Biên tập: Ngô Nhân Dụng, Võ Ngàn Sông, Đinh Quang Anh Thái
Chương 8

     ại hội Đảng lần thứ 5 họp năm 1981. Cả năm 1980, y lệ tôi hàng tháng đâm đơn kiện ở hơn mười nơi. Trong khi lưới an ninh chăng quanh “xét lại”, như mỗi lần có đại hội hay sự kiện quan trọng nào.
Sao phải cảnh giác tới mức này? Với ai? Đến ngày họp Đại hội, công an Hà Nội thình lình thay hết sắc phục mới, toàn vải mầu ô-liu Liên Xô mới cho. Bất cứ ai mặc sắc phục công an cũ vào Hà Nội đều phải quay lui.
Đến Kiến Giang rồi Từ Lâm, tôi đứng ở ngoài hè với hai anh trước khi ra về. Kiến Giang chỉ một chiếc com-măng-ca đậu kín bịt bùng ở gân cổng nhà Linh Chi, Trọng Hứa, trước quán chè Huế mẹ Mỹ Dung, vợ Nguyễn Đình Nghi, ở đường Tuệ Tĩnh, nói: Canh liền mấy hôm nay rồi đấy.
Tôi nói: Chắc trong đó đang thấy chúng ta nhăn răng cười nhìn xe. Lúc trước chưa có xe, có máy theo dõi của Liên Xô, họ vào ngay nhà hai anh em hoạ sĩ Linh Chi và nhà văn Trọng Hứa bạn tôi kia đấy, đối điện nhà các ông đấy, phục ở đó. Linh Chi, chủ hộ đó bảo tôi mà. Ba người. Chốc chốc lại thấy một sợi dây ni lông trong suốt rất dài, thòng đến đâu không rõ giật giật.
Từ Lâm chỉ bọc tài liệu tôi buộc ở poóc-ba-ga sau xe dặn: “Cấn thận kẻo bị cắt bom mìn”. Thuật ngữ này ra đời khi nạn ăn cắp các thứ để trên poóc-ba-ga ngày một rộ lên ở Hà Nội.
Về đến nhà thì biết bị “cắt bom mìn”.
Họ đã chỉ định theo tôi từ phố Tuệ Tĩnh. Cái gói vuông vắn đằng sau xe tôi cùng cái cười nom đáng ghét của tôi khi nhìn chiếc xe công an canh gác nhà xét lại đã là một cục nam châm hút… cá. (tiếng lóng chỉ Công an - BT)
Mất quyển “Tôn giáo và các phương thức sản xuất của Houtart” đang dịch dờ, kèm một cặp kính. Lúc bị cắt tôi biết nhưng không ngờ. Trời tối, đến quãng Ngọc Khánh nay là sứ quán Malaysia, một người đi va hẳn vào bên trái xe tôi. Loạng choạng, tôi quay sang hắn. Tôi liền hở sườn và người ở bên phải tôi cắt. Biết ngay không phải kẻ cắp lấy. Cái gói sau xe trông đã thấy ngay là toàn sách. Tôi và Tử Lâm, Kiến Giang đã trao nhau tài liệu gì.
Quãng tám giờ tối, cơm xong tôi đạp xe ra hiện trường vụ án tìm lại. Chợt trong bóng tối âm u bên đường tôi thấy hai đứa con gái cũng đang sờ lần. Con gái tôi và bạn nó, cái Phương ra tìm trước từ lâu rồi.
Ít lâu sau, một tối bẹp xe, ngồi chờ vá ở đầu Trần Phú, gần chỗ chắn xe lửa. Bỗng hai công an đến nói cho xem chứng minh nhân dân. Tôi hỏi sao xem? Rồi nói: Các anh sai luật đấy nhưng thôi được, đây…
Một anh cầm xem xong đưa cho anh thứ hai chờ bên rồi quay đi. Tôi đi theo. Ra đầu ngã tư Phùng Hưng - Trân Phú - Hà Trung, chỗ nhà giò chả Đờ-măng xưa, anh ta đến một gốc cây đã có hai người sơ mi trắng đứng ở dó, cúi nói với nhau.
Tôi trở về nhận lại giấy tờ và xe rồi về.
Đến ngã ba vào Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (lúc đó trí thức chưa được ngang hàng công nông nên con đường rẽ vào này chưa gọi là đường Dương Quảng Hàm), tôi ngoái lại nhìn. Vắng tanh. Cách tôi chừng trăm mét, một sơ mi trắng đang dạp. Ngỡ thấy lại đúng cái sắc điệu trắng giặt vò hơi công phu của hai chiếc sơ mi rình ở ngã ba Phùng Hưng - Điện Biên Phủ. Tôi tiếp tục đi, chốc chốc ngó lại. Đến quãng lượn trái gần khu văn công Cầu Giấy, có mấy chiếc xe tải đỗ bên đường, tôi vọt lên. Đến nhà, không vào, dặn con gái: Nếu nghe bố hỏi bố Đĩnh thì nói bố đi ăn cơm khách nhé.
Vừa vặn sơ mi trắng giặt công phu rẽ vào, đạp thẳng đến. Tôi hỏi con gái: “Bố Đĩnh có nhà không cháu?” Con gái tôi đáp rất to: Dạ, thưa bác, bố cháu ăn cơm khách chưa về!
Tôi dắt xe trên hiên quay trở ra. Sơ mi trắng bèn vội quặt xe, sân trơn, ngã đánh oạch. Trẻ con chạy ra đứng đầy hiên vỗ tay cười.
Hôm sau tôi gửi một đơn lên Ban trù bị Đại hội. Đề nghị truất tư cách đại biểu của hai “cường hào đàn áp người lao động” là Hoàng Tùng và Hồng Hà.
Nửa tháng sau, Quý, chuyên viên vụ tổ chức của báo lè lưỡi bảo tôi: Ghê thật, sợ ông anh quá thật. Gớm thế cơ chứ…
- Sợ gì với lại gớm gì, tôi hỏi?
- Gớm quá, đòi đuổi thủ trưởng thủ phó ra khỏi Đại hội.
- Sao biẽt?
- Trên ấy gửi đơn của anh lại cho cơ quan.
- Gửi về để riềng anh em à, tôi đùa. Không ký vào quyết định hưu non, tôi cứ đến cơ quan ngồi đấy.
Riềng mẻ thật. Mấy hôm sau, tôi vừa đến cơ quan, Sảo - Tóc Đỏ trực cổng giữ tôi lại nói:
- Em rất thương anh nhưng xin anh hãy thương em đã, em mà vi phạm lệnh thì em mất việc khổ vợ con em vô tội. Anh Hồng Hà chỉ thị từ nay cấm anh đến cơ quan! Để anh vào thì era chết.
Tôi nỡ nào lại để cho khổ vợ con Sảo? Có người bảo tôi tại ông cứ trêu họ. Tôi đáp bừa: Có ném hòn đá xuống cái vực thẳm ấy mới biết được nó sâu tới bao nhiêu chứ…
Trước tôi ít lâu đã có một lệnh cấm tương tự nhưng kém ngặt nghèo hơn.
Chả hiểu cái gì xui, Hoàng Cầm tự nhiên mua báo tháng, hàng sáng đến lấy ở cổng thường trực. Cố nhiên rồi tôi gặp và cố nhiên tôi đưa anh vào chỗ làm việc chuyện trò. Được chừng nửa tháng, Quang Thái, trưởng ban văn hoá bảo tôi là Hồng Hà cấm tôi đưa phần tử xấu vào báo đảng. Tôi hỏi ai là phần tử xấu?
- Hoàng Cầm!
Tôi tìm ngay Thép Mới. Người ta chỉ còn là cái giẻ rách, tang thương hết đường, nay người ta ít ra cũng biết đọc đến tờ báo chẳng ai thiết đọc của các anh mà sao lại nỡ dằn mặt người ta như thế. Sao nói Đảng ta là đảng văn minh, nhân đạo? Tôi cáu quá nói luôn một lèo. Tàu nó xoá án cho phần tử xấu ra tù và còn bồi thường danh dự kia. Rồi đây minh oan cho nguời ta thì phải mang ra hoạnh tội những anh kết án họ “phần tử xấu!”
- Thằng Hồng Hà chứ tao đâu biết, Thép Mới nói.
Cáu lên, tôi nhiếc:
- Sao nó chỉ khóc trước chi bộ mà không khóc trước nạn nhân?
Từ đấy Hoàng Cầm chỉ đến cổng thường trực lấy báo. Còn hơn tôi. Tôi bị cấm ló đầu… Một hôm gặp nhau ở nhà Lê Đạt, Hoàng Cầm cười cười bảo Đạt: Thằng Đĩnh này còn phản động hơn tao mấy bậc.
Trước Đại hội, Hoàng Minh Chính có hai thư gửi riêng rẽ lên án Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Buổi chiều ngồi bờ hồ với Lê Đạt, tôi nói gửi như thế thì theo nhà binh là không để dành đạn. Bắn hết một lúc không hay. Đạt tán thành, bảo tôi nên đến bàn với Chính.
Chính, Hồng Ngọc, vợ anh và tôi ngồi ngay ở cái tam cấp trước nhà. Bên kia toà nhà uỷ ban hoa học xã hội với chi chít cửa sổ hiện đại như lỗ tổ ong tha hồ bắc ống nhòm an ninh Liên Xô mới chi viện để nhìn sang. Tôi đùa: Tổ cha nó, Liên Xô trang bị cho để theo dõi bọn “tay sai Liên Xô!”
Tôi bảo Chính nên để dành đạn. Lên án một người thôi. Chính nói mình vét-tông cà-vạt đến hội trường Ba Đình đang họp Quốc hội đưa cho Ban thư ký hội nghị nhờ chuyển giúp mất rồi.
- Liệu có vào nhà đá không, Trần Đĩnh? - Hồng Ngọc hỏi, luôn trống không Trần Đĩnh.
- Tủ lạnh còn thiếu to, nói gì nhà đá?
Tủ lạnh thiếu, đúng, nhưng nhà đá rất sẵn. Đợt này bắt Chính, Đặng Kim Giang, Lưu Động.
Đặng Kim Giang nửa năm sau ra. Quá yếu. Lưu Động bị giam cỡ một năm. Lâu nhất vẫn Chính.
Trần Thư và tôi đến nhà Lưu Động thì chỉ nửa giờ Lưu Động đã hiện ra ở ngoài cửa. Anh nói ngay: Cậu công an đưa tớ về nói ở trên xe là “bác về khéo mà hai ông tướng họ Trần đã chờ ở nhà rồi”. Thiêng thế!
Lúc ấy bắt người ngon ơ. Chả ai hay! Chúng tôi chả kêu vào đâu được. Chưa có Net, chưa có blogger… Lặng lẽ như tờ. Giá như cũng được chỉnh huấn như Nhân Văn ở ấp Thái Hà! Ít ra dân cũng nghe chúng tôi nhận tội đã phàn đối chiến tranh như thế nào.
Đại khái nhân dân ta đổ máu quá nhiều rồi, có nên khoan sức dân không? Có phải Mỹ xâm lược Việt Nam thật không và tại sao Cụ Mao kêu gọi căng đế quốc ra khắp thế giới mà đánh nhưng lại không mó đến Đài Loan? Và sao thiên hạ đại loạn thì Trung Quốc lại được nhờ? Trung Quốc hảo hán phải đại loạn trước hết ở Đài Loan để cứu thế gian chứ? vân vân và vân vân…

*

Trong thời gian ba anh nói trên bị tù, Minh Việt mắc cổ chướng. Đào Phan và tôi hai ngả nói với Lộc, phó giám đốc bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho vào nằm như dân thường. Chuồng xí đối diện ngay bên kia hành lang. Vào đó là bước lên một thảm giấy báo lùng nhùng phủ lên mặt sàn đầy phân và nước tiểu.
Trước đó tôi gợi ý Minh Việt viết thư lên Ban tổ chức trung ương đề nghị cho ra nước ngoài chữa bệnh theo tiêu chuẩn lão thành cách mạng. Bệnh hiểm, không tiền, ta cần tranh thủ mọi khả năng, tôi bảo anh. Thì Dương Thông, Nguyễn Trung Thành mời anh lên. Nạt: Anh có biết hiện giờ lẽ ra anh ở đâu không? Ở Hoả lò! Thế mà anh lại làm đơn khiêu khích Đảng!
Lúc này, Minh Việt khổ về bệnh thì Vấn khổ vì hộ khẩu. Phong, vợ sắp cưới của Vấn ở Sài Gòn. Không có hộ khẩu trong đó, anh không được phép cưới công dân của thành phố mang tên Bác, người từng vượt biên đi rất dễ dàng “thời nô lệ”. Vấn phải tìm Huy, người công an cai quản đám xét lại. Anh ta lẩn. Tôi chở Vấn vào tận bệnh viện 198 mở sổ bệnh nhân tìm cả sáng mà không thấy tên Huy đâu mặc dù Bộ công an nói anh ta chữa mắt ở đó. Mãi rồi nhờ đến Xuân Thuỷ, bạn tù của Trần Đình Long, bố vợ Vấn, mới xong. Tù Sơn La, nhớ con gái một lần theo mẹ lên thăm bố, ông Long đi cỏ vê củi thường chọn những gốc lũa đẹp về tạc búp bê cho nó, đã bị Sáu Thọ đội cho cái mũ “uỷ mị tiểu tư sản, nặng đầu óc gia đình”. Nhưng cái vướng nhất của ông có lẽ là từng ở Pháp, ở Liên Xô. Đảng theo Liên Xô nhưng ai ở Liên Xô lâu, trừ Cụ Hồ, Trần Phú, Lê Hồng Phong v.v. thì thường bị coi là “giáo điều” không được giao trọng trách. Bài học Mao từng hạ Lý Lập Tam, Trương Văn Thiên được Liên Xô đào tạo đã được tiểu di sang ta. Lúc Cách mạng tháng Tám, Long chỉ làm cố vấn đối ngoại cho Lê Trọng Nghĩa, ông còn may. Phi Vân, cây lý luận trong tù, cũng ở Liên Xô về đã bị thịt ngay sau Cách mạng tháng Tám. Quốc dân đảng lầm Long là yếu nhân, đã bắt giết ông. Bà Long tìm đến các đồng chí của chồng thì đều hờ hững. Bà ở lại Hà Nội khi đánh Pháp. Ba con bà hoạt động chống Nguyễn Văn Thiệu nhưng sau 75 hai người trai chạy sang Úc, làm tiếp cuộc bỏ trốn của mẹ.
Vấn không chỉ vất vả chuyện hộ khẩu.
Bố Vấn (trước kia mở trường ở Lý Quốc Sư thuê cả Trường Chinh dạy nhưng Trường Chinh đốt cổng chào bị bắt, bố Vấn bị mật thám thẩm vấn liên quan) có một biệt thự 400 mét vuông ở số 5 Đinh Công Tráng. Kháng chiến, cả nhà tản cư về quê. Năm 1952, mọi thứ dắt lưng bán hết, đói, hồi cư. Việc đầu tiên cụ vào Sài Gòn đòi tiền gửi Ngân hàng Đông Dương. Không lấy cớ cụ ra kháng chiến là chống Pháp để quịt cụ, ngân hàng vẫn trả cụ vốn lãi sòng phẳng. Còn ngôi biệt thự thì một đại uý hải quân Pháp đang ở. Cụ đòi, viên sĩ quan này trả liền và trước khi trả đã gọi thợ tu sửa lại như mới. Đặc biệt khi gia chủ nhận nhà thì cũng nhận luôn cả một tệp tài khoản gửi ở ngân hàng gọi là tiền “thuê nhà khi vắng chủ”.
Năm 1955, bố Vấn cho hai cán bộ trí thức thuê hai phòng lớn ở tầng trệt biệt thự này làm văn phòng, có hợp đõng với chữ ký, con dấu của chính quyền hẳn hoi. Hai vị chiếm béng. Bố Vấn kiện. Toà án kêu cho cụ ba tháng tù treo. Tội là phản ứng lại cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản.
Vắng chủ thời Pháp là có chủ. Có chủ thời dân ta làm chủ là vắng chủ. Tất cả tinh tuý của lập trường giai cấp thể hiện ở chỗ nhòm ra chuẩn quy định chủ nhân chân chính của đất nước, xã hội mà chỉ con mắt vô sản tinh vi mới thấy được. Nó đã được nêu rõ trong Tuyên ngôn cộng sản: Chủ nghĩa cộng sản thủ tiêu mọi hình thức tư hữu.
Ai văn minh, ai man rợ?
Trong thời gian “cải tạo”, cán bộ đến nhà Vấn thường nhận xét nhà gì mà đến những năm sáu chiếc Pơ-giô cơ chứ! Ý là xa hoa sa đoạ! Tặng một thế là yên.
Vấn có bạn là bác sĩ Mai Thế Trạch, con bà Lợi Quyền tư sản lớn từng lẫy lừng chuyện quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa trong Tuần Lễ Vàng. Còn lại một ngôi, sau được Ban tuyên huấn trung ương đến hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên Trưởng ban tuyên huấn đã hạ thời cơ tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng giấy lộn. Ai cứ bảo nhà thơ trên gió trên mây. Còn Thế Trạch với số tiền bán nhà kia mua không nổi căn hộ con con ở Sài Gòn. “Quốc tế ca” hát Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình. Quá giỏi!