Một hôm trên pháp tòa đang thuyết giảng về lý Nhân Quả, khi đề cập đến kiếp quá khứ, đức Phật nói với đại chúng rằng: Thuở đời quá khứ vô lượng kiếp có một nhà vua rất mực nhân từ, lấy điều nhân nghĩa hiền đức trị dân, nhờ vậy mà khắp nơi thanh bình lạc nghiệp, dân chúng trong nước mến phục đức vua, nên thường gọi vua là Hiền-Vương. Lúc bấy giờ có vua nước lân bang vô cùng tham lam độc ác, bóc lột dân lành, hành hạ trăm họ, tóm thâu của quý trong thiên hạ dồn vào kho tàng nhà vua. Vì vậy, đâu đâu trong nước của nhà vua ác độc kia cũng nghe thấy tiếng ta thán oán hận. Nhân dân gọi vua đó là Ác-Vương. Vua lân bang tham ác thấy nước của vị vua Hiền-Ðức ngày một thanh bình giàu mạnh, dân chúng sống hạnh phúc ấm no, mới nghĩ bụng rằng, từ lâu nghe nói vị vua Hiền-Ðức nầy chưa từng sát sanh giết hại mạng sống của ai. Nếu nay ta đem quân đánh chiếm thì chắc dễ dàng chiến thắng. Nghĩ như vậy rồi, Ác-Vương liền hội họp triều thần, trình bày kế hoạch xuất quân tấn công nước của vua Hiền-Ðức. Quần thần văn võ bá quan của Ác-Vương đều tán đồng ca tụng Ác-Vương là bậc vua anh hùng tài trí, dũng lược có tài cái thế an bang. Nghe quân của Ác-Vương tấn công xâm lăng nước mình, vua Hiền-Ðức còn đang suy nghĩ tấn thối lưỡng nan, thì các đại thần tướng sĩ hợp nhau lại tâu vua rằng: "Tâu Bệ-hạ! Xin bệ hạ lập tức ra lệnh xuất binh dẹp trừ quân giặc xâm lăng. Hiện nay trong triều không thiếu gì mưu sĩ tướng tài quân giỏi. Xin Bệ-hạ phải nghĩ đến sự an nguy của quốc gia xã tắc và sự sanh tồn của muôn dân mà lập tức hạ chiếu chỉ cấp tốc xuất quân để diệt trừ giặc". Vua Hiền-Ðức nghĩ rằng: "Nếu ta xuất quân thắng địch, thì sẽ gây ra quân ta và quân giặc cảnh đầu rơi máu đổ, tạo điều đau khổ cho vợ con họ biết chừng nào. Còn nếu ta không xuất quân, thì dân tình sẽ tắm máu đào trong cảnh binh đao khói lửa, gây nên tang tóc khóc than ngút ngàn, bởi quân giặc hoành hành. Cho dù thắng hay bại cũng chỉ vì ngôi vị đế vương của ta. Ta không thể nào nhẫn tâm làm việc như thế nầy". Biết được ý nghĩ của vua Hiền-Ðức, nên đã bao lần quần thần hội họp triều kiến khẩn thiết lạy xin nhà vua hãy cấp tốc ra lệnh xuất quân phản công để diệt trừ quân giặc xâm lăng. Nhưng nhà vua vẫn thái độ trầm buồn yên lặng. Quần thần tướng sĩ đều cho như vậy là điều sỉ nhục quốc thể, khinh thường quốc dân, nên họ tự động cùng nhau đồng tâm quyết chí tự điều khiển binh mã ra trận chống giặc. Riêng vua Hiền-Ðức bàn cùng thái tử rằng: "Ta không thể chứng kiến cảnh xương rơi máu đổ, chỉ vì ngôi vị của cha con ta. Vậy cha con ta nên rời khỏi hoàng thành nầy. Mặc cho kẻ giặc muốn chiếm nước chiếm ngôi, miễn bá tánh trăm họ tránh khỏi chết chóc khổ sở là cha an lòng rồi!" Thế rồi, vua Hiền-Ðức và thái tử cùng nhau lén ra khỏi hoàng thành, lẩn tránh lên núi cao rừng thẳm ẩn cư. Vài hôm sau quân giặc tấn công chiếm thành, tiến thẳng vào cung điện nhà vua lục soát, nhưng không thấy vua Hiền-Ðức đâu cả. Quân giặc cả giận truyền lệnh: "Ai tìm bắt được hoặc chỉ chỗ ẩn cư của vua Hiền-Ðức thì sẽ được trọng thưởng trăm ngàn lượng vàng và chức quan lớn". Lệnh nầy chẳng bao lâu truyền khắp cả nước. Sau khi rời khỏi hoàng cung đi ẩn vào chốn thâm sơn cùng cốc, vua Hiền-Ðức ngày đêm tĩnh tọa suy tư sự đời: "Thế gian vô thường mộng huyễn, phú quý danh vọng phù du, quốc gia hưng vong an nguy trong tấc bóng, mạng sống trong hơi thở. Chúng sanh vì sắc tình danh vọng lợi lộc quyền uy, mà đời đời phải trôi lăn lặn hụp trong biển khổ luân hồi". Tư duy việc đời, rồi nghĩ đến thân phận bọt bèo, nên nhà vua suốt ngày sống trong chánh niệm thiền quán. Còn thái tử thì ngày ngày vào rừng tìm hoa trái để dâng cho vua cha độ nhựt. Vua và thái tử đã bắt đầu quen với cuộc sống thanh đạm êm đềm, vui với cảnh thiên nhiên "cái thân ngoại vật là tiên trong đời". Cuộc sống thanh tịnh bình thản trong chốn rừng già tịch mịch đã làm cho hai tâm hồn vua và thái tử an vui với những ngày chim kêu vượn hú, cây cỏ núi rừng, non nước trời mây; đêm đêm thả hồn với trăng sao, cõi lòng hòa cùng với bao la vũ trụ, quên hết chuyện đời. Cuộc sống ẩn dật của nhà vua lặng lẽ trôi qua như dòng suối mát, tưởng thế là đã yên phận. Nào ngờ, bỗng một hôm có người Bà-la-môn đến tìm gặp vua và nói: "Tôi là người đói khổ không đủ cơm ăn áo mặc. Nghe lời truyền rao của vua Ác-Vương rằng: Ai kiếm được Ngài thì sẽ được trọng thưởng trăm ngàn lượng vàng và được quan tước lớn. Vì lẽ sống, tôi không quản ngại cực khổ hiểm nguy, trải qua bao ngày tháng lặn lội đó đây để tìm Ngài, thì mãi đến hôm nay mới được gặp". Vua Hiền-Ðức nghe xong, bình thản đáp: "Hiện nay ta không còn gì hết! Thôi thì ta vui lòng cho nhà ngươi cái thân mạng của ta đây, để nhà ngươi đem nộp cho tân vương thì sẽ được trọng thưởng, hưởng giàu sang, quan to chức lớn". Nghe nhà vua Hiền-Ðức bảo thế, người Bà-la-môn rất đỗi vui mừng nhưng làm bộ than thở nói: "Vì hoàn cảnh chứ tôi nào có đành lòng làm chuyện nầy đâu!" Vua Hiền-Ðức từ hòa nói với người Bà-la-môn: "Ngươi cứ nên làm theo ý định đã thúc đẩy ngươi đến đây tìm ta. Ta vui lòng xả bỏ thân nầy. Ðời người sớm muộn, già trẻ gì rồi cũng một lần chết. Sống mà có ích cho đời thì đáng sống. Còn sống mà không có ích cho đời thì cái sống đó có ý nghĩa gì đâu? Chết mà mà có ích cho ai được nhiều, thì ít nhất cái chết của ta cũng giúp được cho ngươi sẽ có đời sống tốt đẹp hơn. Ðời người chỉ là một giấc mơ. Tất cả thế gian nầy đều là tạm bợ mộng huyễn. Ngươi cứ tự tiện dùng thân mạng ta". Người Bà-la-môn nói: "Nếu lòng từ bi của Ngài đã quyết, thì xin Ngài vui lòng theo tôi vào kinh thành để tôi hiến Ngài lên cho tân vương". Nhà vua đôi lời từ biệt thái tử, rồi theo sau người Bà-la-môn để vào kinh thành. Thái tử kêu gào than khóc, nhưng không dám làm phật lòng vua cha! Vừa thấy vua Hiền-Ðức trong phong thái thản nhiên trước bệ rồng của mình thì lòng vua Ác-Vương rất đỗi ngạc nhiên, không dấu nỗi vui mừng đắc ý và truyền lệnh trọng thưởng cho người Bà-la-môn, đồng thời ra lệnh lập tức giam vua Hiền-Ðức vào ngục tối. Sau khi nhốt vua Hiền-Ðức vào ngục, Ác-Vương ra lệnh truyền rao cho dân chúng biết ngày xử tử vua Hiền-Ðức bằng cách đốt sống. Dân chúng nghe tin nầy, ai nấy đều xúc động rơi lệ khóc than như mất một bậc cha hiền. Việc gì đến rồi phải đến. Ngày đưa vua Hiền-Ðức lên dàn hỏa diễn ra nơi pháp trường. Dân chúng khắp nơi trong nước thương tiếc đổ về pháp trường như nước lũ vỡ bờ, để mong được chiêm ngưỡng bậc quốc phụ của họ lần cuối. Riêng về thái tử, sau khi vua cha rời rừng sâu theo người Bà-la-môn về triều, thì giả dạng làm người thợ săn chen lẫn trong đám thường dân đông đảo đến pháp trường. Trước khi bị châm lửa hành quyết, vua Hiền-Ðức ngước mắt nhìn trời thốt to lên mấy lời tâm huyết cuối cùng: "Hỡi những người con hiếu thảo hãy noi gương cha mẹ hiền đức nhân nghĩa mà dùng Từ-Bi-Hỷ-Xả nhân hậu đối xử với mọi người. Nên lấy ân báo oán, thì oan khiên sẽ tiêu diệt. Không nên lấy thù trả oán thì thù oán sẽ chất chồng, mà kiếp kiếp sẽ phải chìm đắm trong vòng sanh tử trả vay. Hãy nhớ những lời ta đây, hỡi những người con hiếu thảo!" Sau khi vua Hiền-Ðức chết, thái tử trở lại núi rừng, nơi vua cha và thái tử đã từng sống qua những ngày tháng êm đềm thanh thoát, nhưng bây giờ đây chỉ còn lại kỷ niệm mà thôi. Thái tử một mình một bóng sống lặng lẽ với cỏ cây hoa lá thú rừng. Nhưng đôi lúc thái tử nghĩ đến vua cha lòng trào dâng uất hận, quyết tìm cách báo thù. Những lúc ấy, hình ảnh của vua cha hiền từ thản nhiên ngồi trên dàn hỏa thốt lên những lời thống thiết cuối cùng lại hiện rõ về chiếm trọn tim óc của thái tử, làm cho lòng thái tử trở nên bình thản. Ðã nhiều lần nỗi uất hận trào dâng thúc dục như thế, nhưng thái tử đều khắc phục dằn lòng được. Có những đêm một mình một bóng dưới ánh trăng thâu, nghĩ đến cái chết của vua cha, nghĩ đến sự tan tành của cả một hoàng tộc, lòng thái tử xót xa bất an uất ức, khí xung thiên sôi sục trào dâng. Thế rồi, vào một ngày kia, nỗi oán hận căm thù xâm chiếm lòng thái tử. Thái tử không còn có thể yên tâm tiếp tục sống trong chốn u tịch rừng già, nên rời bỏ chốn sơn lâm để giả dạng người thường dân lẩn vào chốn kinh thành quyết chờ dịp báo thù cha, đền nợ nước cho hả dạ. Nhờ sẵn có bẩm tánh tài trí thông minh với sự khôn ngoan lịch thiện khéo léo, nên thái tử đã được người giới thiệu vào làm kẻ tôi tớ giúp việc cho một vị quan đại thần triều đình. Chẳng bao lâu, thái tử đã được phép gần gũi vị quan đại thần và được lòng tin cậy, xem như người tâm phúc, cho làm cận vệ săn sóc hằng ngày. Vị quan đại thần rất đắc ý về người cận vệ tài ba lại chu đáo của mình. Một hôm, nhân lúc cao hứng, quan đại thần hỏi: "Ngoài việc hằng ngày con hầu cận bên ta, con còn có tài đặc biệt nào nữa không?" Thái tử đáp: "Nghề nào con cũng có thể làm được. Nhưng đặc biệt là nghề nấu ăn thì con có khả năng và thích thú nhất". Quả thật không sai, sau mấy lần nấu ăn, quan đại thần rất hài lòng về hương vị những món ăn do thái tử nấu. Từ đấy trở đi, quan đại thần lấy làm đắc ý, thường bày yến tiệc mời vua và các quan đại thần trong triều. Ðặc biệt, mỗi lần vua dự tiệc do thái tử đích thân đầu bếp thì đều Ác-Vương tấm tắt khen thức ăn đặc biệt ngon. Nhờ sự khéo tay, chẳng bao lâu tiếng khen về tài nấu ăn của thái tử được đồn khắp cả hoàng triều. Biết được ý vua muốn người đầu bếp của mình, đồng thời vị quan đại thần nầy cũng muốn đẹp lòng vua, nên đã tiến cử thái tử để cho vua dùng. Nhà vua được người đầu bếp đặc biệt xuất sắc, nên rất đỗi hài lòng. Chẳng bao lâu, thái tử được nhà vua thương mến tin cậy, phong chức quan yến trù để coi việc ăn uống và yến tiệc cho vua. Nhờ cách ăn nói khôn ngoan, với tài nấu thức ăn khéo léo, chẳng bao lâu thái tử được vua xem như người tâm phúc, luôn luôn được gần gũi bên cạnh vua. Từ ngày được hôm sớm hầu cận chăm sóc thức ăn cho Ác-Vương, thái tử lại càng tỏ ra tế nhị khôn khéo hiền hậu chân thật, nên Ác-Vương vô cùng thương mến tin cẩn. Một hôm Ác-Vương bảo thái tử chuẩn bị thức ăn để cùng vào rừng săn bắn. Trong lúc Ác-Vương hứng thú mải mê đuổi theo một con nai, nên bỏ đoàn tùy tùng cách xa phía sau. Chỉ có Ác-Vương và thái tử đuổi theo nai lạc sâu vào rừng già. Ðến trưa, Ác-Vương quá mệt mỏi nằm nghỉ dưới gốc cây, trao bảo kiếm cho thái tử cầm giữ. Dưới bóng mát, gió rừng phảng phất hiu hiu, hương rừng thoảng nhẹ, Ác-Vương gối đầu lên bắp vế của thái tử ngủ say lúc nào không hay. Trong lúc đó, thái tử nghĩ rằng: "Giờ đây kẻ thù đã nằm trong tay ta rồi!" Thái tử rút gươm định chém Ác-Vương. Nhưng ngay khi đó, lời trăn trối của vua cha vang vọng sống dậy nơi lòng: "Hỡi những người con hiếu thảo! Không nên lấy oán trả oán, thì oán sẽ diệt dứt... " Rồi thái tử lại nhè nhẹ tra thanh kiếm vào vỏ. Ba lần rút kiếm ra định chém đầu Ác-Vương. Nhưng ba lần hình ảnh của vua cha Hiền Ðức hiện rõ về trong tâm thức với lời trăng trối thống thiết trước khi chết trên dàn hỏa đỏ rực, làm cho thái tử ngừng tay. Ác-Vương giựt mình tỉnh giấc hoảng hốt kêu to trong giọng nói kinh hoàng, đôi mắt trân trân nhìn thái tử nói: "Vừa rồi trẫm chiêm bao thấy có người cầm gươm muốn giết trẫm! Kinh khủng quá!" Thái tử từ tốn lễ độ thưa: "Tâu Bệ-hạ! Có lẽ bệ hạ vì quá mỏi mệt, nên ngủ chiêm bao thế thôi. Có hạ thần đây rồi, ai mà dám hại Bệ-hạ! Xin Bệ-hạ cứ yên tâm". Ác-Vương nghe người đầu bếp tâm phúc của mình nói thế, lấy làm yên lòng rồi năm ngủ tiếp. Nhưng chẳng bao lâu, nhà vua lại giựt mình hoảng hốt thốt lên: "Trẫm chiêm bao thấy có người rút gươm muốn giết trẫm!" Ðến lần chiêm bao thứ ba, Ác-Vương quá kinh hãi về giấc mộng khủng khiếp, nên ngồi chỗi dậy kể cho thái tử nghe: "Trong giấc chiêm bao, trẫm thấy rõ thái tử con vua Hiền-Ðức rút gươm muốn chém ta! Lạ thật! Tại sao chỉ trong thời gian ngắn, mà trẫm đã ba lần chiêm bao giống nhau như thế nầy?" Ác-Vương rất đỗi lo âu cho mệnh hệ của mình. Thái tử thấy thái độ của Ác-Vương bàng hoàng khủng hoảng, động mối từ tâm, không còn muốn che dấu nỗi lòng sâu kín đã ấp ủ từ lâu, liền bày tỏ tự sự với Ác-Vương: "Tâu Bệ-hạ! Bệ-hạ có biết chăng? Con của tiên vương Hiền-Ðức chính là hạ thần đây! Trong khi Bệ-hạ mỏi mệt say mê trong giấc ngủ, hạ thần đã ba lần rút gươm toan muốn chém đầu Bệ-hạ để trả thù cho Phụ-vương. Nhưng nhớ lại lời phụ vương của hạ thần khi bị đưa lên dàn hỏa bức tử, trước khi nhắm mắt, người còn thống thiết căn dặn: "Hỡi những người con hiếu thảo! Không nên lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng. Nên lấy ân trả oán, thì oán sẽ dứt diệt..." Do vậy mà hạ thần đã dừng tay. Và sáng nay, khi mải mê rượt đuổi nai, hạ thần cố ý làm cho Bệ-hạ lạc vào rừng sâu, chứ đâu phải hạ thần không biết lối ra! Hạ thần đã có những việc lỗi lầm như thế, xin Bệ-hạ tùy ý xử phạt". Ác-Vương nghe thái tử thuật xong, rất đỗi xúc động phán rằng: "Ta rất khâm phục tiên vương là bậc nhân đức.Ta rất xúc động quý mến khanh là kẻ chí hiếu đáng nêu gương cho đời noi theo. Còn so lại ta đây, thật quả là kẻ quá tham ác tàn nhẫn. Giờ đây ta hiểu rõ điều thiện lẽ ác rồi. Ðúng lúc ta vui lòng đền tội để giải nỗi oan khiên khổ tâm thầm kín của khanh bấy lâu". Nghe qua những lời nầy, thái tử quá xúc động quỳ khóc trước mặt Ác-Vương, rồi ngước mặt lên trời phát nguyện những lời thống thiết: "Giữa Bệ-hạ và tiểu thàn nầy kể từ nay trở đi không còn thù hận gì nửa. Xin Trời Ðất và Phụ-vương chứng cho lòng thành của con!" Ác-Vương cảm động nắm lấy tay của thái tử rưng rưng rơi lệ, nghẹn ngào thốt không nên lời. Thế rồi hai người, Ác-Vương và thái tử cùng nhau ra khỏi rừng già, thì thấy đoàn tùy tùng đều lộ vẻ lo âu cho nhà vua, họ đã chờ đợi nhà vua từ lúc nào. Ác-Vương hướng về đám quần thần tùy tùng nói lớn: "Các khanh hãy nghe đây! Hôm nay ta muốn cho các khanh biết một điều tối quan trọng. Các khanh có biết thái tử con của tiên vương Hiền-Ðức giờ nầy đang ở đâu không?" Mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau trước câu hỏi bất ngờ của Ác-Vương. Thì trong đám tùy tùng có một đại thần bước ra quỳ gối tâu rằng: "Tâu Bệ-hạ! Khi hành quyết hỏa thiêu vua Hiền-Ðức, thì thái tử con của vua ấy đã thất kinh hồn vía chạy lạc mất cho đến nay, không còn biết tông tích ở đâu nữa cả". Ác-Vương xoay lại nắm lấy tay thái tử giơ cao lên hướng về mọi người mà phán to rằng: "Ðây chính là thái tử con của tiên vương Hiền-Ðức. Ðúng là một người con chí hiếu, một bậc trung thần nhân hậu, không trả thù, mà lấy ân báo oán. Nhờ đức tánh trung hậu quân tử đó, nên ta còn được sống mà gặp lại các khanh nơi đây. Nếu không, ta đã rơi đầu nơi rừng sâu, đâu còn có cơ hội gặp lại các khanh nữa. Nay ta quyết định trả nước lại cho thái tử và làm lễ đăng quang để thái tử lên ngôi kế vì tiên vương Hiền-Ðức. Từ đây hai nước kết giao thân hữu". Trước lời tuyên bố bất ngờ của Ác-Vương, quần thần ngơ ngác ngạc nhiên. Sau đó, thái tử được suy tôn lên ngôi vua, dân chúng cả nước vạn triệu người như một hân hoan khấp khởi vui mừng, âu ca lạc nghiệp. Giảng xong câu chuyện tiền kiếp trên đây, đức Phật hướng về đại chúng nói rằng: "Vị Ác-Vương ở thời quá khứ kia chính là Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn vị thái-tử trung hiếu kia là tiền thân của A-Nan. Vị vua Hiền-Ðức thời quá khứ đó chính là tiền thân của Thích-Ca Như-Lai đây vậy".