Chương VIII
SỬA CHỮA CHIẾC THUYỀN BUỒM

    
ửa chữa những chỗ hư của thuyền có thể vượt Thái Bình dương với bụng chất toàn bộ của cải trong hang đá, ra khơi sớm chừng nào hay chừng ấy, đấy là những gì mà Kongre và đồng bọn phải bận rộn đến tối mắt tối mũi.
Nói cho đúng thì việc sửa chữa vỏ chiếc Maule là một công việc khá nặng nhọc. Nhưng tay thợ mộc Vargas là một người biết nghề, hắn lại không thiếu dụng cụ và vật liệu nên công việc được tiến hành trong những điều kiện tốt nhất.
Trước tiên, cần phải bỏ hết các vật dằn ra, rồi kÉo thuyền lên bờ đá, cho nó nằm nghiêng về bên trái. Công việc sửa tàu sẽ TIến hành ở bên ngoài, bởi vì cần phải thay một số thanh gỗ bao. Rất có thể công việc này đòi hỏi một số thời gian nhất định; nhưng Konge tỏ ra không lo ngại gì về vấn đề thời gian, trước mắt mùa đẹp trời còn kéo dài ít nhất là hai tháng nữa.
Còn về chuyện đối phó với tổ gác mới sẽ thay thế, hắn đã có kế hoạch.
Thực vậy, theo sổ trực ban tìm thấy trên tháp đèn thì hắn đã nắm được những điều cần biết như sau: việc thay thế tổ gác sẽ được tiến hành hằng quý, chiếc tuần dương hạm Santa-fé sẽ trở lại vịnh Elgor vào đầu tháng Ba, mà bây giờ mới là cuối tháng Chạp. Đồng thời cuốn sổ trực cũng cho biết tên ba người bảo vệ đầu tiên: đó là Moriz, Felipe và Vasquez. Hai người đã bị chúng giết, còn một người đã chạy thoát, người này đang trốn ở đâu? Kongre không mấy bận tâm như ta đã biết. Chỉ riêng chuyện không có gì để ăn là người này sẽ phải gục.
Tuy nhiên nếu thời gian dư dả cho việc sửa chữa thì vẫn phải tính đến những sự chậm trễ có thể cho nhiều lý do chính xác hơn, ngay từ ban đầu, công việc sửa chữa tàu đã bị ngưng vì lý do sau:
Khi vừa mới dỡ xong các vật dằn trên tàu xuống, Kongre dự tính để tàu lên nằm ụ trên bờ đá ngày hôm sau thì đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng Giêng, một sự thay đổi đột ngột về thời tiết đã xảy ra.
Đêm ấy, nhiều đám mây đùn lên ở chân trời phía nam. Trong khi nhiệt kế chỉ mười sáu độ thì phong vũ biểu lại báo có bão. Nhiều tia chớp rạch ngang bầu trời. Sấm sét nổi cơn thịnh nộ khắp nơi. Gió gào thét dữ dội, nước biển dâng lên ngập lút các bờ đá và sóng đập tung tóe vào các vách đá đựng đứng. May mắn là chiếc Maule lúc ấy đang neo đậu trong vịnh Elgor đã được núi che khỏi gió đông nam. Với cơn gió bão cỡ ấy thì ngay những con tàu lớn dù là thuyền buồm hay tàu hơi nước, cũng đều có nguy cơ bị đập vào các bờ đá, huống hồ là một chiếc thuyền buồm cỡ chiếc Maule.
Sự dữ dội của cơn giông tố cũng như cơn thịnh nộ của đại dương đã gây nên một cơn sóng lừng tràn vào vịnh. Vào lúc triều cường, nước dâng lên ngập các bãi đá. Đánh dữ dội vào chân các vách đá, bờ đá ngập trắng nước biển. Sóng biển tràn cả vào chỗ ở của tổ gác đèn và lớp bụi nước bay mù mịt cả khu rừng sồi.
Tất cả mọi cố gắng của Kongre và đồng bọn chỉ nhằm giữ chiếc Maule ở chỗ neo đậu. Rất nhiều lần chiếc neo tàu bị trượt đi, đe dọa làm tàu bị mắc cạn lẳn nữa. Bọn cướp phải thả xuống một chiếc neo thứ hai để tăng cường cho neo thứ nhất. Hai lần con tàu suýt rơi vào thảm họa.
Lẽ tự nhiên, để có thể ngày đêm theo dõi chăm sóc chiếc Maule, toàn băng cướp đã ở ngay trong các công trình phụ của hải đăng, nơi đó chúng không phải lo ngại gì mưa bão. Toàn thể đồ đạc, giường, đệm trên các cabin đều được mang lên tháp đèn, ở đó có đủ chỗ ăn, chỗ ngủ cho khoảng mười lăm tên.
Về lương thực, chúng chằng cần bận tâm. Các thứ có trong kho hải đăng không những đủ dùng mà còn có thể nuôi sống một số miệng ăn nhiều gấp đôi bọn cướp. Vả lại, khi cần chúng còn có các đồ dự trữ trong hang đá. Nói tóm lại về lương thực thì bảo đảm đủ dùng cho chuyến vượt biển xa trên Thái Bình dương.
Thời tiết xấu kéo dài mãi tới ngày 12 tháng Giêng và chỉ chấm dứt trong đêm 12 rạng ngày 13. Như vậy là cả một tuần lễ trôi qua mà không làm được một công việc nào cả.
Cũng may là Kongre đã cẩn thận để lại một số vật dằn trên thuyền, nếu không nó sẽ lăn tròn như chiếc xuồng. Ngoài ra, chúng cũng đã đề phòng neo chiếc tàu ở xa các bãi đá, tránh không để nó bị mắc cạn như hôm nào.
Gió đổi hướng trong đêm và chuyển sang tây – tây nam. Đúng ngay ở chỗ mũi Saint - Barthélemy mà gió trở nên mạnh nhất.
Nếu chiếc Maule mà vẫn còn ở chỗ vũng nhỏ cạnh mũi chắc chắn là đã bị chìm từ lâu.
Trong tuần lễ kế tiếp, đã có một con tàu đi ngang qua đảo. Lúc ấy là vào ban ngày. Con tàu ấy chưa biết là trên đảo đã có một ngọn hải đăng. Nó đến từ phía đông bắc và tiến vào eo biển Lemaire với vận tốc vừa phải. Một lá cờ Pháp phấp phới trên đỉnh cột buồm.
Thực ra thì tàu còn cách bờ biển đến ba hải lý nên phải dùng kính viễn vọng mới nhìn rõ quốc tịch của nó, và như vậy cho dù Vasquez có đánh tín hiệu ra thì tàu cũng không thấy được vì nếu thấy thì làm gì mà một viên thuyền trưởng người Pháp lại không cho xuồng vào cứu nạn nhân.
Trong buổi sáng ngày 13, đống sắt dùng làm vật dằn lại được dỡ ra khỏi tàu và được chất đống trên bờ cát và việc kiểm tra phần trong của vỏ tàu được thực hiện còn kỹ hơn là khi ở mũi Saint - Barthélemy. Tên thợ mộc tuyên bố là tàu bị hư hại nghiêm trọng, không phải chỉ nhẹ như mọi người đã suy đoán. Chiếc Maule đã phải dầu dãi nhiều trong cuộc vượt biển với thời tiết khá khắc nghiệt. Chính vì thế mà chỗ nứt đã mở rộng ra. Hiển nhiên tàu không thể nào rời vịnh Elgor được. Cần phải tìm chỗ để cho tàu khô ráo, sau đó thay mới hai rẽ đáy, ba rẽ sườn, và một đoạn vỏ tàu dài chừng gần hai mét.
Các vật liệu đủ loại dùng để sửa chữa đã được thu nhặt cất trong hang rất nhiều. Với sự hỗ trợ của đồng bọn, tên thợ mộc Vargas chắc chắn sẽ hoàn thành việc đúng thời hạn, vì nếu không thì chiếc Maule không thể nào mạo hiểm vượt Thái Bình dương được. Điều mà cả bọn cho là vô cùng may mắn cho đến lúc này là toàn bộ các cột buồm, cánh buồm và toàn bộ dây chảo, ròng rọc đều không bị hư hại một chút nào cả.
Việc đầu tiên phải làm là kéo tàu lên bờ cát, để tàu có thể nằm nghiêng trên sườn phải. Điều này chỉ làm được  khi có nước triều lên, vì thiếu những máy móc mạnh để kéo tàu. Như thế sẽ chậm thêm hai ngày để chờ con nước lớn đầu tuần trăng, lúc ấy nước triều sẽ đủ lớn để đưa tàu lên bờ cát nằm khô ráo ở đó cho hết tuần trăng.
Kongre và Carcante lợi dụng thời gian chờ đợi ấy để quay trở lại hang đá, và lần này bọn chúng dùng xà lúp của tổ gác đèn để đi lại vì chiếc này lớn hơn xuồng cứu hộ của thuyền buồm. Chiếc xà lúp lúc quay về hải đăng đã chở theo một phần các món đồ quí giá, vàng bạc, châu báu đã cướp được cùng nhiều thứ có giá trị khác, dần dần được chuyển về cất trong các công trình phụ của tháp đèn. Chiếc xà lúp lại ra đi vào sáng ngày 14 tháng Giêng.
Lúc này nước triều đã xuống được hai tiếng đồng hồ, xà lúp sẽ quay lại lúc triều lên vào buổi chiều.
Thời tiết hôm nay khá tốt. Những tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây đang được gió biển thổi nhẹ đưa chúng về phía nam.
Cũng như mọi ngày, trước khi rời tháp đèn, Carcante leo lên hành lang trên của cây đèn để quan sát chân trời. Ngoài khơi lúc này vắng vẻ, không có bóng dáng một con tàu nào, ngay cả những tàu đánh cá của thổ dân đôi khi thấp thoáng ở các đảo bắc cũng không. Trên đảo cũng vắng vẻ trong những nơi mà tầm mắt nhìn thấy.
Trong khi chiếc xà lúp đi theo làn nước triều đang xuống. Kongre quan sát kỹ hai bên bờ vịnh. Không biết người gác đèn thứ ba, cái tên đã thoát khỏi cuộc tàn sát, giờ này hắn ở đâu?... Mặc dầu không mấy bận tâm, nhưng nếu như được thì vẫn hơn, một khi có cơ hội.
Trên đảo cũng vắng vẻ như trên mặt biển. Thỉnh thoảng vài con chim biển cất tiếng kêu khi bay về tổ trên vách đá.
Vào lúc mười một giờ trưa, chiếc xà lúp máy áp mạn vào bờ trước cửa hang đá, dưới tác dụng của nước triều xuống và gió nhẹ. Kongre và Carcante lên bờ sau khi cắt cử hai tên ở lại coi xà lúp. Chúng tiến về phía hang đá và ra khỏi hang nửa giờ sau đó.
Mọi đồ vật trong hang có vẻ y như lúc ra đi. Thực ra, mọi thứ trong đó được vất chỏng chơ, không theo một trật tự nào, cộng thêm thứ ánh sáng lờ mờ trong hang, thật khó mà biết được nó có suy suyển gì không.
Kongre và tên cùng đi khiêng ra hai chiếc rương đã được đậy kỹ lưỡng. Hai chiếc rương này là của một tàu ba cột buồm mang cờ Anh bị đắm cách đây ít lâu, trong chứa toàn vàng bạc, châu báu. Chúng đặt hòm lên xà lúp và đang định quay về thì bỗng nhiên Kongre nảy ra ý định chạy thẳng đến mũi San Juan. Từ chỗ đó hắn có thể quan sát bờ biển theo hướng từ nam ra bắc.
Hắn cùng Carcante đi lên đỉnh vách đá rồi men xuống đầu mũi. Từ mũi đá này, tầm nhìn có thể bao quát cả một không gian từ eo biển Lemaire đến tận mũi Several.
- Không có ai cả - Carcante nói.
- Đúng... không có ai! - Kongre đáp.
Cả hai tên cùng trở về xà lúp và lợi dụng nước triều đang lên, chúng cho xuồng lướt trên sóng. Trước ba giờ, chúng đã về tới cuối vịnh Elgor.
Hai ngày sau đó, ngày 16, Kongre và đồng bọn tiến hành công việc kéo tàu Maule lên cạn vào lúc mười một giờ, là lúc mực nước triều lên cao nhất thì mọi việc đã sẵn sàng.
Một sợi dây buộc tàu được dùng vào việc kéo chiếc thuyền buồm lên bãi cát khi nước đã dâng cao đến đó. Đúng ra thì thực hiện việc này không mấy khó khăn vì nước triều đã giúp chúng làm mọi thứ. Ngay khi nước triều đã lên đủ cao, chúng kéo căng sợi dây buộc thuyền và kéo nó lên bờ cát, càng xa bên trong càng tốt.
Sau đó, chỉ còn chờ triều xuống. Vào khoảng một giờ trưa nước bắt đầu rút để lộ ra những tảng đá ở gần vách đá và đáy của chiếc Maule bắt đầu chạm vào cát. Đến ba giờ, nước rút hết còn trơ lại chiếc Maule nằm nghiêng về mạn phải.
Bây giờ thì có thể bắt tay vào sửa chữa tàu. Tuy nhiên, vì không thể đưa tàu vào sát vách đá được nên công việc sửa tàu vẫn phải gián đoạn vài tiếng đồng hồ mỗi ngày khi nước lên. Mặt khác, cũng vì từ hôm đó trở đi, nước biển xuống thấp dần cho nên thời giờ nhàn rỗi cũng giảm dần và đến mười lăm ngày sau thì công việc đã có thể tiến hành liên tục.
Tên thợ mộc bắt đầu việc sửa chữa trừ mấy tên thổ dân không biết gì nghề mộc, số còn lại, kể cả Kongre và Carcante đều xúm vào hỗ trợ hắn.
Chỗ hư hại ở vỏ thuyền được tháo ra dễ dàng, chỉ việc rút hết đinh ra và tháo các lá đồng gia cố thì các rẽ đáy và rẽ sườn cần thay thế đã lộ ra trước mắt. Chỗ ván gỗ phẳng và cong mang từ trong hang ra dư dùng. Nếu có thiếu thì chỉ việc hạ một cây sồi, trong rừng việc cưa xẻ cũng không lấy gì làm khó khăn cho lắm.
Mười lăm ngày sau đó, nhờ thời tiết tốt, bọn chúng đã hoàn tất công việc sửa chữa, khó khăn nhất là việc tháo dỡ các rẽ đáy và rẽ sườn ra khỏi vỏ tàu. Những chi tiết này được gắn bằng đinh tán bằng đồng, nối liền nhau bằng cách chốt gỗ. Nhìn chung, tàu đã được đóng rất chắc vì nó đã hạ thủy từ một xưởng đóng tàu có tiếng ở Valparaiso.
Vargas đã phải rất vất vả mới hoàn tất được khâu đầu tiên của việc sửa chữa ấy và cũng phải nói nếu không có các dụng cụ làm mộc lấy từ trong hang ra, thì hẳn phải còn lúng túng nhiều.
Tất nhiên là trong những ngày đêm, công việc cứ bị gián đoạn khi nước triều lên. Sau đó thì triều yếu dần, công việc tiến triển nhanh hơn và sau cùng khi nước không liếm tới vỏ tàu nữa thì người ta có thể chui hẳn vào trong tàu mà làm việc. Nhưng quan trọng nhất là phải sửa chữa vỏ tàu trước khi triều cường trở lại.
Nhờ thận trọng không cho động đến lớp đồng của phần gia cố ở vỏ tàu nên Kongre đã sử dụng lại được hầu hết các mấu đỡ dưới lườn tàu, và phần nối ghép chỉ cần một ít nhựa đường cùng những thứ linh tinh thì lựa ra trong đám những mảnh tàu trôi giạt đã gom được.
Công việc sửa tàu tiếp tục cho đến cuối tháng Giêng, trong những điều kiện thuận lợi nói trên. Thời tiết vẫn chiều lòng bọn cướp, ngoại trừ vài ngày mưa, đôi khi cũng có mưa to, nhưng nhìn chung thì mưa không kéo dài mấy.
Trong thời gian này, có hai lần có tàu xuất hiện ngoài khơi đảo Đa Quốc gia. Lần đầu là một chiếc tàu của Anh chạy bằng hơi nước đi từ hướng Thái Bình dương lại. Sau khi vượt qua eo biển Lemaire nó đi ra xa về hướng đông bắc có lẽ để đến một hải cảng châu Âu nào đó. Tàu qua mũi San Juan vào ban ngày, xuất hiện từ lúc sáng sớm, và khuất dạng trước lúc mặt trời lặn. Có thể viên thuyền trưởng chưa biết rằng hải đăng đã bị tắt.
Tàu thứ hai là một chiếc tàu ba buồm không rõ quốc tịch. Lúc đêm bắt đầu xuống là lúc tàu này xuất hiện ở mũi San Juan để men theo bờ biển phía đông đi về mỏm Several. Lúc này Carcante ở trong phòng trực, chỉ thấy ngọn đèn hiệu xanh bên mạn phải. Nhưng viên thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của chiếc tàu buồm này có lẽ đã lâu chưa qua vùng biển này, nên không biết gì về sự có mặt của ngọn hải đăng ở đây. Chiếc tàu ba buồm đó chạy khá gần bờ nên có thể nhận ra các tín hiệu, một ngọn đèn được thắp lên ở đầu mũi đá.
Không biết Vasquez có tìm cách gây sự chú ý của nó không? Nhưng dù sao thì vào lúc mặt trời mọc, con tàu ấy cũng đã biến mất ở phía nam.
Còn nhiều tàu buồm và tàu thủy khác cũng đã xuất hiện ở chân trời nhưng có lẽ chúng đều đi về hướng quần đảo Malouines. Những tàu ấy có lẽ còn không biết đến sự có mặt của hòn đảo Đa Quốc gia trên đại dương này nữa.
Đến ngày cuối cùng của tháng Giêng, vào lúc triều cường của tuần trăng, thời tiết bắt đầu biến đổi rõ rệt. Gió nổi lên từ phía đông và thổi thẳng vào cửa vịnh Elgor. May mắn làm sao, dẫu công việc sửa tàu chưa hoàn tất nhưng các rẽ đáy, rẽ sườn đã được thay mới sẽ làm cho vỏ tàu Maule không còn bị vô nước. Bây giờ thì không còn lo nước tràn vào trong khoang tàu được nữa.
Thật đáng ăn mừng việc này vì trong suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ giông bão giữa sóng gió mịt mù, nước biển dâng lên và con tàu đã đứng thẳng lên, vỏ tàu không còn bị chôn trong cát.
Kongre và đồng bọn rất cẩn thận để tránh cho con tàu không bị hư hại có thể làm chậm trễ ngày khởi hành. Trong cơn gió bão, chiếc thuyền buồm tiếp tục đứng vững. Nó bị sóng đánh khiến tròng trành dữ dội nhưng vẫn không hề có nguy cơ bị va vào bờ đá.
Vả lại, bắt đầu từ mùng 2 tháng Hai, nước triều bắt đầu xuống và chiếc Maule lại đứng bất động trên bãi cát. Chúng bắt đầu công việc sửa ở phần trên vỏ tàu từ bình minh cho đến tối mịt, tiếng đóng đinh vào sóng thuyền không ngớt vang lên.
Hơn nữa, việc chất hàng lên tàu không làm cho tàu phải khởi hành chậm trễ. Chiếc xà lúp đi đi lại lại về hang đá với những người không phải do Vargas chỉ định, khi thì Kongre, khi thì Carcante cùng đi với những tên này. Cứ mỗi chuyến đi về của xà lúp thì một phần những đồ vật sẽ chất vào khoang thuyền buồm được chuyển về. Những thứ ấy, được tạm chứa trong nhà kho của hải đăng. Như thế việc chất hàng sẽ được dễ dàng hơn, đều đặn hơn là nếu chiếc Maule chạy đến đậu trước cửa hang, nơi đó công việc sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Trên bờ biển này, nơi kéo dài của mũi San Juan, không có chỗ nào kín đáo hơn cái vũng nhỏ, dưới chân ngọn hải đăng này.
Chỉ còn vài ngày nữa thì công việc sửa chữa hoàn tất, chiếc Maule sẽ sẵn sàng ra khơi, lúc ấy nó ăn hàng ngày cũng không muộn.
Thực thế, vào ngày 12, công việc sửa chữa cuối cùng đã hoàn tất, vỏ tàu đã được đóng lại rất chắc chắn. Với mấy thùng sơn kiếm được trên các con tàu đắm, con tàu được sơn mới từ mũi cho đến lái. Kongre cũng muốn nhân dịp này mà đặt lại tên cho chiếc thuyền, tên mới của tàu là Carcante, nhằm tôn vinh công trạng cho tên phó đảng. Hắn cũng không hề bỏ qua việc kiểm tra lại các lá buồm, sửa sang lại đôi chút mặc dầu trên giấy tờ khi xuất phát từ cảng Valparaiso thì dàn buồm của tàu hoàn toàn mới.
Chiếc tàu mà giờ đây đã mang tên Carcante, sẽ được đưa trở về nơi neo đậu trong vịnh kể từ ngày 12 tháng Hai. Sau đó sẽ chất hàng hóa lên tàu ngay bởi vì Kongre và đồng bọn rất nóng lòng rời đảo. Tuy nhiên, bọn chúng đã rất thất vọng vì phải chờ cho tới kỳ con nước lớn vào tuần trăng sau mới có thể đưa chiếc thuyền buồm ra khơi. Kỳ triều cường đó rơi vào ngày 24 tháng Hai. Ngày đó sống tàu sẽ rời khỏi cái rãnh nó đào trong cát và chiếc thuyền buồm sẽ lướt nhẹ nhàng trên sóng nước.
Ngoại trừ những điều bất thường không tiên liệu trước được, chiếc Carcante sẽ ra khơi trong vài ngày nữa, nó sẽ ra khỏi vịnh Elgor, vượt qua eo biển Lemaire, thẳng hướng tây nam và căng buồm tiến vào Thái Bình dương.