Chương 9


Chương 9

Sớm Mai nửa quen nửa lạ!
Chắc chắn ông bưu điện không bao giờ ngủ gục hoặc lảng linh trong việc chuyển thư.  Tôi tin, thư vừa rồi em đã nhận được.  Và, giờ thấy tuồng chữ này hẳn em nhận ra “người quen” từng “gặp gỡ” một lần.
Thư trước, khi bỏ vào thùng thư rồi tôi bỗng ân hận không xiết.  Ðịnh lấy lui nhưng nó lỡ chui tọt vào thùng, không thể thò tay qua cái khe hẹp để nhặt ra được, đành chịu.
Ân hận vì trong một phút, sáu mươi giây mủi lòng - mủi, không phải yếu lòng đâu nhé! – Mình đã khờ khạo khai ra cái gọi là nỗi nhớ nhung chất ngất, nỗi si yêu thầm lặng lâu nay cho người ta biết, trong khi mình là một kẻ trễ tàu.
Trơ trẽn đòi tình nguyện làm ông từ giữ đền thiêng trong tim người ta đến chín kiếp.  Rõ khéo vẽ vời!  Người ta có đền thiếng đâu mà bảo giữ?  Tim người ta chỉ là cái khung ảnh nhỏ và lỡ lồng hình ảnh kẻ khác mất rồi!
Ngây thơ đòi vác chỉ mỗi tạ đậu phộng rang cũng bày đặt đòi rủ ai kia vào đại nội vừa ăn vừa ngắm mưa trên thành cổ.  Một tạ làm sao đủ?  Có khi người ta vui miệng ăn đến hai ba tạ thì sao?
Dốt đặc cán mai cũng cả gan phát biểu bốn cảm tưởng về nội dung thư của người ta viết cho kẻ khác.  Sao không giỏi vắt óc nặn ra chừng bốn trăm cảm tưởng cho người ta đọc mệt xỉu luôn?
Ðại khái thế, ân hận không biết để đâu cho hết.  Ðêm đêm đi ngủ hai mắt dưới trán thì nhắm, hai mắt cá dưới chân vẫn mở thao láo thức suốt.  Mỗi bữa ăn rất ít, chỉ chừng bảy tám chén cơm, suốt ngày uống lưng lưng có mỗi ba lít nước.  Cứ cái đà ân hận này riết tôi sụt ký mất người dưng Sớm Mai ạ!
Sớm Mai hơi thân mến!
Cũng bởi con ma ân hận – nói theo kiểu trong mỗi người chúng ta đều có lắm con ma nhỏ - hành, nên mỗi ngày tôi lang thang qua ít nhất vài ba chục con đường cho nguôi ngoai.  Xui là hơi mỏi chân.  Hên là nhờ lang thang nên gặp nhiều chuyện lạ để kể cho em nghe.
Sớm Mai rất nhớ... thầm!
Vào một buổi trưa, tôi tạt vào một quán chè định nghỉ chân cho đỡ mỏi rồi đi tiếp.  Quán vắng chỉ có tôi ngồi quay mặt ra đường vơ vẩn nhìn mùa đông lá bay.  Sau lưng là hai cô bé thuộc loại đi học sớm vì muốn ăn quà vặt cho đã đời, vào lớp học hành mới thông minh sáng láng và nhất là thuộc loại mồm năm miệng mười, huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện nọ.
Tôi chẳng bị điếc tai, lại ngồi quá gần nên bắt buộc phải nghe.  Không nghe cũng mặc, hai cô cứ phát thanh tới tới trong nền nhạc đệm của chiếc cassette hẳn là cũ nhất thế giới, hết rè lại rẹt rẹt rẹt nghe ớn xương sống.  Trong cả lô chuyện trên trời dưới đất của hai cô.  Lược bỏ hết mọi bộ điệu lúc hai cô nói, vì tôi lịch sự không ngoái nhìn lui nên chẳng thấy, có thể ghi lại chính xác những câu đối thoại sau:
Ê, mi biết chuyện động trời của con Sớm Mai lớp tao chưa?
Chuyện chi?  Hấp dẫn chứ?
Hấp dẫn một trăm lẻ một phần trăm.
Kể đi!
Mi bao tao thêm ly nữa nhé?
Hai ly cũng được.  Hễ chuyện gì dính đến con Sớm Mai là tao khoái nghe. Con nhỏ làm bộ làm tịch thấy ghét.
Hôm ấy lớp tao học hai giờ vật lý của cô Hài.  Cô kêu hắn lên đọc bài rồi mi biết sao không?
Vô duyên, chuyện lớp mi làm sao tao biết?
Hắn không chịu lên, cứ ngồi lì lại.  Giận quá, cô Hài bảo tao và con Cẩm Hương khiêng hắn lên.  Con nhỏ thả lì nên nặng cả tạ í!
Chuyện gián đoạn vì hai cô tranh nhau cười.  Ðấm lưng nhau kêu bình bịch mà cười.  Cô này không chịu cười nhỏ hơn cô kia nên trận cười déo dài khoảng hai mươi phút.  Lại tiếp:
- Hắn đứng ì một lúc rồi thỏ thẻ, thưa cô em không thuộc bài.
Gan nhỉ, Cô Hài hắc có tiếng bộ hắn không biết sao?
Chưa hết đâu. Chi tiết tao sắp kể còn lạ lùng và hấp dẫn nữa.  Mi bao thêm cái gì nữa tao mới kể.
Chậc!  Thì thêm hai ly nữa cho mi ớn chè tới già luôn.  Kể đi khỉ ạ, làm eo hoài à.
Thế là, cô Hài quát tại sao, tại sao chị không chịu học bài hả?  Con Sớm Mai điềm tĩnh vòng hai tay trước ngực, long đôi mắt đẹp lên quát lại, thưa cô tại vì em bận... Yêu!
Trời ơi, thật không?  Hay mi thêm mắm dặm thêm muối?  Không thể tưởng tượng nổi.
Mi cá cái chi nếu bọn lớp tao xác nhận chuyện khó tin mà có thật này?
Cá cây viết Hero mới bơm mực có một lần rưỡi nhé?
Ðược!  Còn chuyện ấy nếu không có, tao sẽ biếu không cho mị một hộp đủ các màu phết lên mí mắt cho mơ huyền, made in Hồng Kông chính hiệu.
Xong, sao nữa?
Cô Hài xỉu, gập người xuội lơ trên bàn.  Tụi tao đứa rối rít xức dầu cho cô, đứa kêu khóc ỏm tỏi.  Mười phút sau cô tỉnh dậy, run rẩy lập lại câu hỏi.  Sớm Mai vẫn đứng trơ trơ như Từ Hải không chịu chết giữa trận tiền, hắn lườm rồi nguýt, kênh kiệu bảo, tui yêu bồ tui chứ có phải yêu bồ của cô đâu mà xỉu lên xỉu xuống thế?
Trời đất!  Cái con ngó yếu yếu vậy mà cả gan dàn trời hả?
Chứ sao!
Stop nhé!  Nếu ghi hết những lời bàn của hai cô nàng e vài chục tờ giấy nữa cũng không hết.  Chuyện này tôi chỉ nghe, chưa biết hư thật ra sao.  Dẫu thế, vẫn xin khép nép nghiêng mình chào bái phục cô em!  Miễn bình luận.
Có điều, tôi vẫn thầm hy vọng cô Sớm Mai không biết tôn sư trọng đạo trong câu chuyện kia không phải là em.  Một cô nào đó trùng tên?  Hoặc là em nhưng hai cô nàng kia ghét ghen nên đặt điều nói xấu?  Kìa, đừng chu môi, lừ mắt như thế, soi gương xem, không đẹp đâu.
Sớm Mai hơi thân mến!
Câu chuyện trên hẳn không mấy thú vị?  Hy vọng chuyện sau đây sẽ làm em hài lòng hơn.
Từng câu hẳn không được chính xác bằng “tiểu phẩm” trên.  Nhưng nội dung chắc không sai lệch bao nhiêu.  Cuộc đối thoại ấy thế này:
Sao?  Cuộc giận của mi và anh chàng bêrê đen, yểu điệu thục nữ đến đâu rồi?
Ui, mệt lắm dì Út à... Cháu tính cho anh chàng lên chiếc Boeing của dì thôi.
Sao thế?  Chả lẽ dì lại đoán đúng à?
Vừa có một sự cố kinh khủng, dì không tưởng tượng nổi đâu.
Kể đi nhỏ.  Dì yếu tim, mi cứ nhẩn nha.
Hôm qua vừa ra khỏi trường, cháu tái mặt khi thấy một bà già ăn mặt rất sang trọng, bông tai dây chuyền, cà rá lấp lóa y như đi dự hội hè gì ấy chờ sẵn.
Bà già nào?
Mẹ... của anh ấy.
Bà ấy biết mi sao?
Bà hỏi thăm hú họa, may gặp đứa lớp cháu, và bọn nó chỉ giùm.
À ra thế.  Rồi sao?
Sau khi tự giới thiệu, bà mời cháu vào quán nước.  Nói chuyện mưa nắng một hồi rồi quay ra hỏi tỉ mỉ về gia cảnh của cháu.
Ghê thế à?  Chắc bà muốn cưới mi sơm sớm cho thằng nhỏ nó mừng!
Chưa chi dì đã... Cháu nghỉ kể.
Nhưng tôi không thuộc loại chọn lịch sự làm trang sức nên cứ tỉnh khô, cứ nghe con ma tò mò trong mình lồng lộn, bắt hai tai dỏng lên như là tai voi hứng gió.
Hai cô vẫn đấu tơi tới mà vẫn chong mắt xem phim khá nghiêm chỉnh.  Tôi thì chịu.  Tôi không thể buộc tôi ngước mắt lên màn ảnh được, bởi bận ngắm chiếc đầu tóc kẹp be bé xinh xinh của cô nhỏ cháu miết.
Hẳn con ma tò mò trong cô dì cũng không để cô yên.  Cô năn nỉ, cô bé cứ làm thinh, bèn dọa:
- Không kể thì thôi nhé.  Từ nay đừng hòng dì gỡ rối tơ lòng thòng cho.
Cô cháu cầm lòng không đậu, tỉ tê tâm sự tiếp:
Sau này cháu mới thấy mình ngu, còn lúc ấy cháu thật thà bảo, ông già hiện ở với vợ bé, cháu là con nhà vườn Vỹ Dạ v.v...
Ui, chuyện nhà đêm đi khai với người ta, mi quả là khờ quá, khờ quá!  Thế mới nghe vậy bà bảo sao?
Bà ngẩn người ra, buồn có lẽ hơn năm phút, đoạn sụt sịt khóc, nước mắt đẫm tới hai chiếc mù xoa, phải lấy chiếc thứ ba ra cầm tay.  Trước lúc đi e bà đã chuẩn bị khoản một tá mu xoa trong xắc tay.  Vừa khóc bà vừa kể lể đứa con cầu tự, cậu quý tử của bà đang ốm tương tư, bỏ ăn bỏ uống, ngủ nói mê nói sảng tơi bời.  Rồi bất ngờ bà tung ra một câu hỏi khá hóc búa là cháu có yêu thằng con trai của bác không?
Có tiếng thắng kít.  Tiếng bánh xe nghiến mặt đường nghe ê cả răng.  Trên màng ảnh, pha rượt bắt giữa cảnh sát và bọn buôn lậu ma túy gay cấn, toát mồ hôi nguội đến nỗi cả rạp hồ như nín thở và, hai cô gái nín bặt.  Tôi rủa thầm cái pha câu khách đắt tiền và phải gió ấy.  Ơn trời, sau những phút ngỡ dài như hai trăm năm tạm ngưng, câu chuyện dưới rạp hay ho, hấp dẫn hơn mười lần chuyện phim lại tiếp tục:
Mi bảo sao?
Cháu...
Chết dẫm.  Cô bé hẳn quá xúc động chợt nói nhỏ rí khó nghe đã đành, cả rạp lại cười rần bởi một cảnh tức cười trên màn ảnh.  Không nghe thủng được câu trả lời có vẻ rất quan trọng kia, tôi tiếc rụng tới vài sợi tóc.
Nghe thế chắc bà ấy buồn lắm nhỉ?
Ngược lại, bà bỗng tươi ngay nét mặt, thở dài buông một câu làm cháu muốn chết rét rằng, thế mà bác với hai dì nó cứ khổ sở nghĩ oan cho cháu là cháu đã dùng bùa ngải gì đấy để chà bé Huy của bác, đứa con độc nhất, vô cùng yêu quý của bác và hai dì nó.  Tha lỗi cho bà mẹ già lẩm cẩm này nghe cháu.  Phải lắm, lo học cái đã, đừng nghĩ đến chuyện trai gái sớm, không nên cháu à!  Bác vẫn thường răn đe thằng Huy vậy, nhưng hắn đâu có chịu nghe...
Chuyện tận đẩu tận đâu của hai cô gái xa lạ tình cờ nghe thấy trong rạp cine, chẳng có giây mơ rễ má gì với em, tôi lại kể cho em nghe, hẳn em rất chán?
Dù sao, từ câu chuyện không đâu ấy, tôi bỗng đâm ra lo lắng quá thể.  Lo rằng, biết đâu Sớm Mai người dưng cũng giông giống cô bé khờ dại ấy thì sao?  Rằng, có khi cô bé ngày đêm tôi thầm thương trộm nhớ cũng suốt ngày chỉ lo quanh quẩn có mỗi chuyện yêu thương, bỏ bê cả học hành thì sao?  Sính yêu đến nỗi đi coi phim cũng tranh thủ nhờ người gỡ rối tơ lòng cho thì quá thể!
Và, vì quá lo lắng, vì quá thương em, biết không nhỏ?  Tôi đã làm một chuyện hẳn không bao giờ em tưởng tượng ra.  Không bao giờ em cho phép và nếu tôi không kể, hẳn không bao giờ em biết tôi đã lạm dụng “tình chưa quen biết” giữa chúng ta tới mức độ nào.  Lạm dụng đến liều lĩnh.
Việc ấy cũng đơn giản thôi.  Vào một buổi chiều.  Chọn một bồ đồ tương đối bảnh nhất, tươm tất nhất trong cả lô quần áo hình như thường xuyên lỗi thời của tôi vì tôi không chạy theo mode và nếu có muốn chạy theo chắc cũng đuổi không kịp mode vì chẳng có điều kiện.  Bắt chước bà già trong câu chuyện nghe lén ở rạp cine, tôi đến đứng lóng ngóng trước cổng trường em chờ giờ tan học.
Ðừng vội nhăn mặt hay cười thầm.  Cóc phải tôi đón em đâu.
Trống tan trường lung lay cành lá.  Cổng trường mở toang cho “bầy chim non hớn hở rủ nhau về”.  Hình như chiều ấy em không có giờ học.  Tôi liếc xéo trông xiên chẳng thấy em đâu cả.  Ðợi bầy áo trắng ồn như bầy chim chèo bẻo ra hết.  Tôi từ tốn đến bên bà cai trường rất đẹp lão, cười nụ lịch sự nhất trần đời, khen nịnh mái tóc bạc phơ đẹp như tiên trong tranh vẽ và nhờ bà chỉ giùm cô giáo Hài nếu cô ấy ra.  May mắn, chiều hôm ấy cô có giờ dạy, không trùm chăn ngủ ở nhà.
Thoạt tiên cô Hài rất ngạc nhiên khi tôi ngỏ ý xin gặp cô chừng dăm phút.  Bộ quần áo tươm tất, vẻ lịch sự pha khúm núm điệu đàng của tôi hẳn làm cô yên lòng.  Ðể cô giáo hài lòng hơn, tôi xưng “em” ngọt xớt.  Dù thế, cô đỏ mặt e thẹn từ chối không vào quán nước, chỉ yểu điệu dắt bộ xe đạp sóng vai tôi dọc đường rợp lá me bay.  Vừa đi cô vừa chơm chớp mắt hàm ý giục “ông” khách thỉnh thị điều gì thì làm ơn nói nhanh nói lẹ lên!
Tôi tằng hắng ba lần mới đủ can đảm lên giọng lễ phép thậm chí xưng mình là phụ huynh, là anh của trò Sớm Mai, nghe cô em không chịu học hành tử tế, gây vụ rắc rối gì đó trong giờ học làm buồn lòng cô, nay đến xin lỗi và mong biết hư thực chuyện ấy như thế nào!
Cô Hài mỉm nụ cười duyên đáo để, kể ngắn gọn diễn tiến “sự cố”, đoạn kết luận là sau đó Sớm Mai đã gặp cô xin lỗi.  Cô thích cô bé nói thẳng nói thật như thế hơn là nói dối!
Tôi nghe lòng nhẹ hẫng.  Thế là, ít ra đối với tôi - một kẻ xa lạ - em đã được minh oan phần nào.  Xin rút lại cái nghiêng mình bái phục nặng tính trêu chọc và giả dối đã nói ở trên nhé.  Em cũng không nên giận cô bạn kia làm gì.  Cái tật nghịch tính, ưa phóng đại tô màu là tật thường thấy ở lứa tuổi học trò mà.  Có thế người ta mới đặt học trò ở vị trí thứ ba sau quỷ và ma!
Tiếp tục câu chuyện.  Tôi cố tạo vẻ mặt đăm chiêu rất phụ huynh, thắc mắc chẳng biết dạo này Sớm Mai có ngoan không hay xao lãng việc học?
Cô Hài vui vẻ bảo cô là chủ nhiệm lớp em nên biết khá rõ, rằng thì là em vốn chăm và học khá.  Sau cái vụ vớ vẩn kia em lại ngoan như thường.  Khi nào rỗi rãnh hai anh em nên rủ nhau đến nhà cô chơi!
Nghe thế, tôi muốn nhảy cẫng ôm hôn tất thảy mọi gốc cây và cột đèn hai bên đường, nhưng may mắn đã kềm lòng được.  Tôi e lệ nói cám ơn cô và chuồn lẹ, ngại kéo dài câu chuyện một lúc nào đó mình lỡ lạc lòng bật mí chẳng phải là phụ huynh của em, chỉ là anh dỏm, là người dưng của em thôi rắc rối sẽ không biết để đâu cho hết.
Sớm mai hơi thân yêu!  Có ức thì ráng chịu nhé!  Có rủa tôi cũng chẳng biết làm sao nghe?  Tôi vốn là kẻ vô duyên.  Ðôi khi ưa lái xe hủ lô vào đời tư người ta một cách thô bạo!  Tôi là đứa  đạo đức giả.  Chuyện mình lo không xong, đòi lo quàng sang chuyện thiên hạ.  Và, em nên yên chí tôi đích thị là người ích kỷ một cây xanh rờn.  Tôi đã làm cuộc “điều tra  bỏ túi” trên hoàn toàn vì tôi hơn là vì em.  Tin chứ?
Gặp cô Hài xong, tôi cảm thấy không còn lo lắng gì nữa.  Khỏe như là vừa được uống chục thang thuốc đại bổ vậy!  Không gặp cô ấy hẳn tôi sẽ buồn em tới già và không cách chi ăn ngon ngủ yên.  Thấy rõ lòng ích kỷ bao la của tôi rồi chứ?
Vui tay nên viết lằng ngoằn khá dài làm mất thì giờ quý báu của em.
Chúc vui.  Tạm biệt!
Y hệt cái “hồi âm, để lâu sợ nguội”.  Dưới chữ ký ngoằn ngoèo chẳng có tên gì ráo.  Tâm trạng Sớm Mai khi đọc một mạch cái thư thứ hai của anh chàng giấu tên thật khó tả.  Cười có, khóc có.
Thoạt tiên là nụ cười nửa miệng tắt hơi chậm dành cho phần đầu.
Sang phần hai nước mắt chảy ròng ròng trên má lúc nào chẳng hay, bởi quá tức tối khi đọc cái “tin vịt” anh ta tình cờ nghe thấy trong quán chè chỉ đúng có hai phần trăm sự thật.
Ðoạn giữa câu chuyện trong rạp cine đọc tới đâu Sớm Mai thầm kinh ngạc tới đấy.  Chẳng cần soi gương cô cũng thừa thấy lúc thì mình đỏ mặt tía tai vì mắc cỡ, lúc thì mặt mày sượng trân hệt củ khoai từ chưa nấu bởi quá thẹn thùng.
Và, đọc đến đoạn cuối, cô thở phào nhẹ nhõm, nụ cười trở lại trên môi kèm thêm nỗi bâng khuâng hình như rất ngợp!
Bây giờ thì cô tiểu thư con nhà vườn không thể nằm hay ngồi yên.  Cô đi tới hết chiều dọc căn phòng lại bước men chiều ngang, vui vẻ buông tiếng thở ngắn, nửa tiếng thở dài, đoạn kêu thầm:
- Ui, dì Út quả đã phán như thần.  Anh ta đúng là tay mật thám ngày đem chong đôi mắt chim câu hay cú vọ gì ấy theo dõi mi từng đường đi nước bước, mà mi cóc có hay.
Từ nay đã chừa cái tật cứ đeo theo dì Út bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng nằn nì đòi gỡ rối tơ lòng chưa?  Làm như tơ lòng mi nhiều ghê lắm.  Rối hung rối loạn ghê lắm!  Tơ lòng ở đâu thử rút ra một sợi làm tin coi?  Toàn là tưởng tượng hão cả.  Nghe dì Út bảo thuộc nòi lãng mạn, cứ ngỡ đâu mi lãng mạn tít cung mây, chuyện sờ sờ dưới mặt đất bị người ta nghe lén cũng cóc biết!
Chắc bụng vào rạp cine thủ thỉ chuyện lòng cho mỗi dì Út nghe sẽ bảo toàn bí mật.  Chẳng ngờ anh ta ngồi ngay sau lưng, vừa chiêm ngưỡng đầu tóc kẹp của mi muốn mòn con mắt, vừa tinh quái nghe ngóng rồi lại như thể đã thu băng và chép ra vậy! 
Từ nay thôi bỏ quách, vĩnh biệt cái thói học đòi yêu đi nhé!  Ngày đêm chúi mũi vào sách vở giùm cho tôi nhờ “bà” Mai đỏng đảnh điệu đàng đủng đỉnh đong đưa ạ!  Chỉ cần một lần “diện kiến” mẫu hậu chàng Huy mi tởn rồi chứ?  Gặp bà mi đã thấy bẽ mặt chưa?  Thôi thôi, chừa cái tật làm khổ con người ta sắp chết đuối trên cạn.  Ơn kia bây giờ bù vào lỗi nọ là huề.  Không nên, xin can nhé cô, đừng rắc rối nữa.  Trái tim khờ khạo vừa phát vài tín hiệu báo động giả đã vội ngỡ là mình yêu.  Yêu con khỉ gió!  Ðọc chuyện tình, coi phim tình cho lắm vào rồi khéo tưởng tượng hão!
Ui, cứ ngỡ chuyện trẻ con, ai dè bận lòng người lớn đến thế.  Người lớn bận lòng rồi người lớn ức lòng nghĩ xấu nghĩ ác về mi quá thế!  Thử mường tượng nếu bà già mất bình tĩnh chút xíu nữa, thay vì gặp mi dọc đường lại xồng xộc bước ào vào nhà này, tay hô miệng hoán con nhỏ này bỏ bùa bỏ ngải rũ quyến định ám hại cậu quý tử nhà tôi, hẳn mi chỉ còn nước thăng thiên hay độn thổ.  Mỗi lần ra đường, đi học phải úp cái mo cau vào mặt họa may thiên hạ thương hại mà tha cho nửa lời dè bỉu, nửa tiếng gièm pha.  Mẹ sẽ sầu khổ, thất vọng về con bé của mẹ biết bao nhiêu?  Và, nếu không ngủm vì xấu hổ, có khi mi sẽ ngoẻo vì cơn giận đùng của anh Ðạt.  Anh Ðạt sẽ không thèm bợp tai hay đá đít mà lôi cổ mi ra bến sông trấn nước cho chết luôn để rửa tiếng xâu cho cả nhà?  Ui, thôi đừng mường tượng nữa, sợ quá, run in thằn lằn đứt đuôi quá!
Xỉ vả, dọa dẫm, “lên lớp” mình một thôi một hồi nỡ quên mất tiêu luôn gã mật thám, kẻ đã gây ra những cơn khóc cơn cười không rõ có duyên hay vô duyên, và nỗi băn khoăn lúc này.  Nhưng rồi liếc mắt bắt gặp cái thư vẫn nằm chình ình trên bàn.  Sớm Mai vuốt mượt cái lườm vào khoảng không, rồi tiếp tục chơi trò tự vấn đáp với anh chàng:
- Này kẻ giấu mặt, giấu tên – vì chắc hẳn bộ mặt lẫn cái tên của anh đều xấu nên không dám chường ra chứ gì? – Ai xui anh nhặt được cái thư dở dang của tôi để bây giờ cứ ra vẻ đàng hoàng trao đổi với tôi một chiều dài dài kiểu này?
Ai cho phép anh tự nhận mình là phụ huynh của tôi cách trịch thượng như thế?  Tài năng và đức độ của anh dày tới mấy ly mét mà hợm hĩnh vậy hở?
Anh thương thầm nhớ trộm tôi à?  Kệ xác anh thôi!  Cho kẹo tôi cũng chả dám nhận nỗi nhớ thương bá vơ bá vất ấy đâu.  Lỡ một ngày đẹp hay xấu trời nào đó mẹ anh biết được lại bươn bả đi tìm, vu oan giá họa tôi đã bỏ bùa chuốc ngải cho anh thì hẳn không vui chút nào.  Ðạp vỏ dưa một lần rồi may tôi chưa ngã, tôi đâu khờ đến độ không thấy vỏ dừa đang âm thầm lót trên đường tôi đi!  Ai “tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa” chứ Sớm  Mai này còn lâu nhé anh!  Tim lỡ báo động giả một lần rồi, nay tôi sẽ xiềng nó lại, còn khuya nó mới đong đưa.  Ðừng hy vọng mà thất vọng não nề nhé anh!
Nên chấm dứt cái trò gửi thư nặc danh đi thì vừa anh bạn - Ủa, bạn hồi nào? - ạ!  À, mà nếu anh cảm thấy thích viết, xin cứ tiếp tục.  Thư anh ít ra cũng mua vui cho tôi chừng nửa trống canh.  Ðừng vội mừng hụt.  Xin thề có lũ lá đang rụng ngoài vườn làm chứng, những lời của anh tôi đọc cứ như nước đổ đầu vịt thôi, chẳng còn đọng lại tí gì.  Lâu lâu học bài làm bài đến mụ mẫm cả trí, tôi len lén giở thư anh ra đọc một tí cho thư giãn rồi xếp xó, rồi phủi những lời ma quỷ của anh in phủi bụi và trí tôi lại sáng, lòng tôi lại trong.
Chợt dừng bước rồi cau mày ra chiều ngẫm ngợi, Sớm Mai mủm mỉm cười:
Có thật anh chàng đã dám uống thuốc liều cả gan đến gặp cô Hài không nhỉ?  Dám lắm.  “Thảo nào cả tuần nay hễ gặp mình ở đâu cô cứ cười chúm chím, mắt long lanh ngụ ý cảm thông.  Hẳn cô nghĩ mình đã bị “ông anh nghiêm cẩn, luôn đặt sự quan tâm về việc học hành và đức hạnh của cô em lên hàng đầu kia”  đã bợp tai hay giũa cho mình một trận tả tơi vì vụ “trả bài” ẩu ấy.  Câu trả lời bây giờ mỗi lúc thốt nhớ còn lạnh toát cả người!  Có nên gặp cô Hài đính chính anh ta đã thậm xựng một cách phạm thượng, và anh ta chỉ là anh dỏm không nhỉ?  Tiện thể hỏi xem “ông” ấy mặt tròn vuông, hình thoi hay tam giác, trắng đen ra sao để ra đường mình còn cảnh giác tránh cho xa không thôi lại bị “đặt máy” nghe lén?  Ui, cho cả ký kẹo cũng không dám gặp cô ấy, lại thêm rối chuyện.
Sớm Mai khẽ lắc đầu, lè lưỡi, dừng lại trước tấm gương lớn trên cánh cửa tủ nguýt xéo chiếc bóng trong gương.  Cô Mai trong gương với chiếc veston trứ danh rộng rinh, dài thậm thượt không giống ai chằm chằm ngắm cô Mai ngoài gương, môi dính nửa nét cười kiêu mạn.  Lâu nay mi đánh giá mi quá thấp đó bé Mai.  Xấu như ma lem vậy mà cũng có người thầm thương trộm nhớ í!  Oai không?  Tức cười thật!
Trời ạ, đất ơi!  Hóa ra lúc yêu người ta đâm liều thế sao?  Thế anh ta có vô duyên, đạo đức giả và ích kỷ như anh ta vỗ ngực tự xưng không?  Khó quá, phải gặp bà bốc sư Kiều Nhã họa may gỡ được mối này.  Ơ hay, cả con người mi là một khối đại mâu thuẫn sao?  Mi vừa tự hứa không gỡ rối tơ lòng nữa.  Không học đòi yêu vớ vẩn nữa cơ mà.  Ờ há!  Cứ thế,  Sớm Mai tiếp tục băn khoăn lui tới và, độc thoại mệt nghỉ.

*

Chiều muộn.  Sau bữa tiệc thịnh soạn bày ở phòng ăn, khách khứa lần lượt ra về.  Riêng cánh trẻ, bà Phấn vui vẻ giữ họ lại với lời mời vừa lịch sự vừa ân cần:
Các cháu sang phòng khách tiếp tục vui chơi cho thoải mái.  Các cháu ra về thằng Huy của bác sẽ buồn lắm đấy!
Bánh ngọt, Coca Cola và thêm gần chục chiếc ghế được chuyển sang phòng khách.
Ðám trẻ khoảng mười lăm mười sáu cô cậu thuộc các gia đình có máu mặt trong thành phố.  Chẳng con ông cháu cha thì cũng vào loại khá giả.  Dãy xe Cub đời mới dựng san sát trước hiên, những bộ cánh mode và trang sức đắt tiền của họ góp phần nói lên điều đó.
Lời mời không chỉ thốt một lần mà được lặp lại năm bảy lượt.  Có cô ra vẻ miễn cưỡng.  Có cậu ra vẻ lừng khừng.  Nhưng rồi sau cùng cả bọn kéo nhau vào ngồi quây quần quanh bộ salon.  Ða số thắc thỏm không biết cuộc vui sẽ nối dài theo kiểu nào, vì đến tận lúc này cậu chủ nhà vẫn câm như hến.
Huy điềm đạm khóa trái cửa ra vào, đủng đỉnh nạp băng vào đầu video.  Trên màng ảnh, một ban nhạc rock biểu diễn trên sân khấu ngoài trời khá sôi nổi, lôi cuốn.  Huy điều chỉnh âm thanh vừa nghe.  Rót Coca ra ly, cầm từng chiếch bánh đưa mời tận tay từng người đoạn đến ngồi chen vào giữa Mộng Thy và Linh Ðông tưng tửng nói:
Các cô các cậu có biết mục đích bữa nay bà già tớ đãi tiệc là gì không?
Một cậu nhanh nhảu:
- Sinh nhật của Huy hay sinh nhật tập thể nhà phải không?
Huy mủm mỉm cười:
Không phải đâu!
Một cô nháy mắt:
Mục đích nào chả được.  Có ai chê không được ă ngon đâu mà anh khéo lo thế?
Vài tiếng cười lẻ tẻ sủi tăm trong bầu không khí ấm cúng bập bền tiếng nhạc.  Cơn mưa ngoài trời rây hạt nhẹ như thể để làm đẹp thêm cảnh trí chứ không phải để nhắc nhở mọi người về cái lạnh của mùa đông.
Linh Ðông cau đôi mày liễu dại, cáu kỉnh che miệng ngáp:
Chủ nhà tuyên bố phứt đi.  Ai chẳng biết chứ tui thì bị ông già lôi đi, đang rảnh rang, bèn tới.
Huy quay sang Mộng Thy:
Nếu không lầm thì Mộng Thy cũng vậy hở?
Cô gái găm in tia nhìn “quý phái” xuống đôi bàn tay ngà bắt chéo hờ hững trên nền jupe xếp màu hoàng yến đỏ mặt e thẹn:
Bà già bảo tới làm quen với anh.  Bà quản cáo là anh ngộ lắm!
Một giọng trai đâm hơi:
- Nói xem bây giờ chàng và nàng quen nhau chưa nào?
Cả bọn rộ lên cười.  Mộng Thy ấp úng:
Hình như chưa thì phải!
Chiều lịm tắt.  Ðêm buông dần từng mảng tối bên ngoài rồi ùa ngập vào cửa sổ.  Huy đứng lên mở đèn, chậm rãi cởi áo vét, tháo cà vạt - những thứ bà mẹ cứ nằng nặc cậu con phải diện vào cho thêm phần sang trọng và trang trọng - Trở lại chỗ ngồi, Huy bật tiếng cười ngắn:
Thế “quý vị” thấy thằng này ra sao nào?  Trả lời thành thực chừng nào tôi xin cảm ơn chừng nấy.
Mẹ kiếp!  Hắn hóa khùng hóa dại rồi sao? Hắn định bày trò gì mà kỳ cục thế này?  Vài khách nam bực bội rủa thầm, chợt hối đã lạc lòng nghe theo lời mời nán lại, bây giờ chẳng lẽ bỏ về?
Vài khách nữ bắt đầu nghe con ma tò mò trong mình lặng lẽ vươn vai thức dậy.  Chờ xem!  Gã con cầu tự muốn hát tuồng gì đây?  Bao giờ nom chàng cũng điệu đàng y như diễn viên sân khấu, lúc này y chang hơn!
Mặc thiên hạ tha hồ băn khoăn.  Huy đĩnh đạc lặp lại câu hỏi lần thứ hai.  Anh chàng đội mũ bê rê xanh học cùng lớp Huy tung chiếc mũ lên cao rồi đưa tay chụp lấy, nói giọng bông phèn:
Sao hỏi ấm ớ thế?  Chỉ cần soi gương mi cũng thấy mi thế nào.  Mi chắc chắn không phải là tao, lại càng không giống cô nàng đang ngồi cạnh mi!
Như vỡ chợ.  Tiếng nói chen trong tiếng cười.  Cả loạt phát biểu sau đó  lộn xộn vang lên đùa cợt có, bực bội có, mỉa mai có, và cả thành thực cũng có:
Huy nết na như con gái con nhà chùa!
Huy ấy à?  Rất giống bọn Pê Ðê!
Tầm bậy!  Huy lịch sự thua Tây chút xíu!
Huy là công tử nhà mùa!
Trông thi sĩ ra phết ấy chứ!
Ê, mi giống thằng thất tình kinh niên bỏ mẹ...
Vân vân và vân vân.  Thấy Linh Ðông vẫn bĩu môi làm thinh, cặp môi trông ngon muốn cắn, Huy vuốt mượt tia nửa âu yếm nửa e dè nhìn nàng:
Còn Linh Ðông thấy tôi thế nào?
Cô gái đưa tay phẩy nhẹ cặp đùi bó căng trong ống quần jean dù quân không hề lấm bụi, chun mũi cười nhạt:
Anh í à?  Trông chán ngấy hệt con búp bê chạy bằng pin hay cử động nhờ lên dây cót ấy!
Giọng điệu đàng kéo dài của nàng làm bật dăm tiếng cười phụ hoạ, nhưng đa số thì đang như cố nén hồi hộp chờ xem phản ứng của Huy.  Anh chàng chẳng đỏ mặt, chẳng run tay hay phì phò thở vội.  Vẻ điềm tĩnh đáng nể ấy không làm Linh Ðông ngạc nhiên bằng câu nói của Huy:
Rất, rất cảm ơn Linh Ðông!  Cô đã không khách sáo tí nào!
Hệt con búp bê chạy pin!  Hắn tự nhận ra mình từ lúc nào thết?  Vẻ mặt chẳng có gì là đùa của Huy làm cả bọn chợt khựng hẫng.  Linh Ðông xụ mặt thất vọng bởi thấy “lời phán xét” cố tình cường điệu để châm chọc của mình đã được anh chàng cảm ơn một cách chân thật khó tin.  Không khí ắng lặng.  Tiếng nhạc vẫn dội vang cơ hồ nhỏ hẳn lại.  Ðằng hắng tiếng lớn, Huy mỉm cười trầm giọng:
Ðúng là lâu nay tôi chỉ là một con búp bê trong mắt của mẹ tôi, hai dì tôi, và cả trong mắt thiên hạ.  Hẳn “quý vị” không ai ngờ bữa tiệc hôm nay mẹ tôi bày ra với mục đích muốn kén vợ cho tôi!  Buồn cười chứ nhỉ?  Các bà nghĩ đã đến lúc chọn cho con búp bê yêu quý, nâng như trứng, hứng như hoa của các bà một cô bạn tâm tình.  Khôi hài quá phải không?
Huy phá lên cười, gập đôi người lại mà cười.  Trận cười tiếp tục châm ngòi từ anh chàng bêrê xanh ran rộ khắp phòng.
Các cô vừa cười vừa cảm thấy nhột nhạt khi nhớ lại những ánh mắt soi mói, xét nét của bà già và hai cô dì Huy, cùng sự thinh lặng lầm lì của anh chàng suốt bữa tiệc lắm món sơn hào hải vị vừa rồi.  Câu tuyên bố bất ngờ và huỵch toẹt của Huy làm các cậu thấy hóa ra hắn cũng chưa đến nỗi đáng chán lắm.  Diễn biến của câu chuyện quả là thú vị ngoài dự tưởng của nhiều người.
Có điều, cả bọn cùng thầm kinh ngạc về Huy.  Gã con trai vốn điềm đạm, ỉu xìu hệt cái bánh phồng tôm nhúng nước, bữa nay có vẻ vừa được chiên phồng lên  bằng thứ dầu hay mỡ lạ lùng nào đó!
Bữa nay hắn hoá rồ hay muốn nổi loạn hay sao mà hết nói toạc ý định bí mật của bà già để chọc cười thiên hạ, lại tự bêu rếu mình chẳng chút tiếc thương?  Quả khó thể tưởng tượng trước nổi!
Lại anh chàng bêrê xanh lần nữa hâm nóng không khí bằng cách hích nhẹ cùi chỏ vào mạn sườn cô bạn ngồi cạnh mình, nói giọng dẻo quẹo in kẹo kéo:
Lam Nhi nghĩ sao?  Có chấm thằng bạn gà chết của anh làm chồng khôôông?
Lập tức lắm tiếng cười và nhiều giọng khác hùa theo:
- Ê, vừa rồi đố tụi bây biết cô nàng nào lọt vào mắt nâu của lão mẫu và nhị vị cô nương quán Hai Cô?
Mộng Thy chăng?
Hải Hà ư?
Linh Ðông hở?
Hay Lam Nhi, Bảo Ngọc, Hòa Cầm...?
Trời ơi, cả một rừng huê khuê các đua sắc thắm mà chỉ có mỗi mình thằng Huy là bướm giang hồ, phí quá, phí quá!
Cứ thế, làn sóng đùa chọc dồn đẩy các cô vào đủ trạng thái thẹn thùng, e lệ, tẽn tò, ngắc ngứ... Và, các cậu tha hồ nghiêng ngã mà cười.  Nhe hết răng ra mà cười.
Làn sóng thịnh hỉ vụt tan tạnh khi Linh Ðông đột ngột đứng lên trừng đôi mắt đẹp nổi tiếng là mắt hoa khôi vùng Gia Hội nạt khẽ:
Thôi đủ rồi, chấm dứt rò rởm của các người đi.  Ðúng là hôm nay tôi bị mắc lừa.  Từ chối không ghi danh dự cuột thi “Nữ sinh duyên dáng” bây giờ lại vác xác đến đây để cho một bà già trầu chọn với lựa, quả là quê quá, bị xúc phạm quá.  Nào, xin ông búp bê mở cửa cho tôi ra về.
Lác đác vài cô mặt sưng mày sỉa ra vẻ đồng tình với Linh Ðông đứng lên theo.  Mộng Thy nãy giờ im tiếng, bỗng mỉm miệng cười, nụ cười nổi tiếng là á hậu của khu phố Trần Hưng Ðạo, thỏ thẻ:
Sao vội thế Linh Ðông?  Biết đâu sẽ còn nhiều màn hay ho hơn!  Bữa nay trông anh chàng Huy ngộ đấy chứ, y như là bà già tao từng bảo.
Huy tiu nghỉu nhìn cô nàng đòi ra về, mắt rực ánh van cầu:
Ðừng nóng.  Tôi van Linh Ðông ngồi nán lại chút nữa!
Ðợi mấy cô nàng vừa làm mình làm mẩy yên vị xong.  Huy liệng chiếc mũ bêrê đen ra cửa sổ, gỡ cái kính trắng không độ ném mạnh vào tường vỡ vụn, đoạn thủng thẳng nói:
Kể từ hôm nay tôi không muốn làm búp bê nữa.  Tôi sẽ là người rất mực chịu chơi.
Anh chàng bêrê xanh nhảy nhổm, vỗ tay:
- Hoan hô!  Nào, chứng tỏ đi Huy...  gà mái!
Nhiều tiếng hoan hô và vỗ tay từ cánh nam rần rộ hùa theo.  Huy búng tay đánh tróc, cao giọng hệt đang diễn thuyết:
Nhạc sẽ mở to hết cỡ và các bạn tha hồ nhảy. Ném mẹ hết mấy cái lon Coca dành cho trẻ nít ấy đi.  Chúng ta sẽ uống bia Tiger.  Chưa hết.  Lát nữa các bạn sẽ được coi phim sex.  Ðược chứ?
Nghe phim sex, một vài cô vội đưa tay bưng mặt, nhảy loi choi như phải bỏng, kêu khe khẽ những tiếng nghe rất vui và lạ tai.  Khuỳnh hai tay chống nạnh hai bên hông.  Huy long mắt quét ánh khinh miệt khắp lượt những gương mặt trai và gái:
- Ai không chịu chơi cũng ráng ở lại thôi.  Này Thắng, giữ khóa cửa giùm tao.
Chùm chìa khóa móc đánh xoạch từ túi cậu chủ nhà ném về phía gã trai tên Thắng. Gã này chụp lấy, cười hềnh hệch:
- Ai muốn ra về phải bước qua xác thằng này nhé!
Thằng Huy hôm nay khác hẳn Huy thường ngày. Hắn chịu chơi rồi đó!  Luồng phấn khích lan nhanh trong bọn trai.  Màn “thoát xác” của Huy dù chỉ mới là lý thuyết cũng làm các cô ngẩn người kinh ngạc, túm tụm vào một góc nhỏ to bàn tán.  Ba mươi giây sau, hình như là được bầu làm phát ngôn viên của phái đẹp.  Linh Ðông đỏng đảnh nói:
- Bọn này đồng ý mục nhảy đầm và có thể nhâm nhi bia tí chút.  Còn phim sex thì không!
Một cậu hoan hỉ góp ý:
Ðến mục đó ai không thích cứ việc bưng hoặc nhắm mắt lại, hay chui xuống gầm ghế, dễ mà!
Một cậu khác:
Ðó mới là mục chính yếu.  Không thích thật hay chỉ làm bộ hở cô em?
Một cậu khác nữa:
- Ðưa tay bưng mặt nhớ xòe mấy cái ngón thưa thưa một chút xíu.  Còn nhắm mắt chỉ nên nhắm mắt lim dim thôi nhé các tiểu thư con nhà lành!
Phe nam cười rần.  Phe nữ lại tụm vào nhau thì thầm hội ý.  Lần này thì Bảo Ngọc mỉm nụ cười duyên nhất vùng Nam Giao, nghiêm giọng:
Ðược rồi, bắt đầu đi.  Ðến mục phim sex nếu anh Huy không để bọn này về, Linh Ðông sẽ đập bể cái màn ảnh tivi là xong chuyện.  Ðừng quên Linh Ðông đệ nhị đẳng karate đó nhé!
Huy lại búng tay đánh tróc, hất cằm cố tạo vẻ ngang tàng nhưng chưa đúng điệu lắm:
- À, để xem!  Nào, bắt đầu đi các bạn!
Tiếng nhạc khi không bỗng rổn rảng rộ lên tựa sấm rền trong phòng khách làm hai cô gái ngoài quán cà phê thoáng ngẩn ngơ rồi giật nẩy mình.  Mộng Vân và Diễm Hạnh rảo chân đi vào vừa vặn gặp bà Phấn ngỡ ngàng bước ra.  Cả ba đến bên cửa sổ thinh lặng dòm vào.
Cảnh tượng đêm nay thật lạ lùng trước mắt họ.  Dưới ánh đèn từng đôi dìu nhau bước đi khi lặng lờ khi quay cuồng, tới lụi rậm rịch.  Những chiếc bóng quấn lấy nhau nom vừa ngoạn mục vừa muốn hoa cả mắt.
Căn phòng vốn u trầm hàng ngày như vụt sang trọng, sáng sủa hẳn lên bởi tiếng nhạc, bởi những gương mặt trẻ tươi và màu sắc quần áo rỡ ràng nhảy múa, chao đảo.  Lạ nhất là bé Huy. Ngực ưỡn ra uy nghi tựa một vị tướng.  Ðôi mắt lúc nhìn chằm chằm vào mặt cô bạn nhảy, lúc mơ mộng ngước ngẫng mông lung lên trần nhà, rồi chợt hững hờ hoặc si ngây dõi theo những gương mặt nữ khác.
Bé Huy đêm nay như không còn là bé Huy của họ nữa.  Bà mẹ không tin vào mắt mình lắm.  Ngây ngất ngắm nhìn thằng con, thỉnh thoảng bà Phấn khẽ nhắm mắt lại rồi vùng mở ra, Huy vẫn còn đó mà sao nom lạ quá, lạ quá!
Hạnh tưởng chừng đôi chân mình bỗng máy giựt một cách tự phát.  Nàng thầm tiếc sao không đi học nhảy, để lúc này có thể vào chung vui cùng bọn trẻ, có lẽ sẽ trẻ hẳn người ra cỡ mươi tuổi...!
Vân không mấy để ý đến các cậu trai.  Nànn lom lom dõi theo mấy đứa gái.  Thấy đôi chân nào nhảy hơi bạo, vòng tay nào khép hơi chặt, nàng nghe như cả tay lẫn chân mình muống uốn éo theo.
Không thể im nín được.  Họ bắt đầu trao đổi với nhau theo lối thì thào.  Hạnh chắc lưỡi:
- Hai bà thấy chưa?  Bé Huy nhảy đôi với Linh Ðông môn đăng hộ đối hết ý.  Thử tưởng tượng không phải cô bé đáng yêu này mà là cái con Sớm Mai nhà vườn kia thì sẽ chướng biết mấy!
Bà Phấn lắc đầu vờ ái ngại:
Nhỏ Linh Ðông ngó tướng tá không phải hiền đâu.  Lạy trời bé Huy đừng mê con nhỏ đó.  Hắn sẽ ăn hiếp thằng nhỏ mất.  Suỵt!  Lỡ có mê cũng chả sao.  Ðược làm rể ông Thanh Ðạm thì còn gì bằng!
Hạnh lảng chuyện:
- Không biết bé Huy học nhảy hồi nào mà tuyệt thế nhỉ?  Ðúng là lù khù vác lu chạy hồi nào chả hay.
Bà Phấn hoan hỉ đế theo:
Ờ, hay thật.  Hóa ra thằng bé nhà mình có lắm cái hay mà mình không biết!
Ngẫm nghĩ một câu thật chua để “tốp” bớt cơn hưng phấn của bà chị và cô em, nhưng mãi không nghĩ ra.  Vân thở dài, buông cái câu chưa được ưng ý lắm:
Này, coi chừng không chỉ con Linh Ðông mà bé Huy đêm nay bị cả bọn con gái bỏ bùa mê tập thể hay sao ấy!  Trông kìa, vừa nhảy hắn vừa đảo mắt lia lịa hết ngơ ngẩn nhìn đứa này lại quay sang si dại ngắm đứa kia, miệng thì cười cứ y như hóa dại!
Hạnh cố nuốt giận, nguýt dài:
Nói thế mà cũng nói.  Chị đã thấy ngoài cái dáng nho nhã, nghệ sĩ, bây giờ nom bé Huy đẹp y tài tử cine không?  Trời ơi, xem bọn nó nhảy còn đẹp hơn trong phim í!  Bé Huy nghĩ ra màn nhảy đầm này để ra mắt bạn bè quả là hết chê.
Ðoạn khẽ hất cằm về phía bà Phấn, Hạnh hỉnh mũi ra chiều đắc ý:
- Chị thấy cách giải bùa yêu cuả em hay chứ?  Chỉ cần một bữa tiệc nhỏ, giờ có khảo tra thế nào thằng bé nhà mình cũng không thể nhớ nổi con Sớm Mai là ai!  Chị thấy bé Huy đang bị Linh Ðông hớp hồn ra sao!
Câu chuyện thì thào ngoài cửa sổ sẽ còn kéo dài nếu Huy không có một cử chỉ khá lạ lùng, làm mích lòng những người thân không ít.  Thoáng thấy ba bóng người chụm đầu nhau xì xào ngoài cửa sổ, Huy buông vội cô bạn nhảy ra, đến chống tay lên bậu cửa nói lạnh lùng:
Mời mẹ và hai dì vào nhảy vài bản cho đỡ ngứa chân!
Lạ quá!  Thằng nhỏ nói bằng miệng của ai mà ngang như cua và khiếm nhã thế nhỉ?  Ðâu rồi ngữ điệu âu yếm, lễ phép thường ngày? Hắn cho ai mượn hết rồi chăng?  Hạnh nháy mắt dí dỏm:
Thôi, các cháu tiếp tục vui đi.  Sáu cái cẳng già này mà vào khua sẽ nháo nhào cả lên.
Ba người cùng cười. Nụ cười chưa tắt hẳn, cả ba cùng ngẩn ngơ khi thấy bé Huy thân yêu vụt vói tay kéo mạnh hai cánh cửa sổ đóng sầm trước mũi họ.
Khuya lắc khuya lơ, tiếng nhạc mãi còn bập bùng trong giấc ngủ chập chờn của bà mẹ và hai cô chủ quán cà phê.
Chẳng biết đám trẻ giải tán từ lúc nào.  Chín giờ sáng hôm sau chưa thấy cậu con trai yêu thức dậy, bà Phấn ráng đợi vì nghĩ đêm qua thức muộn, chắc Huy dậy trễ.
Người ngờ ngợ e cậu qúy tử phải lòng cô Mộng Thy hay cô Lam Nhi gì gì đó.  Mọi người quyết đoán theo ý thích của mình, và tha hồ tưởng tượng vẽ vời cô dâu trong cái đám cưới chắc chắn đã gần kề.
Mười giờ, không thể nén nổi sự sốt ruột hơn được nữa, cả ba quyết định cùng vào đánh thức Huy dậy.
Cửa phòng chỉ khép, không khóa.  Không có Huy trong phòng.  Những bức tranh treo quanh bốn bứa tường mớ bị rạch nát bằng dao, mớ gãy rời, nhăn nhúm hẳn là bị chà đạp vất vãi lung tung khắp mặt sàn cạnh những lon bia Tiger đã cạn và những mẩu tàn thuốc lá im hơi.  Chưa hết kinh ngạc, Vân bỗng nhảy chồm tới gỡ miếng giấy bìa cứng đính trên giá vẽ bằng đinh ghim.  Cả ba cùng như chết sững trước những dòng chữ:
Xin mẹ và hai dì thân yêu thứ lỗi.  Ðã tới lúc bé Huy của các người cần tạm biệt cái chuồng búp bê êm ấm một thời gian trước khi hắn hóa điên.
Có mở két sắt, con xin mẹ đừng quá buồn phiền nếu thấy thiếu mất chút ít vàng bạc.
Ngàn lần tạ ơn và tạ lỗi.
Thái Hoàng Huy
Tờ giấy mỏng manh, vài dòng chữ nguệch ngoạc không dưng thổi thành tràn một đợt băng giá trùm phủ cõi lòng người đàn bà và hai cô gái một đã, một sắp quá thì.
Thiếu Huy.  Căn nhà trở nên lạnh lẽo in mồ.
Tạm biệt cái chuồng búp bê êm ấm một thời gian!  Ðó là câu người mẹ đọc lui tới không biết bao nhiêu lần với hy vọng thằng nhỏ ngày nào đó sẽ quay về.  Hắn chỉ tạm biệt chứ đâu có vĩnh biệt!
Phân tích, nhìn ngắm những dòng chữ Huy để lại đủ mọi góc cạnh.  Sau cùng cả ba đi đến kết luận, cuộc nhảy đầm đêm qua chẳng hay ho chút nào, thậm chí rất tai hại.  Nhảy nhót rồi bia rượu vào làm thằng nhỏ hóa cuồng.  Không cuồng sao gọi căn nhà khang trang, bề thế này là cái chuồng?  Ở đây còn ai chơi búp bê nữa đâu mà gọi là chuồng búp bê?  Rõ khổ!  Hắn là con thánh thần, có khi các ngài muốn hắn phải ra đi một thời gian như thế cũng đành phải chịu thôi...
Hoà giọng khóc đến no đến chán, bàn luận đến chán đến no, rồi mỗi người buồn theo cách riêng của mình ở một góc lặng lẽ.
Mãi đến tối họ mới bước vào phòng khách, lần nữa lại ngây người kinh ngạc khi thấy màn ảnh cái tivi màu đã bị đập tan.