goài vườn chùa Xiển, thửa ruộng hậu làm màu cuối tháng ba đương vào vụ cà. Những luống cà bát được vun gốc, lên xanh mơn mởn, chỉ tháng sau đã ra hoa. Cái rét năm nay hết muộn, năm ngoái nhuận tháng tám bây giờ đã chớm sang tháng hạ mà có hôm còn rơi rớt gió bấc, mưa dây mưa dợ mờ mờ bóng cây gạo cổ thụ ngoài kia. Thế mà nụ gạo đã chi chít sớm. Nay mai, hoa cà tím ngát dưới ruộng, hoa gạo đỏ khé ngã ba đường, hàng đàn sáo đá, bồ các lại về ríu ran suốt ngày. Chú tiểu Từ Tâm thoăn thoắt xới đất, vun gốc cà. Một chốc dừng tay, chống cán cuốc bướm, nhìn ra lúi húi. Không phải trẻ trâu, có lẽ người đi đường vào nghỉ chân. Nhưng ngã ba đường tận ngoài chân tre, tạt vào xa thế. Cũng chẳng phải khách chùa, hôm nay chưa đến rằm. Nghĩ đoán thế, rồi lại cúi xuống, nhấc cái bướm, mải miết làm. Nhưng lâu lâu ngước mắt ra, vẫn thấy người ngồi đấy. Một lúc, khi đứng lên, mới trông rõ ra một cụ già râu tóc bạc trắng, hai bên nách chống hai chiếc nạng tre, nhích từng bước khó nhọc, ông cụ đi vào chùa. Từ Tâm ghếch cái cuốc bướm lên luống cà, bước ra xem ai. Tới trước mặt, ông lão thẳng người lên, run run tay nạng, gọi: - Ôi, con. - Bố! Bố về chùa! Rồi Từ Tâm bước lại, ôm hai vai ông lão. Ông lão vẫn xúc động, cả cái nạng cũng loạng choạng. Từ Tâm cúi xuống, xốc ông lão lên lưng. Từ Tâm cõng ông lão vào chùa. Vừa đi, vừa khóc thút thít. - Sao lại nên nông nỗi này? Bố chẳng nhắn người gọi con. Ông lão nép mặt vào vai chú tiểu, không nói. Mấy gian chùa vắng lặng. Cái trái nhà hậu đã đổ, những chiếc cột tre được bó lại, để làm củi. Nền đất chỗ ấy trổng cây mộc. Chỉ có mùi hoa mộc thơm ngan ngát nhưng cũng chỉ làm bớt cái hiu quạnh nhà chùa. Ông lão hỏi: - Sư ông con đâu? - Thầy con về đã bốn năm nay rồi. - Bây giờ chỉ có mình con? - Vâng. Ông lão rơm rớm nước mắt. Trước kia, bác cả Bỏi hay nói như mắng: “Vãi nước mắt ra thì còn làm được trò trống gì!” nhưng mà rồi những năm về sau này không giữ được nước mắt nữa. Tuổi tác và bao nhiêu thương đau chổng chất, con người như sập xuống, giống hai cái bàn chân chỉ còn thõng ra thế, có khi tự dưng nước mắt cũng ứa ra. Ông lão ngước nhìn quanh, nói như nhắc lại: - Thế là còn có một mình con. Ngôi chùa, mái tranh, tường đất, hoang tàn. Ông hộ pháp văn đã đổ, chỉ còn cái bệ đất, trên đặt bát bình hương, vẫn được quét tước sạch sẽ, khách đến lễ thì cắm hương, khách có tâm, làng xóm bốn bên quanh chùa tuy nghèo khó, nhưng những ngày có việc thì đèn nhang cũng bày ra đầy đủ. Vậy mà công của không bao nhiêu, đành chịu chùa làng tiêu điều, ông hộ pháp võ bên kia, thanh long đao cũng gãy tụt cả cái chuôi cắp. Ban ngày mà những đàn dơi bay ra bay vào hốc cột như mắc cửi. Bệ thờ Đức Ông thường thì quanh năm được đèn hương nay đã tàn lạnh cả. Cũng là trên đất Kẻ Chợ, ngoài kia dập dìu bề bộn sang hèn, có mấy bước vào trong này mà nhà chùa bần bách tang thương quá. - Bấy lâu bố ở đâu? - Bố ở vạn ngoài sông Cái. - Chân bố đau thế, sao kiếm được ăn... - Bà con hàng vạn đỡ đần chu tất lắm, chẳng thiếu đâu, bố ở đến hết đời vẫn no đủ, nhưng mà ngày đêm chỉ nhúc nhích trên cái nan, cái thúng bơi quanh quẩn buồn quá. - Bố về ở với con. - Bố cũng định về bàn với con xem thế nào. Bây giờ chỉ còn có hai bố con. Cái hôm con thoát được trong làng ra... Nói đến đấy, ông lão lại nghẹn ngào. Hai người ngồi im một lúc lâu. Như cùng nhớ lại buổi sáng đỏ máu ấy. Từ Tâm chẳng biết gì. Từ Tâm chỉ mang máng không rõ bố mẹ đã chết chém hay chết cháy. Cho đến lúc bố Cõi dắt đi. Đã nhiều ngẫm nghĩ, càng lớn càng nung nấu nhưng chưa bao giờ hỏi ai cho biết được câu chuyện thương tâm đến thế nào. Bố Cõi thì biền biệt. Từ Tâm không nhớ cả tên họ, không biết mình có tên hay không, về chùa, !!!15212_8.htm!!!
Đã xem 11127 lần.
http://eTruyen.com