao động, – ông Asmunsen nhận xét. - Các ông có gọi chúng tôi là yếu thì cũng không vì thế mà các ông mạnh hơn trước sức mạnh của giai cấp tài phiệt, – Ernest đáp lại. – Vả lại, tôi đã chịu thua các ông đâu? Có một sức mạnh lớn hơn của cải, lớn hơn ở chỗ nó không thể lấy đi được. Sức mạnh của chúng tôi, sức mạnh của giai cấp vô sản, là ở trong những bắp thịt của chúng tôi, trong bàn tay chúng tôi để bỏ phiếu, trong ngón tay chúng tôi để bóp cò súng. Sức mạnh đó không ai cướp đi được của chúng tôi. Nó là sự sống, nó là sức mạnh mạnh hơn của cải, và là thứ của cải không thể cướp đi được. “Nhưng sức mạnh của các ông thì có thể cướp đi được. Nó có thể bị cướp khỏi các ông. Ngay bây giờ bọn tài phiệt đang cướp đi của các ông. Cuối cùng nó sẽ bị cướp hết. Và lúc bấy giờ thì các ông hết, không còn là giai cấp trung lưu nữa. Các ông sẽ xuống với chúng tôi. Các ông sẽ thành vô sản. Và cái hay nhất là các ông sẽ tăng cường sức mạnh cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đón các ông như anh em, và chúng ta sẽ kề vai chiến đấu vì sự nghiệp của nhân loại. “Các ông xem, lao động không có gì cụ thể để cướp đi được. Phần của cải của đất nước do nó nắm trong tay gồm có quần áo, đồ đạc và ở nơi này nơi khác, trong những trường hợp rất hãn hữu, một căn nhà bày biện không lấy gì làm sang trọng. Nhưng các ông thì có của cải cụ thể; các ông có hai mươi bốn tỉ, và giai cấp tài phiệt sẽ lấy đi của các ông. Dĩ nhiên, rất có thể giai cấp vô sản sẽ lấy đi trước cũng nên. Các ông không nhìn thấy thế đứng của các ông hay sao, thưa các ông? Giai cấp trung lưu là chú cừu non đang run lẩy bẩy giữa con sư tử và con cọp. Con này không ăn thịt các ông thì con kia sẽ ăn thịt. Và nếu giai cấp tài phiệt nuốt các ông trước thì giai cấp vô sản sẽ nuốt giai cấp tài phiệt sau, chứ còn sao nữa? Đó chỉ là vấn đề thời gian thôi. “Ngay chỗ của cải bây giờ của các ông cũng không đem lại cho các ông hết cả quyền lực thật đáng lẽ các ông có. Trong lúc này, sức nằm trong của cải của các ông chỉ là một chiếc vỏ sò rỗng. Vì thế cho nên các ông đang kêu cái tiếng kêu chiến đấu yếu ớt và nhỏ bé của các ông lên: “Hãy quay về lề lối của ông cha chúng ta”. Các ông thấy rõ sự bất lực của các ông. Các ông biết rằng sức mạnh của các ông là một cái vỏ sò rỗng. Và tôi sẽ chỉ cho các ông thấy sự trống rỗng đó. “Những người chủ trại thì có thế lực gì? Hơn năm mươi phần trăm là nô lệ, căn cứ vào chỗ họ chỉ là những người đi thuê đất hay đã phải cầm đất. Và tất cả họ đề là nô lệ hết, căn cứ vào chỗ các tơ-rớt đã chiếm hoặc kiểm soát (kể thì cũng vậy thôi, nhưng như thế còn khá hơn), những phương tiện để đưa hoa lợi ra thị trường như kho ướp lạnh, đường sắt, máy trục và đường tàu thuỷ. Và thêm vào đó, các tơ-rớt kiểm soát thị trường. Về tất cả các mặt đó những người chủ trại không có thế lực gì cả. Còn về thế lực chính trị và cai trị của họ, lát nữa tôi sẽ đề cập đến, khi nói về thế lực chính trị và cai trị của tất cả giai cấp trung lưu. “Ngày này qua ngày khác, các tơ-rớt bóp chết các chủ trại cũng như chúng đã bóp chết ông Calvin và tất cả những người chủ sữa khác. Và ngày này qua ngày khác, những nhà buôn cũng bị bóp chết theo cách ấy. Các ông có nhớ trong sáu tháng tơ-rớt thuốc lá quét sạch hơn bốn trăm cửa hàng thuốc lá ở thành phố New York như thế nào không? Những chủ tràn than ngày trước bây giờ ở đâu? Tôi không nói, bây giờ các ông cũng biết rằng tơ-rớt đường sắt nắm trong tay hoặc kiểm soát toàn bộ các khu vực than già và than béo. Tơ-rớt Standard Oil 6 chẳng chiếm hữu hai chục đường hàng hải đó sao? Ấy là không kể nó còn lập lò đúc, một thứ kinh doanh nhỏ ké vào đấy. Có một vạn thành phố ở Mỹ đêm nay thắp điện của những công ty do hãng Standard Oil nắm hoặc kiểm soát, và cũng ở ngần ấy thành phố, tất cả mọi ngành vận chuyển điện khí trong thành phố, ở ngoại ô và nối liền các thành phố đều nằm trong tay Standard Oil. Những nhà tư bản nhỏ ngày trước có chân trong hàng nghìn doanh nghiệp đã chết, các ông đã biết cả đấy. Đấy cũng chính là con đường các ông đang đi. “Nhà tiểu công nghiệp cũng giống như người chủ trại; cả nhà tiểu công nghiệp lẫn chủ trại ngày nay, nghĩ cho cùng, đều bị dồn vào một mối lệ thuộc phong kiến. Về phương diện này, những người làm nghề tự do và những nghệ sĩ đều là những tiện dân, trừ trên danh nghĩa, trong khi những nhà chính trị là một lũ tay sai. Ông Calvin, tại sao ông lại làm việc suốt ngày suốt đêm để tổ chức những chủ trại cùng với những tầng lớp khác thuộc giai cấp trung lưu thành một đảng chính trị mới? Tại vì các chính khách của những chính đảng cũ không muốn dây dưa với những ý kiến đã cũ rích của ông, và với những ý kiến cũ rích của ông họ không muốn dây dưa vì họ là, như tôi đã nói, là tay sai, là đầy tớ của bọn tài phiệt. “Tôi đã nói những người làm nghề tự do và những nghệ sĩ là một lớp tiện dân. Không là tiện dân thì là cái gì? Tất cả, từ giáo sư đến nhà truyền giáo, đến nhà báo, họ đều bám lấy chức vụ của họ bằng cách hầu hạ bọn tài phiệt, và công việc của họ là truyền bá thuần một loại tư tưởng vô hại hoặc có lợi cho bọn tài phiệt. Bất cứ lúc nào, nếu họ truyền bá những tư tưởng đe doạ quyền lợi của bọn tài phiệt, họ sẽ mất việc; và trong trường hợp này, nếu họ không dành dụm được gì cho những ngày vận hạn, họ sẽ rớt xuống giai cấp vô sản, và hoặc là họ trở thành những người kích động quần chúng công nhân. Và các ông đừng quên rằng chính báo chí, toà giảng và trường đại học nhào nặn dư luận và cầm nhịp cho bước đi tinh thần của quốc gia. Còn các nghệ sĩ, họ chẳng qua chỉ là một loại đĩ đi chiều những thích thú đê tiện của bọn tài phiệt. “Nhưng rốt cuộc, của cải tự nó không phải là thực quyền, nó chỉ là phương tiện để đi tới quyền lực, và nói đến quyền lực tức là nói đến chính phủ. Ngày nay, ai là người kiểm soát Chính phủ? Giai cấp vô sản với con số hai mươi triệu người nằm trong nhiều ngành hoạt động khác nhau chăng? Ngay đến các ông cũng bật cười vì ý kiến này. Có phải giai cấp trung lưu với tám triệu người làm nghề khác nhau không? Cũng chẳng khác gì giai cấp vô sản. Vậy thì ai kiểm soát chính phủ? Giai cấp tài phiệt với con số ít ỏi là một phần tư triệu người. Nhưng một phần tư triệu người ấy cũng không kiểm soát chính phủ, mặc dầu họ làm nhiệm vụ của những tên vệ binh tình nguyện. Chính là bộ óc của giai cấp Tài phiệt kiểm soát chính phủ, và bộ óc đó bao gồm bảy nhóm 7 nhỏ nhưng rất có thế lực. Và các ông không nên quên rằng trong thực tế, những nhóm đó hiện giờ đang phối hợp hành động với nhau. “Để tôi vạch cho các ông thấy thế lực của một nhóm thôi, nhóm đường sắt. Nó dùng bốn vạn luật sư để đánh bại nhân dân trước toà án. Nó phát vô số những thẻ đi lại không mất tiền cho các quan toà, chủ nhà băng, chủ nhiệm các báo, giáo sĩ, người của trường đại học, nhân viên các cơ quan lập pháp nhà nước, và Quốc hội. Nó duy trì những tổ chức sang trọng của các lobby 8 ở thủ phủ mỗi bang và ở thủ đô toàn quốc, nó dùng một đội quân đông đảo luật sư nhỏ và những chính khách nhỏ, nhiệm vụ của bọn này là tham dự những uỷ ban tuyển cử, triệu tập hội nghị các đảng phái, lung lạc các bồi thẩm, hối lộ các quan toà và làm đủ mọi cách để bênh vực quyền lợi của nó 9. “Thưa các ông, tôi mới chỉ phác qua thế lực của một trong số bảy nhóm họp thành bộ óc của giai cấp tài phiệt 10. Hai mươi bốn triệu của cải của các ông không cung cấp nổi cho các ông hai mươi nhăm xu quyền lực chính trị. Đó là một cái vỏ sò rỗng và chẳng bao lâu ngay cái vỏ sò rỗng đó cũng sẽ bị cướp khỏi tay các ông. Ngày nay giai cấp tài phiệt nắm tất cả mọi quyền lực trong tay. Ngày nay, nó làm ra luật pháp, vì nó nắm được Thượng nghị viện, Quốc hội, các Toà án và các cơ quan lập pháp của bang. Và không phải chỉ có thế. Đằng sau luật pháp, phải có lực lượng để thi hành luật pháp. Ngày nay giai cấp Tài phiệt làm ra luật pháp, và để tăng cường luật pháp, nó có dưới quyền chỉ huy của nó, cảnh sát, quân đội, thuỷ quân, sau rốt là dân vệ, nghĩa là các ông, và tôi và tất cả chúng ta”. Sau đó không ai thảo luận gì nữa, và được một lát thì tan tiệc. Tất cả đều lặng lẽ khuất phục, và cuộc chia tay rất âm thầm. Hình như hầu hết vẫn còn khiếp đảm về cái viễn ảnh tương lai mà họ chưa nhìn thấy. - Tình hình quả nghiêm trọng thật, – ông Calvin nói với Ernest. – Tôi không có gì phải tranh luận với ông về cách thức ông vừa mô tả nó ra. Tôi chỉ không đồng ý với ông về việc ông lên án giai cấp trung lưu. Chúng tôi sẽ còn sống, và chúng tôi sẽ lật đổ các tơ-rớt. - Và quay về với các lề lối của ông cha, – Ernest nói nốt hộ. - Ngay thế đi nữa, – ông Calvin trả lời nghiêm nghị. – Tôi biết đó cũng là một cách phá máy và như thế là vô lí. Nhưng tất cả cuộc đời hiện nay đều có vẻ vô lí, do những mưu mô của bọn tài phiệt. Dù sao, cái trò phá máy của chúng tôi ít ra cũng còn thiết thực và có thể làm được, chứ không như giấc mộng của ông. Giấc mộng xã hội chủ nghĩa của ông chỉ là… đúng như thế, chỉ là một giấc mộng. Chúng tôi không thể theo ông được. - Tôi chỉ mong ông và các bạn ông hiểu biết chút ít về sự tiến hoá của xã hội học, – Ernest trả lời bằng một giọng mong mỏi khi hai người bắt tay nhau. – Nếu các ông hiểu biết những cái đó thì chúng tôi cũng có thể tránh được khá nhiều khó khăn. chú thích Ở đây Everhard vạch rõ nguyên nhân những cuộc nổi dậy của lao động thời đó. Trong sự phân chia sản phẩm, tư bản muốn chiếm phần tối đa; lao động cũng muốn chiếm phần tối đa. Sự xung đột của họ về vấn đề phân chia không thể điều hoà được. Chừng nào chế độ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn tồn tại, lao động và tư bản còn xung đột về vấn đề chia sản phẩm. Đối với chúng ta ngày nay, đó thật là chuyện tức cười, nhưng chúng ta không nên quên rằng chúng ta sống cách thời đại của họ bảy thế kỉ rồi. Theodore Roosevelt làm tổng thống Hoa Kỳ, trước thời đó một vài năm đã tuyên bố trước công chúng: <ị>"Cần phải phát triển rộng rãi nguyên tắc hai bên cùng có lợi trong việc mua bán hàng hoá, để cho hàng sản xuất thừa của Hoa Kỳ có chỗ để bán ra nước ngoài". Cố nhiên, hàng sản xuất thừa mà ông nói đây tức là chỗ lợi nhuận của hệ thống tư bản vượt khỏi khả năng tiêu thụ của bọn tư bản. Cũng thời đó, nguyên lão nghị viên Mark Hanna nói: "Sự sản xuất của cải ở Hoa Kỳ hàng năm vượt sức tiêu thụ một phần ba". Chauncey Depew cũng là một nguyên lão nghị viên tuyên bố: "Nhân dân Mỹ hàng năm sản xuất vượt sức tiêu thụ là hai tỉ đô-la của cải". Karl Marx, một anh hùng trí thức vĩ đại của chủ nghĩa xã hội. Ngày nay chúng ta không thể nàotưởng tượng được rằng hàng bao nhiêu thế hệ sau những phát kiến của Marx về mặt kinh tế, ông vẫn bị các nhà tư tưởng và các nhà bác học được thế giới công nhận, chế giễu. Chính vì những phát kiến của ông m à ông đã bị trục xuất khỏi đất nước và đã chết biệt xứ ở Anh. Theo chỗ chúng tôi biết, đây là lần đầu tiên có người dùng cái tên này để chỉ tập đoàn thiểu số thống trị. Everhard phân chia giai cấp trong xã hội cũng giống như Lucien Sanial, một nhà thống kê nổi tiếng của thời đó. Ông ta căn cứ vào nghề nghiệp (theo cuộc điều tra dân số ở Mỹ năm 1900) phân chia các giai cấp như sau: giai cấp tài phiệt 250.251; giai cấp trung lưu 8.429.825; giai cấp vô sản 20.393.137. Tơ-rớt dầu lừa lớn nhất, kiếm được rất nhiều lời. Một thế hệ sau, các tơ-rớt khác mới ra đời. Mãi đến năm 1907, người ta coi như có 11 nhóm thống trị nước Mỹ: nhưng con số đó đã giảm đi vì có năm nhóm đường sắt hợp nhất thành một tập đoàn đường sắt. Năm nhóm họp nhất đó cùng với các đồng minh tài chính và chính trị của họ là: 1) James J. Hill, kiểm soát khu vực Tây bắc; 2) Nhóm đường sắt Pennsylvania, mà giám đốc tài chính là Schiff, với những nhà băng lớn ở Philadelphia và New York; 3) Harriman, do Frick làm luật sư cố vấn và Odell làm phụ tá chính trị, kiểm soát những đường vận tải ở khu vực trung tâm trong lục địa, khu Tây nam và khu bờ biển phía Nam trông ra Thái Bình Dương; 4) Hãng đường sắt của họ Gould; 5) Moore, Reid và Leeds, người ta thường gọi là "tập đoàn Rock Island". Bọn thiểu số thống trị giàu thế lực này xuất hiện trong thời kì cạnh tranh đi vào con đường hợp nhất tất yếu. Lobby - một tổ chức đặc biệt nhằm đe doạ và mua chuộc những nhà làm ra luật pháp lương thiện đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Mười năm trước khi Everhard nói về việc này, Phòng thương mại New York đã có một bản báo cáo mà chúng tôi trích đăng một đoạn như sau: "Các công ty xe lửa hoàn toàn kiểm soát những cơ quan lập pháp của đa số các bang trong Liên bang; họ tuỳ tiện đưa lên hay truất xuống các nguyên lão nghị viên, các nghị sĩ và các thống đốc của Hoa Kỳ; trong thực tế họ là những người định ra chính sách của chính phủ Hoa Kỳ". Rockefeller xuất thân là vô sản, nhờ dành dụm và mánh lới đã lập nên được tơ-rớt Standard Oil, một tơ-rớt hoàn bị đầu tiên. Chúng tôi không thể không đưa ra đây một trang sử rất đáng chú ý của thời kì đó để vạch rõ việc hãng Standard Oil cần thiết phải tái đầu tư số tư bản thặng dư đã đè bẹp các nhà tư bản nhỏ như thế nào và đã xúc tiến sự sụp đổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa như thế nào. Báo "Tin tức chiều thứ bảy" (Saturday Evening Post) ra ngày 4 tháng 10 năm 1902 có đăng một bài của David Graham Phillips, một nhà văn cấp tiến. Chúng tôi trích đăng một đoạn của bài đó dưới đây. Hiện nay, chỉ còn lại một bản của tờ báo nói trên, nhưng cứ xem cả hình thức lẫn nội dung ta cũng phải kết luận rằng đó là một tờ báo lưu hành rất rộng rãi trong nhân dân. Đoạn trích đó như sau: "Cách đây chừng mười năm, số thu nhập của Rockefeller, theo ước lượng của một người rất có thẩm quyền nói ra, áng chừng ba mươi triệu đô-la. Y đã đạt tới mức đầu tư để lấy lời cao nhất trong kĩ nghệ dầu lửa. Từ đó, mỗi tháng, một mình John Davison Rockefeller thu về một số lợi nhuận khổng lồ là hơn 2 triệu đô-la. Việc tái đầu tư trở thành một vấn đề quan trọng, nó ám ảnh y như một cơn ác mộng. Lợi nhuận về dầu lửa ngày càng tăng mà nơi đầu tư chắc chắn thì có hạn, có hạn hơn cả bây giờ. Cũng không phải chỉ vì bản thân tham lợi mà Rockefeller tìm cách vượt ra khỏi ngành dầu lửa để đi vào các ngành khác. Y buộc phải làm như thế vì y bị cuốn bởi ngọn sóng tiền lời, nó do sức hút của tình trạng độc quyền gây nên. Y đã cho thành lập một cơ quan chuyên đi tìm nơi để đầu tư. Người ta bảo, viên phụ trách cơ quan đó hàng năm được lĩnh 125.000 đô-la tiền lương. "Việc Rockefeller đầu tư vào ngành đường sắt là một hiện tượng nổi bật hơn cả. Khoảng 1895, y kiểm soát một phần năm tổng số cây số đường sắt, hoặc thông qua quyền sở hữu ưu thắng của y, y kiểm soát được bao nhiêu? Y rất có thế lực trong những công ty đường sắt lớn ở New York, về phía bắc, phía đông và phía tây thành phố (trừ có một nơi, y chỉ nhúng vốn vào đó chừng vài triệu đô-la). Y hùn vốn hầu hết các đường sắt lớn toả ra từ Chicago. Y đóng vai chủ chốt trong nhiều hệ thống đường sắt bên phía Thái Bình Dương. Chính nhờ lá phiếu của y mà Morgan trở thành có thế lực đến thế. Tuy vậy, cũng có thể nói thêm rằng y cần đến khối óc của Morgan nhiều hơn là Morgan cần đến lá phiếu của y. Hiện nay hai bên hợp nhất với nhau lập thành tổ chức "cộng đồng lợi nhuận". "Nhưng ngành đường sắt không có đủ khả năng để thu hút tất cả số vàng nhiều như nước lụt này. Hiện nay, số 2.500.000 đô-la lợi nhuận hàng tháng của Rockefeller đã tăng lên đến bốn, năm, sáu triệu mỗi tháng, đến 75.000.000 mỗi năm. Dầu lửa lãi vô kể. Việc dùng lợi nhuận để tái đầu tư hàng năm đem lại thêm chừng vài triệu đô-la. "Rockefeller đi vào kĩ nghệ khí thắp và điện khí khi hai ngành này phát triển tới giai đoạn đầu tư đã có thể chắc chắn. Và hiện nay một phần lớn nhân dân Mỹ, bất kì dùng loại đèn nào, cứ vào lúc mặt trời lặn là bắt đầu làm giàu cho Rockefeller. Tiếp đó y xoay ra cầm cố ruộng đất. Người ta kể lại rằng cách đây vài năm, khi nông dân làm ăn phát đạt và có điều kiện để chuộc lại ruộng đất, Rockefeller suýt phát khóc lên; số tiền tám triệu đô-la, y tưởng có thể dùng trong vài năm để kinh doanh lấy lời theo kiểu đó, đột nhiên lại quay về nhà y. Y vốn đã bối rối vì việc tìm nơi đầu tư cho số lãi dầu lửa và những chỗ lãi con lãi cháu của số lãi này, bất ngờ y lại đâm bối rối thêm. Thật là nan giải cho một người đau dạ dày như y... "Rockefeller đi vào ngành mỏ - mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ chì, vào những công ty kĩ nghệ khác; vào ngành xe điện, vào các trái khoán thành phố, trái khoán nhà nước, trái khoán quốc gia; vào ngành hàng hải, ngành tàu thuỷ và ngành điện báo; vào các bất động sản, nhà chọc trời, nhà ở, khách sạn, nhà làm công sở; vào ngành bảo hiểm, ngành ngân hàng. Có thể nói không một ngành nào là Rockefeller không tung vốn vào hoạt động... "Nhà băng của Rockefeller - National City Bank - là ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, bỏ xa các ngân hàng khác. Trên thế giới nó chỉ thua có ngân hàng Anh và ngân hàng Pháp. Số tiền kí quỹ hàng ngày ở đó trung bình là một trăm triệu đô-la; và nó thống trị thị trường cho vay ở Phố Wall và thị trường chứng khoán. Nhưng không phải y chỉ có thế. Nhà băng này đứng đầu một loạt nhà băng của Rockefeller, gồm mười bốn nhà băng và công ty độc quyền ở New York và những nhà băng rất to và rất có thế lực ở các thị trấn tiền tệ lớn trong nước. "Ngoài tài sản ở những thị trường nói trên, số tiền vốn của John D. Rockefeller ở tơ-rớt Standard Oil vào khoảng từ bốn đến năm trăm triệu đô-la. Y có một trăm triệu trong tơ-rớt thép, cũng vào khoảng gần chừng ấy nữa trong một hệ thống đường sắt ở phía tây, chừng một nửa chừng ấy trong một hệ thống khác, vân vân, vân vân và vân vân, óc người ta không thể nhớ hết được. Năm ngoái, số lợi nhuận của y vào khoảng 100.000.000 đô-la (số lợi nhuận của tất cả họ hàng nhà Rothschild cộng lại cũng khó mà to hơn thế). Và lợi nhuận của Rockefeller cứ thế tiến bằng những bước nhảy vọt.