- 8 -
Thầy Cô ….đi học !

     ọp hành và Học tập chính trị…có thể nói đấy là một căn bệnh trầm kha của chế độ mới.
Ở địa phương tôi thì Tổ dân phố gọi bà con tới nhà Tổ trưởng để nghe phổ biến các loại thông cáo, rồi đọc tin tức trên báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng cho nắm vững tình hình, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng.
Vào thời gian đầu, bà con nườm nượp tới tham dự vì ngán bị chụp vào đầu cái mũ “ tàn dư phản động”. Nơi họp thì chỉ là căn phòng ngoài của bà Tổ trưởng đã được dẹp bớt đồ đạc đi để đủ chỗ cho nhiều người. Bà con tới trước thì ngồi xổm vòng trong, vòng ngoài. Những người tới sau thì đứng lố nhố, tràn ra cả sân trước. Phụ tá bà Tổ trưởng là một cô thanh nữ. Cô này mặt mũi nghiêm trọng, trên cánh tay đeo một cái băng đỏ lòe chứng tỏ là một thành phần đang phấn đấu để được vào đối tượng Đoàn, tức Đoàn Thanh Niên CS Hồ Chí Minh.
Cần nói thêm là dù mới chỉ là giai đoạn mong được trở thành đối tượng thôi, nhưng công cuộc phấn đấu của cô hẳn cũng nhiều gian nan, thử thách, có khi cả năm mới được công nhận trở thành “đối tượng Đoàn”. Rồi cũng phải chừng ấy thời gian hay lâu hơn nữa thì cô mới chính thức được kết nạp làm Đoàn viên. Khi đó, trên ngực áo, cô sẽ được đeo cái huy hiệu của Đoàn có vẽ một cánh tay áo đang xắn lên, bàn tay thì gân guốc nắm chắc một cái cán có gắn cờ đỏ sao vàng. Theo lời giải thích thì huy hiệu này biểu thị sức mạnh và ý chí của thanh niên. Nó cũng mang tính “xung kích của tuổi trẻ” trong công cuộc “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Về mặt tổ chức thì Đoàn Thanh Niên được coi là cánh tay mặt của Đảng, luôn luôn sẵn sàng để “ Đâu cần: Thanh Niên có - Đâu khó: có Thanh Niên”.
Tại Tổ dân phố, khi màn phổ biến thông cáo xong thì đến vụ đọc báo Nhân Dân hay Sài Gòn Giải Phóng. Gớm, cái giọng vừa ngấp ngứ lại vừa dữ dằn cố làm ra vẻ hùng dũng, quyết tâm của cô gái khiến cho bà con ta cứ ngáp dài. Ngáp chán thì xoay ra chuyện trò rỉ rả, trước nhỏ sau to, riết rồi buổi họp ồn ào như đang họp chợ. Giọng đọc của cô cứ dần dần bị chìm lấp đi bởi những tiếng ho, tiếng hắt hơi, tiếng cười, tiếng tranh cãi..v..v…cho dù bà Tổ trưởng đã hết hơi kêu gào can thiệp.
Họp hành như thế nên cứ hễ bị nhắc “Đi họp” là ai cũng thở dài như lại vừa bị mắc thêm một tai vạ. Tuy nhiên không ai dám viện cớ này cớ kia để trốn tránh cả vì cứ sợ thái độ của mình sẽ khiến mình bị liệt vào thành phần ngoan cố, nguy hiểm. Trừ trường hợp một ông già ở ngay sát bên cạnh nhà tôi mà bây giờ ngồi nhớ lại tưởng cũng nên kể ra ở đây.
Cả gia đình ông này di tản hết nên nhà chỉ có mỗi mình ông. Ỷ vào tuổi tác già cả, chắc lại còn tiền bạc không phải phụ thuộc vào nhu yếu phẩm bán theo sổ phân phối của mỗi nhà, nên ông cương quyết không bao giờ chịu đi họp. Bà Tổ trưởng dân phố bực mình lắm về thái độ bất hợp tác này. Trước thì bà còn nhắn hàng xóm tới mời ông già đi họp, sau bà đích thân tới gặp, định để giáo dục cho “cái lão già mất nết“ một bài học. Nhưng lão trốn tuốt lên lầu hai, có đấm cửa, rung hàng rào, hò hét qua lỗ khóa, lão ta vẫn êm rơ không thèm mở cửa. Cuộc chiến đấu giữa hai bên giằng dai mãi cho tới một hôm bà Tổ trưởng dân phố bỗng phát huy một sáng kiến rất diệu kỳ. Đó là thay vì đập cửa gào to “ Ông Ba ơi, xuống đi họp!” thì bây giờ bà cất tiếng: “ Ông Ba ơi, xuống nhận thư ngoại quốc!”.
Ôi dào, thật không còn có gì linh nghiệm hơn. Cái lão cứng đầu, bao lâu nay trốn biệt không thò mặt ra, thế mà chỉ nghe có mấy tiếng “thư ngoại quốc” là đã hối hả đáp lại, giọng cũng to chả kém ai “ Có tôi! Chờ đó! Chờ đó!”. Rồi lão bổ nháo bổ nhào từ lầu hai xuống, hấp tấp mở khóa rồi kéo cánh cửa sắt rộng ra. Báo hại, thư từ chả thấy đâu, chỉ thấy khuôn mặt khó ưa của bà Tổ trưởng đang nở một nụ cười dễ ghét và cất tiếng đắc thắng “ Mời ông Ba đi họp!”
Cái cơn lôi đình của ông lão sau đó ra sao, ai cũng biết và ai cũng kể lại cho nhau nghe để cùng cười với nhau hể hả. Cuộc sống có nhiều nỗi lo âu, buồn bã, thật hiếm khi lại có những nụ cười vui vẻ như thế!
Chuyện họp hành ở khu phố tôi lâu dần cũng thấy thưa đi. Bởi đời sống khó khăn quá, ai cũng phải lo chuyện mưu sinh nên nảy ra cái tâm lý bất cần. Chẳng họp thì đừng, phải lo nồi cơm trước đã. Cho nên, cuối cùng thì chỉ khi nào thật cần thiết, bà Tổ trưởng mới tới từng nhà dân đập cửa kêu “Mau ra Phường, đi họp!”. Họp Phường tất cao cấp hơn họp Tổ. Có thể nhà Nước lại áp dụng đường lối chính sách nào mới mẻ có ảnh hưởng đến đời sống đây, nên bà con đành phải nín nhịn rủ nhau cắp nón đi ra Phường. Được cái, lâu lâu thì mới chỉ đi một lần, chứ không bị gọi xoành xoạch như trước. Nhưng cũng chẳng vì thế mà bà Tổ trưởng dân phố trở nên dễ thương hơn. Có thể nói, bà cũng là một thứ tội nợ để dân chúng đổ mọi thứ chê trách lên đầu. Nào nhu yếu phẩm xuất hiện thất thường, lại bị phân phối khoai sùng hay gạo mốc, nào giờ tham gia sinh hoạt “nếp sống mới” khởi sự quá sớm vào lúc 5 giờ sáng. Cứ vào cái giờ bà con còn đang chập chờn với giấc ngủ đó thì tiếng loa đã ồn ào réo gọi tất cả phải kéo nhau ra đường phố để cùng tập thể dục theo tiếng còi “một, hai” phát trên loa. Hồi đầu, bà con hiện diện khá đông đủ, lại còn ríu rít cười đùa, chuyện trò thăm hỏi nhau tạo nên bầu không khí vui vẻ mà ngày xưa không hề có. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, đám đông cứ thưa dần. Việc tham gia sinh hoạt cách mạng không còn gì là hào hứng nữa. Mà hào hứng sao được khi trong bữa cơm, hạt gạo đã bị thay thế bằng khoai, sắn hay bo bo. Rồi những thứ ấy cũng chẳng đủ nên nhiều nhà đã biết cái đói là gì.
Riêng tôi thì chưa đến nỗi. Buổi sáng sớm, lúc ngồi ở phòng ngoài để soạn sách vở đi dạy học, tôi còn được gặm một ổ bánh mì không. Chợt có hôm đang gặm bánh thì thấy xuất hiện một đứa nhỏ con nhà hàng xóm cứ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Tưởng nó chỉ tò mò, tọc mạch nên tôi không để ý. Nhưng hôm sau lại thấy nó xuất hiện. Bộ mặt vêu vao, thân hình còm cõi, cặp mắt thì chăm chú nhìn tôi với vẻ thèm thuồng. Tôi chợt nghĩ ra rằng con bé hẳn là đang đói. Tôi liền bẻ cho nó mẩu bánh đang cầm. Nó vội chộp lấy mà ăn ngấu nghiến.
Như thế, chuyện dân đói không chỉ còn là những lời bôi bác chế độ một cách vu vơ. Trong dân gian đã xuất hiện những câu vè ta thán:
Ông Đồng, ông Duẩn, ông Chinh
Vì ba ông ấy dân mình lầm than.
Tệ hại nhất là chính sách Kinh tế dưới thời Đỗ Mười, nghe nói ông ta hồi xưa ít học, chỉ làm nghề thiến heo, năm 1977 leo lên tới chức Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế lại kiêm nhiệm chức Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách Cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam. Dân mới có câu vè rằng:
Thiến heo lại giữ lắm quyền
Trách gì dân chúng đảo điên thế này!!.

*

Trong nhân dân, chuyện họp hành là như thế. Còn các giáo viên trong nhà trường thì chuyện họp hành của chúng tôi còn gay go hơn nhiều. Nhẩm tính trong tuần, tôi thấy đã phải tham dự nhiều buổi họp: Họp Ban Giám Hiệu, họp Giáo Viên Chủ Nhiệm, họp Tổ Chuyên Môn, họp Tổ Lao Động, họp Công Đoàn trường (chủ yếu là bàn chuyện phân phối nhu yếu phẩm), lại thỉnh thoảng phải đi dự những buổi họp đột xuất mỗi khi ở Ban, Ngành nào đó có nhu cầu.
Cả năm trời đã rệu rã cả người vì những phiên họp như thế, nhưng đến kỳ nghỉ hè thì các thầy, cô lại còn phải dành ra một tháng liền để tập trung Học tập Chính trị toàn Thành phố. Vậy là toi một tháng hè để bị o ép nữa!
Có nhiều nơi được dùng làm địa điểm học tập, như trường Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi thị Xuân, trường Tabert ở Lê Thánh Tôn, trường Bồ Đề ở chợ Cầu Ông Lãnh, trường Trưng Vương ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Sở Thú…v..v..Cứ chiếu theo bản thông cáo, giáo viên trường nào tập trung ở đâu thì kéo nhau tới trình diện ở đó. Trong suốt thời gian học tập, ngày hai buổi, sáng từ 8 giờ đến trưa. Chiều từ 2 giờ đến lúc nắng xế. Ai nhà ở xa thì lấy sân trường làm nơi nghỉ trưa, chứ đạp xe đi, về lúc trời nắng gắt vừa mệt nhọc vừa hại lốp xe mà khi đó, cái lốp xe cũng quý như vàng.
Ở Tổ Chuyên môn của tôi, một năm mới được bán rẻ cho 1 cái lốp xe đạp. Toàn tổ phải bốc thăm coi ai “trúng số”. Chúng tôi cũng chẳng vì thế mà kêu ca. Vì dân chúng Hà Nội xem ra còn khổ hơn nhiều. Thằng Tửu đã có lần nói:
- Ngoài đó thiếu gì cảnh “ Đi xe độn báo, mặc áo chuyên gia”!
Và nó giảng giải: lốp xe vá mãi thì banh nát ra, phải lấy báo độn vòng quanh rồi cột dây lại. Còn áo “chuyên gia” hiểu là “chuyên da”, tức là áo rách bươm, hở cả da thịt ra ngoài.
Rút cục, tôi vẫn thường tự nhủ: Ăn bo bo, xếp hàng cả ngày thì cũng được đi, vì đất nước nào sau chiến tranh đời sống chẳng khổ cực, nhưng vấn đề là ở chỗ ăn độn xếp hàng trong bao lâu? Chứ nếu cứ theo cung cách điều hành đất nước kiểu này thì dân chúng còn cực khổ dài dài, không biết đến bao giờ mới chấm dứt cái thời kỳ “quá độ” khốn khổ này để được sống trong cái xã hội XHCN, một thứ thiên đường nghe vô cùng tốt đẹp mà kể từ ngày thành lập chính quyền mới, cán bộ cũng như các cơ sở truyền thông cứ ra rả tuyên truyền về nó.
Trong việc học tập toàn Thành, các giáo viên cũng được chia thành nhiều Tổ. Mỗi Tổ khoảng 20 người, gồm giáo viên cùng trường chen lẫn với các giáo viên trường khác. Việc ăn nói, phát biểu trong sinh hoạt Tổ vì thế cũng phải dè dặt hơn. Ai mà biết được lúc nào thì bị báo cáo về tác phong học tập hay lập trường chính trị chao đảo của mình. Thôi thì cứ chiếu theo tài liệu, sách vở mà phát ngôn. Ai không nhớ câu nào, ý nào thì cứ vừa nêu ý kiến vừa giở giấy ra đọc. Thế cũng còn được đánh giá là có tinh thần tích cực, còn hơn nhiều vị chẳng hiểu mô tê gì hay chẳng muốn hiểu thì cứ làm bộ ngồi lì. Mà càng ngồi, không nghe, không chi chép thì lại càng dễ buồn ngủ. Mà đã buồn ngủ lại phải nghe mấy ông thuyết trình viên lải nhải thì giấc ngủ ùa đến còn dễ dàng hơn. Cho nên ở quanh chỗ tôi ngồi, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một thầy hay một cô ngủ gục. Cũng được đi, nhưng đừng có ngáy. Ngủ mà ngáy thì không ai bao che được, cho nên đôi khi phải huých cùi chỏ vào mạng sườn đương sự để đánh thức. Lại cũng có khi có vị ngủ say thế nào mà đổ nhào sang cả người ngồi bên cạnh, khi choàng tỉnh dậy mới hay biết. May mà hội trường quá đông đúc, chất chứa tới bốn, năm trăm người, trên bục giảng thì giảng viên cứ thao thao bất tuyệt, nên dưới “xóm nhà lá” nếu có xẩy ra chuyện gì thì cũng chẳng ai quan tâm.
Cái tệ trạng này hẳn Ban tổ chức khóa học cũng hay biết, nhưng cũng phải coi là chuyện chẳng đặng đừng. Bởi vì chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi vì phải ôm đồm quá nhiều công tác, đã thế việc ăn uống bồi dưỡng sức khỏe lại cứ ngày càng tồi tệ đi.
Hồi tham dự khóa học tại trường Bồ Đề ở cạnh chợ Cầu Ông lãnh, tôi còn nhớ buổi chiều cứ tan ra là các thầy cô xúm lại hàng bán hạt ngô tẽ, cứ 1 đồng thì người bán xúc đầy 1 lon sữa bò. Người nào cũng mua vài ba lon để dùng cho bữa chiều hay ngày hôm sau. Hạt ngô đem về luộc lại ăn thay cơm hoặc nhà còn gạo thì thổi cơm trộn với ngô. Như thế cũng còn sang hơn là ăn bo bo là thứ vừa khó nhai lại trở ngại trong vấn đề tiêu hóa. Trong tình cảnh ấy, mấy ai còn đủ sáng suốt để mà nghe thuyết trình viên dài dòng về những thứ trên trời dưới đất, nào là “Quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản từ cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân dân chuyển qua Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa”, nào là “Cuộc đấu tranh giai cấp của chúng ta là đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn, kết hợp cải tạo với xây dựng mà xây dựng là chủ yếu”, nào là “Chuyên chính Vô sản tức là cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ nhằm xóa bỏ giai cấp bóc lột, xác lập quan hệ sản xuất Xã hội Chủ nghĩa để mọi thành viên trong xã hội làm chủ tập thể, làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình” ….v...v....
Đố ai trong những ngày hè nóng như đổ lửa mà phải ngồi trong một hội trường đông nghẹt những người, chỉ có mấy cái quạt trần uể oải quay chậm, rồi lại phải nghe ngần ấy thứ vớ vẩn trong nhiều tiếng đồng hồ mà không thấy nhức đầu, không buồn ngủ thì phải được phong lên làm Thánh.
Mà như thế cũng vẫn chưa xong đâu. Điều ngán ngẩm nhất mà ai cũng phải trải qua là sau mỗi bài giảng, các thầy cô còn phải chia Tổ thảo luận rồi về nhà viết “thu hoạch” để hôm sau nộp cho ban Tổ Chức khóa học nữa.
“Thu hoạch”! Nhà nông mà tới lúc này thì hẳn ai cũng tràn đầy vui vẻ. Nhưng lũ giáo viên chúng tôi thì lại cho đây là một khoản mà mọi người ai cũng ngán nhất, đặc biệt là các cô giáo miền Nam cũ.
Vào thời điểm này, tôi thấy các cô có vẻ thân thiết với nhau hơn là ngày xưa. Hình như những khắt khe của thời thế đã trở thành chất keo gắn bó họ lại với nhau hơn. Họ chia với nhau từng nắm xôi, tấm bánh, chỉ bảo tận tình cho nhau về cách xài miếng thịt, con cá khi lãnh ở trường về, như chiên xào cách nào cho có lợi nhất, hoặc là cung cách tận dụng những miếng mỡ hiếm hoi tách ra từ lạng thịt.
Họ như đang cùng với nhau đi trên một quãng đường đời xa lạ, lại có chung một hoàn cảnh là phải mang gánh nặng gia đình khi chồng không có mặt hoặc vì thất lạc lúc di tản hoặc đang bị giam cầm đâu đó trong nhà tù cải tạo. Những nỗi nhọc nhằn mà họ đang phải chịu đựng khiến mặt họ trở nên khó đăm đăm, mà lại hay lãng trí, đang nói chuyện với người đối diện mà đầu óc cứ để đi đâu, nhiều khi cứ ngớ ra không biết mình đang bàn luận về câu chuyện gì. Ấy thế mà khi túm năm, tụm ba ở riêng một chỗ thì họ lại cười đùa rả rích về những chuyện khôi hài, ngớ ngẩn trong nếp sống bây giờ. Thì ra cái cốt cách hồn nhiên, tươi trẻ của họ ngày xưa vẫn không bị thời thế làm cho tàn lụi đi. Chúng chỉ lặn sâu vào bên trong tiềm thức của mỗi người.
Nói cho đúng ra, “thu hoạch” chỉ là một bài viết theo đúng cung cách của một con vẹt. Con vẹt khi nói thì nó đâu có nghĩ gì. Nhưng chủ của nó lại rất thích.
Các nhà lãnh đạo bây giờ cũng cùng chung cái tâm lý đó. Đọc một bài ‘thu hoạch”, họ biết thừa là giả dối, nhưng vẫn mang ra bình phẩm với nhau để cùng gật gù thỏa mãn. Nói cho ngay, chính họ cũng đang giả dối với nhau đấy. Đâu có vị nào dám bầy tỏ ý kiến là thôi vứt quách cái chuyện viết thu hoạch đi cho rồi, bọn chúng nó chỉ nói vuốt đuôi đấy thôi.
Thì ra từ kẻ có quyền xuống tới bàn dân thiên hạ, ai ai cũng đều sống giả dối hết, mà lạ thay, họ lại cùng nhận biết ở nhau là đã giả dối, vậy mà đời sống vẫn cứ tiếp diễn năm này qua năm khác y như thế thì mới là kỳ chứ!
Tuy nhiên, nói cho cùng thì chuyện viết thu hoạch không hẳn là hoàn toàn không có tác dụng gì. Nó là thước đo sự chống đối của chế độ. Trong hàng ngàn bài viết chất cao thành từng đống, sẽ có một vài bài được đặc biệt moi ra để xăm xoi từng chữ. Đó là bài viết của một số người đã có tên trong danh sách bị nghi ngờ là có đầu óc phản động hay chống đối. Tất nhiên họ sẽ chẳng kiếm được âm mưu gì trong những trang giấy vô tri đó. Nó chỉ chứa toàn những lời lẽ đầu môi chót lưỡi. Cũng chẳng sao, nội dung cứ bẻo lẻo, giả dối đi, nhưng ít ra nó cũng là dấu hiệu của sự phục tùng. Kẻ không phục tùng đời nào chịu viết những lời như thế. Vậy ít ra nó cũng làm thỏa mãn lòng tự ái của những kẻ đang cầm quyền.
Có điều là trong hàng ngũ giáo viên, nào có ai tự nghĩ mình không phải là thành phần đang bị theo dõi, ngoại trừ thầy, cô nào có thân nhân là cán bộ từ miền Bắc vô Nam tăng cường công tác. Số này cũng có, nhưng không nhiều. Phần còn lại, hầu như ai cũng có cảm giác như đang có lưỡi gươm lơ lửng trên đầu. Nhà giầu là có tội. Chân tay mũm mĩm, không dấu vết chai sạn vì lao động cực nhọc cũng mang mặc cảm là lớp người đi bóc lột. Ngày trước, nếu giao du quen biết với những giới có chức, có quyền thì cũng ngán ngẩm không biết khi nào bị moi ra để bị buộc vào tội đã dính líu đến một vụ việc vu vơ nào đó. Đặc biệt là các bà có chồng đang đi học tập cải tạo thì hầu như đã sống trong sự nhủi chui, dè dặt, chỉ mong đừng có ai để ý tới mình.
Như trường hợp cô Hường ở trường tôi, tôi biết khá rõ. Từ nhiều năm trước, cô cũng là một đồng nghiệp của tôi, chuyên dạy môn Nữ Công, Gia Chánh. Về trình độ học vấn thì cô có vẻ như chỉ qua một hai năm đầu bậc trung học, nhưng về nữ công, gia chánh thì cô lại rất giỏi. Vì thế cô vẫn được tuyển dụng để dạy cắt may, nấu nướng cho nhiều lớp trong toàn trường.
Sau tháng Tư -1975, chồng cô là sĩ quan cấp Tá phải đi học tập cải tạo. Cô ở nhà chèo chống lo nuôi một bầy con nhỏ. Ngày xưa cô khá đẹp, lúc nào cũng thuần nhã từ cung cách ăn nói cho đến cử chỉ giao tiếp bên ngoài. Nhưng nay thì khó tìm ra được nhân vật cũ trong con người của cô bây giờ. Chiếc áo dài xưa không còn nữa. Quanh năm chỉ thấy cô bận chiếc áo cánh nâu, chiếc quần thâm vải dầy và vai lúc nào cũng khoác một cái bị mang đầy ống chỉ, vải thêu, mẫu thêu và những cuốn sổ ghi chép. Rất ít khi thấy cô mỉm cười, nụ cười với hai bên má lúm đồng tiền ngày xưa nay tắt ngúm trên đôi vành môi khô héo không được thoa son. Đôi mắt trong veo của cô bây giờ đã thấy vẩn đục. Nó thấp thoáng một vẻ phập phồng, e ngại như lúc nào cũng chờ đợi chuyện bất trắc xẩy ra cho mình.
Sau này tôi mới hiểu lý do tại sao cô lại cứ phải mang cái tâm trạng bất an ấy. Bởi vì ngoài chuyện dạy may cắt trong trường, cô còn lo chạy hàng xách kiếm tiến nuôi con. Mà nói cho đúng ra, chuyện buôn bán của cô chẳng có gì to tát. Bà cán bộ này cần mua cái quạt máy, ông cán bộ kia đang kiếm dàn loa hay cái tủ lạnh. Cô chỉ là người trung gian móc nối người mua, kẻ bán kiếm lời. Trong nhà của cô tuyệt đối không chứa chấp một món hàng gì. Khách hàng lại cũng không ở cùng Phường, cùng xóm. Mối lái mà cô có được là nhờ bạn bè quen biết rỉ tai mách giùm.
Nhưng trong cương vị “một giáo viên nhân dân”, cô đã thấy mình đang làm chuyện tầy trời. Đã là nhà giáo thì phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối nhà nước, không được móc ngoặc, không được buôn bán chợ đen, chợ trời, phải phát huy tác phong của con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa, một người vì mọi người, mọi người vì một người..v..v…Nghĩa là đủ thứ trách nhiệm đè lên đôi vai của nhà giáo. Nhưng nếu không dấn thân vào chuyện kiếm chác thêm thì con cái đói. Đó là cái điều mà cô thấy tâm trạng của mình lúc nào cũng bất ổn.
Phải dài dòng như vậy là để thấy cô đã lo lắng như thế nào khi phải viết thu hoạch sau mỗi bài thuyết trình của giảng viên. Một lần tan học, cô nán chờ tôi tại chỗ để xe trong sân trường. Cô rụt rè nói:
- Viết thu hoạch khó quá, thầy ơi!
Tôi nhìn quanh rồi mỉm cười:
- Họ không đọc bài của cô đâu. Cứ chép đại một đoạn nào đó trong tài liệu rồi đem nộp là xong rồi.
Cô dẫy nẩy:
- Không được đâu! Nhỡ bị phát hiện, nó lôi ra thì khốn.
- Tôi thấy khối người làm thế. Có sao đâu. Họ đâu rỗi hơi ngồi đọc cả ngàn bài. Chỉ lọc ra những tên tuổi bị nghi là có vấn đề thôi.
- Thôi, thầy giúp tôi đi!
Tôi nhìn lại cô một lần nữa. Hình ảnh tiều tuỵ, phu nhân một Thiếu tá đang phải đi học tập cải tạo khiến tôi ngậm ngùi. Nhất là nhìn vẻ mặt của cô, cứ như đang mang một vẻ thất thần của một kẻ chơi vơi giữa dòng trông tìm một cái phao để níu kéo. Tôi đành chép miệng:
- Thôi được. Tôi sẽ xào nấu bài của tôi rồi để cô chép lại. Đừng có lo lắng quá.
Bất giác cô nhoẻn một nụ cười. Tôi hình dung ra được vài nét tươi trẻ ngày xưa của cô trong nụ cười ấy.
Thế là kể từ hôm ấy, cứ độ vài hôm, vào khoảng chiều tối, cô lại tạt qua nhà tôi để lấy bản nháp thu hoạch mang về chép lại. Mà tôi thì cũng chẳng mất công gì nhiều. Cái dàn bài “thu hoạch” mà tôi tự thảo ra đã nằm sẵn trong đầu. Như khởi đầu thì phải nhắc qua mục đích, yêu cầu của bài mà giảng viên đã trình bầy, rồi tóm tắt nội dung bài ấy trong vài câu, nếu cần thì trích nguyên con vài đoạn. Rồi phịa ra vài câu đánh giá mức độ tiếp thu của mình. Sau cùng là liên hệ bản thân rằng “sẽ phấn đấu trong công tác để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của người giáo viên dưới mái nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa”. Tất cả cứ tròm trèm 2 trang viết tay khổ giấy đôi là ổn thỏa.
Trong suốt khóa học kéo dài 30 ngày, mọi sự cứ thế trôi qua. Nhưng tôi lại không hay rằng mấy bài thu hoạch viết giùm một cách sơ sài như vậy lại được mấy bà, mấy cô cùng trường truyền tay nhau đem ra xào nấu lại. Một cô giáo trong Tổ chuyên môn ghé vào tai tôi thì thào:
- Họ phong thầy làm “họa sĩ”. Chuyên vẽ giáo án, vẽ biên bản, vẽ thu hoạch…
Tôi hoảng hồn:
- Ấy! Bảo họ kín mồm không thì chết tui!
Cô ta cười ngỏn ngoẻn:
- Thầy yên chí đi. Có chết thì chết cả nút chứ đâu riêng gì thầy.
Hóa ra, thỉnh thoảng khi tới trường tôi được người này giúi cho gói xôi, người kia thanh kẹo lạc, đó cũng là nhờ các kiểu vẽ vời ấy của tôi.
Tôi không cho những thứ quà vặt vãnh đó là những món hối lộ. Tôi chỉ nghĩ rằng đấy là sự biểu lộ tình cảm của những kẻ đồng hội đồng thuyền. Mà điều này thì lại rất quý trong thời buổi này. Nó sẽ xóa tan đi những mối nghi kỵ, dè bỉu lẫn nhau giữa những con người đang cùng phải chống chọi với đủ mọi thứ khó khăn trong đời sống. Nhất là xóa đi được cái sự chụp lên nhau cái mũ của kẻ hèn nhát, giẫm đạp lên nỗi đau của đồng nghiệp để mưu cầu sự bình an cho riêng mình.
Những ngày dạy học ở miền Nam xưa, có bao giờ chúng tôi lại phải đối diện với những tâm tình kiểu ấy!!