Xây nhà không phải là xây nhà mà là tu luyện cho thành nhân. Thành nhân ví với xây nhà bởi vì ngoài hai chiều rộng và sâu, nhà còn cần chiều cao nữa, con người cũng thế không chỉ hạn cục ở cái sống sinh lý chiều ngang mà còn cần chiều dọc vô biên. Nhà còn có một sự giống nhân tính ở chỗ che phủ cả bản thân mình, bảo tồn luôn các vật dụng của mình nữa, do đấy đem lại cho người ở một cảm giác thân mật tư riêng, một sự an toàn… Vì những lý do ấy nên Minh triết đem tiếng nhà để chi nhân tính. Nhà phải xây mới có, thì đạo người cũng phải tu luyện mới thành, xây nhà là tu Đạo. Đấy không phải là một biểu tượng lý trí suông mà trước hết đã là một sơ nguyên tượng nghĩa là từ tiềm thức xuất hiện. Chúng ta biết được thế nhờ khoa tâm phân. Khoa này năng gặp thấy hình ảnh cái nhà trong các chiêm bao. Chiêm bao là ngôn ngữ của Tiềm thể nói về trình độ hiện thực của nhân tính nơi người chiêm bao. Nhân tính là cái gì bao la như vũ trụ, cũng gọi là chiều dọc, chiều tâm linh, vì thế mơ quen làm xuất hiện hình ảnh cái nhà để chỉ thị. Và khi nói "Vị nhập ư thất dã" là trỏ vào trình độ người chưa đạt nhân tính. Nho triết quen chia cuộc tiến hóa con người ra ba đợt là nói lên tính chất nhân linh đó, nên muốn biết Người cần phải biết cả chiều kích tâm linh nọ, và đó là cái biết cao cả của minh triết. Khổng Tử nói "tri nhân tắc triết" là muốn trỏ vào cái biết "chu tri" gồm cả ba chiều đó. Có chu tri mới xây được nhà, mới thành được nhân. Nếu chỉ biết có cái biết lý trí hàng ngang thì có xây đại lên rồi cũng sụp đổ, vì thiếu chiều cao. Ngoài lương tri hướng dẫn, con người đó không biết chi về Đạo. Hiện tại nhân loại đang chứng kiến sự sụp đổ của quan niệm hàng ngang về con người. Con người thời đại cảm thấy xao xuyến bơ vơ như tâm trạng những người không nhà, không chốn để về. Đó là bi trạng vong thân hay bi trạng con người lìa xa nhân tính. Để tìm bài thuốc chữa bệnh thời đại không gì bằng làm phục hoạt lại quan niệm của triết lý Nho Việt về con người. Vì đó là một quan niệm nhân bản tam tầng của Hòa thời gồm: minh đường, thái thất, huyền đường. Theo nguyên lý Hòa thời nên triết lý đó đã được thấm nhuần vào lối đặt tên của người Viễn Đông. Phải đặt tên thế nào để có sự tương hợp với con người lý tưởng. Con người lý tưởng cần phải có cái chi riêng tư mà cũng không thiếu cái phổ biến, tức là đem vấn đề hôn phối giữa gian thời với phi thời áp dụng vào việc đặt tên, cho nên tên nào cũng có ba phần, đôi khi chỉ có hai chữ những cũng hàm ngụ đủ cả ba và ta quen gọi tất cả là tính danh. Danh là tên riêng của mỗi cá nhân. Một cá nhân là đợt bị giới hạn hơn hết trong gian thời: sống lâu chừng 70 năm trong một không gian bé nhỏ. Vậy làm thế nào hợp với con người Đại ngã tâm linh. Thưa phải thêm Tính vào danh. Tính là họ là dòng tộc. Dòng tộc sống qua nhiều ngàn năm và tỏa ra trên một không gian rộng nhiều ít tuỳ số cá nhân trong dòng tộc. Dòng tộc sẽ được tiếp nối bằng dân tộc, cũng như dân tộc sẽ mở vào nhân tộc của tứ hải giai huynh đệ. Nhưng muốn có tiến trình mở rộng đó không bị vướng mắc thì tính phải thêm đức cũng gọi là Tinh nhưng lần này viết với bộ tâm có nghĩa là đức hiểu là linh lực phát xuất từ Tiềm thể vô biên, chính nó đem lại chiều dọc cho danh tính đặng móc nối cá nhân, dòng tộc, dân tộc, nhân tộc với vũ trụ của huyền đường, còn tính viết với bộ nữ tương hợp đợt thái thất. Danh với đợt minh đường. Như thế "xây nhà thái thất" là phải hiện thực được yêu sách cả ba tầng. Nếu dừng lại đợt Danh thì sẽ rơi vào cá nhân chủ nghĩa: vinh thân phì gia không kể tới ai nữa. Nếu dừng lại nơi tộc học thì sẽ mắc vào óc thị tộc, quốc gia hẹp hòi hay là quốc tế đoàn lũ, hi sinh mất gia đình và tu thân kiểu người mácxít. Còn nếu chỉ biết có tính đức thì sẽ xuất để chỉ biết có thiên nhiên có những lý tưởng phổ biến trừu tượng kiểu những triết học lý niệm suông, không đâm rễ vào gian thời. Khi thực sự "nhập ư thất" tức hiện thực được nhân bản tam tầng thì trước hết vừa bảo trì được tự thân cũng như gia đình là không gây phương hại đến gia đình khác, phụng sự nước mình mà không làm hại nước khác, không vì ái quốc mà lấp lối giao thông với nhân loại. Tuy nhiên cá nhân, gia đình, quốc gia, quốc tế vì nằm trên bình diện ngang vũ nên phải theo luật không gian là độc hữu vì mỗi chỗ chỉ chứa đựng một người, một vật, và không thể khác. Bởi vậy cần có trụ. Trụ không hủy bỏ được vũ, tức không làm cho một không điểm chứa được hai người, nhưng ngăn cản cho một người chiếm hai ba không điểm. Ngăn trước hết bằng cách hướng nhân dục vô nhai vào thập tự nhai, tức hướng cái vô biên vào phía vô biên, để nó khỏi tỏa ra phía hữu hạn, là chiếm đoạt cho nhiều làm bế tắc con đường chu lưu giữa ba đợt tiến, vì thế cần làm sao cho con người tham dự vào được Huyền dương là dòng sống vô biên. Một khi hợp vào được luồng sống sinh sinh đó sẽ có linh thuỷ chảy tràn xuống các tầng dưới giúp cho gia đình trở thành nơi tu luyên thân tâm, quốc gia trở nên bậc thang giúp thành tựu nền huynh đệ phổ biến. Muốn đôn đốc vào việc đó thì một nước phải thiết lập nền giáo dục có đạo lý làm người và các thể chế tương hợp, thiếu điều đó là thiếu cái vòng tròn của tính để bao lấy cái hình vuông to là quốc tế, quốc gia, nhỏ là dòng tộc gia tộc và nhỏ nữa là cá nhân. Nhân loại đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng là vì nền giáo dục hiện đại thiếu đạo lý làm người. Đạo lý lung tung thì vô kể nhưng Nhân đạo thì không. Đó là đại ý khái niệm "xây" và "nhà". Bây giờ chúng ta bàn đến khái niệm "ở" hay "ở đời" (từ trang 367 Chữ Thời đến hết sách xin bỏ cả để thay vào bằng những trang sau đây) Ở ĐỜI Ở đời không phải chỉ ở trong một nhà. Đó là lối ở của cá nhân chỉ ở trong một nơi nhất định là gia đình, lo lắng trọn vẹn cho việc vinh thân phì gia, không kể chi tới điều lợi hại cho các gia đình khác, cho cả nước và các nước khác… Đó mới là "ở gia đình" chưa là ở đời. Ở đời cũng không phải chỉ ở trong một dòng tộc, hay cả một quốc gia nữa. Đây cũng vẫn còn là lối ở hạn cục chưa phải là ở đời. Muốn ở đời thật sự phải đạt tâm trạng có thể tự nhiên cảm nhận được rằng "vũ trụ nội mạc phi phận sự" trong vũ trụ không gì là không phải phận sự tôi Bất cứ vào việc nào chưa ổn, dù ở nước khác, nhà khác tôi cũng có liên can, tự thâm tâm cảm thấy như thế mới đáng gọi là ở đời, đây là một đức tính cần tu luyện vun tưới mới có được, và mới bảo đảm cho nội dung chân thực của nó. Khi ta thấy người khác đau khổ, chịu bất công, bị đối xử tàn tệ, lòng ta cảm thấy bất bình… Ta liền muốn làm một cái chi để phản đối, để trợ giúp để san bằng những bất công xã hội… Đấy chưa hẳn là "ở đời" và hầu hết mới chỉ là sự khởi đầu mà Mạnh Tử kêu là đoan (tứ đoan là trắc ẩn, tu ố, từ nhượng, thị phi. Mạnh Tử II-5) nên nhiều khi sự bất bình phản đối kia nằm lì tại trong "dự phóng căn bản" hay chỉ bùng lên trong một hai cử chỉ tượng trưng "làm việc xã hội"… rất dễ đọa lạc ra một lối làm ăn có miếng mà cũng có tiếng: tiếng là xã hội, miếng là túi riêng. Muốn cho đầu có đuôi tức việc xã hội có nội dung chân thực thì cần phải tài bồi vun tưới khởi đoan bằng học thâm sâu đạo làm người… bằng đôn hậu những mối tình cao thượng. Cao thượng theo nghĩa an vi, thấy đáng làm thì làm mà không cần mong lợi… Đó là lý do tại sao triết lý Nho Việt đặt nặng tình người hơn hẳn lý sự. Đấy là nét đặc trưng chớ nên coi thường, nhưng cần được vun tưới. Lấy đại cương mà nói thì ba tầng Nhà có thể đội tên khác là Địa, Nhân, Thiên, hoặc gọi bằng cách sát gần con người là lý, tình, chí. Khi ta đề cao Thái Thất là ta nhấn mạnh tình người. Ta không nhấn mạnh lý vì lý đi với sự với địa. Nói khác đã là lý thì phải có ý niệm, mà ý niệm là một hình ảnh sự vật luôn luôn lệ thuộc không gian trải dài ra, đã xảy ra trong dĩ vãng. Vì thế quan trọng hóa lý niệm là đặt nổi địa, đặt nổi vũ mà bản chất là đã ở đây thì không ở kia, có trước thì khỏi còn có sau, không ở khắp hết, nên duy lý không "ở đời" nghĩa là không ở khắp hết. Viễn Đông cũng không chuyên chú đến chí của huyền đường thuộc thiên, tuy vẫn coi đây là nấc cao nhất của Thái thất, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực sự đạt được huyền đường. Sao cho Huyền đường có nội dung chân thực. Nếu không thì chỉ là hướng tới, nghĩ về, nói đến, và lúc ấy lại là tầng lý sự, nghĩa là mượn lời mượn ý để nói về đợt rất cao mà thực sự tâm hồn chưa cảm thức được, nên cuối cùng vẫn là một thứ chiếu giãi hình ảnh dĩ vãng vào tương lai rồi gọi đó là chí cực, hay là huyền không u tịch chứ không phải là huyền đường. Muốn lên huyền đường thật sự cần phải trèo núi tự thấp: tự dưới đi lên, tự ngoài đi vào, mà ngoài là lý trong là tình, và khi tình đã thâm thì văn mới minh. Văn minh hay Huyền đường hay Văn Đạo cũng là một, đều chỉ đợt sâu thẳm cùng cực đến nỗi giữa lý sự với Huyền đường là cả một vực thẳm, khó lòng vượt qua. Có thể cứ luận bàn mà sang qua được chăng? Triết lý Nho Việt không chối lý sự nhưng nhấn mạnh trên tình người. Đã nói đến tình là không thể đóng khuôn vào lý với lời, nên cố tình đóng khuôn là những người lấy hộp đựng gió, gió chỉ có khi di chuyển, tình cũng thế chỉ khi rung động thực mới là tình. Vì thế mà tình không có giới mốc thẳng băng nhưng nhập nhằng trồi sụt. Muốn đạt tình thì phải sống, phải cảm nghiệm, và khi cảm nghiệm sung mãn toàn thân thì gọi là thể nghiệm. Và đấy là "ở đời". Vì ở đời là ở khắp trong vũ trụ. Nhưng con người bé nhỏ làm sao hiện diện khắp nơi. Thưa không hiện diện bằng thân xác nhưng bằng cách thế sống: khi nào sống trọn vẹn, sống tròn đầy thì đấy là ở khắp nơi gọi là "ở đời" hoặc mượn danh từ khoa học mà nói thì ở đời là hiện diện với toàn thể dịch trường của mình (être présent à tout son champ) mà muốn hiện diện với toàn thể dịch trường thì ý trường, tình trường, chí trường chưa đủ, cần phải có tâm trường. Tâm trường cũng gọi được là Hằng tâm. Hằng tâm là bậc tối hậu gồm cả cảm xúc, ý tưởng, cảm tình, lòng thành tín, say sưa, nguyện vọng tha thiết… tất cả làm nên một lò phát điện tung ra chung quanh những làn sáng nóng đầy sức tác động mà ta quen gọi là khu vực ảnh hưởng. Khu vực đó ai cũng có hết nhưng tầm hoạt động hẹp rộng, và cường độ yếu mạnh, thể thái êm và sâu hay ào ạt mà phiến diện… là tuỳ với phân lượng các yếu tố cấu thành nó, người tinh mắt có thể biết được y như các nhà thiên văn phân tích dịch trường của ngôi sao mà biết được các hóa chất cấu tạo ra sao vậy. Phân tích tác trường của các vĩ nhân ta có thể đo lường phần nào sự pha độ của các nhân tố làm nên nó. Ta thấy trong các vị đã gây ảnh hưởng vào lịch sử nhân loại rộng lớn và lâu bền nhất thì đứng đầu không phải là các triết học gia, càng không phải là các nhà bác học là những người đại diện cho lý trí, họ còn kém cả thi sĩ đại diện cho tình cảm, nhưng trước hết là những người có một tâm hồn thành khẩn tiến tới một đích điểm như nước lũ cuồn cuộn chảy, lôi cuốn luôn những vật ngàng đường để trôi băng ra đến đại dương. Anh hưởng đó có khi ơn ích có khi gây hại nhưng giống nhau ở chỗ mãnh liệt, phát xuất do cảm quan bén nhạy, ý chí sắt đá, tình tứ dồi dào… khi nào lòng say sưa thành khẩn đó được phụ tá bởi lý trí sắc bén, và tình cảm mãnh liệt thì bấy giờ gọi là hiền triết có một tâm trường với khả năng phát huy sinh lực êm đềm nhưng thật là thấm thía sâu xa bền bỉ. Nền đạo lý Viễn Đông đã được hướng vào loại minh triết này; ngoài là lý nhưng trong là tình, khi tình thâm thì văn sẽ minh để chiếu ra những luồng ánh sáng minh triết gây nên nhân ái chân thực. Tình là cửa đi vào tâm nghĩa là đi vào con người toàn thể. Tác lực của tình mạnh hơn lý có cả trăm lần. Vì thế nhấn mạnh tình người tức cũng là nhấn mạnh trên sự hành động. Hành động ở độ cao nhất là tự cường. Trời cũng chỉ đến đó là hết cỡ. Kinh Dịch nói "thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức". Bốn chữ "tự cường bất tức" giải nghĩa ba chữ "thiên hành kiện". Hành kiện là hành hạ mà không lệ thuộc vào sự vật như đối tượng gọi là an hành hay an vi. Khi con người muốn hành kiện thì phải tránh sự lệ thuộc vào đối tượng, để tránh đối tượng thì chớ diên trì lại trong ý niệm vì ý niệm là hình ảnh mà hình ảnh bao giờ cũng gắn liền với không gian, nên diên trì lại đó kiểu ý hệ chấp nhận sự làm nô lệ cho đối tượng mà không là tự cường. Sự lệ thuộc đó có thể mặc hai hình thái là lệ thuộc vào địa hay thiên. Nếu dựa theo ý niệm là lệ thuộc địa thì lệ thuộc thiên là chiếu ý niệm đó vào tương lai. Sự chiếu giãi chỉ đổi dạng thức mà không đổi bản chất nên cả hai đều dẫn tới vong thân. Vì thân chân thực bao gồm cả trời cả đất, nhưng với ý hệ thì thiên địa bị phóng giải ra ngoài, khiến cho trời bị quan niệm ở xa trên cao xanh tắp tít, không liên hệ với người nữa. Trời đất mà quan niệm kiểu đó sẽ quay lại tha hóa con người. Khổng Tử trả lời "khắc kỷ phục lễ, vi nhân", nghĩa là bước đầu tiên là phải chinh phục cái mình ra khỏi gông cùm của thiên địa đã, rồi mới bàn đến những chuyện sau. Nói khác phải làm sao sống sung mãn như cảm thấy trời đất giao hội nơi mình thì mới "tự cường bất tức" được. Muốn cho cảm được trời đất đủ nơi mình thì không phải là quan niệm về trời cao đất thấp, nhưng chính là thuận theo Tiết nhịp uyên nguyên của trời cùng đất, cảm nghiệm được ngay trong mình: nhịp ra là đất nhịp vào là trời, khi nào mọi mối tình "hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục phát nhi giai trúng tiết" thì tức là trời đất có đủ nơi mình. Đấy là cảm thức của con người phổ biến, cũng gọi là thiên dân, l'homme universel có một tâm hồn mở rộng bao la như vũ trụ. Đã bao la như vũ trụ thì còn cái chi bên ngoài nữa để mà phải lệ thuộc, nên tự nhiên cảm thấy tự cường, tự tại an nhiên. Cũng là quan niệm trời với đất mà có thứ tha hóa con người, có thứ đưa con người lên cực cao ở đợt tam tài ngang hàng với trời với đất. Xem thế đủ biết cần phải minh biện để tìm hiểu chỗ khác nhau. Theo quan niệm chữ Thời ta biết có thứ thiên địa ly cách, có thứ thiên địa chi giao. Địa ly cách khỏi thiên đi với ý niệm là những hình ảnh sự vật đã qua và xuất hiện như những thành kiến lễ tục, dư luận, tiếc xót… tất cả đi với địa và được dồn vào danh từ chung là lợi nên hay nói địa lợi. Khi con người tuân theo những ý niệm đó thì gọi là gian thời, thế thời mà mất tự chủ. Còn thiên ly biệt thường xuất hiện dưới tác động ảo mộng, mong ước, chờ đón, phập phồng, lo âu, khắc khoải. Đó là một thứ thiên giả tạo rập theo mẫu địa, và bởi đấy cũng mang theo tính chất đàn áp con người, làm mất tự chủ tính của nó. Chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó mỗi khi chờ đợi mong mỏi thì thấy thời gian rất dài: lý do là vì sự mong chờ đó gây nên do những hình ảnh đã thâu nhận, nó có tác động đuổi anh ra khỏi thực tại bằng quăng anh vào tương lai. Tương lai không có, nên anh phải trở về dĩ vãng kiếm tài liệu: tâm trí cứ phải khó nhọc lao tác trong việc đưa thoi như thế không phút nghỉ ngơi, nên cảm thấy lâu y như người trong tù coi một ngày bằng ngàn năm tại ngoại. Ý niệm mong chờ vọng tưởng… cũng là một thứ lao tù tước mất quyền tự chủ của những ai để mình tự trồi theo nó. Muốn tự chủ tự cường thật sự thì con người cần ở lại trong phòng mình là hiện tại. Nhân có ba tầng thì hiện tại cũng có ba tầng và khi đạt tới tầng sâu nhất thì là hiện tại miên trường, đợt nông nhất là cảm xuc, bốc đồng; bậc giữa quan trọng hơn hết gọi là Cơ. Cơ là sự khởi đầu của sự động tĩnh giao thoa, nhưng còn quá tế vi nên rất ít người nhìn ra được. Ai thấy được và khi thấy liền hoạt động theo thì là quân tử: "quân tử kiến cơ nhi tác". Như thế Cơ chính là lúc Thiên địa khởi đầu giao hội, và khi nói Thiên địa gai bị ư kỷ, thì phải hiểu về Thiên địa chi giao này, chứ không phải là thứ thiên địa ly biệt đã nói trên. Vì nó ly cách nhau nên chống đối nhau làm mất mối tương giao là đánh mất người, hay là con người đánh mất mối hội thông, mất khả năng tham tán với trời đất, mà chỉ còn chầu rìa cách thụ động thì tất nhiên cảm thấy khổ sở xao xuyến, thấy thời gian dài dằng dặc. Chính trong ý đó mà Kinh Dịch nói "thượng hạ dịch ứng bất tương dữ dã" (quẻ Kiền) == "trên dưới chọi nhau là mất tương giao vậy'. Như thế Cơ là đầu mối của giao thời của Hòa thời, nên đầu mối của Hòa thời là "hành kiện" là "đốc hành". Triết lý Nho Việt không chuyên chú luận về bản thể, nhưng nhắm tới an vi là do lẽ đó. Khi chúng ta làm việc hăng say để trọn hết tất cả cảm xúc, tâm tình, ý chí, nghĩa là toàn thể con người cũng hiện diện trọn vẹn trong một việc ta đang làm, vậy là cách hiệu nghiệm nhất để đạt được Hòa thời. Hòa thời "pha trộn" phi thời với gian thời. Gian thời đo bằng đồng hồ có tính cách máy móc không thể rút vắn, vì nó theo luật vũ thuộc địa. Phi thời là siêu ra khỏi gian thời, không còn thể đo đếm được nữa, đó là Trụ thuộc Thiên. Khi đem trụ dồn vào vũ để làm ra vũ trụ thì ta sẽ được một thứ thời gian có tính cách co giãn như cao su: dài vắn tuỳ tâm. Đấy gọi là Hòa thời. Ta có thể cảm thấy Hòa thời trong những lúc làm việc hăng say thí dụ đang hứng ngồi viết lia lịa những tư tưởng tràn lên. Đột nhiên nghe hiệu báo đến giờ rồi. Giờ mới giấc chi mau qua thế. Ủa! Mà ra thật, quả là đến giờ rồi, hai tiếng đồng hồ đã trôi qua, đồng hồ hôm nay có lên giây, nó không chết, từ phút một, phút một nó đã đi hết một quãng đường từ mười giờ tới trưa và đó, cả chục trang giấy viết rồi đây này, phải có thời giờ mới viết được bấy nhiêu trang chứ. Vậy sao lại không cảm thấy lâu. À thì té ra Hòa thời là thế đó. Hòa thời là ở trong gian thời mà không thấy thời gian kéo dài ra. Hòa thời chi nghĩa đại hĩ tai! Nó hé mở cho ta thấy một lối giải thoát khỏi gian thời, một khả năng linh thiêng để sống trọn vẹn lưỡng nhất tính của con người: vừa ở trong gian thời vừa muốn bay bổng vào phi thời trường cửu. Đó là hai ước vọng trái ngược nhau như vuông với tròn, làm sao lồng vào một. A thì ra là Hòa thời mang đến cho giải đáp rồi đó: làm được việc đòi lâu giờ mà không cảm thấy giờ lâu. Khả năng co dãn vừa dài vừa vắn đó phát xuất từ sự làm việc hăng say thành khẩn. Vậy thì đường lối đi lên Hòa thời là làm việc với cả tâm hồn, đặt vào việc tất cả ý, tình, chí hầu có thể làm cách sung mãn đến độ không còn lệ thuộc vào đối tượng vào hậu quả, đến nỗi thất đắc vốn dính liền với vũ không thể ảnh hưởng quyết liệt tới sự hăng say, không làm suy giảm nhiều cảm thức của cuộc sống sung mãn tròn đầy. Trải qua bao ngàn năm lịch sử từ họ Hồng Bàng, tổ tiên Lạc Việt đã giữ vững được chí tự cường: thắng không kiêu, bại không nản… chính là sống theo nền Minh triết Hòa thời. Điều đó được hàm ngụ ngay trong cái nhà Việt Nam mà nhà bác học Cadière đã ghi nhận là nó giống một cái nhà thờ. Ta có thể nói đó là sự hiện thân của ngôi nhà Minh Đường cùng một mẫu với thái thất, vì gian giữa là bàn thờ tiên tổ. Rõ ràng là Trung cung của Hồng phạm, chỗ ở của mối Tương Quan viết hoa nối kết người đang sống với muôn thế hệ trước, lên tới tận văn tổ, nên có thể nói bàn thờ đó với lễ gia tiên là một cái thang cho mỗi cá nhân sống trong gia đình nương theo mà bước lên, lần qua các tổ cho tới chỗ giao hội của Thiên, Địa, Nhân. Ý nghĩa chữ "Phục Lễ" là thế: Phù: Lễ tất bổn ư Thiên Động nhi chi Địa Liệt nhi chi sự Biến nhi chi Thời (Lễ vận VII.5) Này: Lễ tât xuất từ trời Hình hiện vào đất Phát xuất ra muôn việc Tất cả phải theo Thời mà linh động." Đó gọi là sống theo Hòa thời, cũng là theo Điển Lễ "Lễ chi dụng hóa vi quý" L.N I.12. Câu nói thâm thuý đến ba tầng, nhưng xưa nay câu unày thường chỉ được hiểu ở đợt luân lý: lễ là cốt làm cho người ta hòa thuận với nhau. Lâu lâu có người hiểu lên đợt hai là sống cho hòa với thời tiết. Còn một nghĩa đợt ba nền tảng nhất là "cái dụng của lễ là để cho trời đất hòa nhau (nơi người), nói khác là để cho gian thời hòa với phi thời, phải nói thế mới đủ sâu, nhưng sâu đâm ra quá tổng quát nên lại cần xé nhỏ ra bằng quy định thêm rằng "liệt nhi chi sự" == chia nhỏ ra thành "lễ nghi tam bách uy nghi tam thiên" T.D.27. "Ba trăm lễ nghi, ba ngàn uy nghi". Nhờ chia ra nhỏ thì dễ hiện thực, nhưng lại mở đường cho các tiểu nho xa lầy vào những tiểu tiết vụn vặt; chỉ có quân tử Nho mới thấy được "ba trăm, ba ngàn" chỉ là con số tam tài, người quân tử chỉ cần có cái bổn gốc còn việc chi tiết lặt vặt nên để cho các nhà chuyên môn (quân tử sở quy hồ đạo… biên đậu chi sự tắc hữu tư tồn L.N.VIII.5), nếu không nắm được bổn gốc là nhân thì lễ mà làm chi. "Nhân nhi bất nhân như lễ hà" L.N.III.3. Nhưng vì Nhân là Hoàng cực nên cũng bao hàm lý tưởng làm việc thấu đáo cùng cực: trong bất cứ việc gì đã làm là làm cho tới chí cực "quân tử vô sở bất dụng kỳ cực" ĐH.2. Làm được tới cùng cực là theo được lễ, ngược lại không theo được lễ là "cẩu thả". Chữ cẩu thả nói đến trong Luận ngữ XIII.3 "quân tử ư kỳ ngôn vô sở cầu nhi dĩ hĩ", quân tử trong lời nói không thể cẩu thả, nghĩa là phải theo lễ, theo đức. Việc nào cũng thế. Người theo lễ phải làm hoàn hảo bất cứ việc gì đã bắt tay vào. Ta coi thường chữ cẩu thả, và chữ lễ là tại không biết móc nối chúng với nền minh triết Hòa thời, nền minh triết đó đưa ra phương thế vược gian thời bằng "an hành" tức làm cho tận tình, ý, chí bất cứ việc gì. Đó gọi là lễ, ngược lại là cẩu thả. Trong các việc phải làm thì quan trọng hơn hết là Vi nhân. Nhưng vi nhân là câu nói quá mung lung nên thường lấy nền tâm lý thực tiễn là chữ hiếu, người quân tử chú trọng đến bổn gốc, bổn đã lập xong là đạo tự nhiên sinh. Vậy bổn gốc tâm lý của đạo làm người là Hiếu Đễ. "Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dư" (L.N 12). Hiếu tới cùng cực thì không những lúc sống mà cả lúc chết, không những với tổ gần mà cả với tổ xa, cùng cực xa gọi là văn tổ. Khi đạt văn tổ là đạt tới thiên địa chi giao, bước một chân vào một cuộc đại diễn của hiện tại miên trường biểu thị bằng bốn chặng: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nhiều nhà Việt nam trang sức bằng những bức long, li, quy, phượng, là nói lên bốn đợt tiến hóa cua Đại thời Đại không, làm như thế là dùng tiêu biểu để giúp cho mình ở vào chính chỗ của mình: "Tương hiệp quyết cư" đặng "cư chi quảng cư" hầu có được cái linh cái thần tức sự cùng cực phải gắn liền với việc hiếu, việc nhân, đầu mối của hết mọi việc. Được thế gọi là nhân linh. Nhân đã linh là đã vi nhân, mà đợt đầu phải là "sĩ đắc kỷ" (Mạnh tử VII). Người đi học phải biết đắc kỷ. Muốn "đắc kỷ" phải "khắc kỷ" để dành lại kỷ khỏi tay trời đất đặng đem về mà "Mậu kỷ" == là nuôi dưỡng vun tưới bằng cách "phục lễ" cho tới lúc có thể "vị kỷ" L.N. Theo nghĩa cảm thấy được vạn vật đầy đủ nơi mình "bị ư kỷ" T.D 1, khỏi cần vị cái chi khác bên ngoài: được như vậy là "vi nhân". Vi nhân là đem phi thời thẩm thấu vào thâm tâm gia đình, quốc gia, quốc tế; hễ đạt thì gọi là thân tu, gia tề, quốc trị, thiên hạ bình. Được như thế là trọn nghĩa "Ở Đời" đó. Trong quyển Chữ Thời có dùng thuật ngữ "Một thời gian ở một không gian đời" là để phân biệt với những thứ "thời gian không ở", như dĩ vãng hay tương lai, người ta chỉ nghĩ tới, bằng ý niệm chứ không ở khi hiểu ở là hiện diện toàn triệt với tất cả năm cảm xúc, vị, khiếu, thị… đều có mặt, cho nên chỉ có lúc bây giờ là mới "Ở" được. Còn khi nói "một không gian đời" là muốn nhấn mạnh tới không gian ấm cúng ăm ắp tình người như không gian thi sĩ với lối ở thênh thang như con bướm lượn giữa muôn hoa, nó rất khác với những không gian trống trải lạnh lùng, vắng bóng những tình nhân chân thực của những con người đã bị ứ đọng lại một nơi nào đó như hình ảnh này, ý hệ kia, đó là "trệ ư nhất phương phi thân dã". Thần phải vô phương: "vô hồ xứ giả". Để không đâu không ở. Đấy gọi là một không gian đời. Người chỉ nghĩ đến tiền, tài, gia đình… chưa đạt "một không gian đời". Có một không gian đời là những bậc thánh triết với tâm hồn quảng đại bao la như vũ trụ, tự thâm tâm cảm thấy "vũ trụ tiên thị ngộ tâm". Tâm với vũ trụ như ảnh với hình không rời nhau nữa, có thể nói các ngài có tay vươn xa tới khắp nước, khắp châu, khắp thiên hạ. Cái vũ trụ quan các ngài dựng nên có tính chất cơ thể nên đâu đâu cũng là thân mật, cũng là yêu đương, cũng là nhà, rách lành đùm bọc… Khác với vũ trụ quan có tính chất cơ khí lạnh lùng, cái chi cũng thấy xa lạ, thù nghịch, không có liên hệ nào cả nên cần phải chinh phục. Những người ấy đâu có một không gian đời.