Hồi ức làng Che

Hồi ấy tôi đoạt giải cuộc thi thơ của huyện, bài " Đồng hợp tác quê em bội thu ", đoạt giải A 1 trong bốn giải A. Người làng Che vui vẻ trầm trồ:" Con nhà Linh sớm khiếu văn chương, đúng nhà nòi, ông nội nó ngày xưa hay chữ nổi tiếng khắp vùng, lều chõng vô Huế thi mãi không đỗ, đành về làng gõ đầu trẻ ".
Lão Trạch cười khẩy: " Con hơn cha nhà có phúc! Thằng cu Nhọi hơn cả ông nội, phát mả chắc!"
Mẹ tôi từ huyện ủy về đến nhà, nghe câu ấy, bực lắm. Mẹ làm dâu họ Chu nhà tôi nhưng là người họ Đậu nhà lão Trạch, thuộc chi trên ngang vai với lão: " Cậu bảo mả nhà ai phát? Mả họ Chu hay mả họ Đậu? Cậu khen, cậu chửi nói thẳng thớm ra coi.Nói thế không sợ làng xóm người ta vả vào mồm à? " Lão Trạch lại cười, kiểu cười rất khó chịu. Nghe nói từ thời cải cách ruộng đất đến giờ lão thường cười theo kiểu ấy.
Buổi tối, tôi đến chỗ hẹn dưới gốc cây thị bên bờ ao cá sau nhà lão Trạch, đã thấy Nhàn đứng đợi. Mừng quá, tôi ôm choàng lấy em hôn tới tấp lên mái tóc dài thoảng thơm mùi hương nhu. Nhàn cứ gục đầu vào ngực tôi sung sướng, run rẩy. Em khóc, nấc nghèn nghẹn trong vòng tay tôi. Làn môi em nóng rực và mặn chát,gương mặt nhòa trong nước mắt: " Em thấy tủi thân quá anh ơi ". " Tủi cái gì? Anh chỉ thấy mừng. Bài thơ ấy anh viết tặng em đấy, em bé của anh ạ ".
- Anh thì lúc nào cũng thơ với... Nhàn ẩy nhẹ tôi ra. Báo anh hay, bên xóm Trại đánh tiếng đưa trầu sang rấp ngõ nhà em.
- Kệ người ta.
- Anh không sợ mất em ư?
- Mất sao được. Anh với em yêu nhau, chúng nó biết cả rồi. Thách bố con nhà thằng cu Chiến cối dám sang.
- Nhỡ họ sang thật thì sao?
- Thì em vứt mẹ đĩa trầu ra vườn.
- Nói như anh. Rõ khổ. Anh ương gàn thế, sao em lại yêu anh hở trời? Anh phải bảo mẹ anh sang nói chuyện với bố em ngay. Nhàn nói như ra lệnh, đôi môi mím chặt ra vẻ giận dỗi nhưng hai má phụng phịu rất dễ thương.Tôi phân trần một cách khổ sở chuyện buổi chiều mẹ tôi và bố Nhàn cãi nhau vì phát mả phát mồ. Nhàn nghe mặt buồn rượi: " Mặc kệ anh đấy. Em chẳng biết!". Tôi không thể nói với Nhàn từ lâu mẹ tôi vẫn có răn đe việc tôi tình ý với em. Tuy thế tôi vẫn nói cốt để Nhàn yên lòng: " Yêu em! Lấy em! Anh đã quyết, không ai cản được anh đâu!".
Có tiếng lão Trạch gọi, Nhàn vội hôn tôi, cắn một cái đau điếng, rồi chạy vụt vào nhà. Tôi đứng trơ bên gốc thị, tâm tư ngổn ngang. Tiếng cá đớp mồi dưới ao bèo vọng lên nghe lỏng bỏng, rời rạc... Trong sân nhà Nhàn chủ khách chào nhau sang sảng. Thế là rõ, bố thằng Chiến cối vác mặt sang đặt trầu đây.
- Nhàn! Bố đã dặn ở nhà, mày đi đâu về? Lão Trạch quát.
- Con sang gặp anh Đức nhà bác Linh.
- Hử, nhà thằng Nhọi? Khớ khớ... Lão cười khẩy.Nó vừa đậu trạng nguyên thơ phú đấy ông phó a.
- Vâng.Thằng Nhọi thơ thẩn hay đáo để. Lão phó xen vào. Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền. Anh Chiến nhà tôi mỗi tháng đóng bốn cái cối xay...
- Biết thế - Lão Trạch đỡ lời - ấy là nói chuyện cái thằng Nhọi nó cũng đi lại với cháu Nhàn nhà tôi.
- Thứ ấy dài lưng tốn áo chỉ giỏi lẻo mép thôi, ông Trạch ạ. Lạ cho cái nước Nam ta, xã thi thơ, huyện thi thơ, hàng tỉnh thi thơ, cả nước thi thơ... Hóa ra Thịnh Đường tái lai hở ông.
Tôi tức không chịu nổi, họ đang nói xấu tôi. Tôi cúi xuống lựa một cục đá to bằng trái ổi nhằm lưng lão phó cối vung thẳng cánh.
- ối! Lão ôm đầu nằm chỏng quèo ra sân. Lão Trạch chồm tới.
- Kìa ông Phó. Ông làm sao thế? A, quân khốn nạn. Đứa nào ném đá vào nhà tao? Có giỏi vào đây bớ quân ném đá giấu tay! Mẹ bố chúng mày!
Cả xóm huyên náo, dân quân mang súng chạy rầm rập. Tôi luồn một hơi về nhà rúc vội vào giường ngủ kỹ. Nào có ngủ được. Gương mặt Nhàn vời vợi, nụ cười khẩy đểu giả của lão Trạch, bố thằng Chiến cối ôm đầu quằn quại, tất cả cứ lởn vởn trước mắt. Dù sao hôm nay vẫn là ngày vui của đời tôi. Từ giường trong, mẹ trở mình, thở dài ngao ngán:
- Nhọi Đức à, con ngủ chưa?
- Dạ chưa, mẹ.
- Con định lông bông đến bao giờ. Mẹ muốn con gác chuyện yêu đương lại, ôn bài vở sang năm thi đại học một kỳ nữa.
- Thôi mẹ ạ. Con đi bộ đội cho xong chuyện. Con đã gởi đơn lên xã rồi. Đợt này con đi...
Tôi thấy mẹ lặng đi một lúc lâu,từ trong cái không gian đang chùng xuống bỗng bật lên hai tiếng nấc:
- Tuỳ con! Mẹ chỉ mong con khôn lớn nên người.
Khổ thế! Trước mắt mẹ, tôi bao giờ cũng là đứa trẻ, thằng Nhọi ngỗ ngược chưa thể là người lớn!

*

Thời cải cách ruộng đất nhà lão Trạch bị qui thành phần địa chủ. Bọn hậu sinh chúng tôi lớn lên nghe người làng kể lại lắm chuyện vừa sợ hãi vừa thấy buồn cười. Thuở ấy mẹ tôi cũng là cốt cán ở xã. Nhất đội nhì trời. Làng Che khá đông nóc nhà, tuy thế quy đủ năm phần trăm địa chủ theo mức khoán, tất có người bị oan. Lão Trạch lực điền nổi tiếng, cầm cày vung roi đánh trâu dữ đi như xé đất, biết làm ăn căn cơ mà nên nhà cửa ruộng vườn. Lão cũng bị lôi cổ ra đình để bần cố nông đấu tố. Người đấu hăng nhất là anh cu Diến, hiện bây giờ làm Bí thư đảng ủy xã, con bác ruột tôi. Anh mới mười lăm tuổi đầu, được Đội bồi dưỡng kỹ lưỡng, cho làm chánh án phiên tòa xử tội lão Trạch, nói năng giỏi ra phết.
- Địa chủ Đậu Trạch nghe đây. Vì sao bố mẹ tao chết. Mày biết không?
- Dạ biết, thưa ông: Hai ông bà chết đói năm Dậu, hồi đó Nhật đóng đồn Vằng bỏ chạy, ông cũng sắp chết đói bị vứt ở đống rơm nhà con.
- Tao ở cho nhà mày, mày bóc lột tao, mày biết không?
-Dạ biết - Lão hơi nhếch mép, mấy con ruồi đang bâu quanh, hai tay bị trói thúc ké vào gốc gạo nên không tài nào đuổi được.
-Mày bắt tao đi chăn trâu cho nhà mày từ lúc lọt lòng mẹ có đúng không?
- Dạ... chưa đúng lắm, thưa ông.
- A, ngoan cố! Anh Diến bỗng nhớ ra, hỏi xong thỉnh thoảng phải hô khẩu hiệu để lấy khí thế, liền hô to: Đả đảo địa chủ! Mọi người đáp lời anh muốn vỡ sân đình. Đả đảo địa chủ!
- Vậy chiếu theo điều sáu khoản ba của "ét en lờ"( SL) địa chủ Đậu Trạch mày đáng tội xử bắn - Anh hô to - Xử...bă..ắn!
Nhưng lạ thay, đáp lời anh sân đình im phăng phắc. Lão Trạch nhắm tịt hai mắt lại, sợ vãi đái ra quần, hồi lâu mới hé nhìn xung quanh. Những khuôn mặt người làng Che thân quen đang nhìn lão, ánh mắt họ thương hại nhiều hơn là căm thù.
Lão Trạch đi tù, ruộng bị tịch thu, năm gian nhà ngói bị tịch thu, chia đều cho cố nông. Hai năm sau,sửa sai, lão trở về làng, được hạ thành phần xuống trung nông, trả lại ba sào ở đồng Hên, trả lại ba gian nhà bếp lợp ngói. Dằm vườn cũ cây cối bị chặt hết còn lại mỗi cây thị sau bờ ao cá đặc bèo Nhật Bản.
Năm làng Che hợp tác hóa, mỗi mình nhà lão Trạch khăng khăng từ chối không chịu vào tập thể, vì lão ghét mẹ tôi là Chủ tịch xã, ghét anh Diến là chủ nhiệm Ban quản trị. Lão tuyên bố công khai:
- Tôi không làm ăn chung với quân phản phúc! Lão cười khơ khớ. Mả họ Đậu động, có mấy mống con gái lấy phải chồng họ Chu.
Câu này đích thị chửi cạnh khóe mẹ tôi nhưng mẹ tôi không hề nói lại vẫn kiên trì sang tận nhà vận động hai vợ chồng lão điều hơn lẽ thiệt!
- Cậu mợ không vào hợp tác, tương lai các cháu ra sao? Bà Trạch len lén nhìn chồng: " Ông ơi, có nghe cô Linh hỏi không ông?"
- Bà hay nhỉ! Tôi đã điếc đâu - Lão Trạch gắt vợ - Đàn bà thì biết cái chó gì mà xen vào. Tôi là công dân, tương lai con tôi cũng là công dân. Làm vương làm tướng đã có con cháu họ Chu làm hết rồi.
Mẹ tôi vẫn ôn tồn: " Cậu mợ đã cày ruộng một đời, chẳng lẽ lại để các cháu suốt đời theo trâu ".
- Thôi, tôi xin các người, tôi đã đứng trên ba sào ruộng ngấu ở đồng Hên mà suy nghĩ kỹ lắm rồi. Chỉ sợ không có ruộng cày, không có trâu theo, mấy đứa con tôi được làm nông dân tức là phúc đức họ Đậu còn bền.
Hoạt động duy nhất lão được tham gia cùng mọi người làng là ra đình bầu cử Hội đồng nhân dân. Cầm tờ phiếu lên lão lẩm bẩm: " A, con mẹ Linh. A, thằng cu Diến. Ông gạch tên chúng mày để hai đứa về đi cày xem nông dân chúng ông khổ đến mức nào!"
Bác trưởng ban bầu cử đến rỉ tai:
- Ông gạch hai trường hợp này là sai tinh thần chỉ đạo của trên rồi. Phải gạch hai trường hợp dưới cùng cơ.
- Tự do bầu cử sao còn chỉ đạo với chỉ dụ.
- Này, nói nhỏ thôi đồng chí cử tri ơi, chỗ này không được to tiếng bậy bạ. Chỉ đạo để tập trung phiếu, tập trung dân chủ.
- Ra thế: Tôi lạc hậu, sống ngoài đoàn thể nên mất nết đi rồi. Thích ai tôi bầu, ghét ai là tôi cứ gạch béng! Anh Diến có mặt từ đầu để ý thái độ của lão, không kìm được cơn giận, bước tới nghiến răng quai hàm bạnh ra:
- Thời kỳ quá độ bị kéo dài thêm là do loạùi người như ông. Coi chừng bánh xe lịch sử sẽ nghiến nát ông như cám. Chủ nghĩa xã hội thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, thay mặt nhân dân chúng tôi sẽ tính sổ với ông.
Mặt lão Trạch hơi tái đi nhưng miệng vẫn cười cười:
- ấy chết, đồng chí ứng cử viên, sao nỡ nặng lời. Hôm nay là ngày hội của quần chúng. Ê hê...
Mình lão làm sao cản được lòng dân. Khóa nào mẹ tôi và anh Diến cũng trúng cử. Lão tức quá:
- Lần sau, ông đéo đi bầu nữa. Bầu bán cái cóc khô. Cứ như sắp khoai lang vào ấm đem luộc, củ to xuống dưới, củ nhỏ lên trên. Kỳ nào cũng rặt mấy cái mặt ấy.
Trước con mắt người làng Che, ông Trạch là cái lô-cốt bảo thủ chậm tiến, không ai dám dây vào vì sợ liên lụy. Đã có lần lão bị công an huyện mời lên vì tội phát ngôn vô tổ chức có tính chất mấp mé phản động.Trên ba sào ruộng ở đồng Hên lão cấy toàn giống Ba tháng, Dự hương, Chiêm trăng, nếp Rồng. Nồi cơm nhà lão mở vung ra mùi thơm như canh mướp hương bốc lên làm cả xóm điếc mũi. Trong khi đó đồng Hợp tác xã Thành Công, tên mới của làng Che, đã thay đổi giống mới cao sản liên tục từ Trân châu lùn, 813 sang NN8, NN22,IR8... Giống mới cây lúa ngắn tày gang, không có rạ lợp nhà,có người lén trốn việc hợp tác đổi công cấy cho lão để lấy rạ đánh tranh. ác thế, có tiền mua lão không bán:" Đổi công tương thân thương ái. Tôi có phải con buôn đâu.Buôn bán để mang tội chống chủ nghĩa xã hội. Tôi không có dại!" Ai muốn cấy nếp Rồng trên đất năm phần trăm, dặn trước lão nhượng mạ, không chịu nhượng lúa giống: " Đong lúa giống cũ cho mấy bà, thằng Diến hắn quy cho tội cản trở khoa học kỹ thuật... phá hoại cách mạng xanh. Tôi đã thử vào tù một lần rồi, chả thích vào đó nữa. Ha ha, trong ấy đúng là nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Các bà thông cảm. Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì trái bồ hòn... "
Anh Diến lên công an huyện phản ảnh: " Lão Trạch này thâm lắm. Đề nghị các đồng chí chú ý hắn. Tôi ngờ hắn có liên hệ với gián điệp CIA. Hợp tác xã Thành Công là trọng điểm nông nghiệp của huyện ta. Hắn phá phong trào bằng cách đánh vào tâm tư tình cảm của bà con xã viên. Tôi đã bắt mấy người cấy đổi công cho nhà hắn phải làm bản kiểm điểm. Đời nhà ai, xã viên hợp tác xã bậc cao lại đi làm thuê cho một thằng nông dân cá thể bao giờ. Vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ tập thể! "
Mặc kệ ai muốn theo dõi, cô lập, nói xấu... Dường như lão Trạch không hề sợ hãi, không hề để tâm, chỉ lo làm ăn.
Gia đình lão Trạch đã sống ngoài lề thói làm ăn tập thể của làng Che từ khi có Hợp tác xã Thành Công. Chỉ một mình lão nghênh ngang được với đời, con cái lão người nào tâm tư cũng nặng nề mặc cảm. Hai người con trai đầu: anh Chân, anh Thành đi bộ đội vào tít trong Nam, nghe nói đi Bê dài không có tin tức gửi về. Mỗi khi làng xã có báo tử, đêm đêm bà Trạch gạt nước mắt khóc thầm, lo phận con mình. Hai anh em sinh đôi Đơn và Giản học hết lớp bốn, buồn nản vì chúng bạn xa lánh đành rủ nhau bỏ học, vác cưa xẻ lên mạn ngược kiếm sống. Dăờm ba tháng lão nhắn về làng, gách vác công điểm nghĩa vụ thủy lợi 202. Xong việc hai anh em lại tay nải quả mướp lên đường. Riêng em Nhàn ra đời xinh đẹp như một bông hoa muộn màng của gia đình ấy.Em thừa hưởng của mẹsắc đẹp thời con gái, cô hàng xén nổi danh chợ Phủ khi xưa. Lão Trạch cưng cô gái rượu lắm, cho học hành tử tế: " Về già tôi nhờ con này, đếch mong được nhờ mấy anh nhọ dái kia. Cùng lắm chúng nó chỉ làm được đến chú giải phóng quân miền Nam anh hùng ".
Tôi yêu Nhàn, một tình yêu học trò thơ mộng nhưng không ít vị đắng cuộc đời. Nhàn không được vào Đoàn dù em rất tha thiết viết đơn xin, không được thi học sinh giỏi, không được làm hồ sơ thi đại học, trăm sự thiệt thòi chỉ vì ông bố gàn dở không chịu xin vào Hợp tác xã...
Thầy Đương hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ nhà trường đi họp huyện ủy than phiền với mẹ tôi:
- Em Đức học khá nhưng quan điểm giai cấp chưa rành mạch. Em hay bảo vệ cho một em gái gia đình cá thể chị ạ. Gần đây tập thể thầy giáo và học sinh còn phát hiện hai em viết thư tình cho nhau. Không khéo rồi sai phạm đạo đức luyến ái quan cách mạng. Lo cho em, bọn tôi còn lo uy tín của chị nữa.
- Có phải con bé Nhàn nhà ông Trạch làng Che không -? Mẹ tôi cau mày hỏi:
- Dạ, phải. Thế ra chị cũng biết.
- Tôi cũng người làng Che, thằng Đức về nhà có kể cho tôi nghe chuyện con Nhàn không được vào Đoàn, nó hậm hực ghê lắm. Thôi, cháu còn nhỏ dại, bố đi xa, mẹ bận công tác, trăm sự nhờ các thầy.
- Thưa chị... Thầy Đương gãi sồn sột lên cái đầu húi đờ-mi-cua, bộ tóc rễ tre dựng lởm chởm - Đáng lẽ ra đợt này chúng tôi đưa em Đức vào diện đối tượng Đảng... Chị thông cảm.
Mẹ tôi cười rơi cả nước mắt:
- Vâng, cảm ơn các đồng chí quan tâm đến sinh mệnh chính trị của cháu. Nó còn con nít lắm, chính tôi chưa bao giờ nghĩ nó là đồng chí của tôi cả. Còn tranh ăn làm sao cho vào Đảng được hở thầy.
Tôi dẫn Nhàn lên tận cơ quan Huyện ủy để thanh minh với mẹ nhờ mẹ bằng uy tín của mình, thuyết phục nhà trường cho Nhàn vào Đoàn và được thi đại học. Mẹ chẳng trả lời, nheo đôi mắt bắt đầu già nua nhìn Nhàn:
- Cô thật không ngờ cháu lớn mau thế, lại giống mẹ như đúc. Cũng lạ, ngày xưa bà ấy đẹp lắm, bao nhiêu là đàn ông xâu vào, kể cả bố thằng Nhọi Đức nữa nhưng mẹ cháu chỉ ưng mỗi ông Trạch bố cháu thôi đấy - Mẹ nói bằng một giọng xót xa. Tôi không thể hiểu mẹ thương thân phận bà Trạch hay thương phận mình. Bố tôi là đại tá, ông đi biệt từ thuở thanh xuân nay còn ở bên Lào. Tôi biết hình như... bố cũng không yêu mẹ, ông ít về nên mẹ chỉ đẻ được một mình tôi. Tình vợ chồng của hai người cứ như cơn gió thoảng qua.
Lúc ấy lão Trạch bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng bác Đình bí thư huyện ủy, gây nên một trận huyên náo. Ông ta ở trần bộ ngực nổi vồng nổi múi như đô vật sắp bước vào sới: " Thưa ông Bí thư, tôi lên đây xin ông cho mượn con trâu về cày ". Bác Đình đứng trên thềm, thân hình hom hem vì chứng đau dạ dày kinh niên, hai tay bác cứ thọc vào dưới tà áo xoa bụng, mặt nhăn nhó:
- Cái gì? Trâu hử? Trâu đâu nơi tôi mà ông hỏi mượn? Ông là ai?
- Dạ tôi là Đậu Trạch, nông dân cá thể làng Che, Tổng Tiên Long.
- Làng? Tổng? Trâu? Bác Đình trố mắt nhìn con người trước mặt mình tưởng như ông ta mới từ thời phong kiến trở về. Giọng bác đầy bực dọc - Đây là huyện ủy. Là cơ quan Đảng. Chỉ giải quyết việc Đảng. Ông hiểu không? Trâu bò nào ở đây.
Lão Trạch hầu như không chú ý lắm lời lẽ của Bí thư huyện ủy, cứ gào lên:
- Tôi có bốn thằng con đi Bê. Hai thằng Bê dài, hai thằng Bê ngắn. Thuế nông nghiệp đóng đủ, một năm sáu chục công nghĩa vụ thủy lợi làm đủ. Nó giết trâu tôi, rồi không cho tôi mượn trâu cày, tôi phải lên tận đây mượn ông.
-A, ông này định lên đây biểu tình phải không? Bác Đình quát to: Các anh các chị văn phòng đâu? Đây có phải là cái chợ không? Để ai muốn vào thì vào hả? Bác Đình tức tối bốc máy điện thoại gọi công an huyện. Mẹ tôi chạy sang nói nhỏ:
- Báo cáo anh, đây là ông cậu họ nhà tôi có máu dở hơi. Có lẽ dưới xã thằng Diến làm ăn thế nào đó, ông ấy kiện tận đây. Trường hợp này xin anh để tôi giải quyết. Mẹ quay sang lão Trạch: Mời cậu sang bên phòng tôi nói chuyện cho tỏ ngọn ngành.Nếu cậu muốn vào Đảng thì mới lên chỗ này. Tại sao cậu dám lên đây mượn trâu?
Lão Trạch ngồi bệt ngay trước cửa phòng, thở hổn hển, hai tay bó gối vẻ bất lực.Mẹ tôi mời cách gì cũng không chịu ngồi lại bên bàn, tôi bưng bát nước chè xanh mời. Lão đưa mắt nhìn tôi, uống cạn một hơi, cơn nóng giận dường như dịu xuống. Lão kể lể với mẹ, lời nói chứa đầy sự đau đớn:
- Thưa... trình với cô. Hồi sửa sai tôi được trả một góc tư trâu chung với bà chắt Hợi. Thằng Chân, thằng Thành đi Bê dài xã cho thêm hai góc chính sách là ba góc tư. Đến khi thằng Đơn thằng Giản đi Bê ngắn người ta hứa cho thêm một góc nữa là trọn con trâu.Tôi xin về nuôi mấy lần, nhà Diến nó cứ nói úp mở: " Ông có bốn góc chân trâu nhưng còn thiếu cái đầu trâu ". Mãi vừa rồi, Ban quản trị nhất trí giao cho tôi con trâu sứt ú, khó bảo nhưng kéo khỏe. Nhà Diến lại bảo xong vụ mía đã. Tôi đóng chuồng để bỏ ngỏ cả mấy tháng chờ trâu. Nhà Diến bắt con trâu sang xóm Trại kéo che, thằng cu nhà nó ngồi đun bã sơ ý để cho che kẹp nát hai bàn tay. Thế là họ đổ tội con trâu sát nhân, sai dân quân đem ra đình bắn, ngả thịt. Coi như tôi mất đứt con trâu. Từ bữa ấy chẳng thấy ai bảo giao cho tôi con khác. Hỏi thì họ trả lời xã đang thiếu sức kéo lên huyện mà hỏi trâu chính sách. Tôi già rồi... Tôi thiếu sức cuốc cô ạ... Thật muối mặt mà lên chỗ này - Lão òa lên khóc. Lần đầu tiên tôi thấy ông già khóc, lão Trạch khóc không làm người ta thương mà làm người ta thấy rờn rợn da gà.
Không bao giờ tôi quên cái tiếng khóc kinh khủng ấy.Từ nãy, Nhàn sợ bố nhìn thấy, trốn sau nhà vội chạy tới ôm lấy lão:
- Bố ơi, con thương bố quá! Nhàn khóc tấm tức Bố về đi! Con xin bố, con lạy bố! Ai lại đến đây kêu khóc thế này.
Sự xuất hiện của Nhàn làm lão Trạch ngừng khóc, đứng bật dậy nhìn con gái trừng trừng:
- Mày...thế mày đến chỗ này làm gì? Thôi rồi. Khổ thân con gái tôi, lời đồn quả không sai. Không được con ơi. Đũa mốc chòi mâm son... Đi về đi! Đồ ngu! Lão sấn sổ nắm tay Nhàn lôi xềnh xệch ra khỏi cổng cơ quan Huyện ủy. Mọi người xúm lại nhìn theo như nhìn đám xiếc bán thuốc rong ngoài chợ.
Mẹ tôi chết lặng người, gục xuống bàn:" Nhọi, con làm nhục mẹ. Danh giá nhà ta còn gì nữa ".
Tôi cãi:" Không, con chả có lỗi với bố mẹ. Chúng con bị lăng nhục thì có. Nhất là Nhàn. Chỉ vì bố không vào Hợp tác xã mà Nhàn phải chịu nhục như thế chăng? Mẹ, Nhàn có lỗi gì? Mẹ vẫn dạy con không được khinh người, không được quên ông ngoại vốn xuất thân là một người ăn mày.Có phải vì bố mẹ làm cán bộ nên con không được chơi thân với những người có thân phận như Nhàn?"
Mẹ nhìn tôi sững sờ, bởi đây là lần đầu tiên tôi ăn nói hỗn hào đến thế. Gần như cả cơ quan ùn ùn kéo đến phòng mẹ tôi, người ta đang khoái chí kể lại sự điên khùng của lão Trach. Tôi vội lẻn ra giếng, vục gàu múc nước dội lên cái đầu đang nóng hơn đống lửa
- Thằng cu Đức đâu? Tiếng bác Đình bí thư. Ông ấy là bố vợ mày phải không?
Một chuỗi cười vang lên.
- Hết chỗ nói - Tiếng mẹ tôi - Thằng Nhọi định bắt tôi làm thông gia với nhà ông Trạch khùng đấy các bác các cô ạ.
Tôi biết mẹ đang cố nói nửa đùa nửa thật để khỏi bật khóc trước mặt mọi người. Mẹ ơi, mẹ có hiểu được nỗi đau trong lòng con không?

*

Nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện tân binh, nhờ chính sách ưu tiên tôi được chọn đi Hung-ga-ri học đại học quân sự ngành điều khiển học. Xong bảy năm đại học, tôi lại được ở lại nghiên cứu sinh tiếp ba năm. Mười năm ở nước ngoài, tôi trở về nước với tấm bằng học vị phó tiến sĩ.Gia đình tôi có bao thay đổi, bố chuyển về Hà Nội, đưa mẹ đã nghỉ hưu ra định cư luôn ở Thủ đô. ở làng tiếng tăm bố tôi oai lắm nhưng ở Hà Nôi bố tôi chả khác mọi người là mấy. Hai ông bà sống trong căn phòng mười sáu thước vuông khu tập thể năm tầng. Suốt đời xa nhau, về già tính tình bố mẹ càng có vẻ không hợp nhau, cơm thường chẳng lành canh thường chẳng ngọt. Không ai nói ra nhưng tôi biết cả, nỗi buồn chẳng biết tỏ cùng ai.
Hà Nội đâu phải là quê hương tôi nên chỉ sau vài ngày lang thang là cảm thấy chán. Mẹ giục tôi lấy vợ: " Để mẹ hỏi cho anh một cô dâu quê ta. Gớm, người quê ta bây giờ ra đây còn đông hơn cả người Hà Nội gốc."
-Từ từ đã mẹ ạ. Tôi nói bâng quơ. Con đi mười năm không hề biết tin tức của Nhàn...
- Trời ơi! Khổ thân con tôi - Mẹ kêu lên - Nó đi biệt tích từ bảy đời.
- Sao? Nhàn đi đâu?
- Nghe nói nó làm công nhân lâm trường trên mạn ngược.Chắc nó đã lấy chồng thổ mừ rồi. Quả là mẹ cũng không quan tâm lắm về nó.
- Sao mẹ nỡ...
- Thôi, nghĩ đến con bé nhà quê ấy làm gì. Mẹ thật không hiểu nổi, ngày trước anh mê nó như ăn phải bùa mê thuốc lú.Ai chẳng có thời nông nổi bồng bột. Hết đời bố anh mê bà Trạch đến đời anh mê con gái ông Trạch. Rõ vô phúc cho cái nhà...
Tôi lặng lẽ chịu đựng cơn bực dọc của mẹ. Nào ai hiểu được lòng tôi. Nhàn ơi, anh vẫn yêu em, chỉ mình em thôi. Chẳng lẽ em không còn nhớ.
... Đêm ấy, anh trốn đơn vị về làng tìm gặp em. Bầu trời muốn nát vụn vì tiếng máy bay quần đảo. Người làng đã xuống hầm trú ẩn. Em vẫn linh cảm được anh về, đứng chờ sẵn bên gốc thị... Trời, em của anh hiện ra như cô Tấm trong chuyện cổ tích. Anh lay vai em đang lả đi vì sung sướng: " Em chờ anh chứ? Hết chiến tranh anh sẽ trở về ". " Em sợ lắm, sợ xa anh. Em chỉ muốn được ở mãi bên anh như thế này ". Em tiễn anh ra giữa đồng Hên, cây đa trơ trụi hết cành vì bom phạt. " Ruộng nhà em đây. Bố em khổ một đời chỉ vì yêu quý từng này đất. Anh đừng giận bố. Em cũng không dám giận mẹ anh đâu. Chỉ cần anh yêu em là đủ, phải không anh?" " Đừng nhắc thêm tủi em ạ. Nhất định hai ta sẽ thành vợ chồng". " Anh ơi rồi chúng mình chẳng lấy được nhau đâu...Nhưng em sẽ chờ anh mãi. Chờ đến khi nào anh khinh, anh bỏ, em vẫn cứ chờ "... Anh lau nước mắt cho em. Cả hai không thể rời nhau được nữa, cùng mê cuồng trong khát vọng yêu đương, cùng lặng lẽ hóa thân vào nhau. Em trao hết hương nhụy thanh tân đời con gái cho anh, cố nén tiếng rên rỉ vì nỗi đau đớn trinh bạch, chấp nhận niềm sung sướng ngây ngất vì được dâng hiến. Hai ta quên hết cả đất trời, quên tiếng máy bay gào rú cùng tiếng bom tử thần vọng tới, quên nỗi đắng cay trong khi hai gia đình ngoảnh mặt chẳng nhìn nhau... Rồi em khóc nức nở: " Anh đừng coi thường em. Em chỉ muốn làm vợ anh. Nếu...Trời ơi... anh không về em sẽ để tang anh... " Lúc ấy anh vừa thấy thương em, vừa thấy buồn cười: " Anh không chết được đâu.Báo cho em mừng anh được đi học nước ngoài ". Em bỗng bừng tỉnh khỏi cơn mơ, kêu lên thảng thốt: " Ôi, em tưởng... anh ra chỗ hòn tên mũi đạn! Sao hồi nãy anh không nói cho em biết trước? " Anh không ngờ mặt em lại buồn, một nỗi buồn vời vợi đến khó tả. Đôi mắt đen nhìn anh lạ hẳn. Hình như em định nói với anh điều gì nhưng cứ nghẹn ngào mãi.Anh quỳ xuống chân em, chưa bao giờ anh thấy em đẹp như thế, nỗi buồn làm cho em đẹp thêm. " Nhàn ơi, anh ước hai đứa mình cùng hóa thành tượng đá để khỏi phải xa nhau". " Em sợ đến một ngày em phải quỳ dưới chân anh và chỉ một mình em hóa đá..."
Nhàn ơi, mười năm xa anh còn nhớ, lẽ nào em đã quên...
Suốt nửa tháng nằm chờ ngày lên đường ở trạm khách đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mình cãi nhau với lão Trạch. Những hình ảnh quái đản cứ diễn ra liên tục làm tôi phát ốm người. Có lúc tôi thấy lão đuổi tôi và Nhàn chạy vòng quanh cây thị, vung rìu bổ vào đầu tôi, Nhàn ôm mặt rú lên. Lão khoái chí cười ha hả đưa điếu cày hút sòng sọc phả khói cuồn cuộn. Tôi thét: " Ba sào ruộng ở đồng Hên là sở hữu của riêng ông! Em Nhàn là sở hữu của riêng tôi. Nhàn đã là vợ tôi!" Lão chĩa thẳng tay vào mặt tôi: " Quân bố láo phản phúc! Chúng mày tưởng muốn ăn cướp của ai thì cướp hả? " Lúc tôi lại mơ thấy Nhàn đẻ ra một đứa con trai. Hai mẹ con bước giật lùi, tôi chạy tới nhưng không thể nào với tới được. Một vầng sao chổi đột ngột quét ngang trời, chói lòa, tôi đứng trơ trước một khoảng trống vô tận tịnh không thấy một bóng người nào cả. Người ta bảo sinh dữ tử lành. Tôi không tin những giấc mơ có thật trên đời, tỉnh dậy nỗi buồn vẫn đeo đẳng làm héo mòn hết lòng dạ.
Trước hôm lên đường, tôi quyết định xin tạt qua nhà, để nói hết với mẹ. Thấy tôi về mẹ mừng quýnh quáng: " Con đừng hở ra với ai biết nhé. Người ta ghen tợ mình đủ chết. Với lại xã vừa nhận được năm giấy báo tử, mẹ đang thay mặt huyện ủy trực tiếp lo truy điệu. Thôi về thăm mẹ từng ấy đủ rồi. con đi ngay đi. Thế là mẹ thỏa lòng mong mỏi." Tôi hiểu lúc này không thể nói chuyện yêu đương với mẹ đành liều đi thẳng sang ngõ nhà Nhàn. Lão Trạch đang ngồi hút thuốc lào vặt, gật đầu nhìn tôi: " Mời ngồi, được nghỉ phép hả Nhọi? " Tôi lấy hết can đảm: " Dạ. Cháu sắp đi xa. Muốn sang thưa chuyện với cậu... "
- Ê hê... Lão cười nụ. Đó là việc của bố mẹ mày. Mày không phải bộ!
- Nhưng con và em Nhàn đã...
- Tao biết - Lão cầm điếu cày nhồi thuốc vào nõ, dứ cây đóm thắp lửa - Con gái tao không phải đồ thiu thối. Thôi mày đã sang, tức là có biết điều. Tao coi như con cháu, tao nói thẳng. Mày cứ lo phận mày, trai nam nhi hồ thỉ tang bồng. Chuyện ở nhà có người lớn.Mày còn khờ dại lắm, học được dăm ba chữ ở trường chưa thành người đâu... Mày có tật cần phải sửa, tự kiêu chuyện văn chương là điều tối kợ. Ngày xưa làng Che chỉ có ông nội mày biết làm thơ, thơ hay hẳn hoi. thấu hết cái tình sâu nghĩa cả. Đừng tưởng tao già ngu si đần độn, thơ mày đọc ông ổng như hô khẩu hiệu vận động vào Hợp tác xã làm sao thấu được lẽ đời... Hử, lạ cho thời nay, người ham làm thơ nhiều hơn người làm ruộng. Đến thằng Diến làm bí thư đảng ủy xã còn ngu, được ba chữ ranh bình dân học vụ, tết năm nào cũng động cỡn lên đọc thơ chúc tết trên đài truyền thanh của xã không biết dơ.Chúng mày ăn gạo sổ Nhà nước, biết hạt lúa củ khoai ngọt bùi từ đâu ra chưa?
Tôi ngồi chết lặng không dám ngước nhìn mặt lão. Muốn bỏ chạy mà không tài nào đứng lên, hai chân bủn rủn tưởng không có xương. Lão Trạch vẫn ngồi điềm nhiên phả khói thuốc lào, tiếng điếu cày rít lên nghe rợn tóc gáy. Trước mắt tôi là một lão Trạch hoàn toàn khác hẳn không phải là kẻ thô lỗ tục tằn, vai u thịt bắp suốt ngày quần quật ngoài đồng. Người tôi nóng ran, thôi chịu khó ngồi nghe lão chửi, miễn sao nhận được một lời hứa gả con gái cho là được.
- Mày còn phải bỏ cái tính du côn đi Nhọi ạ. Không ai mách, tao vẫn biết mày ném đá trúng đầu ông phó cối xóm Trại. Mày làm nhục tao, làm nhục người ta.
- Cháu xin lỗi, xin cậu tha thứ - Tôi bật khóc chắp tay khuợu xuống nhưng lão Trạch vội đỡ lấy, bàn tay lão cứng như cái kìm sắt.
- Miễn làm thế, miễn... tao đã bảo coi mày như con cháu, nên tao nói vậy. Sống ở đời, con người biết nói thẳng với nhau và biết nghe nhau thì lời nói đúng là gói bạc.
Lúc này tôi mới để ý, nhà vắng hoe, chỉ có tôi và lão Trạch ngồi đối mặt nhau. Bà Trạch cùng Nhàn đi làm cỏ vẫn chưa về... Thế là hết, tôi chỉ còn một cách xử thế duy nhất, đó là ra về. Tiễn tôi ra đến ngõ, lão còn níu lại dặn nhỏ:
- Bố mẹ mày làm quan nhà nước, tao làm dân đen, không môn đăng hộ đối âu cũng dễ hiểu. Chờ bên ấy hết quan hoàn dân thì con Nhàn nhà tao đã lên mốc lên meo rồi. Tao biết cái bụng mày thương con Nhàn. Tao thương mày! Thôi mày đi, con ạ, chân cứng đá mềm, vạn sự bình an. Nhà người ta có vài ba thằng, nhà mày có một, đi nhớ giữ gìn, thủ thân vi đại. Tội nghiệp, mày đi...
Mắt tôi mờ hẳn, nhìn đâu cũng thấy một màn sương màu đục phủ lên bờ tre, đống rạ, con đường làng... Một tốp đàn bà đi vào ngõ khóc inh ỏi, tôi nhận ra họ dìu bà Trạch và Nhàn rũ rượi như hai cái xác, chân lết lê thê trên mặt đất.
- Ông Trạch ơi! Thằng Chân, thằng Thành hy sinh rồi.
- Khốn nạn. Báo tử về cùng một lúc!
- Trời ơi! Làng nước ơi...

*

Tôi trở về làng Che một chiều đông heo may hun hút. Lòng tê tái nỗi nhớ người yêu. " Biết đến bao giờ gặp lại em yêu thời thơ ấu. Nói hết một lời cùng em bao ngày tháng xa..." Quê hương thay đổi nhiều. Đường quốc lộ nắn lại chia đôi làng ra hai nửa. Cái ao cá đầy bèo Nhật Bản năm xưa giờ nằm đúng tim đường, tôi nhận ra nhờ cây thị già vẫn còn đứng đó. Gốc cây sần sùi, trên chạc ba, bị chặt hết cành ngọn để khỏi đụng vào dây điện cao thế. Dằm đất nhà lão Trạch mọc lên tòa nhà bốn mái lợp ngói âm dương, bốn góc uốn lượn cong vút, tạo bốn đầu rồng. Trời chưa tối hẳn vẫn còn đọc được bốn chữ đắp nổi trên bình phong: Từ Đường Đậu Tộc. Thêm một dãy nhà ngang đổ mái bằng bề thế, sáng ánh đèn nê-ông xanh dịu, phía trong thấp thoáng bộ xa lông gỗ lát hoa màu cánh gián, tủ chè, sập gụ, bức hoành phi đề chữ nho sơn son thếp vàng.Văng vẳng tiếng nhạc phát ra xập xình vui nhộn.Không dám dừng lại lâu, tôi lần mò tìm ngõ vào nhà anh Diến. Nhà anh chẳng khác bao nhiêu so với ngày tôi đi. Mái rạ thay bằng ngói mới, bước lên thềm phải cúi khom người mới lọt qua cửa chính. Một đời phục vụ xã hội lúc về hưu cuộc sống anh tôi vẫn tạm bợ như lúc đương chức quyền. Bữa cơm có chai rượu đón người xa về. Dồn hết phần khoai độn cho các cháu, anh chị mời rối rít, tôi nuốt không trôi. Người anh Diến gầy quắt da bọc xương, bộ răng vẩu ra ám khói thuốc lào, lưng gù xuống, cổ rụt làm đôi vai so lại. Tôi lựa lời hỏi tin tức Nhàn. Anh đưa đôi mắt còn tỏ nhìn tôi xét nét cất giọng đều đều, vừa nói vừa thở khó nhọc:
- Nhà ấy vẫn thế chú ạ. Máu địa chủ còn nguyên xi. Lão Trạch một đời giả nghèo giả khổ, cu góp nhặt nhạnh chờ thời. Đùng một cái làm nhà thờ họ to hơn cả nhà thờ họ Chu ta.Lão xây thêm nhà mái bằng, tiếng là tiền của con cái đưa về làm nhưng đếch phải đâu. Của lão hết.Thằng Đơn thằng Giản chuyển ngành lấy vợ trong Nam giàu có lắm nhưng chỉ về xây lăng cho ông bà nội ngoại rồi biến luôn. Mỗi con Nhàn đi thanh niên xung phong, chửa hoang bị kỷ luật không dám về làng xin chuyển làm công nhân trồng bương lâm trường Vực Lồ... Mấy hôm nay vợ chồng con cái đưa nhau về thăm ông bà ngoại, đi xe Cúp đỏ chói, liên tục bày vẽ cỗ bàn mời họ hàng ăn uống lu bù. Khiếp, chúng nó tiêu tiền như nước.
- Chồng cô Nhàn người dân tộc phải không? Tôi hỏi giọng tắc nghẹn lại. Trời ơi, giờ anh mới về đây thì em đã có chồng.
- Ai bảo với chú? Người xóm Trại đấy thôi. Thằng Chiến cối, chú nhớ không? Anh Diến bĩu môi - Thằng ghê thật! Theo con Nhàn riết róng. Lấy bằng được chú ạ. Chửa hoang nó cũng lấy.
Tôi bàng hoàng. Thì ra con người có số mệnh. Chẳng ai chống lại được số mệnh. Cuối cùng chồng em vẫn là ông thợ đóng cối xay mà em từng sợ hãi tránh né... Anh đi xa biền biệt âu cũng là số mệnh, anh không có quyền trách em... Chao ôi, em đã thuộc về quá khứ và anh đã vĩnh viễn mất em. Làng Che thân thương, đêm nay cả hai ta cùng có mặt thế nhưng khoảng cách sao xa xôi quá, xa xôi hơn cả những năm tháng bặt tin em ở bên Hung. Làng Che không có băng tuyết mà lạnh lùng thế hở em?
Anh Diến nhắc khẽ:
- Chú về đúng dịp rất hay. Chuyến này ta phải cho thiên hạ trắng mắt ra. Cái quân ngậm máu phun người quen thói. Có vài đứa độc mồm xì xào bậy bạ, bảo cái thằng đầu con hoang của con Nhàn giống chú như lột. Mẹ kiếp, tôi truy ra thằng nào, tôi vặn răng.
Dù đang ngồi sưởi bên bếp lửa, tôi bỗng rùng mình, hai tai ù đặc. Trời, đứa con trai! Đứa con trai của anh và em có thật ư, Nhàn? Bỗng giấc mơ kinh hoàng ngày xưa trở lại. Bỗng câu nói đau đớn ngày xưa trở lại. Em ạ, anh xin quỳ hóa đá dưới chân em, nếu đứa con là điều có thật. Không! Không có gì để nói với nhau nữa Nhàn ơi. Anh chỉ muốn nhìn thấy gương mặt em, nhất là gương mặt con trai của hai ta.
Xin em.... Ngàn vạn lần xin em...
1989