Chương 3 (tt)

    
ẹ tôi không cản kịp, nên khi Nhứt Chi Mai đi rồi, bà thở dài: “Nó kiếm chuyện ở ngoài sân lần vô bếp đó”. Tôi không rõ là mẹ tôi khi nói câu ấy đã cười thầm hay tức giận.
Đúng hai giờ sau, Nhứt Chi Mai đưa ông thầy đến. Ông thầy này bắt mạch cho mẹ tôi rất lâu rồi kết luận: “Suyễn quá lâu rồi, không chữa ngay gốc bệnh mà chữa bổ thì bị nặng hơn là phải rồi!”.
Nhứt Chi Mai lấy toa thuốc đi bổ, dặn sau khi uống ba thang Nhứt Chi Mai sẽ rước ông lên bắt mạch lại. Dù muốn hay không thì việc làm của Nhứt Chi Mai cũng được mẹ tôi đồng ý, vì trong thâm tâm mẹ tôi đã cho là ông thầy thuốc mà cha tôi gọi là thầy thuốc gia đình vốn không giỏi, chỉ chữa tạm bớt mà không lành hẳn. Ngay như con em thứ năm của tôi tên Nhẫn, mỗi lần bệnh cha tôi rước ông ta đến bắt mạch cho toa thì nó không bao giờ đi hốt thuốc mà nói với tôi: “Em bọc cái toa của ổng trong túi mấy ngày là lành bệnh liền. Sợ quá mà lành chứ em đâu có uống!”.
Mẹ tôi uống ba thang của ông thầy mà Nhứt Chi Mai đem lại, hết lên cơn suyễn, ngồi dậy ăn uống được, và lần sau khi Nhứt Chi Mai đến thăm tôi thì mẹ tôi lại ra ngồi trên bộ ván với ô trầu và quyển sách Đông Châu Liệt Quốc. Mẹ tôi nói với Nhứt Chi Mai:
- Ông thầy mà cháu đưa đến chữa cho bác đó giỏi lắm, nhưng tiền thuốc chắc mắc. Tốn bao nhiêu cháu để bác gởi lại cho cháu.
Nhứt Chi Mai nói, mặt nghiêm trang:
- Thưa bác, tiền bạc có là bao, huống chi ông thầy này ở ngoài Trung vào chưa có khách, con giúp ông ta cũng nhiều, bác đừng ngại.
Thế là trên con đường tiến dần vào sự chấp thuận chuyện hôn nhân của chúng tôi sau này, Nhứt Chi Mai đã chiếm được một phần cảm tình của mẹ tôi, nhưng mẹ tôi không bao giờ để tôi thấy là mẹ tôi đã bằng lòng hay đã có chút cảm tình với Nhứt Chi Mai.
Mẹ tôi lúc nào cũng nói, nét mặt không vui:
- Dù sao con cũng còn nhỏ và còn nhiều nơi xứng đáng, thương chi người quá sành sõi, cuộc đời của con sau này sẽ khổ nhiều hơn là sung sướng. Con là chị cả, nếu hôn nhân của con tốt đẹp, may mắn, thì các em con gả cưới cũng dễ dàng, con ạ.
Mẹ tôi nói như vậy là buộc tôi vào một trách nhiệm rất lớn. Hễ tôi gặp chuyện hôn nhân trắc trở thì các em tôi khó có chồng! Nhưng tôi nghĩ, chị em mỗi đứa có một số phận khác nhau, đâu phải như mẹ tôi nghĩ. Mẹ tôi nói tôi chỉ nghe chứ không dám có ý kiến, vì chuyện đâu còn có đó kia mà.
Lúc đó là vào cuối năm 1934. Một hôm Nhứt Chi Mai đến thăm tôi khá bất ngờ, không phải vào ngày thứ năm như thường lệ. Vô cửa gặp ngay mẹ tôi đang ngồi trên bộ ván phòng ngoài, Nhứt Chi Mai liền hỏi:
- Bác thật khỏe chưa? Bác có cần con mời ông thầy thuốc hôm nọ tới xem mạch lại không? Vì mai con có công việc phải đi Đà Lạt một thời gian.
Mẹ tôi nói:
- Bác đỡ nhiều rồi. Bác vẫn còn giữ cái toa của thầy Năm cho, khi nào trở trời thì uống vài thang. Cháu đi Đà Lạt để làm gì?
Nhứt Chi Mai nói:
- Nhà báo phải đi xa mới kiếm được đề tài để viết, bác ạ. Lên Đà Lạt khí hậu tốt, con lại có nhiều bạn bè trên ấy. Lúc này con thấy mệt nhiều, định lên đó nghỉ một thời gian và xem có gì viết không.
Gặp tôi, Nhứt Chi Mai cũng nói sẽ đi nghỉ ở Đà Lạt ít lắm cũng vài tuần. Trên đó anh có bạn bè đông và độc giả mến mộ cũng sẵn lòng mời anh đến nhà ở chơi. Nhà họ rộng rãi, có vườn hoa, chuồng ngựa, rẫy cà phê... Phong cảnh hữu tình, bạn bè yêu mến cũng nguôi nỗi lòng phần nào.
Nhứt Chi Mai hỏi tôi về cách dạy của thầy Vita và nói:
- Vita dạy giỏi lắm, vì ở Pháp mới về chưa kiếm ra trường, nên anh nhờ lên đây dạy em.
Anh nói thêm dăm phút nữa rồi đứng lên ra về, dặn tôi:
- Anh phải đi gấp, không gặp ba được. Ba về em thưa giùm anh. Khi nào về anh sẽ tới thăm ba má và em. Ráng học nghe chưa?
Mấy hôm sau trên mặt báo Sài Thành đã có ngay bài của Nhứt Chi Mai, ký tên Hồng Tiêu, đăng mỗi ngày. Anh viết về Đà Lạt, tả phong cảnh luôn luôn kèm thơ, có khi có thơ của các bạn cùng họa. Bạn của Nhứt Chi Mai toàn là giáo sư, giáo viên, công chức... Họ đi chơi khắp nơi, mỗi lần đi là một lần có thơ, có bài tả cảnh, nói về các sinh hoạt ở Đà Lạt. Cha mẹ tôi và tôi qua báo đã theo dõi được việc đi đứng của Nhứt Chi Mai. Còn độc giả thì rất thích những phóng sự của Nhứt Chi Mai mỗi khi anh rời Sài Gòn đi viết đâu đó. Có lần anh đi Phnôm Pênh cũng viết được rất nhiều bài và gầy được khá nhiều bạn bè bên ấy.
Hàng ngày đi làm về, cha tôi thường đem tờ Sài Thành ra đọc bài của Nhứt Chi Mai. Cha tôi rất phục cách viết văn của Như Hoa khi viết mục Tranh Xã Hội, còn những lần Nhứt Chi Mai đi xa viết phóng sự thì cha tôi đều theo dõi. Tôi biết thâm tâm cha tôi nhìn nhận Như Hoa có tài và là một trong những cây bút nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.
Một hôm cha tôi đi họp ở Hội Trung việt ái hữu về, nói với mẹ tôi và tôi:
- Hôm nay có người vừa nhắc cha nhớ là năm 1925, khi con ra ở học tại nhà bà ngoại thì Hồng Tiêu có vô Tam Quan xuống tận nhà gặp cha để bàn về phong trào chống thuế cao và tìm những mạnh thường quân bỏ tiền giúp những người hoạt động trong bóng tối. Lúc đó Hồng Tiêu ăn nói hoạt bát, lanh lợi, cử chỉ tự nhiên, tướng mạo phương phi, rất dễ gây cảm tình với mọi người...
Cha tôi nói tiếp là trước kia cha cũng có góp phần trong phòng trào của ông Phan Thành Tài nhưng rồi công việc đổ bể, nhờ anh em thương tình không khai, che chở vì có mẹ già con dại. Vì chữ hiếu mà cha phải đi làm gì như thế này, và bây giờ thì vì các con nên không thể làm gì được hơn là thực hiện bổn phận làm cha làm chồng. Kết luận, cha tôi nói:
- Cha cũng rất mến Hồng Tiêu, nhưng trong cảnh này cha không biết làm sao. Con là con gái mới lớn, Hồng Tiêu thì quá từng trải. Sống với một người quá từng trải như vậy, liệu con có hạnh phúc không? Chớ cha thấy mấy chục bài thơ của nó cũng có tình có nghĩa và thành thật lắm.
Thì ra cha tôi cũng đọc không sót bài thơ nào của Nhứt Chi Mai!
Tôi nói:
- Nhà thơ mà cha. Nhưng Victor Hugo hay Alfred de Musset, Lamartine, có ai bạc tình bạc nghĩa bao giờ. Họ lấy mối tình ấy để củng cố sự nghiệp văn chương của họ và để cho đời những bài thơ kiệt tác cho tới ngày nay không cây bút nào viết nổi. La lac của Lamartine, Aimer của Alfred de Musset, L’enfrant của Victor Hugo từ thế kỷ này qua thế kỷ nọ vẫn là những tuyệt phẩm.
Nghe giọng tôi có ý bênh vực Nhứt Chi Mai, cha tôi bèn chấm dứt câu chuyện bằng cách hỏi tôi sắp tới tính sao, có muốn học thêm nữa hay không. Cha nói:
- Cha có thể lo cho con học thêm đến nơi đến chốn mà. Học Pétrus Ký hay Chasseloup Laubat gì cha cũng lo được. Con là đứa con đầu nên lũ em sẽ noi theo gương.
Nhưng điều tôi lo nhứt lúc ấy lại là sức khỏe của mẹ tôi. Mẹ tôi bị suyễn nặng mà khí hậu Sài Gòn lại không có lợi cho bệnh này.
Tôi học với Vita mỗi chiều một giờ về môn toán, học xong tôi xuống bếp phụ lo bữa cơm tối, có khi tôi đi thư viện mượn sách về đọc. Từ khi học trường Gia Long mỗi tuần tôi đều đi thư việc một lần và mỗi lần mượn về hai cuốn sách để đọc. Tôi thường đi một mình, đi xe kéo của người quen đậu trước nhà, họ rất tử tế với gia đình tôi vì mẹ tôi mỗi lần có giỗ chạp là đem cả mâm thức ăn ra tặng họ. Ngoài ra tôi còn dạy thêm cho em trai thứ bảy của tôi là Lê Đình Hải đang học ở Chasseloup Laubat, đi chợ mua sắm vật dụng cho gia đình...
Nhứt Chi Mai đi Đà Lạt, không hề có thư từ riêng cho tôi và mãi đến Tết mới trở về, lên chúc Tết cha mẹ tôi, nói chuyện vui vẻ với tôi và các em tôi, đưa bao lì xì cho từng đứa. Nhứt Chi Mai nói rất lâu với cha tôi và luôn nhắc tôi phải học để đậu ba bằng cấp với thứ hạng cao như Như Hằng. Anh nói:
- Em không thể thua ai được.
Sau lần thăm Tết, Nhứt Chi Mai lại đi công tác nhiều nơi, lên Phnôm Pênh gặp các bạn học cũ và cổ động cho báo Sài Thành, rồi viết bài kể chuyện người Việt sinh sống ở Phnôm Pênh như thế nào.
Sau Tết, tôi học rút và lo việc nộp đơn, liên lạc với các chị bạn đang học ở trường để làm đơn và hỏi thăm các tin tức quan trọng có liên quan đến chuyện thi. Việc nộp đơn thi cũng có phần rắc rối. Đơn thi Diplôme thì trường Gia Long nhận, nhưng đơn thi hai cái bằng Brevet thì bà hiệu trưởng Saint Marty thương tôi đến thế vẫn nhứt định không nhận. Bà còn nói:
- Tụi bây học chương trình Việt thì thi Diplôme được rồi, thi Brevet là giành bằng cấp của các trường Pháp.
Vì vậy tôi và một người bạn nữa phải xuống Tòa Đô chánh xin chứng nhận để thi hai bằng Brevet.
Trước khi tôi thi một ngày, thầy Vita đến ôn bài vở cho tôi và chúc tôi thi đậu. Thầy nói khi thi xong cả ba bằng thầy sẽ lên mừng tôi, bây giờ nhân lúc rảnh thầy sẽ đưa chị Tâm, vợ thầy, về thăm bà con hai bên. Thầy Vị khi học bên Pháp có viết thư tìm bạn ở Việt Nam, nên quen chị Tâm lúc ấy đang học ở Gia Long, hai bên cha mẹ không hay. Bây giờ cả hai đều có sự nghiệp nên về quê ra mắt cha mẹ.
Nhứt Chi Mai cũng lên thăm và chúc tôi thi đậu cả ba bằng như Như Hằng trong kỳ thi năm ngoái. Nhứt Chi Mai nói với tôi là anh cũng đang lo một số giấy tờ và nhờ người giúp xin ra một tờ báo hằng ngày, chớ cứ làm cho Sài Thành sẽ chẳng dư dả chút nào. Mẹ tôi nghe vậy liền nói:
- Chớ làm bao nhiêu lo nuôi bạn bè bấy nhiêu, không nợ nần là may còn đâu mà dư.
Nhứt Chi Mai nghe vậy nhìn mẹ tôi ra vẻ cảm ơn vì hiểu hoàn cảnh và tính tình của anh.
Mấy hôm sau tôi nhận được giấy gọi đi thi, thi Diplôme tại trường Gia Long và thi Brevet cả hai bằng tại trường Pétrus Ký.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới một chuyện thật buồn cười và thật trẻ con. Số là trước ngày thi Diplôme, mặt tôi bỗng nhiên mọc một cái nhọt to bên má trái, khiến gương mặt đang đẹp đẽ bỗng bị méo mó, nhìn vào gương thấy mà buồn. Cha tôi biết tôi rất âu sầu nên bằng mọi cách giúp tôi làm cái nhọt ấy xẹp. Thôi thì cha tôi xuống Chợ Cũ vào các tiệm thuốc Bắc mua loại thuốc dán đặc biệt về dán, rồi xoa dầu, rồi đắp nước nóng cho nó tan bớt. Nhưng làm gì thì làm, cái nhọt vẫn không vỡ, cứ sưng húp, và cả vùng má bị đen sạm. Cha tôi lo tôi bỏ cuộc thi. Với con gái mỗi năm là thêm một tuổi lớn bộn! Sáng dậy tôi thấy mình quá vô lý, nên lò mò lấy giấy tờ và mặc áo đi thi. Mẹ tôi thấy vậy rất mừng, đòi kêu xe cho tôi đi, tôi nói đây đến trường Gia Long đi xe làm gì, rồi ra đi trước sự nhẹ nhõm của cha mẹ tôi và sự vui mừng của các em. Sau khi làm các bài thi, tôi biết tôi sẽ đậu phần thi viết, nên chuẩn bị để vô vấn đáp. Lần thi đó tôi đậu cao: mention Assez-bien (hạng Bình thứ).
Thi xong bằng Diplôme, tôi lại chuẩn bị thi hai cái bằng Brevet tổ chức tại trường Pétrus Ký. Vô môn đầu, luận văn và chính tả, tôi gặp bà Ventournouz, thầy cũ của tôi khi tôi học đệ tứ ở Gia Long. Gặp thì gặp chớ ai dám chào hỏi. Bà giáo sư này khi dạy tôi thương tôi lắm. Những ngày Chủ nhật bà kêu tôi đến nhà chơi để nghe bà kể chuyện xứ Corse quê hương của bà.
Học sinh trường Marie Curie có nhiều người là dân Việt Nam, chỉ có vài cô đầm thôi. Có mấy cô Việt Nam ngồi sau lưng tôi khi nghe bà Ventournouz đọc bài chính tả thì lắc đầu vì có nhiều chữ bà đọc giọng đảo Corse họ nghe không rõ. Tôi thì quen nghe rồi nên không lấy làm lạ, bài chính ta không hề lấy một lỗi.
Thi cái bằng này thật vui vì phải biết âm nhạc, biết vẽ, biết may cả bộ quần áo - riêng môn âm nhạc là thí sinh các trường sợ nhất.
Kết quả làn thi này, tôi đậu cả hai bằng Brevet Elémentaire và Brevet D’enseignement Supérieur cũng với mention Assez-bien. Lần thi nào cha tôi cũng đi coi kết quả, đứng chờ cả mấy giờ ngoài sân trường với đám học sinh. Buồn cười là bà hiệu trưởng Saint Marty của trường Gia Long, khi xin bà ký cho tôi đi thi Brevet thì bà không ký mà còn rầy la là bọn tôi đi giành bằng cấp của học sinh trường Pháp, nhưng đến khi có kết quả thì bà lại lái xe đến trường Pétrus Ký để xem học trò mình đậu mấy đứa. Thấy hai đứa học trò của mình đều đậu cả, bà sung sướng lên xe ra về.
Lần thi này tôi đã làm cha mẹ tôi vui mừng, nhưng chưa tính tôi có học lên nữa hay không. Khi được cha tôi hỏi ý kiến, tôi nói sức khỏe tôi kém, học lên nữa e chịu không nổi. Vả lại học Pétrus Ký thì phải đi xe kéo hàng tháng, tốn kém nhiều cho cha mẹ. Tôi định kiếm việc làm hay xin đi dạy ở các trường tư. Ở thời buổi ấy, có những bằng cấp như tôi thì kiếm việc làm rất dễ, có thể giúp được cha mẹ phần nào trong việc nuôi các em ăn học.
Trong lúc tôi còn đang phân vân, thì mẹ tôi bỗng ngã bệnh. Một bệnh gì đó chớ không phải suyễn, có lẽ vì suy nhược thái quá. Mẹ tôi là một người nội trợ giỏi, lo hết mọi việc nhà, nấu nướng ngày hai buổi, may vá áo quần cho con cái, dọn dẹp nhà cửa, việc gì mẹ tôi cũng tự làm mới vừa ý, vì tánh khó nên rất khó tìm được người làm vừa ý. Năm đó may sao có người giới thiệu một chị bếp giỏi nên cũng đỡ phần nhọc mệt cho mẹ tôi, vậy mà lần này mẹ tôi lại đau nặng. Khổ nỗi là mẹ tôi không chịu đi nhà thương hay đi bác sĩ, cứ nằm nhà mời ông thầy thuốc Bắc của gia đình đến bắt mạch bổ thuốc.
Trừ tôi ra, ai săn sóc mẹ tôi cũng không bằng lòng. Một tháng trời như vậy mẹ tôi nằm có khi mê man, việc rửa ráy, thay áo quần, cho uống thuốc... đều do tôi lo. Các em tôi không đứa nào giúp được việc gì. Tôi lo sợ không biết có phải vì chuyện của tôi và Nhứt Chi Mai đã khiến mẹ tôi phát bệnh chăng. Khi tôi tỏ ý này với cha tôi thì cha tôi nói:
- Mẹ con yếu quá, do sinh đẻ nhiều lần. Mà biết đâu cũng có thể vì mẹ con lo nghĩ nhiều về chuyện của con.
Nghe cha nói thế, tôi lo lắm, nên có lần tôi viết mấy chữ dặn Nhứt Chi Mai đừng lên vì mẹ tôi đau nặng. Lúc ấy Nhứt Chi Mai đang đi các tỉnh để quảng cáo cho báo Sài Thành, không có ở nhà.
Tôi săn sóc mẹ tôi suốt một tháng trời như vậy mẹ tôi mới bớt dần, ngồi dậy rồi ăn uống lại được. Một hôm tôi đang ngồi đọc sách ở phòng trong thì nghe mẹ tôi hỏi em tôi:
- Mấy lúc nay Nhứt Chi Mai có tới đây không?
Em tôi nói:
- Anh ấy đi đâu rồi không thấy đến. Nhưng thỉnh thoảng thấy cha tôi đọc bài viết của anh viết về các tỉnh ở đâu đâu con không biết.
Mẹ tôi làm thinh, không hỏi tôi về chuyện này, nhưng mẹ tôi thương tôi lắm. Thấy cách tôi nuôi bệnh mẹ tôi và săn sóc từng li từng tí, ngồi suốt từ sáng đến chiều trong phòng tối, mẹ tôi rất thương. Một hôm mẹ tôi hỏi:
- Gần hết nghỉ hè chưa con? Con có định ghi tên học nữa không?
Tôi thẳng thắn trả lời:
- Con không học nữa đâu mẹ. Con ở nhà, khi nào mẹ thật khỏe, con sẽ kiếm việc làm để giúp các em học cao hơn con.
Mẹ tôi thở dài không nói gì.
Khi mẹ tôi khỏe được mấy tuần, đi chợ Sài Gòn được, mẹ tôi mua hàng vải về nói là để thưởng tôi thi đậu, và nếu tôi có đi làm thì sẽ có áo quần đẹp. Rồi mẹ tôi nói với vẻ ngậm ngùi:
- Con gái thì dù có học đến đâu rồi cũng phải lấy chồng, mà lấy chồng thì đâu còn ở với cha mẹ nữa!
Tôi cầm lấy tay mẹ:
- Con còn lâu mới lấy chồng.
Tụi em tôi đứng gần đó cũng nói:
- Tụi con cũng vậy đó mẹ.
Mẹ tôi cười nói vui vẻ:
- Như vậy người ta lại nói là các con của mẹ ế chồng!
Em kế của tôi là Nhiễu tánh hay đùa giỡn liền nói:
- Gì mà khó chịu vậy? Cái gì cũng nhắm vào các cô gái, còn mấy ông đàn ông thì sao? Con gái ế chồng thì đàn ông ế vợ.
Mấy mẹ con đang vui vẻ nói cười thì tôi bỗng nghe chóng mặt. Tôi nói:
- Con phải vô trong nhà nghỉ một chút để còn xuống phụ chị bếp nấu cơm. Hôm nay hình như chị ấy làm nem nướng đó mẹ. Cha con đi chơi tennis về thì bữa cơm sẽ xong và ngon lành lắm.
Nhiễu nói:
- Mấy hôm nay chị mệt nhiều rồi, để em xuống phụ cho. Chị lên nghỉ đi.
Một ngày Chủ nhật thật vui vẻ và tối đó chị em tôi kéo ra trước sân ngồi chơi đến khuya. Khi vào đi ngủ, Nhiễu chợt ghé tai tôi hỏi nhỏ:
- Mà thật sự chị không yêu anh Nhứt Chi Mai chớ?
Tôi im lặng đi về phòng mình mà con tim bỗng nghe như đang bị ai bóp chặt. Trong bóng tối, tôi nằm nghe bên tai mình cứ vang lên câu hỏi của cô em gái:
- Mà thật sự chị không yêu anh Nhứt Chi Mai chớ?
Rồi tôi thao thức nhớ lại hết bài thơ này đến bài thơ khác của Nhứt Chi Mai:
Gió lọt sương sa ngọn nến mờ
Trăm chiều tâm sự rồi đường tơ
Đường trong gang tấc, trời đôi ngã
Tình nặng non sông, giấy một tờ
Vườn cúc gió lồng hoa nép mặt
Non thần mây khuất khách đương mơ
Hỏi người tri kỷ hay chăng tá
Có biết lòng ai nỗi đợi chờ...
Nhiều nhứt là những bào viết cho tôi in trên báo chứ không gởi, mà Nhứt Chi Mai biết thế nào tôi cũng dọc. Những bài thơ này Nhứt Chi Mai viết lúc đi Đà Lạt hoặc các tỉnh khác, lấy sự gặp bạn bè làm vui.
Trăm lạy trời xanh chớ phụ phàng
Muôn nghìn đau khổ dám từ nan
Dọn đường chị quét xong gai góc
Để bước em đi được nhẹ nhàng
Tình ái xưa nay vật thế nào?
Bây giờ mới biết nó ra sao!
Yêu em, yêu lắm nên ham sống
Sống để dìu em cái bước đầu
Vốn nhà thi lễ bực trâm anh
Đâu dám như ai thói bộc tình
Rìu búa ngửa vưng lời trách móc
Đá vàng không lợt dạ đinh ninh...
Đến khi quá mệt mỏi, tôi mới chợp mắt được và sáng ra không dậy nổi. Trong giấc ngủ mê mệt ấy, tôi mơ màng nghe mẹ tôi nói: “Đừng kêu chị con dậy. Chắc nó mệt cả tháng với mẹ, cứ để nó ngủ thêm đi”.
Nhưng đến trưa tôi cũng không dậy được. Khi cha tôi đi làm về nghe nói tôi không dậy được thì lo lắng nói:
- Nó bị bịnh rồi! Đi mới thầy Năm đi.
Nhiễu lẩm bẩm:
- Lại thầy Năm!
Mẹ tôi nói:
- Đêm qua tụi nó ngồi ngoài sân lâu quá, chắc nó bị trúng gió rồi.
Có lẽ chỉ có Nhiễu biết là tôi suốt đêm qua đã nghĩ đến Nhứt Chi Mai, nên bây giờ không dậy nổi, rồi Nhiễu tự trách cũng tại mình, nhắc làm chi, có khác nào bươi đống tro tàn... Nhiễu nói một mình khi đi qua đi lại bên giường tôi: “Không phải đống tro tàn đâu, than đỏ vùi trong tro đó!”.
Đến chiều cha tôi đi làm về, tôi vẫn nằm mê man. Mẹ tôi gọi dậy ăn cơm, tôi vẫn không nhúc nhích, sờ đầu thì nóng như lửa, hai chân lạnh ngắt. Lại một đêm làm cha mẹ và các em lo sợ. Qua ngày thứ ba thì cha tôi không chịu được nữa, cha tôi nghĩ chắc là tôi nhớ Nhứt Chi Mai vì từ ngày mẹ tôi đau, tôi không hề nhắc đến tên Nhứt Chi Mai, còn tỏ vẻ ra vui vẻ cho mẹ mau lành bịnh. Sáng hôm sau, trước khi đi làm, cha tôi dặn em Hạnh: “Từ nay đến chiều không có Nhứt Chi Mai lên thì đúng năm giờ con xuống nhà báo mời anh lên cho cha bảo, có chuyện”.
Cả ngày tôi vẫn nằm mê, đến năm giờ em Hạnh xuống tòa soạn báo Sài Thành thì thấy có một mình Nhứt Chi Mai đang ngồi sửa một đống bài. Thấy Hạnh, anh giật mình như biết có điều không lành. Anh hỏi:
- Có việc gì vậy em?
Hạnh nói:
- Chị Hai đau li bì bốn hôm nay rồi, ba biểu em đi kiếm anh.
Lúc đó là giờ các cây bút lục đục đến lo bài vở cho tờ báo ra ngày mai. Chắc Nhứt Chi Mai đang viết Tranh Xã Hội. Hạnh nghe anh dặn một người nào đó:
- Nếu anh về không kịp thì Đồng viết thế anh bài Tranh Xã Hội. (Đồng đây là nhà báo Jean Batipste Đồng).
Đến nhà, Nhứt Chi Mai vô phòng khách ngồi nói chuyện với cha tôi, hỏi thăm mẹ tôi mấy câu nhưng mẹ tôi không trả lời. Chờ cha tôi cho phép vô thăm tôi, anh mới dám đứng dậy đi theo và nhắc cái ghế ở bàn học của tôi để xa xa phía dưới chân, ngồi nhìn tôi một cách lo lắng. Sau đó, theo Nhiễu kể, anh đi ra ngoài và xin phép ra về để sáng mai đem thầy đến. Mẹ tôi nghe vậy toan phản đối nhưng cha tôi nói:
- Thì mình cứ để Nhứt Chi Mai rước thầy, chớ mình có biết ông thầy nào khác thầy Năm đâu. Mà thầy Năm thì sáng hôm qua đã chạy, lắc đầu rồi.
Ba bốn hôm sau tôi tỉnh lại rồi ngồi dậy ăn uống được. Tôi khỏe nhưng mẹ tôi lại lo vì thấy câu chuyện đã đổi chiều: Nào Nhứt Chi Mai lo rước thầy dạy tôi học để đậu ba bằng cấp, nào Nhứt Chi Mai khăng khăng đòi cho tôi đi du học, nào hứa với cha mẹ tôi không lên thăm thường nữa mà lo làm ăn chớ không bỏ đi khắp nơi mà không biết là đi đâu... Nhứt Chi Mai không làm gì trái ý cha mẹ tôi cả năm nay từ ngày đưa Vita lên dạy tôi học, và chỉ lên thăm tôi một lần khi tôi thi đậu.
Tôi dậy và tiếp tục công việc như mọi ngày, phụ làm bếp, chiều thì đi thư viện đổi sách mỗi tuần một lần. Không có bạn bè gái và càng không nhận được thư từ của Thục Nữ hay Như Hằng, nghĩa là tôi không làm gì để cha mẹ phải kiểm soát.
Lúc này cha tôi có mua một quyển sách bằng tiếng Pháp dạy yoga và cũng dạy cách chữa bệnh qua thôi miên. Tôi đọc suốt ngày và tập nhiều môn sách dạy để tự chữa bệnh. Tôi cố dùng cho hết thì giờ, ngày đọc đêm đọc thực hiện các cách dạy trong sách, để quên Nhứt Chi Mai. Trong một lần Nhứt Chi Mai đến thăm tôi trong khi tôi nằm bệnh, tôi nghe anh nói với cha tôi là anh đang tìm một người thật xứng đáng, con nhà tử tế để đưa đến giới thiệu với tôi, nhưng người nào cũng nói:
- Anh yêu chị ấy như thế và chị ấy cũng yêu anh như thế thì ai mà chịu, anh làm chuyện mất công. Anh nên nhờ người có uy tín để nói cho hai bác hiểu hoàn cảnh của anh, để ông bà thỏa thuận, như thế có lẽ hay hơn. Thật sự anh vẫn còn yêu chị Bạch Vân quá mà!
Rồi khi cha tôi đi họp ở Hội Trung Việt ái hữu, ông Phan Bá Lân mời cha tôi ra nói riêng:
- Tội nghiệp Hồng Tiêu, lúc này cứ vắng tòa soạn luôn, thỉnh thoảng tôi gặp thì nói không biết làm sao thuyết phục bác gái chấp nhận vì bác gái nghe nói Hồng Tiêu đã có vợ con. Sự thật chuyện này không phải khó giải quyết. Hồng Tiêu ở với người đàn bà đó là một sự bất đắc dĩ, anh em người Trung ai mà không biết câu chuyện đáng buồn cười này. Nhưng nếu Hoa Đường hay Thiên Trà nói, bác gái sẽ không tin đâu. Để tôi nghĩ thử ai biết rõ đầu đuôi gốc ngọn nói có chứng có cớ thì may ra bác gái mới chịu.
Về nhà, cha tôi suy nghĩ rồi quyết định cứ hỏi thẳng Nhứt Chi Mai, không cần dò hỏi ai làm gì, vì Nhứt Chi Mai là con người trung thực, nóng nảy, nói điều gì là có điều đó, cũng như nói là làm, không bày điều đặt chuyện hoặc làm mà đổ lỗi cho ai. Trong làng báo ai cũng biết tánh Nhứt Chi Mai. Thế là cha tôi cho gọi Nhứt Chi Mai tới. Thấy anh, mẹ tôi đứng lên định bỏ đi thì Nhứt Chi Mai nói:
- Xin má ngồi cho con thưa chuyện.
Mẹ tôi nói, vẻ mặt không vui:
- Chuyện gì cứ nói với ba con Vân được rồi.
Cha tôi mở lời trước:
- Hôm qua tôi đi họp trên Hội Trung Việt có gặp Phan Bá Lân.
Nhứt Chi Mai nói:
- Dạ, con cũng có nghe anh Phan Bá Lân kể. Hôm nay con đến đây để thưa rõ những điều hai bác cần biết về con. Con thật tình yêu em Vân, nhưng vì đời con trong lúc chân ướt chân ráo bước vào Sài Gòn, gặp nhiều chuyện may cũng có mà gặp một chuyện rủi khó gỡ cũng có.
Đúng là con có ăn ở với một người đàn bà và đã có ba con với người này. Nguyên là hồi đó con đang làm ở báo Opinion (Ngôn Luận - một tờ báo của Pháp, xuất bản một bản tiếng Pháp, một bản tiếng Việt), có đến ở ăn cơm tháng nhà một người đàn bà gần 50 tuổi, không chồng mà có năm con. Theo hàng xóm kể con nghe thì bà này mỗi người con là của một ông khác nhau. Đã ở lỡ rồi, đợi đủ tháng kiếm chỗ khác thì từ đâu ba bốn người bạn ngoài miền Trung vào, chưa có công ăn việc làm cũng tấp vô, hy vọng con kiếm được việc cho họ để họ có tiền trả tiền cơm, tiền trọ. Nào ngờ báo Opinion đóng cửa và chính con cũng bị thất nghiệp luôn.
Người đàn bà này biết tụi con thất nghiệp nhưng cứ để tụi con ở và vẫn nấu nướng cho ăn tử tế. Cho đến một hôm bà ta mời con ra và hỏi:
- Tiền ăn ở mấy tháng chưa trả, bây giờ các cậu tính sao đây?
Con nói:
- Xin bác cho cháu một tháng nữa, kiếm được việc cháu sẽ giải quyết hết.
Bà ta cười:
- Còn nếu không kiếm được việc thì sao? Tôi nói huỵch toẹt ra các cậu nghe. Tôi có đứa con gái, con Lan đó, nó cũng không đến nỗi xấu, đã đến tuổi có chồng nhưng ai hỏi nó cũng không ưng, chỉ ưng có chồng làm báo. Vậy trong các cậu ai chịu cưới nó thì tôi miễn nợ, khi nào có việc làm rồi sẽ hay.
Con liếc mắt nhìn Hoa Đường và Hoa Đường gật đầu thì bà ta nói:
- Ngặt là nó chỉ ưng ông Hồng Tiêu.
Cô Lan không đẹp, được cái da trắng nhưng ít học, ăn nói lừng khừng, câu nào cũng không hết ý. Con đang nghĩ đến bà nội con, con nhà quyền quý, cô của ông Phạm Liệu, làm quan ở triều đình Khải Định, rồi nhớ đến hai ông bác con cũng làm quan lớn và bị xử tử trong vụ vua Duy Tân chống Pháp. Còn ông nội con làm quan án sát ở Phan Thiết cũng bị kêu về để cùng bị xử với hai anh. Nhưng khi ghe đi đến Quảng Ngãi thì ông nội con qua đời, ghe phải ghé vào Quảng Ngãi chôn cất rồi bà nội con cùng cha con ở lại nhận Quảng Ngãi làm quê hương.
Trong khi con đang nghĩ về gia thế của mình thì bà này lại giục:
- Thế nào Hồng Tiêu? Cậu nhận lời hay không, hay chê con gái tôi quê mùa?
Lâm vào hoàn cảnh ấy, con phải chịu, nhưng nói:
- Tôi nhận, nhưng với nhiều điều kiện.
Bà ta mừng rỡ:
- Mấy điều kiện cũng được. Cứ nói đi.
- Tôi chịu nhận cô ta làm vợ nhưng không làm hôn thú. Lại nữa, sau nầy khi tôi gặp người vừa ý, có học thức, có nghề nghiệp, thì tôi có quyền chánh thức làm đám cưới. Cô lấy tôi đừng có con càng tốt, nếu rủi để cho có con thì con phải lấy họ mẹ, sau này dù tôi có vợ, các con này tôi cũng không cho theo về gia đình tôi. Lại nữa, công việc tôi tôi làm, không được hỏi đến hay cản trở.
Con ra các điều kiện ngặt nghèo như vậy là để họ chạy, nhưng hai mẹ con và bốn người anh trai đều chịu hết. Các bạn con thở dài nói:
- Tụi này làm khổ anh rồi Hồng Tiêu ơi!
Con nói:
- Miễn là tụi bây làm chứng cho tao việc này được rồi.
Nhưng rồi vì là tuổi trẻ, thêm lúc đó có biết cách ngừa thai đâu, mấy năm sau đó Lan đã có ba con, hai gái một trai, tất cả đều theo họ Trần của mẹ. Sau đó con kiếm được việc, các bạn con cũng đi mỗi đứa một nơi. Vì không phù hợp tính tình, trình độ, xung khắc nhiều thứ, mấy năm nay con và Lan coi như ly thân, Lan về Gia Định ở với bà con. Chị Bút Trà thấy vậy mới đem ba đứa nhỏ về nuôi, hiện chúng đang ở với anh chị con. Nếu hai bác cho phép con cưới em Vân thì con sẽ nhờ anh chị Bút Trà đứng làm chủ hôn, lập hôn thú ở Tòa Đô chánh Sài Gòn hẳn hoi.
Cha tôi làm thinh nghe kể, nhưng cha tôi là người rất ngại dư luận, nên vẫn phân vân về việc con gái lại gả cho người đã có gia đình, còn mẹ tôi thì phản đối ra mặt.
Nhứt Chi Mai nói tiếp:
- Việc con đã trình bày xong, nếu hai bác nghĩ thương chúng con thì chị Bút Trà sẽ lên thưa thêm nhiều việc, vì đây cũng là trách nhiệm của anh con.
Cha tôi nói:
- Bác thấy chuyện này thật không phải dễ. Nhưng thôi, để bác tính lại với bác gái.
Nhứt Chi Mai ra về rồi thì mẹ tôi la ầm lên:
- Không việc gì phải tính lại với tôi cả! Tôi đã nói là tôi không bằng lòng kia mà, vì tôi thấy nhiều chị bạn lâm vào cảnh này hay gặp phiền phức lắm, dù các chị ấy chỉ góa vợ.
Nhưng rồi sau đó, khi vợ chú Huấn tôi đến thăm nghe đầu đuôi câu chuyện, đã dỗ dành mẹ tôi. Thím người Bồng Sơn, con nhà giàu, lại giỏi về buôn bán, ăn nói khôn ngoan. Thím lần lần trình bày câu chuyện tuy khó nhưng không phải không giải quyết được. Hồng Tiêu đã hứa như vậy thì chắc sẽ làm như vậy. Và nghĩ lại cũng tội nghiệp cháu Vân hiền lành, nó thương anh chị, anh chị không bằng lòng nó đâu dám cãi, nhưng rồi nó đau khổ âm thầm sẽ nguy đến sức khỏe, tánh mạng...
Khi bà Bút Trà lên, mẹ tôi không chịu ra, để cha tôi và thím tôi tiếp. Hồi cha tôi dẫn tôi lên Bồng Sơn thi sơ học yếu lược, chú Huấn đang học trường trung học Qui Nhơn, cha tôi thấy cô Thuận (sau này là thím tôi) giỏi giắn thì để ý là sẽ cưới cho chú tôi. Gia đình bên ấy bằng lòng liền mặc dù chưa thấy chú tôi bao giờ. Sau hau người thư từ qua lại, hiểu nhau và gia đình bên thím tôi chịu gả, đưa dâu xuống tận cửa biển Tam Quan và rất nể nang cha mẹ tôi vì nuôi em cô cậu cho học hành thành tài còn đứng ra dựng vợ gả chồng. Thím tôi trình bày những khó khăn, việc gì bà Bút Trà cũng nói:
- Ông bà đòi hỏi thế nào thì tôi cũng lo được, không làm cho ông bà mất mặt, cho em gái phải mang tiếng. Cưới hỏi có hôn thú bậc nhất làm tại Tòa Đô chánh, có luật sư Diệp văn Kỳ làm người chứng. Chúng tôi sẽ thay mặt cha mẹ cưới cho em. Danh chánh ngôn thuận, đâu ai chê bai được. Huống chi vừa nghe Hồng Tiêu cưới vợ là bốn tiệm thuốc lớn ở đây đã cho mượn bốn cái xe hơi lớn (ở Sài Gòn lúc ấy chỉ có bốn tiệm thuốc Võ văn Vân, tiệm bà Phan thị Bạch Vân và hai tiệm khác trong Chợ Lớn là có xe hơi lớn mà thôi), còn xe nhỏ thì các chủ báo đều có cả.
Thím tôi nói chuyện với bà Bút Trà khá lâu để giải quyết những chuyện khó khăn có thể xảy ra, và hứa sẽ trình lại với mẹ tôi. Thím tôi còn nói, Hồng Tiêu hứa vậy nhưng khi đã ăn ở với cháu tôi rồi, muốn làm gì thì cháu tôi hiền lắm, làm sao cãi được? Một trăm cái hôn thú mà lòng dạ đổi thay, tình cũ nghĩa xưa, con cái làm sao mà bỏ, cháu tôi làm sao tự đối phó được? Chuyện thơ văn chỉ để tô điểm cuộc sống, mê hoặc con người, còn thực tế có chạm trán mới biết ra sao. Cháu tôi bà thấy đó, nó hiền lành nết na, chỉ biết có học. Chưa ra đời, chưa hiểu đời muôn mặt nghìn lòng, lúc đó muốn rút lui cũng không phải dễ. Huống chi một cuộc hôn nhân được rất nhiều người quan tâm, các báo lớn nhỏ đều nói đến, nếu sau này không tốt đẹp thì sẽ bị người đời cười chê...
Bà Bút Trà thấy thím tôi còn nhỏ mà ăn nói rất chí lý cũng mến phục. Bà thì ít học nên cứ nói đi nói lại, cứ hứa:
- Chúng tôi là anh chị thay mặt cha mẹ chẳng lẽ lại không biết điều hay sao thím? Thím thưa với ông bà là chúng tôi cũng phải giữ lời hứa và tiếng tăm của chúng tôi chớ. Chuyện trước đây của Hồng Tiêu đúng là như vậy, và dù chú ấy được hoàn toàn tự do kết hôn đúng luật, chúng tôi cũng vẫn sẽ thu xếp mọi chuyện thật êm đẹp, không để xảy ra chuyện gì không hay cho em Vân hết.
(Sau đó quả bà Bút Trà đã giúp chị Lan mở một nhà thuốc tây và chị đã lập gia đình khác, được thêm ba người con nữa. Dù đã có điều kiện từ trước, ba người con đầu của anh Hồng Tiêu vẫn trở về với anh, tôi đều phụ anh nuôi dạy cho đến khi nên người).
Khi bà Bút Trà ra về rồi, mẹ tôi lại làm trận với cha tôi và còn rầy thím tôi:
- Với bà Bút Trà mà mình tin được sao? Có phải là cha mẹ Hồng Tiêu đâu. Bà ta cũng đã có chồng, chắp nối với ông Bút Trà nghe đâu đã có hai ba đời vợ, bà còn một gia đình riêng trong Chợ Lớn. Uy tín một người như vậy ai dám tin?
Nhưng rồi cha tôi và thím tôi phân tích phải không với mẹ tôi cả một ngày một đêm thì mẹ tôi cũng bớt tức giận và nghĩ thương tôi, mẹ tôi nói:
- Ừ, thì để coi họ tính sao đây.
Cuối cùng, chắc cũng chỉ vì thương tôi mà mẹ tôi đã chấp nhận chuyện hôn nhân này.
Được tin, Hồng Tiêu (từ đoạn này tôi xin không dùng tên Nhứt Chi Mai nữa) liền thu xếp về Quảng Ngãi làm khai sinh để làm hôn thú. Hôm đi anh có lên từ giã ba má tôi và vui vẻ cười nói với tôi:
- Cái thời trước vậy đó, thi ba bốn bằng chữ nho, hai ba bằng chữ Pháp, mà chẳng cần khai sanh, bây giờ 33 tuổi phải có nó mới cưới được vợ!
Hồng Tiêu về Quảng Ngãi lần này không phải đi bộ như hồi anh còn trẻ từ đó tay trắng vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh đi xe lửa, về đến tỉnh liền thuê xe kéo xuống Cổ Lũy. Trong khi đứng đợi đò ở Cổ Lũy về Trường Yên, nơi mà bà, cha mẹ cùng anh chị em của anh từng sống ở đó, cám cảnh anh xuất khẩu đọc thành thơ:
Qua sông ta gọi con đò
Lòng ta như nắm chỉ vò trong tay
Lìa quê từ bấy đến nay
Biết rằng cảnh có như ngày ta đi
Mây xanh trăng bạc từ khi
Bây giờ lại thấy mặt mày cố nhân
Ngậm ngùi thân lại tủi thân
Bốn phương nặng nợ mười ân lỗi nghì
Cây xưa nọ gốc bồ đề
Nhà xưa chủ mới mình nầy ngươi xưa
Mơ màng trong cõi nắng mưa
Đòn cân tạo hóa trừ thừa biết sao
Để chân về chốn chôn nhau
Mà như khách lạ nơi nào đến chơi
Cố hương ơi! Cố hương ơi!
Người con mặt biển chân trời về đây
Tư bề lặng lẽ nước mây
Vô tình nước chảy mây bay một chiều
Làm xong khai sanh, anh trở về liền và đi thuê ngay một căn phố lầu ở đường Alsace Lorraine (bây giờ là Đặng thị Nhu) để làm chỗ ở cho chúng tôi và dự định sau này làm báo. Trên lầu là phòng ngủ và phòng khách riêng, dưới dành cho tòa soạn tương lai. Bạn bè kẻ cho bộ salon, người cho bộ bàn ăn, anh Phan Bá Lân thì cho một bộ giường nệm với một cái mùng kiểu treo trên tường phủ xuống... Nhà bếp đầy đủ đồ dùng, chén bát, soong nồi..., không thiếu một cái gì.
Chúng tôi đăng ký làm đám cưới tại Tòa Đô chánh Sài Gòn vào ngày 16-10-1935. Bên phía anh Hồng Tiêu, anh chị Bút Trà làm chủ hôn, luật sư Diệp văn Kỳ, một luật sư học ở Pháp về nổi tiếng thời bấy giờ, và nhà báo Thanh Phong làm hai người chứng. Bên phía tôi, cha mẹ tôi, chú thím tôi làm người chứng.
Đồ sính lễ cũng rất trọng thể, hai áo nhung dài và đầy đủ nữ trang. Tiệc đãi tại một tửu lầu ở Chợ Lớn, chị Bút Trà đặt cả chục bàn đãi khách cả đằng trai lẫn đằng gái. Xe đến rước dâu, khách khứa lên chật cả bốn chiếc xe lớn mà các hãng thuốc cho mượn. Hôm ấy tôi nhìn cha tôi mà thương cảm vô cùng, một thời thơ ấu sống với cha như vậy đến khi vừa học xong trung học, chưa đền đáp được một ngày công ơn cha mẹ đã đi lấy chồng... Tôi cúi mặt cố nuốt nước mắt, nhưng hai giòng lệ cứ tuôn chảy. Đây là lần đầu tiên tôi khóc. Trong đời tôi, tôi chỉ khóc có bốn lần, mà lần này là lần thứ nhất.
Sau đám cưới, một tiệm chụp hình ở đường Bonard (Lê Lợi) đến mời chúng tôi đi Sở Thú và chụp cho chúng tôi cả mấy trăm kiểu hình và khi rửa xong mang đến mừng chúng tôi. Thế mới thấy độc giả của anh Nhứt Chi Mai thương anh đến bậc nào.
Hôm đám cưới, ai cũng xì xầm hỏi cô phụ dâu là ai vậy. Có phải là bạn cùng học với tôi không. Họ bảo cặp dâu và phụ dâu đẹp nhất trong đám cưới. Đây cũng là một câu chuyện hơi lạ, vui vui mà tôi xin kể ra đây trong hồi ký:
Nguyên cha tôi có một người bạn tên Tân, chúng tôi thường gọi là chú Tân. Chú cũng làm Sở Thương chánh nhung ở Hội An. Chú góa vợ đã hai năm rồi và chú đem lòng yêu một cô, nhưng khi nói ra thì chẳng những cô này không ưng mà cha mẹ, bà con ai cũng phản đối. Khi có đám cưới của tôi, chú liền xin phép cha tôi cho cô vô dự, làm phụ dâu để cô thấy khi đã thật lòng yêu thì mọi việc đều có thể thu xếp và đi đến hôn nhân hạnh phúc. Sau đám cưới của tôi, cô trở về Hội An và bằng lòng làm vợ chú. Chú Tân viết thư vô cảm ơn cha mẹ tôi và gởi lời chúc chúng tôi luôn hạnh phúc.
Trở lại chuyện đám cưới, khi tiệc tan xe đưa chúng tôi về nhà cùng một số khách thân như vợ chồng Băng Dương, Thụy An, gia đình bên tôi... Cha mẹ tôi xem qua nhà cửa, kiểm lại mấy món quà bà con ban bè biếu. Rồi mọi người lần lượt ra về. Khi đưa cha mẹ tôi xuống lầu, cha tôi nói:
- Nhà cửa như vậy cha thấy cũng được, nhưng chưa mướn được người làm phải không?
Hồng Tiêu nói:
- Hiện giờ thì con mượn đỡ một em nhỏ, nay mai sẽ có chị bếp trước làm cho Batipste Đồng đến giúp việc
Khi mọi người về rồi, anh Hồng Tiêu nói với tôi:
- Anh mệt đừ, ba ngày nay em biết không, anh chỉ ăn có ba tay cầm cháo trắng mà chạy hết đầu này đến đầu nọ, mệt quá em ơi! Cho anh đi ngủ vài giờ đã.
(Sau này khi sống với anh, tôi mới biết tay cầm cháo mà anh ăn là như thế nào! Một tay cầm lớn nấu được một lon rưỡi gạo và anh ăn hết, chỉ với muối. Anh nói người Tàu cho là ăn bạch chúc (cháo trắng) sẽ bổ ngũ tạng.
Nhưng khi tôi vừa dọn xong thì anh bỗng thức dậy. Anh ra ngồi ở chiếc ghế salon và chỉ tôi ngồi xuống ghế đối diện. Anh nói:
- Chúng ta nói chuyện được không? Em có buồn ngủ không?
Tôi lắc đầu và ngồi xuống đối diện anh. Anh nói:
- Trước khi mình sống chung với nhau suốt đời, em có gì hỏi hay ra điều kiện gì với anh không?
Tôi suy nghĩ một chút rồi nói:
- Có chớ. Em nói có điều gì anh thấy không hạp ý, thì mình bàn lại. Điều thứ nhất là gia đình em ba đời rồi không hề có tiếng chửi thề, cha em giận thì chỉ nói: “Sao mà ngốc thế!”.
Hồng Tiêu nói:
- Gia đình anh cũng vậy. Bà nội anh dòng dõi quí tộc, nghiêm lắm, có giận đến đâu cũng chỉ nói: “Củi mục một bè, củi tre một bọn!”. Còn gì nữa không?
- Cha mẹ em không bao giờ đánh em. Chỉ có một lần mẹ giận đánh em chỉ bằng cái đuôi quạt mà cha em cũng không bằng lòng. Em nghe nhiều người nói, anh nóng như Trương Phi, đến như chị Phương Lan, vợ của anh Bùi Thế Mỹ, lúc anh làm chung với chị ở báo Opinion, anh dám vác cái khuôn chữ in liệng vào mặt chị, đúng không? Chuyện này ai mà không biết, cái gì không vừa ý anh là anh la hét om sòm, anh mà hét thì ngoài đường cũng nghe. Anh không được đánh em dù chỉ là một cái tát nhẹ, và bớt la hét đi, kỳ lắm.
Hồng Tiêu hỏi:
- Khi giận làm sao dằn được? Rủi anh không dằn được thì sao, em đánh lại hả?
Tôi buồn cười nhưng vẫn bình tĩnh nói:
- Anh thì như Trương Phi, còn em, anh thấy thân em có bằng chị Bút Trà của anh chưa mà dám đánh lại? Nhưng ai lại vợ mà đánh chồng, vô duyên lắm. Em nói rồi, anh không được đánh em. Người Pháp lịch sự với đàn bà và nói không bao giờ đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa.
Anh nhìn tôi rồi nói:
- Mình có phải người Pháp đâu.
- Kìa, em đã nói anh không được đánh em.
Anh ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thôi được rồi, anh sẽ ráng giữ điều cấm kị này. Hễ anh giận định giơ tay đánh em thì anh rút tay lại, lấy nón ra đi, đi bậy bạ đâu đó, hay qua nhà báo, hết giận thì về, được chưa?
- Được, đây không phải là chuyện giỡn đâu mà cười.
Sau này, mỗi khi anh giận đưa tay lên định đánh tôi, thấy tôi giương mắt nhìn thì chợt nhớ ra lời hứa, liền rút tay lại, lấy nón đội lên rồi ra đi. Có khi đi cả ngày mới về, có lần qua bên chị Bút Trà thấy họ đánh tứ sắc, nhào vô chơi suốt đêm, ăn cả túi tiền mới về, còn kêu theo một gánh thịt nướng và một gánh chè bột khoai, đãi cả xóm.
Anh hỏi:
- Còn gì nữa, nói hết đi để anh còn đi ngủ. Em đi tắm rửa, thay đồ mát, rồi vô ngủ sau, việc gì cũng để ngày mai sẽ tính. Ba năm trời mới lo được việc rước em về, giờ rước được rồi, đã là vợ chồng thì ngày tháng là của mình, có gì mà gấp phải không em?
Và anh đã giữ đúng lời, suốt 50 năm chung sống [1], anh không bao giờ đánh tôi, mọi việc nặng nhọc anh đều giành lấy làm, không xâm phạm vào quyền tự do của tôi, tôi có công việc của tôi, anh có công việc của anh. Anh nói tôi là quyển từ điển tiếng Pháp của anh, cần lúc nào, dù tôi đang ngủ, anh cũng đánh thức dậy trong lúc anh viết bài để hỏi tên một tỉnh thành nào đó bên Pháp hay một nhân vật nào đang làm Tổng thống ở đâu đâu bên châu Âu.
Còn tôi, lúc nào tôi cũng xem anh như một người thầy, một người anh, một người bạn, một người chồng.
Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi.
Chú thích:
[1] Anh mất ngày 26-3-1985 tại nhà, thọ 84 tuổi.