Chương 8

1910-1916
-Những kẻ nịnh Tây, tâng bốc "Quan Lớn Đại Pháp".
-Trường Quốc Học Huế đến năm 1907 mới có kỳ thi Tiểu-học đầu tiên.
-Trường Nữ-học Đồng Khánh Huế mở năm 1917.
- Năm 1910, toàn xứ Trung-kỳ tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.
- Chiếc xe hơi đầu tiên. Dân chúng hoảng sợ.
- Saigòn năm 1910 tổng cộng dân số: 70.000 người, trong đó chỉ có 40.000 người Việt.
- Có chiếc "xe máy" (xe đạp ) là "văn minh" nhất.
- Saigòn năm 1910, chỉ có tất cả là 5 chiếc ôtô của Pháp.
- Thanh niên Saigòn mang giầy "ma mị"
- Vụ Vua Duy-tân, tháng 5 năm 1916, Huế.
- Ảnh hưởng của Vua Duy-tân ( 16 tuổi ) đối với thanh niên Việt Nam hồi đó.
- Vụ giặc Đồng Bào năm 1908.
Thanh niên Việt Nam theo tân trào tây học,vào khoảng 1910-1916, không phải tất cả đều như Lê văn Thanh. Nhưng Thanh là một nhân vật điển hình của một lớp trẻ mới tiếp xúc lần đầu tiên với uy quyền của nước Pháp bảo hộ, khiếp sợ trước binh lực hùng cường của người Pháp, và khâm phục văn minh cơ khí của Pháp, cho nên họ hùa theo đám quan lại nịnh tây mà tôn kẻ chiến thắng bằng những danh từ tâng bốc thông dụng từ Bắc đến Nam:"Quan Thầy Đại Pháp", "Nhà Nước Đại Pháp"... --"Mẫu Quốc Bảo Hộ" v.v...
Mà chính người Pháp cũng không ngờ. Những khẩu hiệu chính thức ấy không phải do người Pháp đặt ra. Phải nhìn nhận một sự thật rõ ràng là ngay từ lúc Pháp mới sang đô hộ xứ ta, họ chỉ tuyên truyền và đề cao văn minh của họ mà thôi, chớ không khi nào họ bắt buộc người Việt Nam phải suy tôn họ bằng những câu nịnh bợ như trên kia. Họ chỉ gọi xứ họ là "nước Pháp" - La France, chớ không bao giờ tự đề cao là "Đại Pháp", là "quan thầy Đại Pháp " v.v... cũng như họ gọi Viên Toàn Quyền hoặc viên Khâm Sứ của họ là "Ông Toàn Quyền", "Ông Khâm Sứ " v.v... như người Việt Nam suy tôn họ. Cái lối tâng bốc phong kiến tạo nên là do các quan lại "An Nam " xướng ra đầu tiên, rồi các quan Pháp, các thầy Thông, thầy Ký hùa theo xưng hô thành ra thông lệ. Hạng thanh niên "An Nam" làm việc cho Nhà Nước Bảo Hộ thời bấy giờ, hầu hết là hãnh diện được làm tôi tớ cho "Quan Thầy Đại Pháp" và tranh đua nhau nịnh bợ "quan thầy" để được ban bố ân huệ, tước vị, phẩm hàm, "thăng quan tiến chức".
Đa số lớp thanh niên tây học thời bấy giờ chỉ có một mục đích duy nhất là thi đậu dể làm việc cho Nhà Nước tức là "làm Quan":bên Nam-triều từ Quan Huyện, quan Phủ, đến quan Tuần Vũ, quan Tổng Đốc, quan Thương Thư, bên chính phủ Bảo Hộ thì quan Tham, quan Phán, quan "còm mi ", quan Đốc. Dưới một bực là thầy Trợ giáo, thầy Thông, thầy Ký cũng ao ước được làm ông quan nho nhỏ. Cho nên lúc bấy giờ người Pháp nhận xét mỉa mai rằng: "TRONG ĐẦU ÓC MỖI NGƯỜI VIỆT NAM ĐỀU CÓ MỘT ÔNG QUAN", nghĩa là người An Nam nào cũng có tham vọng "làm Quan" cả. Sự nhận xét tổng quát ấy kể ra cũng đúng một phần nào. Vả lại lúc ban sơ người Pháp cần đào tạo cấp tốc một số công chức để giúp việc cho họ trong các cơ sở mới thiết lập: Tòa Sứ, Kho Bạc, nhà Giây Thép, sở Lục Lộ, nhà Thương, nha Thương Chánh,v.v... Mà số thanh niên theo học "chữ Tây" tại các trường Pháp - Việt mới mở còn rất ít oi, cho nên sự học rất được khuyến khích, thi cử rất dễ dàng và học sinh đỗ bằng "tiểu học" đã được bổ dụng ngay trong các công sở, làm "thông ngôn ký lục".
Riêng ở Trung Việt chẳng hạn, (từ 1900 đến 1945, gọi là Trung Kỳ, trường Quốc Học, ở Kinh thành Huế, được mở từ năm 1896, nhưng mãi đến năm 1909 mới bắt đầu mở kỳ thi "Certificat d' Etudes Primaires Franco-Indigenes ". Lúc bấy giờ bằng cấp này còn gọi là bằng Sơ Học, trong dân chúng gọi là bằng "ri-me". Trong làng dạy hai lớp Đồng Ấu và Dự Bị ( lớp Năm, lớp Tư ), trường Huyện, Phủ có lớp Sơ Đẳng (lớp Ba ), trường Tỉnh có thêm lớp Nhì, lớp Nhất. Sau, từ 1917, các trường tỉnh đều đặt thêm lớp Nhì đệ nhị niên, và đổi là Tiểu Học Pháp Việt ( École de Plein Exercise ), trường Quốc Học đổi thảnh trường Cao Đẳng Tiểu Học ( Primaires Supérieures ) Cũng năm 1917 mở thêm trường Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh, riêng cho con gái. Năm 1920, trường Cao Đẳng Tiểu Học Vinh, năm 1921, trường Cao Đẳng Tiểu Học Qui Nhơn.
Năm 1910, các "Trường Nhà Nước" cả Trung Kỳ, tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.
1915 có 2.442 học sinh.
1920 có 30.349 học sinh.
1925 có 41.062 học sinh.
1930 có 62.558 học sinh.
Năm 1930, sự học đã phát triển mạnh mẽ khắp xứ, mà số nữ sinh toàn xứ Trung-kỳ cũng mới chỉ có 1986 người, trong số đó có 47 cô ở các lớp Sư phạm và 494 cô ở các lờp Cao đẳng tiểu học ( thi bằng diplôme), tức là bằng Thành Chung., gần như Trung Học Đệ Nhất Cấp ngày nay.